Mỗi nhà nho đều có lý tưởng sống. Không ai lạ gì một người đã chiếm được bảng vàng qua các kỳ thi tuyển cử quan lại, con trai một vị thượng thư trước đây, đang độ tuổi trưởng thành lại treo ấn võ quan lui về sống ở làng quê thuộc trấn Nghệ An và trở thành một thầy thuốc. Đó là thời kỳ rối ren mà rất đông nho sĩ đã thu mình về ở ẩn nơi làng quê. Từ đó, ngày đêm tiếp nối như thoi đưa, ba mươi năm trôi qua, Lê Hữu Trác không hề tỏ ra luyến tiếc. Trái lại, thời gian dường như chỉ khắc sâu thêm nỗi chán ghét của ông đối với giới quan lại và sự ghê tởm đối với tầng lớp quý tộc, mặc dù chính ông cũng xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc. Xa kinh đô hơn sáu trăm lý [1], ẩn mình nơi núi non, Lê Hữu Trác sống cuộc đời thanh nhàn và chỉ khao khát làm một người thầy thuốc già được người đời quên lãng. Ngồi buông câu cạnh gác Nghinh Phong, chơi đàn nguyệt, thăm nom người bệnh, dạy dỗ học trò, thưởng thức thú vui gia đình và làm thơ. Ông thường bảo đó là công việc trời định cho mình. Thế nhưng, mọi việc của đời người đều do thiên định và nếu suy ngẫm thì sẽ thấy rõ những gì sắp xảy ra đều có báo trước[2]
Từ vài tháng qua, nỗi lo lắng và căng thẳng của người thầy thuốc đáng kính không thoát khỏi sự chú ý của học trò và bạn bè mặc dù ông đã cố giữ kín. Nếu bên ngoài thấy ông không có chút gì thay đổi về thói quen thường ngày thì bên trong ông như đang bị gặm nhấm bởi một nỗi đau thầm kín. Sao không còn thấy tâm trạng tươi vui trước đây của ông? Giờ đây sao ông lại để lộ ra vầng trán đăm chiêu như vậy? Ngại nhắc đến nỗi niềm đau đớn riêng tư của thầy, các học trò và bạn bè không ai dám hé miệng. Nhưng rồi mọi người đều hỏi nhau: phải chăng ông mắc chứng thấp khớp kinh niên, bệnh lao, phù thũng hoặc bệnh phong. Tóm lại, một trong tứ chứng nan y? Dù tuổi đã lục tuần, Lê Hữu Trác vẫn giữ được khuôn mặt trẻ trung tươi sáng của một chàng trai, dáng vẻ vững chắc của cây tùng cây bách và người ta cũng thầm thì to nhỏ là ông còn nắm chắc được bí quyết trường sinh bất tử.
Phải chăng ông đã quá lao tâm khổ tứ cho bộ Bách Khoa y tá Langtry tông tâm lĩnh, một công trình y học đồ sộ mà ông đã dấn thân vào và đang hối hả hoàn thành với tâm trạng bồn chồn của một người lãnh án? Phải chăng ông là miếng mồi ngon của thần linh ma quái nào đó dang ganh tị trước những thành công?
Cụ Chúc, người làng An Việt, cuối cùng đã kết luận:
Nỗi phiền muộn này là do người bạn của chúng ta quá đỗi nổi tiếng mà thôi.
Khi buộc lòng phải giải thích cho mọi người, cụ chỉ phát ra những tiếng tặc lưỡi. không thể nào moi thêm được gì hơn từ cụ già vốn tính kín đáo này.
Thật ra cụ Chúc đã đoán được chín phần mười sự thật. Ông bạn đáng kính của họ không phải đau đớn về một chứng bệnh nào, không phải mệt mỏi do làm việc quá sức, cũng không có mối bất hoà nào giữa vợ chồng trong gia đình. Xem ra ông đã miễn dịch các chứng đau ruột, sốt rét, mưng mủ và cũng chẳng thấy một triệu chứng nào khác, chỉ có nỗi lo lắng căng thẳng của một con người đang cảm thấy bị đe doạ.
Đó chính là chuyện đang xảy ra với Lê Hữu Trác. Ông nghĩ rằng ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc này sẽ tránh được những thăng trầm thế sự. Nhưng giờ đây ông lại bị ám ảnh bởi ý nghĩ chỉ trong nay mai thế nào cũng sẽ có người đến tìm mình.
2. Mọi sự đã được bắt đầu từ năm trước, năm Canh Tỵ (1780), vào dịp tết Trung thu. Làm sao ông có thể quên được từng chi tiết của cái ngày định mệnh ấy.
