Lịch Sử Việt Nam - Từ Nguồn Gốc Đến Năm 1884

Thời Bắc Thuộc (207 tr.CN - 906)

I. Các ách đô hộ phương Bắc - các cuộc khởi nghĩa

1. Nhà Triệu (207-111 tr.CN)

Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà (207-137 tr.CN) đem đất Âu Lạc sáp nhập vào quận Nam Hải của mình, lập nên một quốc gia tự trị với quốc hiệu là Nam Việt. Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ Vương và không chịu thần phục Trung Hoa. Nước Trung Hoa, sau một thời gian nội loạn, đã được ổn định trở lại dưới Triều Tây Hán. Vua H

n muốn Nam Việt trở thành chư hầu, sai người sang phong vương cho Triệu Đà. Trước sức mạnh của thiên triều, Triệu Đà đành chấp nhận vị trí tiểu quốc. Nhưng sau khi Hán Cao Tổ chết, lợi dụng tình hình tranh chấp quyền hành trong nội bộ Hán Triều, Triệu Đà lấy cớ việc Hán triều cấm không cho người Hán giao thương với Nam Việt, cho quân đội sang quấy nhiễu quận Trường Sa (sau này là Hồ Nam) và đồng thời tự xưng là Hoàng Đế (183 tr.CN). Hán triều cho quân sang đánh Nam Việt nhưng thất bại, phải rút quân về nước (181 tr.CN)

Khi Trung Hoa đã ổn định, Hán triều lại cho người sang chiêu dụ Triệu Đà từ bỏ đế hiệu mà thần phục nhà Hán như cũ. Triệu Đà chấp nhận và hai bên lại thông hiếu.

Theo một số sách sử, Triệu Đà làm vua hơn 70 năm, thọ đến 121 tuổi (137 tr.CN)

Cháu đích tôn của Triệu Đà lên nối ngôi, lấy hiệu là Triệu Văn Vương, làm vua được 12 năm (137-125 tr.CN). Trong thời gian ấy, Nam Việt yếu đi. Dưới áp lực của nhà Hán, Triệu Văn Vương phải cho con trai là Anh Tề sang làm con tin tại Hán Triều. Anh Tề ở đấy mười năm. Khi Triệu Văn Vương mất, Anh Tề mới được về nước để nối ngôi.

Anh Tề làm vua 12 năm (137-125 tr.CN) thì mất, người con thứ (mẹ là người Hán) được lên nối ngôi. Đó là Triệu Ai Vương. Triệu Ai Vương và mẹ có ý định sang chầu vua Hán thì bị quan đại thần là Lữ Gia giết chết. Người anh (mẹ là người Nam Việt) lên ngôi nhưng không chống được sự xâm lăng của quân Hán, bị quân Hán giết chết. Nam Việt bị nhập vào Nhà Hán (11 tr.CN)

2. Nhà Tây Hán (còn gọi là Tiền Hán, 206 tr.CN-Thế kỷ thứ 18)

Nhà Tây Hán lấy được Nam Việt vào năm 111 tr.CN, đổi tên Nam Việt thành Giao Chỉ Bộ rồi chia ra quận và huyện để cai trị. Có tất cả chín quận là:

  • Nam Hải (Quảng Đông)
  • Uất Lâm (Quảng Tây)
  • Thương Ngô (Quảng Tây)
  • Hợp Phố (Quảng Đông)
  • Giao Chỉ (phần đất Bắc bộ cho đến Ninh Bình-thủ phủ là huyện Liên Lâu)
  • Cửu Chân (từ Ninh Bình đến Hoành Sơn)
  • Nhật Nam (từ Hoành Sơn đến núi Đại Lãnh tức là đèo Cả)
  • Châu Nhai (đèo Hải Nam)
  • Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam)

Đứng đầu mỗi quận là chức Thái Thú và một Đô úy coi việc quân sự, ngoài ra còn có quan Thứ sử để giám sát các quận.

Tại các huyện, nhà Tây Hán vẫn cho các lạc tướng trị dân và có quyền thế tập như cũ.

