Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

Chương 1: Những Mô Thức Thành Công

Trước hết, tôi xin cảm ơn và chúc mừng bạn đã chọn “Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh”. Việc bạn quyết định đầu tư vào quyển sách này chứng tỏ rằng: cho dù lúc này bạn đang ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, bạn cũng là người luôn muốn vươn tới những đỉnh cao mới.

Khi cầm quyển sách này trên tay, bạn đã thực hiện bước quan trọng đầu tiên trên con đường đi đến thành công rực rỡ: Hành động để bắt đầu biến ước mơ của bạn thành hiện thực.

Vậy những mơ ước hiện giờ của bạn là gì? Tạo ra những thay đổi tuyệt vời trong cuộc sống? Tăng thu nhập cá nhân đến mức cao không tưởng? Có được khả năng giao tiếp hoàn hảo? Hoàn thiện bản thân mình? Trở thành người giỏi nhất trong học tập hay công việc? Cải thiện mối quan hệ giữa bạn với người thân hay với tất cả mọi người xung quanh bạn?

Cho dù mục tiêu của bạn là gì đi nữa, bạn nên biết một sự thật rằng:

BẠN ĐÃ CÓ TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU KIÊN CẦN THIẾT ĐỂ THÀNH CÔNG

Rất nhiều người tự đặt ra giới hạn cho những điều mà họ muốn đạt được trong cuộc sống, đơn giản bởi vì họ cho rằng: họ thiếu các điều kiện cần thiết để đạt được thành công rực rỡ. Họ cho rằng: họ không đủ nhẫn nại, thông minh, may mắn, sáng tạo, sức lực, tài năng,... để có thể sống, hành động và biến mơ ước của họ thành hiện thực.

“Nếu tôi nhanh nhạy hơn, tôi đã tận dụng  được cơ hội ngàn vàng đó”; “Phải chi tôi có nhiều tiền, tôi sẽ nghĩ tới việc mở công ty riêng”; “Giá mà tôi trưởng thành hơn, dày dặn kinh nghiệm hơn, tôi sẽ có thể đương đầu với những thử thách đó”; “Nếu tôi có người bạn đời lý tưởng hơn, tôi sẽ hạnh phúc và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều”;...

Bạn đã từng nghe những câu “lý luận” như vậy rồi phải không? Vâng, rất nhiều người tin rằng họ phải đợi cho đến khi thời cơ chín muồi hay yếu tố thuận lợi xuất hiện, thì họ mới tận dụng nó để đạt được những gì họ muốn. Rất tiếc, trong thực tế, thành công chỉ thật sự đến với những người luôn chủ động tìm kiếm và chuẩn bị cho nó.

May mắn thay, bạn đã có sẵn trong mình tất cả những điều kiện cần thiết để có thể biến bất kỳ giấc mơ nào thành hiện thực, cũng như đạt được bất kỳ thành công nào mà bạn mong muốn trong cuộc sống. Đúng thế! Những điều kiện mà tôi nói đến chính là những thứ bẩm sinh bạn đã có sẵn: những khả năng tiềm ẩn bên trong bạn.

Não bộ và cơ thể của bạn chính là hai vũ khí mạnh mẽ nhất mà bạn được tạo hóa ban cho ngay từ lúc chào đời. Nếu được sử dụng và vận hành một cách hợp lý, những khả năng nội tại của bạn sẽ cho phép bạn có được điều kiện cần thiết để đạt được bất kỳ thành công nào mà bạn mong muốn.

Hãy lấy một ví dụ đơn giản về kinh doanh. Hầu hết chúng ta đều đưa ra lý do thiếu TIỀN như lời biện hộ dễ chấp nhận nhất cho việc bỏ qua những cơ hội ngàn vàng, cũng như việc chần chừ không hành động. Nhưng bạn có biết rằng, một số công ty hàng đầu thế giới bắt đầu bằng rất ít tiền hoặc gần như tay trắng không? Đó là người sáng lập công ty Honda – Soichiro Honda, ông chủ tập đoàn Sony – Akio Morita hay Steve Jobs – người lập ra hãng Apple. Họ đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng, nhưng họ biết cách tận dụng tiềm năng của bản thân để đạt được thành công, rồi tiền bạc tự động kéo đến với họ một cách tự nhiên và từ đó họ bắt đầu tạo dựng những gia tài kếch xù.

THỜI GIAN cũng là một lý do thông dụng mà mọi người dùng để biện hộ rằng họ luôn thiếu. Nhưng tất cả chúng ta đều có đúng 24 giờ mỗi ngày để ăn, ngủ, thư giãn, nạp lại năng lượng và làm việc. Khác biệt là ở chỗ, có những người sử dụng thời gian một cách rất khôn ngoan và số khác thì ngược lại. Do đó, khả năng lên kế hoạch, quản lý và sử dụng quỹ thời gian đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định thành công hay thất bại của bạn. Một lần nữa, vấn đề quay lại cách bạn sử dụng tiềm năng nội tại như thế nào.

Yếu tố tiếp theo là CON NGƯỜI, đây là yếu tố được nhiều người xem là đang... cản trở con đường đi đến thành công của họ?

