Lịch Sử Vạn Vật

Chương 29. LOÀI KHỈ KHÔNG ĐUÔI HIẾU ĐỘNG

Cách nay khoảng một triệu năm, một thiên tài nào đó của thế giới loài người đã thực hiện một việc đầy bất ngờ. Anh ta (hoặc cô ta) cầm lấy một hòn đá và cẩn thận dùng nó để đẽo gọt một hòn đá khác. Kết quả là anh ta (hoặc cô ta) có được một chiếc rìu đơn giản hình giọt nước, nhưng đó là kỹ thuật tiên tiến đầu tiên của thế giới.

Nó tốt hơn những công cụ hiện hữu nên về sau những người khác đã theo chân nhà phát minh này và tạo ra nhiều chiếc rìu khác cho chính họ. “Họ đã làm ra hàng nghìn chiếc rìu như thế”, lan Tattersall nói. “Tại một số nơi thuộc châu Phi bạn thậm chí còn không thể bước đi mà không dẫm phải chúng. Thật lạ vì chúng xuất hiện quá nhiều. Cứ như thể họ đã lấy việc chế tạo rìu làm thú tiêu khiển”.

Từ một chiếc kệ trong phòng làm việc của mình Tattersall lấy xuống một chiếc lưỡi câu lớn, có lẽ dài 1,5 foot và rộng 8 inch tại điểm rộng nhất, và đưa nó cho tôi. Nó có hình dáng như một mũi giáo, nhưng có kích cỡ bằng một tảng đá kê bước. Được tìm thấy tại Tanzania, nó có trọng lượng hai mươi lăm pound. “Nó hoàn toàn là một công cụ vô dụng”, Tattersall nói. “Cần có hai người để có thể nâng được nó”.

“Thế khi ấy người ta dùng nó để làm gì?”

Tattersall mỉm cười và nhún vai, hài lòng với sự bí ẩn của nó. “Không biết. Ắt hẳn nó đã từng có ý nghĩa tượng trưng nào đó, nhưng chúng ta chỉ có thể đoán biết mà thôi”.

Những chiếc rìu này được xem là công cụ Acheulean, một vùng ngoại ô thuộc Amiens ở miền bắc nước Pháp, tại đó những chiếc rìu đầu tiên được tìm thấy vào thế kỷ mười chín, và trái ngược với những công cụ xa xưa hơn và đơn giản hơn được gọi là công cụ Oldowan, được tìm thấy tại Olduvai Gorge ở Tanzania. Trong các sách giáo khoa cổ, công cụ Oldowan thường là các tảng đá có kích cỡ bằng bàn tay, hình tròn, với cạnh tương đối cùn lụt. Ngày nay các nhà khảo cổ thường tin rằng công cụ Oldowan được dùng để chặt chém.

Đây là điều bí ẩn. Khi những con người hiện đại đầu tiên – những người phát triển thành chúng ta – bắt đầu di chuyển ra khỏi châu Phi cách nay khoảng hơn một trăm nghìn năm, công cụ Acheulean là kỹ thuật họ chọn lựa. Những người thuộc chủng Homo sapiens cũng yêu thích các công cụ Acheulean của họ. Họ mang chúng vượt qua những khoảng cách lớn. Đôi khi họ mang theo những tảng đá chưa có hình thù cụ thể để về sau chế biến thành các công cụ. Tóm lại, họ rất quan tâm đến kỹ thuật này. Nhưng dù công cụ Acheulean đã được tìm thấy tại châu Phi, châu Âu, Trung Á, và Tây Á, chúng dường như chưa bao giờ được tìm thấy tại vùng Viễn Đông. Điều này thật lạ.

Vào thập niên 1940 một nhà cổ sinh vật học của trường Harvard tên là Hallum Movius vẽ ra cái được gọi là “vạch Movius”, phân chia các công cụ Acheulean với các công cụ khác. Vạch này chạy từ phía đông nam băng qua châu Âu và Trung Đông đến vùng lân cận của Calcutta và Bangladesh hiện đại. Phía bên kia vạch Movius, băng qua Đông Nam Á và hướng vào Trung Quốc, người ta chỉ tìm được các công cụ Oldowan cổ hơn và đơn giản hơn. Chúng ta biết rằng Homo sapiens đã tìm đến tận đây, thế thì tại sao họ lại đưa kỹ thuật tiên tiến này đến rìa Viễn Đông và sau đó lại từ bỏ nó?

“Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ suốt một khoảng thời gian dài”, Alan Thorne của Đại học Quốc gia Australia tại Canberra nhớ lại. “Toàn nền tảng của bộ môn nhân loại học được xây dựng trên ý tưởng là loài người di chuyển khỏi châu Phi thành hai đợt – đợt đầu tiên là chủng Homo erectus, sau đó họ trở thành người Java và người Bắc Kinh, và đợt thứ hai là chủng Homo sapiens, họ chiếm cứ nơi ở của chủng Homo erectus. Tuy nhiên để chấp nhận điều đó thì bạn phải tin rằng Homo sapiens đã tìm đến nơi xa xôi đó cùng kỹ thuật tiên tiến của họ và sau đó, vì một lý do nào đó, từ bỏ nó. Điều đó khiến tôi bối rối, ít ra thì cũng là như thế”.

Thật ra còn nhiều yếu tố khác khiến chúng ta phải bối rối hơn. Năm 1968, một nhà địa chất học tên là Jim Bowler đang tìm kiếm tại một chiếc hồ trơ đáy được gọi là Mungo thuộc phía tây New South Wales thì ông phát hiện một thứ gì đó rất lạ. Nó là một vật hình lưỡi liềm, về sau được biết là một mẩu xương người. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng loài người đã định cư tại Australia không quá 8.000 năm, nhưng hồ Mungo đã khô cạn suốt 12.000 năm. Vậy thì có ai làm gì tại một nơi không thích hợp cho sự sống như thế này?

Bằng cách ứng dụng phương pháp xác định độ tuổi cacbon đồng vị, người ta xác định được rằng người sở hữu mẩu xương này đã sống ở đó khi hồ Mungo là nơi trù phú thích hợp cho sự sống, dài hàng chục dặm, đầy nước và cá, ven hồ là các loại phi lao. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, mẩu xương này có độ tuổi là 23.000 năm. Các mẩu xương khác được tìm thấy gần đó có độ tuổi khoảng 60.000 năm. Điều này khiến mọi người bất ngờ vì đó gần như là điều không thể. Kể từ khi loài người xuất hiện, Australia chưa bao giờ không phải là một hòn đảo lớn. Bất kỳ người nào đến đó ắt hẳn đã phải đến đó bằng đường biển, với số lượng đủ lớn để duy trì nòi giống, sau khi băng qua sáu mươi dặm biển mà không hề biết rằng có một dải đất liền đang chờ đón họ. Sau khi đặt chân lên đất liền, người Mungo tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền hơn hai nghìn dặm từ bờ biển phía bắc Australia, theo một bản báo cáo của Hội khoa học Quốc gia thì điều này cho thấy rằng “thực chất họ đã đến đó cách nay hơn 60.000 năm”. Họ đến đó bằng cách nào và tại sao họ lại tìm đến đó là những câu hỏi không thể trả lời.

“Có một lỗ hổng lớn trong kiến thức của chúng ta, chúng ta không biết gì về sự vận động của loài người trước khi bộ môn lịch sử ra đời”, Alan Thorne nói với tôi khi tôi gặp ông tại Canberra.

“Khi các nhà nhân loại học thế kỷ mười chín lần đầu tiên đến Papua New Guinea, họ nhận thấy rằng người ta sinh sống tại những khu vực nội địa mà dường như không ai có thể tiếp cận được, họ trồng trọt khoai tây ngọt để sinh sống. Khoai tây ngọt có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Thế làm sao nó đến được Papua New Guinea? Chúng ta không biết. Hoàn toàn không biết. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng loài người đã không ngừng di chuyển khắp nơi với sự tự tin của họ trong suốt một khoảng thời gian dài, và họ cũng chia sẻ gen di truyền cũng như những thông tin quan trọng”.

