Ông ngáp thật lớn, ưỡn tấm thân đồ sộ lên một cách khoái lạc và bằng đôi mắt mở hé, ngắm những tia nắng vàng lửng lơ chung quanh ông, rồi nhìn lên đồng hồ. Mới có tám giờ, nghĩa là còn có thể nằm nướng thêm mười lăm phút nữa. Brodie xoay người nằm nghiêng và chui vào chăn. Nhưng liền đó ông lại tốc chăn ra. Mặc dầu vẻ đẹp của buổi sáng hết sức quyến rũ, mùi thơm của món điểm tâm xông lên ngào ngạt, ông vẫn thấy không được vui.
Với một vẻ quạu quọ, ông quay mặt về phía bên kia, nhìn vào chỗ nệm còn bủng xuống. Bà Brodie đã rời khỏi giường trước đó. Theo lệ thường, bà thức dậy thật sớm để lo cho bữa ăn sáng trước lúc ông xuống. “Một người đàn bà như vợ ta…” – Ông suy nghĩ một cách bực tức - “có lợi ích gì cho một người đàn ông mạnh khỏe như ta?”. Bà giỏi việc bếp núc, giặt giũ, lau chùi, mạng các chiếc vớ, đánh bóng mấy đôi giày. Nhưng bây giờ đây, ông đâu có thích thú gì khi ôm bà trong tay? Hơn nữa, sau khi Nessie ra đời, bà không ngừng đau ốm, rền rĩ; sự mềm nhũn của bà là một điều nhục mạ đối với sinh lực cường tráng của ông. Mới hôm chủ nhật vừa qua, ông bắt gặp bà đang cất giấu một đồ lót dơ và ông giận dữ la lên:
- Bà đừng biến căn phòng của tôi thành một đống phân. Tôi đã phải chịu đựng bà quá lắm rồi, bà chớ ném thêm quần áo dơ của bà vào mặt tôi!
James Brodie cảm thấy ghê tởm vợ, đã từ lâu lắm rồi. Ngay cả đến mùi của bà, ông cũng không chịu được, và nếu không phải là một người đàng hoàng, ông đã đi tìm thú vui ở nơi khác! Đêm qua, ông rơi vào một giấc mơ tuyệt diệu! Brodie trề môi dưới ra khi nhớ lại hình ảnh của cô gái ranh mãnh mà ông rượt đuổi khắp rừng nhưng không bắt được; cô ta không có gì trên người và chạy nhanh như một con nai. Thỉnh thoảng cô quay mặt lại để khiêu khích ông với một nụ cười đầy quyến rũ, làm cho ông phải chịu cực hình của Tantale[i].
Nếu ông mà bắt được cô ta…
Thình lình, nhận thấy đã tám giờ mười lăm, Brodie nhảy xuống giường, xỏ quần tây vào, mang vớ, giày và cởi áo ngủ ra. Bộ ngực trần của ông trơn và láng bóng, các bắp thịt vai và lưng chuyển động như những sợi dây thừng thắt nút, nhanh nhẹn dưới làn da trắng sáng như lụa “xaten”, trừ mấy chỗ có các chùm lông đen trên ngực, như mấy đám rong rêu trên một tảng đá.
Ông đứng trước tấm gương nhỏ treo bên trên bồn rửa mặt, ngắm nghía đôi mắt trong, hàm răng trắng, đưa ngón tay vuốt chòm râu che phủ quai hàm nặng nề của mình. Rồi ông lấy cái hộp bằng gỗ đựng bảy con dao cạo, cẩn thận chọn con dao ngày thứ sáu, thử độ bén của nó trên móng ngón tay và liếc lên miếng da treo trên một cây đinh. Brodie cạo râu một cách cẩn thận, rửa mình bằng nước lạnh, dội thật nhiều nước lên đầu, ngực và hai cánh tay. Đấy là thói quen bất di bất dịch của ông, ngay cả vào những sáng mùa đông lạnh nhất, và điều này, ông khẳng định, đã đem đến cho ông một sức khỏe toàn hảo và tránh cho ông những chứng cảm mạo thông thường.
“Tôi nhúng mình vào nước lạnh”, ông thường hay khoe, “càng lạnh càng tốt. Tôi đập nước đá ra để xối lên người, và nước càng lạnh chừng nào, sau đó tôi càng cảm thấy nóng chừng ấy. Điều này không làm cho tôi run lập cập hay bị sổ mũi như bao người khác. Không, không, điều này chỉ làm cho người tôi nóng lên. Nước lạnh, thật lạnh, đó là sức khỏe!”.
