Lời thề trước miếu

Chương II

Cô cười, đưa tay trái ra, vặn khóa mở chiếc đồng bánh ú[1], rồi lấy mà đưa cho Lân nữa và nói: "Anh lấy luôn chiếc đồng đây mà đem theo đặng hộ thân. Khi nào rủi có hụt tiền xài, hoặc có đau ốm, thì bán mà xài đỡ".

Lân thụt tay và đáp:

- Qua lấy mấy đồng bạc của em, thì đã quá rồi. Có lẽ nào qua lấy tới đồ của em đeo nữa.

- Nếu anh không chịu lấy, thì anh không thương em.

- Qua mới thề hồi nãy đó, sao em còn nói qua không thương? Vì qua thương em lắm, nên qua mới tính bỏ xứ mà đi, đi đặng làm cho có tiền rồi trở về cưới em chớ.

- Nếu anh thiệt có tình thương em, thì những vật gì của em, anh phải coi như của anh, cũng như em coi vật gì của anh cũng như của em hết thảy vậy mới phải. Anh nói anh quyết đi làm cho có tiền đặng cưới em. Em phụ với anh đặng anh làm có tiền cho mau, sao anh lại dục dặc[2]. Anh làm như vậy thì em nghĩ anh không thương em. Anh lấy chiếc đồng mà cất đi. Anh đem theo, bữa nào anh buồn anh nhớ em, anh lấy nó ra mà nhìn, thì cũng như anh ngó mặt em vậy. Lấy mau mau đi, có người ta đi tới kìa.

Lân ngó ngoái lại, thì thấy có một người đờn ông vác một bó lá chầm[3], với một bà già bưng rỗ gần tới. Trò lật đật lấy chiếc đồng mà bỏ vô túi, còn cô Thinh thì day mặt ngó ra sông.

Chừng hai người đi đường qua khỏi, Lân mới nói:

- Tình em ở với qua như vầy, đến ngày chết qua cũng không quên em được.

- Anh đi ra, thì ở nhà em trông lung lắm. Không cần gì phải đợi có tiền. Hễ anh có công việc làm, có chỗ ở, thì anh trở về cưới em liền đi. Em biết mua bán, em nuôi anh được mà.

- Muốn mua bán thì phải có vốn mới được chớ.

- Anh hay lo quá! Chừng mình làm vợ chồng với nhau rồi, mình sẽ tính mà. Hai vợ chồng làm tới không đủ cơm ăn sao mà sợ?

- Không sợ sao được. Mà theo ý qua, hễ qua làm chồng em, thì qua không cho em làm gì hết, em cứ ở không ăn rồi đi chơi. Bắt em phải làm công việc cực khổ, qua chịu sao được.

- Có hại gì đâu. Như giàu thì mình sung sướng với nhau, còn như nghèo thì phải chịu cực với nhau chớ.

- Hổng được. Chồng thì phải nuôi vợ, phải làm cho vợ sung sướng, chớ cưới vợ mà bắt vợ phải làm cực khổ, thì thà đừng cưới.

- Anh nói như vậy chừng anh cưới em về, anh phải cất nhà lầu cho em ở mới chịu.

- Qua cũng muốn cho được như vậy lắm. Qua đi rồi, ở nhà em phải vái, nghe hôn; vái cho qua giàu to rồi em muốn sung sướng cách nào cũng được hết thảy.

- Anh dám mua hột xoàn cho em đeo, dám sắm xe hơi cho em đi chơi hay không?

- Dám chớ, hễ qua có tiền thì tiền của qua cũng là tiền của em, em muốn giống gì cũng được hết. Trong đời nầy qua chỉ thương có ba người là má qua, chị Hai qua với em mà thôi. Qua tính đi đây, đi đặng làm ăn mà cho có tiền mà nuôi ba người mà qua thương đó. Qua chắc sớm muộn gì qua cũng sẽ có tiền; mà hễ có tiền thì phải có cho nhiều, đặng qua nuôi hết ba người, làm cho ba người đều được sung sướng.