Đó là một ngày khá đẹp trời. Khi những lồng đèn đã được treo lên, ông dắt đám trẻ con leo núi dạo chơi vì hôm nay là ngày lễ của chúng. Khí trời lâng lâng mát dịu. Những làn mây hồng bay lượn trên các đỉnh núi cao. Túi thơ buộc nhẹ thắt lưng, tráp bút mang vai, ông dẫn đám trẻ nhỏ vui vẻ nhảy nhót trên lối mòn dưới các lùm tre, tán lá. Tay dắt đứa này đứa khác, ông vừa đi vừa dạy bảo chúng. Qua đường chân trời, những rặng núi nhấp nhô hiện ra như một đàn tuấn mã phi nước đại. Đó là dãy Hương Sơn, trước đây là biên giới với xứ Chiêm Thành. Công trình kiến trúc đen sẫm nơi xa kia là bức thành đèo Ngang, biểu tượng của sự đối địch của bao đời các chúa Trịnh, Nguyễn. Phía dưới, sông Cả đang lững lờ ẩn hiện. Trên cao, đàn ngỗng trời giang rộng cánh bay về phía biển xanh, ông cũng đang ung dung leo qua những mỏm đồi với đầu chiếc gậy trúc, ông điểm nhịp những vần thơ:
Mặc ai phố thị khinh thành
Mặc ai xe ngựa rập rình vào ra
Riêng ta vui thú yên hà
Không làn bụi bẩn bay qua núi này…
Dãy núi non xanh thẳm trước cửa nhà là của ông, nguồn nước trong mát bao con suối chảy trên đám rêu phong cũng là của ông. Vùng đất khô cằn và xinh đẹp với những mùa đông giá buốt, mùa hạ cháy bỏng. Xứ sở này nóng rát như thiêu như đốt dưới gió lào, nằm rạp dưới những cơn gió mùa, đổ nhào ngả nghiêng trong bão tố. Xứ sở của non xanh nước biếc trong trời thu đỏ au màu gấm vóc. Tất cả là của ông. Tình yêu quê hương trong ông thấm đẫm mùi nhựa cây pha lẫn vị mặn của gió. Đó là hương vị của xứ Nghệ quê ông mà bao đời tổ tiên ông đã hít thở. Trong hơi thở hổn hển các vị cũng đã băng qua đường mòn này, vầng trán đẫm mồ hôi trong ngọn gió mai, đong đầy trong mắt họ cảnh vật chiều tà như hôm nay. Bỗng nhiên, xuất phát từ vũ trụ bao la những nguồn lực đây đó hoà tan vào ông, như trái đất thấu hiểu một cách bí ẩn lương tâm nhân loại, làm nảy nở trong ông ý nghĩ về một nguồn sức mạnh diệu kỳ từ chín tầng trời toả xuống cho ông. Khi ý nghĩ đó định hình, ông tự buông thả mình cho sự sảng khoái lạ thường, cho sự vui mừng hớn hở của toàn bộ châu thân cường tráng, cho lòng sâu sắc biết ơn vì được hưởng ân huệ sống trong những tháng ngày êm đềm này. Và ông lại xuống núi giữa những tiếng cười vui trong niềm say sưa ngây ngất. dưới ảnh hưởng của dòng linh khí đang hội tụ vào ông từ những vực sâu thanh khiết, một nguồn nhựa mới đang trào lên nóng sôi huyết quản, ông tắm mình trong luồng ý nghĩ dâng trào như trong thời xuân trai trẻ. Ông tự cho mình là một cây thông cổ thụ réo rắt tiếng chim ca, tin chắc rằng còn sống được nhiều năm nữa. nếu được trời cao phù hộ, ông sẽ hoàn thành bộ Bách Khoa Y tông tâm lĩnh và sẽ nhìn thấy đàn cháu chắt lớn lên để sau này chăm lo việc hương khói tổ tiên. Dù đức tài hèn mọn, ông vẫn nuôi niềm cao vọng sống xứng đáng là một con người hữu ích trong cuộc đời này. Và lòng nguyện ước tràn đầy đạo nghĩa ấy làm tăng thêm niềm vui sảng khoái trong ông.
Lúc này bóng tối đang đan xen với những tia sáng trên ngọn đồi. Ngày đã tàn, thú biết bao là trở lại nhà để chuẩn bị cho cuộc lễ tôi nay. Đây rồi cánh cổng oai nghiêm và đây rồi các bộ mái cong cong thấp thoáng giữa đám cành lá…
Cùng lúc ấy, nguồn nghị lực mạnh mẽ trong ông bỗng nhiên bị đảo ngược và chỉ trong giây lát, từ đỉnh cao của hạnh phúc vô biên Lê Hữu Trác bị chơi vơi trong một nỗi khắc khoải kỳ lạ. với tốc độ chóng mặt như ở đáy giếng sâu, ông thấy đang trôi vào bên trong chính mình qua bao vết nứt nẻ khủng khiếp, thân thể gần như bị đập nát bởi những trận đá lông lốc rơi xuống và ông bị hút sâu đến tận cùng của hư vô. Rồi sự bất ổn này – có như thế ư? – vị lương y tự hỏi – tan biến đi để lại sâu thẳm trong ông một nỗi lo sợ khủng khiếp.
Tiếng reo hò của đám trẻ kéo ông trở về với thực tại. Trong khi ông và lũ trẻ đi vắng, bằng nhiều quả đu đủ, các em gái trong nhà đã tỉa tót thành những bông hoa, chú cá và nhiều vật kỳ lạ khác.
Bà vợ thì thầm hỏi:
Trông vẻ mặt thầy, phải chăng thầy vừa gặp phải ma quỷ?
Chẳng có việc gì qua mắt được bà nội tướng này mặc dù bà luôn ngập đầu vì bao công việc nhà.
Chỉ gặp vài vị thần bất tử thôi – ông đùa lại.
Ông là một người mà học thức vượt lên trên những mê tín nhảm nhí, hơn nữa ông là một lương y mà bề dày kinh nghiệm đã dạy cho ông dựa vào các cứ liệu cụ thể và chính xác chứ không phải trên những cảm tính nửa hư nửa thực. Chẳng cần thiết phải quan trọng hoá việc rắc rối này. Nhưng dù sao lúc này tâm ông cũng còn xao xuyến.
Từ xa vọng lại tiếng chiêng trống của cuộc lễ, mọi người đều gác lại những nỗi lo lo lắng của ngày mai. Được phép đến dự lễ Trung Thu với những chiêc lồng đèn cho đám múa sư tử đêm nay, bọn trẻ con ùa nhanh vào làng. Trung thành với tập tục từ xưa, bà vợ ông đã cho dọn các thức nhắm và rượu trong khu vườn để mọi người thưởng thức trăng rằm. Vầng trăng lên cao với vẻ đẹp lộng lẫy u buồn của đêm thu, bầu trời ban nãy sáng rực như bàn thờ ngôi chùa làng bỗng tối dần. Tất cả mờ nhạt đi trong màu xám vô cùng dịu dàng. Nhiều bằng hữu được mời đã bắt đầu đến. Ra vẻ bình thản, ông tiến về phía trước đón họ với những lời chào hỏi thường ngày.
Dù không phải là người uống nhiều rượu nhưng trong đêm nay ông buộc phải cạn mấy ly và khi ngà ngà say, ông xướng lên bài thơ nhan đề "Thưởng rượu dưới trăng thu" mà không sao quên được nỗi buồn tê tái trong tâm hồn đang làm ông đau đớn.
Rồi mọi người cáo lui, đêm mờ nhạt dần.
