Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

Chương 8: Neo Cảm Xúc: Cần Điều Khiển Cảm Xúc Của Bạn

Neo cảm xúc giúp bạn có được những cảm xúc tích cực một cách hết sức nhanh chóng. Neo cảm xúc còn mạnh mẽ đến mức có thể khiến một cặp vợ chồng đang xung đột tìm lại cảm giác yêu thương thuở nào... Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lợi ích của những neo cảm xúc tích cực nhé.

Từ những chương trước, bạn đã biết rằng chính bạn tạo ra cảm xúc của mình, và bạn có khả năng sở hữu bất kỳ trạng thái cảm xúc nào bạn muốn. Nhưng liệu bạn có cần phải hoàn tất quá trình chuyển đổi dáng vẻ điệu bộ và các giác quan nội tại của mình mỗi khi bạn muốn bước vào một trạng thái cảm xúc nào đó không?

Liệu có cách nào giúp bạn thay đổi cảm xúc tức thì không? Câu trả lời là có, và phương pháp đó được gọi là neo cảm xúc. Neo cảm xúc là một tác nhân kích thích có thể châm ngòi cho một trạng thái cảm xúc trong bạn nhanh như chớp. Neo cảm xúc hay tác nhân kích thích là những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm nhận được, khiến bạn phát sinh một cảm xúc nào đó.

Vậy neo cảm xúc hoạt động như thế nào? Bất cứ khi nào bạn đang ở trong một trạng thái cảm xúc cao độ và có sự hiện diện liên tục của một tác nhân kích thích (neo cảm xúc), trạng thái cảm xúc của bạn sẽ tạo ra mối liên kết thần kinh với neo cảm xúc đó. Điều này có nghĩa là bạn chỉ cần thực hiện đúng neo cảm xúc đó thì ngay tức khắc, trạng thái cảm xúc gắn liền với nó sẽ quay trở lại với bạn.

00081.jpg

Phương pháp neo cảm xúc lần đầu tiên được Ivan Pavlov, một nhà tâm lý học người Nga, khám phá dưới cái tên “phản xạ có điều kiện”. Trong thí nghiệm của mình, Pavlov cố tình đặt đĩa thức ăn thơm ngon trước mặt những chú chó để khiến chúng lâm vào tình trạng đói bụng cực độ và chảy nước dãi thèm thuồng. Cứ mỗi lần như vậy, ông lại rung một chiếc chuông nhỏ. Sau một thời gian lặp đi lặp lại quá trình này, mối liên kết thần kinh giữa tiếng chuông và trạng thái đói bụng của những chú chó được tạo ra. Kết quả là sau này, mỗi khi Pavlov rung chuông nhưng không hề đưa thức ăn ra, những chú chó cũng lập tức cảm thấy đói bụng và chảy nước dãi.

Thật ra, quá trình hình thành neo cảm xúc không chỉ áp dụng cho động vật. Là con người, chúng ta cũng bị “neo” vào những cảm xúc khác nhau mọi lúc mọi nơi. Một số neo cảm xúc giúp bạn đạt được cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, điều không may là hầu hết các neo cảm xúc tự nhiên đều khiến bạn rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực và giới hạn khả năng của bạn. Vậy thì não bộ của bạn đang “neo” những cảm xúc nào?

Có ba dạng neo cảm xúc cơ bản: neo hình ảnh, neo âm thanh và neo cảm nhận.

NEO HÌNH ẢNH

00082.jpgTrong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay tạo ra những neo hình ảnh nào? Có phải bạn luôn cảm thấy chán chường, mệt mỏi bất cứ khi nào bạn nhìn thấy mặt một người nào đó như bà sếp khó chịu của bạn chẳng hạn? Trái lại, bạn sẽ cảm thấy phấn chấn vô cùng mỗi khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của cô con gái yêu của bạn, đúng không?

Bên cạnh đó, bạn cũng thường “neo” cảm xúc mạnh mẽ của bạn trong quá khứ vào những sự việc xảy ra xung quanh bạn. Ví dụ, khi một số người đang phóng xe trên đường, bóng dáng thấp thoáng của các anh cảnh sát giao thông sẽ khiến họ chú ý ngay. Nhất là khi họ đã từng trổ tài “anh hùng xa lộ” và bị thổi phạt, hình ảnh đó sẽ lập tức khiến họ giật mình hoảng sợ và nhanh chóng đạp thắng giảm tốc độ.

Trong thực tế có những người luôn cảm thấy buồn ngủ sau vài phút mở sách ra xem. Đó là vì hình ảnh quyển sách dày cộm, nặng trịch đã được gắn kết với cảm giác nhàm chán và buồn ngủ của họ.

À, bạn có thuộc nhóm người luôn cảm thấy bồn chồn, tim đập thình thịch mỗi khi bước lên sân khấu nói chuyện với khán giả không? Hoặc bạn có hay hoảng sợ cùng cực mỗi khi bước vào phòng thi thời còn đi học không?

Lạ lùng hơn nữa, có những người còn bị ảnh hưởng bởi những thời điểm khác nhau trong ngày. Những giờ cụ thể – thường là vào lúc ngủ trưa hay đi ngủ buổi tối – trở thành neo cảm xúc đối với họ. Chỉ cần nhìn thoáng qua thấy đồng hồ điểm 11 hoặc 12 giờ khuya (giờ đi ngủ) là họ lập tức chuyển vào trạng thái buồn ngủ.

