Sau khi báo đăng được mấy hôm, Brodie thấy một người khách lanh lợi và lịch sự bước vào tiệm ông, môi nở một nụ cười khả ái. Người này trao cho Brodie tấm danh thiếp:
- Thưa ông Brodie, tôi là người quản lý địa phương của công ty Mungo và tôi mong muốn chúng ta sẽ là bạn.
Và vừa nói, ông ta vừa nhã nhặn chìa bàn tay ra.
Brodie sửng sốt, nhưng trừ cái vẻ làm bộ không trông thấy bàn tay của người khách chìa ra, ông không biểu lộ một biến đổi nhỏ nào, và không từ bỏ thái độ quen thuộc của mình, ông ta gay gắt nói:
- Phải chăng đó là tất cả những gì ông muốn?
- “Tôi hiểu cảm giác rất tự nhiên của ông”. Người khách nói tiếp. “Ông đã nhìn thấy nơi chúng tôi những đối thủ. Không phải hoàn toàn đúng như vậy. Tuy vẫn là – theo một ý nghĩa nào đó – những kẻ cạnh tranh với ông, nhưng kinh nghiệm đã cho chúng tôi biết, sự kiện hai cửa tiệm cùng loại, như cửa tiệm của ông và của chúng tôi, ở kế bên nhau thường đem đến cho cả hai một mối lợi chung”.
- Bây giờ ông cho là như vậy! – Brodie mỉa mai, trong khi người kia dừng lại để nhấn mạnh, rồi không hiểu tính tình của Brodie cũng như những triệu chứng của cơn giận dữ đang lên của ông này, ông ta nói tiếp:
- Hoàn toàn đúng như vậy, thưa ông Brodie. Chúng tôi thấy rằng sự phối hợp này lôi cuốn nhiều khách hàng hơn. Vào một địa điểm đặc biệt, người ta sẽ mua nhiều hơn, đó là một điều lợi, dĩ nhiên, cho cả hai cửa hàng. Chúng ta gia tăng số bán và chúng ta chia số lời: đó là cách tính toán của chúng tôi.
- “Ông tuôn ra một lô những chuyện phịa tồi tàn”. Brodie nói một cách tàn nhẫn, vừa ném cho người kia một cái nhìn lạnh như băng. “Ông đừng tưởng có thể bịt được mắt tôi như vậy và yêu cầu ông đừng đặt thương nghiệp của tôi ngang hàng với cái nghề bán những đồ thừa bỏ đi của ông. Ông đến đây để săn bắn trên khu vực của tôi và tôi sẽ xem ông như một kẻ săn lậu hèn hạ”.
- “Chắc ông chỉ nói đùa thôi”. Người kia mỉm cười trả lời. “Tôi đại diện cho một nhà buôn danh tiếng có chi nhánh ở khắp nơi và chúng tôi không phải là những người săn bắn lậu. Chính tôi sẽ mở cửa hàng mới ở đây và tôi muốn chúng ta cùng đi chung với nhau. Riêng đối với ông”, ông ta nói tiếp bằng một giọng ve vuốt, “tôi không có cảm giác ông là một người sẽ từ chối sự cộng tác”.
- Ông đừng nói đến sự cộng tác đáng nguyền rủa của ông, nếu đó là cách ông gọi việc ăn cắp khách hàng của kẻ khác.
- “Ông không tự cho rằng”, người kia đáp lại với một thoáng phẫn nộ, “ông nắm độc quyền về việc buôn bán nón trong thành phố này chứ?”
- “Tôi cóc cần độc quyền, nhưng tôi có sức mạnh và tôi sẽ đè bẹp các ông, tôi báo trước cho ông biết” – James Brodie co bắp thịt tay to lớn của mình lại với một cử chỉ đầy ý nghĩa – “tôi sẽ bằm nhỏ các ông ra!”
- “Đó là chuyện con nít, thưa ông Brodie. Sự hợp tác bao giờ cũng tốt hơn sự cạnh tranh. Dĩ nhiên, nếu ông thích chiến tranh”, - ông khách làm một cử chỉ ghê tởm, “chúng tôi có những phương tiện lớn lao. Chúng tôi đã từng hạ giá bán trong những trường hợp tương tự và chúng tôi có thể lặp lại điều đó một cách dễ dàng”.
Brodie ném một cái nhìn khinh bỉ lên tấm danh thiếp mà ông ta vò nát trong bàn tay:
- Thưa ông… mặc dầu tên ông là gì… ông nói chuyện như một quyển tiểu thuyết ba xu. Tôi không có ý định hạ giá bán của tôi một đồng xu nào… Tôi có một số thân chủ ở đây, thế thôi, và tôi là người có thể giữ được thân chủ của mình.
- Tôi hiểu. – Người khách đáp lại một cách vắn tắt – Ông nhất định muốn gây ra cuộc xung đột.
- Chúa ôi! – Brodie giận dữ nói vang lên như sấm – Đây là sự thật đầu tiên mà ông đã nói lên, và tôi hy vọng ông sẽ không nói thêm một tiếng nào nữa.
Tiếp theo cái lệnh mà người ta không thể nào hiểu lầm ý nghĩa này, ông khách thản nhiên ra khỏi cửa tiệm, và ngày hôm sau, 15 tháng 3, một nhóm nhỏ thợ đã đến căn nhà kế bên.
