Lạnh lùng

Phần 3

PHẦN THỨ BA

I

Nhung quay lại nói với vú già đương đứng đợi ở ngoài:

- Thôi vú cứ về trước đi. Mợ còn mua vài thứ rồi mợ về sau.

Nhung thấy buồn và biết rằng về nhà cũng không có việc gì, nên định đi thăm các cửa hàng mua một vài thứ lặt vặt. Khi vú già đã đi xa Nhung trả tiền rồi bước ra hè phố.

Đi một mình lẫn với những người qua lại rộn rịp, không ai quen biết, Nhung thấy mình như người vừa thoát khỏi nhà tù ra, ngây ngất sống cái đời tự do, không bó buộc. Nhưng trong lúc đi lẫn với người khác, nàng thấy một nỗi buồn ngấm ngầm ở trong lòng, nàng vừa đi vừa cố nhớ đến tên một vài người bạn học cũ để lại chơi, vì nàng chỉ muốn có được một người bạn tâm giao, nói vài câu chuyện cho khuây khỏa. Song nghĩ mãi nàng cũng không thấy có người bạn nào có thể an ủi được nàng.

Đi ngang qua một hiệu sách, Nhung đứng lại lẩm nhẩm đọc tên những cuốn tiểu thuyết bày ở cửa hàng. Bỗng nàng để mắt đến một bản đồ treo ở trong cùng, nàng cúi mặt, đặt bàn tay lên trán che ánh sáng cho khỏi chói, rồi đưa mắt nhìn theo những con đường ngang dọc tìm trên phố. Nàng bàng hoàng khi đọc đến mấy chữ:

- Đường số hai trăm sáu mươi.

Thấy có một bọn học trò lại đứng bên cạnh, Nhung giật mình ngửng lên rồi bỏ đi nơi khác.

Nàng cắm đầu đi thật nhanh lẫn vào đám đông để khỏi nhận thấy lòng nàng đương hồi hộp và quả tim nàng đương đập mạnh. Nhung đi vội nên chạm vào một người đàn ông. Người ấy quay lại toan cự, nhưng chắc cảm vẻ sắc đẹp của nàng, nên mỉm cười nói:

- Xin lỗi cô.

Nhung giữ nét mặt nghiêm nghị không đáp lại, nhưng trong lòng nàng rất vui thích được người ấy gọi mình là cô. Tự nhiên nàng nhìn sang bên cạnh để ngắm bóng mình trong mặt kính cửa hàng. Gần đấy có đặt một chiếc gương lớn, song đến nơi, Nhung phải quay mặt đi, vì nàng sợ nhìn rõ nét mặt trong gương, nàng sẽ ngượng với những ý tưởng bất chính đương rạo rực trong lòng nàng lúc đó.

Tới đầu phố, Nhung nhìn ngang ngửa xem có gặp ai quen không, rồi vẫy một cái xr tay lại. Nàng hỏi người phu rất sẽ:

- Lên Ô mấy xu?

Thấy người phu cất tiếng rất to nhắc lại tên phố và đòi giá rất cao, Nhung vội vàng nói bằng lòng, lên xe ngồi không muốn cho người phu xe hỏi lôi thôi.

Tới Ô, nàng trả tiền rồi đi quặt sang bên tay trái. Tìm một lúc, nàng thấy biển đề đúng tên phố.

Nhìn qua số mấy cái nhà trước mặt, nàng đã đoán được nhà Nghĩa ở vào quãng nào.

Nàng rẽ sang bên hè về phía số lẻ, khi trông thấy biển đề số hai mươi tám. Nhung thong thả đi lại và nhìn chăm chú vào cái nhà cách đây hai nhà.

Nàng lưỡng lự không biết nên tiến hay quay về, nhưng chân nàng vẫn bước đều đều. Nhà Nghĩa ở là một cái nhà đã cũ, mái lợp ngói, cột gỗ, tường đất chát vứa. Nhà xoay trái ra đường, trước cửa có một cái sân nhỏ và dài ăn thông từ cổng vào trong cùng nhà. Qua khung cổng nửa mở nửa khép. Nhung thoáng thấy mấy cái chum nước đặt dưới một cái giàn nho đã xiêu lệch. Trên dây thép buộc ngang hai cây cau, có phơi mấy cái khăn mặt và một cái áo chăn màu tím lấm chấm trắng. Cái chăn ấy trước kia đã nhiều lần nàng thấy phơi ở nhà nàng, ngoài vườn, ngay trước cửa lớp học.

Nhung bước vội sang bờ hè bên kia và đứng núp sau cánh cổng nhìn vào trong nhà. Nàng giơ tay gõ cửa, hồi hộp đợi. Không thấy ai ra, sợ đứng ở ngoài mãi có người trông thấy, Nhung bước qua cổng, khép cửa lại. Bỗng nàng giật mình, ngẫm nghĩ:

- Lỡ Nghĩa có khách đến chơi thì nguy.

Vừa lúc đó một đứa bé con chạy ra. Nhung hỏi:

- Ông giáo có nhà không em?

Đứa bé đoán chắc là người khách lầm nhà:

- Ở đây không có ông giáo nào cả.

Nhung toan hỏi đến tên Nghĩa thì đứa bé đã nói tiếp ngay:

- Ông chủ cháu đi vắng.

Nhung thấy nhẹ hẳng người. Nàng hỏi luôn:

- Thường lúc nào thì ông có ở nhà?

- Bẩm, buổi trưa và tối.

Muốn cho khỏi ngượng với đứa bé, nàng hỏi bịa:

- Ông đi dạy học.

- Bẩm không, ông chủ cháu làm việc nhà buôn.

Nhung quay ra:

- Thế thì tôi hỏi lầm nhà.

Rồi như sợ đứa bé theo ra hỏi giúp nhà làm hàng phố chú ý, nàng gọi cái xe, không mặc cả, bước lên bảo kéo về phía Ô. Khi ra nàng càng sợ có người quen nom thấy hơn vì không gì khó chịu bằng mang tiếng oan. Nàng thấy mình đã quá ư dại dột và mừng thầm rằng Nghĩa đi vắng. Nghĩ đến lúc về tới nhà, bà Án hỏi, nàng lo lắng:

- Không biết nói là đi chơi đâu bây giờ?

Nhung bảo xe kéo lại nhà Ninh, một người chị em bạn.

Ninh hỏi:

- Chị đi đâu về thế?

Câu hỏi đột ngột làm Nhung luống cuống không biết trả lời sao. Ngồi vào ghế, nàng thở dài lấy bàn tay đập đầu gối, nói:

- Đi mỏi cả đầu gốì mà không mua được thức gì, vì thức gì cũng muốn mua... Định vào rủ chị xuống chơi dưới tôi đây.

Ninh hỏi:

- Có việc gì đây? Tôi lại mắc bận.

Nhung khẩn khoản mãi. Ninh hơi lấy làm lạ không hiểu vì cớ gì hôm nay Nhung lại tha thiết đến mình và mời mình như vậy. Nhung thấy Ninh nhận lời, mừng rỡ vô cùng. Khi về tới nhà, có người chị em bạn đi bên cạnh, Nhung không còn sợ bà Án xét hỏi xem đi chơi nơi nào nữa. Ngồi mãi không biết nói gì, Nhung nhận thấy việc mời Ninh về nhà là vô lý hết sức. Nàng cố tìm một cuộc vui giải trí, nhưng không tìm ra, sau cùng nàng phải bịa câu chuyện rủ Ninh mở một cửa hàng buôn bán để đem ra bàn bạc.

Dầu sao, Nhung vẫn lo cái mưu ấy chỉ dùng được một lần thôi, và ngồi tư lự cố moi trong óc xem còn cách gì khác để cho mẹ chồng khỏi nghi ngờ. Nàng yên trí còn phải lại nhà Nghĩa nhiều bận đến nỗi đã vô tình lo viển vông. Tuy không dám tự thú nhận, nhưng nàng đã biết trước rằng thế nào nàng cũng đến nhà Nghĩa, những mối lo sự không đủ ngăn cản được nàng. Nhung lại gặp những nỗi băn khoăn lưỡng lự như hồi mới yêu Nghĩa. Nàng nghĩ đến tiếng thơm của mình, của nhà, để khỏi bị cám dỗ, nhưng tiếng gọi của sự ân ái có sức mạnh hơn, lúc nào cũng tha thiết vẳng bên tai. Mỗi lần nghĩ đến cái thú lẩn lút tới nhà Nghĩa, được gặp Nghĩa, nàng thấy hoa cả mắt và trong lòng rung động một cách êm ái.

Nhung không khác gì một người tự tử, lúc ngã xuống nước buột miệng kêu cứu, nhưng thật tình không mong có người khác nghe thấy, khoan khoái nhắm mắt lại để hưởng lấy cái cảm giác êm mát của làn nước nó sắp đưa mình đến cõi chết thoát ly.

II

Nhung đứng chống tay vào thân cây cau đợi Nghĩa cài then cổng. Khi Nghĩa đi lại phía nàng vẻ mặt Nghĩa và nụ cười thoáng qua trên môi chàng. Nhung thấy giống vẻ mặt và nụ cười của chồng nàng trước kia, khi bước vào buồng nàng hôm động phòng hoa chúc.

Nhung nhìn ngang ngửa hỏi:

- Cái nhà này anh thuê bao nhiêu?

- Có ba chục đồng bạc, nhà của anh em bạn nhường lại.

