"Con biết đấy, Mitch. Ta đang chết dần và vì thế trong con mắt mọi người, ta càng trở nên thú vị hơn".
“Thầy vốn luôn là con người thú vị kia mà".
"Ồ. Con đừng quá lời như thế,” thầy mỉm cười.
Không quá lời đâu, tôi nghĩ.
"Vấn đề là ở chỗ", thầy nói, "mọi người coi ta như cây cầu. Ta chưa chết nhưng cũng không còn sống toàn vẹn và đầy đủ như ta đã từng sống. Ta đang đứng giữa cái sống và cái chết".
Cố nén cơn ho sặc sụa, thầy cố mỉm cười. "Ta sắp lên đường vào vĩnh cửu, vì thế ai cũng muốn biết xem ta chuẩn bị hành trang ra sao".
Chuông điện thoại lại kêu réo.
“Thưa, cụ có định nói chuyện không ạ?", chị Connie hỏi thầy.
"Tôi đang bận tiếp người bạn cũ", thầy đáp. "Làm ơn nói họ gọi lại sau".
Tôi không thể giải thích nổi vì sao thầy lại tiếp đón tôi nồng hậu đến như vậy. Lúc chia tay thầy 16 năm về trước, tôi đâu phải là cậu sinh viên đầy triển vọng. Nếu không có chương trình Câu chuyện hàng đêm có lẽ thầy sẽ qua đời mà chả bao giờ gặp lại tôi. Về chuyện này, tôi không có lý do gì để tha thứ cho bản thân, ngoại trừ việc hình như bất cứ ai trong thời nay cũng đều như tôi cả. Chúng ta đang chết đuối trong cuộc sống ồn ào và bận bịu của chính mình.
Điều gì đã xảy ra với tôi? Giọng nói the thé như người nghiện thuốc lá của thầy Morrie đưa tôi trở lại với những năm tháng đại học, khi mà tôi coi giàu có là hiện thân của quỷ sứ, ví áo sơmi và cà vạt như bộ đồ sọc tù nhân. Trong đầu tôi lúc đó, cuộc sống tự do trên yên xe môtô phân khối cao, gió rít bên tai, nay đây mai đó, lúc Paris khi Tây Tạng mới là cuộc sống đích thực. Cái gì đã xảy ra?
Những năm 80 và rồi 90 qua đi. Người ta mập ra, đầu hói và rồi bệnh tật, chết chóc. Tôi đã đánh đổi nhiều giấc mơ thời thanh niên của mình để nhận lại hàng đống tiền mà không hề biết rằng mình đang làm việc đó.
Thầy Morrie vẫn đang thích thú hỏi chuyện, làm như tôi còn đang là một cậu sinh viên mới trở về lớp sau một kỳ nghỉ hè dài.
"Con đã tìm thấy người sẵn sàng chia sẻ nhịp đập trái tim của mình chưa?", thầy hỏi.
"Con có cống hiến cho cộng đồng của con hay không?"
"Con có thuận thảo với chính mình không?"
"Con có cố gắng, trong chừng mực có thể, để sống như một con người thực thụ hay không?"
Tôi bối rối. Làm thế nào để thầy biết rằng từ bao lâu nay chính tôi vẫn đang vật lộn với những câu hỏi ấy. Điều đã xảy ra với tôi? Tôi đã từng hứa với chính mình rằng sẽ không bao giờ làm việc chỉ vì tiền, rằng tôi sẽ chỉ sống ở những nơi thật đẹp, thật nên thơ. Thế nhưng tôi đã sống ở Detroit suốt 10 năm nay, làm việc chết dí cho một tờ báo, gởi và rút tiền ở một ngân hàng duy nhất, tháng tháng ghé tiệm hớt tóc quen thuộc. Ở tuổi 37, suốt ngày cột mình vào máy vi tính cá nhân, modem fax, điện thoại di động, năng lực của tôi giờ khác xa thời sinh viên. Tôi mải mê trau chuốt những bài báo của mình về những vận động viên giàu sụ. Trớ trêu thay, những người như tôi có lẽ lại được họ ít quan tâm nhất. Từ lâu tôi đã không còn là chàng sinh viên trẻ nhất lớp, không còn mặc áo trấn thủ xám, miệng phì phèo điếu thuốc cháy dở, cũng chẳng còn vừa nhồm nhoàm miếng bánh mì kẹp trứng vừa tranh luận về ý nghĩa cuộc đời. Những năm tháng của cuộc đời tôi đã và vẫn đang đầy rẫy nhũng khoảng thời gian khiến tôi không hài lòng.
Điều gì đã xảy đến với tôi?
"Coach", đột nhiên tôi thốt ra biệt danh mà tôi đặt cho thầy.
