Les - Vòng Tay Không Đàn Ông

Chương 2

Docsach24.com

ô Út của Yến nguyên là điều dưỡng viên trưởng của bệnh viện Bình Dân. Cô tốt nghiệp cử nhân hệ điều dưỡngsau giải phóng theo chuyên ngành hệ điều dưỡng. Và từ đó đến nay đã có hơn 20 năm làm điều dưỡng viên, được mọi người đánh giá cao vì sự tận tụy hết lòng với nghề nghiệp. “Tự mình đốt sáng mình lên để soi sáng cho người khác”, cô có lần tâm sự, mà cũng như dạy Yến. Cô bé tru tréo, xời ơi...đốt mình thì cháy mất tiêu Út à, tội gì. Cô Út cười, cú nhẹ đầu đứa cháu gái yêu, cho biết, đấy là câu ngạn ngữ của những điều dưỡng viên vẫn thường động viên nhau mỗi khi gặp khó khăn trong nghề nghiệp, nhất là khi gặp phải những phản ứng quá đáng từ phía người bệnh do đau đớn, bệnh tật, tâm lý bất thường mà hiểu lầm. Trong cuộc đời làm điều dưỡng viên của mình thì cô Út gặp những phiền toái như vậy thường xuyên, và cần phải hiểu biết, nhẫn nại, thông cảm, đó là điều cô luôn tự nhủ mỗi khi gặp khó khăn. Làm nghề điều dưỡng viên này phải xuất phát từ sự cảm thông với người bệnh, chia sẻ buồn vui với bệnh nhân của mình và trên tất cả chính là sự hy sinh thầm lặng nhưng cao quý của nghề này, nó cũng như là tấm lòng của bà Florence Nighingale (1820 – 1910), người phụ nữ Y đã đưa nghề điều dưỡng từ bóng tối ra ánh sáng, được mọi người tôn trọng thừa nhận. Thỉnh thoảng nhớ nghề, hay mỗi khi có bạn bè cũ đến thăm thì cô vẫn thường nhắc đến những kỷ niệm nghề nghiệp của mình với niềm say mê như vậy, trong khi cô cháu cưng thì chu mỏ chọc bằng giọng chê bai, Út ơi con chẳng mê nghề điều dưỡng của Út đâu, máu me không hà.

Cô Út là một người đàn bà dáng người thanh mảnh, nhẹ nhỏm với vẻ mặt thanh thoát, nước da trắng ngần, thậm chí là trắng xanh với những đường gân máu nổi rõ trên bàn tay. Giữa đất Sài Gòn đầy nắng với gió, da mọi người đa phần màu sẫm thì có một người da trắng như cô Út thì kể cũng lạ. Cô trắng đến nỗi có người lầm tưởng cô ở nước ngoài về hay từ xứ lạnh tới, trong khi cô Út kỳ thực cả đời chưa từng bước chân ra khỏi Sài Gòn này chứ đừng nói đi đâu xa. Nhìn kỹ thì cô Út còn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi gần năm mươi của mình. Chỉ tiếc rằng vẻ bề ngoài ấy luôn bị cách ăn mặc nhiều lúc gần như lập dị của cô với người chung quanh làm che khuất. Quần áo màu sắc bao giờ cũng xám xịt, kín cổ, kín tay làm cho cô già đi trước tuổi, nên nhiều lúc nhìn cô giống như một nữ tu dòng kín thì đúng hơn. Từ ngày ở chung với cô Út đến giờ, Yến biết, với cô Út thì chuyện trang điểm phấn son thật xa lạ mặc dù đang là thế kỷ 21 rồi. Có lẽ vì nghề điều dưỡng đòi hỏi chăng mà cô Út là một người ưa sạch sẻ, cẩn thận đến kỷ tính. Cô bảo, móng tay để dài rồi sơn phết là nơi chứa ổ vi trùng, da mặt cũng thế, kem phấn nhồi vào làm sao da thở được.

Chẳng thế mà đến tuổi này cô vẫn độc thân một mình không có ai chia sẻ. Cô là người nghiêm nghị, ít nói, ít cười, khá khó tính nên ngay đám con cháu trong nhà cũng không dám gần, chúng nó thường lén gọi sau lưng cô là bà già khó tính. Má kể cho Yến, thời trẻ cô khá đẹp (điều ấy Yến công nhận ngay), có rất nhiều chàng trai đến làm quen, thế nhưng sau đó điều rút lui nhanh chóng vì sự kỷ tính, khó khăn của cô làm cho bọn họ sợ.