Nhung chợt nghĩ đến thằng nhỏ ra mở cổng hôm trước, nhìn vào trong bếp nói:

- Anh không có người nhà?

Nghĩa đáp:

- Anh cho về quê... vì anh đoán trước được rằng hôm nay có tiên đến chơi.

Nhung mỉm cười nghe câu nói văn hoa của Nghĩa, nàng quay mặt nhìn vào trong nhà một tay táy máy những mảng mốc trắng trên thân cau, một tay sửa vội vành khăn:

- Nhà này kể cũng mát.

Nghĩa không để tai nghe nên không nhận thấy ý mỉa mai của tiếng "mát" nói vào giữa lúc trời rét như cắt.

Chàng âu yếm bảo Nhung:

- Ta vào trong nhà thôi, đứng ở ngoài này gió lạnh.

Hai người vừa đi về phía cửa vừa hỏi nhau những câu tầm thường để cốt tránh sự yên lặng khó chịu.

Sắp bước lên thềm, Nhung cúi nhìn một cái chậu cây đặt ở gốc nhỏ:

- Cây gì lạ thế này, anh?

- Cây trinh nữ.

Nhung đứng lại ngây thơ nói:

- Lạ quá nhỉ, cây ray rút, thân đỏ mà lại mọc trong chậu. Sao lại gọi tên nó là trinh nữ?

Nghĩa lấy ngón tay búng một chiếc lá cho nó cụp xuống rồi nói:

- Tại nó biết thẹn... biết thẹn như em.

- Nhưng em có thẹn bao giờ đâu?

Nàng vừa cười vừa bắt chước Nghĩa búng những lá khác, vờ như mê mải với cái trò chơi mới lạ ấy.

Nàng bảo Nghĩa:

- Thử đợi xem bao lâu thì nó dựng lên.

Nhung cố kéo đài quãng thời gian đứng ở ngoài ánh sáng cho bạo dạn, vì nàng hãy còn lo sợ khi nghĩ đến lát nữa vào trong nhà chỉ có một mình nàng với Nghĩa.

Nghĩa kéo tay Nhung, gắt yêu:

- Thôi vào kẻo lạnh, em.

- Anh đừng chạm vào người em, em lại như cây trinh nữ rũ cả chân tay không đi được nữa.

Nàng vừa nói đùa vừa theo Nghĩa vào. Nghĩa bảo nàng ngồi ở ghế rồi ra khép cửa lại.

Ngồi trong gian nhà tối lờ mờ, Nhung tưởng mình không còn liên lạc với xã hội bên ngoài, mê man quên hết cả, và thật tình nàng thấy sung sướng, một cái sung sướng đầy đủ không mảy may lẫn chút hối hận. Đã trong bao lâu nay, lần đầu tiên, nàng mới thấy vượt ra ngoài cái sống giả dối hằng ngày, và tuy ngồi ở nhà một tình nhân mà nàng không hổ thẹn trong lương tâm, nàng không cảm thấy nhân phẩm của nàng bị sút kém chút nào.

Nàng không nhút nhát như trong những cuộc lẩn lút gặp Nghĩa ở vườn nhà. Khi Nghĩa đến cầm lấy tay, Nhung dịu dàng đặt đầu mình vào ngực Nghĩa, tự nhiên như một người vợ âu yếm chồng. Thấy Nhung có vẻ tin cậy mình, coi mình như một người bạn tình cao thượng, Nghĩa cảm động và hối hận rằng lúc nãy khi thấy nàng đến, trong lòng đã nẩy ngay ra cái ý tưởng khinh rẻ nàng với những sự thèm muốn tầm thường về vật dục.

Nhung nói có vẻ buồn rầu:

- Em cứ muốn ở đây thế này cả đời.

Nghĩa đứng ra sau ghế, cúi mình, vòng tay qua cổ Nhung, cầm lấy hai bàn tay nàng ép vào ngực:

- Hay là em ở đây... Đấy em xem, chúng mình không thể nào sống xa nhau được: mới có một tháng mà anh liên tưởng như đã mấy năm rồi.

Nghĩa đặt một cái hôn nhẹ lên má Nhung, nói tiếp:

- Em quả quyết đi, đừng để anh thương em mãi. Chúng ta sẽ đi, đi thật xa...

Thấy Nhung ngồi yên có vẻ tư lự, Nghĩa giục:

- Em nghĩ sao? Chúng mình sẽ sống như đôi vợ chồng. Ai cấm chúng mình? Như thế này không là hai vợ chồng rồi à?

Nghĩa nắm chặt lấy tay Nhung khiến Nhung giật mình quay lại, lo sợ. Nghĩa hiểu ý, vội nói:

- Anh chỉ muốn coi em như một người vợ thôi. Từ độ chúng mình biết nhau, anh không lúc nào có ý gì khác vì bao giờ anh cũng thương em và kính trọng em.

Nhung nói:

- Em không muốn ai kính trọng em nữa vì em có đủ hết các nết xấu. Đủ hết. Tiếng thơm của em? Anh biết rồi đây, nếu những người vẫn kính phục em mà cũng biết rõ như vậy thì không hiểu họ nghĩ sao!

Có tiếng động ở ngoài cổng. Nghĩa nhìn qua cửa sổ nói:

- Không sao. Trẻ con nó nghịch. Anh không bao giờ có khách đến chơi cả.

Chàng kéo một cái ghế lại gần. Nhung nói:

- Anh ngồi xuống đây kẻo đứng mãi mỏi chân.

Rồi nàng kể cho Nghĩa biết những nỗi khổ của nàng ở nhà, những nỗi khổ của một đời giả dối, không tài nào thoát khỏi.

- Em phải sống mãi như thế, vì em biết không bao giờ em có can đảm để mà thoát ra... Giá ngặt từ trước, em liều lĩnh cho mọi người quen đi, không để họ kính trọng em như thế đâu đến nỗi sinh chuyện. Bây giờ hơi một tí là ầm ĩ lên ngay.

Nhung nói xong cười nhạt. Nghĩa nói đùa:

- Thế là em tự giam em vào tù. Đáng thương thật.

Chàng kéo đầu Nhung đặt vào vai mình, dịu dàng nói:

- Bây giờ em lại bị giam vào cái nhà tù của anh, một cái nhà tù êm ái... Anh tưởng em cứ mặc hết là xong. Việc gì, việc gì em phải giả dối mãi. Vài hôm nữa, em nói rõ cho cụ Án biết ý định, rồi em sẽ xin phép thầy mẹ. Còn gì dễ dàng hơn...

- Thầy mẹ em không bao giờ cho phép rồi.

- Nói mãi rồi thầy mẹ cũng đến bằng lòng.

Nhung chép miệng:

- Vô ích, vì em biết lắm. Thà em trốn đi cho khuất mắt còn hơn là ở nhà trông thấy mẹ em khổ vì em.

Nghĩa nói:

- Thế thì em định ngay đi, vì đợi, đợi mãi rồi cũng không khác gì cơ mà. Chỉ làm chúng mình đau khổ vô ích thôi. Tai tiếng...

Nhung ngắt lời:

- Tai tiếng, em không cần gì tai tiếng nữa... Em muốn người ta khinh em còn hơn kính trọng em như thế này. Người ta biết em theo trai, em cũng không lấy làm xấu gì.

Nhung ngượng mồm khi nói đến hai chữ "theo trai". Nghĩa nhận thấy điều đó vội nói:

- Chúng mình đã có tội tình gì cho cam. Sao chúng mình lại cứ cho việc chúng mình làm đây là lẩn lút, xấu xa. Bắt đầu từ phút này chúng mình cứ coi như là một đôi vợ chồng chính thức. Cần gì phải cưới xin. Anh chưa có vợ, em góa cho chồng...

Mấy lời Nghĩa nói làm Nhung trong lòng êm ả. Nàng nhìn Nghĩa, hai mắt long lanh, và bất giác giơ tay vịn vào vai Nghĩa như đối với người chồng, bâng khuâng nói:

- Em cũng nghĩ như anh, việc gì mà phải giả dối.

Hai người im lặng và không ngờ rằng những câu vừa nói chỉ là những câu để thú với nhau cái ý muốn ngấm ngầm trong lòng, cái ý muốn không tránh được của cuộc đời trai gái ngồi tình tứ với nhau, không có gì ngăn cản. Nhung lo sợ không dám nhìn vào mắt Nghĩa, vội cúi đầu xuống, thong thả kéo tay ra, đứng dậy hỏi:

- Nhà anh không có nước cho em uống?

Nàng lại gần một cái bàn để sát ở tường cầm ấm rót một chén đầy mời Nghĩa:

- Anh uống.

- Em uống trước đi.

Nhung uống một hơi cạn, rồi nói với Nghĩa:

- Thôi, em về nhé.

Nghĩa nhìn Nhung không đáp. Nhung ra phía cửa, quay lại nói:

- Thỉnh thoảng em lại đến chơi.

Tuy nói vậy và tuy đã cầm lấy quả nắm, nàng vẫn biết rằng chưa về được. Từ lúc ra bàn uống nước nhìn qua cửa, một luồng gió lạnh thổi lọt vào đưa theo mấy hạt mưa. Nghĩa đứng lên ra khép cửa lại rồi cầm tay Nhung:

- Trời mưa. Em về làm làm gì vội.

