Ông C là một nhà văn được giới thanh niên mến mộ, tôi đã từng được xem bộ phim dựng từ tác phẩm của ông, khán giả trong rạp đều chật ních, thỉnh thoảng họ lại vỗ tay cổ vũ những cảnh thú vị trong phim. Bộ phim là phim phá án, hấp dẫn tôi nhất là kỹ xảo tuyệt diệu khi thẩm vấn phạm nhân trong phim:
viên cảnh sát uy hiếp, dọa nạt phạm nhân đủ kiểu, dồn hắn ta đến cảnh cùng đường mạt lộ, lúc này lại xuất hiện một viên cảnh sát khác, thái độ của anh ta ôn hòa, tỏ ra rất tin tưởng và thông cảm với tên tội phạm. Cho dù là trong phim hay ở ngoài đời, tôi nghĩ bất kỳ là ai cũng đều bị kỹ xảo này sai khiến, có đến tám, chín phần mười sẽ thẳng thắn nhận tội.
Còn trong hiện thực, sự thẩm vấn của giới cảnh sát tuy không được sinh động hoạt bát như trong phim, nhưng về cơ bản cũng chẳng khác bao nhiêu với phương pháp này. Đầu tiên do một cảnh sát theo mô típ công kích thẩm vấn tội phạm, dùng thế công mãnh liệt làm đối phương thối chí, nói với hắn ta rằng đã tìm ra chứng cứ, đồng bọn hắn ta đều khai cả rồi v.v..., bức anh ta tới chỗ tiến thoái lưỡng nan. Sau khi bị thẩm vấn như vậy rồi, có người sẽ khuất phục, nhưng đa số những tên tội phạm ngoan cố thì sự chống đối của chúng lại càng mạnh, thà chết chứ không nhận tội.
Khi đã đến mức này, lại đổi một cảnh sát theo mô típ ôn hòa thẩm vấn hắn. Viên cảnh sát hoàn toàn.
đứng vào lập trường của tên tội phạm, thật lòng an ủi hắn, khích lệ hắn “Gia đình của anh đều hy vọng anh được xử nhẹ, mong anh nghĩ tới họ" v.v... Với kiểu mềm mỏng này, tội phạm thường sẽ cảm thấy xấu hổ, hối hận, cung nhận mọi hành vi tội lỗi của mình.
Thủ pháp này là một phép tâm lý lạ kỳ, còn gọi là "phép cương nhu kết hợp". Một bên đầu tiên bức đối phương tới bước đường cùng, buộc anh ta phải bó tay; lúc này một người khác ra mở cho anh ta một lối thoát. Tất nhiên trong trường hợp này đối phương sẽ không do dự chạy vào con đường có thể thoát thân kia.
Kỹ xảo này không chỉ dùng trong những trường hợp đặc biệt như thẩm vấn, mà khi đàm phán kinh doanh nó cũng có tác dụng rất lớn. Khi đàm phán, bên đặt hàng không đưa ra điều kiện thực ngay lúc đầu. Nhất là trong trường hợp bên đặt hàng phái hai người đi tham gia đàm phán, trong đó trước tiên một người cố gắng đưa ra những yêu cầu khắt khe, làm đối phương hoang mang lúng túng, nhất thời không biết ứng phó ra sao; lúc này vị kia đưa ra một phương án chiết chung "tức phương án thực sự", tự nhiên sẽ tạo cho đối phương một lối thoát. Trước thế trận đó cho dù về khách quan thì điều kiện này khá bất lợi, nhưng đối phương sẽ cho rằng phương án chiết chung này hay hơn nhiều, và tỏ ra tiếp nhận.