Lịch Sử Việt Nam - Từ Nguồn Gốc Đến Năm 1884

Nhà Hậu Lê (1428-1527)

I. Chính trị - xã hội đại việt dưới đời các vua

1. Lê Thái Tổ (1385 - 1433)

Lê Lợi sau khi thắng quân Minh, lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ, lấy lại quốc hiệu là Đại Việt. Thời gian làm vua của ông ngắn ngủi, chỉ có sáu năm. Tuy thế, ông vẫn thực hiện được một số việc, đặt nền tảng cai trị các vua kế vị.

Để tránh chiến tranh, Lê Thái Tổ sai sứ sang cầu phong nhà Minh và thuận theo yêu sách của nhà Minh là cứ ba năm lại công hai người vàng gọi là "Đại thân kim nhân" để thay thế cho Liễu Thăng và Lương Minh, đã bị giết trong cuộc chiến vừa qua.

Để bộ máy nhà nước thích ứng với tình hình đất nước trong thời kỳ xây dựng, vua Lê Thái Tổ buộc các quan lại từ tứ phẩm trở xuống đều phải thi lại khoa Minh Kinh. Khoa thi này còn dành cho các người ẩn dật ra thi để vua chọn nhân tài. Những tăng sĩ, đạo sĩ của Phật giáo và Lão giáo đều ohải thi lại kinh điển của tôn giáo mình, nếu đậu mới cho tiếp tục việc tu hành, còn rớt thì phải hoàn tục làm ăn sinh sống như người thường.

Vua cho lập trường Quốc Tử Giám tại Kinh đô để cho con cháu các quan lại và cả con cái thường dân vào học.

Vua chia nước ra làm 5 đạo. Mỗi đạo có quan Hành khiển giữ sổ sách về quân và dân. Các xã hơn 100 người thì gọi là đại xã có ba xã quan trông coi. Xã có hơn 50 người được gọi là trung xã, có hai xã quan. Còn tiểu xã thì có 10 người trở lên và chỉ có một xã quan.

Quân đội cũng được vua phiên chế lại. Trong công cuộc kháng chiến chống Minh, số quân của Bình Định Vương lên đến 25 vạn. Đến nay vua cho 15 vạn về lại nông thôn làm ăn. Số còn lại thì chia làm năm phiên, một phiên ở lại làm lính còn bốn phiên kia cũng cho về làm ruộng và cứ thế thay phiên nhau.

2. Lê Thái Tông (1423 - 1442)

Lê Thái Tông lên nối ngôi vua khi mới có 11 tuổi, có quan phụ chính và là công thần Lê Sát quyết định hết mọi việc. Nhưng khi lớn lên, thấy Lê Sát quá chuyên quyền, vua Lê Thái Tông bèn giết đi và thân chính.

Vua chỉnh đốn lại việc thi cử, định lệ là cứ 5 năm thì một lần thi hương, 6 năm một lần thi hội. Từ năm 1442 vua cho khắc tên các tiến sĩ vào bia đá. Từ đấy Đại Việt có tục lệ này.

Giữa năm 1442, sau chuyến đi duyệt quan ở Chí Linh và ghé thăm Nguyễn Trãi tại Côn Sơn, vua mất thình lình tại hành cung ở Lệ chi viên (Hà Bắc), bên cạnh Nguyễn Thị Lộ, người thiếp của Nguyễn Trãi. Triều đình đổ cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ giết vua và cho tru di tam tộc dòng họ của Nguyễn Trãi.

3. Lê Nhân Tông (1441 - 1459)

Lê Nhân Tông lên làm vua khi mới hai tuổi nên bà Thái Hậu làm nhiếp chính, nhưng đến năm 1459 thì vua bị người anh là Nghi Dân giết đi để cướp ngôi. Nghi Dân ở ngôi 8 tháng lại bị triều đình giết. Người con thứ tư của vua Lê Thái Tông được tôn lên làm vua. Đó là Lê Thánh Tông.

4. Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Lê Thánh Tông là một vị minh quân vào hàng bậc nhất của lịch sử Việt Nam. Triều đại của nhà vua đã để lại dấu ấn rõ rệt cho nền văn hóa dân tộc. Các thành tựu có được dưới triều của nhà vua không chỉ thể hiện ở một số lĩnh vực, mà trái lại rất toàn diện, tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, quân sự lẫn văn hóa, xã hội.