Nghĩa đưa tay đỡ lấy người Nhung đẩy vào âu yếm thỏ thẻ bên tai:

- Em nỡ nào để anh ngồi một mình buồn trong lúc trời mưa.

Nhung vừa đi theo đà tay Nghĩa vừa nói:

- Thôi, anh để em về. Thiếu gì lúc, anh vội gì.

Câu nói vô tình ngụ hai ý khiến Nghĩa yên trí rằng Nhung bằng lòng. Chàng mê man nói:

- Thật là một trận mưa tình cờ quý hóa cho anh, cho vợ chồng ta.

Nhung thấy Nghĩa vừa nói vừa thở mạnh và nắm chặt lấy cánh tay nàng. Lúc đó nàng tưởng quả tim ngừng hẳn lại, hai con mắt nàng vẫn nhìn ra phía cửa sổ có ánh sáng như người cầu cứu, Nhung biết chắc rằng lần này thì nàng không thể giữ gìn được nữa và nàng thấy không cần phải giữ gìn nữa. Lòng khát khao ngấm ngầm bấy lâu không có sức kiềm chế bùng ra như một ngọn lửa không thể nào dập tắt. Tiếng Nghĩa nói bên tai mỗi lúc một van lên tha thiết. Nhung thở dài một cái mạnh, nuốt nước bọt rồi vờ giật mình bảo Nghĩa:

- Kìa mưa hắt cả vào nhà. Anh không ra đóng cửa sổ lại.

Mưa mỗi lúc một to. Lúc Nghĩa tiễn Nhung ra cổng thì trời đã chiều. Nhung lo lắng nói:

- Không biết khi về nói ra sao đây?

Nghĩa giơ tay cầm lấy bàn tay Nhung nhìn thẳng vào mặt nàng, mỉm cười sung sướng:

- Cảm ơn em. Em nhớ giữ lời hứa đấy đừng để anh đợi.

Chàng mở cửa gọi xe. Nhung nói:

- Anh hỏi thuê lên chợ, anh ạ.

Trời mưa nên phố vắng: Nhung cẩn thận sợ có người trông thấy, vội phủ vạt áo sau lên đầu và có ý để vạt áo rũ thấp che khuất hai con mắt.

Ngồi trong xe, nhìn ra cảnh hàng phố và những người qua lại dưới mưa tầm tả, Nhung rạo rực hối hận, nàng thấy nàng là một người hư hỏng và đời nàng là một đời bỏ đi, tan tác, rã rời như những cây ướt mưa bị gió dập hai bên đường. Nàng không ngờ đâu có ngày lại sa xuống thấp đến như thế này được. Nàng rưng rưng muốn khóc. Nhưng cùng với giọt lệ ứa ra ở khóe mắt, Nhung thấy một nỗi sung sướng man mác nảy ra ở trong lòng với những điều ước vọng mơ màng về cuộc đời mới mẻ, đáng sống và tốt hơn cái đời nhơ nhuốc của nàng hiện giờ. Nàng ngẫm nghĩ:

- Có gì mà nhơ nhuốc... vả lại nếu mà xấu nữa thì cái xấu ấy còn hơn cái đẹp giả dối, đánh lừa mọi người.

Nàng tìm hết cớ để tha thứ cho cái tội của mình.

- Mình làm gì có tội... nếu mình coi Nghĩa như một người chồng. Khác gì đâu?

Bỗng Nhung thốt lên lo sợ mình có thai. Nàng thấy tối tăm mặt mũi, ngồi lặng đi một lúc lâu, rồi như người không cần gì nữa, nàng chép miệng:

- Có thế mới bắt buộc mình liều được.

III

Nghĩa đã hẹn trước đưa Nhung về thăm quê nên từ sáng sớm hai người ra ô tô đi Trung Hà để về Hưng Hóa.

Hai người bàn định sau này sẽ trốn về ở Hưng Hóa, nên Nhung nhân dịp đi chơi muốn về thăm chỗ ở sau này của nàng. Nhung chỉ mặc xuềnh xoàng một chiếc áo lương cũ, lên xe nhìn không thấy ai là người quen nên hai người ngồi cạnh nhau nghiễm nhiên như một đôi vợ chồng. Khi xe ô tô qua phố, Nhung ngồi xoay mặt vào trong và cúi mắt xuống. Nàng vui vẻ ghé vào vai Nghĩa, mỉm cười nói:

- Giá cứ thế này đi không về nữa thì hay nhỉ?

Người phát vé hỏi:

- Ông bà lấy vé về đâu?

Nhung mau miệng đáp:

- Về Hưng Hóa.

- Thưa bà, xe này chỉ về đến Trung Hà.

Nhung lo lắng rồi hỏi Nghĩa:

- Thế thì làm thế nào... cậu?

Nghĩa đáp:

- Qua đó rồi đi xe tay. Chỉ có xe thư là đi suốt, lỡ mất rồi.

Nghĩa lấy ví bảo Nhung:

- Mợ để tôi trả.

Hai người nhìn nhau, trên má Nhung hơi nhuộm vẻ hồng. Lần đầu gọi nhau bằng cậu mợ, trước mặt mọi người, Nhung và Nghĩa thấy thẹn thùng một cách sung sướng.

Tới bến Trung Hà, hai người thuê riêng một chiếc thuyền để được tự do nói chuyện. Khi thuyền ra giữa sông, nhìn dải nước rộng rãi bao la chạy dài đến tận những rặng núi màu lam sẫm chắn ngang về mạn Hòa Bình, Nhung ngây ngất lảo đảo như con chim ở lâu trong lồng được thả ra nơi đồng ruộng. Nàng cầm lấy tay Nghĩa nói:

- Đã lâu em không đi chơi xa.

Lềnh đềnh trên chiếc thuyền con giữa dòng sông, Nhung thấy trời có vẻ cao rộng hơn, nàng ngồi yên, lắng tai nghe tiếng róc rách ở mạn thuyền, tiếng kêu nhỏ và thanh của mấy con nhạn lượn ngang phơi bụng trắng trên mặt nước.

Nghĩa đã lâu lắm chưa về quê nên nhìn phong cảnh cũ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của thời kỳ còn đi học ở trường Sơn Tây, đã bao lần qua bến đò này. Chàng kể chuyện lại với Nhung và Nhung cũng chú ý thích nghe hình như nàng vẫn sống bên cạnh chàng từ lâu và những kỷ niệm đó là kỷ niệm chung cả hai người.

- Lát nữa qua đò, em sẽ thấy đầm Thượng Nông và xóm Liên Hòa ở làng anh. Ở làng anh chỉ còn mỗi một cái nhà tranh và một ít vườn, từ độ thầy mẹ anh mất thì để cho một người trong họ trông coi. Anh còn nhớ rõ những đêm sáng trăng ngày hè đi thuyền đánh cá với những làng trên đầm Thượng Nông...

Nhung hỏi:

- Cảnh đẹp lắm phải không anh?

Nghĩa chỉ tay về phía núi Ba Vì:

- Những đêm nào không có sương, trông thấy rõ núi Ba Vì. Sao thuở bé, anh trông núi ấy to lạ, to hơn bây giờ nhiều.

Chàng ghé vào tay Nhung nói khẽ:

- Để đến hôm ấy anh sẽ đưa em về quê nhà anh. Em trốn ở đây thì chẳng còn ai biết mà tìm nữa. Em không lo ngại gì.

Hôm ấy nghĩ là Nhung trốn đi hẳn với chàng. Nhung nhìn Nghĩa và thấy Nghĩa đã nghĩ trước mọi việc một cách chu đáo nàng rất vững tâm và tin cậy ở Nghĩa, coi Nghĩa như một người có thể gửi thân suốt đời được. Bỗng nàng lo lắng hỏi Nghĩa:

- Nhưng chú Lịch có biết nhà anh không?

- Không, từ độ quen nhau, anh chưa về quê lần nào. Vả lại mải đi tìm công việc làm ăn, anh coi như là không có quê nữa và nếu không có em thì cũng chẳng bao giờ anh tưởng đến việc về làng, về làm gì, buồn chết.

Chàng đắm đuối nhìn Nhung, nói tiếp:

- Bây giờ có em thì quê cũ đối với anh mới có ý nghĩa. Chốn quê hẻo lánh ấy sẽ là cái tổ êm ấm để anh với em... hai con chim lạc đàn khổ sở đã nhiều có chỗ dung thân.

Hai con mắt Nhung sáng lên khác thường. Nàng trông thấy rõ trước cái cảnh đời sống giản dị, bình thường bên cạnh người yêu, ở một chốn xa xôi không còn liên lạc gì với cái xã hội nặng nề cũ. Nhung nóng ruột muốn biết liền hỏi Nghĩa:

- Qua đò rồi ta vào đấy chứ?

Nghĩa đáp:

- Bây giờ chưa thể được. Qua đò rồi, chúng mình thuê xe về Hưng Hóa. Ta sẽ vào một hàng cơm, rồi anh lại nhà một người cậu ở đấy để thu xếp chỗ dạy học. Có thế, đưa em về quê anh mới tiện. Phải nghĩ đến cách sống chứ, chẳng lẽ ngồi uống nước lã nhìn nhau.

Nhung mỉm cười:

- Uống nước lã cũng được, miễn là có anh bên cạnh.