Giống như trên, rất nhiều người trong chúng ta cho rằng họ không có được người bạn đời lý tưởng, những khách hàng thân thiết, những đồng nghiệp đáng tin cậy, gia đình hạnh phúc hoặc người chủ tốt để có thể giúp họ đạt được những mục tiêu lớn trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Một lần nữa, nếu bạn biết cách sử dụng tiềm năng của mình để xây dựng các mối quan hệ tốt, cũng như tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ và hành động của những người xung quanh, bạn sẽ thu hút được nhiều người luôn sẵn sàng giúp bạn vươn tới thành công.

Nói tóm lại, chính cách bạn sử dụng những tiềm năng sẵn có của mình sẽ quyết định và tạo ra những khác biệt to lớn trong cuộc sống của bạn. Vấn đề nằm ở chính bạn!

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU CÓ “PHẦN CỨNG” GIỐNG NHAU

Chắc bạn đang tự hỏi, có thật là chúng ta đều có cùng tiềm năng nội tại giống nhau? Chẳng lẽ ai cũng có cùng năng lực trí tuệ để có thể trở nên tự tin hơn, thông minh hơn, sáng tạo hơn và thành công hơn?  Câu trả lời là “Đúng vậy!”.

Mới nghe có vẻ hơi khó tin, nhưng nếu bạn hiểu rõ hơn về não bộ con người và bộ môn thần kinh học, bạn sẽ biết rằng tất cả chúng ta đều có cùng hệ thống thần kinh (với tất cả tiềm năng) như nhau. Hay nói cách khác, về cơ bản chúng ta có cùng “phần cứng”. Nếu có ai đó dường như vượt trội hơn bạn về trí thông minh hoặc khả năng giao tiếp, không có nghĩa là người đó có bộ “vi xử lý” mạnh hơn của bạn. Chẳng qua họ có những “chương trình” tốt hơn “chương trình” hiện có của bạn mà thôi. Chính những “chương trình” này hay những cách thức tư duy đúng đắn làm cho họ hăng hái hơn, tập trung hơn, nhạy bén hơn, mạnh mẽ hơn hoặc giao tiếp tốt hơn trong cuộc sống so với bạn.

Khi được vận hành ở chế độ tối ưu, bộ não của bạn thật sự có khả năng tạo ra những ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của bạn, từ đó giúp bạn đạt được bất cứ kết quả nào mà bạn mong muốn.

Mỗi người chúng ta được sinh ra với hệ thống thần kinh gần như tương tự nhau. Chúng ta có khoảng 1000 tỉ nơ-ron (tế bào thần kinh) trong bộ não. Các nhà khoa học đã tính toán rằng nếu có một siêu máy tính được tạo ra với khả năng xử lý và lưu trữ gần bằng bộ não con người, chiếc máy tính đó sẽ có chiều dài xấp xỉ 50 sân vận động cộng lại (5.500 mét) và cao bằng tượng Nữ thần tự do (50 mét). Mặc dù với sức mạnh xử lý khủng khiếp như vậy, bộ não phi thường của chúng ta lại tiêu tốn ít năng lượng hơn một bóng đèn 10 watt, trong khi chiếc máy tính bạn đang dùng có thể tiêu thụ năng lượng đến 500 watt. Bộ não của bạn đúng là một “cỗ máy” kỳ diệu phải không nào? Bây giờ bạn có thể bắt đầu tin vào năng lực thần kỳ đã được “lắp đặt” sẵn bên trong bạn và những gì bạn có thể thực hiện với năng lực tuyệt vời đó.

LIÊN KẾT THẦN KINH: CHÌA KHÓA DẪN ĐẾN NHỮNG MÔ THỨC TƯ DUY VÀ HÀNH ĐỘNG

Nếu tất cả chúng ta đều có bộ não ưu việt như thế, tại sao chỉ có rất ít người đạt được thành công trong cuộc sống? Sự khác biệt nằm ở chỗ bạn sử dụng não bộ của bạn hiệu quả như thế nào (hoặc lãng phí nó ra sao).

Mặc dù chúng ta có 100 tỉ tế bào thần kinh, những suy nghĩ, hành động, khả năng và kỹ năng của bạn không phải được xác định bằng số lượng tế bào thần kinh đó, mà dựa vào việc những tế bào đó liên kết với nhau như thế nào. Bộ não của mỗi người tuy có số lượng tế bào thần kinh tương đương nhau, nhưng sự liên kết giữa các tế bào thần kinh lại hoàn toàn khác biệt. Do đó, chúng ta suy nghĩ và hành động rất khác nhau, dẫn đến mức độ thành công trong cuộc sống của mỗi người cũng khác nhau.

Nếu bạn biết một ai đó cực kỳ giỏi toán, đó là vì anh ta có nhiều liên kết thần kinh trong khu vực não bộ chịu trách nhiệm về tư duy toán học và lô-gíc. Tuy nhiên, có thể anh ta lại là người không tự tin trong giao tiếp bởi vì anh ta có ít liên kết thần kinh trong khu vực não bộ quản lý khả năng giao tiếp.