Do đó, bạn cần lưu ý những tác nhân kích thích hoặc neo cảm xúc khiến bạn rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực vì nó chính là nguyên nhân khiến bạn làm việc kém hiệu quả.

NEO ÂM THANH

Một dạng tác nhân kích thích/neo cảm xúc khác mà bạn trải nghiệm là neo âm thanh. Neo âm thanh là âm thanh được liên kết thần kinh với một trạng thái cảm xúc riêng biệt. Ví dụ, tiếng còi xe cảnh sát vang lên sẽ khiến nhiều người cảm thấy “sợ hãi”.

Thế còn giọng nói con người thì sao? Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi nghe giọng nói chói tai của người bên cạnh. Còn giọng điệu êm ái nhỏ nhẹ của cô bạn gái lại khiến bạn cảm thấy vô cùng dễ chịu, có đúng thế không?

Tất cả những neo âm thanh (tiêu cực hay tích cực) này đã được cài đặt từ những trải nghiệm cảm xúc của bạn trong quá khứ. Âm nhạc là một trong những loại neo âm thanh hiệu quả nhất. Và ngành điện ảnh ngày nay đã rất thành công trong việc lồng nhạc vào phim, sao cho người xem cảm nhận được nhiều cung bậc tình cảm khác nhau.

Nào, bây giờ bạn hãy tưởng tượng cảnh mình đang bơi giữa biển vào một đêm trời tối mịt. Trong lúc cảm nhận cơ thể bạn trôi dập dìu theo từng cơn sóng, tôi muốn bạn bật tiếng nhạc nền trong phim “Hàm cá mập” (Jaws) bên tai. Có phải bản nhạc này lập tức khiến bạn hoảng sợ tột độ không? Có phải nó khiến bạn liên tưởng tới hàm răng nhọn hoắc của con cá mập trắng khổng lồ không?

Tôi biết khá nhiều người, sau khi xem phim “Hàm cá mập”, đã sợ hãi đến mức không dám bơi ngoài biển. Lý do là vì họ không thể nào quên được tiếng nhạc cũng như những hình ảnh kinh dị trong phim khi họ bước xuống nước.

Chuyện này không có gì khó hiểu cả, bởi bộ phim đã làm cho người xem khiếp sợ cùng cực khi thấy cảnh người bị cá mập xé xác. Cộng với việc các nhà làm phim liên tục lồng bài nhạc nền ghê rợn kia vào những cảnh tượng hãi hùng như thế. Kết quả là sau khi bộ phim kết thúc, âm điệu bản nhạc đó được gắn kết chặt chẽ với cảm giác sợ hãi của người xem.

Vậy thì có bộ phim nào giúp bạn có được cảm xúc tích cực không? Tất nhiên là có, như bài nhạc nền của phim “Những chiến xa lửa” (Chariots of Fire) truyền cho người nghe cảm xúc phấn khởi, háo hức. Nếu bạn là fan hâm mộ của phim “Rocky” giống như tôi, tôi dám chắc là bản nhạc nền phim “Rocky” cũng mang lại cảm giác phấn chấn, hừng hực khí thế cho bạn.

Vì vậy, việc tôi thường làm, và bạn cũng nên làm, là sử dụng những neo âm thanh này để đạt được cảm xúc mạnh mẽ trong trường hợp cần thiết.

Có phải tiếng chuông đồng hồ báo thức mỗi buổi sáng luôn khiến bạn cảm thấy chán chường, uể oải và chỉ muốn tắt đi ngủ tiếp không? Trước đây, mỗi khi nghe chuông báo thức, tôi thường lấy gối bịt chặt hai tai lại. Bạn có biết tôi làm cách nào để thoát khỏi trạng thái cảm xúc tiêu cực do tiếng chuông báo thức gây ra không? Tôi dùng bản nhạc nền “Rocky” làm tiếng chuông báo thức trong máy nghe nhạc của mình và bật âm lượng tối đa.

Bạn hãy đoán xem chuyện gì xảy ra? Bản nhạc nền “Rocky” lập tức đưa tôi vào trạng thái phấn chấn, thế là tôi bay ra khỏi giường với cảm giác sảng khoái và tràn đầy năng lượng bắt đầu ngày mới. (Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn dùng bản nhạc nền “Rocky” làm tiếng chuông báo thức mỗi buổi sáng).

Hồi còn đi nghĩa vụ quân sự, tôi thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi khi phải tập chạy đường dài 2,4 kilômét. Chỉ mới chạy được mấy phút là tôi cảm thấy đuối sức, thở không ra hơi và trong đầu luôn vang lên giọng nói, “Mệt quá, mệt không chịu nổi rồi”.

Với tình trạng như vậy, dĩ nhiên là tôi dần dần chuyển từ chạy sang đi bộ. Lúc đó, tôi biết rằng cách duy nhất giúp tôi có đủ sức lực để hoàn thành vòng chạy là dùng sức mạnh của neo cảm xúc. Thế là ngay khi cảm thấy đuối sức, tôi mở bài nhạc “Những chiến xa lửa” trong đầu mình và ngay lập tức, hình ảnh những vận động viên chạy đường dài đang tập luyện đầy nghị lực khiến tôi cảm thấy phấn chấn, mạnh mẽ và hoàn tất vòng chạy trong thời gian nhanh nhất có thể.