IV

Như mọi lần, khi qua cổng, Nhung đi rẽ vào ngõ con về nhà. Lúc bây giờ trời đã xâm xẩm tối. Suôt ngày đi Hưng Hóa với Nghĩa, nàng thấy đầu óc nặng nề và chân tay mỏi mệt. Nhung vừa đi trên đường làng vừa nhớ lại những cảnh vui vẻ đẹp của cuộc đi chơi vụng trộm mà nàng thấy ngắn ngủi quá. Con đường hai bên trồng soan tây từ bên Trung Hà vào Hưng Hóa và quả đồi làng Nghĩa bên kia đầm Thượng Nông với những nóc nhà tranh ẩn trong lũy tre. Nhung tưởng như những cảnh của một thế giới sáng lạng, về gần tới nhà, Nhung mất hết cả bạo dạn như khi còn ở bên cạnh Nghĩa. Bao nhiêu những điều đã quyết định nàng thấy khó lòng thành được sự thực, những ước vọng khi nói chuyện với Nghĩa mãi mãi cũng chỉ là những ước vọng hão huyền. Đời không dễ dàng và tốt đẹp như nàng tưởng.

Một người quen gặp nàng, nhìn gói giấy nàng cầm ở tay mỉm cười hỏi:

- Mợ lại mua thức gì?

Nhung giơ gói lên, cười gượng:

- Mua cái áo len cho cháu.

Lần nào khi ra tỉnh thăm Nghĩa, nàng cũng cố tìm thức mua để khi về có cớ nói với bà Án, nên nàng thấy câu hỏi của người kia có ý mỉa mai. Nàng không quay lại nhưng biết rằng người đó đương đứng tò mò nhìn theo nàng.

Nhung về đến ngõ nhà, thấy cửa đã đóng. Vú già vừa mở cổng vừa nói:

- Hôm nay mợ về muộn quá.

Câu nói vô tình của vú già làm nàng khó chịu. Bà Án, Lịch và Hòa lúc đó đương đứng ở sân cùng nhìn ra, Nhung nhận thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên nét mặt mọi người trong nhà về việc nàng đi vắng suốt một ngày. Bà Án cũng nhận thấy vậy, bà lại đau lòng nữa vì bà biết là Nhung đã đến nhà Nghĩa. Sợ đầy tớ hiện đứng quanh đây sinh ra nghi ngờ, nên bà hỏi Nhung có ý làm như chính mình đã sai con dâu lên tỉnh:

- Thế nào, mợ đã thu xếp xong việc tôi dặn chưa?

Ba hỏi vậy vì bà nhớ mấy hòm trước có dặn Nhung một việc khi nào lên tỉnh nhớ thu xếp hộ. Song Nhung đã quên hẳn việc mẹ chồng dặn. Nàng ngơ ngác nhìn, và một lúc lâu mới hiểu cái thâm ý của bà Án. Nhờ câu ấy, nàng đỡ ngượng. Nàng trả lời một cách mập mờ:

- Thưa mẹ, chưa ngã ngũ ra sao cả.

Thấy bà Án và Hòa nhìn mình như dò xét, Nhung ngượng nghịu cúi mặt. Nàng giở gói, đưa chiếc áo mà nàng đã vội vàng mua trong một lúc đỗ xe cho mẹ chồng xem:

- Mẹ xem chiếc áo len con mua cho thằng Giao. Đi chọn mãi mới được đấy.

Nàng thấy hai má nóng bừng và nói luôn:

- Chị An cũng đi với con cứ chê mãi. Chị ấy thích chiếc áo đỏ, nhưng con trông nó lòe loẹt làm sao ấy.

Nhung nghẹn ngào ở cổ. Nàng thấy nàng đã chán những sự giả dối. Nàng muốn kêu to lên một tiếng, nàng muốn ngay lúc ấy nói rõ sự thực, tất cả sự thực. Giá nàng có đủ can đảm nói hết được:

- Tôi thế đây, cần gì phải giấu diếm ai nữa!

Nàng tưởng giá nói được câu ấy thì nàng sẽ sung sướng, nhẹ nhàng xiết bao!

Bà Án mỉm cười ngọt ngào bảo Nhung:

- Thôi con vào rửa chân tay rồi ăn cơm. Bụi cát đầy người thế kia.

Nhung giật mình nhìn vạt áo lương nhầu nát và đôi mũi giầy mờ bụi, ngẫm nghĩ:

-... Không ai ngờ đâu là bụi đường Hưng Hóa và vạt áo nát vì ngồi thuyền ở Trung Hà với tình nhân.

Lịch vào buồng khách cầm ra một phong thư đến cho Nhung. Nhung nhìn nhìn nét chữ nói:

- Thư của cô Hai trên Bắc Cạn.

Nhung về phòng dở thư ra xem. Trong thư Phương hỏi thăm nhà cửa, kể qua loa về cái đời nàng sống ở trên Bắc Cạn và báo cho chị biết rằng sắp có tin mừng. Nhung đọc thư thấy rõ ràng Phương được sung sướng và nàng có cái cảm tưởng rằng Phương sống biệt lập hẳn một cuộc đời khác, nàng hỏi thăm đến việc nhà nhưng không tha thiết, coi như là không can dự gì đến nàng nữa.

Nhung đọc lại câu: "Chị được cái may ở gần nhà đi lại thăm mẹ luôn. Mẹ vì thế cũng đỡ buồn mà em ở xa cũng an tâm".

Có tiếng động, Nhung ngửng lên. Giao ở ngoài đi vào, hai chân lê sệt sệt trên nền nhà, người ưỡn ra đằng trước, như khi nó bắt chước xe hỏa chạy, Nhung gấp thư lại, hỏi:

- Bà vừa mặc áo đẹp cho Giao đây phải không? Ai mua áo đẹp cho Giao đấy?

Giao đáp không lưỡng lự:

- Mợ mua.

- Sao Giao biết?

Giao nhảy lên ngồi vào lòng mẹ, nói:

- U già bảo mợ đi vắng để mua áo đẹp cho Giao.

Lúc bấy giờ Nhung mới hốì hận đã đi suốt cả ngày không nghĩ gì đến con, và chột dạ nghĩ đến những lúc Giao ở nhà khóc đòi mẹ khiến mọi người chú ý đến sự đi vắng của mình. Nhung tưởng nghe thấy rõ những lời nhắc nhở của bà Án: "Mợ ấy đi đâu mãi không thấy về để con quấy thế kia. Mợ ấy độ rày làm sao ấy" và những câu thêm vào của Hòa "... Chị con độ này chắc buồn việc gì nên thấy đi vắng luôn". Đã ít lâu nay Nhung thấy cái oai quyền của mình ở trong nhà có phần giảm bớt. Trước kia, nàng ăn ở giữ gìn, đức hạnh của nàng sáng tỏ quá nên Hòa vẫn dành lòng không ghen tị với nàng. Bây giờ nàng thấy Hòa tuy chưa hẳn ra mặt, nhưng đã có cái ý ngầm muốn dìm nàng xuống để cho mình nổi lên, Nhung thở dài lẩm bẩm:

- Nhưng mà tranh nhau như thế để làm gì?

Giao dứt áo mẹ nũng nịu:

- Mợ cài cúc áo cho Giao.

Thấy con sung sướng được mặc chiếc áo đẹp, chiếc áo mà nàng đã mua để cho mọi người khỏi nghi ngờ mình đi với nhân tình, Nhung mỉm cười chua chát, bế con lên. Nàng nhớ lại câu Nghĩa nói với nàng khi nhắc đến việc đem Giao trốn đi.

- Con em cũng như con anh.

Nhung cũng còn ngần ngại vì nàng thấy con nàng không phải chỉ thuộc về mình nàng. Nàng cũng không biết rằng mình có quyền đem Giao đi không. Để hôm nào nàng thử hỏi Nghĩa lại cho cẩn thận về việc đó. Dẫu sao, có quyền hay không cũng thế thôi, vì nàng biết rằng vẫn có quyền bỏ đi lấy chồng, nhưng có những cái khác mạnh hơn ngăn cấm. Có quyền đi lấy chồng nhưng nếu lấy chồng thì hóa ra một người mất hết hạnh phẩm, một người đi theo trai. Nhung hôn con rồi áp má mình vào má con, hai mắt mơ mộng, lẩm bẩm bên tai Giao như muốn nói:

- Còn con tôi này nữa, lớn lên biết nghĩ chắc rồi nó cũng khinh mẹ nó.

° ° °

Tối hôm ấy, khi mọi người đã đi ngủ, trong buồng bà Án và Nhung vẫn còn ngồi nói chuyện. Hỏi vẩn vơ ít câu rồi bà dịu dàng nhắc đến việc Nhung hay đi chơi vắng một mình.

Nhung trong người đã mỏi mệt vì cuộc đi chơi xa, liền vừa lấy tay che những cái ngáp, vừa đáp lại uể oải. Nàng làm như không quan lâm đến những câu hỏi của bà Án, cho đó là những lời thông thường của một bà mẹ chồng răn bảo con dâu:

- Thưa mẹ, không biết sao độ này con cứ làm sao buồn bã trong người nên chỉ muốn đi chơi cho khuây khỏa.

Nàng không để ý nên không nhận thấy rằng nỗi buồn vô cớ của nàng và những cuộc đi chơi để giải buồn lại trúng ngay vào giữa lúc Nghĩa thôi dạy học ở nhà được ít lâu.

Bà An lạnh lùng nói như nói đến một việc quan trọng khiến Nhung phải nghiêm nét mặt lại.