Mọi chuyện cũng xảy ra tương tự đối với cảm xúc và thói quen của bạn. Nếu lúc nào bạn cũng cảm thấy lười biếng và chán chường, đó là vì những tế bào thần kinh của bạn được nối với nhau theo một cách nào đó khiến bạn luôn có những cảm xúc hay thói quen tiêu cực. Ngược lại, những người luôn thể hiện sự kiên trì và quyết tâm cao độ có cách thức liên kết thần kinh trong não bộ hoàn toàn khác.

Cách thức liên kết thần kinh mà não của bạn có được ngày nay là kết quả từ những tác động và kích thích lên não bộ, kể cả trước khi bạn ra đời. Hệ thống thần kinh của bạn bắt đầu phát triển từ khi còn trong bụng mẹ từ tuần thứ 20, sau khi được thụ thai. Nếu bạn có năng khiếu toán học, đó có thể là do bộ não của bạn đã tiếp nhận nhiều kích thích về toán học từ mẹ bạn hoặc những người xung quanh. Rồi từ khi được sinh ra cho tới khi lớn lên, nhất là trước lúc 14 tuổi, những tính cách cá nhân như kiên nhẫn, quyết đoán hay thiếu kiên nhẫn, luôn chần chừ,... cũng được “cài đặt” vào bộ não của bạn thông qua sự tiếp xúc với những người xung quanh hoặc do hoàn cảnh của bạn. Đó là cách bạn được “lập trình” để trở nên như ngày hôm nay.

Một tin vui cho bạn: những liên kết thần kinh đó có thể được tạo ra hoặc loại bỏ bởi chính bạn. Vâng, đúng vậy, bạn có thể tự “lập trình” lại chính mình. Ví dụ, nếu bất kỳ khu vực não bộ nào của bạn có liên kết thần kinh quá ít hoặc không đầy đủ, bạn vẫn có thể thiết lập thêm những liên kết thần kinh cần thiết đó bằng cách tạo ra những kích thích hợp lý vào não bộ. Ngược lại, bạn có thể “xóa” những liên kết thần kinh hạn chế tạo ra những thói quen xấu của bạn.

Trong khóa học “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” (I Am Gifted, So Are You!TM) của chúng tôi, những học sinh có trí nhớ kém được dạy phương pháp ghi nhớ siêu đẳng và thực hành nhuần nhuyễn phương pháp đó cho tới khi những liên kết thần kinh chắc chắn được tạo ra trong não bộ chúng. Thường chỉ sau nửa tiếng thực hành phương pháp ghi nhớ siêu đẳng, các học sinh đó đã có khả năng nhớ được một danh sách 30 từ theo đúng thứ tự trong vòng 3 phút. (Bạn có thể tìm mua và đọc quyển sách “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, hiện đang là một trong những quyển sách bán chạy nhất tại Việt Nam.)

00002.jpg

 

 

Trong một khóa học khác của chúng tôi – “Những Mô Thức Thành Công” (Patterns of ExcellenceTM),  chúng tôi cũng giảng dạy một kỹ thuật đặc biệt gọi là “Mô Thức Vút Nhanh” (Swish Pattern) nhằm giúp học viên thay đổi những liên kết thần kinh không phù hợp như thói quen trì hoãn, luôn chần chừ, không chịu hành động kiên quyết,...

Bạn hãy nhớ rằng tất cả những thói quen của bạn đều là kết quả từ việc hình thành các liên kết thần kinh. Do đó, khi bạn học được cách “lập trình” lại những liên kết thần kinh này, bạn có thể thay đổi và đạt được bất cứ kết quả nào mà bạn mong muốn.

Những nghiên cứu về não bộ con người cho thấy: trong suốt cuộc đời, chúng ta chỉ sử dụng chưa tới 1% tổng số liên kết thần kinh có thể hình thành trong não. Với hơn 100 tỉ tế bào thần kinh và mỗi tế bào có khả năng tạo ra đến 20.000 liên kết với những tế bào khác, tổng số liên kết thần kinh có thể hình thành là một con số khổng lồ, thậm chí nhiều hơn cả tổng số nguyên tử trong vũ trụ này. Hay nói cách khác, không có việc gì mà bộ não con người không thể thực hiện được, với điều kiện là được kích thích đúng phương pháp.

NẾU BẠN SAO CHÉP ĐƯỢC CÁCH THỨC TƯ DUY CỦA NGƯỜI THÀNH ĐẠT, BẠN SẼ SAO CHÉP ĐƯỢC THÀNH CÔNG CỦA HỌ

Nếu bạn sao chép được cách mà những người thành đạt tư duy, thì rõ ràng, bạn sẽ sao chép được cách suy nghĩ, hành động và tất nhiên cả những kết quả mà họ đạt được. Ví dụ, nếu người khác có thể bước lên trước đám đông diễn thuyết một cách tự tin, chính bạn cũng có thể làm được vậy. Nếu người khác có thể thay đổi những suy nghĩ của họ sang hướng tích cực để cảm thấy phấn chấn và tự tin trong mọi hoàn cảnh, bạn cũng có thể làm như thế. Nếu người khác chứng tỏ được kỹ năng sáng tạo của họ, bạn cũng có thể làm được như vậy.

