Lịch Sử Việt Nam - Từ Nguồn Gốc Đến Năm 1884

Giai đoạn sau thế chiến thứ nhất (1919-1945)

I. Đợt khai thác lần thứ hai của Pháp

Sau thế chiến thứ nhất, dù thắng trận, Pháp vẫn bị thiệt hại nặng nề. Để cứu vãn nền kinh tế, Pháp ra sức vơ vét các thuộc địa.

Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Tổng số vốn được đầu tư vào Việt Nam từ 1919 đến 1929 lên đến 8 tỷ FF. Ngân Hàng Đông Dương mà ban Giám đốc bao gồm các nhà kỹ nghệ, các nhà tài phiệt thực sự cai trị Việt Nam. Hoạt động đầu tư chú trọng vào việc khai thác mỏ, đồn điền cao su. Tất cả lợi nhuận đều được đưa về Pháp.

Các đồn điền cao su được mở rộng. Diện tích trồng cao su từ 15.000 hecta vào năm 1924 lên đến 120.000 hecta vào năm 1930.

Hoạt động mỏ cũng phát triển tăng vọt. Vào năm 1923 có 496 mỏ được khai thác thì đến năm 1929 có đến 17.685 mỏ. Đa số các mỏ ấy tập trung ở Bắc Kỳ.

Nhưng trái lại, ngành sản xuất chế biến thì không có phát triển gì nhiều, vì Pháp muốn duy trì sự độc quyền của mình trong sản xuất cũng như trong việc tiêu thụ hàng hóa.

II. Sự phân hóa trong xã hội Việt Nam

Cuộc khai thác lần thứ hai của Pháp đã tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Việt Nam.

Giai cấp địa chủ được sự nâng đỡ của phía Pháp trở thành chỗ dựa cho chủ nghĩa đế quốc. Giai cấp nông dân bị bần cùng hóa và bị khai thác lao động triệt để. Giai cấp tư sản ngày càng thêm đông. Đó là những người tự bỏ vốn ra kinh doanh và đã thành công trong thương trường cũng như trong công nghệ.

Giai cấp tiểu tư sản ra đời do sự phát triển của các ngành kinh tế, sự phổ biến các cơ quan hành chính, giáo dục, văn hóa. Giai cấp công nhân ra đời từ đợt khai thác thứ nhất càng phát triển mạnh trong đợt khai thác thư hai này. Giai cấp này đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng của Cách Mạng Tháng Mười Nga và tạo được một lực lượng vững vàng cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do.

III. Phong trào chống Pháp

1. Phong trào báo chí

Phong trào chống Pháp giai đoạn sau thế chiến thứ nhất tiếp tục phát triển. Phong trào tỏa rộng ra mọi tầng lớp nhân dân. Nổi bật nhất là phong trào của công nhân và giới tiểu tư sản trí thức. họ đã cho ra những tờ báo bằng tiếng Pháp hoặc bằng chữ Quốc ngữ kêu gọi lòng yêu nước của toàn dân đồng thời mở ra phương cách đấu tranh. Nguyễn An Ninh cho ra tờ "La Cloche fêlée" (Chuông rè) ở Nam Kỳ vào ngày 10/12/1923 không những công kích giới quan lại thối nát mà còn lên án thực dân Pháp. Những cuộc diễn thuyết, vận động quần chúng của Nguyễn An Ninh đã là tiếng vang lớn trong quần chúng, tạo thuận lợi cho sự ra đời của "Đảng Thanh Niên Cao Vọng". Đảng này được sự ủng hộ của giới trí thức Nam Kỳ. Để đè bẹp phong trào này, thực dân Pháp cho bắt Nguyễn An Ninh, kết tội ông viết truyền đơn, viết báo xúi giục dân chúng phá rối trật tự an ninh. Sau khi ra tù, Nguyễn An Ninh lại lập hội kín, hội này phát triển chủ yếu ở Sài Gòn, Gia Định và có ảnh hưởng đến các địa phương khác. Bên cạnh các hoạt động của Nguyễn An Ninh còn có Ngô Đức Kế với tờ báo "Hữu Thanh", Huỳnh thúc Kháng với tờ "Tiếng Dân". Hai tờ này viết bằng chữ quốc ngữ và rất phổ biến.