Bạn đã từng xem bộ phim kinh điển “Titanic” chưa? Tôi biết có người xem tới cả chục lần nhưng cứ mỗi lần xem là mỗi lần khóc. Và cũng rất nhiều người bị “neo” cảm xúc vào bản nhạc nền phim này. Ngay khi bài nhạc “My heart will go on” trỗi lên, họ sẽ chuyển ngay sang cảm xúc yêu đương lãng mạn. Vài người bạn của tôi còn cố tình dùng giai điệu này để đưa người yêu mình vào cảm xúc ủy mị, ướt át nữa.

NEO CẢM NHẬN

Loại neo cảm xúc thứ ba là neo cảm nhận. Neo cảm nhận là khi có ai đó chạm vào người bạn hoặc khi bạn di chuyển theo một cách nào đó làm kích hoạt một trạng thái cảm xúc nhất định trong bạn.

Ví dụ, có phải có một số cử chỉ biểu hiện tình cảm của người thân đối với bạn (vuốt tóc, choàng vai...) khiến bạn cảm thấy hạnh phúc vì được yêu thương không?

Những vận động viên chuyên nghiệp thường có một số hành vi hoặc “nghi thức” riêng biệt giúp họ đạt được trạng thái cảm xúc tốt nhất trước giờ thi đấu quan trọng. Như chúng ta hay thấy Michael Jordan lè lưỡi, Tiger Woods giơ cao nắm đấm còn nhiều vận động viên khác thì vỗ tay. Trong quá khứ, mỗi khi những vận động viên này cảm thấy hưng phấn và mạnh mẽ, họ liên tục thực hiện những động tác đó cho tới khi nó trở thành neo cảm xúc của họ.

Bạn không cần phải là vận động viên nổi tiếng hoặc ngôi sao điện ảnh để có được những “tuyệt chiêu” như vậy. Bạn có thể tạo ra những neo cảm nhận cho riêng bạn để giúp bạn chuyển vào trạng thái cảm xúc hiệu quả nhất trước khi bước lên thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, đứng trước khán giả, gọi điện thoại chào hàng hay bắt tay vào một dự án khó khăn.

Bạn có quen ai trong quân đội, công an, hải quân hay không quân và họ rất tự hào về bộ đồng phục của mình? Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy trạng thái cảm xúc của những người này đổi khác hẳn khi họ khoác lên người bộ đồng phục đó.

Tôi nhận thấy rằng khi một người mặc đồng phục vào, nhất là khi họ có hàm cấp cao, lập tức dáng vẻ điệu bộ của họ thay đổi. Họ đứng thẳng hơn, hơi thở khác đi, nét mặt cũng thay đổi theo. Họ làm tất cả những việc này trong tiềm thức mà không hề hay biết.

Lý do là vì bộ đồng phục chính là neo cảm xúc của người mặc, khiến họ cảm thấy tự tin và có uy quyền hơn. Đó có thể chỉ là một bộ quần áo bình thường đối với bạn. Nhưng khi bộ đồng phục đó đi chung với cấp bậc và quyền lực, nó trở thành một neo cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ.

Khi tôi mới “chân ướt chân ráo” bước vào nghề diễn thuyết, một bộ vest xanh đi kèm với cà vạt đỏ luôn giúp tôi cảm thấy phấn chấn, tự tin hơn. Và hầu hết những nhà lãnh đạo, nhất là phụ nữ, đều hiểu rõ sức mạnh của “bộ quần áo quyền lực” trong việc giúp họ có được phong thái tự tin đĩnh đạc, đồng thời cũng khiến người đối diện kính nể họ hơn.

NEO CẢM XÚC ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao Nike lại trả cho những ngôi sao trong làng thể thao hàng triệu đô chỉ để họ mặc những bộ quần áo có logo Nike không? Nike làm vậy bởi họ hiểu rõ sức mạnh vô biên của neo cảm xúc. Năm ngoái, Nike đã ký hợp đồng quảng cáo 5 năm trị giá 100 triệu đô la với Tiger Woods chỉ để anh đội nón và mang những phụ kiện có logo Nike. Họ quá dư tiền và điên rồ chăng? Không hề. Họ thừa biết rằng khi khán giả xem Tiger Woods thi đấu, họ sẽ vừa ở trong trạng thái phấn khích cực độ vừa nhìn thấy logo Nike. Tương tự, khi khán giả xem Jordan thi đấu, họ cũng có cảm giác tuyệt vời và đập vào mắt họ là logo Nike. Chắc chắn từ đó, logo Nike sẽ mang lại cho mọi người cảm xúc tích cực. Tất cả những trạng thái mạnh mẽ, phấn khích, tự tin đều đã được “neo” vào hình ảnh logo Nike.

Cuối cùng, mục đích mà Nike hướng tới là neo cảm xúc này có thể khiến người khác bỏ ra hàng trăm đô la để mua những đôi giày Jordan, hoặc để sở hữu những chiếc nón và áo đánh gôn Tiger Woods. Tại sao vậy? Bởi vì những sản phẩm này mang lại cho khách hàng cảm giác tuyệt đỉnh khi họ mặc vào người.