Vấn đề ở đây là, như thường lệ, những khám phá hóa thạch. Thorne nói, “Nếu không có những khu vực xuất hiện nhiều hóa thạch như Hadar và Olduvai thuộc đông Phi thì có lẽ chúng ta chẳng hiểu gì về việc này. Toàn Ấn Độ chỉ giúp chúng ta tìm được duy nhất một hóa thạch có độ tuổi khoảng 300.000 năm. Giữa Iraq và Việt Nam – có khoảng cách là 5.000 kilomet – cũng chỉ có hai hóa thạch: một tại Ấn Độ và một tại Uzbekistan. Chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng các nhà nhân loại học gặp khó khăn trong việc tập hợp và phân tích các thông tin rời rạc như thế này”.

Giả thuyết truyền thống giải thích sự vận động của loài người – đây là giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất – là: loài người di tản sang khu vực Âu Á thành hai đợt. Đợt thứ nhất gồm có chủng Homo erectus, họ rời khỏi châu Phi khá nhanh chóng – ngay khi họ vừa xuất hiện – bắt đầu từ thời điểm cách nay khoảng hai triệu năm. Theo thời gian, khi họ đã định cư tại các khu vực khác nhau, họ tiến hóa thành nhiều chủng người khác nhau – người Java và người Bắc Kinh ở châu Á, và chủng Homo heidelbergensis và cuối cùng là chủng Homo neanderthalensis ở châu Âu.

Sau đó, cách nay khoảng hơn một trăm nghìn năm, một chủng linh hoạt hơn và thông minh hơn – tổ tiên của loài người hiện đại – xuất hiện tại các đồng bằng châu Phi và bắt đầu di tản lần thứ hai. Chủng Homo sapiens mới này chiếm cứ nơi ở của các bậc tiền bối kém tinh thông hơn. Họ thực hiện việc này như thế nào vẫn là vấn đề đang được tranh luận. Đến nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy rằng họ đã tàn sát lẫn nhau, thế nên hầu hết các chuyên gia đều tin rằng các chủng người mới chỉ đơn giản là lấn át các chủng người cũ, dù một số yếu tố khác có thể có liên quan. “Có thể chúng ta đã lây bệnh đậu mùa cho họ”, Tatterall nói. “Không ai có thể chắc chắn về việc này. Chỉ có một sự thật là hiện nay chúng ta đang tồn tại và họ đã biến mất”.

Những con người hiện đại đầu tiên này rất mờ ảo. Những hiểu biết của chúng ta về chính mình còn ít hơn cả những hiểu biết của chúng ta về các chủng người cổ đại. Thậm chí không ai hoàn toàn tán thành về nơi xuất hiện đầu tiên của loài người hiện đại. Nhiều sách giáo khoa cho rằng họ đã xuất hiện cách nay khoảng 120.000 năm ở hình thức được tìm thấy tại sông Klasies thuộc Nam Phi, nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng đây là những con người hoàn toàn hiện đại.

Sự xuất hiện đầu tiên của chủng người Homo sapiens chắc chắn xảy ra tại phía đông Địa Trung Hải, gần Israel ngày nay, họ xuất hiện tại đó cách nay khoảng 100.000 năm – nhưng dù vậy họ vẫn được mô tả (bởi Trinkaus và Shipman) là “kỳ quặc, khó phân loại, và khó hiểu”. Người Neanderthal cũng xuất hiện lần đầu tại khu vực này và có một bộ công cụ được gọi là Mousterian, loài người hiện đại cũng đã ứng dụng bộ công cụ này vào đời sống của họ. Không một tàn tích của người Neanderthal được tìm thấy tại bắc Phi, nhưng bộ công cụ của họ xuất hiện phổ biến tại đây. Ắt hẳn đã có một ai đó đưa nó đến đó: chỉ có loài người hiện đại mới có thể làm việc này. Người ta cũng biết rằng người Neanderthal và loài người hiện đại đã chung sống suốt hàng chục nghìn năm tại vùng Trung Đông. “Chúng ta không biết liệu họ đã tồn tại luân phiên hay cùng tồn tại song song”, Tattersall nói, nhưng loài người hiện đại vẫn tiếp tục vận dụng bộ công cụ của người Neanderthal. Kỳ lạ không kém, bộ công cụ Achulean được tìm thấy ở vùng Trung Đông với độ tuổi hơn một triệu năm, nhưng lại không xuất hiện ở châu Âu mãi đến thời điểm cách nay chỉ 300.000 năm. Một lần nữa, tại sao những người có được kỹ thuật này lại không mang theo các công cụ của mình lại là một điều bí ẩn.

