Lời tình muộn

Chương 5

Nhìn Đan Thanh ủ rũ, phờ phạc như người ốm, ông Hiệp thở dài. Con gái ông đang khổ vì tình và ông phải lo tìm cách giúp nó chiếm được trái tim lẫn thể xác thằng con trai đó.

Ông Hiệp lại thở dài. Đan Thanh đã ngoài ba mươi lại chẳng được sắc nước hương trời như những con bé choai choai suốt ngày nũng nũng nịu nịu kế bên Sơn. Bởi vậy muốn trói chân gã ấy, phải có một thứ xích xiềng đặc biệt.

Chức giám đốc trung tâm nghe kiêu thật nhưng chỉ là hư danh. Ông biết Sơn rất cáo, nó muốn thực lực kìa. Sơn là đứa có tài, cái nó cần là sự nghiệp. Nó sẽ dựa vào Đan Thanh, xem con gái ông như những nấc thang để đạt được mục đích là làm chủ cơ nghiệp của ông.

Bất giác ông Hiệp mỉm cười chua chát khi nhớ lại con đường công danh mình đã đi qua.

Ngày đó, ông còn rất trẻ, đang là sinh viên tỉnh lẻ lên ở trọ, ông đã lấy vợ, một người lớn hơn mình gần cả mười tuổi nhưng lại giàu có. Chính nhờ bà vợ so le tuổi này ông mới có cơ ngơi ngày nay. Bây giờ Sơn định đi theo con đường của ông. Nó không biết rằng vì muốn có những thứ này, ông đã đang tâm bỏ mất hạnh phúc của đời mình, bỏ người phụ nữ ông yêu.

Giọng Đan Thanh cáu gắt vang lên làm ông Hiệp như sực tỉnh.

Vứt cái áo đầm xuống đất, Thanh la lối:

− Ủi có cái áo cũng không nên thân. Hết tháng này, nghỉ cho rồi đi.

Con bé giúp việc mắt đỏ hoe, nhặt cái áo lên và lui xuống bếp. Ông Hiệp nhỏ nhẹ:

− Giận cá chém thớt là điều không nên con ạ.

Đan Thanh vùng vằng:

− Ba hiểu gì con đâu mà nói.

− Sao lại không? Ba cho rằng nó chả đáng để con phải đày đoạ mình như vậy. Con ba có tài lại có địa vị.

Đan Thanh ngắt lời ông:

− Nhưng con không có tình yêu, thiếu thốn hạnh phúc. Hai thứ đó từ một phụ nữ tầm thường đến một phụ nữ thành đạt ai cũng cần hết. Một phụ nữ tầm thường xem ra dễ sống hạnh phúc hơn con, một người mang tiếng thành đạt, nhưng luôn lẻ loi cô độc.

Im lặng một chút, Đan Thanh nói tiếp:

− Phải chi mẹ con còn sống...

Mặt ông Hiệp nhăn lại vì lời than như trách móc của Đan Thanh. Nhưng lời này như nhắc nhở ông nguyên nhân cái chết của vợ mình. Ông biết Đan Thanh vẫn chưa tha thứ cho ông về chuyện này. Để mỗi khi gặp những điều không vui trong đời, con bé lại than: "phải chi mẹ con còn sống"

Ông Hiệp nghiêm nghị:

− Còn sống, mẹ con cũng không giúp gì được cho con đâu.

Đan Thanh có vẻ thách thức:

− Sao ba lại nghĩ vậy? Mẹ luôn là cố vấn về tình cảm cho con gái. Con bất hạnh nên mới mồ côi. Con căm thù người đàn bà đã gây ra cái chết của mẹ.

Ông Hiệp gằn giọng:

− Đó là tai nạn chớ chẳng ai gây ra cái chết của mẹ con cả.

Đan Thanh bướng bỉnh:

− Nếu không vì mẹ con mụ đàn bà ấy, mẹ đâu ra khỏi nhà để bị xe đụng.

Ông Hiệp quát lên:

− Con im đi. Bây giờ họ đã ở tận Mỹ. Sao con cứ nhắc hoài vậy?