Và ngay lúc ấy, vừa chà xát thật mạnh lên người bằng một tấm khăn, vừa huýt sáo, Brodie cảm thấy một sự ấm áp dễ chịu tràn ngập, xua đi phần nào nỗi bực bội.
Ông mặc chiếc áo sơ-mi bằng vải mịn, thắt cái cà-vạt có chấm tròn được ghim một móng ngựa bằng vàng. Xong xuôi, ông đi xuống phòng ăn.
Brodie luôn luôn ăn sáng một mình. Mathieu đi làm lúc sáu giờ, Nessie đi học lúc tám giờ rưỡi, bà cụ không bao giờ thức dậy trước mười giờ, còn bà Brodie và Mary, hai người ăn sáng lúc nào họ thích, trong gian bếp phụ. Vì thế, ông ngồi vào bàn ăn, cô độc và trang nghiêm.
Trong khi Mary lặng lẽ đi đi lại lại trong phòng để dọn đồ ăn, Brodie nhận thấy nàng có vẻ xanh xao, nhưng ông không nói gì hết, bởi vì nguyên tắc của ông là không khuyến khích những người đàn bà thở than rằng họ bị bệnh. Dầu vậy, ông vẫn cảm thấy một chút thỏa mãn kín đáo: Brodie cho rằng vẻ tiều tụy của Mary và những quầng đen dưới mắt nàng là kết quả của cuộc tấn công của ông hồi chiều hôm qua.
Theo thói quen, khi ăn sáng xong, James Brodie lặng lẽ rời khỏi nhà lúc chín giờ rưỡi, và dừng lại một lúc ở cổng để ngắm nhìn ngôi nhà một cách mãn nguyện. Ông hãnh diện đưa mắt nhìn khắp lãnh thổ của mình, trông coi sao cho không có một ngọn cỏ nào lú lên trong sân cát, không một vết dơ nào làm hoen ố nước sơn. Đây là công trình của ông. Cách đây năm năm, Brodie đã mua miếng đất này rồi đến gặp ông thầu khoán Urie, cho ông ấy xem sơ đồ, giải nghĩa từng chi tiết kiểu nhà mà ông sẽ cho xây cất. Ông Urie đã nhìn ông Brodie một cách kinh ngạc.
-Xin lỗi ông, nếu ông là một nhà thầu khoán, ông sẽ không để cho các bản vẽ kỳ quái như vậy lôi cuốn mình. Chắc ông đang ở trên cung trăng. Cái nhà gì kỳ vậy?
-Ông Urie, không phải ông ở trong đó, mà là tôi! – Brodie trả lời một cách cương quyết.
-Nhưng họa đồ của ông đòi hỏi quá nhiều nhân công một cách vô ích. Ông có nghĩ đến các chi phí trong việc xây cái lan can có những chỗ thủng này không. Để làm gì vậy? – Và Urie gõ mạnh đầu bút chì lên đường vẽ.
-Ông Urie, chính tôi trả tiền chứ không phải ông!
Ông thầu khoán hất ngược cái nón ra đằng sau và đưa cây bút chì lên gãi đầu, vẻ không hiểu.
-Điều này không được đúng đắn, ông Brodie. Căn nhà sẽ rất đẹp nếu nó được xây cất lớn hơn mười lần. Thật vô lý: cả thành phố sẽ nhạo báng ông, ông Brodie ạ.
-“Chuyện đó để tôi lo”. Brodie giận dữ la lên. Chỉ có Chúa mới che chở nổi đứa nào dám cười thằng Brodie này.
-“Nào, nào, ông bạn của tôi”. – Ông Urie nói, giọng đấu dịu, “hãy để tôi cất cho ông một ngôi biệt thự cực kỳ đàng hoàng chứ không phải một tiểu lâu đài mà ông say mê một cách vô lý như vậy.”.
Một vẻ kỳ lạ lóe lên trong đôi mắt rực lửa của Brodie và ông ta nói lớn:
-“Này, ông Urie, ông hãy cố gắng nói chuyện với tôi nghiêm chỉnh hơn. Tôi không ưa cái hộp xinh xắn của ông, tôi muốn một ngôi nhà thích hợp cho tôi…” – Rồi Brodie lấy lại bình tĩnh và nói tiếp, giọng bình thường:
-“Nếu ông không thích, ông không bị bắt buộc phải làm. Tôi đề nghị với ông một công việc, nhưng nếu ông không muốn, thì còn có những nhà thầu khác”.