Rồi họ bắt đầu công việc. James Brodie bực tức ghê gớm bởi tiếng ồn ào của họ, bởi từng tiếng búa vang lên trong đầu ông một cách đều đều đến phát cáu. Ngay cả giữa những khoảng im lặng, ông cũng bực mình cảm thấy sự hiện diện của họ, chờ đợi tiếng ầm ĩ đều đều của họ nổi lên trở lại, và khi nó tái diễn, mạch máu của ông đập một cách nguy hiểm theo cùng nhịp điệu. Khi những tiếng rít của cái cưa thấu đến tai ông xuyên qua bức tường chung, ông rùng mình như thể chính cái cưa đã cưa xương ông; và tiếng động kim khí của những cái đục ăn vào đá làm ông phải nhăn mày lại, như là chúng đã đục vào trán ông một đường thù hận thẳng đứng và sâu xa.
Họ phá tan hoang căn tiệm để sửa nó lại, làm việc thật khẩn trương. Đến cuối tuần, họ đã tháo gỡ hết những tủ bày hàng cũ, cánh cửa lớn, những kệ hàng và quầy hàng… và bây giờ, mặt tiền trần trụi của căn tiệm nhìn về phía Brodie như một chiếc mặt nạ mà những vị trí đặt hai tủ bày hàng là những hố mắt trống rỗng và cánh cửa ra vào là một cái mồm toang hoác, mất hết răng. Kế đó là thợ trát thạch cao và thợ sơn, tăng cường những cố gắng của họ, cùng với sự cố gắng của nhóm thợ nề và thợ mộc, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt chung của cửa tiệm. Brodie theo dõi tất cả và thù ghét những người đã biến đổi căn nhà xấu xí thành cửa tiệm tân thời nhất của thành phố. Một hôm, một người thợ bước vào tiệm của Brodie và nhấc nón lên, anh ta lễ phép hỏi xin một xô nước để nấu uống, bởi vì hệ thống ống dẫn nước của họ đã bị cắt tạm thời. Brodie đuổi cậu trai này ra cửa:
- Nước! – Ông ta gầm lên – Các anh cần nước và anh cả gan vào đây yêu cầu tôi giúp các anh? Các anh sẽ không có nước! Dầu tất cả các anh đang bị nướng dưới địa ngục, tôi cũng không cho các anh một giọt để thấm lưỡi. Ra khỏi đây!
Nhưng sự hung hăng của ông ta, không gây trở ngại cho hoạt động của họ. Nó chỉ có tác dụng kích thích họ mạnh mẽ hơn, khiến họ càng làm khéo léo hơn, và nhanh hơn. Sau cùng, ngay giữa ban ngày, trước mặt ông ta, một chiếc nón chóp cao thật lớn mạ vàng lộng lẫy được dựng lên làm mẫu quảng cáo bên trên cửa ra vào, đong đưa nhè nhẹ trên đầu cây chống theo từng cơn gió.
Trong thời gian này, thái độ của Brodie không biểu lộ gì hết, ông cố đè nén những xúc động vào bên trong. Ông ta tỏ vẻ thản nhiên trầm lặng, bởi vì lòng kiêu hãnh không cho phép ông ta nói. Với những người quen biết, Brodie biểu lộ một vẻ khinh bỉ sâu xa đối với công ty Mungo; và ở câu lạc bộ triết lý, ông ta đón nhận những lời nói bông đùa cay độc của Grierson với tất cả những dấu hiệu của một sự vô tư kẻ cả. Ý kiến chung là Brodie sẽ thắng những kẻ xâm lấn.
- “Trong sáu tháng, họ sẽ bị Brodie tống khứ” – Ông thị trưởng Gerdon tuyên bố trước một nhóm thân hào nhân sĩ của câu lạc bộ khi Brodie vắng mặt – “Ông ta là một đối thủ thật ghê gớm. Tôi nói thật, ông ta dám gài chất nổ lắm đấy!”
- Điều này có thể khá đúng với tính tình nóng nảy như chất nổ của ông ta – Grierson nói bóng gió.
- “Ông ta sẽ cho họ nổ”, ông thị trưởng đáp, “ông ta làm tôi ngạc nhiên, cái ông James Brodie này. Tôi không biết một kẻ nào có thể vượt qua Brodie trong câu chuyện tai tiếng về cô con gái Mary. Một con người quái gở, khi ông ta có một ý định gì trong đầu…”
- “Ông ta bướng bỉnh đến độ có thể làm cho một con la phải nhượng bộ”. Grierson đáp bằng cái giọng kéo dài. “Trong lúc này, ông ta quá tự tin đến độ tất cả mọi người đều chán ngấy. Cái vẻ cao ngạo của Brodie cũng giống như ‘Câu chuyện con cá hồi’: ăn miếng nhỏ thì ngon lắm, nhưng nếu người ta dọn hoài món đó cho ông ta ăn, nó sẽ làm cho ông ta tởm lợm”.
