Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 2: Dưa muối

Người đánh xe lừa là một ông lão tầm năm mươi tuổi, trên người khoác một chiếc áo bằng vải bố có lót bông trùm kín tới tận gối, đầu đội một chiếc mũ da sáu mảnh, đôi tay giấu trong tay áo, cười hiền hòa.


Hàn thị mang bọc chăn đệm lên xe lừa rồi quấn chặt Vân anh vào trong chăn như gói bánh chưng, xoa đầu nàng, "Ngồi ngoan đó cho mẹ, đừng có mà nghịch ngợm."


Vân anh cũng muốn ngồi yên nhưng đường đi gập ghềnh, xe lừa lại quá xóc, cứ đi một đoạn người nàng lại trượt ra khỏi tấm chăn. Hàn thị quấn đi quấn lại nhiều lần tự nhiên nảy ra ý tưởng nhờ ông lão đánh xe kiếm giúp bà một ít dây thừng để buộc cả người lẫn chăn lại cho đỡ mấy công.


Vân anh lắc đầu, nhất quyết không chịu, lấy tay giữ chặt tấm chăn, như vậy quá bằng trói nàng trong đống hành lý, cái ý tưởng này mà Hàn thị cũng nghĩ ra được!


Hàn thị vốn chẳng phải là người có ý có tứ gì, không biết để ý trước sau, hồi còn ở trong trại chăn nuôi, đôi khi bận quá còn quên mất mình có đứa con gái là Vân anh. Có một lần Vân anh đang thiu thiu ngủ trên chiếc ghế đá dưới bóng cây, Hàn thị đi làm về, chẳng thèm để ý, đặt mông xuống là ngồi luôn, ngay chỗ đầu nàng, may mà nàng còn tránh kịp.


Vân anh có thể sống đến năm bảy tuổi cũng chẳng dễ dàng gì!
Hàn thử kéo chăn của Vân anh ra vài lần, thấy không tuột ra nữa thì bật cười ha hả, đập một cái đánh bốp vào cánh tay gầy như que củi của nàng, "Hóa ra con cũng không yếu đâu nhỉ!"


Bà thầm nghĩ, xem ra việc bếp núc vẫn phù hợp với Đại Nha, xào nấu đồ ăn chẳng phải là cần cánh tay khỏe hay sao?


Trong lúc hai mẹ con còn đang co co kéo kéo, Vương thúc lại đang nói chuyện phiếm với ông lão đánh xe, đầu tiên là nói chuyện thời tiết năm nay và chuyện thu hoạch lương thực, sau lại nói về chi phí sinh hoạt trong nhà, rồi lại chuyển sang mấy tin tức quan trọng chốn kinh sư gần đây.


Ban đầu Vân anh cũng không chú ý nghe nhưng bỗng nhiên nghe được một cái tên quen thuộc thì bỗng ngẩn người.
Thôi Nam Hiên lại được thăng chức, hắn giờ đã là Lễ Bộ hữu thị lang.


"Thôi đại nhân là một vị quan tốt!" Ông lão đánh xe mỉm cười nói, "Từ khi vạn tuế gia đăng cơ tới giờ, Thẩm các lão và Thôi đại nhân đã làm nhiều việc tốt, tạo phúc cho vạn dân. Khi ấy sai dịch dẫn mấy vị trong huyện nha tới thôn đo đạc ruộng đất, tất cả mọi người đều sợ hãi đến vãi ra quần! Ấy thế mà quan gia đâu phải tới thu thuế, không chỉ không thu thôi đâu, mà còn miễn thuế là đằng khác! Giờ Thiểm Tây, Hà Nam đều không cần nộp thuế đinh, chưng thu lương thực, lao dịch, tất cả đều quy thành ngân lượng, vải vóc. Từ năm nay trở đi, dân cư sinh sôi nảy nở, ngày càng trù phú!"