Thanh bật khóc như con nít:

− Bây giờ ba cũng bênh vực nguời đàn bà đó. Hình bóng bà ta lúc nào cũng ngư trị trong tim ba, chớ không phải ở xa như bên Mỹ.

Ông Hiệp chỉ tay vào Đan Thanh, giọng lạc đi vì giận:

− Bao nhiêu năm qua, tao đã chôn nỗi đau của riêng mình xuống tận đáy lòng, giờ mày lại lôi nó lên. Mày đúng là đứa ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Cứ mỗi lần buồn bực lại đem chuyện xưa ra trách móc, chớ không cần biết đến nỗi khổ của người khác.

Đan Thanh sụt sùi:

− Sống với con, ba thấy khổ, sao hồi đó ba không đi với mẹ con bà ta cho sung sướng? Đến từng tuổi này rồi, con không cần ba quan tâm, ba có thể sang Mỹ với họ mà.

Dứt lời, cô tới bàn thờ bà Hiệp vừa đốt nhang, vừa khóc trông thật thảm. Ông Hiệp bực bội bỏ ra sân. Ngắm mấy chậu bonsai được chính tay mình tỉa tót, ông thấy lòng dịu xuống.

Người đàn bà mà Đan Thanh châm vào xỉa xói bây giờ ở đâu, thật tình ông không biết. Sau bao nhiêu năm dài dâu biển, ông đã thất lạc người mình yêu say đắm cùng đứa con trai ba tuổi đẹp như thiên thần. Thằng bé ấy lẽ ra là người kế nghiệp của ông. Nhưng mẹ con cô ấy bây giờ ra sao? Nơi xứ người, họ có sung sướng hay không?

Ông Hiệp nghe nhói ở tim khi nghe nhà ai đó vang ra bài nhạc ông hết sức yêu thích của Trịnh Công Sơn:

"Từ trăng thôi là nguyệt, tôi nghe giọt nắng ngoài kia. Từ em thôi là nguyệt, coi như phút đó tình cờ..."

Một đời người lặng lẽ trôi qua để cuối cùng cuộc tình ấy như một phút tình cờ sao. Nếu vậy, phút tình cờ ấy đúng là định mệnh, nó khiến ông phải ray rứt cả một đời.

Bỏ mặc Đan Thanh ủ ê trong nhà, ông Hiệp dẫn chiếc xe đạp cổ lỗ của mình ra. Đạp xe cũng là một cách thư giãn và thể dục, ông vẫn thích thói quen đơn giản có từ hồi trẻ này. Đạp một vòng quanh công viên, ông ghé vào quần báo. Vừa đẩy xe đạp lên lề đường, ông đã cau mày khi thấy Sơn. Cậu ta đang trò chuyện say sưa với con bé bán sách.

Vậy là Sơn ghé quầy sách là hữu ý chứ không phải tiện đường như từng nói với ông. Chỉ nhìn cách cậu ta và con bé trò chuyện, ông dám chắc hai đứa đang có tình yêu.

Bỗng dưng ông chăm chú nhìn cô gái, nguyên nhân sự bất hạnh của Đan Thanh là đây. Cô ta trẻ trung, vô tư quá. Phen này con ông thua là chắc rồi. Nhưng "Có tiền mua tiên cũng được". Nếu Đan Thanh quá si tình, ông cũng đành trói chân Sơn bằng sợi xích công danh thôi. Bước đường ông từng qua lại kẻ đi tiếp. Dầu biết đó là đoạn đường cong, nhưng để đạt được mục đích, thì có xá gì, chỉ tội nghiệp cô bé trẻ trung vô tư kia.

Tim ông lại đau thắt khi nhớ đến người đàn bà của mình. Ngày đó, cô ấy cũng ngây thơ như vầy. Mà sao càng nhìn, ông càng thấy cô bé giống cô gái ngày xưa của ông nhỉ. Đúng là ông... thần hồn nát tính rồi.