Khuôn mặt thầy Morrie rạng rỡ "Thế ra ta vẫn là huấn luyện viên của con ư?".
Thầy Morrie cười và tiếp tục ăn nốt bữa ăn bắt đầu từ 40 phút trước. Tôi quan sát thầy: đôi bàn tay rón rén giống như lần đầu tiên trong đời thầy học cách sử dụng chúng. Những ngón tay run rẩy của thầy không đủ sức nhấn con dao ăn xuống đĩa. Mỗi miếng ăn là một cuộc vật lộn. Thầy nhai thức ăn thật kỹ trước khi nuốt. Thỉnh thoảng thức ăn trượt khỏi khoé môi buộc thầy phải bỏ dao nĩa đang cầm trong tay và lập cập chấm chiếc khăn tay lên mặt. Làn da từ cổ tay tới những khớp ngón tay thầy lấm tấm những vệt đồi mồi và lòng thòng như miếng da dính vào khúc xương trong nồi xúp.
Chúng tôi ngồi ăn như thế một lúc. Một ông già bệnh tật và một chàng trai mạnh khoẻ, cả hai đều bị cuốn vào không khí im lặng của căn phòng. Theo tôi, đó là một sự im lặng gây bối rối và hình như tôi là người duy nhất bị bối rối.
"Chỉ có chết mới hết buồn. Mitch ạ", bất chợt thầy Morrie nói. "Còn sống là còn bất hạnh. Thế nên đa phần những người tới thăm ta đều bất hạnh".
Tại sao?
"Phải, vì lẽ rằng thứ văn hoá mà chúng ta đang sống trong đó không cho phép chúng ta cảm thấy tự hài lòng về chính mình. Chúng ta đang rao giảng những điều sai lầm. Đáng ra mỗi người phải đủ khả năng để chối bỏ một nền văn hoá nếu nó không phù hợp và tạo ra một cái riêng cho mình. Thế nhưng hầu hết đều không đủ sức làm điều đó. Vì thế họ bất hạnh hơn ta, cho dù ta đang lâm vào tình thế như hiện nay. Ta có lẽ sẽ chết, nhưng xung quanh ta là những linh hồn biết yêu thương chăm sóc. Hỏi có mấy người có thể nói như vậy?"
Tôi sửng sốt khi nhận thấy rằng ở thầy hoàn toàn không còn chút thương xót nào đối với bản thân. Thầy Morrie từ nay không thể khiêu vũ, đi bơi, tắm hay đi dạo, không thể tự mình mở cửa đón khách, không thể tự lau khô người sau khi tắm, thậm chí không thể trở mình khi nằm trên giường. Làm sao thầy có thể là con người dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh đến thế? Tôi đã quan sát thầy vật lộn với chiếc nĩa để xiên một miếng cà chua, hai lần thử đầu tiên đều trượt. Một cảnh tượng lâm ly! Thế nhưng tôi không thể chối cãi một điều là khi ngồi bên thầy tôi cảm thấy thanh thản một cách kỳ diệu. hệt như có một làn gió vuốt ve đưa tôi trở lại thời sinh viên.
Theo thói quen, tôi liếc nhìn đồng hồ: Không khéo tôi trễ giờ mất! Và tôi nhác nghĩ tới chuyện đăng ký chuyến bay khác để trở về nhà. Đúng lúc đó thầy Morrie nói một câu ám ảnh tôi cho tới tận hôm nay.
"Con có biết ta sẽ chết như thế nào không?"
Tôi nhướng mày.
"Ta sẽ chết ngạt. Chính thế. Những cơn hen suyễn làm cho hai lá phổi của ta không còn đủ sức chống đỡ với căn bệnh ASL nữa. Nó đang chạy dần lên theo cơ thể của ta. Giờ nó đã tóm được đôi chân ta, không lâu nữa là hai cánh tay, rồi hai bàn tay. Và khi nó tiến tới phổi thì...”
Thầy Morrie nhún vai.
"… Ta sẽ bị ngạt như kẻ chết đuối vậy"
Tôi không biết nên nói gì nên cứ lúng búng một cách khó hiểu:
"Vâng, thầy biết... Ý con là... thầy không bao giờ biết..."
Thầy Morrie nhắm mắt lại:
"Ta biết. Mitch ạ. Con chẳng nên hoảng sợ nếu ta chết. Ta đã sống một cuộc đời thật tuyệt vời và tất cả chúng ta đều biết rằng điều gì sẽ phải xảy ra. Có lẽ ta còn được sống thêm khoảng bốn hay năm tháng nữa".
Thôi nào, tôi đáp lời thầy mà lòng bồn chồn. Không ai có thể nói trước chuyện đó...