Về cấu trúc hành chính, cơ cấu chính quyền được nhà vua cải tổ từ trung ương xuống đến tận xã. Cơ chế sáu bộ, sáu khoa (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) đã được lập ra từ thời Nghi Dân, được giữ lại và đồng thời thêm sáu bậc (lực tự). Các sĩ phu Nho giáo được tham chính rộng rãi. Họ được tuyển qua con đường thi cử. Các quan lại có cuộc sống vật chất tương đối bảo đảm, được cấp ruộng đất và tuế bổng.

Cả nước được chia làm 12 đạo, là Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Ban, Hưng Hóa, Tuyên Quang,Thái Nguyên và Lạng Sơn. Về sau có thêm đạo Quảng Nam. Vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ toàn quốc, được gọi là Hồng Đức bản đồ. Đây là bản đồ toàn quốc đầu tiên của đất nước, được hình thành bằng cách tập họp tất cả bản đồ các đạo mà thành. Đồng thời, một bộ sách quan trọng về lịch sử của nước nhà được biên soạn. Đó là bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên. Tác phẩm này dựa trên cơ sở của cuốn "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu, viết từ thời Hồng Bàng cho đến đời vua Lê Thái Tổ. Bộ sử này hiện vẫn còn được bảo tồn, chứ không thất truyền như bộ "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu. Lê Thánh Tông chăm lo đến nền nông nghiệp và các công trình thủy lợi. Con đê lấn biển còn dấu vết ở Hà Nam Ninh là hậu thân của con đê được đắp dưới đời của nhà vua, nên được gọi là Lê Hồng Đức.

Năm 1471, Lê Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Champa, lấy thêm đất cho đến núi Thạch Bi, đặt ra đạo Quảng Nam. Nhà vua còn sai quân đi đánh, buộc Lão qua và Bồn Man phải quy phục (1479). ở biên giới phía Bắc, Lê Thánh Tông cho phòng giữ chắc chắn.

Năm 1483, nhà vua cho soạn một bộ luật mới, đó là bộ "Lê Triều hình luật", vẫn thường được gọi là "Luật Hồng Đức" bao gồm nhiều lĩnh vực về luật hình, luật hôn nhân, luật hành chính, luật dân sự, luật tố tụng... Bộ luật có mặt tiến bộ đáng chú ý là quan tâm đến người nghèo, đối xử tương đối công bằng với phụ nữ hơn so với thời trước.

Năm 1494, Lê Thánh Tông lập ra hội Tao Đàn gồm có vua và 25 văn thần. Nhà vua xưng là Tao Đàn Nguyên soái, cùng nhau xướng họa. Hội Tao Đàn chứng tỏ sinh hoạt văn hóa thanh cao của thời ấy. Những bài thơ xướng họa giữa các tao nhân mặc khách ấy được tập hợp thành tập "Quyành Uyển cửu ca", gồm 300 bài ca tụng thiên nhiên, cuộc sống, con người, tình thương. Hội Tao Đàn ngưng hoạt động vào năm 1497, lúc người Nguyên Soái mất. Bản thân nhà vua cũng sáng tác nhiều thơ văn. Đó là có "Hồng Đức quốc âm thi tập", "Thập giới cô hồn quốc ngữ văn", viết bằng chữ Nôm, "Liệt truyện tạp chí", "Chinh Tây kỷ hành", "Minh Lương cẩm tú", "Văn minh cổ xúy", "Xuân Vân thi tập"... viết bằng chữ Hán.

Triều đại Lê Thánh Tông kéo dài 38 năm với hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 - 1496) và Hồng Đức (1469 -1497). Đây là giai đoạn cường thịnh của nước Đại Việt.

Các vua sau Lê Thánh Tông, trừ Lê Hiển Tông là người hiền lành, biết lo cho dân, còn lại thì sống xa xỉ, bạo ngược và lơi lỏng việc triều đình. Vì thế họ Mạc mới nổi lên được.

II. Kinh tế

Vào buổi đầu của triều đại mình, nhà Lê đã khôi phục được nền kinh tế và cải thiện được đời sống nhân dân.