Nhận thấy bầu không khí trong thành phố có vẻ thuận lợi cho ông ta hơn, Brodie bắt dầu tự bảo rằng dư luận quần chúng khuyến khích ông tiếp tục làm người binh vực cho những phong cách tốt đẹp lâu đời của thành phố, chống lại sự du nhập của những kiểu cách tân thời. Càng ngày ông ta càng làm ra vẻ con người sang trọng, đỏm dáng, đặt may cho mình hai bộ côm-lê mới bằng loại vải tốt nhất và đắt tiền nhất, mua một cây kẹp cà-vạt xinh đẹp với ngọc mắt mèo để thay thế cho chiếc móng ngựa bằng vàng khiêm tốn của ông. Món trang sức này liền trở thành một đề tài phê bình cho những người bạn trong câu lạc bộ:
- Viên ngọc thật đẹp, theo như tôi có thể biết được. Tôi hy vọng ông không mất hết cả gia tài để mua nó – Grierson cười khẩy.
- Ông đừng suy xét về tiền bạc của tôi theo số tiền dành dụm của ông. Tôi biết tôi có thể mua sắm cho tôi những gì - Brodie trả đũa một cách gay gắt.
- Ồ! là là! Tôi sẽ không nghĩ đến điều đó đâu. Ông tiêu xài quá rộng rãi, chắc ông phải có hàng đống tiền. Tôi cá rằng ông đã để dành được một số tiền kếch xù phòng cho những ngày hoạn nạn – Grierson nói đớt, giọng nửa đùa nửa thật, vừa nhìn thẳng vào Brodie, vẻ mỉa mai.
- Người ta nói ngọc mắt mèo đem đến tai họa – Chị vợ tôi có một hòn ngọc đó và chị ấy gặp đủ mọi chuyện rắc rối. – Paxton nói chen vào.
- Điều đó sẽ không xảy đến cho tôi! – Brodie đáp cụt ngủn.
- Nhưng… ông không sợ mang nó sao? – Paxton nhấn mạnh.
- Này ông bạn, - Brodie thong thả nói, vừa nhìn ông ta chầm chập, - ông phải biết rằng tôi không sợ gì hết trên cõi đời này!
Điều lạ lùng, trong khi chăm sóc tỉ mỉ bề ngoài của mình, không một giây phút nào Brodie có ý nghĩ làm trẻ trung lại cái cửa tiệm của ông ta. Trái lại, hình như ông ta tự hào về sự dơ bẩn cố hữu của nó. Khi Perry, không ngừng thèm thuồng nhìn những vẻ đẹp chói lòa của cửa tiệm kế bên, nêu lên sự tương phản giữa hai cửa tiệm và rụt rè gợi ý nên cho cửa tiệm mình một lớp sơn bên ngoài, Brodie nói một cách mạnh mẽ.
- Chúng ta sẽ không đụng đến nó. Những kẻ nào muốn mua nón, trong một cửa hàng sặc sỡ màu sắc thì cứ việc làm theo ý của họ; còn đây là một cửa hàng dành cho những người quí phái và đứng đắn. Tôi giữ nguyên nó như vậy!
Và bằng thái độ này, ông ta chờ đợi cuộc tấn công đầu tiên của kẻ thù. Căn tiệm đã được sửa sang hoàn chỉnh và ngày khai trương sắp đến. “Người cố vấn…” đã dành trọn một cột để thông báo ầm ĩ ngày khai trương của cửa hàng mới: ngày một tháng tư. Đằng sau những cánh cửa con màu xanh lục, một bầu không khí bí mật ngự trị suốt đêm trước ngày khai trương, và xuyên qua bức màn đó người ta thoảng thấy ông quản lý địa phương của công ty, được ủy nhiệm điều khiển chi nhánh trong những tháng đầu, lượn qua lượn lại không ngừng. Dĩ nhiên phương pháp của công ty Mungo là làm chóa mắt cả Levenford bằng một sự tiết lộ bất ngờ và chói lòa: Họ sẽ cuốn những tấm màn che phủ mặt cửa hàng lên và tất cả thành phố sẽ bỡ ngỡ trước những gì mình thấy. Vào ngày một tháng tư đúng chín giờ ba mươi, không sớm hơn mà cũng không trễ hơn một giây, James Brodie rời khỏi nhà để đi bộ như thường lệ đến cửa tiệm của ông ta.
Khi đi xuống đường Cao với một vẻ bình tĩnh hoàn toàn, Brodie tỏ ra là người ít dao động nhất của Levenford mặc dầu trong thái độ của ông ta có một chút cố ý quá lố. Những ý nghĩ châm biếm làm thỏa mãn lòng tự tin không gì lay chuyển được của ông, xua đuổi nỗi lo lắng mơ hồ ám ảnh ông từ vài ngày nay. Bây giờ thời gian chờ đợi đã chấm dứt và trận đánh mở màn, ông lại trở thành chủ của số phận mình và thái độ của ông có vẻ muốn nói: “Hãy để tôi tham dự trận đánh, tôi đã chờ đợi giây phút này, và bây giờ các người sẵn sàng chiến đấu với tôi, tôi cũng sẵn sàng chiến đấu với các người”.