- Tôi thương mợ, cũng muốn cho mợ đi chơi chỗ này chỗ khác. Tôi có cấm đâu, cần gì mợ phải giấu diếm một mình thế.

Bà dằn lừng tiếng:

-... E không tiện, mợ ạ.

Nhung nói:

- Con xin lỗi mẹ.

Bà Án ngắt lời:

- Mợ không có lỗi gì mà phải xin tôi... Nghĩa... nghĩa là...

Nhung đã giật mình tưởng bà Án nhắc đến tên Nghĩa. Bà ngập ngừng rồi nói tiếp:

- Nghĩa là... mợ không để ý đến. Mợ phải biết mợ khác mà các chị em bạn của mợ khác. Mợ phải nghĩ đến thân mình, một người đàn bà góa không thể đua đòi chị em, đi chơi nay chỗ này mai chỗ khác như họ được.

Nhung mừng biết chắc bà Án không mảy may nghi ngờ nàng đi với Nghĩa. Bà chỉ muốn khuyên nàng để phòng xa giữ tiếng. Từ nay nàng không còn có cách gì đến thăm Nghĩa nữa hay chỉ còn một giản dị nhất là: trốn đi hẳn. Nàng vô tình đặt tay lên bụng, thầm mong:

- Giá mà mình có thai!

Nàng nghĩ nếu bà Án đã biết hết cả chuyện thì thật là một cách rất hay giúp nàng liều được. Thầm mong có chửa, thầm mong bà Án chưa nghi ngờ, lại mong bà ngăn cản để mình khỏi sa mãi vào vùng lội lỗi, có thể lại quay về với cái đời đức hạnh, bao nhiêu trái ngược nhau loạn xạ trong óc. Nhung thấy mình lúc đó như cái chong chóng quay đủ chiều không nhất định chiều nào. Nàng nghĩ thầm:

- Không bao giờ mình có thể thành một người cương quyết. Mình do dự mà khổ vì do dự.

Nhung nói với mẹ chồng:

- Thưa mẹ, con thật là vô tâm để mẹ phải nhắc. Từ nay con xin có ý tứ hơn.

Bà Án lộ vỏ vui mừng:

- Mợ nghĩ thế là phải. Họ khác, họ tự do được. Còn mợ, không phải mợ chỉ giữ gìn cho nhà chồng, cho nhà mợ lại còn làng nước người ta trông vào nữa.

Khi bà Án ra khỏi, Nhung nằm vắt tay lên trán nhìn đỉnh màn.

Nàng nhớ lại câu nàng nói với Minh hôm ở nhà có chuyện lôi thôi về Phương.

- Ai chẳng biết sung sướng lấy thân, nhưng nhiều khi cũng phải nghĩ đến danh giá của nhà mình.

Câu của nàng hôm đó giống hệt câu của bà Án vừa nói nàng lúc nãy.

Nhung lại nghĩ đến những lời Minh bênh vực Phương, bảo nàng không hiểu được cái khổ của Phương và nói cho nàng biết không gì khổ hơn là cứ luôn luôn phải sống trong sự giả dối.

Nhung thấy mình cứ quanh quẩn với hai ý tưởng trái ngược nhau ấy không sao thoát ra được, lấy bàn tay đập lên trán, nhăn mặt khó chịu.

- Cứ ngủ đi là xong chuyện.

Nhung nhắm mắt, úp mặt xuống gối và nàng thấy hiện ra cái cảnh sáng láng của đầm Thượng Nông với bên kia bờ, trên một trái đồi, những nóc nhà tranh ẩn núp sau lũy tre. Nhung như còn nghe vẳng bên tai câu nói của Nghĩa:

"Chốn quê hẻo lánh ấy sẽ là cái tổ êm ấm để hai con chim lạc đàn, khổ sở đã nhiều, có chỗ dung thân."

V

Hòa nhìn vào đĩa trứng tráng, Nhung vừa thái xong, nói với bà Án:

- Chị con thái quả trám thành ra vuông mà thái vuông thành ra quả trám.

Nhung mỉm cười đưa con dao cầm ở tay cho Hòa:

- Thím thái hộ, tôi càng chữa càng hỏng.

Trút được việc đó cho Hòa, Nhung nhẹ hẳn người vì nàng thấy không đủ can đảm ngồi tỉ mỉ cắt những miếng trứng cho vuông vắn trong khi óc nàng rối loạn.

Bà Án lắc đầu nói:

- Từ sáng đến giờ, mợ ấy như người mất hồn mất vía.

Rồi bà giơ ngón tay trỏ về phía Nhung nói giọng thân mật:

- Cô đánh vỡ của tôi mất hai cái bát con phượng. Tôi chưa kể tội cho đấy.

Nhung ra bể múc nước rửa tay. Có tiếng cánh cửa kẹt ngoài ngõ, nàng cúi đầu nhìn qua lá cây, trong lòng phấp phỏng. Song người khác đi vào không phải là Nghĩa mà nàng đương mong mỏi. Đã hơn hai tháng, nàng ở luôn nhà không đến thăm Nghĩa để cho tan hết những mối nghi ngờ. Nàng cũng muốn tạm quên Nghĩa đi và mừng rằng thấy lòng mình dần dần dịu.

Nhưng sắp tới ngày giỗ chồng, biết thế nào Nghĩa cũng lợi dụng dịp tốt để đến gặp mặt nàng, Nhung hồi hộp mong đợi. Lần đầu nàng mong đợi ngày giỗ chồng.

Từ bốn giờ sáng dậy làm cỗ bàn và dọn dẹp bàn thờ, Nhung chỉ cử động như một cái máy. Trong lòng nàng vui sướng bâng khuâng, nàng thấy thời giờ đi một cách rất chậm chạp và luôn luôn nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường. Miệng nàng nói giục mọi người:

- Nhanh tay nhanh chân lên mới kịp được, đã mười giờ rồi đấy.

Bụng nàng lúc đó nghĩ:

- Hôm nay chủ nhật, thế nào Nghĩa cũng đến sớm. Còn một giờ nữa thôi.

Nàng tưởng giá lúc nào cũng nóng ruột như thế thì không sao chịu nổi. Nếu Nghĩa không đến, tất thế nào ngay chiều nay hay chậm lắm là hôm sau, nàng cũng phải tìm lại nhà Nghĩa.

- Chắc anh ấy giận mình lắm, mà giận nhất vì không có cách gì gặp mặt mình hay viết thư cho mình... Nếu có thể gặp được thì chỉ có hôm nay.

Nghĩ đến đây, nàng lại biết chắc chắn rằng thế nào Nghĩa cũng đến.

- Nếu quả thật Nghĩa yêu ta, còn nhớ đến ta. Cũng là một dịp tốt để nàng thử lại tình yêu của Nghĩa.

Nhung lau khô tay rồi bước lên nhà trên. Khói trầm nghi ngút và trên bàn thờ mấy mâm cỗ đã tốn bao nhiêu công phu sửa soạn càng làm cho Nhung thấy rõ cái vô lý của bữa giỗ. Lòng mong mỏi gặp Nghĩa mạnh đến nỗi nàng không biết áy náy rằng đã có ý dùng ngày giỗ chồng làm ngày hội kiến tình nhân.

Nhung rót rượu vào cốc. Bỗng nàng ngừng tay nghe ngóng rồi quay mặt nhìn ra phía cửa chính. Nghĩa và Kiểm, một người bạn của chồng nàng, cùng bước vào. Kiểm cúi mình chào Nhung:

- Chào bác.

Nghĩa cũng chào theo và ngượng nghịu gọi Nhung bằng bác. Nhung mỉm cười nói:

- Mời hai bác ngồi chơi.

Trong lúc đó Nhung thấy Nghĩa nhìn mình có vẻ tức giận oán trách. Nhung sợ hãi nhưng trong lòng rất sung sướng. Hai con mắt nàng mơ màng nhìn lại Nghĩa như muốn nhận lấy những lời mắng thầm của người yêu, như muốn báo Nghĩa:

- Anh mắng em nữa đi, em đáng tội với anh lắm, nhưng em đáng thương.

Nhung vờ cặm cụi xếp lại những đồ ăn trong mâm vì thấy bà An đi ở dưới bếp lên. Kiểm lúc đó vừa ra ngoài sân đứng xem vườn, trong buồng khách chỉ còn lại một mình Nghĩa. Bà Án nói:

- Quý hóa quá, ông còn nhớ ngày giỗ em mà đến.

Bà quay lại bảo Nhung:

- Mợ không gọi nó pha nước để ông giáo xơi.

Rồi bà vồn vã và hỏi chuyên Nghĩa:

- Sao ông giáo không lại chơi luôn với em?

Nhung thấy câu nói của bà Án nhiễm đầy vẻ mỉa mai. Nàng hơi khó chịu về những câu hỏi ân cần của bà Án, nàng vờ bận xếp dọn bàn thờ làm như không nghe thấy lời mẹ chồng dặn pha nước.

Khi bà Án đi khuất, Nhung cầm mấy lá trầu không đem ra rửa ngoài chum nước. Nàng đi sát gần chỗ Nghĩa ngồi và trù trừ đứng lại nói:

- Ông giáo xơi thuốc lá.

Nhung hạ giọng nói tiếp theo luôn:

- Xin lỗi anh, không thể nào đến thăm anh được.

- Thế bao giờ?

- Để em viết thư sau.

Hai người yên lặng nhìn nhau đắm đuối hình như bấy lâu vắng mặt nên thèm khát không muốn bỏ phí một giây phút nào. Nhung nói liều:

- Em đã nhất quyết đi rồi.