Mấy năm trước, khi cô còn đang làm điều dưỡng, ông phó giám đốc của bệnh viện mới góa vợ rất mến và theo đuổi cô mấy năm liền, nhưng rồi cũng âm thầm rút lui. Anh em trong nhà chẳng ai hiểu nổi cô. Cho đến tận khi nghĩ mất sức, cô vẫn độc thân.

Ông nội của tụi con là ông Hội Đồng nổi tiếng khắp vùng Hàm Luông bắc Vàm Cống. Ông có đến bốn năm vợ lận, có người là vợ chính thức nhưng cũng có người gả gá trừ nự hoặc cậy quyền thế là hội đồng nên ông con thích ai thì lấy người đó về. Ba chép miệng lắc đầu kể chuyện về lịch sử gia đình mình cho mấy đứa con nghe. Ngay bà nội của các con đây cũng là bà thứ chứ có phải là bà chánh đâu.Mang tiếng là con trai của ông hội đồng giàu có khét tiếng, kẻ ăn người ở đông không kể xiết, ruộng thẳng cánh cò bay đến tít tận chân trời nhưng ba sống cũng cơ cực lắm. Nhỏ xíu ra vào khép nép dạ thưa, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, nhiều lúc quá đứa ở. Lớn lên có hiểu biết thì ba không chịu vậy nữa, vì thế mà trong đám con cháu đông đảo của ông nội, ba nổi tiếng là đứa cứng đầu cứng cổ nhất. Ông nội có đánh chửi cỡ nào thì ba cũng không chịu khuôn phép phong kiến trong gia đình, lì lắm. Đến nỗi có lần bực quá ông đuổi ba ra tận ngoài đìa cho ở chung với mấy người thợ, ba tính ở luôn không thèm về. Sau bà nội thấy thương quá, lén đón ba về. Nên ở trong nhà thì ba vốn là đứa không được ông yêu thương. Kỳ thực đến giờ ba cũng chẳng biết ông nội tụi con thương hay ghét ba nữa, sau này bà nội có nói cho ba hay là, khi sắp qua đời ông nội tụi con có trối riêng với bà là ông rất ân hận vì đã đối xử tệ với ba, thật ra ông rất thương ba vì trong đàn con chung, riêng đông đảo của ông thì ba chính là đứa làm cho ông tự hào nhất. Bởi cá tánh cứng cỏi của ba làm ông rất thích, nó giống tánh ông thời trẻ, việc ông phải tuyên bố không nhận ba làm con sau đi ba kháng chiến là việc làm bấc đắc dĩ đối phó với chính quyền cũ, bảo vệ những người ở lại. Và ông nhắn bà nói lại rằng ba hãy thứ lỗi cho ông. Căn nhà thờ mà hiện nay cô Út đang ở là nhà của ông nội tụi con chuộc lỗi bằng cách bí mật mua từ trước giải phóng gọi là chia của cho ba, nếu ba còn sống trở về.

Ba thở dài nhắc chuyện cũ.

Năm tròn 16 tuổi là ba đã thoát ly đi kháng chiến rồi và từ đó không quay trở về quê một lần nào nữa bởi sau đó ít lâu thì, nghe nói ông nội đã tuyến bố công khai với mọi người là từ ba. Ba đi luôn một mạch đến tận giải phóng mới về quê và sau đó lên Sài Gòn công tác cho đến khi nghỉ hưu. Giờ ba cũng già rồi, nghĩ chuyện xưa cũng chẳng trách ông nội của tụi con làm gì, xem ra ông cũng có nỗi khổ của ông các con à.

Má của cô Út tụi con, vốn không có thân phận được là bá chánh, bà thứ trong số vợ chính thức của ông mà thực ra là người ở trong nhà. Trước kia gia đình bà nghèo lắm, vốn là dân đi phu cao su từ trước năm 1945 sau đó qua làm tá điền trên đất của ông. Bà bị đưa tới nhà ông để làm con ở trừ nợ từ hồi còn nhỏ xíu, lớn lên trẻ đẹp nên hợp nhãn của tụi con mà có với ông một người con gái là cô Út bây giờ. Tội cái là, tuy mang tiếng con của hội đồng nhưng má con cô Út lại không có chính danh trong nhà nên vẫn bị các bà vợ lớn lẫn con cái trong nhà đối xử hành hạ như con ở. Cô Út của tụi con trở thành cái bóng câm, ra vô thầm lặng, lúc nào cũng sống trong sợ hãi.

