“Tổ sư nó chứ! Tao chỉ yêu cầu có một việc, con mẹ nó chứ, là mày ngồi yên vài tiếng trong lúc tao giảng về ung thư tuyến giáp!”
Khi tôi lên mười, mẹ tôi quyết định bà sẽ theo học trường luật. Bố tôi ủng hộ mục tiêu sự nghiệp của bà, mặc dù điều đó có nghĩa là ông phải có nhiều trách nhiệm hơn trong việc nuôi dưỡng tôi.
“Bố và mày sẽ phải dành nhiều thời gian với nhau hơn, nhưng phần lớn chỗ thời gian đó bố sẽ phải làm việc, thế nên bố cần mày yên lặng và tự chơi lấy,” ông giải thích với tôi sau khi mẹ cho chúng tôi xem thời khóa biểu của học kỳ một.
Giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi không hiểu lắm về công việc kiếm ăn của bố tôi. Tôi chỉ biết rằng nó có cái tên là "dược phẩm hạt nhân" và ông thường xuyên từ chỗ làm trở về nhà với vẻ mệt mỏi và cáu kỉnh. Trước khi mẹ tôi trở lại trường để lấy bằng luật, có vài buổi chiều trong tuần bà không thể trông tôi được nên đã đưa tôi đến V.A, một trong những bệnh viện nơi bố tôi làm việc. Thường thì ông bước ra ngoài văn phòng để đón tôi, rút trong túi ra một phong Snickers đưa cho tôi, sau đó dẫn tôi đến một căn phòng trống gần phòng làm việc của ông.
“Bố còn phải làm việc thêm vài tiếng nữa, vì vậy, mày biết đấy, cứ ngồi đây một lát nhé,” ông nói.
Để cho chắc, tôi cố gắng hỏi ông để chốt về khung thời gian cụ thể. “Có phải là con sẽ ở đây tối đa hai tiếng không, hay là lâu hơn?” tôi hỏi.
“Biết sao được hả con, bố mày có phải là thầy bói đéo đâu. Bố hứa ngay khi xong việc chúng ta sẽ về, và bố sẽ mua cho mày một que kem.”
Rồi ông nhìn quanh phòng làm việc và tìm cho tôi một tờ tạp chí để đọc.
“Đây, mày có thể xem tờ Tạp chí Y khoa New England cũng được. Trong đó có đầy thứ hay ho.”
Có lần, mẹ tôi bận tít mù với việc học hành ở trường, bố tôi phải làm thay việc của mẹ nhiều hơn, và tôi thường xuyên có những buổi chiều đếm từng phút trôi qua cho đến khi hai bố con rời bệnh viện và về nhà. Thường thì những ngày cuối tuần khá ổn, bởi vì tôi có thể đến nhà bạn bè, nhưng có một dịp cuối tuần, mẹ tôi bận chuẩn bị thi, bố tôi phải giảng bài cho cả trăm bác sĩ, và chẳng bạn bè hay gia đình nào có thể trông tôi được.
“Anh nghĩ chúng ta cứ để nó ở nhà. Nó sẽ ổn thôi,” bố tôi nói với mẹ tôi.
“Sam ơi, em sẽ không để cho thằng bé ở nhà một mình đâu. Nó mới có mười tuổi,” mẹ tôi trả lời.
“Được rồi, anh sẽ đưa nó đi, tổ sư nó chứ.”
Tôi nhảy tót vào chiếc Oldsmobile của bố tôi và chúng tôi phóng đến khuôn viên Đại học California-San Diego. Khi lái xe, ông không nói gì nhiều, nhưng tôi có thể nhận thấy là bố tôi rất bực mình. Trên đường đến hội trường thuyết giảng, ông quay sang tôi và nói, “Bố cần mày thật ngoan, hiểu chưa? Đừng có mà sinh chuyện.”
“Con vẽ có được không?” tôi hỏi.
“Thế là thế nào? Mày muốn vẽ cái gì? Tao không muốn ai đó ở đây lại thấy mày đang vẽ hai con chó lẹo nhau chẳng hạn. Tao phải chuyên nghiệp ở đây.”