Ông thích sự chiến đấu. Ngoài ra, ông được thúc đẩy chiến đấu bởi ý nghĩ rằng sự hăng say của cuộc chiến sẽ làm tan biết cái tình trạng suy sụp tinh thần tệ hại gần đây bởi cú đòn nặng đánh vào lòng kiêu hãnh gia đình của ông. Tim ông rộn rã vì vui mừng khi nghĩ đến cuộc chiến đấu: Ông sẽ cho họ thấy, ông tự bảo với mình, James Brodie là người thế nào, sẽ làm cho cả thành phố thấy sức mạnh và ý chí của ông, và bằng sự thất bại nặng nề của những kẻ giàu mới trong công ty Mungo này, uy tín của ông được lấy lại và được đưa lên một mức độ cao hơn nữa. Người ưỡn lên rất thẳng, chiếc can nằm trên vai, ông tiến tới một cách đầy tự tin.
Đến gần cửa tiệm mới, ông nhận thấy ngay nó đã khai trương. Một người kém quan trọng hơn có lẽ đã thận trọng xem xét bằng cách đi ngang qua trước cửa và nhìn bằng khóe mắt, nhưng Brodie không phải thuộc hạng người thích rình rập như vậy: Ông dừng lại ngay giữa lề đường với một vẻ phô trương cố ý, và cây can vẫn luôn luôn vác trên vai, hai chân giang rộng, cái đầu hất ra đằng sau, ông ném một cái nhìn cay độc về phía hai cái tủ kính trước mặt. Một nụ cười ung dung nở trên gương mặt ông, rồi một tiếng cười lớn làm rung chuyển cả người ông. Tất cả thái độ ông diễn tả một cảm giác thú vị: Sự bày hàng có vẻ thảm hại hơn, có vẻ theo mốt mới lố bịch hơn ông đã tưởng tượng trong những dự đoán điên cuồng nhất của mình.
Một trong những tủ bày hàng được chất đầy từ trên xuống dưới những chiếc nón đủ hình dạng, đủ loại và đủ kiểu thành từng hàng đi lên giữa những chiếc cà-vạt và những chiếc khăn tay đủ màu sắc sắp thành hình những bó hoa, dây hoa là những chiếc vớ dài, vớ ngắn sặc sỡ, nổi bật một cách đầy thẩm mỹ với cái nền là một vài chiếc găng tay đặt thành hình những lá cây dương xỉ. Sự kiện mỗi món hàng đều mang một nhãn hiệu có ghi những chữ tắt M.H.H. với giá tiền bằng chữ số màu đỏ chứng tỏ - một cách rõ ràng nhưng tế nhị - rằng mục đích của sự trưng bày đầy mỹ thuật trên không phải chỉ thuần túy để trang trí. Nhưng chính tủ bày hàng thứ hai mới lôi cuốn sự chú ý đầy chế nhạo của Brodie, bởi vì ông đã khám phá nơi đó một món hàng mới lạ, không thể tưởng tượng nổi: hai hình nộm bằng sáp – khó tin nhưng có thật – một ông hào hoa phong nhã, với màu da và dáng đứng thanh lịch, nhìn với vẻ âu yếm một cậu con trai có nước da trắng, đôi mắt xanh, nụ cười ngây thơ. Cả hai cùng đưa ra – người cha bàn tay phải và người con bàn tay trái – với cùng một cử chỉ tế nhị có ý muốn nói: “Chúng tôi đây, các bạn hãy nhìn chúng tôi, chúng tôi ở đây để cho các bạn ngắm nghía chúng tôi”.
Y phục của hai người đều tuyệt hảo, và con mắt soi mói của Brodie nhìn từ đường nếp của những chiếc quần tây dài đến những chiếc cà-vạt rực rỡ, từ những cổ áo láng bóng đến màu trắng như tuyết của những chiếc khăn tay ló ra từ miệng túi của họ, từ chiếc vớ ngắn với màu sắc thanh nhã đến chiếc nón quả dưa của người cha và chiếc nón kết bảnh bao trên đầu người con, để cuối cùng dừng lại ở tấm cạc có in hàng chữ: “Được may mặc bởi C.Ty M.H.H. Hãy cho phép chúng tôi được làm như thế với các bạn”.
- Những hình nộm, - Brodie nói lầm bầm – đây không phải là một tiệm bán nón, đây là một viện bảo tàng những hình nộm bằng sáp.
Dưới mắt ông ta, đây là trò cười thú vị nhất mà ông đã được xem trong đời, bởi vì tất cả những cái đó không bao giờ được thấy ở Levenford. Tuy nhiên, gần đây người ta đồn rằng những điều mới mẻ này đã xuất hiện trong những cửa hàng lớn ở Glasgow; và ông ta nghĩ rằng chẳng bao lâu nó sẽ trở thành trò cười cho cả thành phố.
Trong khi James Brodie đang đứng ngắm nhìn đầy ngạo nghễ, một người bước ra cửa tiệm, tay cầm một gói đồ được bọc bằng giấy nâu. Liền đó, vẻ mỉa mai của ông nhường chỗ cho một sự sợ hãi nhục nhã, và ông cảm thấy tim mình bị một lưỡi dao đâm vào: Vậy là họ đã bắt đầu có khách hàng rồi?
Chưa bao giờ Brodie trông thấy người đàn ông đó, và ông cố gắng tự trấn an, tự bảo với mình có lẽ đó chỉ là một người thợ ở lại để hoàn tất công việc hay mang những đồ dùng của anh ta về. Dầu sao, cái gói đồ được gói kỹ lưỡng tươm tất này đã đánh thức sự nghi ngờ của ông, làm ông dao động dữ dội, và ông bước qua ngưỡng cửa tiệm mình với một dáng đi ít ngạo nghễ hơn.