- Em nói chơi với anh, chớ không phải em muốn cho anh giàu đặng em đeo hột xoàn, đi xe hơi đâu. Em muốn làm sao cho mình một cái tiệm rồi hai đứa mình mua bán chơi vậy thôi. Mua bán khá lắm hễ có thời, mình làm giàu dễ ợt. Em muốn mình buôn bán mà làm giàu, đặng tía em hết nói An-nam không biết buôn bán.

Lân với Thinh ngó nhau rất nồng nàn, rất dan díu tình tứ tràn trề, song không phát hiện ra ngoài được.

Mặt trời đã lên cao. Cô Thinh mới nói: "Em đi nãy giờ lâu rồi. Thôi, để em về, kẻo má em sai bầy trẻ đi kiếm. Cô xếp miếng giấy nhựt trình mà bỏ túi và nói tiếp: "Hồi nãy em thấy anh, em lấy tờ giấy mà đi, làm bộ như đi tiêu. Bây giờ phải cất giấy, chớ cầm về sao được. Thôi, anh đi mạnh giỏi, nghe. Anh đừng có quên em. Em trông lung lắm". Cô nói dứt lời rồi dợm muốn đi.

Lân rưng rưng nước mắt mà nói: "Em ở nhà, qua cũng vái cho em mạnh giỏi."

Cô Thinh đi không đành, nên đứng trơ trơ, mắt cứ ngó Lân, dường như muốn nói chuyện chi nữa, mà rồi cô chảy nước mắt và bước chơn đi chỉ nói: "Thôi em về."

Lân ngó theo, ruột đau từng đoạn, ngó cho tới chừng cô Thinh quẹo lại chợ rồi mới thôi. Trò day mặt vô miễu, thấy trên bàn thờ còn một ngọn đèn leo lét, trò nhớ lời thề thốt hồi nãy, thì trò châu mày suy nghĩ rồi chẳm hẳm[4] đi lại chợ, bộ quả quyết lắm.

Lân thấy chị đương ngồi bán bánh, trò mới đi lại ngồi chồm hổm một bên. Hai chị em người nào cũng chứa chan tâm sự, nhưng vì ở giữa chợ đông, không nói chuyện chi được, nên chị lo bán nghiêm chỉnh, em ngồi chơi buồn hiu.

Gần tan chợ, cô Ðào bán hết bánh rồi, cô biểu Lân coi chừng thúng gióng cho cô; cô lấy cái ve đi vào tiệm rượu mà mua một cắc rượu trắng. Một lát cô trở ra, ngang qua tiệm Ban Liêm, Lân thấy cô Thinh đứng trước cửa tiệm ngó mình trân trân, mà sắc mặt cô buồn nghiến.

Ra tới ngả ba, Lân đứng lại mà nói: "Thôi chị về đi, nghe hôn chị Hai, để em đi. Chị nhớ nói giùm, em gởi lời chúc má ở nhà mạnh giỏi."

Cô Ðào nói: "Em đi hay sao? Thôi, chị cũng cầu chúc em đi ra mạnh giỏi. Em muốn lấy thêm ít cắc bạc hay không?"

Lân lắc đầu rồi chẳm hẳm đi lên ngã Chợ Lớn.

Cô Ðào ngó theo em, nước mắt chảy ròng ròng.

*

* *

Trên chợ Cần Giuộc đi xuống gần tới cầu Mồng Gà, có một xóm chừng mười cái nhà nằm dựa theo lộ, bên phía tay trái. Cái nhà đầu cất thụt vô trong xa một chút, nhà cột dầu, lợp lá, ba căn nhỏ nhỏ, phía sau lại có kềm một cái nhà nhỏ để nấu ăn và nuôi vịt nuôi gà.

Trước có sân, sau có vườn, mà từ trước ra sau chẳng có trồng cây chi khác hơn là cau với chuối; cau còn tơ nên coi sung lắm, còn chuối thì nhờ có bùn ngoài ruộng móc lên đắp góc thường, nên con nhảy sum sê, lá đơm rậm rạp.

Cái nhà nầy là nhà của Hương trưởng Tồn.