Ba lắc lư đầu. Sau giải phóng ba về quê, thấy tình cảnh cô Út như vậy nên mới đón đưa lên Sài Gòn cho ăn học, đi làm đến bây giờ. Có lẽ vì bị ám ảnh những chuyện cũ dưới quê, bị ông nội tụi con lẫn các bà vợ bé, lớn kèm cặp, răn dạy rất nặng nề, đầy phong kiến, riết để giờ cô Út tụi con gần năm mươi tuổi rồi mà vẫn độc thân là vậy.

Mấy anh em Yến nghe đều lè lưỡi, sao thấy thương cô Út quá.

Sau giải phóng, thỉnh thoảng anh em Yến cũng được ba má đưa về quê nội ngoại chơi cho biết họ hàng. Bên ngoại Yến ở Rạch Giá, đều là gia đình nông dân chơn chất, đa phần làm ruộng là chủ yếu, cũng có mấy người tham gia cách mạng, sau giải phóng làm cán bộ cấp huyện. Nhìn chung là anh em Yến thích bên ngoại hơn, tuy nghèo nhưng gần gũi yêu thương, vì thế, hồi đó mỗi khi đến kỳ nghỉ hè là mấy anh em kéo về bên ngoại chơi là nhiều. Chẳng bù cho bên nội, ai cũng rất khá giả. Một số người đã đi xuất cảnh nước ngoài trước và sau giải phóng, số còn lại thì ai cũng giàu có. Những ông bác, người cô, người chú mà anh em Yến mỗi khi gặp thấy người nào cũng đường bệ, vàng đeo đỏ tay mà nhìn rất xa cách. Những anh em cùng lứa khác trong họ thì rất đông, anh em Yến chẳng tài nào nhớ hết.

Chẳng gì ông nội Yến có đến bốn bà vợ chính thức, chưa kể số con rơi rải rác đây đó thì không biết hết. Con cháu của ông ở gần như khắp lục tỉnh, gần như tỉnh nào cũng có. Và bên nội chỉ có duy nhất là ba của Yến là tham gia cách mạng, còn lại hầu như tham gia chính quyền cũ, nhiều người là sĩ quan cấp tá, hoặc giữ vai trò quan chức trong các tỉnh, đúng là con cái của Hội đồng Mía khét tiếng khắp dãi miền Tây. Sau giải phóng thì những người này một số bị đưa đi học tập cải tạo và sau đó xuất cảnh gần hết, số còn lại thì bị liệt vào thành phần địa chủ, tư sảnh nên có nhiều mặc cảm trong đời sống mới. Ba là người duy nhất đi theo cách mạng trở về và là người vốn đã bị cả họ trước đó tuyên bố từ bỏ. Giữa người chiến thắng và người ở lại tuy đều là anh em ruột nhưng đối xử với nhau rất gượng gạo lạnh nhạt, nhất là những anh em ruột thịt nhưng ở dòng con khác, cùng cha, khác mẹ. Có lẽ chỉ còn lại mấy chú,em ruột của ba, cùng là con bà nội Yến giữ tình cảm thắm thiết với ba. Cũng chính vì lý do đó mà ba má của Yến đã không ở lại quê công tác mà về thẳng Sài Gòn làm việc.

Sau hai mươi mấy năm thì những hận thù lẫn mặc cảm đôi bên rồi cũng phôi pha, đều là anh em trong nhà cả, những năm sau này tình thân ấy ngày càng ấm áp hơn. Giờ đây, thì hầu như năm nào ba má Yến cũng về quê nội làm đám giỗ, chạp họ, cúng kiếng gì đó hoặc ghé chơi nhà người này người kia dăm ba lần và được các bác, các chú đón tiếp niềm nở, thân tình. Chưa kể những người đã xuất cảnh đi nước ngoài rồi thì nay mỗi khi về nước đều đến chào ba má, có quà cho mấy anh em Yến. Thậm chí còn có lời mời, sẵn sàng bảo lảnh cho mấy anh em Yến qua đó học tập, nhưng ba không đồng ý nên thôi. Bây giờ thì anh em Yến lâu lâu cũng về bên nội và được các bác, cô, chú yêu quý.

