Ngôi nhà cũ kỹ này có một cái tên hết sức thơ mộng mà quanh đó người ta thường gọi là Lầu Tỉnh Mộng của bà Hoàng.
Có lẽ ngôi nhà đã được cất lên cách nay non một thế kỷ nên lối kiến trúc đã xưa, tường đã xiêu, vách đã ngã. Chỉ còn một gian giữa là còn đứng vững. Vách rêu đen vì mưa gió, mái chếch vì thời gian, đã làm cho khách qua đường thấy cả một cảnh tang thương ảm đạm.
Quanh nhà là mảnh vườn um tùm rộng hai mẫu đất trồng đủ các cây ăn quả mà nhiều nhất là chuối. Mỗi năm các cây lớn đều bị đốn để làm củi chụm, thành ra khu vườn có vẻ xơ xác.
Vườn rộng như vậy mà không người chăm sóc nên các thứ cỏ dại tha hồ mọc, chim chóc tha hồ làm tổ, càng khiến cho cảnh tiêu điều thêm rõ rệt.
Chủ nhân ngôi nhà ấy là bà Hoàng, có bốn cô con gái và một cậu con trai. Bà góa chồng khi cô con gái út mới lên tám tuổi.
Bà Hoàng mới ngoài năm mươi tuổi, nhưng có lẽ sự nghèo khó thiếu thốn đã làm cho bà già yếu trước tuổi nhiều. Trên khuôn mặt nhăn nheo của bà, người ta chỉ còn nhận được ở đôi mắt sự sắc sảo của một sắc đẹp tàn tạ. Tuy nghèo xơ nghèo xác, nhưng cách ăn mặc của bà vẫn còn cái vẻ của một mệnh phụ đài các.
Suốt ngày bà mặc một cái áo dài màu tím và chòang một cái khăn nhiễu vì bà rất sợ lạnh.
Bốn cô con gái của bà là Mỹ Kim, Lan Chi, Bích Ngọc, Bích Diệp.
Mỹ Kim năm nay đã hai mươi sáu tuổi, Lan Chi hai mươi bốn, Bích Ngọc hai mươi hai còn Bích Diệp mới mười tám tuổi.
Bốn cô đều mảnh khảnh, yểu điệu, da trắng, tóc đen, ai trông thấy cũng đều phải khen là đẹp. Nhưng tính tình của bốn nàng thì lại ít giống nhau.
Mỹ Kim đài các và thích làm dáng, mặc dù sống trong cảnh sa sút thiếu thốn nhưng vẫn thích ăn sung mặc sướng, lại hay gắt gỏng, ích kỷ.
Lan Chi không đẹp hơn chị nhưng lại hiền lành và suốt ngày chỉ ham mê đọc sách, ngoài ra không thiết gì nữa.
Bích Ngọc là con người thực tế, hiểu tình cảnh của gia đình nên đã giúp cho bà Hoàng nhiều công việc nhất.
Bích Diệp suốt ngày chỉ hút thuốc và mơ mộng nhìn làn khói để giết thời giờ. Bích Diệp không hề than thân trách phận, không thấy gia đình mình đang sống là khổ.
Còn người con trai lớn của bà Hoàng là cậu Tùng hiện đang học bên Pháp.
Tuy nhiên bà Hoàng vẫn lo chạy vạy cho con học, bà đặt cả hy vọng của đời bà trong sự nghiệp của Tùng sau này.
Ngoài trời mưa gió tầm tã, quanh ngọn lửa hồng của lò sưởi, bà Hoàng nằm trên chiếc ghế xích đu, mắt đăm đăm nhìn qua khung cửa kính mờ nước.
Bà bỗng thở dài…
Mỹ Kim, Lan Chi, và Bích Diệp ngồi quây quần trên bộ ván.
Mỹ Kim nói:
- Trời mưa như thế này, tối nay chắc em Bích Ngọc không thể về được, mẹ nhỉ?
Bà Hoàng nghe hỏi, liền nói như vừa tỉnh một cơn mộng:
- Ừ, có lẽ em con ở lại bên thôn Vĩ Dạ, mai mới về được. Chẳng rõ nó có bán được không?