Cái nhìn hơi khác thường của ông làm Ca Dao chú ý. Cô gật đầu chào đón:

− Bác cứ tự nhiên ạ.

Sơn quay sang ông và hơi lúng túng khi thấy ông Hiệp:

− Bác mua báo.

Ông ung dung:

− Ừ. Tiện đường thôi mà. Thế còn cháu? Chắc thói quen chứ không phải tiện dường như bác?

Sơn ngượng ngập trớ đi:

− Vâng. Đọc báo là thói quen từ khi còn đi học của cháu mà.

Ông Hiệp bỗng hỏi:

− Rảnh không? Bác cháu mình đi uống cà phê.

Sơn nhìn đồng hồ:

− Thời gian trống của cháu chỉ còn 45 phút.

Ông Hiệp khoát tay:

− Nhiều chán. Bác chỉ cần 5 đến tối đa 10 phút là hết chuyện. Mình vào quán ở công viên gần dây nhé.

Sơn có vẻ lưỡng lự, nhưng anh vẫn gật đầu:

− Vâng.

Ông cầm tờ "kiến thức phổ thông" lên và hỏi cho có lệ:

− Bao nhiêu... con gái?

Ca Dao nhoẻn miệng cười trước khi nói giá tiền. Cô thấy ấm lòng khi được gọi là con gái. Nếu còn sống, chắc ba cô cũng trạc tuổi người đàn ông này và chắc ông cũng dịu dàng như vầy.

Giọng Sơn khe khẽ vang lên:

− Lấy báo cho anh đi Dao.

Ca Dao dạ nghe ngọt thấm vào tim. Ông Hiệp vờ lật quyển tạp chí như không bỏ sót cử chỉ nào của cô gái. Ông thấy cô bỏ vào bao cho Sơn tờ Tạp Chí Thể Thao, Văn Hoá, Kinh Tế Sài Gòn, Saigon Time. Ngoài ra, cô bé còn kín đáo bỏ vào một bịch khăn giấy mấy vỉ Strepsil kèm theo lời thì thầm.

− Nhớ ngậm để khỏi đau cổ.

Ông Hiệp bồi hồi trước sự quan tâm của cô bé. Đan Thanh nhà ông không được như thế, dù nó đã trưởng thành lâu rồi. Là con cưng từ trong trứng nước, Thanh quen được người khác phục vụ, nên nó không chú ý chăm sóc ai khác. Đối với ông cũng thế, những khi trái gió trở trời, ông bệnh, Thanh chưa bao giờ bưng được cho ông chén cháo, ly trà. Cuộc sống công nghiệp hối hả khiến Thanh không có thời gian hay tại bản thân nó không biết nghĩ tới người khác? Đã nhiều lần ông cố tìm mọi lý do để bào chữa cho Đan Thanh rằng vì nó quá bận, rằng nó lơ đễnh, nhưng tới hôm nay ông thấy chả lý do nào thuyết phục được ông.

Người đời vẫn bảo những đứa con càng được nuông chiều, sung sướng càng hỏng. Trước kia, ông luôn phản đối vì Đan Thanh rất ngoan, con bé không chơi bời, lêu lổng như một số đứa con nhà giàu khác. Thanh chỉ biết học và học rất giỏi.

Đó là những thành đạt về mặt xã hội. Còn về mặt con người? Rõ ràng Đan Thanh rất ích kỷ, phách lối, tự cao. Nó rất rộng rãi, dễ dãi với bản thân, nhưng với nhân viên dưới quyền thì khắt khe, soi mói từng ly, bủn xỉn từng đồng tiền thưởng.

Mà sao bỗng dưng ông lại vạch xét con gái mình nhỉ. Ngước lên nhìn ông, gặp nụ cười chia tay của con bé, nụ cười ấy dành cho Sơn mà ông lại bâng khuâng mới kỳ.

Ông đưa Sơn vào quán cà phê bình dân trong khuôn viên công viên. Sơn mời ông thuốc lá, ông châm một điếu để bắt đầu câu chuyện mà ông chưa biết sẽ mở lời như thế nào. Ông vốn ghét xen vào chuyện của người khác. Nhất là chuyện tình cảm. Khổ nỗi, đây không phải chuyện của người khác mà là chuyện rối rắm tơ lòng của con gái ông.