Dân Việt phải nộp cho chính quyền đô hộ những của quý, vật lạ như đồi mồi, ngọc trai, sừng tê, ngà voi, lông chim trả, các thứ thuế muối, thuế sắt.

3. Nhà Đông Hán (còn gọi là Hậu Hán, 25-220)- Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43)

Trước nhà Đông Hán còn có nhà Tân, nhưng triều đại này rất ngắn ngủi, không để lại dấu ấn gì rõ rệt trên đất Việt. Nhà Đông Hán lên thay thế nhà Tần vào năm 25 sau Công Nguyên. Chính dưới triều đại này đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43)

Hai Bà là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh (vùng Ba Vì - Tam Đảo). Tương truyền rằng bà Man Thiện, mẹ của Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn dòng dõi Hùng Vương. Hai bà mồ côi cha sớm, được mẹ nuôi nấng và dạy cho nghề trồng dâu nuôi tằm cùng rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên.

Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên Thái thú Tô Định là người bạo ngược, tham lam "thấy tiền giương mắt lên". Hai bà cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết.

Tháng ba năm 40 sau Công Nguyên, Trưng Trắc và Trưng Nhị tiếp tục sự nghiệp, dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, trên vùng đất Mê Linh với lời thề:

"Một xin rửa sạch thù nhà
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này"

(Thiên Nam ngữ lục)

Cuộc khởi nghĩa Mê Linh lập tức được sự hưởng ứng ở khắp các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Các cuộc khởi nghĩa địa phương được quy tụ về đây thống nhất lại thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi. Đặc biệt trong hàng ngũ nghĩa quân có rất nhiều phụ nữ như Lê Chân, Thánh Thiên, Bát Nàn, Nàng Tía, ả Tắc, ả Di... Từ Mê Linh, nghĩa quân đánh chiếm lại thành Cổ Loa rồi ồ ạt tiến đánh thành Luy Lâu. Hoảng sợ trước khí thế của nghĩa quân, quan lại của nhà Đông Hán bỏ chạy. Tô Định bỏ cả ấn kiếm, cắt tóc, cạo râu trốn chạy về nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai Bà Trưng đã thâu phục 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Hai bà lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh.

"Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta"

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Năm 42, nhà Hán cử Phục Ba tướng quân Mã Viện đem hai vạn quân cùng hai ngàn thuyền, xe sang xâm lược nước Việt. Hai bà đem quân đến đánh quân Hán ở Lãng Bạc nhưng vì lực lượng yếu hơn nên bị thua. Hai bà phải lui về Cấm Khê (Vĩnh Yên, Vĩnh Phú) và cầm cự gần một năm. Bị bại trận, hai bà chạy về Hát Môn gieo mình xuống sông Hát tự vận (43). Hàng năm dân gian lấy ngày 6.2 Âm lịch làm ngày kỷ niệm hai Bà Trưng.

Sau khi đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, Mã Viện đem đất Giao Chỉ về lệ thuộc lại nhà Đông Hán như cũ đóng phủ trị trại Long Biên. Để đàn áp tinh thần quật khởi của dân Việt, Mã Viện cho dựng một cột đồng ở chỗ phân địa giới. Trên cột đồng có khắc sáu chữ: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt", có nghĩa là nếu cây trụ đồng này đổ thì dân Giao Chỉ bị diệt vong. Có thuyết cho rằng, do dân Việt cứ mỗi lần đi ngang qua, đều bỏ vào chân cột một hòn đá, vì thế trụ đồng bị lấp dần đi. Về sau không còn biết vị trí của chiếc trụ đồng nữa là vì vậy.

Các chức Thái thú, Thứ sử vẫn được duy trì nhưng chế độ lạc tướng cha truyền con nối bị bãi bỏ. Chính sách cai trị của người Hán ngày càng hà khắc, quan cai trị tham nhũng tàn ác. Dân Việt cực khổ điêu đứng, lên rừng kiếm châu báu, xuống bể mò ngọc trai để cung phụng cho chính quyền đô hộ. Dân quận Hợp Phố chịu nặng nề cảnh mò ngọc nên bỏ xứ đi xiêu tán rất nhiều.