Trong tất cả các bà vợ của ông nội thì chỉ riêng bà nội của Yến với mà của cô Út là đối xử với nhau rất thân tình, không chia xa theo kiểu chủ tớ, không ghen tuông kiểu vợ lớn vợ nhỏ. Bà nội Yến luôn là người bênh vực cho mẹ con cô Út mỗi khi bị ông nội hay các bà khác đối xử tệ. Vì thế mà mẹ con cô Út rất quý mến và biết ơn bà, và cũng vì thế mà con của ba nội Yến cũng thân thiết với cô hơn cả. Mối tình thân ấy kéo dài đến khi ba Yến đi cách mạng trở về. Sau này ba Yến đón cô Út lên thành phố cho đi học, đi làm và nhất là khi các chú do công việc nên cũng lần lượt chuyển về thành phố hết thì ba về quê đón luôn má cô Út và bà nội Yến lên căn nhà trên đường Trần Quang Khải của ông nội để lại cho ba. Khi hai bà mất thì căn nhà này trở thành căn nhà thờ họ nhánh trên thành phố và giao cho cô Út trông nom.Mấy anh em và nhất là ba, ai cũng thương cô em gái Út độc thân, cuộc sống gặp nhiều cơ cực từ nhỏ. Sau khi nghỉ việc thì mấy năm gần đây cô Út lại đau ốm liên miên, cũng may cô làm ngành y nên cũng biết tự chăm sóc mình. Thương cô, ba và mấy chú trong nhà họp bàn nhau lại cắt cử con cháu qua ở với cô cho vui và cũng là trông nom nhà cửa mỗi khi cô bệnh. Trong đám con cháu cả trai lẫn gái xâm xấp gần hai chục kia có ba đứa tới trước, và chẳng đứa nào có thể ở lại được với cô quá hai tuần. Cô Út khó và kỹ quá, điều đó ai cũng biết, dăm bữa nửa tháng cố lắm rồi thì đứa nào cũng chuồn sạch. Chương trình cắt cử các cháu được dừng lại, thay bằng thuê người giúp việc, nhưng bốn người độ tuổi già trẻ đủ cả cũng chỉ ở với cô chưa đầy một tháng thì bị cô đuổi thẳng. Ba của Yến là người anh lớn thương cô nhất mà cũng đành lắc đầu chịu thua tính cô.

Đi phải thật khẽ, cấm cười to nói chuyện trong nhà, cái ly nước lấy đâu thì để lại chỗ đấy, không có một hạt bụi trên ghế, cầm cái chổi quét nhà cũng phải tư thế nào...những yêu cầu cực kỳ chi ly tỉ mỉ của cô riết làm cho ai cũng ngán. Thế nhưng vẫn có một người chịu nổi cô, đó là chính đứa con gái của người anh, Hoàng Yến. Phải nói là cô Út thương Yến nhất trong đám cháu, chính vì tình thương ấy mà cô đâm ra dễ dãi với đứa cháu gái lau tau, lắm mồm, hay nhảy nhót, đùa giỡn suốt ngày không biết mệt này. Phải chăng vì những mối nặng nợ ân tình của bà nội Yến đối với mẹ con cô Út hay chính vì ba là người cưu mang đưa cô thoát khỏi cuộc sống cơ cực dưới quê ngày ấy, không ai biết, nhưng cũng có thể vì chính cô là người đã đở đẻ cho Yến nên thương cô bé này chăng, mọi người thường tự hỏi nhau như vậy. Hồi má mang thai Yến và Cường, thai lớn đang lẽ phải ở nhà, thế nhưng má vẫn ham vui ì ạch leo lên xe theo mấy người bạn đi chơi Hồ Cốc ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Đồng Nam cũ, cũng may trời đất run rủi thế nào mà lần ấy lại có cả cô Út đi cùng. Lên chơi hơn một ngày thì má sáng sớm đi rửa mặt, đất trơn té nên động thai, kiếm mãi mới được chiếc xe than chạy ì ạch ra bệnh viện huyện, trên đường đi xóc ổ gà nên má đã sanh Yến ngay trong xe và Cường, con trai khôn là lỳ đòn hơn nên đợi đến nhà hộ sinh của bệnh viện mới chịu ra. Chỉ một mình cô Út trên xe loay hoay đỡ đẻ cho chị, chăm sóc cháu, cũng may cô là điều dưỡng viên nên chuyện này thành ra quen rồi.Chuyến đi đấy nếu không có cô Út thì không hiểu chuyện gì đã xảy ra, sau này má vẫn còn xanh mặt mỗi khi nhắc lại.