Đang thiu thiu ngủ trên tấm phản gian ngoài thì tiếng trống canh năm khiến ông choàng tỉnh, kéo ông ra khỏi màn bi kịch khủng khiếp, một thứ thế giới tơi tả không tên tuổi, không hình dong nhưng lại cấu kết với nhau để chôn sống ông. Rồi từng loạt cánh cửa liên tục đóng lại trước một khoảng trống càng lúc càng kín mít, tôi mù và ngột ngạt. Ở xa kia là một hình vuông mà ánh sáng mong manh không với tới được, cứ như một mảnh gương nhỏ xíu có hình ông bị bóp nghẹt đến ngắc ngoải, bịt đi lối thoát tia sáng nhỏ nhoi còn sót lại vboo và rồi cũng không còn nữa. Khi ông choàng thức dậy thì chỉ còn lại trong ông một nỗi lo âu cùng cực.
Tất cả điều đó có nghĩa gì? Những cuộc tiếp xúc thường xuyên với cái chết đã ít nhiều ngăn bớt những xúc cảm trong ông. Qua kinh nghiệm, ông biết rõ một niềm vui quá lớn, một nỗi buồn quá dữ dội có thể gây nên chứng nghẹt thở và một số biểu hiện xúc động chứng tỏ bệnh đau tim. Tuy vậy, cuộc bắt mạch vừa rồi cho thấy không một chất hoả nào thái quá trong cơ thể ông. Trớ trêu thay là số phận! Tình trạng này không mảy may nằm trong sở trường của ông. Nguồn gốc nỗi đau này trải rộng ra nhiều nơi khác mà ông cũng không biết là ở đâu nữa.
Trong nhà vang lên những âm thanh quen thuộc. Dưới bếp, mấy người đầy tớ gái vui tính và hay liú lo trò chuyện đang lo buổi cơm sáng. Soạn, chú đầy tớ nhỏ, một đứa bé mồ côi mà ông đã chữa lành chứng sốt rét và đón về dưới mái nhà này, dâng lên ly trà đậm bốc hương mỗi sớm mai mà ông rất thích. Mọi việc diễn ra một cách bình thường nhưng dường như lại khác hẳn một cách lạ lùng. Ông có cảm giác kỳ lạ như đang sống trong một thế giới nửa thực nửa hư. Nếu như ông có tâm sự với các bạn thân trong nhóm thi hữu thì chắc là họ không quên hỏi đùa lại "Chẳng phải tại đây chúng ta thường hay nói với nhau: sống gởi thác về đó sao?" Đúng là lúc đầu ông cũng nghĩ vậy nhưng rồi sự hoài nghi đã làm xương cốt ông lạnh như băng giá – có phải chắc như vậy không?
Cảm giác nặng nề ấy không suy giảm theo thời gian trái lại còn tồn tại dai dẳng, ông tự quyết định phải đi hỏi các vì sao trên trời. Nhớ lại từ lâu lắm, ông đến nhà một ẩn sĩ cao niên họ Võ và hoặc được phương thuật bói toán và phong thuỷ. Việc đó gợi nhớ thời trai trẻ, khi ông mất đi sự nương tựa nơi người cha sớm từ trần và cũng chán ngấy nghiệp đao binh, ông đã viện lý do về chăm sóc mẹ già ở Nghệ An và treo áo mũ từ quan ở cửa thành phía Đông. Lui về xứ sở quê hương, ông đã nghiên cứu chiêm tinh học, các phương pháp khác nhau về thuật bói toán trên việc khảo nghiệm các nguyên lý âm dương, phép ngũ hành tương khắc và tương sinh, phương vị của mặt trời, mặt trăng và các vì sao tương hợp với ngày tháng năm sinh của mỗi người.
Thế rồi trong tất cả các phương thuật được sử dụng, may mắn sao ông còn nhớ đến các phép Hà lạc, Tiền định, và chính xác hơn cả là khoa Tử vi. Ông luận ra số phận ông vì sao Thiên Mã chiếu mệnh, nói khác đi là cuộc hành trình. Lời tiên đoán đó giúp ông củng cố niềm tin rằng tữ nay ông là một cánh bèo con vô định trôi theo dòng nước, một người bị án treo mà số phận ngang trái sẽ sớm cuốn ông đi khỏi gia đình, khỏi các công trình và khỏi cả mảnh đất này. Tại sao ông lại buộc cho mình một niềm xác tín như vậy? nếu ở người khác, ông quan sát thấy sự ngớ ngẩn như thế trong đầu óc họ thì ông cho đó là sự điên khùng. Vậy tại sao khi xảy ra với chính mình, ông lại mềm yếu buông theo? Ông cay đắng tự trách mình. Là con người của kiến thức, trong các cuộc khảo cứu, ông luôn luôn dựa trên lẽ phải. Ông thường nhắc lại điều đó trong nhiều dịp với các môn đệ của mình.
Để hình dung những nguyên nhân đã kéo ông ra khỏi sự yên tĩnh của cuộc ở ẩn này, một số vấn đề lại nổi lên làm tăng thêm nỗi bối rối nơi ông.
Việc thân phụ sớm từ trần đã đưa ông theo khuynh hướng lãng tử, chối bỏ tham vọng ngay cả khi con đường công danh rạng rỡ mở ra trước mắt. Nếu thân phụ còn tại thế, ông có dám rời bỏ truyền thống gia tộc của các vị đại công thần đất nước không? Ông ngoại, người đem đến cho ông lòng yêu thích nghề y là một võ quan cao cấp, thân phụ và thúc phụ (mà người ta nói ông rất giống) đều là thượng thư dưới triều nhà Lê. Thật ra, ông luôn sống theo sở thích mình, không bận lòng lắm về những ai đang trị vì và đang cầm quyền. Ông sống đúng theo danh xưng Lãn Ông – "Ông Lười", như ông đã tự chọn, có lẽ ông phải đợi một ngày nào đó để trả giá cho sự tự do ấy chăng? Vì ông ham thích phần việc nhọc nhằn thầm kín là chữa bệnh cho người đời hơn là vinh hoa phú quý, cho dù đó là người giàu có hay nghèo hèn, tốt hay xấu. nếu đó là số phận bứt ông ra khỏi chốn ẩn cư này, làm sao ông còn mong trốn thoát được?
Với những ý nghĩ đau buồn như vậy, ông không tìm ra được phương thuốc nào hiệu nghiệm hơn bằng sự miệt mài trong công việc và thường xuyên đắm mình biên soạn bộ Bách Khoa, làm như cuộc đời ông chỉ còn tuỳ thuộc vào nó.