-“Nếu ông nghĩ như vậy”, - Urie nói, và huýt sáo, sau khi đã nhìn Brodie đăm đăm – “thôi được. Bởi vì ông cương quyết, tôi sẽ thiết lập cho ông một đồ án và một bản chiết tính chi phí. Một người ngang bướng thường bắt kẻ khác phải làm theo ý mình. Nhưng ông đừng quên rằng tôi đã báo trước với ông. Ông đừng bảo tôi phải đập nó sau khi xây xong.”
-Không, không - Brodie cười gằn trả lời – tôi sẽ chỉ khiếu nại ông nếu ông không làm đúng những điều tôi yêu cầu và lúc đó ông sẽ hối tiếc. Bây giờ xin ông bắt tay vào việc và đừng nói chuyện phiếm nữa.
Bản đồ án được Brodie chấp nhận, và công việc xây cất bắt đầu. Ông ta đã trông thấy ngôi nhà của mình vươn lên từng ngày. Mỗi buổi chiều, ông ta đến thăm nó, đích thân trông coi cho người ta làm đúng theo những họa đồ. Brodie thường ngắm nhìn rất lâu những viên đá trắng và láng, dùng tay kiểm tra chất lượng của hồ, nhấc thử những miếng ngói vuông. Người ta dùng toàn các vật liệu thượng hạng, và mặc dù đã chi ra quá nhiều, (túi ông ta đã cạn, nhưng ông ta bao giờ cũng tiêu xài rất rộng rãi cho chính mình, và việc để dành tiền chỉ nhằm một mục đích này mà thôi) ông ta hãnh diện vì đã thực hiện được dự định của mình. Và ngoài ra, ông ta đã có lý: không có ai chế nhạo ông. Tuy nhiên, ít lâu sau, khi ngôi nhà hoàn thành, vào một buổi chiều, có một người đi dạo, tách ra khỏi nhúm người say rượu đang tụ tập gần đó, tiến đến bên Brodie.
-“Chào ông Brodie” – anh ta nói sau khi đã nấc cụt và đưa mắt tìm sự đồng tình của các bạn mình. “Tòa lâu đài chiều nay thế nào?”
-Khá hơn anh nhiều – Brodie trả lời, vừa thản nhiên nhìn vào mặt anh ta, và với một sức mạnh dữ dội, ông ta đấm vào giữa mặt kẻ lắm chuyện, rồi rút khăn tay ra lau các ngón tay dính máu. Xong ông khinh bỉ ném chiếc khăn tay xuống đất, lạnh lùng bước đi.
Hiển nhiên địa vị của Brodie đã thay đổi trong mấy năm quá, và từ khi ngôi nhà xây dựng xong, người ta sợ ông hơn. Cá tính độc đáo của ông đã làm tăng giá trị xã hội của ông, và dần dần ông trở thành một nhân vật đáng chú ý, giao du rất rộng nhưng không có một người bạn thân nào.
Sau khi nhìn ngôi nhà lần chót, Brodie lên đường. Ông đi chưa xa mấy thì thấy một gương mặt lấp ló sau tấm màn của ngôi nhà ở phía dưới nhà ông một chút, đang rình trông theo. Brodie cười thầm khi nhận ra đó là chàng Pettigrew nhỏ thó, chủ tiệm tạp hóa vừa đến thành phố này. Gã này cố tìm cách cùng đi chung với ông ra thành phố để có uy. Ngày đầu tiên, Brodie tha thứ cho sự tự tiện này, nhưng sáng hôm sau, khi thấy chàng không đáng kể kia đứng đợi mình, ông đã dừng ngay lại và bình tĩnh nói:
-Pettigrew, tôi sợ rằng mắt tôi đã kém đi. Ngày hôm nay, chỉ trông thấy anh như một người đàn ông bé tí xíu và ngày mai tôi có thể hoàn toàn không trông thấy anh được. Vả lại, tôi đi rất nhanh. Vậy ông bạn hãy cứ đi một mình với tốc độ của ông bạn, đừng làm mệt cặp giò để chạy theo tôi. Chào ông bạn.
Bây giờ, khi đi ngang qua căn nhà đó, ông nở một nụ cười mỉa mai khi nghĩ rằng kể từ nay anh chàng Pettigrew sẽ tránh ông như tránh bệnh dịch và đứng trong ngôi nhà rình theo cho tới lúc ông đi khuất hắn mới dám ló mặt ra đường.
Chẳng mấy chốc, Brodie đã ra đến thành phố, và ở cuối đường Nhà Thờ, một người thợ nhấc nón kết của anh ta lên. Mũi ông nở to trước cử chỉ tôn kính chỉ dành cho các nhân vật cao cấp của thành phố. “Chào anh bạn”, ông ta la lên, giọng hết sức thân thiện, vừa hất đầu ra sau một cách hãnh diện, rồi rẽ sang con đường dốc, đi ngược lên phía trên cho tới một cửa tiệm bề ngoài trông rất khiêm tốn.