Một lần hôm đám giỗ bà nội, trong khi mấy anh em đang ngồi quây quần chặc lưỡi than thở cho hoàn cảnh của cô em gái Út mà lại không biết làm sao để giúp đỡ, bởi hết cách rồi thì, đột nhiên có ý kiến dè dặt của chú Sáu nhắc chừng ba, hay là anh Hai cho con bé Yến nhà mình qua bên Út đi, xưa nay Út vẫn thương nó lắm, mà nay nó cũng đã lớn rồi. Ừ nhỉ, ba vỗ trán la lên, sao anh quên lửng chuyện này.

Thế là hôm ấy khi Yến vừa đi học về là ba má kêu Yến vô buồng nói luôn. Cô bé ngớ người, chuyển qua ở luôn với cô Út à, con chưa nghỉ tới, mà Út khó lắm. Yến dặm chân, phụng phịu. Nói vậy thôi chứ thật ra Yến cũng thương cô Út lắm, chẳng biết cô khó với ai chứ vớ Yến cô luôn chăm sóc dịu dàng và chìu chuộng hết mực, vì thế chỉ ngần ngừ làm nư một chút thì cô bé chịu luôn, chỉ có điều hơi buồn là xa ba má, anh Hai với thằng Tí tò to xác. Lắm chuyện, từ nay càng ít có dịp cãi nhau với nó nữa. Nhà mình với nhà cô Út có xa là bao nhiêu đâu, ba má dỗ dành, lúc nào rảnh con về đây, ba má vẫn để phòng riêng cho con ở trên lầu đó. Yến chịu. Thế là Yến chuyển sng ở với cô Út, đến nay cũng được hơn năm năm rồi, từ hồi còn đang học năm đầu lớp mười cho đến nay đã là cô sinh viên năm thứ hai trường Đại học bán công Nguyễn Đình Chiểu.

Trước kia chỉ là khách và thỉnh thoảng qua chơi bên nhà cô thì khác, nay ở chung một nhà với cô thì khác và, quả là cô kỷ tính thiệt, Yến nhận ra điều đó. Đôi lúc Yến còn cảm giác cô Út là một người khó hiểu. Khó tính, đương nhiên là khó nhưng trong cách hành xử nhiều lúc cô làm cho Yến thấy ngạc nhiên. Vì đã từng nghe ba kể về hoàn cảnh cực khổ của cô hồi dưới quê, lớn lên có hiểu biết nên Yến rất thông cảm với cô, dù biết rằng nhiều lúc cô Út hơi kỳ quặc không thể hiểu nổi. Cẩn thận, kín kẽ nhưng nhiều lúc lại hơn lẩn thẩn. Cô hay ốm vặt, và đôi lúc dường như cô sợ sệt một điều gì đó không rõ ràng. Cô bé cho rằng có lẽ vì cô Út của mình bị ám ảnh những chuyện xưa quá nặng nề cho nên đến mấy chục năm rồi mà vẫn chưa quên, nên vậy.

Cuộc sống đối với cô Út như là cái máy được lập trình sẵn từ chuyện ăn mặc, nói năng, ngủ nghỉ… đều được cô làm theo một trật tự ngăn nắp trong mấy chục năm nay, không bao giờ thay đổi. Mà cô cũng không có ý định thay đổi, kể cả khi Yến về ở với cô, cũng vậy. Ăn cái gì, ăn vào giờ nào với loại chén nào, đọc báo ngồi cái ghế nào, tiếp khách chỗ nào, nghỉ vào giờ nào… thì, cứ nhất định phải làm như vậy và không được vi phạm, dù mưa hay nắng.