Sớm mơi, chừng lối nữa buổi, bà Hương trưởng Tồn ở sau vườn đi ra trước sân, tay ôm năm sáu tàu chuối, lại có cầm một cái dao bầu[5]. Bà để mấy tàu chuối ở giữa sân, rồi ngồi rọc lấy lá sắp có hàng mà phơi. Bà vừa mới bốn mươi tuổi, nên tóc còn đen, răng còn chắc, nhưng mà hình vóc bà ốm, da mặt bà dùn, lại diện mạo coi có sắc buồn thảm.

Bà đương lui cui rọc lá, ông Hương trưởng Tồn trong nhà bước ra đứng tại cửa cái, tóc xụ xợp, mắt ngó chừng ngoài lộ. Ông đã trên năm mươi tuổi rồi, mà sức lực còn mạnh mẽ, nói tiếng nghe rảng rảng. Nước da ông mét mét, cặp mắt ông lừ đừ, tóc của ông vừa mới bạc hoa râm, còn râu thì ông để hai bên mép rồi hớt nhọn như rạch[6] cá trê, làm cho bộ tướng ông coi hùng tráng mà u ám.

Vì cô Ðào lên chợ bán bánh chưa về, ông thức dậy chưa có rượu điểm tâm, nên bộ ông buồn bực quạu quọ lắm. Ông trợn mắt ngó bà mà hỏi:

- Sao không chịu ra phía sau mà rọc lá, cứ rọc mấy bụi chuối trước nầy hoài, còi cọc hết rồi chết rụi còn gì?

- Tôi đốn lá ở sau vườn đây chớ.

- Còn chối nữa!

- Thiệt như vậy chớ. Tôi đốn đàng sau, tôi mới ôm ra đây tôi rọc mà phơi cho dốt dốt[7], đặng chiều có sẵn cho con Ðào nó gói bánh.

Ông rầy việc nầy không được, coi bộ ông không vừa ý, nên ông tính kiếm việc khác mà rầy nữa. Ông ngồi chồm hổm tại cửa, tay gãi đầu nghe sạt sạt mà nói:

- Việc của con Ðào thì để nó về rồi nó làm. Bà cứ lo làm giùm cho nó hoài.

- Nó cực khổ, mình ở không làm giùm cho nó chút đỉnh có hại gì.

- Nó làm giống gì đó mà cực khổ? Thứ gói bánh ú, đổ bánh bò rồi đem lên chợ mà bán, mà bà nói cực. Thôi thì bà để nó ở không ăn rồi đi chơi. Bà hơi cưng con bà hoài, tôi ghét quá. Bà cưng thằng Lân nên nó mới hư rồi đó. Bà cưng con Ðào, đố nó khỏi hư nữa.

- Ai sanh con lại không thương. Mình thương mình lo cho nó, nếu nó biết khôn, nó nghe lời mình nó nên thì nó nhờ, còn như nó dại nó không nghe lời mình thì nó hư thì nó chịu, chớ biết làm sao bây giờ.

- Phải, có con thì thương con chớ sao. Mà con nào kìa, chớ tuồng mặt thằng Lân nó giống dòng thằng cha nó, thấy dễ ghét quá, mà thương nỗi gì. Tôi biểu để nó đi ở với người ta đặng tập cho nó biết làm ruộng, sau nó có nghề nghiệp như người ta. Bà cãi tôi, sòng sòng xin cho nó đi học. Nó đi học mấy năm nay tốn cơm, tốn áo quần, rồi có ích gì đâu? Thằng đó mà học giống gì. Ði du hí du thực, học làm du côn, rồi bung đi mất mấy tháng nay đó, bà thấy hay không?

Bà ứa nước mắt, cầm dao đi vô nhà và nói:

- Thằng Lân nó đi mất đó là tại ông, chớ có phải nó theo du côn du cái nào đâu.

- Sao mà tại tôi?

- Hễ thấy mặt nó thì ông hầm hầm muốn ăn thịt nó, ông cứ đánh chửi nó hoài. Nó khôn lớn, nó chịu không được, tự nhiên nó phải trốn mà đi, chớ ở như vậy chịu sao nổi.