Nhà Hán chủ trương đồng hóa dân Việt. Họ cho di dân Hán sang ở lẫn với dân Việt, lấy vợ Việt. Tuy thế người Việt vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình. Đến đầu thế kỷ thứ ba, Giao Chỉ có Thái thú Sĩ Nhiếp, là người tôn trọng Nho học, giúp dân giữ lễ nghĩa và giữ gìn được an ninh xã hội. Vào năm 203, Sĩ Nhiếp dâng sớ lên vua nhà Đông Hán, xin đổi Giao Chỉ thành Giao Châu. Từ đấy có tên Giao Châu.

4. Nhà Đông Ngô (thời Tam Quốc, 229-280)- Cuộc khởi nghĩa của Triệu Trinh Nương (248)

Nhà Đông Hán mất ngôi thì nước Trung Hoa lâm vào tình trạng phân liệt của thời Tam Quốc, gồm có ba nước là Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Đất Giao Châu thuộc về Đông Ngô. Chính dưới chế độ này đã xảy ra cuộc khởi nghĩa binh của Triệu Trinh Nương (248).

Hai thế kỷ sau cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của Triệu Trinh Nương (còn gọi là Triệu Thị Trinh) cùng người anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng lớn ở miền núi thuộc quận Cửu Chân.

Triệu Thị Trinh là người có sức khỏe, gan dạ và có chí khí, Bà vẫn thường nói: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta". Bà theo anh khởi nghĩa lúc mới 19 tuổi, lập cứ tại vùng Thanh Hóa ngày nay.

Năm 248, nghĩa quân tấn công quân Ngô, Bà Triệu đem quân ra trận cưỡi voi, mặc áo giáp vàng tự xưng là Nhụy Kiều tướng quân. Nghĩa quân đánh phá nhiều thành quách làm đối phương phải khiếp sợ. Thứ sử Giao Châu là Lục Dận đem quân đàn áp. Đánh nhau trong sáu tháng, nghĩa quân mai một dần. Bà Triệu đem tàn quân đến núi Tùng (Thanh Hóa) và tự sát ở đấy.

Vào năm 264, nhà Ngô chia đất Giao Châu ra, lấy Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm làm Quảng Châu, lấy đất Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam làm Giao Châu, đặt trị sở ở Long Biên. Đất Giao Châu này là lãnh thổ của Việt Nam về sau.

5. Nhà Tấn (265-460) Nam Triều (Tống, Tề, Lương, 420-588)

Nhà Tấn là một triều đại không được ổn định vì nhiều thân vương cát cứ tại các địa phương đánh nhau liên tục. Quan lại sang cai trị Giao Châu phần nhiều là người tham lam, cộng vào đó là sự kiểm soát lỏng lẻo của chính quyền trung ương, tạo nên cảnh tranh giành quyền lực không ngớt. Phía Nam lại có nước Lâm ấp thường sang quấy nhiễu. Đất Giao Châu loạn lạc không dứt.

Sau thời nhà Tấn, Trung Hoa lại phân liệt ra thành Bắc triều và Nam triều. Giao Châu phụ thuộc vào Nam triều trải qua các nhà Tống, Tề, Lương. Tình hình Giao Châu dưới các triều vẫn giống như dưới thời nhà Tấn. Cuộc khởi nghĩa Lý Bôn xảy ra dưới đời nhà Lương, lập nên nước Vạn Xuân, cắt đứt ách đô hộ phương Bắc trong thời gian hơn nửa thế kỷ (545-602).

6. Lý Nam Đế - Nước Vạn Xuân (544-602)

Vào nửa đầu thế kỷ thứ 6, đất Giao Châu nằm dưới sự thống trị của nhà Lương. Thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư, nổi tiếng tham lam, tàn ác. Có được một cây dâu cao một thước, người dân cũng phải đóng thuế. Thậm chí có người nghèo khổ, phải bán vợ, đợ con, nhưng cũng phải đóng thuế.