Anh chàng Perry không thể thiếu được đã có mặt ở đó để đón ông. Những sự kiện xảy ra đã thúc đẩy anh ta sáng hôm đó, tỏ ra tôn kính và khúm núm hơn. Trước sự cạnh tranh mới này, có lẽ anh ta mơ hồ hy vọng có một cơ hội để chứng tỏ cho ông chủ thấy giá trị thật sự của mình và thực hiện một mức nào đó những hy vọng đã phai mờ…
- “Kính chào ông, thưa ông Brodie”. Trong trường hợp đặc biệt này, Perry đã nghĩ được một câu nói dí dỏm mà anh cho là rất tài tình và thú vị; và tập trung hết can đảm, anh táo bạo phóng câu đó ra với Brodie – “Thưa ông, hôm nay là ngày một tháng tư” – Anh ta nói một cách mạnh dạn hơn. – “Chắc ông cũng nhận thấy câu kết luận, bởi vì họ”, Perry luôn luôn ám chỉ những người lân cận mới bằng cái từ mơ hồ này, “đã khai trương vào ngày Những con cá tháng tư ”26?
- Không, - Brodie làu nhàu, kín đáo liếc xéo Perry – nhưng anh hãy cho tôi biết đi, anh rất tinh ranh.
- Thế này! Chính trong toàn thành phố, thưa ông Brodie, ông sẽ cho họ “những con cá tháng tư”! – Và nhận thấy tác dụng của câu nói của mình, anh cười khẩy khoái trá, bởi vì ông chủ đã mỉm cười tỏ vẻ hài lòng. Câu nói nịnh của Perry bao trùm sự ca tụng của tất cả mọi người trong thành phố đối với ông. Brodie hiểu rõ ý đó và từ từ siết chặt nắm đấm to lớn của mình lại.
- À! phải, chắc chắn tôi sẽ chơi họ một vố, tôi sẽ làm cho họ bỏ tính tự phụ. Họ không biết họ đang đương đầu với ai, nhưng Chúa ôi, tôi sẽ dạy cho họ một bài học!
Bằng cách nào, ông không thể nói được rõ ràng, nhưng trong phút này đầu ông không hề có chút bóng dáng của một giải pháp, ông vẫn tin tưởng một cách tuyệt đối vào khả năng đè bẹp địch thủ của mình.
- Anh có thấy những hình nộm trong tủ kính không? – Brodie hỏi, vẻ thờ ơ.
- Ồ! có, thưa ông Brodie… một sáng kiến mới xuất phát từ những cửa hàng lớn, khá tân kỳ, dĩ nhiên, và là mốt mới nhất!
Trong cơn xúc động đầu tiên của mình, Perry hầu như khá lạc quan để hy vọng rằng ông chủ sẽ cho đặt mua ngay một cặp người mẫu lạ lùng đó. Đôi mắt anh ta sáng lên niềm phấn khởi, nhưng lập tức phải cúi ngay xuống trước ánh mắt sáng quắc của Brodie và nhận thấy rằng lần này tốt hơn mình nên im lặng.
- Anh nói “mốt mới nhất”? Một viện bảo tàng của chợ phiên, đúng hơn. Họ sẽ thấy đám đông tụ tập trước cái tủ bày hàng tồi tệ của họ.
- “Nhưng thưa ông”, Perry rụt rè nói liều, “đó không phải là điều đáng mong muốn sao? Nếu chúng ta lôi cuốn được sự chú ý của những người qua đường, sẽ có nhiều hy vọng để họ vào tiệm chúng ta hơn. Đó là cách quảng cáo”.
- Vậy anh cũng đã bị cùng loại chấy rận đó cắn, và ngứa ngáy muốn thấy đám đông chen lấn nhau trước cửa tiệm của chúng ta? Nếu đúng thế, anh hãy mau tự giải độc đi, không thì tôi sẽ bảo đảm chỗ làm của anh!
- Tuy nhiên, điều đó đưa nước đến nhà máy xay, thưa ông – Perry gợi ý một cách dịu dàng, vừa nhìn ông với vẻ nhún nhường. Đoạn, tìm một lãnh vực chắc chắn hơn, anh ta vội vã nói:
- “Tôi thấy họ cũng bán đủ loại quần áo nữa, thưa ông”. Brodie ra dấu công nhận bằng một vẻ cáu kỉnh. “Ông cũng vậy, ông có thích thêm vài món hàng nữa, với những chiếc nón không, một hay hai món hàng mới, có lẽ… một sợi dây nịt chẳng hạn, hay những chiếc găng tay xinh đẹp. Thật rất lịch sự, thưa ông, những chiếc găng tay xinh đẹp”.