Nhiều lúc Yến thấy ngộp thở đến muốn phát khùng và mấy lần định bỏ về nhà mình vì không chịu nổi. Cô Út rất cưng nhưng cũng căn ke xét nét với đứa cháu gái từng ly từng tý. Chấn chỉnh Yến từ lời ăn tiếng nói cho đến cách nhai, cách gấp đồ ăn, rồi cả dáng đi, quay lưng qua lại phải như thế nào, thế nào. Bao nhiêu là bài học phải nhớ, khó quá, quá khó. Tuy nhiên Yến cũng biết rằng, có lẽ mình là đứa cháu cuối cùng trong dòng họ còn có thể ở được với cô, nếu mà nay Yến bỏ đi thì có lẽ từ đây đến cuối đời cô sẽ sống một mình trong cô độc, không còn ai nữa. Sợ tính khí của cô vậy nhưng Yến vẫn rất thương cô. Và Yến biết rằng, ngoài ba má, không ai cưng Yến bằng cô, một tình thương đầy dịu dàng âu yếm với đứa cháu gái lanh chanh bướng bỉnh. Nhẫn nại, mềm mỏng và cũng đầy nghiêm khắc như một người mẹ đối với đứa con gái. Mà nói thật, những điều cô Út dạy đâu có thừa, chỉ có điều đôi lúc nó làm cho Yến thấy bức bối, khó khăn quá. Nhiều điểm răn dạy của cô với Yến thật cách xa nhau đến hàng thế kỷ. Biết rằng những lời dạy về công – dung – ngôn – hạnh của cô tuy cổ hủ và có phần củ kỷ nhưng chẳng thừa nên Yến cũng ráng nghe theo dù không hoàn toàn. Cô Út thì cũng thỏa mãn phần nào. Ít nhất là Yến biết vâng lời, chỉ tội hơi đoảng nghe trước quên sau, nghe tai này lòn qua tai kia theo gió bay mất. Hôm sau nghe cô nhắc, Yến lại ngớ người ra và toét miệng cười, con quên mất tiêu rồi, Út nói lại đi. Nhiều lúc Yến làm cho cô Út mệt phờ với đứa cháu gái vô tư này, mai mà sau này lớn vào Đại học biết nghĩ, ý tứ hơn chứ cứ trước kia thì ngày nào cô Út cũng phải nói và thấy tức chết vì khan cổ nhắc nhở.

Khi Yến về thăm nhà, má dòm dòm, cười cười, khen. Con Yến nhà mình từ ngày qua bên Út ở tui thấy nó có vẻ chững chạc hẳn ra, ăn nói đi đứng đàng hoàng quá. Má, ứ… Yến đỏ mặt, trong lòng rất khoái chí. Má chỉ giỏi binh bả, con thấy bả vẫn vậy hà, dám còn chán hơn trước, thằng Tí Tò cười khanh khách chọc, coi nè, má nhìn bả đi mà xem, trời ơi còn bày đặt yểu điệu thục nữ nữa chứ, chán bà quá đi.

Yến tức quá trợn mắt, Tí Tò dám nói vậy hả, và thế là hai chị em chí chóe rượt nhau khắp nhà.

Má và ba dòm nhay, lắc đầu phì cười.

Chao ơi, cô Út săn sóc đứa cháu đến thế thì làm sao không thay đổi được.

Nhớ hồi mới về nhà cô Út ở, một lần Yến dỗi với cô vì bị cô la khi phát hiện Yến có bạn trai đưa về, Yến đã bỏ về nhà mình. Thế rồi ngay ngày hôm sau khi cùng mấy đứa bạn chạy xe, giỡn lách qua lách lại Yến bị đụng xe ô tô, tí chết. Trời mưa to và đang bệnh nằm nhà, nghe tin, đội áo mưa, cô Út hớt hải chạy vào bệnh viện thăm cháu. Nhìn cô mặt tái mét, đi đứng loạng choạng nhưng vẫn ráng ôm cái cà mèn cháo do cô tự tay nấu, ủ trong ngực cho ấm để đem đến cho cháu, cầm tay cô, Yến khóc sướt mướt vì cảm động, làm mọi người tưởng cô bé đau quá nên khóc. Ra viện là cô bé đòi về nhà cô Út ở ngay làm ba và các chú mừng húm, tưởng lại một phen mất công thuyết phục Yến nữa. Sau lần đó, dường như giữa hai cô cháu hiểu nhau hơn. Càng về sau này thì Yến càng nhận thấy cô Út của mình cũng thay đổi tính tình, dễ hơn xưa nhiều, nhất là sau khi Yến thi đậu váo Đại học. Cô yên tâm hơn bởi vì dầu sao thì nay Yến cũng đã là sinh viên rồi chăng.

Thế rồi có động trời không khi gần đây một lần Yến còn bắt gặp cô Út lẩm bẩm hát một mình nữa chứ. Thấy Yến tròn xòe mắt nhìn mình, cô Út ngượng quá, đỏ mặt thanh minh, là cô vô tình nghe bài hát này trong radio thấy hay nên hát thử theo ấy mà. Khi nghe Yến tường thuật lại trong buổi cơm chiều hôm ấy, ba trợn mắt còn má la, thiệt không, thiệt không, anh Hai liếc nhìn Yến, bé con lại bịa chuyện nữa rồi. Còn thằng Tí Tò cười khùng khục, ba má với anh Hai hơi đâu nghe bả nói làm gì, xạo vừa thôi bà nội ơi.

Thiệt lúc đó Yến tức muốn trào nước mắt.

Có lẽ mọi việc trên đời này đều có căn nguyên của nó.