Thật ra nàng mới nhất quyết từ lúc nói câu ấy.

VI

Nhung uể oải lấy ít giấy má bỏ vào túi rồi nhìn quanh phòng một lượt. Biết rằng lần này đi không bao giờ trở về nữa mà cũng không mảy may cảm động phải rời bỏ chốn ăn nằm bây lâu, nàng hơi lấy làm lạ thấy lòng mình thản nhiên đến như vậy. Lúc đi chỉ có hai bàn tay không, nàng biết bấy lâu ở nhà chồng chỉ sống như một người ở gửi, mà đồ đạc bao nhiêu thứ, bây lâu nàng dùng không phải là đồ đạc của nàng.

Nhung mới nhất định về nói với mẹ để bỏ đi được nửa giờ đồng hồ. Việc đi, nàng biết là phải từ lâu, nếu nàng lấy chồng thì bao nhiêu những tội lỗi của nàng từ trước tới nay đều không còn là tội lỗi nữa. Nàng sẽ thoát được hẳn cái đời tốt đẹp giả dối để sống một đời bình thường, nhưng ngay thẳng.

Biết vậy nhưng lần lữa mãi, Nhung cũng chưa nói với bà Nghè. Nàng thương mẹ quá nên không biết đến bao giờ nàng mới đủ can đảm. Nàng cứ phải luôn luôn nhắc tới lời Nghĩa khuyên nàng:

- Em thương mẹ, nhưng em phải nhớ rằng chúng mình thương yêu nhau lẩn lút thế nào rồi cũng có người biết. Muốn giữ mãi tiếng tốt cho mẹ mà lại thành bị tiếng xấu không bao giờ rửa sạch. Như thế đâu phải là thương mẹ.

Mỗi lần nghĩ tới câu của Nghĩa thì một ý tưởng khác vụt ngay ra óc nàng:

- Nhưng sao không nghĩ đến cách: dừng yêu nhau nữa?

Rồi nàng lại tự hỏi:

- Nhưng một người đàn bà góa sao lại không được phép đi lấy chồng như một người con gái? Sao cứ phải ở vậy mới được tiếng thơm cho cha mẹ, cho gia đình?

Nghĩ vậy rồi Nhung lại như bao nhiêu lần trước không biết ngả về mặt nào. Càng nghĩ ngợi, càng đo đắn, Nhung lại càng không quyết định được. Đã bốn, năm lần như thế rồi.

Chiều hôm nay, tự nhiên Nhung thấy phải nói với mẹ, phải đi. Không như những lần trước băn khoăn mãi vẫn không có kết quả gì, lần này ý tưởng ấy nó đến một cách êm thắm bình thường, hình như một trái cây mưa gió mãi không rụng, đến lúc chín cứ tự nhiên rơi xuống đất, rơi trong lúc yên lặng nhất. Nàng với áo mặc thản nhiên như sắp đi chơi quanh trong làng. Nàng gọi Giao rồi dắt con ra vườn đi lững thững ngắm cây cối.

Trên hiên, Hòa đương ngồi khâu, Lịch đứng hên cạnh giơ tay làm hiệu gì gọi Giao. Lúc đó Nhung thấy Hòa và Lịch đối với nàng chỉ như hai người xa lạ, nàng bỏ đi không chút nhớ tiếc. Bà Án vừa đi chơi về, chạy bế Giao. Nhung lo lắng sợ bà Án bế con mình vào trong nhà, vì nàng đã quyết cùng đem con đi với mình.

Nàng cố lấy giọng tự nhiên:

- Giao xin phép bà đi chơi một lát rồi về kẻo tối.

Lúc nói nàng cúi mặt, rứt lá cây, chỉ sợ bà Án đọc rõ được trên mặt mình cái ý tưởng đi trốn. Bà Án đặt Giao xuống, Nhung xoa đầu con:

- Xin phép mẹ.

Câu ấy có lẽ là câu cuối cùng nói với mẹ chồng. Nàng thấy quả tim đập mạnh và hai tay run run.

Về đến nhà, khi bà Nghè mời ăn cơm, Nhung nhận ngay. Nàng bảo vú già sang nói với bà Án để khỏi đợi cơm. Tuy đã nhiều lần như vậy mà Nhung cũng nghĩ ngợi, ngập ngừng mãi mới dám bảo vú già. Ăn cơm xong, Nhung có ý lánh mặt bà Nghè. Trước khi thú tội, nàng không muốn nói chuyện với mẹ, sự xảy ra sự gì cản trở hay làm nàng mất can đảm.

Nằm với Giao trên phản cạnh giường bà Nghè, Nhung trằn trọc mãi không sao ngủ được. Mỗi lần bà Nghè thức giấc, Nhung toan sang bên giường mẹ, lại thôi, nàng vẫn nằm yên chờ đợi dịp tốt hơn. Đã quá nửa đêm, Nhung biết rằng nếu đêm nay không nói được với mẹ thì là hết, mai chắc nàng không còn đủ can đảm nữa.

Thấy tiếng két bên phản Nhung nằm, bà Nghè hỏi:

- Con thức đấy à? Dậy rót cho mẹ hớp nước.

Nhung xuống giường, ra bàn rót nước và rót một cách rất thong thả để lấy thì giờ nghĩ trước cách bắt đầu câu chuyện.

- Mẹ xơi nước.

Nhung vén màn đưa chén nước cho bà Nghè rồi ngồi xuống cạnh giường đợi. Bà Nghè đưa cho nàng cái cối trâu nói:

- Con giã hộ. Tao mỏi tay quá... độ này trong người yếu, giã chưa giập miếng trầu đã mỏi rời cả cánh tay.

Nhung lấy que giã ấn mạnh xuống cối. Đôi mắt nhìn mẹ, nàng luống cuống không biết có nên nói không. Nàng giơ tay vặn nhỏ đèn cho khỏi nhìn thấy nét mặt bà Nghè.

- Con đã ngủ được tí nào chưa?

- Thưa mẹ chưa?

Nhung kéo hai chân lên giường, cài màn lại cẩn thận. Nàng ngồi gần lại bà Nghè sẽ hỏi:

- Thưa mẹ ở ngoài nhà có ai nằm không?

- Không, u già nằm ở dưới bếp. Có chuyện gì thế?

- Câu chuyện con nói với mẹ đây, con không muốn ai nghe thấy.

Nàng nói luôn để cho bà Nghè biết ngay là câu chuyện gì và nhất là để nàng không có thể lùi được nữa.

- Mẹ còn nhớ ông Nghĩa. Hôm nay con về đây xin phép mẹ ở hẳn ở nhà. Xin mẹ thương con để tâm nghe, con đã khổ sở hơn một năm nay, giờ mới dám thưa với mẹ...

Nàng nghẹn ngào không nói được nữa, cúi đầu xuống. Trong phòng yên lặng chỉ còn tiếng que chạm vào cối trầu. Một lúc lâu có tiếng bà Nghè thong thả nói:

- Thế ra hôm nay cô về xin phép tôi đi lấy chồng?

Nhung thấy bà Nghè nói câu đó bằng một giọng nửa mỉa mai nửa đau đớn như khi nói chuyện về Phương hồi năm ngoái. Nàng đã biết rằng bà Nghè không thể nào hiểu được thấu hết cái khổ của nàng cũng như trước kia không hiểu được Phương.

- Thưa mẹ, bổn phận con, con phải nói. Giấu mẹ mới có lỗi. Con khổ lắm. Con biết là không thể nào ở vậy suốt đời được. Nói với mẹ để tùy mẹ định liệu cho con hơn là làm liều để tiếng xấu lây đến cha mẹ.

- Thế cô tưởng đi lấy ông giáo Nghĩa, một người đã ở dạy học ở nhà chồng mình hơn một năm trời, không là tiếng xấu sao? Không hiểu sao con độ này lại đổi tính đổi nết chóng như thế?

Yên lặng một lúc rồi bà đau đớn bảo Nhung:

- Thế ra bấy lâu tôi vẫn tưởng cô đứng đắn, có ngờ đâu cô cũng như con Phương, cá mè một lứa cả. Thực là con giết mẹ.

Thấy bà Nghè khóc nức nở. Nàng lo lắng. Nàng cầm lấy tay mẹ vội nói:

- Xin mẹ nghe con. Mẹ đừng khóc lỡ ai biết thì sao.

Bà Nghè ý chừng cũng sợ vậy nên ngừng ngay lại. Nhung vì thấy mẹ khóc, trong lòng tự nhiên thổn thức, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng trên má. Nàng rút khăn lau thầm không muốn cho mẹ biết. Nàng nhất định không để lòng mình cảm động, nàng nói luôn:

- Thưa mẹ, con vẫn định tái giá đã lâu. Vì con chưa tìm được ai vừa ý, nên chưa nói với mẹ. Cha mẹ bằng lòng, có cưới xin cẩn thận, con tưởng lấy chồng một cách chính dính như vậy, có gì là làm xấu đến gia phong. Mẹ chỉ thương con, mẹ bằng lòng cho một tiếng..