Cửa tiệm, vẻ cũ kỹ và kín đáo, mặt tiền chật hẹp với một tủ kính nhỏ duy nhất không trưng bày một món hàng nào, mang vỏn vẹn mấy chữ vàng đã phai màu: TIỆM BÁN NÓN. Như vậy, tuy vẫn chiếm một vị trí trung tâm của thành phố, cửa tiệm này có vẻ muốn tránh những cái nhìn của công chúng, bởi vì nó hơi thụt sâu vào trong lề đường, để cho những ngôi nhà lân cận lấn ra phía trước. Hình như nó muốn ẩn mình càng kín đáo càng tốt. Ở bên trên cửa lớn, tấm bảng hiệu đã phai mờ theo năm tháng, song người ta vẫn còn nhận ra mấy chữ James Brodie in nhỏ và nghiêng.
Sáng nào cũng vậy, khi nhìn cửa tiệm, Brodie không khỏi mỉm cười trước sự kiện mình là chủ nhân của nó. Dĩ nhiên nó là phương tiện sinh sống duy nhất của ông, là nguồn gốc của tòa lâu đài đồ sộ và các bộ quần áo thanh lịch, đồng thời cũng là nguồn gốc của những đồng tiền mà ông thường thích xóc trong túi để nghe tiếng leng keng. Tuy nhiên, thái độ của ông đối với cái nghề này là thái độ của một người khoan dung. Một người như ông mà lại làm nghề bán nón! Nhưng ông ta không thấy xấu hổ về điều đó, đúng hơn ông ta lại cảm thấy thích thú trước sự tương phản giữa con người ông và cái nghề nghiệp của ông, một sự tương phản mà ông tin chắc sẽ làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên. Ông quay người lại và từ trên cao đưa mắt nhìn xuống con đường tựa như một vị vua rộng lượng xuất hiện cho công chúng được chiêm ngưỡng. Ông ta luôn luôn nghĩ đến sự vô lý của cảnh ngộ này, và lần này bước vào cửa tiệm ông ta vẫn còn thích thú, cười thầm.
Tối tăm, không được chăm sóc, gần như dơ bẩn, cửa tiệm bị cắt dọc theo chiều dài bởi một quầy hàng ngăn khách hàng với phần trong cửa tiệm. Ở một đầu quầy hàng, có một dãy chân đồng đã cũ, trên đầu mỗi chân máng một cái mũ hay một cái nón kết. Ở đầu kia, tiếp giáp với vách tường, có một lối đi lên vài bậc thang đưa đến một cánh cửa bằng kính mờ trên đó có hai chữ “Văn phòng”. Đằng sau là một phòng nhỏ hình chữ L vừa đủ để chứa một tấm ván ủi đồ và một lò sưởi. Vách tường phủ bằng một thứ giấy màu đỏ sẫm, mang vài bức ảnh đã cũ, và nếu ở đây người ta thấy có ít nón, thì ở đằng sau quầy hàng có một dãy ngăn tủ lớn bằng gỗ đựng đầy nón kết, với vô số hộp các-tông đựng nón chất cao tới trần nhà.
Phía sau quầy hàng có một thanh niên mảnh khảnh. Vẻ úa héo và xanh xao của anh phản đối một cách yếu ớt sự thiếu ánh mặt trời trong cửa tiệm. Gương mặt anh đầy vết sẹo, chứng tích của một cuộc chiến đấu dai dẳng chống lại các mụn nhọt mà mẹ anh cho là do chứng thiếu máu sinh ra và để trị chứng này, bà bắt anh phải uống chất sắt.
Mặc dầu có các khuyết điểm nói trên, thêm vào đó là một cái mụn cóc trên đầu mũi, một mái tóc đầy gàu rơi lốm đốm trên cổ áo vét-tông, anh không có vẻ quá xấu xí và cách ăn mặc rất thích hợp với địa vị của anh.
Rủi thay, chung quanh người anh phảng phất một mùi chua do chứng xuất mồ hôi quá nhiều, nhất là ở hai bàn chân, một trở ngại đáng tiếc khiến đôi khi Brodie phải kêu anh lấy một cục xà bông theo cửa sau ra bờ sông.
Đó là anh Peter Perry, vừa là người chạy việc, người bán hàng, vừa là người trông coi lò sưởi và bàn ủi, bồi của ông chủ kiêm tổng quản gia.