Vương thúc cười ha hả, "Ông anh ạ, huyện Hoàng Châu chúng tôi năm kia cũng vậy! Còn sớm hơn bên anh nữa kia, nghe nói phía nam phủ Tô Châu, Hồ Châu, thuế ruộng cũng giảm xuống, còn nhiều thứ thuế chồng chất trước kia cũng được quy về một mối, việc vận chuyển lương thực bằng đường thủy, sửa đường, xây cầu đều do quan phủ chi tiền thuê nhân công!"


Ông lão đánh xe hơi ngượng ngùng, gãi đầu gãi tai, phẩy roi quất lừa, cười nói: "Thời buổi này ấy mà, phải cố gắng thôi, giờ không phải đã gần cuối năm hay sao, nhà cũng chẳng còn trồng trọt gì, lão già này cũng có chút thời gian làm thêm đôi việc, kiếm chút tiền, sang năm lại mua vài mẫu đất."


Vương thúc bình thường như cái hũ nút, cực kỳ ít nói, nhưng cứ nói đến hoa màu lương thực là như đã biến thành người khác, cứ như vậy hai người nói chuyện rôm rả quên cả trời đất.
Vân anh ôm chặt chăn đệm quanh mình, im lặng nghe họ nói chuyện với nhau.


Ông lão đánh xe khen Thôi Nam Hiên nức nở.
Giảm bớt những chức quan dư thừa, cải cách thuế khóa, đo lại ruộng đất...
Mỗi việc làm đều có lợi cho dân, cho nước, chỉ mấy năm mà hệ thống thuế khóa đã thay đổi hoàn toàn.


Vương thúc cũng cho là phải. Hai người họ sùng bái Thôi Nam Hiên nhưng lại gần như quên mất Nội Các thủ phụ Thẩm Giới Khê.


Xung quanh trại chăn nuôi là thảo nguyên rộng lớn, cách xa phố xá thành quách. Vân anh đã ba năm không rời trại một bước, cái tên Thôi Nam Hiên nàng từ lâu cũng chẳng nghe người ta nhắc đến nữa.


Thôi gia hồi đó đã sa sút lắm rồi, khi Thôi Nam Hiên lên kinh dự thi cũng chỉ có mấy đôi giày rơm, nên sớm hiểu được sự khó khăn của dân chúng. Từ trước khi đỗ Thám Hoa, hắn đã chuẩn bị kỹ càng kiến nghị để dâng lên hoàng đế, khuyên hoàng đế miễn trừ sưu cao thuế nặng, cái cách lại hệ thống quan lại.


Khi đó còn chưa yết bảng, hắn đã tin chắc mình sẽ thi đỗ, hắn từ nhỏ đã có danh thần đồng, không sợ bất cứ kì thi nào.
Có người từng nhận xét hắn ỷ có tài năng mà khinh thường người khác, kiêu ngạo tự mãn.


thật không ngờ, hắn thật sự đã làm được tất cả. Nếu như nói phò tá tân quân đăng cơ giúp hắn hắn có cơ hội để thể hiện được tài năng thì mấy năm nay, hắn đã cố gắng hết sức để thực hiện lý tưởng của mình, không sợ sự uy hϊế͙p͙ của đám người quyền quý, biết rõ cải cách lần này sẽ xâm phạm đến lợi ích của quan lại địa phương, đặc biệt là đám người ăn bám nọ nhưng vẫn tích cực hoàn thành, thực sự khiến người trong thiên hạ biết đến năng lực thực sự và thủ đoạn của hắn.


Thôi Nam Hiên là con người quyết liệt cũng tàn nhẫn như thế.


Vân anh nhớ tới lần cuối cùng nàng tới gặp cha mình, Ngụy Tuyển Liêm, khi ấy phủ Thuận Thiên nghênh đón trận tuyết đầu tiên của mùa đông, đêm tối đặc quánh, tuyết lặng lẽ rơi, cửa chính Ngụy phủ đóng chặt. Nàng đợi mãi, đợi mãi, đợi tới hơn nửa canh giờ, hai chân đã lạnh cóng tới mức chẳng còn cảm giác, Ngụy Tuyển Liêm mới chịu ra gặp nàng.


