Hai người quay đầu nhìn lại thấy bảy, tám con hươu lớn đang từ bên kia trái đồi chạy nhanh đến. Vi Tiểu Bảo cả mừng hỏi:
- Ta đang đói bụng đây. Có cách nào bắt được một con giết chết lấy thịt nướng ăn không? Song Nhi đáp:
- Để nô tỳ thử coi. Đột nhiên thị tung mình nhảy vọt về phía bầy hươu. Ngờ đâu, bầy hươu này là giống Mai Hoa Lộc, chân rất dài, chạy nhảy nhanh như bay. Chúng vừa xoay mình vọt đi đã ra xa mấy chục trượng, sức người không đuổi kịp. Song Nhi lắc đầu nói:
- Đành chịu thôi, chẳng tài nào đuổi kịp chúng. Giống Mai Hoa Lộc này không sợ người. Chúng thấy Song Nhi dừng bước liền quay đầu lại ngó. Vi Tiểu Bảo nói:
- Chúng ta nằm xuống đất giả chết thử coi chúng có trở lại không? Song Nhi cười đáp:
- Hay lắm! Để tiểu tỳ thử coi. Thị nói rồi nằm xuống đất tuyết. Vi Tiểu Bảo nói:
- Ta đã chết rồi. Cô vợ ta là Song Nhi cũng chết theo. Cả hai vợ chồng đã mai táng vào trong phần mộ, không nhúc nhích được nữa. Ta cùng hảo Song Nhi sinh được tám trai chín gái. Bọn chúng đang ở trước mộ khóc rống lên: "Hỡi cha ơi là mẹ ơi!..." Song Nhi không nhịn được bật lên tiếng cười khúc khích. Mặt thẹn đỏ bừng, thị cãi:
- Ai sinh với tướng công hồi nào mà lắm trai nhiều gái thế? Vi Tiểu Bảo đáp:
- Được rồi! Tám trai, chín gái nhiều quá thì ba trai, ba gái vậy. Song Nhi lại cười nói:
- Không... Không... Quả nhiên hai người thấy mấy con Mai Hoa Lộc trở lại bên mình dòm ngó, dường như chúng rất hiếu kỳ. Nguyên trong loài động vật thì giống hươu trí tuệ kém nhất, thua cả những giống khuyển, mã, hồ ky rất nhiều. Vì thế người ta mới có câu: "Ngu như lợn, dại như hươu". Mấy con Mai Hoa Lộc cúi xuống ngửi vào mặt Vi Tiểu Bảo và Song Nhi kêu be be. Vi Tiểu Bảo hô:
- Động thủ! Gã nhảy vọt lên, ngồi trên lưng một con, hai tay ôm chặt lấy cổ nó. Song Nhi cũng nhẹ nhàng nhảy lên cưỡi một con khác. Bầy hươu tung vó chạy đi. Song Nhi la hoảng:
- Tướng công lấy đao trủy thủ đâm nó chết đi! Vi Tiểu Bảo đáp:
- Không nên giết vội. Chúng ta hãy cưỡi hươu chạy trốn thì bọn Hồng giáo chủ không đuổi kịp được. Song Nhi nói:
- Phải lắm! Phải lắm! Nhưng đừng để tán lạc nhau. Thị rất lo mỗi con hươu chạy đi một ngả thất lạc nhau thì nguy quá. May ở chỗ Mai Hoa Lộc tính thích hợp quần. Tám con hươu lớn vẫn quần tụ với nhau mà chạy. Bầy hươu vừa chạy được một lúc, lại có bảy, tám con nữa đến nhập bọn. Giống hươu này mình cao chân dài, chạy nhanh chẳng kém gì tuấn mã, có điều người cưỡi hươu bị chấn động kịch liệt. Bầy hươu chạy một mạch về hướng tây bắc xa đến mấy dặm mới đi thong thả lại. Hai con có người cưỡi trên lưng thỉnh thoảng lại dùng sức mạnh nhảy tung lên để hất xuống. Nhưng Vi Tiểu Bảo và Song Nhi hai tay ôm ghì lấy cổ hươu, cố chết nhất định không chịu buông ra. Vi Tiểu Bảo hô:
- Ráng mà giữ thật chặt. Nhảy xuống là không cưỡi lên được nữa đâu. Chúng ta trốn chạy càng xa càng tốt. Cái đó kêu bằng: "Đại trượng phu nhất ngôn ký xuất, hoạt lộc nan truy". Hai người đói quá đầu nhức mắt hoa, mà vẫn một tay ôm cổ, một tay nắm chặt sừng hươu, để mặc chúng chạy trong khu bình nguyên bát ngát đầy tuyết phủ. Hai người biết rằng bầy hươu chạy thêm một khắc là cách xa Hồng giáo chủ thêm một đoạn đường và bớt được thêm một phần nguy hiểm. Chiều hôm ấy, bầy hươu tiến vào trong một khu rừng rậm. Vi Tiểu Bảo mừng quá reo lên:
- Hay lắm! Chúng ta xuống đây thôi! Gã vừa nói vừa rút trủy thủ đâm vào cổ con hươu mình cưỡi. Nó chạy thêm mấy bước nữa rồi ngã lăn ra. Song Nhi nói:
- Giết một con đủ ăn rồi. Tiểu tỳ tha cho con này. Dứt lời, thị từ trên lưng hươu nhảy xuống. Vi Tiểu Bảo sức cùng lực kiệt, tưởng chừng bao nhiêu khớp xương trong mình đều trật khớp. Gã nằm xuống đất mà thở hồng hộc, rồi kề miệng vào bên vết thương ở cổ con hươu cho huyết nó chảy vào. Gã uống ừng ực một hồi rồi la gọi:
- Song Nhi! Lại đây mà uống. Gã uống khá nhiều huyết hươu vào bụng, liền thấy tinh thần phấn khởi. Một lúc sau, trong người dần dần cảm thấy ấm áp. Song Nhi uống huyết rồi, cầm đao trủy thủ chặt một đùi hươu. Thị lượm cành khô đốt lửa lên vừa nướng đùi hươu vừa nói:
- Hươu ơi là hươu! Ngươi cứu mạng cho bọn ta, mà bọn ta lại giết ngươi ăn thịt, thật là tệ bạc với ngươi quá! Hai người ăn hết một đùi hươu nướng thấy trong lòng cao hứng, khí lực gia tăng gấp bội Vi Tiểu Bảo nói:
- Hảo Song Nhi! Ta cùng cô ở trong rừng này làm một cặp liệp công, liệp bà
(ông đi săn, bà đi săn) không trở về Bắc Kinh nữa. Song Nhi cúi đầu xuống đáp:
- Tướng công đi tới đâu, nô tỳ cũng theo tới đó mà hầu hạ. Tướng công muốn trở về Bắc Kinh làm quan lớn cũng được, hay ở đây làm nhà săn bắn cũng vậy, thủy chung nô tỳ vẫn là một tên tiểu nha đầu của tướng công. Dưới ánh lửa cháy bừng bừng, Vi Tiểu Bảo ngó thấy gương mặt Song Nhi hồng hào càng lộ vẻ khả ái, liền cười hỏi:
- Bây giờ chúng ta ở tình trạng này không hiểu đã "Đại công cáo thành" chưa? Song Nhi nghe gã nói đến Đại công cáo thành biết là gã sắp hôn ẩu, bất giác la lên một tiếng "úi chà" rồi nhảy tót lên ngọn cây tùng vừa cười vừa đáp:
- Không được! Không được! Đêm hôm ấy hai người nằm cuộn mình thu lu bên đống lửa ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau, Song Nhi trở dậy lại nướng thịt hươu. Hai người ăn no một bữa rồi thị lột da hươu làm cho Vi Tiểu Bảo một tấm áo. Cái mũ đội trên đầu hôm trước lúc cưỡi hươu chạy đã bị rớt mất. Song Nhi lại làm cho gã một cái mũ bằng da hươu. Vi Tiểu Bảo nói:
- Hôm qua chúng ta chạy suốt một ngày, bây giờ bọn Hồng giáo chủ khó mà tìm được tới nơi, nhưng ta cảm thấy còn nguy hiểm. Hay hơn hết là chúng ta lại cưỡi Mai Hoa Lộc chạy lên phía Bắc ba bốn ngày nữa thì rồi "Vi giáo chủ" mới vĩnh hưởng tiên phúc và "Song Nhi phu nhân" thọ dữ thiên tề được. Song Nhi cười hỏi:
- Song Nhi phu nhân gì đó nghe không lọt tai. Còn muốn cưỡi hươu thì dễ lắm. Tướng công thử nhìn ra đằng trước có phải bầy hươu đã tới kia không? Quả nhiên Vi Tiểu Bảo ngó thấy một bầy cả hươu lớn hươu nhỏ đến ngoài hai chục con từ mé đông lội tuyết đi tới. Con nào cũng cất cổ cao nghền nghễu để gậm lá non. Khu rừng rậm này ít vết chân người. Bầy hươu ngó thấy Vi Tiểu Bảo và Song Nhi vẫn chẳng sợ hãi chi hết. Song Nhi nói:
- Bầy hươu này rất hiền lành, ta không nên giết hại chúng. Con hươu lớn giết hôm qua hãy còn thịt ăn được mười mấy ngày. Thị liền chặt thịt hươu ra từng miếng gói cả vào với phần da còn lại thành hai bộc. Thị cùng Vi Tiểu Bảo chia nhau khoác lên vai, từ từ đi về phía bầy hươu. Vi Tiểu Bảo đưa tay sờ lưng một con hươu lớn. Nó chẳng sợ hãi gì, còn quay lại liếm vào mặt gã. Vi Tiểu Bảo la lên:
- Trời ơi! Con hươu này "Đại công cáo thành" với ta rồi. Song Nhi cười khúc khích nói:
- Tướng công cưỡi lên lưng nó đi! Hai người cùng nhảy lên lưng hươu. Bấy giờ hai con hươu mới giật mình kinh hãi, tung vó chạy về phía trước. Cả bầy hươu thủy chung vẫn chạy trong khu rừng rậm. Vi Tiểu Bảo biết cưỡi hươu không phải là việc khó, cứ ngồi trên lưng để nó chạy chừng hai giờ rồi cùng Song Nhi nhảy xuống, thả cho chúng đi tự nhiên. Hai người nhận định phương hướng và bảo nhau cứ chạy ngược lên phía bắc là càng đi càng xa cách Hồng giáo chủ. Hai người liền cưỡi hươu cho nó chạy theo khu rừng ngược lên phía bắc hơn mười ngày nữa. Những lúc không gặp hươu lại từ từ đi bộ. Đói thì ngồi lại lấy thịt hươu nướng ăn. Về sau, những quần áo mặc trong mình bị gai cào rách hết,hai người đều lấy mũ áo da hươu mặc thay vào. Cả giầy cũng làm bằng da hươu. Một hôm Vi Tiểu Bảo và Song Nhi ra khỏi khu rừng lớn, bỗng nghe tiếng sóng vỗ bì bõm. Hai người đi một lúc nữa thì đến bờ một con sông lớn. Nước sông chảy cuồn cuộn. Hai người đi trong rừng rậm mười mấy bữa, đột nhiên thấy cảnh sông nước, bất giác trong lòng khoan khoái. Hai người đang theo ven sông ngược lên phía bắc, bỗng gặp ba hán tử mình mặc áo da thú, tay cầm thuổng cuốc, đinh ba, ra kiểu người đi săn. Qua một thời gian khá lâu, Vi Tiểu Bảo lại được gặp người, lòng mừng hớn hở, vội tiến lên đón chào rồi hỏi:
- Các vị đại ca đi đâu đó? Một hán tử lối ngoài bốn chục tuổi đáp:
- Bọn ta đến thị tập ở bờ sông Mẫu Đơn. Khẩu âm hắn rất quái dị. Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Sông Mẫu Đơn ở phía nào? Bọn tại hạ đi lạc đường rồi. Bây giờ được theo ba vị đại ca thật may quá. Thế rồi hai người nhập bọn đi với họ, thỉnh thoảng lại gợi chuyện nói mấy câu. Nguyên ba hán tử này là người Thông Cổ Tư, chuyên sinh nhai bằng nghề săn bắn và đào củ sâm, thường đến thị tập ở bờ sông Mẫu Đơn. Vì họ có buôn bán giao dịch với người Hán nên biết ít nhiều Hán ngữ. Khi đến tòa thị tập lớn bên bờ sông Mẫu Đơn, Vi Tiểu Bảo sờ bên mình nay còn được mấy lạng bạc, liền vào tửu quán, mời ba người Thông Cổ Tư uống tượu. Năm người đang uống rượu, bỗng nghe bàn bên cạnh có người lên tiếng:
- Ông bạn lấy được "cây bổng" này dĩ nhiên là khá lắm rồi. Nhưng năm trước ta đã đào ở Hô Mã Nhĩ Oa Tập Sơn một cây còn già hơn của ông bạn đến năm chục năm... Vi Tiểu Bảo cùng Song Nhi tuy chưa hiểu họ nói chuyện gì, nhưng vừa nghe đến tên "Hô Mã Nhĩ Oa Tập Sơn" bất giác chấn động tâm thần, đưa mắt nhìn nhau. Khi hai người ngó sang bàn bên thì thấy hai lão hán ngồi đó đang nói chuyện với nhau. Một lão tay cầm con nhân sâm đang ngắm nghía. Bây giờ hai người mới hiểu "cây bổng" mà họ nói đó tức là con nhân sâm kia. Vi Tiểu Bảo móc ra một đĩnh bạc đưa cho tửu bảo và sai y lấy nhiều rượu thịt. Gã còn bảo chặt một khay thịt bò lớn và hai cân rượu đưa sang bàn bên cạnh. Hai người khách kia rất lấy làm kỳ, không hiểu sao nhà săn bắn nhỏ tuổi này lại hiếu khách đến thế? Chúng liền đứng lên cảm ơn không ngớt miệng. Vi Tiểu Bảo qua bàn bên mời khách uống mấy chung rượu. Gã là người lém mép, chỉ nói vài ba câu chuyện là hỏi ngay được núi Hô Mã Nhĩ Oa Tập Sơn ở chỗ nào? Té ra núi này còn cách đây mấy ngàn dặm về phía bắc. Vi Tiểu Bảo liền gọi Song Nhi sang để hỏi cho biết rõ những núi sông khác trên bản đồ. Hai người khách nhất nhất chỉ điểm phương vị ở đâu, gần xa thế nào, quả đúng như trên địa đồ không sai một chút. Cơm no rượu say rồi, Vi Tiểu Bảo cùng Song Nhi từ biệt mấy người Thông Cổ Tư và hai ông khách rồi ra đi. Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm:
- Núi Lộc Đỉnh còn cách đây đến mấy ngàn dặm. Ta cứ thủng thỉnh lên tới đó để đào lấy bảo vật. Thực ra đào được bảo vật hay không, gã cũng chẳng quan tâm, gã chỉ sợ bọn Hồng giáo chủ đuổi tới. Vi Tiểu Bảo cho là bọn Hồng giáo chủ ở phương nam, nếu gã lên phía bắc mấy ngàn dặm nữa thì chẳng thể kiếm thấy được. Rồi gã tự nhủ:
- Ta cùng Song Nhi ở chốn hoang sơn dã lĩnh, mấy chục năm, chờ Hồng giáo chủ già rồi chết đi, ta sẽ trở về. Chẳng lẽ lão thọ dữ thiên tề con mẹ nó thật ư? Bên mình mang theo rất nhiều ngân phiếu, Vi Tiểu Bảo liền mướn một cỗ xe lớn để cùng Song Nhi ngồi đi ngược lên phía bắc. Gã vẫn lo Hồng giáo chủ đuổi tới, nên cứ đội mũ mặc áo da hươu, lại lấy than bôi lên mặt cho đen nhẻm, đề phòng khi gặp Hồng giáo chủ thì lão cũng không thể nhận