Khi Brodie bước vào, anh nghiêng mình về phía trước, hai bàn tay chống trên quầy hàng, ngón tay đưa thẳng, cùi trỏ xếp lại, ngẩng cái đầu tóc của anh lên và khúm núm chờ đợi cái chào của ông chủ.
-Chào Perry.
-“Kính chào ông Brodie”. – Anh ta đáp lại với một sự vồn vã căng thẳng, mặt ngẩng lên rõ hơn một chút nữa – “lại thêm một buổi sáng thật đẹp… tuyệt diệu đối với mùa này. Thật là thú vị!” – Và sau vài giây im lặng tán thưởng, anh nói tiếp:
-“Thưa ông, ông Dron có đến hồi sáng nay”.
-Dron… quái, hắn ta muốn gì?
-Thưa ông, tôi không hiểu. Ông ấy sẽ trở lại, ông ấy nói như vậy.
-Hừm! – Brodie càu nhàu, rồi bước vào văn phòng, buông người xuống một chiếc ghế. Không chú ý đến lá thư đặt trên bàn, ông châm lửa hút ống điếu. Kế đó, hất nón ra đằng sau, (để chứng tỏ sự tôn quý của con người mình, không bao giờ Brodie bỏ nón ra ở trong cửa hàng) ông lấy tờ báo Glasgow Herald.
James Brodie đọc chầm chậm bài xã luận ở trang đầu, môi mấp máy trên mỗi chữ, bám vào bài báo, mặc dầu đôi khi ông phải đọc lại một câu khó hiểu. Thỉnh thoảng, ông hạ tờ báo xuống, nhìn lên vách tường, vận dụng tất cả trí thông minh để tìm hiểu đoạn văn. Đó là một cố gắng đầy khó nhọc mà sáng nào ông cũng buộc mình phải làm để tiếp thu cho được bài xã luận chính trị của tờ Herald. Brodie cho đó là việc phải làm của một người có địa vị như ông. Hơn nữa, nhờ vậy mà ông có được những luận cứ vững mạnh trong các cuộc nói chuyện có tính cách quan trọng. Tuy vậy, đến sáng hôm sau ông đã hoàn toàn quên mất ý nghĩa chính yếu của bài báo.
Ông đã đọc như thế được nửa cột báo thì có tiếng gõ nhút nhát lên cửa kính. Ông la lên:
-Cái gì vậy?
-Thưa ông, ông Dron xin được gặp ông.
-Anh ta lại muốn gì tôi? Anh ta không biết rằng tôi đang bận đọc bài xã luận của tờ Herald sao?
Dron, anh chàng khốn khổ đáng thương, chẳng là cái thớ gì cả, đang đứng đằng sau Perry, nghe không sót một lời nào. Và Brodie đoán biết như vậy nên lại càng lớn tiếng hơn với những câu khó chịu nhất. Rồi, với cái cau mặt nhẹ, ông lắng nghe cuộc thảo luận thì thầm diễn ra ở bên ngoài cánh cửa.
-Thưa ông, ông ấy bảo chỉ xin ông có một phút thôi,- Perry nói.
-“Thật là chỉ một phút thôi à! Này, anh ta sẽ may mắn lắm, nếu được tôi dành cho một giây. Tôi không muốn gặp anh ta tí nào cả”. Brodie lại la lên. “Anh hãy hỏi anh ta có điều gì muốn nói, và nếu không có gì quan trọng, anh ta hãy để dành hơi mà thổi nguội tô cháo của mình!”
Lại bàn luận thì thầm… Perry cho Dron biết rằng anh đã làm tất cả những gì anh có thể làm được.
-Vậy anh hãy đích thân nói chuyện với ông ấy đi!
Sau cùng, Perry nói lầm bầm, bỏ trở lại quầy hàng. Dron mở hé cánh cửa và ghé một mắt nhìn vào.
-À! Anh đó à? – Brodie nói, mắt không nhìn lên khỏi tờ báo và làm ra vẻ đang chăm chú đọc.
Dron hắng giọng và mở cánh cửa rộng hơn một chút,
-Thưa ông Brodie, tôi có thể nói với ông một câu không, chỉ một phút ngắn thôi? Tôi sẽ không quấy rầy ông lâu hơn…
Và anh ta từ từ lách mình qua cánh cửa, bước nhẹ vào văn phòng.
-Nào, chuyện gì thế? – Brodie càu nhàu, ngước mắt lên với một vẻ bực bội – Tôi không hề dính líu đến anh và chúng ta không có gì mật thiết với nhau.
-“Thưa ông, tôi biết điều đó lắm”. – Dron trả lời một cách nhún nhường – “và chính vì vậy mà tôi đến đây gặp ông. Tôi đến để xin ý kiến của ông và cũng có một đề nghị xin trình bày với ông”.