Họ làm được những điều đó bởi vì não bộ của họ đã được lập trình để kích hoạt các chương trình cực kỳ hiệu quả khi cần thiết. Và do tất cả chúng ta hầu như có cùng hệ thống trí não (“phần cứng”) giống nhau, bạn chỉ cần tìm được chương trình họ đang dùng, tiến hành “cài đặt” cho não của bạn rồi “lập trình” cho não kích hoạt những chương trình đó đúng cách. Ngay lập tức, bạn cũng sẽ có được những khả năng mà bạn mong muốn.

Bây giờ bạn hãy dừng lại và suy nghĩ thêm một chút về những ví dụ mà tôi đưa ra.

Bạn có sợ việc phải đứng nói chuyện trước đám đông không? Đa số chúng ta đều cảm thấy không thoải mái lắm khi nói chuyện trước đám đông. Thậm chí một số ít người tỏ ra cực kỳ căng thẳng khi nhìn thấy nhiều người trước mặt. Tay chân họ bỗng lạnh ngắt, run rẩy, mặt họ trắng bệch ra và họ chỉ có thể lắp bắp vài điều muốn nói. Ngược lại, cũng có những người có phong thái rất thoải mái, nhẹ nhàng, tự tin khi đứng trước đám đông và còn có vẻ rất náo nức khi được diễn thuyết trước công chúng. Những diễn giả tài năng nói chuyện trước cả một hội trường lớn cũng đơn giản như nói chuyện với chỉ một người vậy. Họ không những không có chút lo lắng nào mà còn có óc khôi hài để làm tăng phần thú vị cho bài diễn thuyết của mình.

Thế thì điều gì tạo ra sự khác biệt giữa một người vô cùng tự tin và một người luôn sợ hãi khi diễn thuyết trước công chúng? Bởi vì mọi người đều có cùng tiềm năng trí tuệ, cho nên sự khác biệt chính là ở chỗ, mỗi người sẽ kích hoạt một chương trình khác nhau trong não khi đứng trước đám đông. Đối với người sợ hãi, bộ não của họ đã được “lập trình” để kích hoạt “chương trình sợ hãi” ngay khi họ nhìn thấy đám đông trước mặt, và chương trình này lập tức làm ngưng hoặc gián đoạn hoạt động của các chương trình có ích khác như “giao tiếp”, “khôi hài”, “nhạy bén”,... Thế là chúng ta có một diễn giả tồi.

Điều ngược lại xảy ra với những người tự tin khi đứng trước đám đông. Thay vì kích hoạt “chương trình sợ hãi” thì não của họ kích hoạt “chương trình tự tin”. Và bản thân chương trình này sẽ kích hoạt những chương trình hữu ích khác cho việc diễn thuyết, giúp diễn giả nói chuyện một cách thoải mái, khôi hài và cũng không kém phần sắc bén, chiếm được cảm tình của người nghe.

Điều không may là hầu hết chúng ta đều chưa bao giờ được học các phương pháp để tái lập trình những cơ chế kích hoạt sai hoặc các chương trình hạn chế của não bộ. Chính vì thế, chúng ta không thật sự kiểm soát được bộ não của chính mình. Thay vào đó, chúng ta để cho bộ não “điều khiển” chúng ta. Tất nhiên, khi chúng ta để cho não bộ làm chủ mọi thứ thì nó sẽ hoạt động ở chế độ “có sao chạy vậy”, sử dụng những chương trình tầm thường và thậm chí kích hoạt chúng không đúng hoàn cảnh. Kết quả, chúng ta chỉ có thể đạt được những điều hạn chế trong cuộc sống.

Những người thất bại trong cuộc sống là những người luôn cho rằng mọi chuyện đều không nằm trong tầm kiểm soát của họ hoặc vượt ra ngoài khả năng của họ. Họ nghĩ và tin rằng họ không thể điều khiển bộ não của mình, tái lập trình nó và cài đặt những chương trình ưu việt hơn để giúp họ thành công trong cuộc sống.

Một khi bạn đã học được cách tái lập trình bộ não của mình và biết cách cài đặt các chương trình mới ưu việt hơn, bạn sẽ thay đổi được cách tư duy và hành động của bản thân. Từ đó, bằng cách luôn suy nghĩ và hành động tích cực, bạn có thể đạt được bất cứ thành công nào mà bạn mong muốn.

Bạn cũng sẽ làm được những điều mà trước giờ bạn cho là không thể như: tích cực tập thể dục cho đến khi đạt được thể hình lý tưởng, luôn làm việc một cách hăng say hoặc thực hiện một bài diễn thuyết ấn tượng trước đám đông,...

Bộ môn khoa học về phát triển bản thân giúp bạn tái lập trình não bộ của mình được biết đến với tên gọi Neuro-Linguistic Programming (viết tắt là NLP, phát âm “en-eo-pi”), nghĩa là Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy.

NLP tập hợp nhiều kỹ thuật khác nhau, giúp bạn sử dụng ngôn ngữ (linguistic) để lập trình (programming) và tái lập trình hệ thống tư duy (neuro) nhằm có thể liên tục đạt được những kết quả mong muốn. NLP được phát minh bởi Tiến sĩ Richard Bandler và Tiến sĩ John Grinder vào thập niên 70.