Từ những năm trước đây, khi khởi đầu nghề y với nhiều kết quả, ông đã không ngừng làm cho kiến thức của mình thêm sâu sắc bằng cách đọc kỹ các dược thư, nghiền ngẫm các công trình của người đồng hương Thiền sư Tuệ Tĩnh. Dần dần, để mình không bị lóa mắt trước các phương pháp điều trị của người Trung Hoa mà những đồng nghiệp hay tham khảo, ông không chút ngần ngại đặt phương cách trị bệnh của mình được xây dựng trên nền kiến thức bao la với bầu kinh nghiệm dày dặn gắn liền với trực giác. Ông đã trình bày những quan điểm độc đáo về hệ thống ngũ tạng gốc gồm tim, gan, lá lách, phổi và thận, về những bệnh chứng và cách chữa trị để xây dựng một nền y học mới phù hợp với khí chất, cách dùng và các loại cây thuốc Việt Nam. Kết quả của ba mươi năm nghiên cứu mà ông đã thực hiện được tập hợp trong đại công trình Y tông tâm lĩnh để hiến dâng cho đời.
Một năm kiên trì trôi qua trong việc biên soạn chương 4 tập 2 với nhan đề Sự phát hiện những bí ẩn của vũ trụ hoặc Bí ẩn về thận tạng được tiết lộ, cuối cùng ông đã tìm lại được phần nào nguồn thanh thản, nếu không muốn nói là tính vui tươi quen thuộc của mình.
Vào giờ thìn trong buổi sáng thágn hai năm Tân sửu (1781), Soạn chạy nhanh lên ngôi gác khi ông đang pha chế phương thuốc chống rối loạn tiêu hóa.
Thưa ông chủ, có một người mang phong thư từ kinh đô đang đợi cụ ở sân trước!
Nghe Soạn nói xong, nỗi lo lắng trong ông lại bị đánh thức. Tuy vậy ông vẫn tiếp tục sắp đầy các khay thuốc trước khi ra đón người phái viên.
Phong thư có áp dấu của quan Chánh đường, ông ta là ai? Ông ta cần gì mình vậy?
Ông đã buông lỏng nhịp thở - À, thì đó là Quận Huy trước đây là quan Thụ trấn tỉnh này, bệnh nhân nổi tiếng quyền cao chức trọng ngang hàng Tể tướng đã gửi thư cho ông hay tin tức của mình, biểu thị ở đây cũng cùng một thái độ lịch sự cao nhã, như mỗi khi ông đến thăm nha môn. Trước đây, ông đã nhiều lần được mời tới khám bệnh và lúc nào cũng vậy, quan Thự trấn đối xử với ông như một vị thượng khách đặc biệt, mời ông ăn cùng một mâm, ngồi cùng một chiếu. Riêng ông không có chút gì ngạc nhiên vì ông quan này nổi tiếng là luôn tỏ ra khiêm nhường nhã nhặn với các nho sĩ trí thức.
"Thế là, mặc dù trọng trách hiện nay là quan Chánh đường, ngài Quận Huy đã hạ cố nhớ đến ta, một thầy thuốc với tri thức chưa thật hoàn hảo bị mất hút trong chốn sâu thẳm nảy", ông tự nhủ với nỗi chán chường.
Đã từng sống trong cung đình, ông không lạ gì cuộc sống của một đại thần quyền cao chức trọng, vốn là cuộc sống của chính phụ thân ông, là nơi con người khó top cận mà chiếc kiệu thì lúc nào cũng sẵn sàng đưa đến tận Cấm thành. Vậy tại sao hôm nay ông ta lại bỏ thì giờ quý báu dường ấy để viết thư cho ông?
Sau khi cả nhà ùa tới thăm hỏi ông đã rút lui, bà Tuyết liền hỏi ông:
Thầy mình ơi! Chuyện gì đã xảy ra làm thầy bất bình vậy? Chuyện gì mà từ Tết Trung Thu đến giờ khiến thầy bực dọc và dày vò như vậy? Thầy sẽ cho thiếp biết rõ chứ?
Với tính kiên nhẫn, bà cố chờ một dịp nào đấy giãi bày với ông nỗi lo lắng đọng lại trong tâm can bà thời gian gần đây.
Hai ông bà sống với nhau xưa nay như môi với răng, như xương với thịt. trước khi cử hành hai nghi lễ đầu tiên trong ngày thành hôn, oodj cắt lời giao ước trước đây với con gái một vị phán quan. Hai ông bà đã gắn bó bằng những tình cảm sâu đậm và thường họ không giấu giếm nhau chuyện gì.
Trong lúc này, nỗi bực bội suýt bị đoán ra đã vượt lên trên tình âu yếm của ông. Nhưng khi nhìn thấy bà như trẻ lại với đôi má ửng hồng đang chờ đợi câu trả lời, ông bỗng nhiên thán phục lòng sắt son mà mối tình này đã hồn nhiên mang lại qua chiều dài năm tháng mà có lúc ông tưởng như mình có quyền đương nhiên được hưởng vậy.
Tim se lại, ông không đáp một lời, còn bà thì vừa đi vừa thở dài "Chao ôi, tuyệt biết bao quãng thời gian êm đềm khi hai ta cùng một niềm cảm thông sâu sắc!" Vậy có ích chi khi báo với bà để đề phòng trước mối hiểm nguy mà chỉ mình ông dự cảm!
Từ trong ống tay áo, ông rút ra phong thư của quan Chánh đường rồi nhẩm đọc lại, bị giày vò bởi mối lo âu đang tăng lên, ông cảm thấy như đang bị treo vào sợi dây trên một sự thật ghê tởm. một điều gì đó hiện lên qua những dòng chữ thanh nhã còn rõ ràng hơn cả ý nghĩa của chúng. Điều gì đó đã làm tối sầm đầu óc u sầu, ném ông vào những mối lo sợ mà nguồn sinh lực của ông đã biến mất. Mắt ông hoảng loạn, những tờ giấy đỏ tươi dán trên các hộp thuốc như phình to ra cho đến lúc trở thành một vệt đỏ ối khủng khiếp. Rồi sau một lúc, những nhãn giấy hồng điều đó trở lại như cũ, hơi thở ông dịu xuống và ánh sáng nhận thức đã lại nảy sinh. Ông đã hiểu ra.