"Phải chi con còn mẹ..." Bây giờ ông Hiệp mới chợt thấm thía câu thở than của Đan Thanh. Nếu có mẹ, chắc bà ấy chớ không phải ông sẽ chủ động gặp Sơn để đặt vấn đề tế nhị khó nói này.

Người mở lời trước lại là Sơn, anh có vẻ thích thú.

− Cháu không ngờ bác cũng là khách thường xuyên của quầy báo ấy.

Ông Hiệp nheo đôi mắt có nhiều vết chân chim:

− Bác mới ghé quầy đó đôi ba lần, chớ không phải khách thường như cháu đây.

Sơn tủm tỉm cười, nhưng trong bụng rối bời. Anh biết không tự dưng mà ba của Đan Thanh lại mời mình uống cà phê. Cuộc nói chuyện "tối đa 10 phút" của ông, chắc chắn liên quan đến vận mệnh của anh. Đó là một cuộc thương lượng, mua bán rạch ròi không chừng.

Ông Hiệp phà một hơi khói rồi lim dim mắt, giọng xa xôi như đang nhớ về quá khứ.

− Hồi trẻ bác rất thích la cà ở các nhà sách, vừa để đọc sách không mất tiền, vừa để liếc mắt các cô em xinh đẹp cũng đi coi cọp sách như mình.

Sơn hỏi vui:

− Thế bác có quen được cô nào không?

Ông Hiệp bồi hồi:

− Không những quen mà còn yêu nữa. Bác đã yêu một cô gái thích thơ. Lần nào vào nhà sách Khai Trí, bác cũng gặp gỡ cô gái có đôi mắt tròn xoe, đen nhánh. Cô ấy cứ cắm cúi bên bộ Thi Nhân Tiền Chiến của Hoài Thanh. Thuở ấy, bộ sách này cũng khá đắt. Sinh viên nghèo như bác và cô gái ấy chỉ đi đọc ké chớ không có tiền để mua. Nhờ cùng đọc ké mà bọn bác đã quen nhau.

Rít một hơi khói, ông Hiệp nói tiếp:

− Tình yêu thời học trò đúng là đẹp. Nhưng chẳng đi tới đâu cả. Ra trường mỗi người một nơi, giờ có muốn gặp lại cũng chẳng biết đâu mà tìm.

Sơn hóm hỉnh:

− Bác có muốn gặp lại người xưa không ạ?

Ông Hiệp cười xoà:

− Không. Thà cứ để hình ảnh xưa ngây thơ, xinh đẹp tồn tại mãi trong tim mình, còn hơn gặp lại một bà ngoại, bà nội mắt mũi kèm nhem, miệng mồm móm xọm.

Sơn cười rung rinh mắt kính trong lúc ông Hiệp chỉ nhếch môi. Cả hai chợt rơi vào im lặng. Ông Hiệp bưng tách cà phê lên uống một hớp nhỏ rồi bảo:

− Với người đàn ông, quan trọng nhất là sự nghiệp. Cháu nghĩ thế nào?

Sơn có vẻ thờ ơ:

− Vâng. Cháu cũng nghĩ thế, nên luôn cố gắng làm việc.

Ông Hiệp lắc đầu:

− Cố gắng làm việc vẫn chưa đủ. Phải có người đỡ đầu, phải tạo cơ nghiệp cho riêng mình chớ không thể làm cho người khác hưởng cháu à.

Sơn gạt tàn thuốc:

− Cháu chỉ vì bác và Đan Thanh chớ có vì ai đâu ạ.

Ông Hiệp hạ giọng:

− Bác biết nên trong lòng thật xốn xang khi dạo này hai đứa đang buồn phiền hay hiểu lầm nhau gì đấy... nên đã giận hờn như trẻ con.

Sơn rít một hơi thuốc:

− Với người đàn ông, sĩ diện được đặt lên hàng đầu, Đan Thanh dường như không hiểu điều đó.

