Lớp học cuối cùng

PHUƠNG TIIỆN NGHE NHÌN

Nhóm phóng viên truyền hình phụ trách chương trình Câu chuyện hàng đêm trở lại lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng. Toàn bộ diễn biến của sự việc đã hoàn toàn khác - giống như một cuộc chia tay xé lòng hơn là một cuộc phỏng vấn. Trước đó, đích thân Ted Koppel gọi đến vài lần.

"Thưa giáo sư, ngài có ngồi nổi suốt đợt phát sóng hay không?" Ông ta cẩn thận hỏi.

Thầy Morrie không chắc lắm:

"Bây giờ tôi mệt mỏi luôn, Ted à. Tôi nghẹn thở hoài. Nếu tôi không thể nói được câu nào thì anh nói giùm tôi được không?"

"Được thôi, thưa giáo sư!". Koppel chấp thuận.

Nhưng không hiểu sao kẻ nổi danh "máu lạnh" này bỗng chêm vào:

"Nếu ngài không muốn thì thôi vậy, nhưng dù sao thì chúng tôi cũng sẽ đến để chào ngài lần cuối”.

Xong xuôi, thầy cười toe toét một cách láu lỉnh:

"Ta sẽ thâu phục hắn cho mà xem".

Giờ đây Koppel đã xem thầy như "một người bạn". Vị cựu giáo sư của tôi thế nào mà đã tỉ tê dụ dỗ được cả đại diện của giới truyền thông đại chúng.

Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn vào chiều thứ Sáu, thầy Morrie vẫn mặc cái áo sơmi từ hôm trước. Thầy thay áo cách ngày - và hôm nay không phải là ngày thay áo như lịch trình thì việc gì phải xáo trộn nề nếp (!).

Không giống như hai cuộc phỏng vấn Koppel-Schwartz trước đó, lần này diễn ra hoàn toàn trong phòng làm việc của thầy. Lần đầu gặp thầy tôi, Koppel - còn ôm hôn được - nhưng bây giờ ông ta phải chịu bị "xếp cá mòi" sát bên kệ sách ngõ hầu máy camera có thể thu trọn hình.

Trước khi bắt đầu, Koppel hỏi thăm tình hình sức khỏe thầy:

"Thưa giáo sư, ngài cảm thấy sao ạ?"

Thầy nặng nhọc giơ một tay lên ngang bụng. Chỉ được đến cỡ đó!

Koppel đã có câu trả lời.

Máy quay bật lên, lia khắp phòng - buổi phỏng vấn thứ ba bắt đầu.

Koppel hỏi thầy có sợ hãi không khi cái chết sát sườn. Thầy bảo "không". Thật ra thầy đã bớt sợ hơn, cơn sợ không còn rõ mồn một nữa. Thầy bảo mình đang cố phớt lờ thế giới bên ngoài, không cần nghe đọc báo, chẳng thèm để ý đến e-mail hay thư từ - thay vào đó, chỉ nghe nhạc và nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm lá cây chuyển màu.

Nhiều người khác cũng vướng phải căn bệnh ALS như mình - Thầy biết lắm chứ - Và không hiếm người trong số họ tăm tiếng nổi như cồn. Đó là Stephen Hawking, nhà vật lý đại tài, tác giả cuốn Lịch Sử Thời Gian. Cả đời ông ta đã sống chung với một cái lỗ to tướng trong cổ họng, phải nói chuyện qua một máy khuếch đại âm thanh điều khiển bằng vi tính, phải đánh máy bằng cách chớp mắt vào thiết bị cảm biến.

Thật là một kỳ quan - đáng thán phục và chiêm ngưỡng - nhưng đó không phải là cách mà thầy Morrie muốn sống! Thầy bảo với Koppel rằng mình biết khi nào là thời điểm cần phải ra đi.

"Đối với tôi, Ted à, sống có nghĩa là phải giao tiếp, phản hồi lại người khác. Có nghĩa là tôi cần phải được biểu lộ cảm xúc và cảm nghĩ. Tôi cần nói với mọi người, cảm nhận họ..."

Thầy thở thườn thượt:

"Khi những điều đó không còn thì Morrie này cũng không tồn tại!"

Họ nói chuyện với nhau như bạn bè. Giống hai cuộc phỏng vấn trước, Koppel lưu tâm đến "vấn đề vệ sinh thân thể" - hy vọng thầy sẽ phản ứng lại một cách dí dỏm. Nhưng thầy mệt quá không thể cười được nữa. Thầy lắc đầu.

"Tôi thậm chí còn không thể ngồi thẳng trên bô được. Vì vậy người hộ lý đã phải bế tôi suốt từ đầu đến cuối, và lại còn phải chùi rửa cho tôi. Thế đấy!"

Thầy tâm sự với Koppel là mình muốn chết nhẹ nhàng. Rồi thầy ngâm nga câu cách ngôn mới nhất của mình:

"Đừng đi quá nhanh. Nhưng cũng đừng dùng dằng nấn ná quá lâu!"

Koppel đau khổ gật đầu. Mới có sáu tháng trôi qua kể từ buổi phỏng vấn đầu tiên, thế mà hình hài thầy Morrie Schwartz đã tàn tạ phát sợ. Nó héo úa bày ra trước mắt khán thính giả toàn quốc, phảng phất dáng vẻ thần chết. Nhưng lạ thật! Cơ thể thầy càng mục nát đi thì tâm hồn thầy lại càng sáng bừng lên. Mặc dù thầy không cố ý, nhưng tôi không thể không liên tưởng đến bối cảnh tên tử tội nói lời cuối cùng:

"Hãy nhân ái và có trách nhiệm đối với nhau. Chỉ cần tất cả chúng ta học thuộc bài học đó thì thế giới này sẽ tươi đẹp hơn".

Thầy thở mạnh lấy hơi để hô khẩu hiệu:

"Yêu nhau hay là chết!?"

Cuộc phỏng vấn chấm dứt, nhưng không hiểu vì lý do gì mà tay camera vẫn để cho máy chạy.Và phân cảnh cuối cùng được thâu gọn trong băng.

"Ngài đã làm một việc phi thường, thưa giáo sư” - Koppel bày tỏ sự hài lòng.

Thầy mỉm cười yếu ớt.

"Có gì đâu. Tôi chỉ cho anh điều tôi có".

"Ngài luôn luôn như vậy mà".

"Ted à, căn bệnh đã tấn công tinh thần tôi nhưng nó không lấy được tâm linh tôi. Nó lấy được cơ thể tôi chứ không cướp được linh hồn tôi".

Koppel suýt khóc:

"Thưa giáo sư, ngài đã nỗ lực đáng khâm phục".

"Anh nghĩ thế hả?" - Thầy ngước mắt nhìn lên trần nhà - "Tôi đã phải mặc cả với Chúa trời ở trên kia. Tôi hỏi Người xem Người có đồng ý cho tôi được là một trong những thiên thần của Người hay không".

Đó là lần đầu tiên thầy Morrie chịu tiếp chuyện với Thượng đế.