Vua Lê Thái Tổ định ra phép "quân điền" vào năm 1429. Chính sách này về sau được vua Lê Thánh Tông hoàn chỉnh vào năm 1477. Theo chính sách này, công điền công thổ được đem chia cho mọi người, từ quan lại thần cho đến người già yếu cô quả đều có phần ruộng làm cho khoảng cách giữa người giàu và nghèo không chênh lệch lắm. Phép quân điền này duy trì và phát triển vào các đời sau. Những ruộng bỏ hoang được nhập vào ruộng công làng xã để chia cho nông dân. Về sau, việc chia ruộng được thực hiện sáu năm một lần. Các cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan đến nông nghiệp được đặt ra:

* Khuyến nông: Cơ quan này chiêu tập các nông dân xiêu tán tha phương cầu thực, đưa họ trở về quê quán làm ăn.

* Đồn điền: Đưa nông dân đến đất mới ở khai hoang

* Hà đê: Săn sóc hệ thống đê điều.

Sinh hoạt thương mại sầm uất. Thăng Long với 36 phố phường được hình thành. Nhiều làng thủ công chuyên nghiệp xuất hiện như gốm Bát Tràng, đúc đồng Đại Bái. Các chợ được nhà nước khuyến khích thành lập, hễ chỗ nào có dân là có chợ. Việc buôn bán với nước ngoài tại Vân Đồn tuy có hạn chế nhưng vẫn phát triển. Các mỏ đồng, vàng bắt đầu được khai thác.

III. Phát triển văn hóa

1. Tư tưởng

Nhà Lê lấy thuyết Nho giáo của Chu Tử làm mẫu mực cho cách cai trị của triều đại. Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống của thời đại. Có thể nói rằng Nho giáo đã trở thành quốc giáo độc tôn trong triều đình cũng như trong dân gian. Nho giáo bắt mọi người phải tuyệt đối phục tùng quyền hành tối thượng của nhà vua, thần thánh hóa nhà vua và phân biệt rạch ròi ranh giới giữa vua, quan, dân.

Các nho sĩ được đào tạo bởi học thuyết Khổng Mạnh tăng lên gấp bội và thay thế hoàn toàn các tăng sĩ trong cuộc sống chính trị, kinh tế văn hóa. Công việc giáo dục Nho học trở thành quy củ. Nhà nước khuyến khích học để làm quan, giúp vua trị nước. Nhà Lê tôn vinh việc học bằng các cuộc lễ xương danh (lễ đọc tên người thi đậu), lễ vinh quy (lễ đón rước người thi đậu về làng) và nhất là lệ khắc tên và lý lịch tiến sĩ vào bia đá Văn Miếu (bắt đầu từ 1422). Vì thế ai nấy đua nhau học hành để tôn tuổi được ghi vào bảng vàng, để gia môn được mở mặt và để làng quê được vinh hiển.

Như thế công việc giáo dục Nho học đã trở thành quy củ. Ngoài trường Quốc Tử Giám ra còn có các trường học ở các đạo, phủ với rất đông học trò. Các kỳ thi được các sĩ tử khắp nơi hưởng ứng. Ví dụ như kỳ thi hội năm 1475 có êến 3.000 thí sinh Nho Giáo đã áp đảo tuyệt đối Phật giáo lẫn Đạo giáo.

2. Văn học

Văn học thời Lê có nội dung yêu nước, tiêu biểu là các tác phẩm của Nguyễn Trãi như "Quân trung từ mệnh tập", "Bình Ngô đại cáo". Nhóm Tao Đàn tượng trưng cho nền văn học cung đình, ca ngợi phong cảnh và cũng lồng vào đấy lòng yêu nước, yêu thiên nhiên. Có những tác phẩm khoa học quan trọng như "Toán pháp đại thành" của Lương Thế Vinh, "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi, "Bản thảo thực vật toát yếu" của Phan Phu Tiên.

Văn học chữ Nôm tiếp tục phát triển. Lê Thánh Tông sáng tác thơ văn Nôm và khuyến khích triều thần sáng tác theo. Điển hình là "Hồng Đức quốc âm thi tập" do nhiều tác giả viết chứng tỏ đã có một phong trào trước tác bằng thơ chữ Nôm vào thời ấy. Bên cạnh "Hồng Đức quốc âm thi tập" còn có "Thập giới cô hồn quốc ngữ văn" (Mười điều răn cô hồn viết bằng ngôn ngữ nước ta). Tác phẩm này có nội dung răn mười giới trong xã hội thời ấy. Đó là thiền tăng, đạo sĩ, quan lại, nho sĩ, thiên văn địa lý, thầy thuốc, tướng võ, hoa nương, buôn bán và đãng tử. Qua mười điều răn này, tác phẩm phản ảnh được hoạt động của từng hạng người trong khung cảnh xã hội thời ấy.