Thông qua việc sử dụng sức mạnh neo cảm xúc để liên kết logo và sản phẩm của mình với những trạng thái cảm xúc tích cực mang đến bởi các vận động viên nổi tiếng, Nike đã trở thành công ty sản xuất đồ thể thao lớn nhất và thành công nhất thế giới. Trước đó, khi Nike bỏ ra hàng triệu đô la cho các vận động viên, nhiều đối thủ cạnh tranh của họ đã dè bỉu, nghĩ rằng họ khùng điên và phung phí tiền vô ích. Nhưng kết quả cuối cùng thì chắc bạn đã rõ.

Đừng để những neo cảm xúc tiêu cực tự nhiên điều khiển bạn... hãy tạo ra neo cảm xúc mạnh mẽ cho riêng bạn!

Nếu các công ty lớn dám chi hàng triệu đô la để “neo” những cảm xúc tích cực của khách hàng vào thương hiệu của họ, có lẽ đây cũng là lúc bạn cần phải bắt đầu làm chủ cảm xúc của bạn và tạo ra những neo cảm xúc hữu ích cho riêng mình. Bạn sẽ học được phương pháp tạo ra neo cảm xúc ở những trang sau.

Bên cạnh đó, bạn có biết tại sao một người có thể yêu thương một người khác sâu đậm đến vậy không? Đơn giản là vì họ đã “neo” những cảm xúc yêu thương vào khuôn mặt, giọng nói của người kia. Khi hai người yêu nhau ở bên cạnh nhau và cảm thấy hạnh phúc tràn trề, đó là lúc họ nghe giọng nói và ngắm nhìn gương mặt người yêu mãi cho đến khi các neo cảm xúc được hình thành. Do đó, chỉ cần nghĩ đến nhau, trong lòng họ lại dâng lên cảm giác yêu thương dào dạt.

Vậy bạn có biết tại sao có nhiều người không còn yêu nhau nữa sau một thời gian không? Lý do là vì những neo cảm xúc tích cực trong mối quan hệ hai người đã bị mất dần và thay vào đó là những neo cảm xúc tiêu cực.

Khi hai người ở bên nhau nhiều, thế nào cũng có những lúc hiểu lầm giận dỗi. Điều nguy hiểm là họ cứ nhìn thấy khuôn mặt người yêu của mình vào những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”.

Hoặc là khi người này có thói quen ôm người kia để an ủi mỗi khi họ có chuyện buồn. Chẳng bao lâu sau, tất cả những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, đau khổ lại được gắn liền với khuôn mặt, giọng nói cũng như những cử chỉ ôm ấp của người yêu.

Và thế là mỗi lần nghĩ đến người kia, cảm xúc tiêu cực trong họ lại trỗi dậy. Đó là lý do tại sao nhiều người trước đây đã từng là “chim liền cánh, cây liền cành”, mà bây giờ hễ nhìn thấy mặt nhau là họ lại không kiềm nén được nỗi bực bội. Cuối cùng, tình cảm trong họ cạn kiệt và họ chia tay nhau.

Vì thế, bạn cần nắm rõ sức mạnh của neo cảm xúc vì hai lý do. Lý do thứ nhất là để tạo ra những neo cảm xúc tích cực nhằm giúp bạn chuyển vào trạng thái cảm xúc hiệu quả, bất cứ lúc nào bạn cần làm việc với phong độ cao nhất. Lý do thứ hai là để hiểu được những neo cảm xúc tiêu cực có thể hạn chế bản thân bạn, để từ đó bạn có thể loại bỏ và thoát khỏi sự ảnh hưởng nguy hại của chúng.

BỐN BƯỚC TẠO RA NEO CẢM XÚC TÍCH CỰC

Bạn có thể tạo neo cảm xúc cho hầu hết những cảm xúc tích cực mà bạn cần như tự tin, thư giãn, có động lực hoặc cảm giác yêu thương. Một khi bạn đã quyết định được cảm xúc mà bạn muốn “neo” lại, hãy làm theo bốn bước sau đây.

Bước 1. Chuyển vào trạng thái cảm xúc cao độ

Bước đầu tiên là bạn phải chuyển vào trạng thái cảm xúc cao độ. Bằng cách nào? Hãy nhớ lại thời điểm trong quá khứ lúc bạn có cảm xúc này. Chuyển đổi dáng vẻ điệu bộ của bạn giống với dáng vẻ điệu bộ của bạn lúc đó, đồng thời điều khiển những giác quan nội tại để tăng cường độ cảm xúc của bạn.

Giả sử bạn muốn tạo ra neo cảm xúc điềm tĩnh tự tin. Vậy thì hãy nghĩ tới lần cuối mà bạn cảm thấy cực kỳ tự tin trước đây.

Hãy khoác lên mình dáng vẻ điệu bộ của bạn vào thời điểm đó. Hãy đứng cách bạn từng đứng, thở cách bạn từng thở và thể hiện nét mặt giống như khi bạn hoàn toàn tự tin.

Hãy hình dung trong tâm trí những hình ảnh bạn đã nhìn thấy, những âm thanh bạn đã nghe thấy và cảm nhận những gì bạn đã cảm nhận. Và bây giờ, trong thang điểm từ 1 đến 10, hãy tăng cường độ cảm xúc của bạn lên mức tối đa (10) bằng cách làm cho những hình ảnh bạn thấy to hơn, sáng hơn và đặt dưới góc nhìn của bạn. Hãy bật âm thanh lớn hơn, gần hơn và nhất là hãy nói với bản thân những gì bạn đã nói khi bạn cảm thấy cực kỳ tự tin.