TÔI ĐÃ THAY ĐỔI VẬN MỆNH CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO

Năm 13 tuổi, tôi cùng với hàng chục học sinh khác, cả nam lẫn nữ, bị buộc phải tham gia một khóa học động viên tinh thần dành cho những thiếu niên kém cỏi. Đó cũng lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy cùng những phương pháp hết sức mới mẻ và hấp dẫn của bộ môn này.

Nhìn lại, lúc đó tôi đang ở trong thời điểm tệ hại nhất của thời thơ ấu. Tôi vừa bị tống vào một trong những trường trung học cơ sở được xếp hạng... thấp nhất trong cả nước.

Trước đó, vào lúc 8 tuổi, tôi bị đuổi khỏi trường tiểu học vì tội đánh nhau, hạnh kiểm xấu và kết quả học tập kém. “Thành tích” tốt nghiệp tiểu học của tôi tệ tới nỗi tôi bị tất cả sáu trường trung học cơ sở mà cha mẹ tôi nộp đơn xin học cho tôi đều từ chối thẳng thừng.

Cuối cùng, sau biết bao nỗ lực của mẹ tôi, tôi cũng được vào trường Ping Yi. Kết quả học tập của tôi vẫn vô cùng kém. Tôi chỉ đậu có 4 trên 8 môn học và gần như “đội sổ” trong toàn trường. Không chỉ thế, tôi còn là một đứa trẻ kém cỏi và nhu nhược. Tôi giao tiếp rất tệ, lúc nào cũng chán nản, uể oải và không có gì ngạc nhiên khi tôi nhanh chóng lọt vào danh sách “học sinh cá biệt”. Tôi cũng cố gắng tham gia đội Hướng đạo sinh nhưng rồi cũng bị đuổi vì sau sáu tháng mà tôi vẫn không thể nào qua nổi bài kiểm tra cơ bản.

Cũng như những học sinh hư hỏng khác, tôi nghiện nặng trò chơi điện tử và xem tivi suốt ngày. Tôi xem những trò chơi đó như là cuộc sống của mình, nơi mà tôi có thể điều khiển nhân vật chiến đấu trong những trò chơi bạo lực và đắm chìm trước màn hình máy tính từ ngày này sang ngày khác.

Cuối cùng thì tôi, một thiếu niên “đồ bỏ”, đã may mắn được biết đến Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy. Nghe có vẻ ghê gớm chứ thật ra nó rất là căn bản so với những gì tôi đã được dạy trước đây.

Và rồi dường như có cái gì đó khuấy động trong bộ não đần độn (vì lâu ngày chưa dùng tới của tôi) khi tôi được biết đến nguyên lý cơ bản nhất trong  Lập Trình Ngôn  Ngữ Tư Duy: Niềm tin chính là công tắc đóng mở những tiềm năng phi thường trong mỗi chúng ta.

Khi bạn tin là bạn sẽ làm được một điều gì đó, hầu như bạn đã bắt đầu kích hoạt những tiềm năng vô tận của não bộ để hiện thực hóa điều đó. Bạn sẽ vận dụng tất cả năng lực tiềm tàng trong bạn để tìm cách thực hiện và biến niềm tin đó thành sự thật.

Ngược lại, khi bạn tin rằng một điều gì đó là không thể, bạn sẽ không màng tới việc cố gắng nghĩ ra cách hiện thực hóa nó. Đó cũng chính là lúc bạn vô tình tự đóng tất cả những cánh cửa dẫn đến thành công vì bạn đã... đầu hàng.

Cách suy nghĩ mới mẻ này thật sự truyền cảm hứng và động lực cho tôi. Tuy nhiên, đó cũng là một thử thách rất lớn đối với tôi, bởi vì tôi chưa từng làm một việc gì ra hồn cả. Và như vừa khám phá ra một điều vĩ đại, tôi chợt nhận ra rằng: tất cả những niềm tin tiêu cực chính là nguyên nhân đầu tiên (và cũng là duy nhất) đang cản trở tôi.

Tôi đã từng tin rằng tôi không thông minh như những đứa trẻ khác. Và việc nhiều anh chị em họ của tôi đều là học sinh lớp chọn trường chuyên, trong khi tôi mãi “đội sổ”, càng làm tôi tin rằng mình là kẻ thất bại... bẩm sinh. Tôi từng tin rằng tôi sinh ra đã lười biếng, chậm chạp, uể oải và... đần độn. Cho nên dù có cố gắng tới đâu đi nữa, tôi cũng không bao giờ làm nên trò trống gì. Tôi học kém, cũng chẳng có năng khiếu gì về âm nhạc hay tố chất gì trong thể thao. Tôi đơn giản chỉ là một đứa trẻ kém cỏi trên tất cả mọi phương diện.

Bởi thế, những gì tôi học được từ các vị diễn giả khiến tôi cực kỳ phấn khích và đồng thời cũng thách thức tôi. Tôi quyết định chấp nhận niềm tin mới rằng: “Nếu người khác có thể làm được, tôi cũng sẽ làm được. Vấn đề chỉ là ở phương pháp.” Do đó, nếu tôi có thể học theo phương pháp của những người thành công (cài đặt “chương trình” của họ vào não bộ), tôi cũng có thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào. Vậy là từ đó, bất chợt nhen nhóm trong lòng tôi (một cậu bé 13 tuổi), một sự tò mò hay một ham muốn tột độ để xem điều đó có trở thành hiện thực hay không, và nó thật sự sẽ đem lại cho tôi điều gì.