Perry nói gần như van xin, vì tất cả những ý tưởng mà bình thường anh đè nén đang sôi sục trong đầu óc anh, nhưng những đề nghị xuất sắc này rơi vào tai của một người điếc. Brodie không để ý đến anh, nhưng vẫn đứng đó, tuân theo một nhu cầu bất thường: tự phân tích mình, tìm cách tự giải thích tại sao ông ta làm trái ngược một cách lạ lùng thói quen không thay đổi của mình. Tại sao ông ta đứng lại trong cửa tiệm thay vì leo lên văn phòng với vẻ ung dung thông thường của một nhà vua chuyên chế? Ông sẽ đè bẹp những người lân cận của mình, điều đó đã quyết định rồi, nhưng liệu ông sẽ làm được điều đó không, bằng cách ngồi trước bàn giấy, cố gắng đọc tờ báo Glasgow Herald? James Brodie cảm thấy cần phải làm một cái gì, chọn một đường lối hành động chính xác, nhưng trong lúc bồn chồn dao động, trí óc bị tê cóng của ông không cho ông một ý nghĩ thực tiễn nào để thực hiện cái công việc mà ông mơ ước. Phải chi ông có thể sử dung được sức mạnh thể xác ghê gớm của mình, lúc đó ông sẽ làm việc cho tới khi nào mồ hôi đổ ra đầm đìa, cho tới khi nào tay chân ông kêu lên răng rắc, dưới những cố gắng phi thường. James Brodie sẵn sàng nắm lấy những cây cột của cửa tiệm thù địch, nhổ chúng lên và làm sụp đổ cả căn nhà. Nhưng một cảm giác mơ hồ về sự bất lực của sức mạnh hung bạo đến với ông và làm cho ông đau khổ một cách ghê gớm.
Giữa lúc đó, một người đàn bà bước vào, tay dắt một đứa bé khoảng sáu tuổi. Bà ta ngỏ lời với Perry đang lễ phép tiếp đón:
- Tôi muốn mua một cái nón cho con trai tôi. Nó sẽ đi học vào tuần lễ tới.
- Thưa bà, vâng ạ, - Perry vồn vã đáp. – Bà muốn loại nón nào?
Thình lình, một động lực kỳ lạ xâm chiếm Brodie, một nhu cầu nóng bỏng muốn phản ứng lại sự tởm chán của mình và mặc dầu bà này hiển nhiên thuộc loại khách hàng rất nghèo, loại khách mà bao giờ ông cũng để mặc cho người làm công của mình lo, ông cảm thấy bị lôi cuốn.
- Để tôi lo cho! – James Brodie nói bằng giọng cứng nhắc, không thực.
Người đàn bà rụt rè nhìn ông, mất hẳn vẻ tự tin mong manh của mình. Bà không còn là một bà khách có quyền lựa chọn và mua một cái nón ưng ý.
- “Cậu này đã bán hàng cho tôi lần trước”. Bà nói với một vẻ ngập ngừng, vừa chỉ Perry. “Năm ngoái cậu ấy đã tìm được cho tôi đúng món hàng mà tôi muốn”.
Đứa bé trai cảm thấy ngay vẻ bối rối của mẹ mình, và hết sức khiếp sợ trước con người cao lớn dữ tợn đang nhìn nó từ trên cao. Nó giấu mặt trong chiếc áo dài của mẹ nó và bắt đầu rên rỉ.
- Mẹ ơi, mẹ ơi, con muốn đi về nhà, con không muốn ở lại đây đâu…
- “Con đừng khóc nhè, im ngay đi”. Người đàn bà đáng thương, cảm thấy rất xấu hổ, lúng túng dỗ con, lay lay người nó. Nhưng bà càng lay mạnh chừng nào, nó càng khóc lớn lên chừng ấy. Bà đỏ mặt và cũng rơm rớm nước mắt. “Cái ông Brodie hung dữ này không thể đi chỗ khác được sao?” Bà tự nói với mình. “Tôi không cần ông ta, mà chỉ cần một cái nón cho thằng bé”. Rồi bà ẵm con lên, ngượng ngập nói:
- Tốt hơn nên để tôi trở lại vào một ngày khác, khi nó ngoan hơn. Thằng bé này thật hư đốn quá!
Bà quay lưng để đi ra và có lẽ sẽ biến mất vĩnh viễn. Nhưng Perry khéo léo lấy một viên kẹo bạc hà và đưa ra một cách quyến rũ giữa ngón cái và ngón trỏ. Liền đó, đứa bé ngưng khóc, và một con mắt sáng rực mở to ló ra khỏi chiếc áo dài của mẹ nó, nhìn lên viên kẹo. Trước dấu hiệu tin tưởng này, người mẹ dừng lại và nhình đứa bé bằng một vẻ dò hỏi. Bà nói:
- Con muốn ăn kẹo không?
Với một tiếng nức nở cuối cùng, nó gật đầu với Perry và chìa ra một bàn tay nhỏ bé thèm thuồng. Trong chốc lát, viên kẹo đã làm phồng cái má ướt của thằng bé, và sự yên tĩnh được vãn hồi, Perry tiếp tục xoa dịu đứa bé và quyến dụ người mẹ cho tới khi việc mua bán xong xuôi. Khi họ đi ra, anh đưa họ đến cửa với một vẻ lễ phép thông thường, và nhận cái nhìn biết ơn cuối cùng của bà mẹ, trong khi Brodie đã rút vào trong, vẻ cáu kỉnh, nhìn họ bằng con mắt lờ đờ.