IV. Nhân vật tiêu biểu

Triều đại nhà Lê ghi vào sử sách những nhân vật anh hùng, lỗi lạc độc đáo như Lê Lợi, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; Lê Lai (?-1419) liều mình cứu chúa; Nguyễn Chích (1382 -1448), danh tướng đã đưa ra chiến lược lấy Nghệ An làm hậu phương lớn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; Nguyễn Xí (1398 - 1465), vị tướng trẻ đã bắt sống được hai tướng Minh là Hoàng Phúc và Thôi Tụ; Trần Nguyên Hãn (?-1428), người chiến thắng trận Xương Giang; Lê Thánh Tông, bậc minh quân của lịch sử Việt Nam; nhà toán học Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-?); sử gia Ngô Sĩ Liên, tác giả cuốn Đại Việt sử ký toàn thư; Tổ nghề in, nhà văn Thám hoa Lương Nhữ Học... và đặc biệt là Nguyễn Trãi, một con người toàn tài, đã được UNESCO phong làm danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Trãi không những giỏi thơ phú, văn chương mà còn là một nhà chính trị uyên bác đồng thời lại tinh thông luật pháp, địa lý, lịch sử... Thêm vào đó, ông đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho công cuộc xây dựng đất nước và đào tạo các thế hệ tiếp nối. Cuộc đời của con người sống vì lý tưởng ích quốc lợi dân ấy, éo le thay, lại gặp phải thảm cảnh "tru di tam tộc".

Nguyễn Trãi vốn là dòng dõi Trần Quang Khải về phía mẹ, là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, Tư đồ dưới thời Trần Nghệ Tông. Phía nội của Nguyễn Trãi lại là nhà khoa bảng. Cha là Nguyễn Phi Khanh, đổ Bảng nhãn vào năm 1374.

Trong cuộc kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi đem hết tài năng, sức lực phò trợ cho Lê Lợi. Những chiến thuật chiến lược của ông đã được Lê Lợi sử dụng thành công trong công cuộc đánh đuổi quân Minh. Tư tưởng lớn của ông "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân để thay cường bạo" là đường lối của cuộc kháng chiến. áng văn bất hủ "Bình Ngô đại cáo" là bản tuyên ngôn về sự độc lập, tự cường của dân tộc.

Cuộc kháng chiến thành công, là người có công lớn, Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ phong tước hầu và ban cho quốc tính. Ông đứng đầu hàng ngũ quan văn, nhận trọng trách soạn thảo các chiếu, chỉ của vua. Về sau, ông phụ trách các kỳ thi tiến sĩ. Vụ án Lệ chi viên xảy ra, ông bị giết oan. Hai mươi hai năm sau, năm 1464, dưới triều bậc minh quân Lê Thánh Tông, ông mới được minh oan.

Nguyễn Trãi để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm bất hủ. Ngoài "Bình ngô đại cáo", ông là tác giả của công trình Lam Sơn thực lục, viết về lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; Luật thư, nền tảng cho pháp chế thời Lê; Dư địa chí, ghi chép về địa lý Đại Việt; Băng Hồ di sự lục, viết về Trần Nguyên Đán, úc Trai thi tập...

Năm 1980, ghi nhận về giá trị của cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, tổ chức UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới.

V. Di sản văn hóa tiêu biểu

Triều Lê là triều phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã áp dụng chặt chẽ học thuyết Nho giáo vào việc trị nước. ảnh hưởng Nho giáo bao trùm lên mọi hành vi, hành động của con người. Giới nho sĩ xuất hiện và đóng một vai trò quyết định trong xã hội. Sự kiện thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo cũng đặt dấu ấn lên kiến trúc của nhà Lê. Không như những triều đại trước, những công trình quan trọng của thời này không phải là chùa chiến nữa mà là cung đình, lăng tẩm, nơi tượng trưng cho quyền uy thiên sử. Thành Thăng Long (tên gọi chính thức của thời này là Đông Kinh), được xây thêm hai vòng thành phía trong là Hoàng Thành và Cung thành. Bên cạnh các kiến trúc cung đình, còn có một kiến trúc tượng trương cho tư tưởng Nho giáo, cho tâm hồn, tâm huyết của kẻ sĩ thời ấy là Văn Miếu.