- Cô muốn lấy ai thì lấy. Cô cần gì phải tôi bằng lòng hay không bằng lòng. Nhưng nếu cô biết thương thì cô đã chẳng nghĩ như thế. Cô đã nghĩ đến mẹ cô, đến nhà cô.... Cô muốn cho tôi còn sống khỏi ngượng mặt với trong họ, ngoài làng. Nếu cô đã muốn lấy chồng thì cái đó tùy... Cho phép lấy ông giáo thì tôi không bao giờ cho phép. Cô đã hỏi thì tôi cho cô biết vậy.

Nói xong, bà lại nức nở khóc. Nhung ngồi bó gối nhìn ngọn đèn leo lét. Nàng biết rằng mẹ không thuận thì thế nào nàng cũng liều, và sáng mai nàng cũng bế con đi, không cần gì nữa.

Nàng buột miệng nói:

- Con có quyền đi lấy chồng.

- Tôi vẫn biết.

- Thưa mẹ, trong bao lâu con đã cố giữ tiếng. Con thưa với mẹ biết cũng là để khỏi làm cho mẹ phiền lòng về sau. Chứ con, con đã nhất định rồi. Thầy mẹ không cho lấy, thì con sẽ trốn đi. Chúng con sẽ cưới xin cẩn thận rồi đi cho khuất mắt thầy mẹ. Tiếng xấu ấy thầy mẹ phải chịu lấy.

Bà Nghè ngắt lời:

- Ra cô định làm thế?

- Con có muốn thế đâu. Nhưng...

Nàng toan cho mẹ biết rằng nàng nàng đã phải lòng Nghĩa từ hồi Nghĩa còn dạy học ở nhà bà Án và kể cho mẹ nghe những nỗi băn khoăn của nàng, trong hơn một năm nay. Nàng vụt nghĩ ra một cách để bắt buộc mẹ phải bằng lòng, là nói dối rằng đã có thai với Nghĩa, muốn tránh một tiếng xấu to, tất mẹ nàng phải đành chịu nhận lấy tiếng xấu nhỏ. Nghĩ vậy nhưng thương mẹ quá, Nhung không nỡ. Mẹ nàng không còn sống được bao lâu nữa, mẹ nàng đã đau khổ nhiều về Phương nay lại đến lượt nàng, có hai cô con gái đều hỏng cả. Nhất là nàng, mà mẹ tin cẩn xưa nay vẫn giúp cho mẹ nàng giữ bến được tiếng thơm là một nhà gia giáo nhất vùng. Nhung bắt đầu hối hận rằng đã nói với mẹ. Mỗi một tiếng nức nở của bà Nghè lại làm Nhung trông thấy rõ nỗi đau khổ của bà: có hai người con ngoan đều đã lăng loàn vượt ra ngoài gia pháp.

- Con khổ lắm. Con cũng nghĩ thương mẹ cho nên mãi bây giờ con mới nói với mẹ. Nhưng biết làm thế nào... Tiếng tốt của con... nhưng nếu mẹ biết rõ thì mẹ sẽ hiểu. Thà rằng để cho mọi người biết cái xấu của mình, còn hơn là xấu thật mà đánh lừa người ta. Con không muốn thế nữa. Không gì khổ bằng sống mãi trong sự giả dối...

Nghĩ lại thấy mình đã tự nhiên có ý muốn kể lể với mẹ cái tình uẩn khúc của mình để làm mẹ đau lòng vô ích. Nhung ngừng bặt. Lúc đó nàng lưỡng lự không biết rồi sẽ xử trí ra sao. Óc nàng rối loạn. Nàng ngập ngừng nói như là để mình tự hỏi mình:

- Nhưng biết làm thế nào bây giờ...

Nàng đau đớn thầm nhắc lại cái ý tưởng hy sinh vì mẹ.

- Hay là ta hãy đợi cho đến khi mẹ ta qua đời...

Khổ đến nỗi phải mong mẹ chết!

Thấy Giao khóc, nàng bế con sang, rồi ẵm con trong lòng, ru ngủ. Tiếng hát ru khe khẽ lẫn với tiếng con mối kêu trên mái nhà gợi Nhung nhớ đến hồi thơ ấu. Nàng tưởng như còn nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng mẹ nàng hát ru nàng ngủ. Nàng còn nhớ lại cả câu thơ đầu trong truyện Phật Bà Quan Âm mẹ nàng vẫn thường hát theo câu đó để ru con:

- Chân như đạo Phật rất mầu.

Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân.

Bà Nghè giọng đầy nước mắt, bảo Nhung:

- Con đặt nó xuống đây.

Nhung nói:

- Để lát nữa, cháu chưa ngủ say.

Nhờ có đứa bé, hai mẹ con nhãng được câu chuyện buồn trong một lúc.

- Nhung ơi.

Thấy mẹ gọi mình bằng tên tục, Nhung rùng mình vì tự nhiên nàng nhớ đến những khi có người ngất đi réo tên tục để gọi cho tỉnh.

- Con phải nghĩ lại thương mẹ và thương thằng Giao nó còn bé nhỏ. Con nỡ nào đầy đọa nó như thế, nó đã tội tình gì cho cam. Bao nhiêu người khổ vì con... lại còn thầy nữa. Thầy đã già yếu lắm. Thầy mà biết tin này thì thầy chết mất Nhung ạ.

Nhung ngồi yên lặng nghe mẹ nói. Ánh nhạc nhẽo của mặt trăng hạ tuần in mờ mờ hàng chấn song xuống góc nhà. Nhung nhớ lại những đêm ngồi ở cửa sổ đợi trăng lặn để ra vườn với Nghĩa. Nàng không thấy việc trốn đi là cần kíp nữa. Nàng tự nhủ:

- Bấy lâu lẩn lút được thì sao không đợi được ít lâu nữa.

Nàng không nghĩ đến bỏ hẳn Nghĩa, mà chỉ nghĩ tìm cách nào cho ổn thỏa nhất. Tiếng bà Nghè vẫn đều đều lọt và tai nàng:

- Con không biết, chứ tiếng con to lắm. Không phải mẹ không biết thương con, nhưng người ta ở đời không gì quý hơn là tiếng thơm. Mẹ không nỡ nào để con trong một lúc dại dột mà làm mất cả công trình của con, của thầy mẹ dạy dỗ con.

Ánh trăng chiếu lọt vào giường, làm lấp lánh mấy sợi tóc trên vành khăn bà Nghè. Nhung lại nhìn rõ nét mặt mẹ và động lòng thương. Nàng nói để an ủi mẹ:

- Vì con vẫn biết thế nên con phải nói ngầm với mẹ, có dám để ai biết đâu. Mẹ con bên nhà cũng không nghi ngờ một tí gì cả. Xin mẹ chớ vội lo. Câu chuyện này chỉ có con với mẹ biết mà thôi.

Bà Nghè xổ tóc quấn lại khăn. Nhung nhìn thấy rõ vẻ vui mừng lộ trên nét mặt mẹ. Thấy Giao vừa thức dậy mở mắt nhìn ngơ ngác, Nhung vội lau nước mắt và bế con quay mặt ra phía ngoài cho nó khỏi biết là bà Nghè khóc, nàng nói với mẹ:

- Xin mẹ đừng lo phiền... Con sẽ xin tuân theo lời mẹ dặn. Mẹ đừng lo, con đã nói, thế nào con cũng xin giữ lời hứa.

Nàng bế con đứng dậy.

- Thôi, sang phản để yên bà ngủ, chú Giao nhé!

Nàng nghĩ thầm:

- Thế là đâu vẫn hoàn đấy.

Nhưng nàng thấy trong lòng nhẹ nhõm. Có lẽ từ nay nàng không áy náy nữa.

° ° °

Sáng hôm sau, Nhung dậy muộn. Ông Nghè bà Nghè đương ngồi uống nước ở trên sập. Quanh một mâm cháo nóng hơi nghi ngút, mấy đứa cháu nàng quây quần ngồi ăn. Bà Nghè âu yếm bảo Nhung:

- Con ăn bát cháo nóng cho tỉnh.

Nhung lấy thau ra bể nước. Con chó bông già nằm trên bực gạch, quay lại nhìn Nhung bằng hai con mắt, đầy rử. Biết là người quen, nó lại đặt đầu xuống hai chân rồi từ từ nhắm mắt lại. Nhung múc nước rửa mặt, nước mưa mát làm nàng tỉnh hẳn và có cảm tưởng rằng câu chuyện nói với mẹ đêm qua chỉ là một câu chuyện trong giấc mộng. Cảnh đời yên ổn ngày thường lại hiện ra trước mắt nàng. Nàng nghĩ giá có nhất định đi thì lúc này cũng hết cả nhất định, tự nhiên, không cái gì bắt buộc, nàng nỡ nào làm tan một cảnh gia đình êm ấm như thế kia, làm náo động đến cái cảnh già của cha mẹ nàng đầu tóc đã bạc phơ, chỉ còn mong sống được ngày nào hay ngày ấy.

Ăn cháo xong, Nhung xin phép cha mẹ dắt con về. Tới nhà cũng như mọi lần bà Án hỏi Nhung:

- Ông bà bên nhà vẫn được mạnh?

Nhung đáp:

- Thầy con hơi mệt, nhưng sáng ngày đã đỡ nhiều.

Nàng về phòng. Cái gối của nàng và chiếc quạt vứt ở góc giường hôm qua vẫn còn nguyên chỗ cũ.

VII

Nhung ra gương quấn lại khăn. Nghĩa lại gần kề má Nhung, âu yếm nhìn vào hai con mắt bạn trong gương, mỉm cười nói:

- Anh vừa mới mua cái gương mới vì cái cũ đục quá không xứng với hai con mắt trong của nàng tiên.