Điều mà ông lo sợ một cách mơ hồ, đó là mối tai hoạ, sự đe doạ. Cuộc ra đi này được ghi lại từ các vì sao, tất cả đều là những điềm báo trước về số phận không thể tránh khỏi của ông, nhờ phong thư này mà chứng minh được mối liên quan tai họa của chúng, nếu trong một ngày tới, ông phải bứt ra khỏi gia đình, làng xóm, mất đi sự yên bình và lo lắng cho sự an toàn của mình, tất cả những chuyện đó đều do quan Chánh đường chứ không phải ai khác! Ai, nếu không phải là ông ta đang triệu hồi mình ra kinh đô? Như vậy nỗi lo sợ không một ai hay biết nay đã được chứng minh đầy đủ sự thật. Than ôi!
Cảm giác bị nỗi bất lực xâm chiếm cộng với sự ghê tởm cuộc đời này khiến viễn cảnh ông bị ngụp sâu vào đó lần nữa càng nhân lên gấp bội. Rõ ràng là vinh hoa chỉ đem lại phiền muộn. Đã bao lần ông nhắc lại điều đó với bằng hữu và học trò! Lẽ ra trước đây ông nên viện dẫn một số lý do nào đó để tránh việc đi chữa bệnh cho quan Thự trấn tỉnh nhà. Ông tự than thở "Phải chi biết thận trọng đề phòng trước thì hôm nay ta đã tránh được sự dày vò bởi cái danh tiếng hão!"
Linh cảm về một sự việc mà ông nghĩ là không thể nào lẩn tránh được có nghĩa là phải chấp nhận nó. Sự khôn ngoan nhắc nhở ông rằng trước khi báo cho gia đình biết ông đang đợi quan Chánh đường viết tiếp thư. Thế rồi ông kín đáo chuẩn bị cho người nhà biết việc triệu hồi này. Ông tự nhủ "Hơn nữa, chắc ngqày Quận Huy đang có một lý do gì khẩn thiêt lắm!" suy nghĩ khác đi là xúc phạm đến phép lịch sự cao nhã của viên đại thần này, người vốn hay khen tính hiệu nghiệm về sự chữa bệnh của ta. Chứng cứ là từ khi đi khỏi trấn Nghệ Anh lúc nào ông ta cũng khoẻ mạnh. Lý do cấp thiết này có phải là do khuôn mặt phấn son mỹ miều của một bà phi được sủng ái nhất trong đông đảo các bà không? Hay do đôi mắt thâm quầng vì cơn sốt của cậu con trai yêu quý nhất? không biết bằng cách nào va do mưu mẹo nào mà tai họa này giáng xuống đầu ông, đó là điều dày vò ông nhất.
Từ khi từ giã vũng nhơ triều đình, ông không còn quan tâm điều gì đã xảy ra trong đó. Mặc dù vậy, nhiều lần ông nghie người ta nói rằng Chúa Trịnh Sâm xa lánh mọi người trong phủ liêu giữa những bộ sưu tập quý hiếm, thế tử ấu chúa Trịnh Cán, con trai của bà ái phi Đặng Thị Huệ vô cùng kiều diễm và cũng vô cùng quyền thế lên ngôi kế nghiệp, rằng phe cánh của người thưa kế chính đáng Thế tử Trịnh Khải bị tước quyền đang sống trong bóng tối đầy thù hận. Thây kệ! Điều đó chả mấy quan trọng với ông! Theo ông, chỉ những tên người thay đổi còn tình hình thì vẫn y như cũ. Toàn là những cuộc tranh chấp xảo trá về quyền lực, giữa các phe phái, của những chiếc bụng nữa. Tóm lại là cuộc đấu tranh ác liệt trong Cấm thành để cho lên ngôi một thế tử nối nghiệp Chúa Trịnh. Đó là đầu mối của nhiều thủ đoạn trong lòng cuộc sống xa hoa và thú ăn chơi trác táng, với bọn thám tử mắt chuồn chuồn lúc nhúc khắp nơi, với bao câu chuyện phun ra chất độc, với nụ cười ẩn giấu dưới lưỡi lê sắc lạnh, với những con người liêm khiết bị xử trảm trước khi được nói và bọn nịnh thần đâu cúi gục và đôi chân đứng thẳng được khen thưởng hậu hĩ…Đó là chuyện thường ngày trong cung đình.
Trước đây ông đã rút lui một cách vội vã và đúng lúc khỏi cái xã hội thôi ruỗng đến tận xương tuỷ ấy. Các bằng hữu đất kinh thành chưa lúc nào hết ngạc nhiên trước sự từ quan quá sớm như vậy. Ông trả lời "Bậc tri giả chân chính nên hành động ngay sau khi đã thấy những tín hiệu đầu tiên, đừng chờ đến cuối ngày". Ít nhiều năm tháng phục vụ Chúa Trịnh đủ để làm bay biến hết ánh hào quang hình ảnh người võ quan trẻ tuổi dưới ngọn cờ của công lý và chân nghĩa. Trong tình hình này, có hay chi mà cứ tiếp tục hoà điệu giữa mớ bát nháo ấy? Nhớ lại năm Mẵo1751) trước đây cũng không mấy hơn gì ngày nay, cả đất nước không được an vui thái bình. Không ai không biết vương triều Lê sán lạn kéo dài hơn ba thế kỷ qua đã từ lâu đang cầm gươm đàng mũi. Là những ông Chúa thạo nghề binh đao, nhà Trịnh cai quản đàng Ngoài, còn nhà Nguyễn thì ở đàng Trong và các cuộc nội chiến luôn diễn ra. Điều ngãm nghĩ của nho sĩ Phạm Công Thế trước khi lên đoạn đầu đài đã tóm tắt bao chuyện đáng ngờ của tình hình lúc đó.Ông vừa nói vừa cười "Đã từ lâu rồi phẩm hạnh và danh vị của nhà vua không được minh bạch, thế thì lấy gì làm cơ sở để biết ai là kẻ phản nghịch ai là bề tôi trung thành?"