Bước 2: Ở cường độ cảm xúc cao nhất, hãy thực hiện neo cảm xúc

Một khi bạn cảm nhận được bạn đang ở mức cảm xúc cao nhất (thang điểm 10), hãy thực hiện neo cảm xúc của mình. Loại neo cảm xúc tốt nhất là sự phối hợp giữa neo âm thanh và neo cảm nhận. Ví dụ, bạn có thể giơ cao nắm đấm lên trời và hét lên “Được!” (hoặc “Tuyệt vời!”). Bạn cũng có thể vỗ tay hoặc búng tay.

00083.jpg

Bước 3. Thoát khỏi trạng thái cảm xúc. Lặp lại bước 1 và 2 ít nhất năm tới mười lần

Tiếp theo, bạn hãy thoát khỏi trạng thái tự tin đó bằng cách nghĩ tới một việc gì khác. Sau đó tiếp tục lặp lại quá trình này bằng cách chuyển vào trạng thái cực kỳ tự tin, tăng cường độ cảm xúc lên và ngay tại đỉnh điểm, thực hiện neo cảm xúc lần nữa. Bạn cứ tiếp tục làm như vậy nhiều lần cho tới khi neo cảm xúc thật sự được cài đặt vào não bộ của bạn. Thông thường chỉ cần năm tới mười lần là đủ.

Bước 4. Thử nghiệm neo cảm xúc vừa tạo

Cuối cùng, hãy thử nghiệm neo cảm xúc mà bạn vừa tạo. Trước tiên, hãy chuyển vào trạng thái cảm xúc trung hòa. Lần này, thực hiện neo cảm xúc mà bạn vừa tạo, giơ nắm tay lên trời và hét to “Được!”. Bạn có lập tức cảm thấy tự tin trở lại không? Nếu có, tức là neo cảm xúc vừa rồi đã được cài đặt thành công.

Cách tốt nhất để thử nghiệm là áp dụng neo cảm xúc này vào một trường hợp thực tế, khi bạn cảm thấy mất tự tin. Bất cứ khi nào bạn ở trong tình huống như vậy, hãy lập tức thực hiện neo cảm xúc vừa tạo để có được cảm xúc tích cực.

Nếu bạn suy ngẫm về việc này, mỗi khi bạn “vô tình” tạo ra một neo cảm xúc nào đó, thật ra bạn đã trải qua bốn bước trên.

Đó là lý do tại sao một số người luôn có cảm giác yêu đương lãng mạn mỗi khi nghe tiếng nhạc nền trong phim “Titanic”. Khi khán giả xem phim, những hình ảnh, âm thanh trong phim đặt họ vào trạng thái cảm xúc lãng mạn cao độ. Vào các giây phút cao trào, nhạc phim “My heart will go on” lại trỗi lên (thực hiện neo cảm xúc tại đỉnh điểm xúc cảm). Các nhà đạo diễn cứ liên tục làm vậy trong suốt bộ phim cho tới khi neo cảm xúc được cài đặt thành công vào người xem.

Mức độ hiệu quả của neo cảm xúc “lãng mạn” sẽ được chứng minh sau này, khi họ đang cảm thấy bình thường và bất chợt, họ nghe thấy điệu nhạc “Titanic” và cảm giác yêu thương mạnh mẽ lại trở về với họ.

Bạn cũng có thể từng nghe các cặp tình nhân hay nói với nhau, “Kìa, họ đang chơi bản nhạc của tụi mình” và tỏ ra rất xúc động khi họ nghe thấy một bản nhạc quen thuộc nào đó. Điều họ thật sự muốn nói chính là bản nhạc này (thường là những bản tình ca bất hủ) gắn liền với cuộc tình của họ. Và khi nghe lại, cảm xúc tình yêu dào dạt lại trỗi dậy trong lòng cặp tình nhân đó. Tôi tin chắc nhiều bạn có thể hiểu được cảm giác này.

Lời cảnh báo: Đừng bao giờ áp dụng kỹ thuật này vào những nỗi sợ hãi tột độ và ám ảnh. Nỗi ám ảnh, bản thân nó là một neo cảm xúc mạnh mẽ đến nỗi có thể đè bẹp những neo cảm xúc tích cực khác.

BỐN YẾU TỐ QUAN TRỌNG CỦA NEO CẢM XÚC

Rất nhiều người đã thực hành bốn bước trên nhưng vẫn thất bại trong việc cài đặt neo cảm xúc cho bản thân. Nếu bạn gặp phải trường hợp tương tự, đó có thể là vì bạn đã không thật sự chú tâm tới bốn yếu tố quan trọng của neo cảm xúc. Những yếu tố này sẽ đảm bảo neo cảm xúc của bạn đạt được hiệu quả mong đợi.

Yếu tố 1: Cường độ

Yếu tố đầu tiên là cường độ cảm xúc. Neo cảm xúc chỉ nên được thực hiện khi cảm xúc của bạn đạt đến đỉnh điểm cao nhất. Thật sự, nếu cường độ cảm xúc của bạn lên đến mức đủ cao, neo cảm xúc sẽ được cài đặt thành công ngay trong lần đầu tiên. Còn ví dụ như bạn chỉ mới cảm thấy hơi hơi có động lực, neo cảm xúc sẽ không có tác dụng.