Lý Bí, một người quê ở huyện Thái Bình (không phải thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) đứng lên chiêu tập dân chúng. Ông đã từng giữ một chức quan nhỏ với nhà Lương, cố gắng giúp đỡ những ai bị hà hiếp, nhưng không làm được việc gì đáng kể, bèn bỏ quan trở về quê nhà và cùng người anh là Lý Thiên Bảo mưu khởi nghĩa. Ông được nhiều người theo. Trong đó có Thủ lĩnh đất Chu Diên (vùng Đan Phượng-Từ Liêm, thuộc Hà Tây và ngoại thành Hà Nội) là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục (?-571) đem lực lượng của mình theo về. Ngoài ra còn có những nhân vật nổi tiếng khác cũng kéo đến giúp sức như Tinh Thiều, Phạm Tu, Lý PhụcMan..

Mùa xuân năm 542, Lý Bí tiến quân vay thành Long Biên. Quân Lương đầu hàng còn Tiêu Tư thì trốn thoát về được Trung Hoa. Cuộc khởi nghĩa thành công. Vua nhà Lương vội đưa quân sang nhưng bị đánh bại.

Năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, Lý Nam Đế đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Xuân để vua quan có nơi hội họp. Nhà vua còn cho dựng chùa Khai Quốc (sau này là chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, Hà Nội).

Năm 545, nhà Lương sai một tướng tài là Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược Vạn Xuân. Lý Nam Đế cùng các tướng sĩ chống không được, phải về vùng rừng núi Vĩnh Phú cố thủ lấy hồ Điền Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú) làm nơi thao luyện quân lính. Chẳng bao lâu, lực lượng trở nên mạnh mẽ. Trần Bá Tiên nhiều lần đem quân đánh phá nhưng không được. Về sau, nhân một cơn lũ dữ dội tràn vào vùng căn cứ, Trần Bá Tiên theo dòng lũ, thúc quân tiến đánh, Lý Nam Đế phải rút về động Khuất Lão (còn gọi là động Khuất Liêu, là tên một khu đồi hiện nằm bên hữu ngạn sông Hồng, ở giữa hai xã Văn Lang và Cổ Tuyết thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú). Sau nhiều năm lao lực, Lý Nam Đế bị bệnh mù mắt, giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục và mất vào năm 548.

Triệu Quang Phục đánh nhau mấy lần với Trần Bá Tiên nhưng đều thất bại, bèn lấy đầm Dạ Trạch (Hải Hưng) làm căn cứ. Đầm Dạ Trạch nằm ven sông Hồng, chu vi không biết là bao nhiêu dặm. Giữa đầm có một bãi đất cứng. Ngoài ra, bốn bề là bùn lầy, người ngựa không thể nào đi được, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc, lấy sào đẩy trên cỏ, nước mà di chuyển. Triệu Quang Phục đóng quân ở bãi đất nổi và áp dụng kế "trì cửu", tức là đánh lâu dài làm tiêu hao lực lượng của địch quân. Căn cứ địa được giữ hoàn toàn bí mật, ban ngày im hơi, không nấu nướng, ban đêm đột kích ra đánh phá trại địch. Vì thế dân chúng tôn xưng ông là Dạ Trạch Vương.

Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương, Năm 550, nhân lúc nhà Lương suy yếu, Triệu Quang Phục kéo quân về chiếm thành Long Biên, làm chủ được đất nước.

Đến năm 557, Lý Phật Tử, một người cùng họ với Lý Nam Đế, đem quân đánh và đòi chia hai đất nước cùng Triệu Việt Vương. Để tránh cảnh chiến tranh, Triệu Việt Vương đành chấp thuận, nhưng bất ngờ bị Lý Phật Tử đánh úp, chạy đến cửa biển Đại Nha (Hà Nam Ninh) gieo mình xuống biển tự tử. Năm 571; Lý Phật Tử chiếm cả nước.