Văn miếu - quốc tử giám

Văn miếu tại Hà Nội, nơi tượng trưng cho Nho học Việt Nam, được xây dựng dười đời vua Lý Thánh Tông vào mùa thu, tháng tám, năm Canh Tuất (1070). Đồng thời tượng của Khổng Tử và 72 đồ đệ cũng được tạc và thờ tại đây. Sáu năm sau (1076), vua Lý Nhân Tông lại lập thêm Quốc Tử Giám để làm nơi dạy học. Thoạt đầu đấy chỉ là nơi học tập của các hoàng tử, dần dần về sau mở rộng ra đến con quan và con dân. Sang đời nhà Trần, vào năm 1234, Văn Miếu và Quốc Tử Giám được sửa sang lại. Đến đời nhà Lê, là một nhà nước trọng Nho, xem Nho giáo như là quốc giáo, thì Văn Miếu và Quốc Tử Giám lại càng được chú trọng hơn nữa. Kiến trúc này được trùng tu cả thảy 4 lần vào các năm 1511, 1567, 1762 và 1785, nhiều công trình mới được thực hiện như bia đá đề tên tiến sĩ. Qua đến đời nhà Nguyễn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được trùng tu và bổ sung thêm Khuê Văn Các, điện Khải Thánh.

Hiện trạng khu di tích ngày nay đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, thâm nghiêm với diện tích là 24.000m2. Tường bao quanh Văn Miếu cũng như các bức tường ngăn chia từng khu bên trong đều được xây bằng gạch Bát Tràng. Mọi kiến trúc ở đây đều được xếp đặt cân xứng theo trục Bắc Nam. Nếu không tính phần Tiền án, thì có tất cả năm khu.

Phần Tiền án là từ Tứ trụ cho đến tường ngoài bao quanh các kiến trúc bên trong. Thật ra, trước đây, Tứ trụ được nối liền về phía trước với một bối cảnh thiên nhiên là Thái hồ và gò Kim Châu ở giữa. Nhưng về sau, vì nhu cầu giao thông, người ta không để ý đến việc duy trì di tích văn hóa, đã phóng một con đường, tách Thái hồ với toàn cục của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sau Tứ trụ là đến cổng Tam quan với chữ "Văn Miếu Môn". Cổng Tam quan có một cấu trúc bề thế, gồm hai tầng, cửa cuốn tròn cùng cửa thông gió hình chữ thọ, kết hợp với lan can và các hoa văn tạo nên một giá trị nghệ thuật cao.

Cổng "Đại Trung môn" bắt đầu khu thứ hai. Đỉnh mái được trang trí bằng điển tích cá vượt vũ môn. Hai bên Đại Trung môn có hai cổng nhỏ đề chữ "Thành Đức" và "Đạt Tài". Theo cổng Đại Trung môn đi thẳng vào là "Khuê Văn Các" (Gác đẹp của Sao Khuê, tượng trưng cho văn học). Hai bên Khuê Văn Các cũng có hai cổng nhỏ có tên là "Súc văn" (văn chung hàm súc) và "Bỉ văn" (văn chương sáng đẹp). Khuê Văn Các được xây dựng vào thời nhà Nguyễn năm 1805. Khuê Văn Các bằng gỗ, nhẹ nhàng tựa trên bốn cột gạch lớn, có tám mái cong, 4 mặt có bốn cửa sổ hình tròn, dáng dấp rất thanh thoát.