Perry trở vào, hai bàn tay xoa vao nhau một cách hài lòng. Cậu trai kỳ dị này chỉ tự đắc về những đức tính tưởng tượng, anh không hề tự hào về khả năng nhậm lẹ và trực giác mà anh có thực sự. Anh vừa đạt được một chiến thắng về sự tế nhị và tài ngoại giao khéo léo, nhưng anh chỉ cảm thấy một sự thỏa mãn khiêm tốn vì đã giữ được một khách hàng cho Brodie, dưới mắt ông chủ tôn nghiêm của anh. Anh nhìn ông ta với một vẻ kính cẩn, và ông này trước khi leo lên văn phòng, chỉ nói:
- Tôi không biết rằng cửa tiệm có tặng kẹo kèm theo những chiếc nón!
Ngày làm việc được khởi đầu như vậy, tiếp tục kéo dài, với Brodie giam mình trong hang động của ông ta, chìm đắm trong suy tư. Những bóng tối lướt qua trên gương mặt nghiêm khắc của ông như những đám mấy trên một ngọ núi u ám: Ông ta đang đau khổ. Mặc dầu có một ý chí sắt đá, James Brodie không thể tự ngăn mình lắng tai nghe tất cả những tiếng động, theo dõi sự ngừng lại dần dần của những bước chân tiến đến gần cửa hàng ông, phân tích những âm thanh nhỏ nhặt nhất ở bên ngoài để phân biệt sự bước vào của một khách hàng với sự tới lui liên tục của Perry. Nhưng ông ta nhận thấy, dầu không bao giờ ghi nhận một cách tỉ mỉ, rằng ngày hôm đó chúng rất hiếm và không mấy khích lệ. Ánh sáng mặt trời ùa vào cửa sổ. Thời tiết ấm áp, đường phố khô ráo ắt phải đầy người vui vẻ đang tràn vào những cửa hàng… Tuy vậy, không có tiếng động nào phá tan cảnh im lặng ở quầy hàng.
Bức tường chung trước mặt Brodie hình như biến mất dưới cái nhìn xuyên suốt của ông, và để lộ cho ông thấy một sự hoạt động rộn rịp đầy hiệu quả trong căn tiệm kế bên. Trái với sự tự tin ranh mãnh của ông hồi sáng, bâyy giờ Brodie có cảm giác nhìn thấy trong cửa tiệm thù địch một đám đông người chen lấn nhau mua hàng một cách hăng say. Ông cắn mạnh môi và cúi xuống lượm tờ báo mà ông đã ném khi nãy, cố gắng đọc… nhưng sau một lúc, ông lại cảm thấy buồn chán, ngắm nhìn bức tường một cách ngây ngô, như bị nó thôi miên.
Brodie buồn bã nghĩ đến những ngày đã qua. Ông từng thích thú biết bao khi ngồi ung dung thoải mái trong chiếc ghế bành – thật vậy, ông có làm gì khác đâu – vừa ném qua cửa sổ mở hé cái nhìn ông chủ về phía Perry và những kẻ bước vào lãnh địa của ông. Những công việc thấp hèn được dành riêng cho một mình Perry. Perry đi tìm và mang ra những món hàng theo mệnh lệnh hống hách của chủ, và riêng ông không bao giờ leo lên cái thang, với tay lên một kệ hàng hay gói một cái nón. Đối với phần lớn khách hàng, ông không hề chú ý đến họ; với vài người, ông đi vào lấy chiếc nón được chọn, đưa bàn tay vuốt lên chất nỉ phớt hay sờ mó chiếc vành nón mềm mại, đánh giá món hàng của mình một cách kiêu hãnh, vừa nói bằng một giọng bất cần:
- Ông muốn mua nó hay không cũng được, nhưng ông sẽ không tìm đâu được thứ tốt hơn.
Chỉ đối với một thiểu số thượng lưu thôi, những người thuộc những gia đình danh tiếng nhất trong thành phố, ông mới bằng lòng đích thân tiếp họ.
Lúc đó, thật là thú vị biết chắc chắn người ta bắt buộc phải đến cửa tiệm của mình: bởi vì, với cái nhìn độc đoán và mù quáng, Brodie đã không nhận thấy rằng vì không có sự cạnh tranh, nhiều khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác hơn là đổ xô đến cửa tiệm của ông, rằng chính sự cần thiết của khách hàng đã làm cho công việc buôn bán của ông chạy. Nhưng bây giờ, than ôi! Ông hiểu rằng, ít nhất lúc này, sự độc quyền của ông đã chấm dứt. Tuy thế, ông sẽ vẫn không thay đổi phương pháp, ông quyết định cương quyết như vậy: Vì lẽ ông đã không phải chạy theo khách hàng, ông không muốn bắt buộc làm việc đó từ đây về sau. Trong suốt cuộc đời ông, ông đã không cầu khẩn một ai và ông thề quyết sẽ không làm việc đó.