Mỹ Kim nói:
- Trong cảnh này thật con oán ông nội con quá! Tại sao lại bày ra tờ chúc thư lạ lùng, giam hãm mẹ con ta trong cái cảnh nghèo đói thế này?
Bích Diệp nghe chị nói thế liền can:
- Tại sao chị cứ nhắc đến tờ chúc thư làm gì mãi thế? Chúng ta cứ xem như nó không có, được không?
Mỹ Kim giận dữ:
- Coi như không có? Thế chúng ta mang tiếng là con giòng cháu giống để làm gì? Ông nội của chúng ta nổi tiếng giàu có một thời kia mà! Cha ta còn là một quan to của triều đình thế mà ngày hôm nay chúng ta sống dở chết dở như thế này? Thậm chí bữa ăn mỗi ngày chỉ có cơm khoai và canh rau, củi không có tiền mua phải đốn cây mà chụm. Trong lúc đó ở tại văn phòng chưởng khế, tờ di chúc vẫn còn nằm im lìm trong ngăn tủ, cấm đóan chúng ta,không cho chúng ta cái quyền đòi hỏi đến hạnh phúc của mình, cho đến cả sự ăn mặc.
Bà Hoàng thở dài:
- Mỹ Kim, con nói làm chi lắm lời? Mẹ đã nói rõ cho các con nghe về tờ di chúc ấy rồi. Các con không nên tiết lộ ra ngoài, chúng ta sẽ mất quyền hưởng thụ nó, con ạ.
Bích Diệp nhắc:
- Mẹ có kể cho chúng con nghe về tờ di chúc ấy, con còn nhớ hình như ông nội con sau khi chết có để lại cho mẹ con ta một số gia tài là mười triệu đồng với điều kiện lạ lùng là mẹ con ta phải dọn về ở suốt đời trong ngôi nhà sụp đổ này mà ông đặt cho cái tên là Lầu Tỉnh Mộng. Còn cái gia tài kia chỉ được phép chia ra khi nào bốn chị em con có một người đi lấy chồng. Người đi lấy chồng sẽ lãnh một phần sáu số gia tài ấy trong ngày đám cưới, số tiền còn lại cũng sẽ chia ngay trong ngày ấy cho mẹ, ba chị em con và anh Tùng. Có phải thế không mẹ?
Bà Hoàng nói:
- Ừ,thì mẹ nghe nói thế đó. Từ ngày dọn về ở ngôi nhà này, thật mẹ con ta đã sống lam lũ như một kẻ thường dân.
Mỹ Kim hét:
- Còn khổ hơn bọn thường dân nữa!
Bà Hoàng khóat tay tỏ ý bảo Mỹ Kim đừng nói nữa, nhưng Mỹ Kim vẫn không chịu làm thinh:
- Mười triệu đồng đem chôn trong nhà chưởng khế, còn chúng con cả bốn chị em chỉ có một cái áo dài để mặc chung khi đi ra ngoài.Đồ đạc có cái gì quý giá thì bán lần hồi mà ăn... Vậy mà thiên hạ ai cũng ca tụng ông nội là người nhân đức, khôn ngoan...
Mỹ Kim vừa nói đến đây thì người tớ già tay ôm bó củi, đẩy cửa bước vào.
Trong nhà chỉ còn một người đầy tớ giàa là ông Đảnh. Ôâng Đảnh ở với bà Hoàng đã trên ba mươi năm naỵ Ông thật là một người đầy tớ trung hậu,mấy năm sau ông thấy cảnh nhà bà Hoàng sa sút không đủ tiền trả công, ông liền tình nguyện ở không lương.
Tất cả công việc trong nhà ông đều làm cả. Không có ông Đảnh, có lẽ bà Hoàng phải bó tay chịu đói. Vì ông Đảnh mỗi ngày đốn chuối đem bàn lấy tiền mua các vật dụng trong nhà.
Những lúc rảnh ông còn rọc lá chuối bán. Ông đốn cây làm củi chụm. Ông đi mua gạo, mắm muối cho những bữa ăn.