Thế là tôi bắt tay vào hành động ngay lập tức. Tôi đặt ra ba mục tiêu gần như không tưởng vào lúc đó. Mục tiêu đầu tiên là đứng nhất trường trong thời hạn chỉ một năm. Mục tiêu thứ hai là có điểm số đủ cao để vào trường cấp III hàng đầu Singapore (chỉ dành cho những học sinh xuất sắc nhất trong cả nước). Mục tiêu thứ ba là được tuyển thẳng vào trường Đại Học Quốc Gia Singapore (National University of Singapore – NUS) và thậm chí sẽ trở thành sinh viên đứng đầu NUS. Bạn có tưởng tượng được rằng những mục tiêu đó đã được đặt ra bởi một học sinh có thể xem là nằm trong nhóm 20% học sinh kém nhất nước. Đối với mọi người ngay cả cha mẹ tôi), đó dường như chỉ là ảo tưởng điên khùng của một đứa trẻ 13 tuổi.

Dựa trên Nguyên Lý Mô Phỏng (một phần của Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy), tôi bắt đầu nghiên cứu phương pháp học tập của những học sinh xuất sắc nhất để hiểu tại sao họ có thể đạt kết quả cao đến thế. Và tôi luôn tin vào một điều cơ bản: Nếu tôi có thể vận hành bộ não của mình giống cách họ thường làm thì tôi cũng sẽ đạt kết quả cao như họ. Thế là tôi quyết tâm học theo cách học của họ.

Họ ghi chép bài như thế nào? Họ làm gì để luôn học tập hăng say? Họ làm sao để luôn tập trung vào bài giảng? Làm sao mà họ có thể nhớ bài dễ dàng? Làm cách nào mà họ nắm bắt được những khái niệm khó? Làm thế nào họ có thể giải quyết những bài thi hóc búa? Tôi bắt đầu tập hợp đủ loại “chương trình học giỏi” và tiến hành cài đặt chúng lên não bộ của mình.

TỪ KÉM CỎI THÀNH TÀI NĂNG

Từ đó, tôi bắt đầu suy nghĩ và hành động y như cách những học sinh giỏi đang làm. Tôi ghi chép theo kiểu của họ, trên lớp xung phong đặt câu hỏi giống họ, ở nhà làm bài tập chăm chỉ như họ. Bằng cách liên tục kích thích bộ não của tôi tương tự như cách họ làm, tôi cũng tự nhiên có được những kết quả cao như họ.

Trong vòng một năm, kể từ khi chỉ đậu bốn trên tám môn học, tôi đã đạt được điểm tuyệt đối cho bảy môn và được xếp vào Top 10 học sinh xuất sắc nhất trường. Trong vòng ba năm tiếp theo, tôi luôn giữ vững vị trí giỏi nhất trường, rồi trở thành học sinh đầu tiên và duy nhất của trường được tuyển thẳng vào trường Trung Học Victoria – trường được xếp hạng cao nhất trong các trường trung học ở Singapore. Vài năm sau đó, tôi được tuyển thẳng vào Đại Học Quốc Gia Singapore – NUS (chỉ xét tuyển 10% học sinh giỏi toàn quốc). Và ngay trong năm đầu tiên tại NUS, tôi đã được xếp vào nhóm 1% sinh viên giỏi nhất trường.

Như vậy, chỉ trong vòng sáu năm ngắn ngủi, từ một kẻ luôn “đội sổ”, tôi đã được xếp vào hàng ngũ 1% sinh viên giỏi nhất không chỉ toàn Singapore mà còn trên nhiều nước (vì NUS còn tuyển cả những sinh viên hàng đầu từ nhiều nước khác nhau).

TÔI TÀI GIỎI, BẠN CŨNG THẾ!

Kết quả phi thường mà tôi đã nỗ lực đạt được càng củng cố niềm tin của tôi rằng: nếu có những “chiến lược đúng đắn” (hay còn gọi là “những mô thức thành công”) thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể định hướng bản thân để đạt được thành công trong bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống.

Tôi bắt đầu truyền lại bí quyết học giỏi của mình cho nhiều học sinh khác - những học sinh có học lực trung bình, thậm chí kém. Và kết quả nhận được rất đáng khích lệ. Hầu hết học sinh sử dụng các bí quyết của tôi đều có những tiến bộ vượt bậc.

Vì thế, khi vẫn còn là sinh viên đại học, tôi quyết định viết một quyển sách tập hợp những bí quyết thành công trong học tập của mình. Quyển sách “I’m Gifted, So Are You!” được phát hành vào năm 1998 tại Singapore, trở thành quyển sách bán chạy nhất chỉ trong vòng sáu tháng, và giữ vững thành tích đó trong nhiều năm liền. Hiện nay, bản dịch có cải tiến để phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam – “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” – đã và đang là một trong những quyển sách bán chạy nhất, được săn lùng nhiều nhất và cũng được nhắc đến nhiều nhất trong giới sinh viên học sinh và cả các thầy cô tại Việt Nam.