Suốt một khoảng thời gian dài, người ta tin rằng người Cro–Magnons, giống như người hiện đại ở châu Âu, đã xua đuổi người Neanderthal khi họ định cư tại lục địa này, cuối cùng họ ép buộc người Neanderthal phải di cư đến vùng ven của tây Âu, tại đó người Neanderthal không còn chọn lựa nào khác ngoài việc rơi xuống biển hoặc tuyệt chủng. Thật ra, ngày nay chúng ta biết rằng người Cro– Magnons định cư tại vùng viễn tây của châu Âu tại cùng thời điểm người Neanderthal tìm đến đây từ phía đông. “Ngày ấy châu Âu còn là nơi khá hoang vắng”, Tattersall nói. “Họ có thể đã giáp mặt nhau khá thường xuyên mỗi khi họ đến và đi”.

Người Neanderthal là người rất mạnh mẽ. Suốt hàng chục nghìn năm họ sống trong điều kiện mà loài người hiện đại ngoại trừ các nhà nghiên cứu có thể chịu được. Suốt thời kỳ băng hà khắc nghiệt nhất, tại đó chỉ có những cơn bão tuyết với sức gió cực lớn. Nhiệt độ giảm xuống dưới 50 độ F. Họ đã phải sống trong những điều kiện vô cùng khó khăn – một người Neanderthal sống đến quá ba mươi tuổi đã là điều may mắn với anh ta – nhưng quả thực họ là những người rất kiên cường. Họ đã tồn tại ít nhất một trăm nghìn năm, và có lẽ là hai trăm nghìn năm, tại khu vực trải dài từ Gibraltar đến Uzbekistan, đây là khoảng thời gian tồn tại của một loài được gọi là thành công.

Họ là ai và trông họ ra sao vẫn là các vấn đề đang được tranh cãi. Mãi đến giữa thế kỷ mười chín người ta vẫn quan niệm rằng người Neanderthal là người kém thông minh, dáng người lom khom, đi lê bước, và giống khỉ không đuôi – người nguyên thủy. Chỉ qua một tai nạn nghiêm trọng nọ các nhà khoa học mới thay đổi suy nghĩ của mình. Năm 1947, trong khi đang làm việc ngoài trời tại sa mạc Sahara, một nhà cổ sinh vật học người Pháp gốc Angieri tên là Camille Arambourg tránh nắng bên dưới cánh tàu bay của mình. Khi ông ngồi xuống, một chiếc lốp bỗng dưng phát nổ thật mạnh, chiếc tàu bay đột nhiên đổ nhào khiến ông bị thương nặng. Khi quay về Paris ông nhờ người chụp X quang khu vực quanh cổ, và nhận thấy rằng cột sống của ông được bố trí giống như cột sống của người Neanderthal. Điều này cho thấy rằng hoặc ông là người nguyên thủy hoặc đặc điểm của người Neanderthal đã bị mô tả sai lạc. Dĩ nhiên là đặc điểm của người Neanderthal đã bị mô tả sai lạc. Cột sống của người Neanderthal hoàn toàn không giống cột sống của loài khỉ không đuôi. Sự kiện này làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của chúng ta về người Neanderthal – nhưng dường như chỉ trong khoảng thời gian ngắn.

Ngày nay chúng ta vẫn cho rằng người Neanderthal kém thông minh hơn so với chủng người Homo sapiens xuất hiện sau này. Đây là trích đoạn điển hình từ một cuốn sách được xuất bản gần đây: “Các chủng người hiện đại đã trung hòa thuận lợi này {cơ thể khá cường tráng của người Neanderthal} với trang phục tốt hơn, lò sưởi tốt hơn, và nơi trú ngụ tốt hơn; trong khi đó người Neanderthal vẫn dừng lại ở kích cỡ quá khổ đòi hỏi phải tiêu thụ nhiều thực phẩm”. Nói cách khác, chính những yếu tố này giúp họ tồn tại thành công suốt hàng trăm nghìn năm rồi sau đó đột nhiên chúng lại trở thành những bất lợi không thể vượt qua được.