Sau khi lấy được thành Long Biên, Lý Phật Tử xưng đế hiệu là Lý Nam Đế. Để phân biệt Lý Phật Tử với Lý Bí, sử sách gọi Lý Phật Tử là Hậu Lý Nam Đế (571-602). Trong khi ấy nhà Tùy (589-618) đã thống nhất và ổn định được nước Trung Hoa. Vua nhà Tùy sai Lưu Phương đem quân sang đánh Vạn Xuân. Lưu Phương không cần dụng binh, cho người đi chiêu hàng được Lý Phật Tử. Từ đấy Vạn Xuân trở thành Giao Châu của nhà Tùy.

7. Nhà Đường (618-907)-Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (722) và của Phùng Hưng (trong khoảng 766-779)

Nhà Tùy làm chủ nước Trung Hoa chỉ được 28 năm thì bị nhà Đường lật đổ vào năm 618. Nhà Đường cai trị Giao Châu cay nghiệt nhất trong các chính quyền đô hộ. Những sản vật quý giá của Giao Châu bị vơ vét đưa về phương Bắc. Trong số đó, có quả vải là lại trái cây mà giới quyền quý nhà Đường rất ưa chuộng. Về mặt chính trị, nhà Đường sửa lại toàn bộ chế độ hành chính, phân chia lại châu quận, đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ, chia ra làm 12 châu, 59 huyện.

Dưới đời nhà Đường, dân Việt liên tiếp nổi dậy, hai cuộc khởi nghĩa có tính chất rộng lớn nhất là của Mai Thúc Loan và của Phùng Hưng.

Mai Thúc Loan quê ở làng muối Mai Phụ, thuộc huyện Thiên Lộc, Châu Hoan (Hà Tĩnh ngày nay). Thuở nhỏ, nhà nghèo, Mai Thúc Loan theo mẹ sống ở làng Ngọc Trừng, huyện Nam Đàn. Ông là người mạnh khỏe, có nước da đen bóng.

Năm 722, nhân dịp dân phu gánh vải sang cống cho nhà Đường, bị hành hạ, nhiều người bỏ xác dọc đường, lòng oán thán dâng cao, Mai Thúc Loan kêu gọi những người dân phu gánh quả vải nổi lên giết quan quân áp tải và cùng ông phất cờ khởi nghĩa. Mai Thúc Loan chọn vùng Sa Nam (Nghệ An), một vùng hiểm trở có sông Lam rộng và núi Đụn cheo leo làm căn cứ. Tại đây ông cho xây thành Vạn An, gồm nhiều đồn lũy, dài cả ngàn mét. Ông xưng đế, lấy thành Vạn An làm Kinh đô. Ông thường được gọi là Mai Hắc Đế (vua Đen họ Mai) vì nước da đen của ông.

Để lập thành một mặt trận liên hoàn chống quân Đường, Mai Hắc Đế liên kết với các nước Champa, Chân Lạp và cả Malaysia. Sau khi quy tụ được nhiều lực lượng, Mai Hắc Đế cho quân tiến ra đồng bằng Bắc bộ, vây đánh thành Tống Bình (Hà Nội). Quan đô hộ là Quang Sở Khách chống không lại, bỏ thành chạy trốn. Mai Hắc Đế giành lại độc lập cho đất nước. Nhưng được ít lâu, nhà Đường sai Dương Tu Húc đem 10 vạn quân, theo lộ trình xưa của Mã Viện, chớp nhoáng tiến vào đất Việt thình lình tấn công bản doanh của Mai Hắc Đế. Mai Hắc Đế chống không lại, phải vào rừng cố thủ. Ông bị bệnh và chết ở đấy. Quân Đường, sau khi thắng trận, đem dân Việt ra giết vô số. Thây người không kịp chôn, chất cao thành gò.

Tuy thắng được Mai Hắc Đế và vẫn còn ham thích quả vải của đất Việt, nhưng nhà Đường không còn dám bắt dân Việt cống quả vải nữa. Để nhớ ơn của Mai Hắc Đế, dân gian có câu tuyển tụng:

"Cống vải từ nay Đường phải dứt
Dân nước đời đời hưởng phước chung".

