Lịch sử văn minh Thế giới

Kết Luận

Lịch sử văn minh nhân loại là một quá trình phát triển liên tục từ thấp tới cao, trong đó có sự đóng góp của rất nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Có những dân tộc ngày nay không còn tồn tại với tư cách một dân tộc độc lập, họ đã bị hoà tan trong quá trình lịch sử, nhưng dấu ấn mà tổ tiên họ để lại tới ngày nay, nhân loại không thể quên, như hệ thống chữ viết A,b, g...của người Phênixi. Không dân tộc nào trên thế giới không học hỏi, tiếp thu những giá trị văn minh của các dân tộc khác. Giao lưu, trao đổi, học hỏi những giá trị văn minh lẫn nhau là qui luật chung của tất cả các dân tộc.

Thời cổ đại, trong quá trình phát triển gần như độc lập của mình, mỗi dân tộc cũng cũng đã tiếp thu những giá trị văn minh của các dân tộc khác. Chúng ta đã biết, người Hy Lạp thời cổ đại xây dựng được nền văn minh rực rỡ so với thời kì đó, trong đó có nhiều giá trị văn minh họ tiếp thu từ người Ai Cập, Lưỡng Hà cổ đại rồi khái quát, phát triển lên. Tới thời Trung đại, dù không thích người Arập nhưng người phương Tây cũng vẫn phải tiếp thu các chữ số mà người Arập sử dụng, vẫn phải học cách làm giấy từ người Arập...( mặc dù trên chữ số trên mặt các đồng hồ lớn ở nhà thờ phương Tây thì vẫn sử dụng chữ số La Mã). Xu thế hoà nhập, tiếp thu những giá trị văn minh lẫn nhau là qui luật sống còn của mỗi dân tộc.

Trong thời kì các nước thực dân phương Tây đi xâm chiếm các nước chậm phát triển, văn minh phương Tây được các nhà cầm quyền thực dân đề cao. Sau này, cùng với phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc, nhiều giá trị văn minh phương Tây bị lên án, bị cho là thủ phạm của lối sống thực dụng, suy đồi, mất gốc. Các cụ nhà Nho trước kia có người đã chửi mắng nặng lời con cháu dám cắt tóc ngắn...Nhưng chỉ sau khi giành độc lập vài chục năm, nhiều nước đã có xu hướng nhận ra rằng, nền văn minh dân tộc sẽ rất hạn chế nếu không chịu tiếp thu những giá trị hợp lí của văn minh phương Tây. Trong vấn đề này, bài học Nhật Bản là một tấm gương đáng để ta suy nghĩ. Nhật Bản trước kia vốn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của văn minh Trung Hoa, nhưng văn minh Nhật Bản đã sớm biết phá vỡ tính biệt lập, sẵn sàng chịu chấp nhận những giá trị hợp lí của văn minh phương Tây. Nhờ vậy, Nhật Bản đã có được chỗ đứng đáng nể trên thế giới của thế kỉ XX.

Khái niệm văn minh phương Đông và văn minh phương Tây cũng chỉ mang tính chất rất tương đối. Nhiều giá trị của văn minh phương Tây có nguồn gốc từ phương Đông và ngược lại. Ngày nay đi tìm một nền văn minh nào chỉ hoàn toàn do dân tộc đó xây dựng nên cũng khó như đi tìm một dân tộc nào thuần chủng. Trong cuộc giao lưu, cọ xát này, các nền văn minh dân tộc có cơ hội giao lưu với nhau, tiếp thu thành quả của nhau. Khi xem xét một nền văn minh của một dân tộc nào, phải đặt nó trong mối liên quan với các nền văn minh mà nó có quan hệ, nhất là khu vực quan hệ đó lại nằm trong vùng ảnh hưởng của một nền văn minh lớn.

Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay thì sự hoà nhập giữa các nền văn minh là một điều tất yếu. Sự hoà nhập này lại được thúc đẩy nhanh bởi các phương tiện giao thông hiện đại, cùng với mạng thông tin toàn cầu. Một vài ngôn ngữ đang ngày trở thành ngôn ngữ phổ biến, dùng chung cho các dân tộc như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ảrập. Tiếng Nga, Trung Quốc, Hindu tuy chưa mang tầm cỡ bằng nhưng được nhiều người sử dụng nên cũng có một tầm quan trọng đáng kể.

Những thành tựu của văn minh thế giới ngày nay là kết quả chung những tri thức mà cả loài người đã xây dựng, tích luỹ qua bao thế hệ. Văn minh thế giới chứa đựng những nét chung nhất mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều tiếp thu và vận dụng nó vào cuộc sống của dân tộc mình. Do những điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử khác nhau, giá trị văn hoá của mỗi dân tộc có những nét khác nhau, có những sắc thái riêng biệt. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiếp thu những yếu tố hợp lí, tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực.

Dân tộc Việt Nam không phải bây giờ mới đứng trước thách thức khi phải tiếp xúc với các nền văn minh khác. Dân tộc ta nằm giữa hai nền văn minh lớn của Châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong quá trình lịch sử, bên cạnh việc tiếp thu những giá trị từ văn minh Ấn Độ và Trung Hoa, chúng ta vẫn giữ những bản sắc văn hoá riêng của mình, mặc dù có thời gian hàng ngàn năm bị đô hộ, bị cố tình đồng hoá. Trong thời kì bị thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, bên cạnh việc tiếp thu những giá trị của văn minh phương Tây chúng ta cũng đã chứng tỏ sức sống dân tộc và bản lĩnh văn hoá của mình. Chúng ta không chỉ tiếp thu mà còn đóng góp phần của mình vào văn minh nhân loại. Những nhà văn hoá của chúng ta như Lê Quí Đôn, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh... là những người được thế giới biết đến và công nhận.

Trong xu thế hội nhập tất yếu ngày nay, dù muốn hay không chúng ta vẫn phải tham gia, phải đương đầu để mà tồn tại và phát triển. Bên cạnh những cơ hội mới, chúng ta cũng gặp phải rất nhiều thách thức mới. Hàng ngàn năm trước, dân tộc ta cũng đã phải đối phó với những thách thức để tồn tại và dân tộc Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng của mình trên bản đồ thế giới. Mỗi thế hệ đều có những thách thức riêng của mình. Lịch sử đã chứng minh, dân tộc nào đóng cửa để tìm cách tự bảo vệ là thất bại. Trong quá trình hội nhập hiện nay, chúng ta cần chủ động tìm hiểu sự đa dạng về văn hoá của các dân tộc khác, tiếp thu những giá trị văn minh chung của nhân loại để góp phần nhỏ bé của mình vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh và bảo vệ, phát huy những tinh hoa của văn hoá dân tộc.