“Con có biết vẽ cái đấy thế nào đâu. Con chỉ vẽ máy bay thôi,” tôi đáp.
Bố tôi mở chiếc cặp da màu đen ra và đưa cho tôi một tờ giấy kẻ và một cái bút nhiều màu. Tôi theo ông đi qua những cánh cửa kính của tòa nhà đại học rộng lớn và qua hành lang đến hội trường thuyết giảng đầy những bác sĩ, dường như tất cả đều biết bố tôi. Ông giới thiệu tôi với một vài người rồi đưa tôi đến dãy ghế sau cùng, cách sân khấu và bục giảng cả trăm bước chân.
“Được rồi, đây là chỗ ngồi của mày. Đây là một phong Snickers ngoại hạng. Nếu cảm thấy buồn ngủ thì hãy ăn,” ông nói, đưa cho tôi một phong kẹo to bằng cánh tay tôi. “Ổn rồi, tao phải lo việc của tao đây.”
Các bác sĩ nối đuôi nhau bước vào các dãy ghế, ngồi xuống, và hội thảo bắt đầu. Bố tôi ngồi trên sân khấu trong khi một vài người có cái trán mênh mông bắt đầu lên tiếng. Khoảng hai phút sau, tôi đã thưởng thức hết sạch phong Snickers và bắt đầu cảm nhận được tác động của ba mươi lăm gam đường đang chảy trong mạch máu. Mỗi phút của buổi thuyết trình dài như một tiếng đồng hồ. Tôi không thể ngồi yên được nên quyết định rằng mình cần phải nằm xuống sàn nhà để nghỉ ngơi mà không bị ai nhìn thấy. Khi nghe thấy cái ông đang nói giới thiệu bố tôi thì tôi bò ngay xuống sàn. Tôi thò đầu lên, và lập tức nhìn thấy cách đó một trăm bước chân bố tôi đang nhìn tôi một cách căng thẳng, như thể ông không ngừng theo dõi tôi. Tôi nhanh chóng thụp xuống sau hàng ghế trước mặt.
Khi cúi người xuống sàn, tôi nhận thấy rằng thân hình tôi lọt giữa các chân ghế, còn mỗi hàng ghế lại có vài chiếc không có người ngồi. Tôi nghĩ đây sẽ là một trò chơi rất hay – và không làm phiền ai cả – nếu như tôi bò kiểu bốn chân từ hàng ghế của tôi ở sau cùng lên hàng ghế đầu qua những chiếc ghế trống. Tôi thận trọng bắt đầu cuộc hành trình, nghiêng người bò dưới những hàng bác sĩ chuyên khoa ung thư ngồi nối nhau cho đến khi tới một chiếc ghế trống ở hàng đầu, và rồi tôi sẽ tiến lên một hàng. Trò này cũng giống như trò Frogger ở ngoài đời. Và tôi thực hiện khá tốt cho đến khi vượt qua được bảy hàng ghế và nhận ra rằng trước mặt không có chiếc ghế trống nào cả. Nhưng khi xoay người để quay lại, tôi thấy có người đã ngồi vào chiếc ghế trống của hàng sau. Tôi đã bị kẹt.
Giọng bố tôi vang lên qua hệ thống loa nghe như giọng Chúa, nếu Chúa đã từng nói chuyện về đề tài sinh học phân tử. Tôi xác định rằng cách duy nhất để quay lại chỗ ngồi của mình là bò qua chân của khoảng mười lăm vị bác sĩ đang ngồi chặn giữa tôi với lối đi giữa hội trường, đến đó tôi sẽ bò thật sát nền nhà và trườn vào ghế của mình để bố tôi không phát hiện ra. Đen đủi một nỗi là các vị bác sĩ này lại không có cùng quyết tâm che giấu trò hề của tôi và không chịu giả vờ như không hề có chuyện gì xảy ra. Thay vào đó, từng người một đứng dậy khi tôi bò qua và thì thầm với nhau vẻ bực dọc. Và mặc dù đang ở dưới sàn nhà và không nhìn thấy gì, tôi vẫn nghe thấy bố tôi đột ngột ngừng nói. Ông biết là có chuyện gì đó đang xảy ra. Tôi cứng đờ người. Khi ông bắt đầu thuyết trình trở lại, tôi nghĩ rằng mình đã thoát và bò tiếp về phía trước – cho đến khi đầu gối tôi nghiến vào chiếc giày lười của một ông có râu ngồi cách lối đi hai ghế.