Hơn 40 năm sau cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế là cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng.

Phùng Hưng vốn gia đình giàu có ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây), thuộc dòng dõi Quan Lang. Theo truyền thuyết, Phùng Hưng có hai người em cùng sinh ba là Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Cả ba anh em đều có sức khỏe hơn người, tay không bắt được hổ.

Vào khoảng năm 767, anh em họ Phùng phất cờ khởi nghĩa. Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo còn Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng. Họ đặt đại bản doanh tại Đường Lâm. Hào kiệt theo về rất đông. Họ làm chủ cả miền trung du và miền núi Bắc Bộ. Vài năm sau, thấy lực lượng đã mạnh, Phùng Hưng cho quân tiến vây thành Tống Bình. Theo kế của Đỗ Anh Hàn, cũng người xã Đường Lâm, Phùng Hưng cho người đi khắp nơi, phao lên là sắp lấy được thành Tống Bình, đồng thời tiến hành vây thành rất ngặt. Cứ đang đêm, quân khởi nghĩa nổi lửa, đánh chiêng, đánh trống, reo hò ầm ĩ để uy hiếp tinh thần đối phương. Quan Đô hộ là Cao Chính Bình lo sợ đổ bệnh rồi chết. Phùng Hưng chiếm được thành, đem lại độc lập cho đất nước.

Phùng Hưng cai trị đất nước trong bảy năm thì mất. Dân chúng vô cùng thương tiếc, tôn ông là danh hiệu là Bố Cái Đại Vương. "Bố" có nghĩa là cha, "Cái" có nghĩa là mẹ, ví công ơn của Phùng Hưng đối với Tổ quốc như công ơn của cha mẹ đối với con cái. Dân chúng lập đền thờ ông ở ngay xã Đường Lâm. Không những được thờ ở quê nhà, Bố Cái Đại Vương còn được thờ làng Triều Khúc. ở đây ông được thờ làm Thành hoàng tại ngôi đình Lớn. Hàng năm đều có lễ hội tưởng nhớ đến chiến công của ông.

Sau khi Phùng Hưng mất, nội bộ thân thuộc của ông không giữ được sự đoàn kết. Dân chúng muốn tôn Phùng Hải lên nối nghiệp, nhưng có một tướng là Bồ Phá Lạc, là người vũ dũng và có nhiều thuộc hạ, không đồng ý, muốn lập con của Phùng Hưng là Phùng An lên. Bồ Phá Lạc đem quân chống lại Phùng Hải. Phùng Hải tránh giao tranh, lui về vùng rừng núi, rồi sau đó đi đâu, chẳng ai rõ, Phùng An lên nối nghiệp. Chẳng bao lâu, nhà Đường sai Triệu Xương đem quân sang, vừa đánh vừa chiêu dụ. Thấy thế không chống được, Phùng An phải đầu hàng. Xứ Giao Châu lại lệ thuộc nhà Đường lần nữa.

Từ đó cho đến khi Khúc Thừa Dụ (?-907) tự xưng là Tiết Độ sứ, tình trạng của dân Việt vô cùng đen tối, nhất là vào giữa thế kỷ thứ 9. Quân Nam Chiếu lợi dụng sự bất lực của nhà Đường sang quấy nhiễu cướp bóc đất Giao Châu. Nam Chiếu là một quốc gia tự trị nằm phía Tây Bắc Giao Châu. Vào thế kỷ thứ 9, Nam Chiếu trở nên cường thịnh và bắt đầu từ đấy đi xâm lấn các nước lân cận. Giao Châu bị quân Nam Chiếu sang đánh phá từ năm 846 đến 866 mới chấm dứt. Riêng hai năm 862 và 863, Nam Chiếu đánh đến phủ thành Giao Châu, giết chết hơn 15 vạn người dân Việt. Đến năm 865, nhà Đường sai một tướng tài là Cao Biền sang đánh dẹp. Hai bên đánh nhau suốt hai năm trời trên đất Giao Châu, Cao Biền mới diệt được quân Nam Chiếu.