-Nào, cái gì nào? Anh đừng đứng đó như một con gà mái trên một tấm “tôn” nóng bỏng.
Dron bối rối xoắn tròn cái nón kết.
-Thưa ông, tôi không thành công trong việc buôn bán và tôi đến xin bàn về căn nhà của tôi.
-Anh muốn nói đến căn tiệm đổ nát của anh?
-“Tôi biết nó đã bị bỏ trống từ lâu rồi”, - Dron trả lời một cách nhút nhát, “nhưng dầu sao nó cũng là một tài sản, gần như là cái tài sản duy nhất của tôi. Mấy ngày qua, tôi bỗng nảy ra một ý mà tôi tin là có thể làm cho ông chú ý đến.”
-“Thật là tuyệt diệu” – Brodie cười chế nhạo. – “Anh hẳn phải có một đầu óc thông minh lắm mới tìm ra được những ý nghĩ hay như vậy… Chẳng bao lâu nữa, chắc anh sẽ được vào hội đồng thành phố. Nào, hãy nói cho tôi biết cái ý nghĩ tuyệt vời đó đi!”
-Tôi nghĩ rằng ông là một nhà kinh doanh lớn, cửa tiệm hiện giờ có lẽ quá nhỏ và có thể ông có ý muốn phát triển thêm bằng cách mua căn nhà của tôi.
Brodie nhìn anh một lúc lâu với vẻ chế nhạo, rồi nói:
-À, thế ra vì muốn cho tiệm tôi phát triển mà sáng nay anh đã đến đây hai lần, phải không?
-Không phải, thưa ông. Nhưng như tôi vừa nói với ông, tôi đã thất bại trong thời gian vừa qua, rồi bị hết chuyện này đến chuyện khác; thêm vào đó vợ tôi lại sắp sinh. Vì vậy tôi phải bán hoặc cho mướn căn nhà ấy.
-“Quả thật là quá buồn cười!” – Brodie la lớn lên – “Những kẻ nghèo hèn như các anh mà lại muốn có những gia đình đông đảo… Tuy nhiên, tôi hy vọng anh không buộc tôi phải chịu trách nhiệm về đứa nhỏ sắp sinh chớ? Ồ! Tôi biết rồi, tôi nghe nói anh có một bầy con đông đến độ anh không thể nào nhớ hết tên chúng. Nhưng”, ông ta đổi giọng nói tiếp, “anh đừng bắt tôi phải chịu trách nhiệm về chúng. Việc làm ăn của tôi là của tôi và tôi điều khiển nó theo ý thích của tôi. Tôi không hề nghĩ đến việc phải sắm các tủ bày hàng bằng kính, cũng như phải biếu vài gói kẹo kèm theo mỗi cái nón bán ra.Thế ra, anh không biết các khách hàng và bạn của tôi đều là những kẻ cao quí và lịch sự nhất trong thành phố này à? Căn tiệm trống không của anh từ nhiều tháng nay đã là một vết nhơ cho cửa hàng danh giá của tôi. Anh hãy cho thuê nó, nếu anh muốn. Còn tôi, tôi sẽ không bao giờ thuê nó. Bây giờ anh hãy đi đi và đừng bao giờ quấy rầy tôi như thế nữa. Tôi bận việc và không có thì giờ để nghe những lời than vãn ngu đần của anh”.
-“Được, được, thưa ông Brodie” – Dron trả lời một cách ung dung, vừa xoay tròn cái nón kết trong tay. – “Tôi rất tiếc đã làm mất thì giờ của ông, nhưng tôi nghĩ rằng việc thăm dò ý kiến của ông đâu có gì sai quấy… nhưng, ông đã tỏ ra quá khắc nghiệt.”
Anh quay người đi ra, đúng lúc Perry, rất xúc động, chạy bổ vào phòng.
-“Thưa ông Brodie” – Anh ta lập bập nói, “tôi vừa trông thấy chiếc xe độc mã của Sir John đến trước cửa”.
Người làm công có thể tiếp đón những khách hàng ít quan trọng, thuộc loại tầm thường; bổn phận của anh là phục vụ họ, để cho ông chủ không bị họ quấy rầy. Nhưng khi một nhân vật quan trọng đến cửa hàng, anh ta phải chạy đi báo cho chủ, lanh lẹ như một con chó săn.
Brodie nhướng đôi mày lên nhìn Dron như để nói: “Anh thấy chưa”, rồi vì không muốn Sir John trông thấy ông đang nói chuyện với một con người kém sang trọng như vậy, ông lôi nhanh anh ta ra khỏi văn phòng, xô mạnh về phía cửa. Dron chúi nhủi, té ngửa ra ngoài đường vừa đúng lúc Sir John Latta nhảy xuống ngựa. Ông này cười ha hả một cách thích thú.