Tiên đế lúc sinh thời chưa lập Thái tử lại đột ngột băng hà khiến triều đình rung chuyển, nội các đại thần và quan viên lục bộ tranh đấu kịch liệt vì hoàng tử mà mình ủng hộ, chỉ trong mấy ngày, kinh sư như vừa lột xác, cái gì cũng đổi thay.


Cha nàng tóc bạc đi nhiều, như thể già đi mười mấy tuổi.


Vân anh nước mắt như mưa nhưng Ngụy Tuyển Liêm lại khẽ mỉm cười, nhét chiếc lò sưởi tay bằng đồng vào tay nàng, "anh Nhi, cha là thầy dạy của Vinh Vương, Hoàng Thượng hạ lệnh diệt cả nhà Vinh Vương rồi, sau đó chắc chắn sẽ đến phiên cha, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua muốn bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung), Ngụy gia phen này tránh cũng không được... Nghe cha nói, khi đó con đừng tới nữa, con đã là dâu Thôi gia." Ông vuốt lên tóc nàng, phủi đi bông tuyết trên mái đầu, "Thôi Nam Hiên cũng có công phò tá Hoàng thượng, Hoàng thượng tín nhiệm thần tử ủng hộ người từ đầu, về sau tất sẽ được trọng dụng. Đừng trách chồng con, cha với chồng con vốn chẳng thờ chung một chủ, chồng con cũng có cái khó xử riêng."


Ngày hôm sau, Ngụy Tuyển Liêm bị ngự tiền thị vệ đánh chết trước triều đình.
Ông biết rõ Ngụy gia gặp nguy, vẫn cười khuyên Vân anh trở về Thôi gia, dặn dò nàng đừng vì nhà mẹ đẻ mà ghét bỏ, xa lánh chồng mình.


Vân anh chỉ là phụ nữ tối ngày ở trong nhà, nào có hiểu chuyện triều chính, chỉ có thể bán đồ đạc, trang sức, quần áo lấy tiền để nhờ người lo lót.


Đáng tiếc là đã muộn, mẹ nàng là Nguyễn thị tính tình cương liệt, Cẩm Y Vệ mới phụng mệnh xuất phát, Chỉ Huy Sử còn chưa tới trước cửa, Nguyễn thị đã cùng với toàn bộ phụ nữ Ngụy gia tự sát.


Tin người nhà mẹ đẻ bỏ mạng và mũ phượng khăn quàng cáo mệnh của triều đình ngự ban cùng một lúc được đưa đến Thôi gia, hàng xóm láng giềng nườm nượp đến chúc mừng, Vân anh vẫn hết sức bình tĩnh, chẳng hề rơi một giọt nước mắt. Nàng bảo nha hoàn tiếp đón hàng xóm, còn bản thân thì quay về thư phòng, muốn viết cho Thôi Nam Hiên một bức thư nhưng ngồi mãi cũng chẳng viết ra nổi một chữ, mực trên ngòi bút chảy xuống tờ giấy đọng lại thành một vệt mực đen.


Cuối cùng nàng đi, chỉ mang theo chiếc lò sưởi tay mà Thụy Tuyển Liêm đã đưa nàng.


Ngụy Tuyển Liêm từng nói với nàng, Thôi Nam Hiên hết lòng vì thiên hạ, có chịu chút trắc trở cũng không vấn đề gì, chỉ cần thời cơ tới, hắn nhất định có thể nắm chắc cơ hội rồi sẽ như diều gặp gió rồi từ đây trời cao biển rộng thỏa chí tung hoành.