Những ngày đầu của ông ở Levenford – đã lâu lắm rồi khiến ông gần như đã quên hẳn chúng – bất chợt hiện ra trước mắt ông như trong một đám sương mù, nhưng xuyên qua bức màn sương đó, ông thấy lại mình, cũng là một con người không bao giờ chạy theo những ân huệ, nịnh hót hay làm con chó liếm gót. Lúc đó không có Perry, và ông vẫn đi thẳng người, ngay thật và quả quyết, làm việc cực nhọc mà không xin xỏ ai hết. Và ông đã thành công. Ông ưỡn ngực hãnh diện khi nghĩ đến sự vươn lên từ từ của chính mình, đến cách mà mình chiếm được địa vị quan trọng, được vào hội đồng thành phố, được bầu vào câu lạc bộ triết lý; rồi đã nghĩ ra và cho xây cất ngôi nhà hết sức độc đáo. Và kể từ đó, một sự thay đổi dần dần và tế nhị để đạt đến cái địa vị duy nhất, đáng kể và riêng biệt hiện tại của ông trong thành phố. “Chính nhờ dòng máu cao quý lưu thông trong huyết quản của ta”, ông tự bảo với mình, “mà ta đã đạt đến đỉnh cao xứng đáng, bất chấp bao trở ngại”. Dòng máu của tổ tiên ông, - tựa như một con ngựa nòi – luôn luôn hiện diện trong ông và bây giờ sẽ không bỏ rơi ông.
James Brodie giận dữ đứng lên:
- “Bọn chúng hãy cứ thử đụng vào dòng máu này của tôi!” Ông la lớn. “Tôi thách tất cả bọn chúng, tôi sẽ quét sạch chúng như tôi tiêu diệt bất cứ kẻ nào xúc phạm đến tôi!” Và ông vung quả đấm trước một kẻ thù vô hình – “Có một cành mục trên cây gia đình của tôi, tôi đã chặt đứt nó. Tôi sẽ nghiền nát tất cả những kẻ nào can thiệp vào chuyện riêng của tôi. Tôi là James Brodie và tôi thách thức tất cả mọi người. Chúng hãy thử cản trở tôi, ăn cắp khách hàng của tôi, lấy tất cả những gì tôi có, chúng hãy cứ thử đi. Dầu điều gì xảy đến, tôi vẫn luôn luôn là Tôi!”
Brodie rơi trở xuống chiếc ghế của mình, không nhận thức rằng ông đã đứng lên, đã la lớn trong một căn phòng trống, chỉ thích thú say sưa với ý tưởng cuối cùng và quí báu này. Ông là ông, James Brodie, không một ai ngoài ông ra có thể hiểu được sự trợ lực tuyệt đối, sự kiêu hãnh kỳ thú mà cảm nghĩ này đem đến cho ông. Những ý tưởng của ông bay xa khỏi sự thăng trầm hiện tại, tiến vào một thế giới đầy những mộng mơ và những khát khao cuồng nhiệt. Đầu cúi xuống ngực, James Brodie đắm mình trong sự chiêm ngưỡng một tương lai huy hoàng, thỏa mãn mọi ước muốn phóng túng của lòng kiêu hãnh vô biên của ông, của tham vọng được mọi người tôn kính như một kẻ bề trên của họ.
Cuối cùng, ông buông một tiếng thở dài, và như một người vừa rời khỏi những giấc mơ, ông nháy nháy hai mắt, lắc mạnh mình. Nhìn đồng hồ, ông kinh ngạc nhận thấy sắp đến giờ đóng cửa tiệm. Ông đã tự nhốt mình trong căn phòng đóng kín này suốt một ngày! James Brodie chậm chạp đứng lên, ngáp một cách ồn ào, vươn vai, và nét mặt không còn mang một dấu vết nào của sự mơ mộng vừa qua, trở lại thản nhiên cứng rắn, đi ra cửa hàng để kiểm soát số tiền thu trong ngày. Đó là một công việc thích thú mà ông làm cho trở nên cao quí bằng cách lấy vẻ một lãnh chúa phong kiến đang nhận cống vật của kẻ chư hầu. Perry luôn luôn có một đống những đồng tiền bằng bạc, nhiều khi có vài đồng tiền vàng sáng chói và thỉnh thoảng một tờ bạc giấy để cho vào túi của ông chủ mình. Xong, Brodie ném một cái nhìn hờ hững lên bảng kê số hàng bán được – hờ hững bởi ông thừa nhận Perry không bao giờ lừa dối ông, và theo cách nói của ông “Sẽ thật tai hại cho thằng bé sinh non này nếu hắn thử” – Sau cùng, ông vỗ vào cái túi căng phồng, cầm lấy nón, cho một mệnh lệnh cuối cùng, rồi ra về. Và Perry một mình lo việc đóng cửa tiệm.
Nhưng buổi chiều hôm đó, Perry có một vẻ mặt hết sức thảm hại. Bình thường, anh mở ngăn kéo ra với một cử chỉ mạnh dạn, vừa hãnh diện nhưng cũng vừa khiêm tốn như để nói: “Có lẽ chúng tôi không tài cán bao nhiêu, nhưng đây là những gì chúng tôi đã làm cho ông, thưa ông Brodie”.
Lần này anh kéo ngăn kéo một cách rụt rè, với vẻ mặt gần như khẩn cầu, vừa nói bằng một giọng nhẫn nhục:
- Một ngày thật ít khách, thưa ông.
- “Nhưng ngày hôm nay trời đẹp”. Ông chủ đáp lại bằng một giọng càu nhàu. “Anh đã mất thì giờ của anh để làm gì? Người ta đi đầy ngoài đường”.
- “Đường phố rất náo nhiệt, nhưng đa số người ta… tôi muốn nói: ít khách đã vào…” Anh ấp úng. “Họ có một gian hàng mới đầy quyến rũ”.
Brodie nhìn ngăn kéo: trong đó chỉ có sáu shilling!