-“Đã quá lâu rồi tôi không được thấy điều gì ngộ nghĩnh đáng cười như vậy” – Sir John vừa tiến đến gần vừa nói với Brodie – “Gương mặt sửng sốt của anh chàng thảm hại kia có thể làm cho khán giả cười bể rạp Dury Lane[ii]” – Rồi ông ta chép miệng, ra vẻ thương hại, tay cầm găng đập đập vào đùi:
-May mắn là anh ta không hề hấn gì. Phải chăng anh ta đã quấy rầy ông?
-Không có gì, thưa Sir John, nhưng anh ta là một anh chàng nhỏ thó khó chịu, lúc nào cũng làm người khác phải bực mình.
-“Cái thằng cha sinh non ấy à?” – Sir John ngắm nhìn Brodie một cách sành sỏi – “Ông là một người có sức mạnh ít ai bì được”.
- “Tôi chỉ mới đẩy nhẹ thôi”. – Brodie nói với vẻ khiêm tốn giả tạo, sung sướng vì đã có dịp lôi cuốn được sự chú ý của ông giám đốc các xưởng đóng tầu Latta. “Chỉ một tay thôi, tôi có thể đập chết mười hai người như anh ta”. Brodie nói tiếp một cách lơ đễnh. “Nhưng tôi không muốn hạ mình làm việc đó: điều đó không xứng đáng với tôi!”
Sir John Latta liếc nhìn ông ta một cách châm biếm:
-Anh là một mẫu người đặc biệt, Brodie. Tôi nghĩ có lẽ vì vậy mà tôi rất thích anh. Một thân thể của Hercule[iii] và bộ óc của một… - Ông mỉm cười với Brodie – Anh biết câu La tinh: “Odi profanum vulgus et arceo” ( Tôi ghét hạng người tầm thường và tôi tránh xa họ).
-“Hoàn toàn đúng, hoàn toàn đúng!” – Brodie trả lời bằng một giọng nhã nhặn – “Ông biết diễn tả sự việc một cách tuyệt diệu, Sir John. Có một vài câu thuộc loại như thế trong tờ báo Herald sáng nay. Tôi đồng ý với ông”.
Brodie không biết hết cái thâm ý của Latta.
-“Tuy nhiên, anh không nên đi quá xa”. – Sir John nói tiếp, lắc đầu như để cảnh cáo Brodie – “Kẻ nào muốn đi du lịch xa… Anh đừng gây xáo trộn trong thành phố và đừng nếm quá nhiều món cavie quí phái. Tôi hy vọng anh sẽ hiểu rõ ý tôi muốn nói… - Này…”, Sir John đột ngột thay đổi đề tài và thái độ trở nên xa cách, ít thân mật hơn, “tôi không thể mất thì giờ ở đây bởi vì tôi rất bận. Sắp có một cuộc họp, nhưng tôi cần có một cái mũ panama thứ thiệt, anh biết chứ? Tôi chưa bao giờ thấy mặt trời nóng bức như lúc này. Anh hãy gởi mua nó từ Glasgow, nếu cần. Anh đã có sẵn ni-tấc của tôi”.
-Sẽ có đủ kiểu tha hồ cho ông lựa chọn ngay chiều nay. Tôi sẽ không để cho nhân viên của tôi lo việc này, chính tôi đích thân lo lấy.
-“Tốt! À này, Brodie”, - Ông Latta dừng lại, nói tiếp lúc sắp ra tới cửa, “tôi quên báo cho anh biết các nhân viên của tôi ở Calcutta viết thư về cho hay họ đã sẵn sàng để đón nhận con trai của anh. Cậu ấy có thể lên tàu vào ngày 14 tháng sáu, chiếc tàu một ngàn chín trăm tấn, một chiếc tàu đẹp. Cômg ty chúng tôi sẽ giữ cho cậu ấy một ca-bin”.
-“Thưa Sir John, ông thật quá tốt bụng”. Brodie khúm núm thốt lên. “Tôi vô cùng biết ơn ông đã giúp đỡ tôi.”