Sau loạn Nam Chiếu, nhà Đường đổi tên An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải Quân (866), phong cho Cao Biền làm Tiết độ sứ. Chính Cao Biền là người đã cho xây thành Đại La ở bên bờ sông Tô Lịch.

Đến cuối đời nhà Đường, tình hình xáo trộn của Trung Hoa tạo thời cơ cho Khúc Thừa Dụ xây nền tự chủ (906), đưa đất nước thoát khỏi vòng nô lệ kéo dài cả ngàn năm.

II. Di sản văn hóa tiêu biểu

Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, đất nước nằm trong cảnh bị đô hộ nên không để lại công trình kiến trúc đồ sộ nào. Về phía nhà cầm quyền phương Bắc, đáng kể nhất là việc xây thành Đại La ở bờ sông Tô Lịch. Về phía dân tộc Việt Nam, theo sử liệu, Mai Thúc Loan có xây thành Vạn An bên sông Lam làm kinh đô, nhưng hiện nay không còn dấu tích gì. Chỉ có chùa Trấn Quốc, tuy đã trải qua nhiều thay đổi nhưng dù sao cũng có nguồn gốc từ thời đất nước mang tên là Vạn Xuân.

Ngoài ra, có một điều thú vị là dấu vết của cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng được giữ gìn một cách chi tiết. Sự lưu giữ ấy không thông qua kiến trúc hay bằng các sử liệu chính thống mà qua một lễ hội vẫn được truyền tụng trong dân gian. Đó là lễ hội Triều Khúc.

Chùa Trấn Quốc

Sau khi đánh thắng quân Lương, lên ngôi vào năm 544, Lý Nam Đế cho xây một ngôi chùa bên bờ sông Hồng, đặt tên là chùa Khai Quốc (có nghĩa là mở nước). Trải qua nhiều đời, chùa vẫn tồn tại. Đến triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), chùa được đổi tên là chùa An Quốc. Vào đời vua Lê Kính Tông (1599-1619), bãi đất chùa bị lở, dân chúng bèn dời chùa đưa vào đảo Cá Vàng ở giữa Hồ Tây. Chùa được đổi tên một lần nữa dưới đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) là Trấn Quốc (giữ nước). Tên gọi này được giữ cho đến nay.

Kết cấu chùa theo thứ tự từ ngoài vào là nhà Bái Đường, nhà Tam Bảo và phía sau là hai dãy hành lang thập điện và gác chuông. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đặc biệt bức tượng Thích Ca nhập Niết Bàn có giá trị nghệ thuật cao. Chùa có nhiều bia cổ, trong đó đáng chú ý là bia dựng vào năm 1639 do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chinh soạn. Bia này ghi lại lịch sử xây dựng chùa.

Cảnh quan u tịch trước đây của chùa Trấn Quốc thích hợp cho sự tĩnh tâm, nhưng ngày nay nét lắng đọng ấy không còn nữa. Những kiến trúc mới, những sinh hoạt náo nhiệt không xa chùa bao nhiêu đã phá vỡ phần nào vẻ huyền diệu, thâm u của cửa thiền.

Lễ hội Triều Khúc

Triều Khúc trước năm 1945 là một xã thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, sau này cùng thôn Yên Xá hợp thành xã Tân Triều. Tên nôm của hai thôn là Kẻ Đơ, ngoài ra Triều Khúc còn có một tên nôm khác là Đơ Thao. Đơ Thao là nơi có truyền thống dệt quai thao nổi tiếng. Nguyên liệu dệt là những sợi tơ phế phẩm, sần sùi, có nổi cục, không thể dùng để dệt lụa, được chuyển về dệt tại đây để làm đẹp cho các cô gái làng Triều Khúc.

Triều Khúc có hai ngôi đình, là đình Sắc, nơi lưu giữ sắc phong của Triều đình, và đình Lớn, nơi thờ Bố Cái Đại Vương làm Thành hoàng. Đình Lớn được xếp hạng bảo quản thuộc diện quản lý của thành phố Hà Nội.

