Tiên sinh Dương Liên tự Đại Hồng* lúc còn hàn vi là bậc danh nho ở đất Sở (vùng Hồ Nam), tự cho rằng mình không phải là hạng tầm thường. Sau kỳ thi hương, nghe có người báo danh sách thi đỗ, lúc ấy ông đang ăn cơm, vội ngậm miếng cơm hỏi có tên Dương mỗ không? Người kia đáp không có, ông bất giác thất chí nghẹn cổ ho sặc lên, miếng cơm trong miệng rơi xuống dính luôn ở ức, dần vón cục thành bệnh, vướng víu rất khó chịu. Những người quen biết an ủi khuyên ông dự thi khoa Di tài** ông lo không có tiền đi đường, họ góp được mười đồng vàng tặng tiễn, ông bèn miễn cưỡng lên đường.
* Dương Liên tự Đại Hồng: bản Hương Cảng chú nhân vật này có tên tự là Văn Nhụ, lại tự Đại Hồng, người ứng Sơn Hồ Bắc, thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh mùi niên hiệu Vạn Lịch thời Minh, trong niên hiệu Thiên Khải làm quan tới chức Ngự sử, dâng sớ tham hặc hai mươi bốn tội của quyền thần Ngụy Trung Hiền, bị bè đảng của Ngụy giả chiếu chỉ bắt giam, bị hại chết trong ngục.
**Khoa Di tài: khoa thi chọn người có tài bị bỏ sót, là hình thức khoa cử đặc biệt tổ chức sau kỳ thi hương thông thường để chiếu cố cho những người có tài mà không may thi rớt. Ở Việt Nam trước đây không thấy có các khoa thi loại này.
Đêm ở nhà trọ nằm mơ thấy một người nói "Đường phía trước có người chữa được bệnh của ông, nên cố khẩn cầu”, rồi ra đi, lúc chia tay tặng một bài thơ trong có câu “Ba phen giỡn sáo bên bờ liễu, Tiền ném vào sông chớ oán hờn". Hôm sau ông lên đường đi tiếp, quả gặp một đạo sĩ ngồi dưới gốc liễu, liền tới lạy xin cứu giúp Đạo sĩ cười nói “Anh lầm to rồi! Ta làm sao chữa bệnh được? Xin ta đùa ba lần thì còn được". Rồi rút sáo ra thổi, ông nhớ lại giấc mơ, càng ra sức năn nỉ, lại dốc hết tiền trong túi dâng lên. Đạo sĩ cầm tiền ném luôn xuống sông. Ông vẫn cho rằng không dễ có được số tiền ấy, nín bặt vừa sợ vừa tiếc, đạo sĩ nói “Ông còn chưa dứt ra được à? Tiển ở bờ sông kia, xin cứ ra mà nhặt". Ông quay lại nhìn quả đúng, càng lấy làm lạ, gọi đạo sĩ là thần tiên. Đạo sĩ chỉ ra xa nói!Ta không phải là thần tiên, chỗ kia mới là thần tiên tới kìa!", rồi nhân lúc ông quay nhìn, đập cho một cái rất mạnh vào gáy rồi nói “Trần tục quá!". ông bị đập mạnh, ho sặc lên một tiếng, ọe ra một vật, rơi xuống đất như một cục gì đó, cúi xuống vạch ra nhìn, thì thấy giữa mớ chỉ máu là miếng cơm ngày trước vẫn còn nguyên, hết luôn cả bệnh. Quay lên nhìn thì đạo sĩ đã biến mất.
Dị Sử thị nói: Ông sống làm sông núi, chết làm trăng sao, cần gì phải trường sinh mới là bất tử! Có người cho rằng ông vẫn là người trần, không phải là thần tiên, nên tiếc rẻ cho ông. Ta thì nói rằng trên trời có thêm một bậc thần tiên chẳng bằng dưới đời thêm được một bậc thánh hiền, người hiểu điều ấy ắt sẽ không cho là ta thiên lệch vậy.