-“Không có gì, không có gì đâu!” – Ông Latta nói bằng một giọng như thể đang nghĩ đến một việc gì khác. “Chúng tôi không thiếu gì thanh niên ở bên này, nhưng tại các bến cảng ở bên kia, cần những thanh niên tốt, tôi muốn nói… có lẽ không cần phải nói đến điều đó, nhưng dầu sao cậu ấy cũng nên chú ý giữ gìn khi ở bên đó, nơi mà cuộc sống đôi khi làm cho một thanh niên mới lớn phải bị hụt chân. Tôi sẽ nói với cậu ấy một tiếng về việc này nếu tôi có thì giờ. Tôi hy vọng rằng cậu ấy sẽ thành công. Còn cô gái lớn xinh đẹp của anh thế nào?”
-Nó rất khỏe.
- Và cô gái nhỏ tinh nghịch?
- Thưa Sir John, nó cũng rất khỏe.
-Còn bà Brodie?
-Cảm ơn ông, vợ tôi cũng tạm.
-Tốt lắm. Thôi tôi đi. Đừng quên cái mũ của tôi nhé.
Ông ta nhảy lên chiếc xe độc mã, dáng dấp lịch sự và thanh nhã, nắm lấy sợi dây cương do người hầu giữ ngựa trao lại và cho xe chạy bon bon.
Hai bàn tay xoa vào nhau, đôi mắt mở to vì hứng khởi, Brodie trở vào, và với một sự hoạt bát bất thường, ông ta nói lớn với Perry.
-Anh có nghe không? Anh có thấy thật là tuyệt vời không? Có xứng đáng để anh phải lắng nghe hai cái lỗ tai dài mà nghe không? Nhưng tôi nghĩ rằng phân nửa những lời nói của chúng tôi vượt khỏi trí thông minh của anh… anh không hiểu được tiếng La tinh. Nhưng anh đã nghe những điều Sir John nói với tôi… nhiệm sở mà ông ấy dành cho con trai tôi, và cách mà ông ấy thăm hỏi gia đình tôi? Anh hãy trả lời cho tôi đi, đồ ngu: anh có nghe những điều Sir John đã nói với James Brodie không?
-Thưa ông, vâng, - Perry nói, lắp bắp, - tôi có nghe.
-Anh có thấy cách ông ta đối xử với tôi không?
-“Dĩ nhiên là có, thưa ông”. – Perry trả lời, lấy lại bình tĩnh và hiểu rằng mình sẽ không bị quở mắng vì đã nghe trộm – “Tôi không có ý định… nghe lén, nhưng tôi đã quan sát cả hai ông và thưa ông, tôi cũng nghĩ như vậy: Sir John là một con người lỗi lạc. Ông ấy đã tỏ ra quá tốt đối với mẹ tôi khi cha tôi qua đời bất thình lình. Ồ! Vâng, thưa ông, Sir John luôn luôn có những lời nói tử tế và một hành động hào hiệp đối với tất cả mọi người.”
Brodie nhìn anh ta với một vẻ bực tức.
-Xì! – Ông nói bằng một giọng khinh bỉ. – Anh chỉ toàn nói những điều bá láp, đồ ngu. Anh không hiểu những gì tôi muốn nói, thật đần độn, anh không hiểu được.
Và cho rằng anh chàng đáng khinh này không xứng đáng cho mình chú ý đến, ông ta đi trở lên văn phòng bằng một bước đi ngạo nghễ, hống hách. Brodie ngồi vào ghế bành rồi tự sắp xếp lại các trang báo, vừa tự thì thầm với mình như một kẻ đang thích thú nghiền ngẫm một điều bí mật lớn lao mà ông ta ưa thích nhất:
-Nó không hiểu được, nó không hiểu được!
Ông ngồi như thế trong một phút, nhìn đăm đăm vào khoảng không với một ánh mắt đen tối, rồi bỗng lắc đầu. Bằng một cố gắng lớn lao của ý chí, Brodie có vẻ đang xua đuổi một ý nghĩ, như thể sợ nó sẽ chế nhạo ông. Sau cùng, lắc mạnh người như một con chó lớn, ông lấy lại bình tĩnh, nhìn vào tờ báo, và với vẻ mặt thanh thản, ông tiếp tục đọc.
Chú thích:
[i] Tantale: Nhân vật thần thoại Hy Lạp, vua xứ Lydie. Ông bị thần Zeus xô xuống đáy địa ngục và đày phải chịu cực hình đói và khát triền miên. Khi đang ở giữa sông, ông muốn uống nước thì nước liền trôi đi xa và khi ông muốn đưa tay hái trái thì các cành cây liền vướn lên cao, ra khỏi tầm tay ông.
[ii] Dury Lane: một rạp hát nổi tiếng ở Luân Đôn.
[iii] Hercule (Heracles): Nhân vật thần thoại Hy Lạp, con trai của thần Jupiter (Zeus). Ông nổi tiếng vì có một thân hình vạm vỡ và một sức mạnh phi thường.