Triều Khúc nhờ ở địa điểm nằm sát kinh thành, trở thành chứng nhân của nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử. Trong các sự kiện lớn lao ấy, Triều Khúc không bao giờ quên trận vây thành Tống Bình của Phùng Hưng. Hàng năm, dân chúng mở hội diễn lại chiến thắng ấy. Lễ hội Triều Khúc, với nét độc đáo, quyết rũ của riêng mình, đã lôi cuốn rất đông đảo người tham dự.

Lễ hội được tổ chức ngay sau Tết Âm lịch, từ ngày mồng 10 đến 12 tháng Giêng. Ngày mồng mười là ngày Phùng Hưng khởi binh vây thành, được chọn làm ngày chính hội với buổi lễ rước triều phục, long bào của Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn. Điểm độc đáo của buổi lễ rước là ở động tác di chuyển của hàng quân rước. Họ sắp thành hai hàng, đối mặt nhau và rập rình đi ngang chứ không đi thẳng bình thường. Chi tiết ấy tăng thêm vẻ kỳ bí cho lễ hội.

Trong khi ở đình trong tiến hành nghi lễ cúng bái, đèn nhang, hương khói nghi ngút trong không khí trang nghiêm thì ở đình ngoài lại rộn ràng với tiết mục múa "cô gái đánh bồng". Hai chàng trai giả gái với áo quần tha thước đủ màu, nhiều lớp, môi son má phấn, răng đen hạt huyền, mắt lúng liếng. Khăn mỏ quạ, trông xinh đẹp chẳng khác gì các cô thôn nữ. Họ nhí nha nhí nhảnh, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng, vừa nhún nhẩy quay cuồng, làm cho đám hội thêm phần linh động.

Sau nghi lễ là đến các trò chơi như múa lân, múa rồng, sới vật, đốt pháo thi, hát chèo. Sới vật của Triều Khúc thu hút nhiều chàng đô vật ở các vùng nổi tiếng như Bắc Ninh, Mai Động đến thi tài. Nghệ thuật múa rồng của dân Triều Khúc rất nổi tiếng với các tiết mục rồng dựng gây thán phục cho người xem. Những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đứng chồng lên vai nhau múa rồng theo tiếng trống bập bùng rất lâu mà không đổ. Nhờ vậy mà đội rồng Triều Khúc thường được các nơi khác mời về trình diễn. Sau hết là làn điệu chèo êm ả, trong vút, cuộn vào lòng người, khiến không ai muốn rời đám hội, dù đêm đã khuya, trăng đã mờ.

Ngày 12 là tan hội, được đánh dấu bằng trò múa cờ. Trò múa này kể lại sự tích Phùng Hưng tuyển quân bổ sung để vây thành Tống Bình. Giữa sân đình, một lá cờ đại phần phật lộng gió. Từng chàng trai bận quân phục theo kiểu cổ, tay cầm xà mâu, mã tấu, giáo mác, nườm nượp ra mắt Phùng Hưng. Rồi tiếng thanh la, tiếng trống đồng loạt vang lên. âý là lúc Phùng Hưng, theo kế của Đỗ Anh Hàn, phô trương lực lượng, uy hiếp tinh thần Cao Chính Bình, rồi, theo hiệu trống, các chàng trai ào ào chạy qua cổng đình, tỏa thành hai toán quân, chạy theo đường ruộng, làm thành một vòng tròn khép kín. Đó là lúc quân lính của Phùng Hưng vây thành với tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng tù và inh ỏi. Cuộc vây thành chấm dứt trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem.

Trước khi tan hội, một bữa tiệc với đầy đủ rượu trầu, cổ bàn bày chật cả ba gian đình để thưởng cho những người chiến thắng và người dự lãm. Mọi người nâng chén, chúc tụng nhau và cùng hẹn gặp lại vào kỳ lễ hội năm sau. Chiến tích của Bố Cái Đại Vương, người con của Đường Lâm, sống mãi trong ký ức của dân tộc.