Trời mưa tầm tã, tôi bước xuống tàu vào lúc 4 giờ sáng. Mấy anh xích lô cứ theo chèo kéo kèo nài: Về đâu anh, về đâu, về đâu?.... Tôi rẽ vào quán cà phê cạnh đấy, gọi một ly cà phê cho tỉnh người., giờ này mà đến kêu cửa nhà người quen thật không tiện. Đám hành khách cũng dần dần tản hết, một bác xích lô, chừng như đến muộn không tìm được khách cũng gác xe, vào quán gọi một ly cà phê như tôi. Nhìn dáng vẻ xộc xệch của tôi, chắc bác cũng đoán ra tôi mới vừa xuống tàu, bác gợi chuyện:
_ Anh mới xuống tàu phải không?
Cũng không đợi tôi trả lời, bác lại tiếp tục nói như nói với chính mình
_ Thời tiết lúc này sao mà khắc nghiệt quá, khi thì nắng chang chang, khi thì mưa tầm tã, thật là khổ. Nhà ở gần đây, nghe tàu về kéo còi mà dậy không muốn nổi.Hôm qua đang đi nắng, lại bất thần gặp cơn mưa giờ mình mẩy mỏi nhừ, mà không dậy đi làm thì chỉ có cách soong nhỏ bỏ soong lớn nấu thôi.Lát nữa anh có vào thành phố không?
Nghe bác hỏi lần nữa tôi gật đầu và nhìn kỹ bác, trông ngoài 50 tuổi, vóc dáng cao lớn nhưng hơi gầy và khắc khổ. Tôi đáp:
_ Lát nữa tôi mới đi, bây giờ trời mưa mà vẫn còn sớm quá.
_ Thầy về đâu để tôi chở?
Tôi ngạc nhiên hỏi:
_ Sao bác biết tôi là thầy giáo?
Bác cười, cái cười hồn hậu như một đứa trẻ nít thắng cuộc trong một trò chơi đoán xem vật gì giấu trong hộp.
_ Quen miệng thôi, tôi làm cái nghề đạp xích lô này 20 năm rồi, 20 năm chở các lượt hành khách tôi thường đoán xem mình đang chở ai và nhiều lúc đoán không sai chút nào. Tôi nhìn bàn tay thầy trông chỉ cầm nổi viên phấn, tập giáo án, vai hơi lệch sang một bên chứng tỏ thầy thường viết bảng, thậm chí làm nghề giáo cũng khá lâu rồi phải không?
Bác xích lô đã đoán không sai, tôi đi dạy đã 17 năm rồi và chỉ quen đứng trên bục giảng, dạy hết tiết rồi về, ít khi tôi ngồi xuống bàn giáo viên, và tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài nghề đi dạy. Vợ tôi vẫn bảo rằng tôi chỉ dài lưng tốn vải... mà thôi. Bác xích lô lại tiếp tục:
_ Tôi rất trọng những người có chữ nghĩa, nói thầy đừng giận chứ đôi lúc chở họ đi, họ kèo nài từng đồng đó thầy à, nhưng cũng phải thôi, họ làm ra đồng tiền không đễ dàng, nên chi tiêu phải cân nhắc, chứ còn có những người sang trọng, uống bia rượu vừa uống vừa đổ mà khi đi xe thì trả từng xu từng hào.thì mới đáng trách...
Tôi cười:
_ Bác nói thế chứ cũng tùy người, nhưng mà nếu các bác không thách quá cao thì họ cũng chằng trả từng đồng làm gì.
Bác xích lô cũng cười theo:
_ Tôi nói là nói vậy... à mà thầy về đâu để tôi nói giá xem thử có cao không:
_ Lát nữa tôi sẽ về đường Nguyễn Biểu bác ạ.
_ Thế thì tôi xin thầy mười hai đồng vậy
Tôi trêu bác:
_ Tôi không biết là có nên trả bác mười đồng không. À hết mưa mà trời cũng sáng rồi, đi lúc này là vừa.