Vấn đề ít được chú ý đến nhất là người Neanderthal có não bộ lớn hơn so với não bộ của các chủng người hiện đại – 1,8 lít của người Neanderthal so với 1,4 lít của người hiện đại, theo một tính toán nọ. Người ta tranh luận rằng dù não bộ của chúng ta nhỏ hơn nhưng nó lại hoạt động hiệu quả hơn.

Bạn có thể đặt câu hỏi rằng, nếu người Neanderthal khỏe mạnh như thế và có khả năng thích nghi như thế kết hợp với não bộ lớn như thế, họ có tồn tại lâu hơn chúng ta không? Câu trả lời ở đây (thường bị tranh cãi) là có lẽ họ tồn tại lâu hơn chúng ta. Alan Thorne là một trong những người đầu tiên đề xuất một giải pháp thay thế, được gọi là giả thuyết đa tầng, cho rằng sự tiến hóa của con người đã diễn ra liên tục – rằng họ người Australopithecines tiến hóa thành Homo habilis, sau đó thành Homo heidelbergensis, rồi đến Homo neanderthalensis, thế nên chủng Homo sapiens hiện đại đơn giản xuất nguồn từ các chủng Homo cổ xưa hơn. Từ góc độ này, Homo erectus không phải là một chủng độc lập như người ta thường nghĩ. Thế nên người Trung Quốc hiện đại là hậu duệ của tổ tiên Homo erectus tại Trung Quốc, người châu Âu hiện đại là hậu duệ của tổ tiên Homo erectus tại châu Âu, và vân vân. “Có điều là theo tôi thì không có chủng Homo erectus”, Thorne nói. “Tôi nghĩ rằng từ ngữ này đã bị lạm dụng. Theo tôi, Homo erectus chỉ là một phần trước đây của chúng ta. Tôi tin rằng chỉ một chủng người duy nhất đã từng rời khỏi châu Phi, đó là chủng Homo sapiens”.

Những người phản đối giả thuyết đa tầng này cho rằng giả thuyết này muốn nói đến sự tiến hóa song song của các chủng người trong suốt thời gian Cựu thế giới – tại châu Phi, Trung Quốc, châu Âu, hầu hết các hòn đảo xa xôi của Indonesia, bất kỳ nơi đâu họ xuất hiện. Một số người tin rằng học thuyết đa tầng này khuyến khích sự phân biệt chủng tộc mà bộ môn nhân loại học đã dành một khoảng thời gian dài tẩy trừ. Mãi đến đầu thập niên 1960, một nhà nhân loại học nổi tiếng tên là Carleton Coon của Đại học Pennsylvania đề xuất rằng một số chủng loài hiện đại có nguồn gốc khác nhau, ngụ ý rằng một số người có tổ tiên cao cấp hơn những người khác. Điều này làm khuấy động niềm tin trước đó rằng một số chủng người hiện đại chẳng hạn như người Kalahari San tại châu Phi và thổ dân châu Úc có nguồn gốc gần gũi với người nguyên thủy hơn so với những người khác.

Dù Coon có muốn nói đến điều gì, ấn tượng với mọi người ở đây là một số chủng loài tiên tiến hơn các chủng loài khác. Quan điểm này, ngày nay bị phản đối kịch liệt, đã được phổ biến mãi đến khoảng thời gian gần đây. Tôi có một cuốn sách được phát hành rộng rãi bởi nhà xuất bản Time–Life vào năm 1961 được gọi là The Epic of Man dựa trên cơ sở là các bài báo được phát hành trên tạp chí Life. Trong cuốn sách đó bạn có thể tìm thấy những câu nói chẳng hạn như “Người Rhodesian… tồn tại cách nay khảng 25.000 năm và có thể đã là tổ tiên của người da đen châu Phi. Não bộ của họ có kích cỡ gần bằng kích cỡ não bộ của chủng người Homo sapiens”.