NẾU TÔI CÓ THỂ THÀNH CÔNG TRONG HỌC TẬP, TÔI CÓ THỂ THÀNH CÔNG TRONG MỌI LĨNH VỰC MÌNH MUỐN

Trên thực tế ai cũng biết, những người thành công trong học tập cũng chưa chắc có thể thành công trong cuộc sống hay trong kinh doanh. Do đó, thử thách tiếp theo của tôi là đạt được những thành công vượt ra khỏi phạm vi trường lớp. Tôi biết rằng, nếu tôi vẫn kiên trì áp dụng Nguyên Lý Mô Phỏng và tiếp tục sao chép những mô thức thành công của người khác, thì không có chuyện gì là không thể. Những mục tiêu sự nghiệp lớn nhất của tôi là: trở thành triệu phú vào năm 26 tuổi, xây dựng và phát triển một công ty đáng giá hàng trăm triệu đô, cũng như trở thành một trong những diễn giả và chuyên gia đào tạo hàng đầu Châu Á. Thế là tôi lại một lần nữa quyết tâm dành hết thời gian công sức vào học tập và mô phỏng những diễn giả bậc thầy và những doanh nhân thành công nhất trên thế giới.

Khi còn là một kẻ thất bại, một trong  những nỗi sợ khủng khiếp nhất của tôi là... đọc sách. Tôi chỉ biết đọc mỗi truyện tranh. Vậy mà từ khi được học những nguyên tắc về phát triển bản thân, tôi đã đọc trên 400 quyển sách đủ loại. Tôi đọc tiểu sử của những triệu phú, tỉ phú làm nên sự nghiệp từ tay trắng và những nhà đầu tư lão luyện. Tôi đọc sách về phát triển bản thân, phương pháp học, cách làm giàu, tâm lý và Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy.

Và dĩ nhiên không chỉ học lý thuyết suông, tôi chuyển những gì học được thành hành động. Tôi bắt tay vào kinh doanh từ lúc 15 tuổi bằng việc cho thuê hệ thống âm thanh và sau này phát triển thành một công ty chuyên tổ chức sự kiện. Tôi thành lập công ty thứ hai về đào tạo và tư vấn vào lúc 21 tuổi và bắt đầu đầu tư bất động sản cũng như chứng khoán vào năm 22 tuổi.

Mặc dù phải học tập rất căng thẳng cho những kỳ thi lớn (tốt nghiệp cấp II, cấp III, Đại học), tôi vẫn tận dụng thời gian rảnh rỗi để đi thương thảo, điều hành việc kinh doanh và tận dụng cơ hội thực hành giao tiếp bất cứ lúc nào có thể. Chỉ trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp đại học, vào năm 26 tuổi, tôi đã tạo ra tổng giá trị tài sản cá nhân hơn một triệu đô, làm giám đốc điều hành hai công ty và đôi khi được trả tới 2.000 đô cho chỉ một giờ diễn thuyết.

Tôi cũng đã gặp gỡ, tiếp xúc và huấn luyện hơn 50.000 học sinh, giáo viên, chuyên gia, quản lý, giám đốc,... về lĩnh vực học tập tăng tốc và phát triển con người.

SỰ RA ĐỜI CỦA KHÓA HỌC “NHỮNG MÔ THỨC THÀNH CÔNG”

Khi công việc kinh doanh, tài sản cũng như danh tiếng của tôi bắt đầu lên như diều gặp gió trong ba năm tiếp theo đó, lý tưởng cá nhân của tôi cũng bắt đầu hình thành. Tôi phát hiện ra mục đích cao cả trong cuộc sống của mình là gì.

Tôi nghiệm ra rằng: động lực thật sự thúc đẩy tôi không phải là tiền bạc, mà là sứ mệnh cao cả giúp những người xung  quanh tôi nhận ra và khai thác những tiềm năng vô tận của bản thân. Tôi cũng nhận ra rằng: có rất nhiều người, nếu được tiếp cận với những hiểu biết khoa học về tiềm năng con người, cũng có thể tạo ra những điều thần kỳ trong cuộc đời họ.

Cũng tại thời điểm đó, định mệnh đã dẫn dắt tôi gặp lại người bạn cũ Stuart Tan. Stuart vô tình cũng đang trên con đường khám phá bản thân như tôi và sự đồng điệu được hình thành ngay lập tức giữa hai người bạn. Đó là sự gặp gỡ của hai con người cùng chung ý tưởng. Cùng nhau, chúng tôi đã tạo ra chương trình Những Mô Thức Thành Công (Patterns of ExcellenceTM) - một khóa đào tạo đặc biệt trong tám ngày về phát triển và tận dụng tiềm năng bản thân.

Khóa đào tạo này đã thành công vang dội. Chỉ trong vòng 12 tháng sau khóa học đầu tiên, chúng tôi đã đào tạo được hơn 500 người từ 16 đến 62 tuổi với những kết quả vô cùng khích lệ. Trong số những học viên của chúng tôi, có người kiếm được hơn 250.000 đô chỉ trong vòng sáu tháng sau đó, có người giảm được gần 8 kg trong vòng ba tháng, có những sinh viên đại học và cao học đạt được tiến bộ vượt bậc trong học tập, có nhiều học viên gạt bỏ được những nỗi sợ hãi ám ảnh cuộc đời họ, có nhiều người vượt qua được những tính xấu cố hữu hay nghiện ngập và hầu hết các học viên đều đã biết cách tự thắp sáng lên niềm đam mê cháy bỏng, hoài bão và mục đích sống của họ.