Quả thế, thời kỳ đó không còn thuận lợi cho trí thức và các đại gia như trường hợp gia đình ông trước đây đã có nhiều thế hệ quan lớn cho triều đình nhà Lê. Bao chuyện xảy ra làm họ bị chìm ngập trong mớ bòng bong. Làm sao có thể phục vụ trung thành một thứ chính quyền thối nát mà không phản bội lại nhân dân và phản bội cả chính mình? Làm sao chống lại ngai vàng mà không phản bội nghĩa vụ tôi trung với vua? Có giải pháp nào tốt hơn cho một nho sĩ bị giằng xé giữa các nguyên tắc Khổng giáo bằng việc rút lui khỏi thế cuộc trần ai này để được làm một nhà giáo, một thầy thuốc hoặc một nhà chiêm tinh học không?
Đó là quyết định trước đây của ông. Chưa bao giờ ông hối tiếc điều ấy!
Từ thời đó đã nảy sinh hai luồng thời vận, một cát, một hung, cả hai đều được sinh ra từ Đấng Quyền năng tối cao. Luồng thứ hai là Bạch Hổ, con cọp trắng độc hại liên tiếp chiến thắng làm cho người ta tưởng chừng như Trời cao không còn quan tâm đến số phận đất nước này. Các cuộc nội chiến chưa đến hồi kết thúc thì các tai hoạ khác lại nhanh chóng đến thay phiên. Không năm nào mà người dân không đau khổ về bao tai ương thảm khốc, khi không có lụt lội thì lại xảy ra hạn hán, khi vắng bão tố thì sâu bọ côn trùng lại phá hoại mùa màng, gây ra dịch bệnh và đói kém. Bị đói khát cùng kiệt, các tầng lớp nông dân nổi dậy như những bày ong và hét lớn "Đả đảo nhà Trịnh!" Các cuộc nổi dậy sớm hình thành rồi cũng sớm tan rã. Người ta nói đó là vì số phận nhà Trịnh chưa đến hồi kế't như lời sấm truyền. Trong lúc chờ đợi, những văn bằng, những phẩm trật quan lại được tiếp tục rao bán, gánh nặng sưu thuế bóp cổ giới thương buôn, đất đai rơi vào tay bọn phú hào trong khi kẻ nghèo không có thước đất cắm dùi, rồi bao xác chết chất cao dọc đường với những vong hồn vất vưởng mà khi ngang qua không một ai buồn bố thí một hòn đất nhỏ…
Đó là thế giới thăng trầm mà người ta muốn cho ông ngụp đầu vào nữa chăng?
Có thể nói khi cảm thấy như có một tấm lưới bủa quanh, Lê Hữu Trác bắt đầu ấp ủ một mối oán hận nặng nề pha trộn với nỗi căm giận âm thầm. Nỗi bất lực và sự rã rời chứa đầy mầm mống của chất độc, của bao lời nguyền rủa ngấm ngầm đối với quan Chánh đường vốn rất nhã nhặn và khoan từ này. Ôi chao! Nếu có hơn một tín hiệu nào báo trước trận cuồng phong sẽ cuốn sạch cả vua Lê và chúa Trịnh, phải chăng ông cũng không thể căn cứ vào một hy vọng nào đó trước sự sụp đổ nay mai của họ cũng như trước sự thất sủng hiển nhiên của quan Chánh đường. Điều mong chờ duy nhất của ông là lạy Trời mong sao cho việc triệu hồi này hoãn lại để ông có thì giờ chuẩn bị cho mình và cho cả gia đình. Và với điều cầu nguyện đó trong sâu thẳm tâm hồn, ông tự buộc mình phải suy nghĩ như không có gì xảy ra.
3. Đó là chưa tính đến sự chăm chú theo dõi của vợ ông, bà Tuyết, đã không lơi ông qua một nháy mắt nào. Bà đang lo cho ông đau đớn vì một căn bệnh hiểm nghèo được giấu kín hoặc là ông đang dự tính co một cuộc hoà hợp không tương xứng với một phụ nữ nào đó mà không do bà tự tay chọn lựa. Niềm đau khổ cứ cuộn lên trong chín tầng khúc ruột bằng nhiều cách khác nhau cho đến lúc phong thư của quan Chánh đường tới, vén lên bức màn che giấu nỗi day dứt bí ẩn của chông bà. Được an ủi khi biết rằng ông không nhuốm bệnh cũng không phải muốn đưa về nhà một nàng hầu mới, nhưng trong bà nỗi lo lắng lại cứ tiếp diễn, chồng bà có nguy cơ bị tuột khỏi tầm tay với lý do này hoặc lý do khác. Mặc dù bà không biết rõ đầu cua tai nheo câu chuyện nhưng sự thật bà hiểu tường tận về ông hơn bất kỳ người nào khác. Ông không phải thuộc hạng người hay lo sợ vu vơ nếu không có những căn cứ chính xác. Bà còn muốn hiểu rõ đâu là sự bồn chồn mà ông che giấu bằng vẻ ngoài thanh thản, đâu là niềm luyến tiếc não nùng bỉêu lộ qua mỗi ánh mắt nhìn.
Mủi lòng qua nhiều cố gắng vô ích, bà lặng lẽ nhìn trộm ông, lúc này bà đang dự đoán đâu là sự thật rồi tự hỏi phải làm sao để giúp ông đây. Ôi phải chi ông thuận lòng nói cho bà hay! Trước nỗi lo lắng thấy rõ mà ông muốn đối xử khéo léo với bà, bà ăn năn sâu sắc về những ý nghĩ nặng nề của mình khi trước đây trong thói ghen tuông chua chát. Nhưng bà lại tin rằng sự hoà hợp trong tình vợ chồng của hai ông bà sẽ không còn nữa! đến một mức mà bà cảm thấy như đang sống trên tàn dư của quá khứ vậy.
Những công việc thường ngày trong gia đình lâu nay được bà làm trong trìu mến và yêu thương nay bỗng nhiên chẳng có nghĩa lý gì nếu không nói là khó chịu nữa. Vậy đó, trời cao ghen tị đang tìm cách thử lòng bà về những gì mà chính cao xanh đã hào hiệp ban cho lâu nay. Thử thách nàt chưa kết thúc thì bỗng một thử thách khác lại hiện ra.