Thorne dứt khoát phản đối ý tưởng cho rằng giả thuyết của ông có ngụ ý khuyến khích sự phân biệt chủng tộc. “Không có lý do nào để có thể nghĩ rằng loài người chỉ xuất nguồn từ một hướng duy nhất”, ông nói. “Loài người đã di chuyển khắp mọi nơi, họ có thể gặp nhau tại bất kỳ nơi nào và chia sẻ gen di truyền qua việc chung sống và sinh sản. Những người mới đến không hề thay thế dân số bản địa, họ chỉ gia nhập vào dân bản địa. Họ trở thành dân bản địa”. Ông ví tình huống này giống như khi các nhà thám hiểm chẳng hạn Cook hoặc Magellan lần đầu tiên gặp gỡ những người ở những nơi hẻo lánh. “Đó không phải là cuộc gặp của những chủng loài khác nhau, họ có cùng chủng loài với vài khác biệt về đặc điểm thể chất”.

Những gì bạn nhận thấy từ các hóa thạch, Thorne khẳng định, là sự chuyển tiếp nhịp nhàng liên tục. “Có một chiếc xương sọ nổi tiếng từ Petralona thuộc Hy Lạp, có độ tuổi khoảng 300.000 năm, đây là đề tài tranh luận giữa những người nệ cổ vì xét một góc độ nào đó nó trông giống chủng người Homo erectus nhưng đồng thời cũng giống chủng người Homo sapiens. Chúng tôi tin rằng đây là một trong những tàn tích về sự tiến hóa của loài người, chứ không phải là một chủng người nào đó được thay thế bởi chủng người khác”.

Yếu tố có thể giúp giải quyết vấn đề ở đây sẽ là bằng chứng về sự lai giống, nhưng không dễ để chúng ta chứng minh, hoặc bác bỏ, từ các hóa thạch. Năm 1999, các nhà khảo cổ học tại Bồ Đào Nha tìm thấy một bộ xương của một đứa bé khoảng bốn tuổi qua đời cách nay khoảng 24.500 năm. Nhìn chung bộ xương này có vẻ hiện đại, nhưng có vài đặc điểm cổ xưa, có lẽ giống người Neanderthal: xương cẳng chân cứng cáp phi thường, hàm răng hình xẻng đặc trưng, và (dù không phải ai cũng đồng ý) vết lõm tại phía sau xương sọ, đây là nét đặc trưng của người Neanderthal. Erik Trinkaus của Đại học Washington tại St. Louis, chuyên gia hàng đầu về người Neanderthal, xác nhận rằng đứa bé này là người lai: bằng chứng cho thấy người hiện đại và người Neanderthal đã giao phối. Tuy nhiên một số người khác cho rằng người hiện đại và người Neanderthal không thể hòa trộn với nhau.

Với các hóa thạch vô ích như thế, các nhà khoa học chuyển sang nghiên cứu gen di truyền, đặc biệt là việc nghiên cứu DNA phân bào sụn. DNA phân bào sụn chỉ được khám phá vào năm 1964. Vào thập niên 1980 các nhà khoa học tại Đại học California xác định được rằng nó có hai đặc điểm giúp quá trình xác định niên đại được thuận lợi: nó chỉ di truyền theo họ mẹ, thế nên nó không chịu sự can thiệp của DNA họ cha, và nó biến đổi nhanh gấp hai mươi lần so với DNA bình thường, giúp họ dễ dàng xác định và theo dõi các biến đổi gen theo thời gian. Bằng cách xác định tốc độ biến đổi họ có thể xác định được lịch sử gen và mối quan hệ của nó với toàn nhóm người.

Năm 1987, nhóm nghiên cứu Berkeley, dẫn đầu là Allan Wilson, thực hiện việc nghiên cứu DNA phân bào sụn từ 147 cá nhân và xác định rằng loài người hiện đại đã xuất hiện tại châu Phi trong khoảng 140.000 năm trở lại đây và rằng “toàn bộ loài người hiện đại đương thời là hậu duệ của những người này”. Nhưng sau đó người ta bắt đầu nghiên cứu kỹ các dữ liệu này. Một trong những điều phi thường – gần như quá phi thường nên không thể tin là có thật – nhất là “người châu Phi” được sử dụng cho việc nghiên cứu thực ra là người Mỹ–Phi, rõ ràng gen của họ đã bị lai ghép suốt vài trăm năm qua. Người ta cũng cảm thấy nghi ngờ về tốc độ biến đổi được xác định.