Ông không bao giờ than cực hay quạu quọ. Trái cây trong vườn, bà Hoàng và các cô gái đâu có dám ăn, mặc dù họ thèm hết sức. Trái cây ông Đảnh hái sẵn, mỗi sáng có bạn hàng đến tận nhà mua.
Thỉnh thỏang ông Đảnh nhín lại vài trái cam cho Mỹ Kim vì Mỹ Kim hay đau yếu. Còn bà Hoàng, bà không dám nghĩ đến chuyện tẩm bổ. Với bà, cái mặc có lẽ cần hơn cái ăn. Bà rất sợ người ngoài nhìn thấy cái nghèo của bà. Aùo quần bà luôn luôn tươm tất. Mỗi năm bà cũng ráng sắm cho các cô con gái những bộ đồ hoặc những hộp son phấn.
Các cô gái của bà đều đẹp, nhưng Mỹ Kim đã quá hai mươi lăm mùa xuân mà chưa hề có ai để ý đến.
Lẽ rất dễ hiểu là bà Hoàng nghèo. Cái ngôi nhà sụp đổ của bà chứng minh cho gia thế bà, mặc dù bà cố tình che đậy.
Bà che đậy rất khéo mà cũng không qua được cặp mắt soi mói của người đời.
Như nếu có một cuộc lễ ở đế đô thì trong bốn cô gái chỉ một cô được đi dự, vì họ chỉ có được một cái áo gấm, một cái kiềng và hai chiếc vòng để cùng đeo chung mà thôi.
Cứ thế họ thay phiên nhau để đi ra ngoài trong các ngày lễ lớn hoặc ngày kỵ Ở nhà thờ Tổ.
Còn nếu có khách đến nhà, một cô phải tránh mặt để lo việc bếp núc. Khách có bảo thì bà Hoàng bảo con gái đi về quê coi gặt, hoặc đi thăm bạn vắng.
Cơm mỗi bữa chỉ là cơm ghế bắp, ghế khoai, nhưng chén bát thì toàn đồ quý giá.
Trong nhà vẫn có trà tàu ngon để đãi khách, mặc dù mẹ con hằng ngày vẫn cứ uống nước lã mà thôi.
Thuốc hút thì chỉ toàn là thuốc Cẩm Lệ.
Ông Đảnh vẫn lễ phép, thưa gửi, khép nép như thuở bà Hoàng còn là một thiếu phụ trẻ đẹp xa hoa.
Cách ăn mặc của ông Đảnh cũng riêng biệt. Ông vẫn mặc chiếc áo màu xanh, chiếc áo tứ thân của những nhà nô bộc nhà quý phái. Đi ra ngoài ông vẫn đội cái nón chóp quai tua và chân đi đôi dép da.
Người ta lấy làm lạlà tại sao ông Đảnh lại chịu sống trong cái cảnh nghèo nàn của bà Hoàng mà không thay chủ khác.
Có lẽ ông Đảnh cũng như bà Hoàng, hy vọng vào tờ chúc thư bí mật để một ngày gần đây thấy cảnh phục hồi trong nhà chăng?
Ông Đảnh biết rõ ông Hoàng Hồng Phước, chủ nhân ngôi nhà lầu ấy.Những lúc rỗi rảnh ông thường kể cho Bích Ngọc nghe. Vì trong bốn người ông chỉ thương Bích Ngọc nhất.Bích Ngọc không hề đài các như ba cô kia. Bích Ngọc thường giúp ông Đảnh rọc lá chuối, bó lại từng xấp, tỉa các quày chuối ra từng nải, hoặc hái trái cây ngoài vườn.
Bích Ngọc lại vui vẻ, chịu thương chịu khó, suốt ngày lại cứ lo vá mạng áo quần cho mẹ và các chị. Nhưng cái nghèo là cái cơ cực. Vá mạng mãi mà quần áo vẫn không lành.