Như cây tre trong vườn, bà Tuyết che giấu dưới vẻ mảnh mai của mình đức tính kiên nhẫn và lòng đam mê. Tin chắc vào tình cảm của ông, bà đã quyết định làm tất cả để xua tan số phận. Rồi trong năm Tân Sửu (1781) này, một mình bà đã thức đêm để làm lễ cúng tên, nỏ và quân cờ để xua đuổi tà ma quỷ quái, nếu cần bà sẽ đến xin ý kiến thầy phù thuỷ và nếu còn cần thiết nữa thì đi xin hầu đồng. Bà sè làm tất cả những gì cần phải làm, để ông nhà tránh khỏi những điều không mong muốn.
Và như vậy dù cả hai ông bà mỗi người một phía còn thận trọng giữ gìn ý tứ và mỗi người giả vờ phô bày nét thanh thản bên ngoài thì cả hai cùng đang chờ đợi một lá thư khác sẽ đến. Không có gì ngạc nhiên khi hai ông bà càng gắn bó với nhau trong nỗi lo này.
Cả hai ông bà đều ngập đầu trong bề bộn công việc. Ông thì chăm lo thuốc men, bà lo việc nội trợ, cúng lễ, khẩn cầu những điều thầm kín, thời gian cứ thế trôi qua. Hoa anh đào vừa tàn phai thì nhành lựu đầu hè lại rực đỏ và lúa tháng năm đã nhấp nhô uốn lượn theo làn gió trên cánh đồng làng. Cuộc sống ẩn cư nơi Hương Sơn hẻo lánh này vẫn theo nhịp đều đều với những bệnh nhân đến khám, bạn bè và học trò của nhóm thi hữu thì hay đến thưởng thức món dưa hấu mát lịm lúc chiều hôm và trao đổi về y thuật và thơ văn. Thậm chí, vào những buổi chiều, từ cánh cửa ngôi gác, bà nhìn thấy tấm lưng dài khi ông đang cúi xuống viết với cây bút lông hoặc giữa tiếng thoi lanh canh nhẹ nhàng của khung dệt bà nghe được vài đoạn giảng bài của ông cho học trò và cảm thấy tâm hồn mình vợi đi bao nỗi lo lắng. Thật sung sướng khi một làn gió nhẹ mơn man trên cổ bà, và càng sung sướng hơn nhiều khi được nghe giọng nói của ông để biết rằng ông ở đây, rất gần, và đúng là của bà. Chỉ điều đó thôi cũng đủ để bà quên lãng phần còn lại của thế gian này.
Trong một buổi chiều mùa hạ nóng bức, khi ông đang say giấc nồng sau những bức mành tre buông thõng và tịnh không có một dấu hiệu báo trước, phong thư thứ hai của ngài Quận công bọc trong chiếc bao trắng lại đến.
Lòng tràn ngập nỗi buồn sâu sắc, bà Tuyết tự tay đưa phong thư cho ông rồi lùi vào trong, bà nhắc mọi người cùng làm như vậy và tin chắc rằng ông sẽ cho gọi bà ngay sau đó. Song bà đã nhầm!
Bà còn phải chờ đợi mươi ngày nữa để rồi một đêm trong tình chăn gối, ông mới đành thổ lộ tâm can mình:
Mình ơi, không chóng thì chầy, thể nào tôi cũng phải ra kinh đô một lần, một lần thôi. Than ôi! Rồi đây giữa ánh sáng tưng bừng của hoàng cung, tôi sẽ không còn được ung dung thư thái, tôi sẽ phụ lòng hoa lá cỏ cây nơi núi non xưa cổ này.
Bà nhìn ông dưới ánh sáng chập chờn những cây đèn trong đêm tối. Những lời vừa rồi của ông chưa nói rõ được tất cả, bà hẳn biết thế. Khẽ khàng, bà tìm bàn tay ông và đặt nhẹ vào trán mình. Sau bao nhiêu năm sống chung, bao nhiêu niềm vui cùng hưởng, bao nhiêu gian khó phải đương đầu, với bà đêm nay như là một đêm định mệnh: họ đang đi vào một con đường hầm tăm tối mà ở cuối nỗi đau là cái chết đang chờ đón.
Rất tâm đầu ý hợp, bà thanh thản trả lời ông:
Thầy mình ơi! Thầy đã trải qua cả cuộc đời để có được nhiều công lao. Trong việc giáo dục học trò, thầy đã hết lòng hết sức giúp đỡ bao nhiêu người tuỳ theo khả năng của họ, trong việc nghiên cứu, thầy đã dồn tất cả sức lực, chưa bao giờ thầy nghĩ đến lợi ích riêng mình mà chỉ lo cứu giúp đồng loại. Ông Trời có mắt thấy rõ điều đó, thiếp đây sẽ tiếp tục cầu khẩn để giữ thầy ở lại nơi này. Trong vận may hạnh phúc hoặc số phận ngang trái, hai ta đã gắn kết với nhau bằng lời thề hải minh sơn, thế thì nơi nào thầy đến, thiếp sẽ nguyện theo cùng. Có hay gì để thầy tự giấu kín một mình nỗi lo âu như vậy?
Nói xong bà mạnh dạn cười vui với ông. Được ghì chặt trong niềm xúc động lạ thường và cũng vì trong cả cuộc đời, bà đã là người mà ông yêu quý nhất, ông liền bảo:
Mặc dù ta còn nghèo nhưng chúng ta đã thương yêu nhau trong sự hoà hợp của duyên cầm sắt và có thể nhờ đó chúng ta đã cảm động được Trời xanh.
Sau ngày đó, ông đã sống trong niềm tin rằng một ngày nào đấy sẽ có người đến tìm mình.
Bà luôn theo ông trong từng giấc ngủ và chờ đến khi ông tỉnh dậy. Vừa nhấc đầu khỏi chiếc gối, ông đã vội vàng đi xem lại mọi nơi trong nhà, những bức trướng thêu còn treo đó trên các xà gỗ, chiếc quạt lông ngỗng xoè ra trên bức tường trước mặt, chiếc lư đồng Kim mã hắt ra từ lúc rạng đông mới hé những ánh lờ mờ quen thuộc, trên bàn viết vẫn cây bút lông và giấy bản mà ông đã để lại hôm qua. Ông nhận ra mình đang còn ở đây, tại nhà mình và cảm thấy được an ủi nhưng rồi tự hỏi ngay, đến bao giờ? Sau bức rèm hạt cườm, một cành mận hiện ra đung đưa đàng sau bức màn nhoà lệ. Ông nghe tiếng Lâu, đứa cháu nội reo cười, ông lo lắng khi nghĩ rằng không được trông thấy nó lớn lên và ông sẽ dẫn dắt nó vào đường nghiên bút khi thời khắc tới.