2. Các cuộc biểu dương tinh thần chống Pháp

Hai sự kiện chính trị lớn đã nổ ra và gây dấu ấn sâu sắc lên cuộc sống chính trị của dân chúng. Sự kiện thứ nhất là cuộc đấu tranh của nhân dân trong cả nước và của Việt kiều ở nước ngoài đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu Nguyên vào ngày 30.6.1925, thực dân tổ chức bắt cóc Phan BộiChâu tại Thượng Hải khi ông đang hoạt động ở đấy. Chúng đem ông về Việt Nam và đưa ra tòa để hình xử kết ánn chung thân. Bản án này gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của dân chúng. Các cuộc bãi công, bãi thị xảy ra khắp nơi đòi tha bổng cho Phan Bội Châu. Toàn quyền bấy giờ là Varenne phải tuyên bố tha bổng Phan Bội Châu nhưng lại đưa ông về giam lỏng ở Huế.

Trong cuộc vận động này có vai trò quan trọng của một tổ chức yêu nước mới thành lập. Đó là hội Phục Việt. Hội này kết hợp hoạt động cùng "Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội". Sau một thời gian hoạt động, bi 5lộ, hội đổi tên nhiều lần, cuối cùng quyết định lấy tên là "Tân Việt Cách Mạng Đảng" .

Sự kiện thứ hai là đám tang của Phan Chu Trinh. Sau những năm tháng lăn lộn hoạt động chính trị, Phan Chu Trinh lâm bệnh và mất ngày 24.3.1926. Đám tang của ông được tổ chức rộng khắp ba kỳ và trở thành một dịp biểu dương lớn tinh thần yêu nước và ý chí kháng Pháp của dân tộc Việt Nam.

3. Các tổ chức chống Pháp ở nước ngoài

Phong trào đấu tranh chống Pháp không chỉ có ở trong nước, mà cũng phát triển rất mạnh mẽ ở nước ngoài. "Hội Liên hiệp các Dân tôc Thuộc Địa" do Nguyễn ái Quốc cùng một số người yêu nước thành lập tại Pháp vào năm 1921. Tổ chức này phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin đến các dân tộc thuộc địa. Nguyễn ái Quốc cho ra tờ "Le Paria" (Người Cùng Khổ) lên án chính sách bóc lột dã man của thực dân Pháp, kêu gọi các dân tộc bị trị vùng lên chống chủ nghĩa thực dân. Dù bị kiểm soát chặt chẽ, tờ "Le Paria" cũng vẫn được chuyển về trong nước và tác động lớn đến phong trào chống Pháp tại đây.

Một tổ chức hải ngoại khác là nhóm "Tân Tâm Xã" ra đời ở Quảng Châu gồm những thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết từ tổ chức "Việt Nam Quang Phục Hội" mà ra. Năm 1924, biết tin Toàn quyền Đông Dương là Merlin trên đường sang Nhật sẽ ghé Trung quốc, "Tâm Tâm Xã" quyết định ám sát y để gây tiếng vang cho phong trào đánh đuổi thực dân. Nhiệm vụ này được giao cho Phạm Hồng Thái. Đêm 19.6.1924 Merlin dự tiệc chiêu đãi ở khách sạn Victoria tại Sa ĐIện nằm trong tô giới của Anh. Phạm Hồng Thái cải trang thành phóng viên lọt được vào và ném bom lên bàn tiệc của Merlin. Bom nổ nhưng chỉ làm Merlin bị thương. Hành động xong, Phạm Hồng Thái bị cảnh binh rượt đuổi gấp phải nhảy xuống Châu Giang trầm mình. Tiếng bom sa Điện đã có ảnh hưởng trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phong trào chống Pháp tăng cao.

Sau tiếng bom Sa Điện, Nguyễn ái Quốc đến Quảng Châu. Tại đây, từ hạt nhân của "Tâm Tâm Xã", ông thành lập ra tổ chức "Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội", trong đó có tổ chức "Cộng sản đoàn" làm nòng cốt (6.1925). "Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội" tìm cách tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tạo tiền đề cho công cuộc giải phóng dân tộc và giai cấp trong nước.

4. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái

Tháng 12 năm 1927, Nguyễn Thái Học cùng một số người yêu nước thành lập tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch Đảng. Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương liên kết lại mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp hay tôn giáo; dùng vũ lực để lấy lại quyền độc lập tự chủ của đất nước và lập một chính thể cộng hòa theo chủ nghĩa dân chủ xã hội. Việt Nam Quốc Dân Đảng phát triển mạnh ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương... Tháng 2-1929 Việt Nam Quốc Dân Đảng cho người ám sát Bazin, trùm mộ phu cho các đồn điền cao su của Pháp ở Nam Kỳ. Mật thám Pháp ra tay khủng bố. Nhiều Đảng viên bị bắt. Nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ. Nguyễn Thái Học quyết định dốc hết lực lượng mở cuộc tổng khởi nghĩa nhưng thất bại. Nguyễn Thái Học bị bắt và bị tử hình cùng 12 đồng chí của mình. Tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng tan vỡ.

IV Công cuộc giải phóng dân tộc

1. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời

Trước sự phát triển của các cuộc đấu tranh chống Pháp và sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, các nhà lãnh đạo

"Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội" nhận thấy phải th7893nh lập một chính đảng có khả năng đoàn kết toàn dân để lãnh đạo công cuộc giải phóng của dân tộc. Vào tháng 3.1929 chi bộ Cộng sản đầu tiên gồm có bảy người ra đời tại Hà Nội.

Ngày 17/6/1929 Đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập, báo "Búa Liềm" làm cơ quan ngôn luận cho Đảng. Sau đó Ban chấp hành trung ương của "Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội" thành lập "An Nam Cộng Sản Đảng". Đồng thời "Tân Việt Cách mạng Đảng" cũng đứng ra thành lập "Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn".

Để đoàn kết lại các lực lượng chống Pháp, ba Đảng gọn lại tại Cửu Long (gần Hồng Kông) để đi đến hợp nhất với sự chủ tọa của Nguyễn ái Quốc (2.1930). "Đảng Cộng Sản Việt Nam" ra đời cùng cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh vạch rõ hai giai đoạn của Cách mạng Việt Nam là: Cách mạng tư sản dân quyền tức là cách mạng dân tộc dân củ nhân dân và Cách mạng xã hội chủnghĩa. Cương lĩnh đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc cách mạng.

2. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng trongđ nước phát triển mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực. Đảng chủ trương tổ chức lại hàng ngũ công nhân để lãnh đạo cuộc đấu tranh. Vào năm 1930 các công đoàn bí mật được thành lập có tới 10.000 thành viên. Các cuộc đình công, bãi công nổ ra khắp nơi như cuộc bãi công của 3.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, cuộc bãi công của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định, của công nhân nhà máy diêm Bến Thủy, hãng dầu Nhà Bè (Sài Gòn), nhà máy xi măng Hải Phòng...

Cuộc đầu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là điểm cao của phong trào cách mạng trong giai đoạn này. Ngày 1/5/1930 công nhân và nông dân lân cận thị xã Vinh rầm rộ biểu tình, nêu khẩu hiệu đòi thi hành luật lao động, bớt giờ làm, tăng tiền lương. Đoàn biểu tình bị quân Pháp xả súng bắn làm 7 người chết, 18 người bị thương. Sự đàn áp này không dập tắt được phong trào mà trái lại, các cuộc biểu tình với cờ búa liềm nổ ra liên tiếp dưới quy mô càng ngày càng lớn.

Phong trào phát triển cực độ vào tháng chín. Ngày 12.9 gần thị xã Vinh, 20.000 nông dân biểu tình và bị đàn áp dã man bằng máy bay ném bom. 217 người chết và 126 người bị thương. Nhân dân liền vũ trang nổi dậy, phá huyện l? nhà ga, bưu điện, nhà giam, tự đứng ra lập chính quyền cách mạng. Chính quyền cách mạng thi hành ngay các chủ trương dân sinh dân chủ của Đảng, bãi bỏ hệ thống thuế của thực dân, lấy ruộng công chia cho nông dân, giảm tô, xóa nợ, khuyến khích việc học chữ Quốc ngữ...

