Hai mươi năm trước ông Kami Yoshi, một người nổi tiếng trong giới phát hành sách, đã khuyên tôi viết một cuốn sách với đầu đề là "Độc tâm thuật". Viết bài cho tạp chí thì tôi còn có thể, chứ viết một cuốn sách đối với một người chưa từng có kinh nghiệm viết sách như tôi, quả là một việc khó có thể làm được. Tôi không có một chút tin tưởng nào về việc này. Nhưng ông Kami Yoshi không để ý tới lo lắng của tôi, nhẹ nhàng nói với tôi: "Thế nào? Đầu đề không tồi đấy chứ? Bắt tay vào ngay chứ! 300 trang bản thảo là được rồi, anh mỗi ngày viết khoảng 5 trang là được!" lạ là sau khi ông ta nói như vậy tôi bỗng cảm thấy gánh nặng trên vai giảm nhẹ đi nhiều, cảm thấy sau hai tháng giao nộp bản thảo không phải là điều không thực tế.
Thoạt đầu cứ nghĩ tới thời gian dài hai tháng, bản thảo dày tới 300 trang, tôi không khỏi cảm thấy một áp lực khó mà chịu được. Nhưng nghe ông ta nói "Mỗi ngày viết 5 trang mà", nghĩ tới có khi để kịp gửi bản thảo cho tạp chí, mình một ngày có thể viết mười trang, hai mươi trang, nên bỗng cảm thấy rất nhẹ nhõm. Thực tế bắt tay vào mới cảm thấy định mức 5 trang một ngày là đủ cao rồi; song đã nhận lời rồi thì không thể trì hoãn được nữa. Đợi tới khi tôi, người nghiên cứu tâm lý học, cảm nhận thấy mình đã thất bại trong cuộc chiến tâm lý, thì đã quá muộn. Không ngờ tôi lại mất đi gánh nặng một cách khoan khoái trước bộ mặt cười của ông ta, nghĩ đến ông Kami Yoshi chắc chắn sẽ cười tôi trong bụng, "Đúng, ông bạn ạ, viết một cuốn sách tất nhiên là phải cực nhọc rồi?".
Nghĩ kỹ một chút, đây là một kiểu tác dụng tâm lý làm tôi vui vẻ nhận lời lúc đó. Trong tâm lý học gọi đó là "kỹ xảo giảm pháp", loại tâm lý này ứng dụng khá rộng rãi trong cuộc sống của chúng ta. Như công ty cho vay vốn dùng lời quảng cáo "Vay 10 nghìn, lợi tức một ngày mới có 25 đồng" để dẫn dụ khách cũng chính là vận dụng kỹ xảo này. Trên thực tế, tính lợi tức một năm thì lên tới hơn 90%; có nghĩa là nấc vay 10 nghìn thì 1 năm sau phải trả hơn 19 nghìn đồng.
Hoạt động tâm lý có liên quan tới con số, ngoài "Kỹ xảo giảm pháp" ra, còn có "Kỹ xảo đổi phép tính". Mọi người đều biết một câu quảng cáo của công ty mua bán bất động sản "Từ nhà mới ngồi xe điện 90 phút đến trung tâm thành phố..." đã dùng phép đổi phép tính. Nếu viết là một tiếng ba mươi phút, thì sẽ cho mọi người cảm giác thời gian quá dài' cảm thấy đi làm mất nhiều thời gian quá. Nhưng chỉ đổi thời gian thành 90 phút, trong nhịp điệu cuộc sống lấy phút làm đơn vị, thì sẽ cảm thấy 90 phút không phải là quãng thời gian dài. Bất kể là "Kỹ xảo giảm pháp" hay "Kỹ xảo đổi phép tính", kỳ thực đều không thay đổi con số, chỉ là vận dụng kỹ xảo tâm lý vô cùng khéo léo mà thôi.