Tiếp đến là "Thiên Quang Tỉnh" (Giếng trời trong sáng). Thiên Quang Tỉnh là một chiếc hồ hình vuông, mỗi cạnh 28m. Hồ lộng bóng Khuê Văn Các với các cửa sổ tròn, nói lên quan niệm trời tròn, đất vuông, âm dương hòa hợp của người xưa. Hai bên hồ là khu vườn bia đá tiến sĩ. Những bia này được dựng dưới thời nhà Lê, để biểu dương những người thi đậu. Tất cả bia đều dựng trên lưng rùa, tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Hiện nay còn 82 bia ghi tên các tiến sĩ thời Lê từ năm 1442 đến 1779 (về sau, nhà Nguyễn cho xây Văn Miếu tại Huế, nằm gần chùa Thiên Mụ). 82 tấm bia ghi tên 1305 nhân vật, trong đó có 17 trạng nguyên, 19 bảng nhãn, 47 thám hoa, 284 hoàng giáp và 938 tiến sĩ. Các tấm bia, được khắc lần lượt theo năm tháng suốt từ đầu đời Lê (1428 - 1458), qua đời Mạc (1528 - 1529), đến thời Trịnh Nguyễn (1600 - 1771) là một chứng liệu quý báu của lịch sử. Các bia của thế kỷ 15 có những nét chạm khắc đơn sơ với những hoa văn viền bia là những chuỗi hình cong, thấp thoáng một số nét của hoa, lá. Các bia của thế kỷ 17 lại được trang trí thêm các mô típ mới như hoa sen, hoa phù dung, là, phượng, khỉ. Các tấm bia của thế kỷ 18 thì càng phong phú hơn, có mây hóa rồng, cá hóa rồng, lưỡng long chầu nguyệt...

Khu tiếp nối là nhà bái đường cùng hữu vu và tả vu. Nhà bái đường là nơi thờ Khổng Tử, hai dãy nhà tả vu hữu vu ở hai bên dùng làm nơi thờ 72 vị tiền hiền. Các bậc danh nho Việt Nam như Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu... cũng được thờ ở đấy. Ngoài ra, ở bên trái, còn có chiếc chuông lớn tên là "Bích Ung đại chung" (chuông lớn của nhà Giám). Chuông này do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (Thân phụ của thi hào Nguyễn Du) đứng rạ điều hành đúc vào năm 1768. Bên phải là một tấm khánh bằng đá hai mặt đều khắc chữ. Một mặt có hai chữ Thọ Xương, mặt kia là một bài minh.

Sau cùng là Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám được đổi thành đền Khải Thánh dưới triều Nguyễn vì vào thời này Quốc Tử Giám được dời vào huế. Khu này đã bị tàn phá từ thời chiến tranh, không còn lưu lại gì.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay đang được tôn tạo lại. Các bia tiến sĩ vốn trước đây được để ngoài trời, đã được làm nhà che để chống lại sự tàn phá của thời gian. Các nhà che bia đã được khánh thành vào ngày 28.10.1994. Giữa các khu nhà che bia có nhà đình bia, bên trong dựng hai tấm bia cổ nhất của năm 1442 và 1448.

Do yêu cầu hài hòa với cảnh quan cổ kính của khu vườn bia, nhà che bia được tạo dựng với dáng vẻ kiến trúc đời Lê, đồng thời lại thiên về thời Nguyễn để phối hòa với Khuê Văn Các và Thiên Quang Tỉnh.

Văn miếu - Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, tại đây, hàng ngũ trí thức, "rường cột" của đất nước được đào tạo từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, những nhân tài đã xuất thân từ đấy. Những nhân vật ấy đã cống hiến cho Tổ quốc như các nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Phan Huy ích, nhà bác học Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, nhà chính trị Ngô Thì Nhậm, Phạm Công Trứ... Văn Miếu - Quốc Tử Giám thật là một biểu tượng sâu sắc cho tinh hoa của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Một di tích khác, cũng không kém phần quan trọng về mặt lịch sử văn hóa của triều Lê là Lam Kinh, kinh đô thứ hai của triều Lê và đồng thời là nơi an nghỉ thân xác của các vị vua Lê.

Lam Kinh nằm bên cạnh sông Chu, ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố 50 km về phía Tây. Đây là đất khởi nghĩa Lam Sơn xưa. Dòng Ngọc Khê (tên gọi của sông Chu ở đoạn chảy qua Lam Kinh) uống cong dưới chân núi Mục Sơn, một ngọn núi đá vôi, vốn là tiền đồn xưa của nghĩa quân Lam Sơn.