Trong suốt thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phải đối phó với sự chống trả của thực dân Pháp. Chúng lập đồn bót, xua quân đi bắn giết dân chúng, đốt phá làng mạc... Nhiều tổ chức của Đảng bị phá vỡ. Phong trào lắng xuống vào giữa năm 1931. Mặc dù bị tan rã, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là điểm cao của cách mạng và là tiền đề cho cuộc Cách Mạng Tháng Tám sau này.

Thời kỳ sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng gặp phải sự khủng bố cực điểm của thực dân Pháp. Con số người bị bắt, bị đày lên rất cao, các nhà tù đều chật ních các người yêu nước. Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng bị bắt, bị tra tấn đến chết (4.1931). Đứng trước tình thế khó khăn ấy, Đảng vẫn kiên trì hoạt động với sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân khắp nước. Nhờ thế phong trào đấu tranh vẫn được tiếp tục dưới nhiều hình thực khác nhau. Các cuộc bãi công, bãi thị, bãi khóa vẫn tiếp tục nổ ra, đặc biệt vào ngày Quốc tế Lao động năm 1938, một cuộc biểu tình khổng lồ hơn hai vạn rưỡi người nổ ra ở quảng trường nhà Đấu Xảo Hà Nội đòi được tự do lập hội, đòi thi hành luật lao động.

3. Khởi nghĩa Bắc Sơn (9.1940)

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào tháng 9/1939, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, nhà nước Pháp đầu hàng. Trong khi ấy tại châu á Phát xít Nhật bành trướng thế lực của mình, muốn hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương.

Phát xít Nhật cho quân đánh vào Lạng Sơn (9/1940). Nhân dịp quân Pháp đang bối rối, nhân dân Bắc Sơn cướp khí giới của quân Pháp, đứng lên thành lập chính quyền cách mạng tại Bắc Sơn. Chính quyền cách mạng tịch thu của cải của thực dân Pháp đem chia cho người nghèo. Quần chúng gia nhập lực lựng quân đội rất đông và thành lập được đội quân du kích Bắc Sơn. Nhưng thực dân Pháp thỏa hiệp cùng Nhật, củng cố lực lượng. Thực dân Pháp được Nhật trao lại Lạng Sơn, thẳng tay đàn áp, giết chết hàng loạt người dân. Tuy thế đội du kích Bắc Sơn vẫn tồn tại để rồi sau đó hợp với các đội du kích khác mà trở thành đội du kích đầu tiên của Việt Minh.

4. Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940)

Thực dân Pháp xung đột với quân phiệt Xiêm tại biên giới Lào - Campuchia, bèn bắt binh lính Việt Nam đi đánh trận thay cho chúng ở mặt trận này. Đảng bộ Nam Kỳ quyết định cho khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào đêm 23/11/1940, triệt hạ được nhiều đồn bót, thành lập được chính quyền nhân dân, lan rộng đến 8 tỉnh Nam Bộ. Thực dân Pháp lại đàn áp dã man, triệt hạ làng xóm, bắn và giết chết hơn 20.000 người. Một số cán bộ chủ chốt của Đảng là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ bị bắt và bị xử bắn.

5. Mặt trận Việt Minh

Trong thời kỳ thế chiến thứ hai, nhân dân Việt Nam vừa bị Pháp đô hộ, vừa bị Nhật bóc lột, đó là tình trạng mà các nhà viết sử thường gọi là "một cổ hai tròng". Trước tình hình khẩn trương đó, Nguyễn ái Quốc về nước triệu tập hội nghị Trung ương Đảng tại Pác Bó để hạ quyết tâm giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương khỏi ách Pháp Nhật. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (tức là Việt Minh) được thành lập (1941). Đội Cứu Quốc Quân của Mặt trận Việt Minh phát động chiến tranh du kích toàn quốc. Hội cứu quốc được thành lập ở nhiều nơi. Các tờ báo của Đảng như tờ Giải Phóng, Cứu Quốc, Việt Nam Độc lập... phổ biến chủ trương chống Pháp Nhật, thu hút đông đảo quần chúng tham gia chiến đấu. Mặt trận Việt Minh đã tạo được chân rết trên khắp lãnh thổ.