Ông Đảnh thường kể cho Bích Ngọc nghe:
- Cụ Hòang Hồng Phước nhà ta là một người hết sức nhân từ, nhưng sau vì hoàn cảnh xã hội mà thành ra người cứng rắn. Cô Bích Ngọc có hiểu tại sao mà các cô phải chịu sự cực khổ ngày hôm nay không?Đức ông nhà ta đâu phải người tàn ác. Sự người khó đưa người ta vào vòng cực khổ là lẽ dĩ nhiên. Vậy mà đức ông cứ bỏ mặc bà và các cô sống trong cảnh nghèo nàn,mặc dù đức ông còn có cả một số tiền lớn trong tay.
Bích Ngọc nói:
- Chắc là ông nội tôi sợ con cháu ngồi trên đống tiền, đâm ra xa xỉ rồi hư thân, mất nết chứ gì?
Ông Đảnh nói:
- Cô nói nghe ra cũng có lý,nhưng sự thật không phải như vậy.Đức ông sở dĩ có thái độ đến như cay nghiệt đối với các cô bây giờ là vì đức ông đã phải trả giá một bài học, một bài học hết sức đau đớn, hết sức mắc mỏ, mà nguyên nhân là tại đồng tiền xáo trộn ở bên trong. Cái tiếng sang trọng và giàu có của đức ông ở chốn đế đô này thì còn ai là không biết. Gòai ông Hòang Phi là đức thân sinh ra các cô, đức ông còn có ba người con gái nữa.
Dĩ nhiên con nhà cành vàng là ngọc, có người nào là không quốc sắc thiên hương.
Đức ông đã giàu sang, mà các cô con gái lại tòan là người đẹp đẽ, thì làm sao con mắt thiên hạ không để tới?
Thế là ba cô đem lại cho đức ông ba ông rể đích đáng, ba ông rể đều là con giòng cháu giốngcả. Nhưng ác nghiệt thay tình đời, người ta vào làm rể nhà đức ông không phải vì hương sắc của các công nương mà chính vì địa vị và gia sản sủa đức ông.
Nhưng đức ông là người rất nghiêm chỉnh. Nhờ vào đức ông để bước lên nấcthang quyền quí là không được. Thành ra trong các chú rể, chú nào học giỏi thi đậu ra làm quan thì được, còn chú nào muốn nhờ vào thế của đức ông thì không bao giờ.
Chính vì thế mà giữa sui gia có sự xích mích với nhau. Nhưng đức ông là người thóang đạt, cũng có khi lời này tiếng nọ của người ta lọt vào tai, đức ông chỉ nhích một nụ cười rồi bỏ quạ Cái điều làm cho đức ông bự tức và có sự định đọat gần như cay nghiệt đối với các cô sau này là về mặt tiền tài kia.
Chúng không thể dựa vào đức ông để làm quan được, thì chúng lại dựa vào đức bà để làm tiền. Lòng người đàn bà bao giờ cũng nhẹ nhưng tình thương con thì vô cùng sâu nặng.
Thế là chúng lợi dụng cái tình mẫu tử ấy mà đục khóet đức bà. Cứ mỗi tháng là chúng cho các công nương về than thở, khóc lóc với mẹ để làm tiền cho chúng. Mà phải chi công việc làm tiền ấy do bọn rể con thì cũng chẳng nói làm gì, đằng này người cầm gốc cho những việc làm ô tiện ấy lại là các ông sui.
Với đồn tiền của các con dâu đem về, lớp thì chúng tậu ruộng làm nhà, lớp thì chúng lo lót cho các con được thuyên bổ. Rồi cả ba ông rể, ông thì làm tri huyện này, ông thì đi hậu bổ tỉnh nọ. Tự nhiên là vợ phải theo chồng, nhưng cái không tự nhiên là chồng không bao giờ nuôi vợ. Và một khi bước chân vào họan lộ thì các ông ấy thi nhau mà cờ bạc, hút xách. Cái tai hại hơn hết làm đức ông không ngờ là các công nương cũng được các đấng phu quân tập luyện cho những đức tánh xấu xa ấy. Quan ông hút thì quan bà cũng hút, quan ông cờ bạc thì quan bà cũng cờ bạc, đồng tiền phân bạc lo gì, đã có đức bà ở ngoài này chu toàn cho cả. Một lá thơ của một công nương gửi hay một con gái nào đó đích thân về thăm là quan ông mặc sức tiêu xài. Việc ấy cứ kín nhẹm trôi qua, nếu không gặp việc không may xảy tới, thì đức ông tất không làm sao biết được,và cái thế thái nhân tình cũng không làm sao rõ rệt được. Một hôm đức bà bị bệnh rồi quá vãng và vì điều kiện vệ sinh chung, cuộc tống táng đức bà phải cử hành một cách hết sức gấp rút đến nỗi các con gái ở tỉnh xa không sao về kịp.