"Chồng con sau này nhất định sẽ trở thành một vị quan tốt, hết lòng vì dân." Cho dù bất đồng ý kiến, Ngụy Tuyển Liêm vẫn tôn trọng con rể mình như thế
oOo​


Vương thúc và ông lão đánh xe rôm rả bàn tán, Hàn thị cũng thích buôn chuyện, kéo màn xe ra góp lời: "Vị Thôi đại nhân kia năm nay mới hai mươi mấy tuổi thôi thật à?"


Hai mươi mấy tuổi, người bình thường có khi còn đang học tập gian khổ để chuẩn bị cho kỳ thi, vậy mà Thôi đại nhân đã lên tới chức Lễ Bộ hữu thị lang rồi!


Ông lão đánh xe cười đáp: "Đúng là như thế. Thôi đại nhân đỗ Thám hoa năm Đồng An thứ hai mươi. Tiên đế tự mình ra đề kiểu tra các vị tiến sỹ, thấy tài năng của Thôi đại nhân thì vô cùng quý trọng, nếu chẳng phải Thôi đại nhân đã kết hôn, tiên đế còn định phong ngài ấy là phò mã nữa cơ!"


Hàn thị nghe được câu cuối thì hiểu ngay Thôi đại nhân cuối cùng cũng không cưới công chúa, tỏ ra tiếc nuối. Thư sinh nghèo vào kinh dự thi, đỗ đạt thành danh, công thành danh toại, cưới được công chúa... như thế mới là hoàn mỹ chứ! Ai dà...
Vân anh ngồi bên cạnh chậm rãi khép mi.


Ngụy thị đã chết, Thôi Nam Hiên hiện giờ thăng quan tiến chức, danh tiếng ngất trời, chẳng còn là thư sinh nghèo ngày xưa mặc chiếc áo vá chằng vá đụp, chân đi giày rơm, tay cầm một túi bánh nướng vào kinh nữa, con gái quan lại muốn gả cho hắn nhiều như lá rụng mùa thu. Tuy vậy Vân anh có thể khẳng định Thôi Nam Hiên sẽ không cưới công chúa, mục tiêu của hắn nào đâu phải giàu sang phú quý, hắn có lý tưởng lớn hơn nhiều, bởi thế cũng khinh thường cái danh phò mã này.


Ngụy Tuyển Liêm khuyên Vân anh không nên vì Thôi Nam Hiên thấy chết không cứu mà giận dỗi hắn. Cha nàng thật ra không biết rằng khi ấy nàng căn bản cũng không nghĩ nhiều đến chuyện Thôi Nam Hiên lựa chọn bên nào, người Ngụy gia đắc tội chính là Thiên tử, Thôi Nam Hiên nào có quan hệ gì đâu.


Ngụy gia và Thôi gia là đồng hương, hai bên gia đình từng đính ước với nhau. Sau này Thôi gia sa cơ lỡ vận, Thôi lão thái thái bán cả tổ trạch, đưa con cái đi nơi khác nhờ cậy họ hàng, từ đó hai nhà không còn liên hệ.
Năm Vân anh mười ba tuổi, Thôi Nam Hiên bỗng nhiên tìm tới cầu hôn.


Ngụy Tuyển Liêm thấy Thôi Nam Hiên nghèo khó, lại nhiều năm chẳng có liên lạc gì thì có phần do dự.


Khi đó nhà Binh Bộ thượng thư cũng muốn kết thông gia với Ngụy gia, công tử nhà họ tức giận phái binh lính tới vây chặt ngôi chùa bỏ hoang mà Thôi Nam Hiên đang trú ngụ, buộc hắn phải trả lại tín vật đính hôn giữa hai nhà Thôi - Ngụy. Thôi Nam Hiên nhất định từ chối.