Yếu tố 2: Thời điểm

Yếu tố quan trọng thứ hai là thời điểm thực hiện neo cảm xúc. Neo cảm xúc phải được thực hiện ở gần ngưỡng cao nhất của cảm xúc khi nó đang trên đà tăng dần. Lý do là khi bạn thử nghiệm lại neo cảm xúc, bạn sẽ có được cảm xúc tăng dần. Nếu trong lúc luyện tập, bạn thực hiện neo cảm xúc ngay tại đỉnh cao trào, thì có khả năng neo cảm xúc sẽ được gắn vào lúc cảm xúc đang đi xuống của bạn, do đó không đạt hiệu quả tối đa. Bạn cũng nên duy trì neo cảm xúc của mình khoảng vài giây trước khi ngưng lại.

00084.jpg

Yếu tố 3: Tính độc nhất

Yếu tố thứ ba là tính độc nhất của neo cảm xúc mà bạn thực hiện. Bạn phải chọn một neo cảm xúc “độc nhất vô nhị”. Nên nhớ là neo cảm xúc của bạn có thể là neo hình ảnh, neo âm thanh, neo cảm nhận hoặc kết hợp cả ba loại. Ví dụ, bạn có thể nhìn thấy một hình ảnh nào đó, đồng thời tự nói một câu gì đó và làm một hành động gì đó. Cả ba hành động này phải được thực hiện cùng lúc.

Yếu tố 4: Sự lặp lại

Yếu tố thứ tư là sự lặp đi lặp lại neo cảm xúc. Để cài đặt neo cảm xúc thành công, bạn phải thực hiện neo cảm xúc vài lần một cách chính xác tuyệt đối. Ví dụ, nếu neo cảm xúc của bạn là động tác chạm vai, bạn phải chạm vào đúng vị trí đó, với cùng một lực đó không hơn không kém. Nếu neo cảm xúc của bạn là một câu bạn tự nói với bản thân, bạn phải lặp lại chính xác từng chữ một của câu nói đó.

CÀI ĐẶT NEO CẢM XÚC CHO BẢN THÂN ĐỂ THÀNH CÔNG

Bạn đã sẵn sàng chưa? Tôi muốn bạn hãy chọn ra năm cảm xúc tích cực nhất mà bạn muốn có sẵn để sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên diễn thuyết trước đám đông và luôn cảm thấy lo sợ trước ý nghĩ phải đối mặt với khán giả, có lẽ bạn cần một neo cảm xúc giúp bạn châm ngòi cảm giác tự tin. Tùy thuộc vào đối tượng khán giả, cũng có thể bạn cần tạo neo cảm xúc cho cảm giác điềm tĩnh để có thể diễn thuyết trôi chảy, điềm đạm. Hoặc có thể bạn muốn thư giãn để giải tỏa những căng thẳng, lo âu.

Hãy viết ra NĂM cảm xúc tích cực mà bạn muốn lưu vào não bộ ở những dòng dưới đây. Kế bên mỗi cảm xúc, hãy suy nghĩ và viết ra loại neo cảm xúc mà bạn sẽ sử dụng để tạo ra cảm xúc này. Xin nhớ rằng bạn có thể sử dụng neo hình ảnh, neo âm thanh, neo cảm nhận hoặc kết hợp giữa các loại.

Nếu một cảm xúc nào đó của bạn đã được gắn kết vào một loại neo cảm xúc nhất định, ví dụ như cảm giác hưng phấn khi nghe nhạc nền phim “Rocky”, bạn nên tận dụng neo cảm xúc đó. Hãy cầm bút lên và bắt đầu nào.

Cảm xúc tích cực

 

Neo cảm xúc

 

1……………………………………………………………………………………...

 

2……………………………………………………………………………………...

 

3……………………………………………………………………………………...

 

4……………………………………………………………………………………...

 

5……………………………………………………………………………………...

 

Khi bạn đã viết ra đủ năm cảm xúc, hãy lần lượt thực hiện bốn bước trên để tạo neo cảm xúc cho các cảm xúc này. Hãy chọn những neo cảm xúc đặc trưng khác nhau cho từng cảm xúc mà bạn muốn sở hữu.

TẠO NEO CẢM XÚC MẠNH MẼ CHO NGƯỜI KHÁC

Liệu bạn có thể sử dụng kỹ thuật tạo neo cảm xúc để giúp những người xung quanh có được cảm xúc yêu thương, tự tin, phấn khởi hay nhiệt huyết không? Dĩ nhiên là được.

Trong những khóa huấn luyện của tôi, các học viên phải đi qua một cây cầu gỗ có chiều rộng cỡ 13 cm và được treo ở độ cao cách mặt đất khoảng hai tầng lầu. Một học viên của tôi đã mất bình tĩnh khi leo lên miếng gỗ này. Thế là tôi gọi anh xuống để giúp anh xua tan trạng thái cảm xúc tiêu cực.