Ngày 22/12/1944 Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân ra đời dưới chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với võ trang.

Khu Giải phóng Việt Bắc ra đời vào ngày 4/6/1945 đánh dấu một bước phát triển mới. Đó là căn cứ địa chính của phong trào giải phóng dân tộc, nối các lực lượng của các tỉnh miền thượng du Bắc Việt với các tỉnh miền trung du.

6. Cách Mạng Tháng Tám

Tháng 5/1945 Phát xít Đức thua trận. Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Tình hình biến chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đảng họp hội nghị toàn quốc vào ngày 13/8/1945 ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định Tổng khởi nghĩa. Sau đó, Quốc dân Đại hội được triệu tập, cũng họp ở đây. Đại hội tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa và cử ra "ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam" (tức Chính Phủ Lâm Thời của nước Việt Nam DÂn Chủ Cộng Hòa sau này). Lãnh tụ Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch. Người viết "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa" gửi đến toàn dân.

Ngày 16/8 mở đầu công cuộc tổng khởi nghĩa, đội quân giải phóng do Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về giải phóng Thái Nguyên. Các địa phương khác như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh... nối tiếp nhau được giải phóng.

Ngày 17/8, cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh nổ ra tại Hà Nội. Tiếp sau đó là Huế và Sài Gòn. Chỉ trong vòng 15 ngày cuộc khởi nghĩa phát triển trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 2/9, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước hơn 50 vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam mới, nước Việt Nam DÂn Chủ Cộng Hòa. Bản Tuyên Ngôn bắt đầu bằng câu: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Để dành được thắng lợi trên, dân tộc Việt Nam đã hy sinh không bờ bến từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đã dùng nhiều biện pháp từ ôn hòa đến bạo lực. Cuối cùng dưới sự lãnh đạo của một chính đảng có sức đoàn kết toàn dân, Việt Nam đã thoát được ách đô hộ, trở lại một nước độc lập tự chủ.

C. Nhân vật, di tích tiêu biểu

Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Việt Nam liên tiếp đứng lên tranh đấu cho nền độc lập, tự chủ. Nhiều, rất nhiều người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trong các tình huống khác nhau. Trong số ấy có những nhân vật nổi bật như Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết là những người phát động phong trào Cần Vương. Đó còn là Mai Xuân Thưởng, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám... là những người trên mọi miền của tổ quốc đã hưởng ứng phong trào Cần Vương. Họ cũng là những nhà yêu nước của các thập kỷ đầu thế kỷ XX: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Phan Châu Trinh, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh; là các nhà lãnh tụ của phong trào Cộng sản: Nguyễn ái Quốc, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ... Tập sách này đơn cử nhân vật Phan Chu Trinh, tượng trưng cho một khía cạnh nhỏ trong phong trào chống Pháp rộng lớn của nhân dân Việt Nam và Mười Tám Thôn Vườn Trầu, một trong những địa bàn cách mạng Việt Nam.

* Phan Chu Trinh (1872 - 1926)

Phan Chu Trinh là nhà yêu nước và cũng là nhà thơ. Ông có tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông theo lối học cử nghiệp. Năm 27 tuổi ông được vào trường tỉnh, nổi tiếng học giỏi cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Trúc Kháng. Năm Canh Tý (1900) ông đậu cử nhân ở trường Thừa Thiên, năm sau lại đậu Phó bảng và được bổ làm Thừa biện bộ Lễ.

Sớm nhận ra quan trường là "Túi cơm giá áo loàng xoàng; Gối tớ lưng tôi lúc nhúc đây" nên ông từ quan (1905), cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Trúc Khách đi chu du về Nam. Đến Bình Định thấy có khoa thi, ông và các bạn cùng vào dự thi, lấy tên chung là Đào Mộng Giác. Bài thơ kêu gọi lòng yêu nước "Chí thành thông thánh" của ông làm cho các quan trường thi bối rối, phải báo cáo về triều đình.