“Á, lạy Chúa, thật là lố bịch!” ông ta gắt gỏng qua bộ râu.
Bố tôi lại ngừng giảng. Tôi chầm chậm bò ra qua chiếc ghế cuối cùng, sau đó quay đầu về phía sân khấu, ở đó bố tôi đang nhìn thẳng vào tôi, cùng với tất cả mọi người.
Căn phòng im phăng phắc lúc tôi đứng dậy, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra và đi về chỗ của mình, ngoảnh đi khỏi những cái nhìn kinh ngạc đầy ắp căn phòng. Tôi ngồi xuống ghế. Vài giây sau, bố tôi tiếp tục bài thuyết trình. Mặt ông đỏ rực, trông giống như một quả bóng với cái cau mày giận dữ và cặp lông mày bực bội. Đột nhiên, bài giảng về ung thư tuyến giáp của ông có sự biến đổi, giống hệt như khi huấn luyện viên xé tan đội bóng bằng một người mới sau lúc nghỉ giải lao.
Bố tôi nhanh chóng kết thúc bài giảng và vội vã trả lời vài câu hỏi. Lúc thính giả vỗ tay, ông nhảy vọt từ sân khấu xuống đất chứ không dùng bậc tam cấp. Ông phóng thẳng đến chỗ tôi, phớt lờ tất cả các bác sĩ đứng dậy trò chuyện hoặc khen ngợi bài thuyết trình của ông. Ông túm lưng quần tôi nhấc bổng lên như xách một hộp bia sáu lon, đi nhanh qua các cánh cửa dẫn ra hành lang, rồi ra ngoài trời. Ông cứ thế xách tôi lên ô tô, mở cửa rồi vứt tôi vào ghế trước. Ông ngồi vào ghế lái, hít thở sâu vài cái, mạch máu nơi cổ ông phồng lên vì giận dữ. Sau đó ông quay sang tôi và hét lên qua hàm răng nghiến chặt, “Tổ sư cha mày! Tao chỉ yêu cầu có một việc, mẹ nó chứ, là mày ngồi yên vài tiếng đồng hồ trong khi tao giảng về ung thư tuyến giáp!” Nói rồi ông đánh xe ra khỏi bãi và lái thẳng về nhà, không nói một lời nào.
Khi về đến nhà, ông mở cửa trước ra. Tôi ngồi bên cạnh ông trên tấm thảm chùi chân, còn ông quay sang tôi và nhẹ nhàng nói, “Nghe này, đấy không phải là chỗ dành cho trẻ con. Bố hiểu điều đó. Nhưng bố sẽ vào nhà, còn mày thì không. Mày sẽ phải chơi bên ngoài, bởi vì ngay lúc này, đầu bố mày sắp sửa vỡ tung ra rồi đây này.” Sau đó ông đóng cửa lại, còn tôi đứng ngoài trời, không biết phải làm gì. Từ trong nhà, tôi nghe tiếng thét vọng ra, “COOOOOON MẸẸẸẸẸẸẸẸ NHÀÀÀÀÀÀ NÓÓÓÓÓÓ!”
Khoảng một tiếng rưỡi sau, ông thò đầu ra cửa sau; tôi đang ngồi trên thảm cỏ sau nhà.
“Mày có thể vào nhà nếu muốn. À, nhớ rửa tay trước khi đụng vào đồ đạc. Sàn cái hội trường đó thối như cứt chó, thế mà mày cứ bò loăng quăng như con khỉ con trên đấy.”