Nhung với chiếc khăn "san" quàng trên cổ, rùng mình:

- Thôi, em về kẻo muộn.

Nghĩa nhìn ra ngoài trời, nói:

- Em về lạnh lẽo một mình... Hay là đêm nay lạnh, em ở luôn đây đừng về nữa.

Nhung mỉm cười, nói đùa:

- Không về thì còn gì là tiếng thơm của em nữa. Thôi tạm biệt, để đến kỳ thu tiền tháng sau.

Nhung đã ra đến cửa, sắp mở cửa thì Nghĩa chạy theo, cầm tay kéo mạnh vào. Nhung gắt:

- Khéo không anh lại làm sổ khăn em lần nữa.

Nghĩa vẫn nắm chặt lấy bàn tay Nhung, đắm đuối nhìn bạn nói:

- Lần nữa... Sao em nói lắm câu ngớ ngẩn mà tình tứ thế! Lần nữa, lẳng lơ như vậy chẳng trách...

Nhung ngắt lời:

- Chẳng trách mê anh...

Nàng nghiêm nét mặt tiếp theo:

- Anh khinh em lắm, phải không anh Nghĩa?

- Sao em lại còn nghĩ vậy? Anh chỉ thương em thôi. Chúng mình đã bảo coi nhau như vợ chồng rồi cơ mà... Có khác gì đâu. Chúng mình là vợ chồng, vợ chồng chính thức. Không ai có lý gì buộc tội chúng mình, buộc tội em cả. Sao em lại còn hay nghĩ lẩn thẩn thế?

- Em vẫn biết vậy. Lẽ phải là thế nhưng mà em vẫn cứ làm sao ấy.

- Việc quái gì. Ai không thế.

Nhung đứng dựa lưng vào cánh cửa, một tay quặt ra sau vặn đi vặn lại cái quả nắm:

- Nghĩa là ai cũng giả dối như em cả... Mà khó chịu nhất là muốn có tiếng tốt, không có cách gì tốt hơn là giả dối. Chỉ có giả dối mới ổn thỏa được mọi đường... ổn cho chúng mình, chiều được thầy mẹ em, chiều được má chồng, chiều được hết cả mọi người.

Nhung mở hé cửa, một chùm hoa mộc rơi từ trên tóc xuống vai nàng. Nghĩa giơ tay cầm lấy đưa lên mũi:

- Hoa mộc thơm như một cô con gái quê mới dậy thì.

- Tiếng thơm của em đây. Em ngắt ở cây mộc ngay cạnh buồng anh ở ngày trước. Anh còn nhớ không?

- Em cho anh xin để khi em đi rồi còn phảng phất chút hương thừa.

Nhung khẽ ngâm tiếp theo:

- Hương thừa nhường vẫn ra vào đâu đây...

Nàng bước ra ngoài hiên, tay vẫn cầm quả nắm, nũng nịu giơ má để Nghĩa đặt cái hôn từ biệt:

- Đến tháng sau, vợ chồng mình lại họp mặt.

° ° °

Khi về đến làng, trời đã chiều. Nhung không hề mảy may sợ hãi. Đã mấy tháng nay thấy Nhung hay đi chơi luôn, tìm hết cách cũng không sao ngăn cản nổi, nên bà Án giao cho Nhung việc đi thu tiền họ và tiền nhà trên tỉnh để tránh tiếng. Nhung tự hỏi:

- Có lẽ mẹ chồng mình đã biết là mình đi đâu chăng?

Nhưng nàng không cần.

- Dầu bà có biết nữa cũng vậy thôi. Bà phải giữ cho mình hơn là mình giữ lấy mình.

Về tới nhà Nhung đi thẳng vào buồng khách. Bà Án đương ngồi nói chuyện với bà Nghè và một bà khách lạ. Nhung thấy mẹ nhìn nàng có vẻ lo sợ, bất giác nàng giơ tay sửa lại vành khăn và vuốt mái tóc. Nhung chào bà khách và thấy bà khách nhìn mình có ý dò xét. Bà Án vội vàng hỏi nàng, giọng âu yếm:

- Có mấy nơi họ trả đủ, con... Khổ quá, mẹ đã bảo đừng đi, con cứ không nghe. Con có thuê xe giờ đi đây chứ?

Nhung đáp:

- Thưa mẹ không. Từ nhà nọ sang nhà kia cũng không xa gì mấy. Con đi bộ cho khỏe người... Vả lại thưa mẹ, đi thế nhưng nghỉ luôn. Vào mỗi nhà lại nghỉ một lát.

- Thôi con đi rửa mặt. Bảo vú già lấy nước mùi mà rửa. Mẹ vừa gội đầu xong, hãy còn đấy.

Nhung lại bàn thờ chồng thắp hương rồi đi ra; vừa đi khỏi, tiếng bà khách làm nàng ngừng lại sau cánh cửa, lắng tai nghe:

- Mợ ấy còn trẻ quá nhỉ. Tôi trông chỉ độ hai mươi tuổi.

Tiếng bà Án nói tiếp luôn:

- Mợ cháu góa năm hai mươi, năm nay đã hăm lăm.

Nhung thấy mẹ chồng tăng tuổi nàng lên hai năm, không biết vì quên hay hữu ý. Bà Án cho bà khách biết cái tuổi góa chồng của nàng chắc là để bà khách nhận thấy nàng ở góa đã lâu, và từ năm còn trẻ lắm. Nhung không thấy mẹ mình nói gì. Nàng nghĩ thầm:

- Cái tiếng tốt của mình cứ thêm một năm lại tăng thêm một ít.

Một lúc lâu, bà khách vừa cười vừa nói:

- Mớ ấy không nhận ra tôi. Hồi tôi đến thăm bà thì độ lên mười... Hình như còn một cô em nữa, không biết bây giờ đã lấy chồng chưa?

Bà Nghè đáp:

- Cháu vừa lấy chồng năm ngoái.

Rồi bà Nghè hỏi tiếp ngay sang câu chuyện khác. Nhung biết là mẹ nàng sợ bà khách hỏi lôi thôi về Phương. Bà khách nói:

- Chóng thật. Đã mười năm trời rồi đấy. Thấm thoắt mà các cô ấy đã có chồng có con...

° ° °

Nhung đi rón rén về phòng.

Chiếc gối lẻ loi bên cạnh tấm chăn bông cuộn tròn đặt ở góc giường làm Nhung rùng mình nghĩ đến những đêm đông dài lạnh lẽo. Nghĩa vẫn thường nói:

- Ban đêm chúng mình chỉ gặp nhau ở trong mộng. Anh muốn một đêm nào, mộng đó sẽ thành sự thực.

Mùi nhang ở bàn thờ chồng nàng theo gió đưa sang. Ngửi mùi nhang thơm, Nhung nhớ lại đêm giao thừa năm ngoái cùng Nghĩa ra chùa bẻ lộc, vì nghĩ đến lời hẹn của Nghĩa mới đây:

- Tết năm nay, giao thừa anh sẽ về chùa làng em. Anh sẽ hẹn em ở vườn sau chùa, đúng chỗ năm ngoái, để vợ chồng mình mừng tuổi lẫn nhau năm mới.

Bỗng Nhung lắng tai. Xen lẫn với những tiếng nói chuyện khác, nàng vừa nghe thấy bà khách nhắc đến hai tiếng: "Danh thơm". Hai tiếng đó lần này nàng nghe thấy không biết đã bao nhiêu lần, vừa làm nàng rung động êm ái trong lòng, lại vừa như mai mỉa nàng, mai mỉa cả đời nàng.

Nhung gọi vú già lấy thau nước. Khi rửa mặt nhìn vào gương, nàng thấy trong lòng vui sướng.

"Mợ ấy trẻ quá nhí. Tôi trông chỉ độ hai mươi tuổi".

Câu nói của bà khách hãy còn như du dương vẳng bên tai. Nhung mỉm cười ngẫm nghĩ:

- Nghĩa đã không nói dối ta khi khen ta còn trẻ như con gái mười tám, đương tơ...

Mặc dầu trời rét, Nhung cởi cả áo trong để lộ ra hai cánh tay trắng, tròn trĩnh. Nàng té nước, nhắm mắt để nhận thấy rõ cái hơi ấm của làn nước trên cánh tay và tự nhiên nàng nghĩ đến những cái hôn nồng nàn của Nghĩa mới đặt trên da thịt nàng.

Một cơn gió lạnh lọt vào trong phòng. Bỗng Nhung đột nhiên thấy trong lòng buồn man mác, nhìn vẻ mặt tươi đẹp của mình, Nhung nghĩ đến rằng không bao lâu nữa ngắm lại dung nhan, nàng sẽ thấy mái tóc nàng điểm sương, mắt nàng mờ, và cũng như đôi gò má hồng, tình yêu của Nghĩa có một ngày kia sẽ phai nhạt. Tháng đi, năm đến, mùa xuân của đời nàng đi qua không bao giờ trở lại nữa!

Nhung thấy hiện ra rõ ràng trước mắt bốn chữ vàng.

TIẾT HẠNH KHẢ PHONG

Cùng với hai hàm răng long, mái tóc bạc, cái phần thưởng quý hóa ấy sẽ đến để kết liễu đời nàng, đời một người đàn bà góa trẻ, ở vậy thờ chồng, giữ được vẹn toàn tiếng thơm.

1935-1936