Sau đó ông đổi hướng, đi lên căn cứ kháng chiến của Đề Thám ở Bắc Giang để quan sát tình hình. Năm 1906 ông qua Nhật gặp Phan Bội Châu, trao đổi ý kiến và xem xét cuộc duy tân của người Nhật. Khâm phục chí khí của Phan Bội Châu nhưng không đồng quan điểm, ông chủ trương cứu nước bằng đường lối cải lương, mở mang dân trí và tranh thủ đòi hỏi chính quyền quyền dân sinh dân chủ. Với chủ trương đó ông về nước hoạt động, gửi một bản điều trần dài cho Toàn quyền Đông Dương, diễn thuyết ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, viết bài "Tỉnh quốc hồn ca" kêu gọi duy tân theo hướng dân chủ tư sản.

Năm 1908, ông bị bắt và bị đày đi Côn Đảo vì vai trò quan trọng của ông trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ. Do Hội Nhân Quyền Quốc Tế can thiệp, ông được trả tự do và bị quản thúc ở Mỹ Tho (1911)

Trong thời gian ở Mỹ Tho, ông tập hợp những bài thơ của mình thành "Tây Hồ thi tập". Cùng năm đó ông qua Pháp. Ông phải làm nghề chụp ảnh để kiếm sống. Năm 1914 chính quyền Pháp bắt ông vì cho là ông đã liên lạc với Cường Để để chống Pháp, nhưng thiếu bằng chứng nên phải tha bổng ông sau 9 tháng giam giữ. Trong tù ông làm hơn 200 bài thơ tập hợp trong "Santé thi tập". Thời gian ở Pháp, Phan Chu Trinh có liên hệ mật thiết với Nguyễn ái Quốc và Phan Văn Trường.

Năm 1922, Khải Định sang Pháp dự triển lãm thuộc địa tại Marseilles, Phan Chu Trinh viết "Thư thất điều" kẻ bảy tội của Khải Định mà tội chính là làm nhục quốc thể và vung phí của dân.

Khoảng năm 1922-1923 ông viết bài "Tỉnh quốc hồn ca" mới để hiệu triệu nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp.

Thấy hoạt động ở Pháp không có hiệu quả lớn, ông về nước. Tại Sài Gòn, ông tổ chức nhiều cuộc hội thảo về "Đạo đức và luân lý Đông Tây", "Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa".

Ông mất tại Sài Gòn vào ngày 24.3.1926. Đám tang của ông trở thành một cuộc biểu dương chính trị chống Pháp trên cả ba kỳ.

Là một người yêu nước nồng nàn, các hoạt động và thơ văn của Phan Chu Trinh đã góp phần vào việc thức tỉnh nhân dân, dấy lên một phong trào yêu nước sôi nổi trong những thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi.

Mười tám thôn vườn trầu (Phù Lưu Viên)

Mười Tám Thôn Vườn Trầu xưa được sách Gia Định thành thông chí gọi theo cách chữ Hán và Phù Lưu Viên (vườn trầu) để chỉ miệt vườn Bà Điểm - Hóc Môn. Dưới thời Minh Mạng (1820 - 1840) đấy là các thôn thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Nay là Vười trầu thuộc huyện Hóc Môn, TPHCM.

Phú Lưu Viên, theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức nguyên là một vùng hiểm yếu, có nhiều rừng rậm, mãnh hỗ thường bắt người, nên tục ngữ có câu "dữ như cọp Vườn Trầu". Tuy thế, ở chỗ thị tứ thì dân cư đông đúc, có nhiều vườn trầu. Mỗi lúc đi bán trầu, các nhà vườn thường rủ nhau cùng nhập toán lên đến ba, bốn mươi người gồng gánh đem trầu về bán tận Sài Gòn, Bến Nghé.