Lam Kinh được xây dựng sau khi Lê Lợi mất. Theo di chúc của người anh hùng Lam Sơn muốn được an táng tại quê hương, vua Lê Thái Tông đưa người về chôn cất tại đây (1433) và cho xây dựng nhiều cung điện để có chỗ nghỉ ngơi và thiết triều mỗi khi về thăm mộ và làm lễ. Các vua sau tiếp tục xây cất thêm lầu đài, thành quách, lăng mộ. 13 đời vua và hoàng hậu triều Lê đều được an táng tại đây tạo nên một quần thể kiến trúc có quy mô lớn.Theo dấu tích còn sót lại, thì Lam Kinh gồm hai phần chính, khu cung điện ở phía trong tường thành và khu lăng mộ nằm ngoài tường thành. Khu cung điện xưa có nghi môn, hồ bán nguyệt, bạch kiều, chính điện hình chữ công, tả vu, hữu vu, sân chầu, nhà hậu tẩm, vòng tường bao quanh bằng đá chu vi 940m, cao 2,5m. Tất cả lầu đài, cung điện đều đã bị sụp đổ hoang tàn chỉ còn lại những bậc thềm bằng đá chạm trổ mây, rồng cùng hơn 50 viên đá tảng, đường kính chừng 80cm, nằm rải rác trên một mặt bằng rộng lớn, giúp ta hình dung được phần nào hình ảnh của một cung điện xa xưa.

Khu bia mộ nằm ngoài vòng tường thành thì lại được bảo quản gần như nguyên vẹn. Đó là bia mộ Vĩnh Lăng (Lê Thái Tổ), xây vào năm 1433; bia Chiêu Lăng (Lê Thánh Tông - 1498); bia Du Lăng (Lê Hiển Tông - 1505); bia Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao... Các mộ đều có tường gạch hình vuông bao quanh, mỗi cạnh 4,33m, phía trên mộ là đất phủ cỏ đơn giản. Hai bên mộ có tượng quan hầu, sư tử, tê giác... Mỗi mộ đều có bia ghi công tích, đặt cách xa mộ khoảng 100m. Trong các bia, bia Vĩnh Lăng là to và bề thế nhất. Bia bằng đá, cao 2,97m, rộng 2,4m, dày 0,27m. Bia được đặt trên một con rùa bằng đá nguyên khối, dài 3m. Đỉnh bia tạc theo hình vòng cung 120o. Ba cặp rồng đối xứng nhau vòng theo đỉnh bia. Hai bên thành bia cũng tạc rồng ẩn mây. Đế bia là những họa tiết hình sóng nước. Bia gồm 300 chữ, do Nguyễn Trãi soạn, ghi lại thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ. Nét chữ khắc sắc sảo chứng tỏ trình độ tinh vi của nghệ nhân. Một ngôi nhà che bia được xây dựng cách đây hơn 30 năm để bảo vệ tác phẩm điêu khắc độc đáo này.

Vì giá trị lịch sử văn hóa của Lam Kinh, chính phủ đã phê chuẩn dự án phục hưng, trùng tu, tôn tạo khu di tích này từ năm 1995 đến năm 2005. Riêng năm 1995, đã có trùng tu một số di tích quan trọng như bia Vĩnh Lăng, mộ vua Lê Thái Tổ, nhà bia và mộ vua Lê Thánh Tông, mộ của Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao...

Hàng năm, vào ngày 22 tháng 8 âm lịch, dân chúng tụ tập về Lam Kinh để tưởng nhớ đến vua Lê Thái Tổ cùng các minh quân của triều Lê. Một lễ hội tưng bừng được tổ chức vào dịp này, thường được gọi là Hội đền vua Lê. Buổi lễ, thực ra, đã được cử hành vào ngày 21 vì trước khi mất, Lê Thái Tổ có dặn dò con cháu phải làm giỗ cho Lê Lai, người đã hy sinh thân mình để cứu Lê Lợi trong lần bị vây khổn trên núi Chí Linh vào năm 1419. Con cháu và đời sau thực hiện lời nói ấy, nên trong dân gian có câu: "Hai mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".

Phụ họa cho buổi tế lễ là các điệu hát, múa huê tình, đặc biệt có lệ đánh trống đồng. Trống được đặt úp trên miệng một hố nhỏ, tiếng trống đánh ra, vì thế, trở nên âm vang và dũng mãnh.

Nhân dịp này, dân chúng miền núi đem các sản vật địa phương đến, tạo thành ra một phiên chợ độc đáo, có đủ các loại quý hiếm như mật ong rừng, trầm, quế, nhung hưu, nai, là những thứ mà dân miền xuôi ít có dịp được mua tận gốc. Vì thế, ngày hội đã lôi cuốn đông đảo người dự lãm, cả miền xuôi lẫn miền ngược.