Lật Mở Thiên Thư

Quyển 1 - Chương 6-4: Kết thúc

Câu chuyện này có quá nhiều dấu hỏi, tôi và Mông Nhân mới chỉ biết về ba người là Lỗ Sam, Trương Kha và Lý Phương. Theo Lỗ Sam nói, thì cả ba đều là người mang nguồn lây nhiễm bệnh AIDS. Lý Phương bị Lỗ Sam truyền bệnh cho, Trương Kha là chồng Lý Phương thì tất nhiên cũng bị lây nhiễm; nhưng, trước đây ai đã truyền bệnh cho Lỗ Sam?

Mông Nhân thì cho rằng: cứ nhìn cung cách ăn nói hoặc vài hành vi khác của một gã như Lỗ Sam, thì có thể nhận định rằng, tạm coi anh ta là một gã trẻ tuổi có tài viết lách, sở trường của dân viết lách là gì? Là phỉnh phờ con gái lên giường hoặc lừa để mình lên giường người ta; hậu quả của tình dục bừa bãi là gì? Là không thể không sinh bệnh, hoặc là… trực tiếp thăng hoa thành bệnh AIDS.

Còn tôi thì cảm nhận điều này: khi Lỗ Sam kể với chúng tôi câu chuyện đó, anh ta đã mấy lần nhắc đến cô gái ở thành phố D…

Không lâu sau đó, tôi nhìn thấy một mẩu tin trên báo: một cô gái, phẫn uất vì trước đó bị bạn trai truyền bệnh AIDS cho, cô đã đi làm gái mại dâm để trả thù đời. Ngoài ra cô còn viết thư báo cho cảnh sát biết sự thật. Chuyện này đã gây ra nỗi hoảng loạn cho cả thành phố trong một thời gian dài…


Đọc xong mẩu tin này, tôi ngẫm nghĩ: cô gái ấy cố ý đi trả thù thế giới, còn Lỗ Sam thì sao? Chẳng lẽ anh ta lựa chọn một cách rất khó bị người ta phát hiện ra để đi trả thù hay sao? Anh ta trả thù ai? Lý Phương, hay là cả thế giới này?

Đôi khi, một số người muốn trả thù nhưng không trả thù được, còn chính mình thì phải bỏ mạng. Trương Kha là như thế, và Lỗ Sam cũng như vậy… Người trả thù thường nhằm vào một ai đó cụ thể chứ không phải toàn thể người đời; hành động trả thù của một người đã gây ra phản ứng dây chuyền là điều người ấy không hề lường trước…

Sau khi tôi kể cho lão Phó nghe câu chuyện này, lão Phó trầm ngâm không nói gì, hồi lâu sau cậu ta bỗng bật ra một câu: “Cậu nói kể cũng phải, lỡ mà Mễ Đâu bị AIDS rồi thì sao?” Nghe xong câu này tôi suýt ngã nhào xuống đất. Đầu óc lão Phó toàn chứa những thứ láo nháo như bã đậu, không thích nạp những điều đáng nạp chứ gì?

Lão Phó đứng dậy bước ra ban công, vươn vai duỗi tay, rồi nói: “Cậu Bạch à, cậu đừng kể với tôi những thứ này nữa, thâm tâm tôi không hận thù ai, không hề, thật thế! Thực ra, nó là chuyện tự nguyện của mọi người với nhau. Mễ Đâu chưa từng nói với tôi rằng cô ấy muốn gắn bó với tôi, tôi đã nói với cô ấy, nhưng cô ấy chỉ im lặng; tôi hiểu rằng cô ấy không muốn tôi bị tổn thương. Thực ra, tôi có là gì đâu? Tôi là đồ bỏ đi, tôi sống nhờ vào tiền bạc của cha tôi để lại. Không thiếu ăn thiếu mặc nhưng lại không có cha, không có ông nội, cả gia đình tôi chông chênh bất ổn.”

Nghe lão Phó nói những lời này, tuy có cảm giác hơi bi ai nhưng vẫn thể hiện cậu ta đã ra khỏi quỹ đạo có phần lệch lạc trước đây.

“Hiện giờ tôi thiếu một niềm hy vọng. Trước đây tôi không hy vọng sẽ tìm thấy cha tôi, nên tôi gửi gắm niềm hy vọng vào Mễ Đâu, nghĩ rằng mình có thể có một gia đình, gia đình hoàn chỉnh. Nay tôi lại nhìn thấy một tia hy vọng, có lẽ bức thư mời này có thể đem lại cho tôi một thứ gì đó. Cậu xem, có phải thế không?” Nói xong, lão Phó nhoẻn miệng cười với tôi, cười rất đôn hậu chân thành. Đã khá lâu rồi, đây là lần đầu tiên lão Phó cười hết sức tự nhiên.