Mười Tám Thôn Vườn Trầu còn nổi tiếng với nghề nuôi ngựa đua:

Trải xem Thập Bát Phù Viêne
Một nơi Bà Điểm khuôn viên mỹ miều
Ngựa hay mua sắm quá nhiều
Mỗi kỳ đua ngựa thảy đều có ăn
Hai mươi hai hạt xa gần
Tiếng ngựa Bà Điểm ai bằng đặng đâu
Và nghề nuôi gà đá:
Tiếng đồn gà đá chưn trơn
Thời gà Bà Điểm lắm cơm ăn tiền

Mười Tám Thôn Vườn Trầu là quê hương và đồng thời là một trong các địa bàn hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, người đã lập nên tờ báo "La Cloche fêleé", "La Lutte" công kích giới quan lại thối nát và lên án thực dân Pháp.

Điểm nổi bật nhất của Mười Tám Thôn Vườn Trầu là tinh thần đoàn kết chiến đấu, là tính cách mạng rất sớm ngay từ khi đất nước mới sa vào vòng lệ thuộc. Phản ứng của nhân dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu trước cảnh áp bức là:

Mười tám thôn ruột đau như chí thắt
Dân Hóc Môn tợ muối xát lòng

Mùa xuân năm 1885, nông dân Hóc Môn và Đức Hòa, dưới sự chỉ huy của hai ông Phan Công Hớn (Người Bà Điểm) và ông Nguyễn Văn Quá (Người Đức Hòa ) đã đứng lên khởi nghĩa. Trấn quận Hóc Môn lúc bấy giờ là đốc phủ Trần Tử Ca, nổi tiếng là tên tay sát khát máu và đắc lực của thực dân Pháp:

Xe song mã sướng đà quá sướng
Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng
ép lấy dầu, nạp thiếu thâu đa

(Vè Quản Hớn)

Đêm 30 rạng mồng một Tết ất Dậu (1885), nhân dân Hóc Môn nổi lên chiếm l?sở Hóc Môn:

Gậy tầm vong, mõ ống vai mang,
Qua giờ dậu đoạt nơi yểm lộ

Dân Hóc Môn bắn chết Đốc phủ ca, bêu đầu lên cột đèn trước chợ rồi kéo rốc về Sài Gòn, nhưng chỉ đến Bình Hòa thì đụng phải quân Pháp. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Nghĩa quân thua trận.

Tinh thần của Mười Tám Thôn Vườn Trầu không ngừng lại ở đấy mà tiếp tục vào các giai đoạn sau.

Mười Tám Thôn Vườn Trầu với những gia đình cơ sở cách mạng trung kiên chí cốt đã đã là địa bàn hoạt động của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ thập kỷ đầu của Đảng. Tại đây đã có mặt các nhà lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần.. cũng tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng và quyết định của Trung ương Đảng. Hai hội nghị Trung ương lần thứ tư vào năm 1937, lần thứ năm vào năm 1938 đều họp tại ấp Tiền Lân. Đặc biệt hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu vào năm 1939 họp tại ấp Tây Bắc Lân, có các nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần tham dự. Hội nghị đã giải quyết những vấn đề chiến lược nhằm đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai bằng cách vận dụng thời cơ tứ cuộc chiến tranh thế giới để giành chính quyền.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đầu tiên tại Hóc Môn vào rạng sáng 23 tháng 11 năm 1940. Người dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu tự vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của Pháp. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Các nhà lãnh đạo chủ chốt Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần bị bắt và xử bắn ngay tại trên mảnh đất Hóc Môn. Dù bị đàn áp, người dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu vẫn kiên cường tiếp tục chiến đấu, góp công to lớn cho sư nghiệp giải phóng và thống nhất của đất nước.

Ngày nay Mười Tám Thôn Vườn Trầu đang nỗ lực xây dựng kinh tế, trở thành vùng trọng điểm chuyên canh rau của Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong thời gian gần đây Hóc Môn phát triển nhanh đàn bò sữa và cũng đang trở thành vùng trọng điểm vành đai bò sữa của thành phố. Một loạt hình hợp tác mới nhằm giúp nhau làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của địa phương cũng đang hình thành tại đây. Đó là sự ra đời của các nhóm làm kinh tế gia đình-khuyến nông có mục đích hỗ tương giúp đỡ để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, chăn nuôi, sưu tập vườn cây.

Danh xưng Mười Tám Thôn Vườn Trầu mãi mãi là ấn tượng về một địa danh giàu tính truyền thống và cách mạng.