"Ta có thể", thầy Morrie dịu dàng trả lời. "Có cách kiểm tra nữa cơ đấy. Một ông bác sĩ dạy cho ta biết".
Cách kiểm tra?
"Hít vào một hơi dài xem nào."
Tôi làm theo lời thầy.
"Bây giờ thì làm lần nữa nhưng khi thở ra nhớ đếm xem con chịu đựng được bao lâu trước khi hít vào một hơi khác".
Tôi đếm nhanh trong khí thở ra "Một, hai, ba, bốn, năm, sáu. bảy, tám..." Vừa đếm tới số bảy mươi thì tôi cũng hết hơi.
"Tốt", thầy Morrie nhận xét. "Con có buồng phổi khoẻ ra phết. Giờ nhìn ta làm đây này".
Thầy Morrie hít vào và bắt đầu đếm bằng một giọng êm ái nhưng hơn run run. "Một, hai, ba. bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, mười một, mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy, mười tám"
Chợt thầy dừng lại thở hổn hển.
"Lần đầu tiên khi ông bác sĩ bảo ta làm thử, ta đếm được tới hai mươi ba kia đấy. Giờ chỉ còn có mười tám thôi".
Thấy nhắm mắt, lắc đầu: "Ta như chiếc bình cạn sạch nước mất rồi".
Tôi vỗ nhẹ hai tay lên đùi mình. Chừng ấy đã quá đủ cho buổi chiều nay.
"Con nhớ trở lại thăm ông giáo già này nhé". thầy Morrie khẽ nói khi tôi ôm hôn tạm biệt thầy.
Tôi hứa với thầy và cố không nghĩ tới một lời hứa tương tự của mình trong quá khứ.
Tôi lục lọi trong cửa hàng sách của trường để tìm mấy cuốn có tên trong danh mục thầy Morrie yêu cầu chúng tôi đọc. Tôi mua cuốn có tựa "Tuổi trẻ: Sư đồng nhất và cơn khủng hoảng", "Ta và Ngươi - hai nửa của cái Tôi bị chia rẽ". Tôi chưa bao giờ nghe nói về một cuốn sách như vậy.
Trước khi vào đại học, tôi không bao giờ ngờ rằng mối quan hệ giữa con người lại có thể được người ta xem xét một cách khoa học. Mãi cho tới khi gặp thầy Morrie tôi vẫn tin là như vậy.
Sự đam mê sách của thầy Morrie quả là chân chính và dễ lây lan. Sau giờ học, khi trong phòng đã trống vắng, tôi và thầy thường nói chuyện rất nghiêm túc. Thầy hỏi han tôi về đời sống rồi trích dẫn Erich Fromn, Martin Buber, Erik Erikson. Thường thì ông ngả theo các tác giả đó, tuy vậy thầy vẫn ghi chú thêm những ý kiến riêng cho dù rõ ràng là những suy nghĩ của thầy và của họ như nhau. Qua những lần như vậy tôi nhân ra thầy Morrie là một giáo sư thực thụ chứ không phải chỉ là một ông già tốt bụng. Một chiều nọ, tôi than phiền với thầy về sự bối rối thường gặp ở lứa tuổi tôi: Những gì mà người ta trông chờ ở tôi hoàn toàn khác với cái mà bản thân tôi muốn.
“Ta đã nói cho con nghe về sự căng thẳng giữa những điều trái ngược nhau hay chưa?”
Sự căng thẳng giữa những điều trái ngược?
“Cuộc sống là một chuỗi của những lôi kéo trái ngược nhau. Con muốn làm một cái gì đó, thế nhưng cùng lúc con lại bị thu hút bởi một cái hoàn toàn khác - cái có thể làm hại con, và con cũng biết rằng không nên làm nó. Thỉnh thoảng con vẫn cho chuyện này chuyện kia là đúng, thậm chí khi con biết rất rõ rằng không bao giờ người ta được phép coi bất kỳ chuyện gì là đúng. Sự căng thẳng giữa những điều trái ngược giống như một sợi thun bị kéo căng ở hai đầu vậy, và đa số chúng ta sống ở đâu khoảng giữa sợi thun đó”
Giống như đấu vật vậy, tôi thốt lên.
“Một trận đấu vật”, thầy Morrie cười. “Được. Con có thể diễn tả cuộc sống theo cách đó.”
Vậy bên nào sẽ thắng? Tôi hỏi.
“Bên nào thắng ư?”
Thầy mỉm cười nhìn tôi bằng đôi mắt với những nép nhăn, để lộ những chiếc răng xiêu vẹo.
“Tình yêu sẽ thắng. Luôn luôn chiến thắng.”