- Bà nói tôi độc ác lắm hả?

- Ông có độc ác hay không thì ông biết lấy chớ.

Ông còn muốn cải nữa, kế thấy có một chiếc xe hai bánh ở phía chợ Trạm chạy lên ngừng ngoài lộ, rồi có hai người đờn ông đi vô sân.

Ông đứng dậy mà dòm, thì thấy người đi trước là Hương thân Mẩn, còn người đi sau là thầy giáo Bính, mà thầy giáo hai tay có xách hai ve rượu. Vô tới sân Hương thân Mẩn thấy ông Hương trưởng đứng tại cửa thì cười và nói: "May dữ! Có ông Hương trưởng ở nhà đây, tôi sợ ông đi khỏi quá."

Ông Hương trưởng hỏi: "Hai ông kiếm tôi có việc chi?"

Hương thân Mẩn và bước vô cửa và đáp:

- Kiếm chơi chớ có việc chi đâu. Ông biết thầy giáo đây hay không?

- Biết lắm chớ. Thầy giáo trên trường học Cần Giuộc, tôi gặp xuống nhà Hương quản Chiếu đánh bài hoài.

Thầy giáo Bính nói:

- Tôi thôi dạy trên Cần Giuộc rồi, ông Hương à; tôi đổi xuống dạy trường chợ Trạm hơn một tháng nay.

- A, té ra bây giờ thầy xuống dạy dưới chợ Trạm hay sao?

- Thưa, phải.

- Thôi, mời hai ông vô nhà.

Tại căn giữa có để một cái bàn với bốn cái ghế đẩu. Ông Hương trưởng mời khách ngồi tại cái bàn ấy, thầy giáo ngồi trên, Hương thân ngồi kế đó, còn chủ nhà thì ngôi phía bên kia.

Thầy giáo để hai ve rượu[8] trên bàn. Từ hồi sớm mơi cho tới bây giờ, ông Hương trưởng chưa có một nhuể rượu vô trong miệng, bởi vậy thấy hai ve rượu thì ông cứ ngó lườm lườm.

Hương thân biết ý nên nói: "Chúa nhựt nghỉ dạy, thầy giáo buồn. Thầy rủ tôi kiếm chỗ đi chơi. Tôi không biết đi đâu, nên hai anh em tôi mua rượu đem lên đây đặng nhậu với ông mà nói chuyện chơi cho vui." Ông Hương trưởng đắc ý, nên chúm chím cười, mà cặp mắt cũng cứ ngó hai ve rượu.

Thầy giáo mở bóp lấy ra một đồng bạc mà đưa cho ông Hương trưởng và nói: "Ông làm ơn cậy ai trong nhà mua gà hay là vịt cũng được, rồi làm thịt nấu cháo đặng mình nhậu rượu chơi mới thú."

Ông Hương trưởng cản tay và nói:

- Thầy giáo làm như vậy tôi phiền lắm. Thầy đến nhà tôi mà chơi, thì tôi phải đãi thầy chớ có lý nào lấy tiền của thầy đi mua gà, mua vịt.

- Tôi xin lỗi ông Hương, nếu ông không chịu lấy tiền, thì tôi ngại lắm, tôi về liền bây giờ. Anh em tôi buồn nên đến thăm ông Hương; ông vui vẻ mà tiếp rước, có lý nào anh em tôi làm tốn hao cho ông nữa. Xin ông lấy đi, lấy đặng biểu đi mua gà vịt nấu cháo rồi mình nhậu với nhau chơi mà.

Hương thân tiếp nói: "Xin ông Hương đừng có ngại chi hết. Cứ lấy đồng bạc mà biểu đi mua gà vịt đi. Anh em khi nầy người nầy bao, khi khác người khác bao, có chi đâu mà ngại. Bữa nào ông xuống chợ Trạm chơi, rồi ông bao anh em tôi lại. Biểu ai trong nhà lấy đi mua đi, đừng cãi lẽ mất ngày giờ. Ðâu, ông có ly cho lần ít cái, đặng uống giả trước một hai ly cho ấm bụng, rồi chừng ăn cháo mình sẽ làm thiệt."