Bao nhiêu chi tiết dệt nên bức tranh thường ngày hôm nay lại mang đến cho ông một giá trị bất ngờ. Nhìn kìa, hoàng hôn hiện trên những triền núi tím dãy Hoành Sơn với đàn cò trắng vỗ cánh bay qua và lúc rạng đông, làn hơi nhẹ bốc lên từ các hồ nước và hàng tre xanh đẫm sương, rồi tiếng kêu cô đơn của chú khỉ trên đôì cao, bầy cá vẫy ánh bạc trong bể nước đầu nhà, tiếng cối xay lúa đều đều trong đêm và trên chiếc cột cao thoảng lên tiếng gõ lanh canh với chiếc cờ đuôi nheo chỉ hướng gió để chuẩn bị các bài thuốc uống. Và cả những âm thanh quen thuộc từ trong sâu thẳm của ngôi nhà kể lể bao chuyện bình thường và muôn thưở. Tất cả đều gợi lên trong ông nỗi tiếc nuối thấm thía.
Để thóat khỏi những cuộc dày vò cay độc của nỗi luyến tiếc bằng sự nỗ lực nhân lên gấp bội, ông đắm mình trong công cuộc nghiên cứu Bí ẩn về thận tạng được tiết lộ mà ông dự cảm sẽ là cống hiến tuyệt vời nhất. Nếu không có sự chăm chú theo dõi của bà, ông chẳng bao giờ rời khỏi thư phòng. Cân nhắc kỹ hoàn cảnh lúc này, hai ông bà tự hỏi nên làm như thế nào đây khi xem ra bên ngoài không có gì thay đổi nhưng có thể tình thế đã khác nhiều so với trước đây.
Không phải chỉ có họ là những người duy nhất tự hỏi mình như vậy.
Mãi đến thời gian này, khi mùa mưa bắt đầu, sau phong thư thứ ba mà quan Chánh đường gửi tới, các học trò và bạn bè của người thầy thuốc đáng kính mới cảm nhận về nỗi buồn đau này
4. Mặc dù trong cảnh ngộ nào ông cũng giữ dáng vẻ ung dung tự tại của một vị thần bất tử nhưng từ nay trở đi mọi người không khỏi nghi ngờ một nỗi đau bí hiểm đang gậm nhấm trong ông. Nhiều lần, các thành viên nhóm thi hữu đã gặp những triệu chứng của nỗi đau đó. Chính những học trò của ông cũng rất đỗi lạ lùng vì họ dự cảm mỗi bài lên lớp hôm nay có thể là bài cuối cùng và trong ngày mà ông giảng giải những điểm chủ yếu trong môn y học thực hành cô đọng trong 74 câu Châu ngọc cách ngôn[3], phần đông họ nhận thấy ít ra đó cũng là lời di chúc đặc biệt của ông rồi.
nhưng trong những giả thuyết nêu lên thì điều mà cụ Chúc đáng kính thốt ra "Ông bạn của chúng ta quá đỗi nổi tiếng" trước đông đảo bạn bè và học trò là rất quá đáng nếu không muốn nói đó là điều ít vững chắc nhất. Trong khi lý tưởng của mọi người trên thế gian là mong lưu lại chút hương thơm tên tuổi mình cho các thế hệ mai sau, vậy tại sao Đại Y Sư Lê Hữu Trác lại đau khổ về sự quá nổi tiếng này? phải chăng đã đến lúc ông quá hoảng loạn về điều đó rồi.
Mọi người đều biết rõ điều mà ông luôn ao ước là được xa lánh những vinh hoa phù phiếm, được ẩn cư nơi vùng Hương Sơn này, giữa bà con thân thuộc, để được nghe tiếng bép bép của bầy hươu nơi rừng xa hoặc ngắm núi đồi Hương Sơn như đổ xô về biển cả.
Nhưng đàng sau ước nguyện đó của Lê Hữu Trác đã xuất hiện một bóng đen. Đã có thêm những dấu hiệu thân thiện ngày càng nhiều của quan Chánh đường, phong thư này tiếp phong thư khác đang gây thêm nỗi lo âu. Ông càng cảm thấy một sự ghê tởm tai quái, một sự ham muốn trả thù đang ẩn chứa trong sâu thẳm của cái ác.
Sau khi nghe bao tiếng thở dài trong đêm trường qua chiếc gối, bà Tuyết nói với ông:
Thầy mình ơi, có thể nào một con người tài năng như thầy lại đi tin vào một sự việc bất trắc nhỏ nhoi để làm cho thầy luôn day dứt như vậy? Xin thầy đừng nghĩ ngợi nhiều về nó nữa nếu thầy không muốn điều đó xảy đến.
Rõ ràng nỗi day dứt nhất của ông là mối lo sợ bị quan Chánh đường triệu hồi ra kinh đô, việc này có thể xảy ra dựa trên những điều có thực, ông ta rất ưu ái ông và giữ vai trò toàn quyền quyết định…Song trước hết là vấn đề của định mệnh. Ông đã nghiên cứu chiêm tinh học với một vị thầy xuất sắc nhất và ông đã nhìn thấy số phận mình trong vì sao Thiên mã chiếu mệnh. Có gì đâu, mối đe doạ này hình như thuộc vào một tương lai giả định, cuối cùng nó đang ngày càng đến gần.
Vị lương y đáng kính Lê Hữu Trác đã dự cảm điều đó, ông đang hối hả dồn sức vào cuối năm Tân Sửu (1781) soạn thảo chương Bí mật về thận tạng được tiết lộ trong bộ Bách Khoa Y tông tâm lĩnh nhằm mở rộng quan điểm độc đáo của ông về các chức năng nội tiết của cơ quan gọi là Cửa sinh. Ông đã có lý vì vào ngày 12 tháng giêng năm mới, năm Nhâm Dần (1782), định mệnh đã xuất hiện trên căn gác yên tĩnh của ông.
Chú thích:
[1] Một lý bằng 720 mét
[2] Theo Kinh Dịch
[3] Chương 2 trong bộ bách khoa Y tông tâm lĩnh