Tôi bảo anh hãy hình dung bản thân mình trở về thời điểm trong quá khứ khi anh cảm thấy hoàn toàn thoải mái và tự tin. Ngay khi anh đạt được cảm xúc này, tôi giúp anh tăng cường độ cảm xúc của mình lên. Khi cảm xúc của anh đạt đến đỉnh điểm, tôi liên tục chạm vào vai anh và hô to “Được!”. Tôi lặp lại quá trình này vài lần. Sau đó, tôi bảo anh trèo lại lên cây rồi tôi chạm vào vai anh, đồng thời nói to, “Được!”. Ngay lập tức, tư thế và nét mặt của anh thay đổi. Anh cảm thấy cực kỳ thoải mái, mạnh mẽ và bước qua miếng gỗ một cách đầy tự tin.

Neo cảm xúc... giúp tìm lại tình yêu đã mất

 

Chúng ta đã bàn tới việc tại sao một số cặp vợ chồng không còn cảm thấy yêu nhau nữa sau một vài năm chung sống, đúng không? Vậy mà nhà tư vấn tâm lý gia đình nổi tiếng thế giới Virginia Satir lại có khả năng hàn gắn các mối quan hệ đổ vỡ chỉ sau vài buổi trị liệu tâm lý ngắn của bà.

 

Bà chỉ đơn giản tạo ra những neo cảm xúc mạnh mẽ cho các cặp vợ chồng đó, bằng cách yêu cầu cả hai người cùng nghĩ về lần đầu tiên họ gặp nhau rồi yêu nhau. Bà bảo họ hãy nghĩ về những kỷ niệm đẹp trong thời gian họ ở bên nhau.

 

Khi cả hai cảm nhận được tình yêu thương tràn về từ những suy tưởng này, bà giúp họ tăng cường độ cảm xúc lên cao và tại đỉnh điểm cảm xúc, bà yêu cầu hai người quay sang nhìn mặt nhau. Quá trình này được lặp đi lặp lại vài lần. Chẳng bao lâu sau, những cảm giác tốt đẹp quay trở lại với họ và cặp vợ chồng đó một lần nữa lại tìm lại cảm giác say đắm thuở ban đầu.

 

PHƯƠNG PHÁP LOẠI BỎ NEO CẢM XÚC TIÊU CỰC VÀ THAY THẾ BẰNG NEO CẢM XÚC TÍCH CỰC

Sau khi đã nắm phương pháp cài đặt neo cảm xúc cho những cảm xúc tích cực khác nhau, bây giờ bạn cần học cách loại bỏ neo cảm xúc tiêu cực.

Hãy nghĩ xem những neo cảm xúc tiêu cực nào đang kiềm hãm bạn? Ví dụ, mỗi buổi sáng bạn đến công sở và nhìn thấy chồng tài liệu cao ngất ngưỡng, bạn có cảm thấy muốn tìm cách tránh việc phải giải quyết núi hồ sơ đó không? Hoặc có thể bạn luôn cảm thấy hồi hộp mỗi khi phải nhấc điện thoại chào bán sản phẩm với khách hàng? Hoặc bạn luôn lo sợ việc phải đối mặt với sếp hay khi bước vào nơi toàn người lạ mặt? Cũng có thể bạn cứ đứng ngồi không yên trước giờ thuyết trình cho đối tác?

Tất cả những cảm giác tiêu cực đó được phát ra từ những neo cảm xúc tiêu cực nằm sâu trong tiềm thức bạn và khiến bạn làm việc kém hiệu quả. Tôi muốn bạn hãy dành vài phút để viết ra những neo cảm xúc tiêu cực mà bạn đang có. Đồng thời, bạn cũng liệt kê ít nhất 3 cảm xúc tích cực mà bạn muốn thay thế cho những neo cảm xúc tiêu cực đó.

Những neo cảm xúc tiêu cực của tôi

 

Neo cảm xúc

 

Cảm xúc tiêu cực

 

Cảm xúc tích cực mới

 

1……………………………………………………………………………………...

 

2……………………………………………………………………………………...

 

3……………………………………………………………………………………...

 

4……………………………………………………………………………………...

 

5……………………………………………………………………………………...

 

Khi đã xác định được những neo cảm xúc tiêu cực của mình, bạn có thể sử dụng quy trình 7 bước sau đây để loại bỏ và thay thế các neo cảm xúc này.

QUY TRÌNH LOẠI BỎ NEO CẢM XÚC TIÊU CỰC

Bước 1. Xác định cảm xúc tiêu cực cần loại bỏ

Đầu tiên, bạn phải xác định cảm xúc tiêu cực mà bạn muốn loại bỏ. Ví dụ, bạn luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi nhìn thấy điện thoại trong công ty. Cảm giác này rất phổ biến đối với những nhân viên bán hàng vì họ phải tiếp xúc với khách hàng thường xuyên qua điện thoại. Và như vậy, cảm giác này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc của họ.

Bước 2. Xác định những cảm xúc tích cực cần thiết

Bước tiếp theo là xác định những cảm xúc tích cực cần thiết để loại bỏ và thay thế cho cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, bạn có thể chọn trạng thái “tự tin”, “vui vẻ” và “hứng khởi”.

Bước 3. Thể hiện những cảm xúc tích cực khác nhau và tạo neo cảm xúc cho chúng

Tiếp theo, bạn cần đặt mình vào những trạng thái cảm xúc tích cực, sử dụng dáng vẻ điệu bộ và các giác quan nội tại của bạn. Tại đỉnh điểm của mỗi cảm xúc, hãy tạo ra neo cảm xúc cho từng cảm xúc một. Việc sử dụng cùng một neo cảm xúc cho nhiều cảm xúc tích cực khác nhau giúp bạn tập hợp tất cả các cảm xúc tích cực vào một điểm và làm cho nó trở nên cực kỳ mạnh mẽ.