Ông Hương trưởng phải chịu thua. Ông kêu bà ra mà đưa đồng bạc và nói: "Ðây nè, thầy giáo đưa tiền cậy bà mua giùm gà vịt làm thịt đặng nhậu chơi. Bà làm mau mau nghe hôn. Bây giờ bà coi còn khô gì đó bà nướng cho một miếng đặng nhậu đỡ, như hết khô thì kiếm cho ít trái ổi hay khế gì cũng được."

Bà đi xuống nhà sau. Ông bèn bước lại bàn thờ lấy một cái nhạo[9] với ba ly nhỏ đem lại.

Thầy giáo giành chiết rượu vô nhạo rồi lau ly rót đầy ba ly. Rượu bọt vung chùng, coi ngon lắm. Chủ khách hớn hở mời nhau, kẻ nói người cười, mà nhứt là ông Hương trưởng bấy giờ vui lắm, chớ không phải quạo quọ như hồi nãy nữa.

Rượu vừa thấm họng thì ông Hương thân hỏi ông Hương trưởng rằng:

- Ông ngồi chức Hương trưởng lâu lắm rồi, sao không lo lên chức Hương sư chơi?

- Ối! Tôi không cần, Hương gì cũng là Hương, đi nhóm hay cúng đình mình cũng có rượu thịt nhậu được vậy, cần gì phải lên chức Hương sư hay Chủ Cả.

- Nói như ông vậy sao được. Không làm thì thôi, chớ hễ làm làng thì phải lên chức lần lần chớ. Bởi ông không cần, nên năm ngoái ông để cho cụ Hương chánh Biên nó vượt lên chức Hương sư người ta bất bình quá.

- Nó lên Hương sư rồi nó chém được mình hay sao?

- Không phải nó chém mình được. Song nó là người ở đâu mới lại đây, chớ không phải con nhà gốc cội trong làng. Nếu để nó làm Hương sư rồi sau nó trèo lên chức Chủ Cả, nó ngồi trên đầu trên cổ mình chớ.

- Tôi nhượng chức Hương sư cho nó đó, ông tưởng tôi dại lắm hay sao? Nó kỉnh[10] cho tôi ba mươi đồng bạc, nên mới êm đó, biết hôn.

- À có vậy chăng!

- Ông đừng tưởng tôi lù khù, tôi khôn hơn họ hết thảy. Lên chức làm gì? Cứ ngồi chức Hương trưởng chơi. Thằng nào muốn leo qua thì tôi kêu nài; nếu nó biết khôn nó đút tiền cho tôi thì tôi nhượng cho nó.

- Ông ngồi chức Hương trưởng hoài, tụi nhỏ ở sau nó lên không được nó phiền chớ.

- Việc ấy hôm nhóm cử tôi có nói. Tôi nói ai có muốn cho tôi xin thôi đặng trống chỗ mà lên, thì phải chịu cho tôi hai trăm đồng bạc, thiếu một đồng cũng không được.

- Làm làng ông lanh quá.

- Phải như vậy mới được chớ. Nè, mà tôi coi trong Hội tề, không có chức nào sướng cho bằng chức Hương trưởng.

- Sao mà sướng?

- Theo chữ An-nam, trưởng nghĩa là lớn, biết hôn. Mình làm Hương trưởng nghĩa là làm ông Hương lớn hơn hết trong làng, coi không sướng hay sao, cần gì làm Cả Chủ.

- Ông cắt nghĩa thông quá. Thôi, uống chớ, nói chuyện để rượu lạt hết.

Uống mới vài ly thì kế cô Ðào ở trên chợ về, cô gánh bánh vô sân.

Ông Hương trưởng ngó thấy thì cười và nói: "Con nhỏ đi chợ về kia. Còn rượu nữa. Hai ông uống đi, thiếu gì rượu mà sợ. Uống có hết mình biểu nó đi mua thêm nữa cũng được."