Ông Hiệp nhíu mày:

− Nó đã xúc phạm đến cháu à? Nhưng với lý do gì chứ?

Sơn khẽ thở dài:

− Con bé ở cùng xóm bị pan xe, cháu gởi xe nó cho chú Tám rồi tiện đường chở luôn về nhà, thế là Đan Thanh la toáng lên.

Ông Hiệp chép miệng:

− Yêu quá nên ghen. Khổ thật!

Sơn im lặng, ông Hiệp vỗ vai anh:

− Bác rất hiểu tâm trạng hiện tại của cháu. Phụ nữ là thế đấy. Xúc phạm người mình yêu rồi nằm khóc, bỏ cơm nước, tối ngày giam mình trong phòng. Bác trông mà phát rầu. Thôi thì như vầy, hai đứa đều lớn cả rồi, đã yêu thì nên tính đến chuyện cưới là vừa.

Sơn thong thả nói:

− Chưa có sự nghiệp, cháu không dám nghĩ đến chuyện hôn nhân đâu.

Ông Hiệp dụi đầu điếu thuốc:

− Ở tuổi nào đó, hôn nhân lại rất cần cho sự nghiệp. Bác không ngại đặt thẳng vấn đề với cháu. Bác chỉ có mỗi Đan Thanh, một mình con bé không đủ sức quản lý trung tâm tin học ấy. Bởi vậy bác muốn giao trung tâm cho người bản lãnh, tài năng. Đan Thanh chọn cháu và bác đồng ý sự lựa chọn của con mình. Cháu suy nghĩ kỹ đi. Đầu tiên hãy hỏi trái tim mình, sau đó đến lý trí. Bác tin rằng cháu đã qua cái thời mơ mộng yêu vu vơ, yêu lãng mạn như những cậu trai mới lớn. Hạnh phúc lứa đôi bền vững khi cuộc sống vật chất thoải mái.

Sơn gật đầu nhẫn nại:

− Cháu rất hiểu ý bác.

− Tốt. Bác đã nói hết rồi đấy. Hôm nào tốt ngày, bác mời mẹ con cháu sang nhà ăn cơm.

Sơn trịnh trọng sửa lại gọng kính:

− Cháu trộm nghĩ chẳng nên vội làm gì ạ. Chúng cháu chưa hiểu nhau nhiều lắm đâu.

Ông Hiệp cười xoà:

− Vẫn còn giận Đan Thanh sao? Đàn ông phải rộng lượng một chút.

Sơn nhìn đồng hồ:

− Tới giờ cháu phải đi rồi ạ.

Ông Hiệp nén giận xuống:

− Vậy cứ đi trước đi.

− Cháu xin phép bác.

Nhìn vẻ nghênh ngang của Sơn khi bước ra khỏi quán, ông Hiệp nuốt hận vào lòng.

Mẹ kiếp! Thằng nhóc này đúng là láu cá. Ông đã quá hạ mình và khó nhọc biết bao mới nói lên được những lời như vừa rồi. Vậy mà nó ra vẻ bất cần đầy phách lối. Bộ nó quên luôn rằng ông đang là chủ của nó sao kìa?

Dằn ly cà phê xuống bàn, ông Hiệp gọi tính tiền. Đạp xe về ngang quầy sách, ông lại nhìn vào nhưng không thấy cô bé có nụ cười hồn nhiên ấy đâu. Thay vào đó là hai thanh niên còn trẻ. Họ đang trò chuyện với khách hàng hết sức vui vẻ. Có lẽ gia đình cô bé ấy là một gia đình tốt, con cái có nề nếp, có ăn học.

Nhưng vậy thì đã sao, nếu họ không tiền thì họ vẫn là người thua thiệt.

Ông Hiệp thở dài. cuộc đời này đầy rẫy bất công. Dầu Sơn yêu cô bé kia chớ không yêu Đan Thanh, ông vẫn phải làm đủ cách để Sơn phải thực tế, thậm chí thực dụng hơn nữa.