Ví dụ, hãy nghĩ tới một thời điểm mà bạn cảm thấy hoàn toàn tự tin. Hãy đặt mình vào trạng thái đó và tăng cường độ cảm xúc bằng cách thay đổi dáng vẻ điệu bộ và các giác quan nội tại thúc đẩy bạn. Khi cảm xúc dâng đến cao trào, bạn hãy búng tay và hét lên “Được!” (neo cảm nhận và neo âm thanh).

Hãy lặp lại quá trình này cho các cảm xúc khác như “vui vẻ” và “hứng khởi”. Thế là chỉ cần búng tay và hét lên “Được!”, bạn đã kích hoạt cả 3 cảm xúc tích cực là “tự tin”, “vui vẻ” và “hứng khởi”.

Bước 4. Thực hiện neo cảm xúc tiêu cực và neo cảm xúc tích cực cùng lúc cho đến lúc đạt đến đỉnh điểm để hoàn tất quá trình loại bỏ và thay thế

Để loại bỏ neo cảm xúc tiêu cực, bạn cần thực hiện cả neo cảm xúc tích cực và neo cảm xúc tiêu cực cùng lúc. Ví dụ, bạn hãy búng tay và hét lên “Được!” khi nhìn thấy điện thoại trong công ty. Khi cả cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực đều được kích hoạt, cảm xúc tích cực (do mạnh hơn rất nhiều) sẽ lấn át cảm xúc tiêu cực.

Bước 5. Ngăn neo cảm xúc tiêu cực lại

Sau đó, bạn hãy ngăn neo cảm xúc tiêu cực lại bằng cách rời mắt khỏi điện thoại.

Bước 6. Tiếp tục duy trì neo cảm xúc tích cực trong vòng 5 giây rồi ngưng

Bạn hãy tiếp tục kích hoạt những cảm xúc tích cực bằng cách liên tục búng tay và hét lên “Được!” trong vòng 5 giây.

Bước 7. Thử nghiệm

Cuối cùng, bạn có thể thử nghiệm kết quả của quá trình này. Bây giờ bạn hãy nhìn vào cái điện thoại trên bàn làm việc, cảm giác lo lắng sợ hãi của bạn đã biến mất, đúng không? Thay vào đó là cảm giác “vui vẻ”, “hưng phấn” và “tự tin”.

Virginia Satir cũng sử dụng phương pháp loại bỏ neo cảm xúc tiêu cực này để giúp cho các cặp vợ chồng rạn nứt tình cảm quay lại với nhau. Trước đó, mỗi lần người chồng hoặc người vợ (đã cạn kiệt tình cảm) nhìn thấy mặt nhau (neo hình ảnh) thì cảm giác căm ghét, giận dữ và thất vọng lại trỗi dậy trong lòng họ. Virginia – bằng cách tạo ra neo cảm xúc cho các cảm xúc tích cực như “yêu thương”, “vui vẻ”, “hạnh phúc” và “nồng nhiệt” – đã giúp loại bỏ những cảm xúc tiêu cực giữa hai vợ chồng. Với neo cảm xúc tích cực mới được thay thế này, mỗi lần nhìn thấy nhau, họ lại cảm thấy yêu nhau nồng nàn như ngày đầu gặp gỡ.

Tổng kết chương

1. Khi bạn ở trong một trạng thái cảm xúc cao độ và có một tác nhân kích thích liên tục, liên kết thần kinh sẽ được hình thành giữa trạng thái cảm xúc và tác nhân kích thích đó, gọi là neo cảm xúc.

2. Có ba loại neo cảm xúc là neo hình ảnh, neo âm thanh và neo cảm nhận.

3. Bạn có thể cài đặt một neo cảm xúc bằng cách:

a. Chuyển vào trạng thái cảm xúc cao độ

b. Thực hiện neo cảm xúc ngay tại đỉnh điểm cảm xúc

c. Lặp lại hai bước trên vài lần một cách chính xác

d. Thử nghiệm hiệu quả của neo cảm xúc

4. Bốn yếu tố quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của một neo cảm xúc là:

a. Cường độ cảm xúc

b. Thời điểm thực hiện neo cảm xúc

c. Sự lặp lại neo cảm xúc

d. Tính độc nhất của neo cảm xúc

5. Bạn có thể loại bỏ những neo cảm xúc tiêu cực hạn chế khả năng của bạn và thay thế chúng bằng những cảm xúc tích cực mới qua bảy bước sau:

a. Xác định cảm xúc tiêu cực mà bạn muốn loại bỏ

b. Xác định những cảm xúc tích cực cần thiết

c. Thể hiện những cảm xúc tích cực khác nhau và tạo neo cảm xúc cho chúng

d. Thực hiện cả neo cảm xúc tích cực lẫn neo cảm xúc tiêu cực cùng lúc cho tới lúc đạt tới đỉnh điểm rồi ngưng neo cảm xúc tiêu cực

e. Tiếp tục duy trì neo cảm xúc tích cực trong vòng 5 giây nữa rồi ngưng

Thử nghiệm