Năm 1992, nghiên cứu này gần như không còn đáng tin. Nhưng kỹ thuật phân tích gen di truyền vẫn tiếp tục được hoàn thiện, và năm 1997 các nhà khoa học từ Đại học Munich có thể chiết và phân tích một số DNA từ xương cánh tay của người Neanderthal, và lần này họ đã có được bằng chứng cụ thể. Họ xác định rằng DNA của người Neanderthal không giống với DNA được tìm thấy trên trái đất ngày nay, điều này cho thấy rõ rằng không có mối quan hệ gen di truyền nào giữa người Neanderthal với người hiện đại. Đây thực sự là một đòn mạnh đánh vào những người ủng hộ thuyết đa tầng.

Cuối năm 2000, tờ Nature và các ấn bản khác nói rằng một người Thụy Sỹ đã nghiên cứu DNA phân bào sụn của năm mươi ba người, kết quả cho thấy rằng toàn bộ loài người hiện đại đều xuất nguồn từ châu Phi trong khoảng 100.000 năm qua và xuất nguồn từ sự phối giống giữa khoảng 10.000 cá nhân. Không lâu sau, Eric Lander, giám đốc Học viện Whitehead và Trung tâm Kỹ thuật Massachusetts chuyên nghiên cứu gen di truyền, công bố rằng người châu Âu hiện đại, và có thể cả những người khác, đều là hậu duệ của “không quá vài trăm nghìn người châu Phi đã rời bỏ quê hương của họ cách nay khoảng 25.000 năm”.

Trong cuốn sách này chúng ta được biết rằng gen di truyền của loài người hiện đại không quá đa dạng như chúng ta nghĩ – “sự đa dạng về gen di truyền trong nhóm năm mươi lăm con tinh tinh vẫn lớn hơn sự đa dạng về gen di truyền của toàn dân số thế giới”, theo lời một chuyên gia nọ – và điều này có thể giải thích được tại sao lại thế. Vì chúng ta là hậu duệ của một nhóm người với số lượng nhỏ, và chúng ta chưa có đủ thời gian để đa dạng hóa cấu trúc gen di truyền của mình. Một viện sĩ của Penn State nói với tờ Washington Post: “Sau khám phá này, người ta ít quan tâm đến thuyết đa tầng hơn vì nó không được xác đáng”.

Nhưng tất cả dường như đã bỏ sót người Mungo cổ đại của miền tây New South Wales. Đầu năm 2001, Thorne và các đồng nghiệp tại Đại học Quốc gia Australia công bố rằng họ đã khám phá DNA từ chủng người Mungo cổ xưa nhất – xuất hiện cách nay khoảng 62.000 năm – và rằng DNA này là một “đặc trưng di truyền”.

Người Mungo, theo những khám phá này, giống như người hiện đại – bạn và tôi – nhưng lại mang nét đặc trưng trong di truyền. DNA phân bào sụn của họ không còn tồn tại nơi loài người hiện đại, và giống như người hiện đại, họ có tổ tiên là những người rời bỏ châu Phi.

“Mọi thứ bị đảo ngược”, Thorne nói với niềm hân hoan lộ rõ.

Sau đó nhiều biến tấu khác xuất hiện. Rosalind Harding, nhà di truyền học của Học viện Biological Anthropology tại Oxford, trong khi nghiên cứu các gen betaglobin nơi loài người hiện đại, tìm thấy hai biến thể thường xuất hiện nơi người châu Á và người bản địa Australia, nhưng không thấy xuất hiện nơi người châu Phi. Cô khẳng định rằng hai gen biến đổi này đã xuất hiện cách nay hơn 200.000 năm nhưng không phải tại châu Phi, mà tại đông Á – trước khi chủng người Homo sapiens hiện đại đến đây. Cách duy nhất để giải thích việc này là, tổ tiên của những người hiện đang sống tại châu Á là những chủng người cổ xưa – người Java chẳng hạn. Thật thú vị, những gen biến đổi như thế này – có thể nói rằng gen người Java – cũng xuất hiện nơi loài người hiện đại tại Oxfordshire.