ra được. Vi Tiểu Bảo ngồi trong xe chuyện trò vui vẻ với Song Nhi. Thỉnh thoảng gã lại "Đại công cáo thành" một cái. Trong quãng thời gian này gã sinh hoạt rất thung dung khoan khoái. Hai người ngồi xe đi được trên hai chục ngày, càng ngược lên phía bắc trời càng gió lạnh. Trên đường băng đóng tuyết đọng, xe không đi được. Hai người liền bỏ xe cưỡi ngựa tiếp tục cuộc hành trình. Về sau cưỡi ngựa cũng không đi được nữa, Vi Tiểu Bảo cùng Song Nhi đành đi bộ ở trong rừng hay ngoài cánh đồng đầy tuyết phủ. May ở chỗ Vi Tiểu Bảo mượn tiếng là đi tìm báu vật, mà thật ra gã đi lánh nạn. Gã thấy những nơi sơn cùng ác thủy, bốn mặt không một bóng người lại càng yên dạ. Song Nhi trí nhớ rất giỏi, thị cứ theo phương vị vẽ trên bản đồ thủng thẳng tiến về phía bắc. Khi gặp người săn bắn hay khách đi đào củ sâm thị lại hỏi thăm địa danh để đối chiếu với bản đồ xem có đúng hay không. Chỗ vẽ tám khuyên tròn khác mầu sắc tức là nơi Lộc Đỉnh Sơn tọa lạc. Địa phương này ở chỗ hợp lưu hai con sông lớn. Một hôm đi gần tới nơi, hai người đang dắt tay nhau tiến bước trong khu rừng tùng, đột nhiên về mé đông bắc nghe tiếng nổ "đoàng đoàng" thật lớn. Đúng là tiếng hỏa khí phát xạ. Vi Tiểu Bảo hoảng hồn la lên:
- Trời ơi! Nguy to rồi! Hồng giáo chủ đã đuổi tới nơi. Gã vội kéo Song Nhi ẩn vào phía sau bụi cỏ rậm. Tiếp theo, lại nghe tiếng mười mấy người gầm thét chạy tới và tiếng vó ngựa dồn dập. Vi Tiểu Bảo vẫn nơm nớp lo sợ bọn Hồng giáo chủ rượt theo để bắt gã rút xương lột da. Bây giờ gã nhận ra những thanh âm này dường như không liên quan đến Hồng giáo chủ, mới yên dạ. Gã đứng trong bụi cỏ rậm nhìn ra xa thấy mười mấy nhà săn bán người Thông Cổ Tư vừa la vừa chạy thục mạng. Lại nghe những tiếng "đoàng đoàng" tiếp tục nổi lên không ngớt. Mấy nhà săn bắn kia ngã lăn xuống đất, lăn lộn mấy vòng rồi chết ngoẻo. Người nào cũng mình đẫm máu tươi. Vi Tiểu Bảo nắm tay Song Nhi, miệng lẩm bẩm:
- Đây là súng nổ của bọn quỉ sứ ngoại quốc. Tiếng vó ngựa vang lên! Bảy tám người kỵ mã ào ào xông tới. Những người ngồi trên lưng ngựa đều râu vàng mắt biếc, quả là bọn quan binh ngoại quốc. Tên nào cũng thân thể cao lớn, tướng mạo hung dữ. Tên thì tay cầm đao, tên thì cầm súng. Chúng vung đao lên chém bừa bãi. Chỉ trong khoảnh khắc, bao nhiêu nhà săn bắn Thông Cổ Tư chưa chết đều bị giết hết. Bọn quan binh ngoại quốc nổi lên tràng cười hô hố. Chúng xuống ngựa xục tìm trong mình những xác chết để lấy đồ vật là những tấm da điêu và bảy tám con ngân hồ. Chúng nói lý la lý lố một hồi rồi lên ngựa bỏ đi. Vi Tiểu Bảo và Song Nhi sợ quá chẳng còn hồn vía nào nữa, mặt xám như tro tàn, cắt không còn hột máu. Khi hai người nghe tiếng vó ngựa đi xa rồi mới lóp ngóp từ trong bụi cỏ chậm chạp bước ra. Lúc nhìn đến những người Thông Cổ Tư thì thấy họ chết hết chẳng còn một ai sống sót. Vi Tiểu Bảo và Song Nhi ngơ ngác nhìn nhau, đều nhận ra người kia khủng khiếp đến cực điểm. Vi Tiểu Bảo cất tiếng run run khẽ nói:
- Đây là hành động của bọn cường đạo quỉ sứ người ngoại quốc. Song Nhi đáp:
- Chúng còn hung tợn hơn cả quân cường đạo.. Chúng đã cướp đoạt đồ vật của người ta, lại còn sát nhân một cách rất tàn nhẫn. Vi Tiểu Bảo sực nhớ ra chuyện gì, bỗng cất tiếng hỏi:
- Sao lại có bọn cường đạo nước ngoài đến đây? Hay là Ngô Tam Quế đã nổi lên tạo phản? Nguyên gã biết Ngô Tam Quế ước hẹn với nước La Sát khi dấy binh tạo phản thì mặt dưới từ Vân Nam kéo quân đánh ngược lên, đồng thời nước La Sát tấn công từ mặt bắc xuống, nên gã ngờ đây là cuộc tạo phản của Ngô Tam Quế gây ra. Vi Tiểu Bảo đột nhiên thấy quan binh ngoại quốc kéo đến, gã hỏi vậy rồi lẩm bẩm:
- Mấy chục bữa nay, ta không được nghe tin tức bên ngoài, không chừng đúng là tên đại hán gian đó đã động thủ. Gã nghĩ tới binh mã dưới trướng Ngô Tam Quế người nhiều thế mạnh thì không khỏi lo thay cho tiểu Hoàng đế. Gã ngó bộ thi thể nằm dưới đất lòng buồn rười rượi. Song Nhi thở dài nói:
- Những người đi săn này thật là đáng thương! ở nhà bọn họ còn có cha mẹ vợ con đang chờ đợi, có biết đâu họ đã chết ngoẻo không trở về được nữa. Vi Tiểu Bảo đột nhiên ồ lên một tiếng rồi nói:
- Ta muốn gặp tiều Hoàng đế. Song Nhi rất lấy làm kỳ hỏi lại:
- Tướng công bảo sao? Muốn gặp tiểu Hoàng đế ư? Vi Tiểu Bảo đáp:
- Đúng thế! Ngô Tam Quế dấy binh tạo phản, tiểu Hoàng đế nhất định có nhiều việc cần bàn định với ta. Dù ta chẳng nghĩ được mưu kế gì thì cũng nói chuyện cho ngài giải muộn. Vậy chúng ta phải trở về Bắc Kinh. Song Nhi ngơ ngác hỏi:
- Không lên Lộc Đỉnh Sơn nữa ư? Vi Tiểu Bảo đáp:
- Lần này chưa đi được, chuyến sau sẽ tới đó. Nên biết gã tuy là người tham tài, nhưng đã tích trữ rất nhiều tiền bạc châu báu, tha hồ xài suốt đời cũng không hết. Gã nghĩ tới Lộc Đỉnh Sơn là chỗ long mạch của nhà Vua, thực tình gã không muốn đào xuống để kiếm báu vật, vì sợ làm đứt long mạch, có thể nguy hại đến tính mạng của tiểu Hoàng đế. Trước kia gã hăm hở lấy những mảnh giấy vụn trong pho Tứ thập nhị chương kinh, trong lòng rất sốt sắng mong giáp lại thành bản đồ để tra cho biết danh tự núi sông, nhưng khi tới Lộc Đỉnh Sơn thì gã lại ngấm ngầm sợ hãi, chỉ tìm cách để dời khỏi trái núi này càng xa càng tốt. Nếu bảo gã thực tình vì lòng nghĩa khí đối với Vua Khang Hy thì cái đó chưa chắc đã đúng, có điều đào núi Lộc Đỉnh để tìm báu vật là một công cuộc lớn lao quá. Huống chi bên gã chỉ có một mình Song Nhi. Bây giờ công việc tới nơi, gã đâm ra khiếp đảm. Giả tỷ gã đem theo mấy ngàn quan binh ở Kiêu Kỵ Doanh thì không chừng hắn đã cao hứng hô lớn:
- Tổ bà nó! Hãy kéo quân lên Lộc Đỉnh Sơn ngay! Song Nhi chẳng có chủ ý gì hết. Dĩ nhiên Vi Tiểu Bảo hạ lệnh thế nào là thị tuân theo như vậy. Vi Tiểu Bảo nói:
- Chúng ta trở về Bắc Kinh, đừng để bọn cường đạo ngoại quốc chạm trán. Hãy trở ra bờ sông để coi xem có thuyền bè gì không? Hai người liền chuồn ra rừng cây, đi về phía đông. Hai người đi đến lúc xế chiều thì tới bờ con sông lớn và đã ngó thấy một tòa thành ở phía xa xa. Vi Tiểu Bảo cả mừng nghĩ bụng:
- Ta hãy vào trong thành rồi mướn thuyền hay mua ngựa cũng được. Có tiền thì việc gì chẳng xong? Gã rảo bước đi ngay. Đi chừng vài dặm lại thấy một con sông lớn từ phía tây bắc uốn khúc chảy tới, hợp lưu với dòng sông này. Tai nghe sóng vỗ bì bòm. Song Nhi bỗng lên tiếng:
- Bẩm tướng công! Đây là hợp lưu của hai sông A Mục Nhĩ Hà và Hắc Long Giang. Chỗ kia... đúng là Lộc Đỉnh Sơn rồi. Thị vừa nói vừa giơ tay trỏ về phía tòa thành. Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Cô không nhớ lộn đấy chứ? Nếu đúng như vậy thì hay quá! Song Nhi đáp:
- Trên địa đồ đã vẽ rõ ràng, nhưng khuyên thành tám vòng tròn nhỏ khác màu sắc và không chua là có thành trại chi hết. Vi Tiểu Bảo nói:
- Trên núi Lộc Đỉnh mà lại có thành thì thật là điều quái dị. Ta coi chừng tòa thành này không yên ổn đau, vậy nên đi đường khác. Song Nhi hỏi:
- Sao lại không yên ổn? Vi Tiểu Bảo đáp:
- Cô coi kìa! Trên tòa thành có làn yêu vân bao phủ. Chắc trong thành ẩn nấp một con yêu quái rất lớn! Song Nhi giật nẩy mình la lên:
- Trời ơi! Tiểu tỳ sợ yêu quái lắm! Chúng ta chạy đi thôi. Giữa lúc ấy lại nghe tiếng vó ngựa dồn dập. Mấy chục người kỵ mã theo bờ sông lớn từ phía nam chạy tới. Chỗ này bốn mặt đều là đồng bằng chẳng có chỗ nào ẩn nấp được. Vi Tiểu Bảo liền dắt Song Nhi chạy tuột xuống bờ sông, ngồi thu mình sau một tảng đã lớn gần kề mặt nước. Chẳng mấy chốc, đội kỵ mã lướt qua nhanh như gió. Những người ngồi trên lưng ngựa toàn là quan binh ngoại quốc. Vi Tiểu Bảo thè lưỡi ra nhìn lên thấy bọn quan binh này chạy về phía thành trại, liền nói:
- Ta đã bảo tòa thành này không yên được, quả nhiên đúng lắm. Té ra làn mây bao phủ tòa thành này không phải là yêu vân mà là phiên vân của bọn người ngoại quốc. Song Nhi thở dài nói:
- Chúng ta mất bao công trình khó nhọc mới tìm được Lộc Đỉnh Sơn, không ngờ tòa núi này lại bị quân cường bạo ngoại quốc chiếm cứ. Vi Tiểu Bảo bỗng nhảy lên la:
- Hỏng bét! Hỏng bét! Song Nhi sắc mặt tái mét hỏi:
- Chuyện gì vậy? Vi Tiểu Bảo đáp:
- Nhất định bọn cường đạo ngoại quốc đã biết những chuyện bí mật trong địa đồ, không thì sao bọn chúng lại tìm đến đây? Kho bảo tàng cùng long mạch đều không giữ được nữa rồi.