Tôi đứng dậy xách hành lý và bước lên chiếc xe của bác, chiếc xe cũng đã cũ kỹ chưa được tân trang như những chiếc xích lô riêng của khách sạn. Vừa đi tôi gợi chuyện bác:
_ Hai mươi năm đạp xích lô cũng là quá lâu rồi bác nhỉ? sao bác không chuyển sang nghề nào khác đỡ vất vả hơn?
Bác xích lô cười buồn buồn đáp:
_ Tôi cũng đã nhiều lần muốn đổi nghề, chí ít cũng cố gắng sắm một chiếc xích lô máy để đỡ nhọc nhằn hơn nhưng cái số tôi nó mạt lắm thầy à.
Hồi trước, tôi đi lính, trung sĩ không quân đó thầy, lúc giải phóng vì còn ông bà già nên tôi đã đẩy vợ tôi lên máy bay trước, định bụng về lo cho ổng bả xong rồi cũng bay theo, nhưng cuối cùng thì kẹt ở lại. Học tập cải tạo xong thì ông bà già cũng mất, vợ thì cũng không có tin tức gì. Tôi cũng lần về tận Châu Đốc, quê vợ tôi ở đó mà, cũng không có tin tức gì. Rốt cuộc người thân chẳng còn ai, đôi lúc chẳng thiết sống nữa. Lây lất qua ngày bằng cách thuê chiếc xích lô đi kiếm ăn. Năm 80, gặp vợ sau của tôi, cổ bán trái cây ngoài chợ, tôi chở riết đâm quen, rồi thương nhau. Vợ tôi đẻ 3 đứa con trai. Đứa lớn học lớp 10 trường chuyên đó thầy, đứa kề học lớp 7, cũng khá như thằng anh nó, một buổi đi học, một buổi bán vé số kiếm tiền học thêm, tôi cũng mừng cho phần số mình cũng không đến nỗi nào. Tôi cũng chẳng mơ ước gì cao sang, không ngờ ông trời cũng ích kỷ lắm. Thằng con lớn của tôi bữa đó đi bán vé số, băng qua đường bị xe tung, rồi liệt nửa người nằm bệnh viện mấy tháng, dành dụm bao nhiêu cũng theo đó mà bay thế mà nó cũng không qua khỏi.
Nói tới đây, bác im lặng, tôi cũng không dám hỏi gì thêm, im lặng một lúc lâu rồi bác cũng tiếp tục:
_ Vậy mà đã hết đâu thầy, sau cái chết thằng lớn, bà vợ tôi bỗng ngơ ngẩn như người mất hồn, lúc nào cũng tiếc thương thằng con ngoan ngoãn của mình, không chịu ăn uống gì, bây giờ thì nằm bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán là suy tim độ 3. Thằng con thứ bây giờ cũng bỏ học luôn để đi bán vé số ngày hai buổi phụ tôi thuốc thang cho mẹ nó. Thầy nghĩ xem, bây giờ tôi có muốn đổi nghề khác thì chờ đến kiếp sau...
Tôi không biết nói một câu gì để an ủi bác, vì biết có nói cũng là thừa, tôi đã trưởng thành trong một mái ấm gia đình, đến khi lấy vợ, có con cưộc đời vẫn thật bằng phẳng, tôi chợt ân hận vì đã có lúc tỏ ra keo kiệt bủn xỉn đối với một số người mà biết đâu họ cũng có cảnh đời như bác xích lô này. Vậy mà đôi lúc chỉ có một nỗi khổ tâm nhỏ tôi đã thầm oán trách cuộc đời. Tôi cứ miên man suy nghĩ đến khi bác xích lô ngừng lại và nói:
_ Tới nơi rồi thầy à, thầy đến nhà số mấy?
_ Bác cứ cho tôi xuống đây.
Tôi bước xuống xe, gởi tiền xe cho bác xong tôi muốn nói một câu chào gì đó, nhưng tôi biết có chúc bác may mắn cũng là vô nghĩa, tôi chìa tay ra trước sự ngạc nhiên của bác, tôi chìa tay vì muốn được chia sẻ với bác những bất hạnh của một đời người.