Hòn núi vàng của các cô đã sụp đổ, thì cây ái tình của các cô cũng héo lần.
Đức bà đã quá vãng thì các công nương còn làm tiền vào đâu, mà các cô đã không có tiền thì sự khinh bạc của người bên chồng hiện ra mặt.
Vẻ đẹp của các công nương đã bị khói thuốc phiện ám ảnh, mà lưng túi của các cô lại khô ran, thì còn mong gì được người ta hậu đãi. Thế là từ đó về sau gia đình của các công nương nổi lên không biết bao nhiêu lần sóng gió. Rồi kết cuộc? Thật là cái kết cuộc quá dở dang, quá bất ngờ. Một cô vì bệnh họan,rồi vì thuốc mà từ trần. Một cô vì chồng thua hết tư trang rồi bị đánh đập mà bỏ mạng. Còn một cô nữa thì bị ly dị, phải trở về sống với đức ông với một tấm thân nghiện ngập lại dắt về ba đứa con rách mướp như ăn mày.
Đó, nguyên nhân làm cho đức ông đày đọa đời sống của các cô bây giờ là ở đó.
Thấy tình cảnh điêu đứng của cô con gái út mà đức ông tỉnh ngộ. Té ra người ta lạy lục năn nỉ vào làm rể đức ông là chỉ vì vựa lúa đức ông quá to,túi vàng của đức ông quá lớn.
Aùi tình ư? Sự thế ư? Danh dự ư? Cái đó không có gì quan hệ với người ta cả. Rút được bài học khắc nghiệt ấy rồi, đức ông không còn muốn cho cháu nội của đức ông là các cô đây lại bị tai hại vìđồng tiền.Đức ông muốn các cô có chồng, nhưng người chồng của các cô phải là một người có một quả tim vàng, đầy sự yêu thương kính nể vợ. Mà muốn có được người chồng như thế, các cô phải khóac lên mình một tấm áo rách, tấm áo ấy sẽ làm hiện rõ cái chân giá trị của con người.
Người đi cưới các cô phải là người thành thật đi tìm vợ, người xa lạ với đồng tiền hay người không bị đồng tiền cám dỗ. Người ấy mới xứng đáng là người hưởng gia tài của đức ông, mới xứng đáng là người cháu rể của đức ông và mới là người xứng đáng để các cô gửi thân thế,hạnh phúc của mình.
Vậy cô Bích Ngọc ạ, cô đừng thấy cảnh nhà sa sút như ngày hôm nay mà có ý buồn rầu oán thán nhé. Tình đời đen bạc, lòng người tinh ma, nếu không dùng phương pháp ấy để lựa chồng cho các cô thì các cô lại sẽ phải vấp ngã trên đường đời đời như các bà cô trước.
Bích Ngọc nghe ông Đảnh nói thế thì chỉ cười:
- Không, tôi đâu có buồn rầu than thở gì đâu. Mà thật ra tôi cũng không biết thế tình trước kia là vậy. Thảo nào mẹ tôi thương bảo nhỏ bọn tôi phải hết sức giữ gìn bí mật về tờ chúc thư.
Tôi thiết nghĩ, sự cực khổ chỉ luyện cho mình thêm nhiều đứctính, sự nghèo khổ cũng dạy ta hiểu rõ tình đời. Tôi chỉ buồn là mẹ tôi tuổi đã già mà phải sống những ngày thiếu thốn. Người thiếu thốn, người khổ ít mà thấy tụi tôi thiếu thốn, lòng mẹ của người càng đau xót nhiều. Ở đời có người mẹ nào ngồi nhìn con đói rách, thua sút thiên hạ mà không rơi lệ thầm?