Quá bối rối, tôi tìm đến gặp Harding tại Học viện của cô, đây là một biệt thự cổ trên đường Banbury thuộc Oxford, nơi Bill Clinton đã trải qua những ngày tháng học sinh. Harding là một phụ nữ người Australia nhỏ nhắn và vui tính.

“Không biết”, cô lập tức nói, khi tôi hỏi cô tại sao những người tại Oxfordshire lại có các gen betaglobin mà lẽ ra họ không có. “Nhìn chung”, cô nói với vẻ hơi buồn, “các ghi nhận về gen ủng hộ giả thuyết di–cư–khỏi–châu–Phi. Nhưng rồi bạn nhận thấy nhiều điểm bất thường, và các nhà di truyền học thường tránh nói về những điểm bất thường này. Vẫn còn đó rất nhiều điều chúng ta chưa biết, giá mà chúng ta có thể biết! Chúng ta cũng chỉ mới bắt đầu. Tất cả những gì chúng ta có thể nói tại thời điểm này là: mọi thứ đang còn bừa bộn và chúng ta thực sự không biết tại sao”.

Trước thời điểm tôi gặp Harding, đầu năm 2002, một nhà khoa học Oxford khác tên là Bryan Sykes xuất bản cuốn sách có tựa đề The Seven Daughters of Eve, trong đó, qua việc vận dụng kỹ thuật phân tích DNA phân bào sụn, ông khẳng định rằng ông có thể dò tìm và phác họa lịch sử của gần như toàn bộ người châu Âu mãi đến khi chỉ còn lại bảy phụ nữ – bảy cô con gái của Ê–va, theo đúng tựa đề cuốn sách – họ sống cách nay khoảng 10.000-45.000 năm tại thời kỳ mà khoa học gọi là Paleolithic. Sykes đặt tên cho bảy phụ nữ này – Ursula, Xenia, Jasmine, vân vân – và thậm chí ông còn có thể mô tả quá khứ của từng người. (“Ursula là con thứ hai của mẹ mình. Đứa con cả đã bị báo bắt đi khi mới lên hai…”).

Khi tôi hỏi Harding về cuốn sách này, cô bật cười nhưng tỏ vẻ thận trọng, có lẽ cô không biết phải trả lời từ đâu. “Tôi nghĩ rằng anh nên khen ngợi Sykes vì đã giúp phổ biến một vấn đề khó khăn”, cô nói và dừng lại để suy nghĩ. “Và cũng rất có thể là anh ta nói đúng”. Cô lại bật cười. “Các dữ liệu về bất kỳ loại gen nào cũng không thể cho anh biết bất kỳ điều gì dứt khoát. Nếu anh theo đuổi việc nghiên cứu DNA phân bào sụn, nó sẽ đưa anh đến một nơi nào đó – đến với một Ursula hoặc Tara hoặc bất kỳ thứ gì.

Nhưng nếu anh theo đuổi một mẩu DNA khác, bất kỳ gen nào, nó sẽ đưa anh đến một nơi hoàn toàn khác. Không một loại gen nào có thể kể anh nghe toàn bộ câu chuyện”.

Thế thì việc nghiên cứu gen di truyền không đáng tin sao?

“Nhìn chung, anh có thể tin vào việc nghiên cứu gen di truyền. Nhưng anh không thể hoàn toàn tin tưởng những kết luận do một ai đó rút ra từ việc nghiên cứu của họ”.

Cô nghĩ rằng giả thuyết di–cư–khỏi–châu–Phi “có lẽ đúng đến 95 phần trăm”, nhưng lại tiếp lời rằng “Tôi cho rằng cả hai phía đều góp phần khiến khoa học thêm bối rối qua việc khẳng định rằng ắt hẳn nó phải hoặc thế này hoặc thế nọ. Mọi việc thường hóa ra không quá đơn giản như thế. Và việc phân loại hoàn toàn không phải là việc dễ dàng”.