Vân anh từ nhỏ do Nguyễn thị dạy dỗ, thêu thùa may vá đều xuất sắc, lời ăn tiếng nói tinh tế quy củ, kính cẩn vâng lời cha mẹ.
Lần này, Nguyễn thị yêu cầu nàng thực hiện ước định giữa hai nhà, gả cho Thôi Nam Hiên.


Ngụy Tuyển Liêm gọi nàng vào nói với nàng, Thôi Nam Hiên nghèo đến mức chẳng có tiền vào ở khách điếm, hỏi nàng có sợ không.
Nàng trả lời: "Cha, con không sợ vất vả."
Ngụy Tuyển Liêm thở dài một tiếng rồi từ chối Binh Bộ thượng thư.


một năm sau, Vân anh gả cho Thôi Nam Hiên, của hồi môn chỉ có hai rương quần áo và vài món trang sức đơn giản.


Thôi Nam Hiên từ nhỏ đã có tài, nào có thể không cao ngạo, hắn không muốn mang tiếng dựa vào nhà vợ, cự tuyệt sự trợ giúp của nhà mẹ đẻ nàng. Ngụy Tuyển Liêm lo cho đôi vợ chồng trẻ vì mấy thứ đồ cưới mà xích mích liền không để Vân anh mang đồ đi, cất vào trong khố phòng giữ cho nàng.


Đợi đến khi Thôi Nam Hiên đỗ Thám hoa, Ngụy gia mới mang đồ cưới của Vân anh tới Thôi gia.


Trong mấy năm ấy, Vân anh từ một tiểu thư ở nhà không phải làm lụng gì đã học được cách nhóm lửa nấu cơm, trải giường gấp chăn, học được cách tằm tiện chi tiêu, làm thế nào để dùng một số tiền nhỏ nhất mua được mớ rau tươi ngon nhất, làm thế nào để chế biến bó rau dại vừa chua vừa chát thành món dưa muối ngon miệng...


Nàng chưa từng làm gì có lỗi với Thôi Nam Hiên.
Lúc rời bỏ Thôi gia, trong lòng nàng không còn gì lưu luyến, dù chỉ là một chút.
Người nhà mẹ đẻ đều đã chết, tim nàng cũng đã chết, nào còn hơi sức đi hận người khác.


Từ lâu đã chẳng còn hận thù, chỉ còn hờ hững thờ ơ.
Trước khi lấy chồng, nàng cửa chính không ra cửa sau không tiến, luôn nghe lời cha mẹ và anh trai. Sau khi lấy chồng, toàn bộ vinh nhục của nàng đều gửi gắm ở Thôi Nam Hiên.


Nhà mẹ đẻ gặp nạn, ngoài việc khóc lóc cầu xin chồng giúp đỡ, nàng chẳng làm nổi điều gì.
Nàng là con gái của Ngụy gia, là vợ của Thôi Nam Hiên, Thôi Ngụy thị, nhưng nàng chưa từng là chính mình... Thân như cánh bèo, nước chảy bèo trôi.


Thực ra nàng đâu có thích những thứ quy củ mà Nguyễn thị dạy nàng, nàng ghét cay ghét đắng việc cả ngày làm việc nội trợ, nàng mệt mỏi rồi, nàng không muốn tự tra tấn chính mình nữa.
Rồi nàng chết đi, nàng trở thành con gái Đại Nha của Phó gia.


Chiếc xe lừa chạy qua khúc cua đường núi, gió trên núi thổi xuống làm lay động màn xe, mấy hạt mưa đá nho nhỏ văng vào chăn đệm trên xe.


Hàn thị nhìn mà rầu rĩ, mấy cái chăn này đến phủ Khai Phong còn phải dùng đấy! Bà giang tay giang chân, bò lên chăn đệm, định dùng thân thể của mình để che bớt, hy vọng băng tuyết không làm ướt chúng.


Vân anh lắc đầu bật cười, tựa vào người Hàn thị, ôm lấy eo bà, hai người sát vào nhau như vậy cũng ấm áp hơn một chút.