Bích Ngọc thật là một đứa con thảo, trái với Mỹ Kim, suốt ngày vào ra than thân trách phận, khiến cho bà Hoàng thêm nẫu ruột, chỉ biết lắc đầu thở dài.
Bà mong sao sớm gả chồng cho các cô con gái, hay một trong các cô có ai đi cưới để cảnh nhà bà thấy ngày vui tươi sáng lạn. Nhưng bà mong mãi mà chàng rể tương lai đầy hy vọng ấy vẫn chưa đến,còn cô Mỹ Kim thì đã hai mươi sáu tuổi rồi.
Bà Hòang cũng hiểu ở trong cảnh bà, kiếm một chàng rể rất khó.Bà nghèo đã đành mà chung quanh đó cũng chẳng có ai khá giả, có chăng chỉ gia đình ông đốc Phụ. Nhưng từ ngày ông Đốc về hưu trí thì ông lên chùa tu, không còn thiết việc nhà cửa gì nữa cả. Bà Đốc quá hiền, để mặc các con muốn sao cũng được. Cậu con trai lớn của bà Đốc là cậu Ấm Mạnh phá gần hết nửa gia tài của bà Đốc, mới chịu xin một chân thừa phái ở Phủ Thừa. Cậu Ấm Mạnh có hai cô em gái đều có chồng tử tế nên cảnh già của bà Đốc cũng không đến nỗi vất vả.
Cậu Ấm Mạnh trước kia, khi Tùng, con trai bà Hoàng còn ở nhà,thì thường qua lại chơi với Tùng, vì hai cậu đều là bạn học cũ từ khi còn học tiểu học.
Cậu Ấm Mạnh cũng có để ý đến các cô gái con bà Hoàng, nhưng việc cưới mệt cô trong số các cô ấy thì cậu chưa bao giờ nghĩ đến.
Thế rồi Tùng đi Pháp, Ấm Mạnh ít qua nhà bà Hoàng hơn.
Ngôi nhà của bà Hoàng từ ngày Tùng đi Pháp cũng vắng bóng đàn ông.
Còn khách khứa của bà Hoàng thì mỗi ngày mỗi thưa dần. Các cô con gái có đẹp như tiên sa đi nữa mà ở trong cảnh ấy thì cũng chả ai biết đến.
Có áo quần sang trọng lòe loẹt người ta mới thích đi đây đi đó, chứ cứ áo rách quần xước, lại mang tiếng là ông Hoàng bà chúa thì đi ra chỉ thêm ngượng ngùng với người quen biết.
Mỹ Kim cứ nghĩ thế nên có bao giờ chịu ló mặt ra ngoài. Mỹ Kim luôn viện lẽ mình bị đau đầu hay ho tắt tiếng, rồi nằm nhà ủ rũ như một người chán đời.
Bao nhiêu việc đi đây đi đó đều trút hết cho Bích Ngọc.
Thậm chí mấy hôm nay trời mưa tầm tã, thành phố Huế đang bị ngập trong cảnh lụt lội, các bạn hàng không đến mua lá chuối, trái cây được, nên tiền đong gạo cũng hết, mà Mỹ Kim vẫn không rời khỏi cái lò sưởi ấm áp, cái khăn chòang len to ấm.
Kỳ tiền gửi qua Pháp cho Tùng đã đến,bà Hoàng lo đến mất ăn, mất ngủ, Bích Ngọc thấy thế cũng đứng ngồi không yên.
Lan Chi bàn với mẹ bán miếng đất trong thành để lấy tiền xài qua mùa đông,ra xuân trời tốt hãy hay.
Ban đầu bà Hoàng do dự vì đất trong thành là vật có giá cuối cùng của bàa, bán nó rồi là hết, sau này túng không còn biết cầm bán cái gì nữa cả. Nhưng Lan Chi, Bích Ngọc nói mãi bà mới bằng lòng.