“Lão Phó à, thực ra tôi cảm thấy, con người ta sống trên đời có nơi để ngủ có cái để ăn đã đành, nhưng hy vọng và nguyện vọng sẽ nâng đỡ con người rất nhiều.” Rồi tôi lấy ra bức thư mời và mẩu giấy mà Thạch Bình Nhi viết cho tôi, đọc đi đọc lại, ngẫm nghĩ hồi lâu. Cuối cùng tôi lại cất vào túi áo.

Việc chỉnh lý của tôi đối với “Phục thù ký”

Thực ra, tôi vốn định đặt phần Ghi chép này lên trước tất cả các phần Ghi chép khác, tôi không rõ làm thế có được coi là kỳ lạ không. Mấy năm trước chưa chỉnh lý phần ghi chép này, tôi cùng Mông Nhân và Chó Bự (nhân vật Chó Bự, được ghi chép trong cuốn “Nhật ký Mông Nhân” do Mông Nhân viết, và trong cuốn “Tuổi xuân lướt nhanh” do tôi viết) đã liên kết viết ba câu chuyện nhỏ “Ba canh” na ná như kiểu điện ảnh Hồng Công. Kể cũng khéo làm sao, ba chúng tôi viết xong phần của mình thì đem ra xem, nào ngờ cả ba câu chuyện đều có một đoạn viết về cái ban công. Câu chuyện do Mông Nhân kể, là cải biên từ lời của một bạn trên mạng QQ thuật lại về những trải nghiệm của mình. Còn Chó Bự thì cải biên từ những lời đồn đại kỳ quái của khu chung cư cậu ta ở. Tuy nhiên chúng tôi đều biết, nội dung chân thực nhất vẫn là “Phục thù ký” này của tôi (vốn dĩ trong câu chuyện này tôi dùng ngôi thứ nhất “tôi” để kể chuyện). Còn về anh chàng Lỗ Sam, đương nhiên là tôi đã đổi tên, nếu không, người ta lên mạng sẽ tra cứu ra ngay con người này - dù đã nhiều năm nay anh ta không có tác phẩm nào nữa. Nghe đồn rằng anh ta đã ẩn cư, tuy nhiên, về độ chân thực của câu chuyện này vẫn có thể khảo chứng, nếu anh ta kể đều là chuyện bịa, mà tôi lại viết ra, lỡ anh ta đứng ra kiện tôi về tội bôi nhọ anh ta thì gay! Tôi thậm chí vẫn thấy lo lo, rằng đây là chuyện anh ta bịa ra hoàn toàn, nếu có ngày người ta cải biên nó rồi quay thành phim truyền hình hoặc phim nhựa, anh ta sẽ kiện vì xâm phạm bản quyền, sao chép thì chết dở.

Tuy nhiên, mẩu tin thời sự về cô gái bị bạn trai truyền vi-rut HIV… là có thật. Bạn nào rỗi rãi có thể cứ tra cứu lại thì biết. Tôi không tiện nói rõ mẩu tin ấy do khu vực nào phát ra, vì tôi thật sự lo rằng sẽ gây xôn xao dư luận, và sẽ có người đứng ra chỉ trích tôi kỳ thị địa phương.

Vào những năm tháng mà việc giải phóng tình dục có phần quá trớn, thì hình như khoái cảm xác thịt đã chiến thắng cả nỗi sợ hãi bệnh tật, hình như trên đời chưa từng có thời đại một người có một bạn tình. Sự tiếp xúc giữa nam và nữ có thể từ gặp mặt, bắt tay, dắt tay, ôm nhau, hôn nhau, cuối cùng phát triển thành lên giường; có rất nhiều người tiếp xúc với đối phương chỉ đơn thuần vì khoái cảm xác thịt, giống như mẩu truyện cười: có đứa trẻ con chỉ vào bố mẹ và nói “các vị sinh ra tôi, nuôi tôi thật, nhưng ban đầu không phải là các vị vì muốn hưởng thụ cái quá trình sản xuất ra tôi hay sao?” Tôi không muốn đi sâu nghiên cứu căn bệnh này hoặc các vấn đề về nhân tính hay giá trị quan, thế giới quan, tôi chỉ đơn giản là ghi chép lại sự việc chứ không quan sát đạo đức hoặc định tố cáo cái gì cả…

Thoạt đầu tôi định coi phần này là chương một của bài bút ký, nhưng nghĩ đi nghĩ lại mãi, thấy rằng làm thế e có phần quá nặng nề, và nó sẽ hơi vênh về mặt thời điểm tôi kể chuyện này cho lão Phó nghe. Cho nên tôi vẫn trình bày theo thứ tự thời gian để đặt nó ở đây, mong rằng sự “nặng nề” này không gây cho mọi người những cảm giác không vui.

(Hết “Phục thù ký”)