Bà sai Bích Ngọc về Thanh Thủy, nhờ người cậu họ cùng đi với Bích Ngọc đến thương lượng với người mướn đất bấy lâu nay để bán cho được giá.
Mặc dù trời mưa không ngớt, đường sá lầy lội đến gối, Bích Ngọc vẫn phải mang chiếc tơi ra đi với vẻ mặt vui tươi.
Bích Ngọc đi rồi, mấy mẹ con xúm quanh lò sười, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng không ai nói gì với ai.
Bích Ngọc có hứa với mẹ là nàng sẽ đi hai hôm dù có thế nào cũng ráng đem tin lành về cho mẹ.
Vì thế chiều nay, bà Hoàng đã sống trong cảnh chờ đợi đã hai ngày nên mới thấy sốt ruột.
Bà càng sốt ruột hơn khi thấy Mỹ Kim cứ ra vào ngong ngóng ngoài đường, thỉnh thoảng lại cất tiếng nói vang nhà:
- Gớm, Lan Chi làm gì mà cứ ngồi thừ ra như vậy. Thử nói ra vài câu gì đó cho không khí trong gian phòng dễ thở coi. Sự im lặng tĩnh mịch cũng có thể giết người được. Ngoài trời mưa gió, trong lòng ta cũng mưa gió không ngừng. Than ôi! Cuộc sống cứ thế này kéo dài thì không khéo chưa đến ba mươi tuổi, tóc đã bạc, răng đã long, cái thú trần gian còn gì đáng kể.
Mỹ Kim có một lối nói văn hoa đài các. Nàng mà mở miệng ra là chọn lọc nói sao để cho mọi người để ý, nhưng trong bốn vách tường sụp đổ này còn ai có thời giờ mà để ý tới giọng nói văn chương khách sáo ấy làm gì.
Mỹ Kim nói chán lại ngâm thơ:
- “Đời đáng chán hay không chán?”
Rồi dằn từng tiếng, nàng nói:
- Lầu Tỉnh Mộng!Chà cái tên nghe thật là mộng ảo. Phải lắm chớ! Không tỉnh mộng sao được? Cứ đói rách thế này thì mộng gì mà không tỉnh!
Bích Diệp nãy giờ ngồi yên nghe chị nói,thấy thế bèn lên tiếng:
- Chị Mỹ Kim ơi! Chị đã sành thơ sao chị không ngâm câu: “Khóc than rên xiết là hèn” hả chị?
Mỹ Kim đã quạu sẵn, nghe em nói thế hét lên:
- Mỗi người mỗi tư tưởng, ai có quyền cấm ai nghĩ theo ý nghĩ của mình?
Lan Chi ôn tồn:
- Chị hãy chịu khó đọc sách cho qua thì giờ có hơn không? Ngồi không sẽ buồn chí, chị ạ!
Mỹ Kim càng giận dữ:
- Ai muốn đọc sách cứ đọc. Tôi không thích đọc sách. Mà đọc làm quái gì? Việc đời còn khối chuyện giả dối,nữa là những chuyện trong sách? Láo toét cả… Đọc nhiều càng ngu thì đọc làm gì?
Thấy các con cãi vã, bà Hoàng thở dài, nhắm nghiền đôi mắt mệt nhọc lại. Bà khẽ đưa tay kéo chiếc khăn quàng phủ kín đôi vai. Tiếng thở dài của bà có lẽ đã làm cho các cô gái im lặng.
Mỹ Kim nói:
- Thôi, để chị đi đón Bích Ngọc chứ cứ ngồi mãi thế này, chịu sao nổi?
Mỹ Kim rút chiếc lược trong túi, cái lược không bao giờ rời khỏi nàng, chải lại mái tóc cho nó xòe thêm trên trán, rồi lấy chiếc nón lá đội vào. Mỹ Kim đi ra ngoài.
Mỹ Kim đi rồi, bà Hoàng mắt vẫn nhắm nghiền nói:
- Chẳng biết Bích Ngọc đi thương lượng thế nào mà mãi bây giờ vẫn chưa về, mẹ đâm ra sốt ruột rồi.
Một sự im lặng lan khắp gian phòng lạnh lẽo.