Stuart Tan – Mẫu mực của người giao tiếp kiệt xuất

Từng là một người lạc lõng và sợ giao tiếp đến mức không hòa hợp được với bạn bè, trong những dòng tiếp theo, Stuart sẽ tâm sự về cách anh đã phát hiện ra những phương pháp làm thay đổi cuộc sống bản thân và biến anh thành một diễn giả vô địch trong khu vực.

Nếu bạn từng thấy tôi trong các cuộc thi hùng biện ở khu vực, các lần diễn thuyết về phát triển bản thân hoặc khi tôi đang làm công việc tư vấn, bạn có thể cho rằng tôi được sinh ra với khả năng giao tiếp xuất chúng. Tôi dường như lúc nào cũng thoải mái kể cả khi đứng diễn thuyết trước hàng ngàn người hay lúc hàn huyên tán gẫu với những người cực kỳ thành đạt.

Nhưng thật ra điều này hoàn toàn ngược lại khi tôi còn rất trẻ (bây giờ tôi đã hơn 30 tuổi). Khi ấy tôi là một người cực kỳ nhút nhát, nhút nhát đến mức mà tôi cảm thấy rất khó chịu khi có người ở xung quanh tôi.

Khi còn là một thiếu niên, mọi người gán cho tôi biệt danh “khùng” và tôi bị hầu hết bạn bè xa lánh. Nhưng kỷ niệm kinh khủng nhất là khi tôi được chọn để lãnh đạo một nhóm gồm 40 lớp trưởng ở trường trung học. Vì khả năng giao tiếp quá kém mà tôi không thể nào làm việc tốt với các thành viên trong nhóm.

Tôi hoàn toàn thiếu khả năng gắn kết và tạo ra sự hòa hợp trong nhóm. Dường như chỉ có vài người trong số họ muốn làm việc với tôi. Số còn lại thì chống đối hoặc tỏ ra thương hại tôi đến mức những người đã ủng hộ tôi cũng cảm thấy mất dần hi vọng vào tôi.

Nỗi đau khổ khi trở thành người ngoài ngay trong nhóm do mình lãnh đạo càng lúc càng trở nên nặng nề khiến tôi chỉ muốn bỏ cuộc. Lòng tự trọng của tôi đã xuống đến mức thấp nhất. Tôi còn nhớ có một thời gian dài tôi bị mất ngủ trầm trọng và không còn khả năng tập trung.

Mặc dù tôi đã đọc rất nhiều sách, nhưng tới khi truyền đạt những gì tôi biết, cho dù đã chuẩn bị trước, tôi cũng không làm được, chứ đừng nói gì đến diễn thuyết. Tôi vẫn còn nhớ như in lần bẽ mặt nhất trong những lần diễn thuyết của tôi. Lần đó, tôi phải thuyết trình trước hơn 70 thầy cô giáo. Mặc dù tôi đã bỏ ra hàng giờ để uốn nắn từng câu chữ, từng lời nói đùa, không một thầy cô nào tỏ ra hứng thú hay lắng nghe. Một số người còn cười thầm như thể chính tôi là trò đùa của buổi hôm đó. Thậm chí có người còn ngủ gục, những người không ngủ thì làm điệu bộ chế giễu tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn đào ngay một lỗ dưới chân để chui xuống đất.

Những kinh nghiệm đau thương trên tích tụ lại khiến tôi bắt đầu tin rằng, dù cách nào đi nữa, tôi cũng không thể giao tiếp với mọi người một cách bình thường, nói chi là thoải mái. Tại sao tôi luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước mặt mọi người? Tại sao mọi người không thích tôi? Tại sao tôi không tạo được sự đồng điệu với người khác? Và tại sao lại có những người vô cùng cuốn hút, có khả năng hòa hợp cũng như tạo được ảnh hưởng với mọi người xung quanh một cách dễ dàng?

Tôi cảm thấy bất lực trước nỗi khổ này, nhưng hoàn toàn không có kiến thức hoặc khả năng gì để có thể tự thay đổi. Trong những ngày tháng chán chường đó, tôi chưa bao giờ dám mơ tới việc mình có thể điều khiển được cảm xúc của mình hay có thể giao tiếp lưu loát như những người tôi hâm mộ. Mặc dù bố mẹ tôi đều là giáo viên và đều rất ủng hộ tôi, họ cũng không thể giúp tôi hòa nhập được với bạn bè đồng trang lứa. Bởi đơn giản đó không phải là chuyện các bậc phụ huynh có thể giúp được, cho dù họ rất lo lắng.

Và rồi một sự thay đổi ngoạn mục đã xảy ra khi tôi học được về sức mạnh thần kỳ của Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy, thông qua những quyển sách và khóa học về phát triển bản thân. Tôi bắt đầu thấy hứng thú và tự tin hơn khi nhận ra rằng: tôi có đầy đủ tiềm năng tư duy để có thể trở thành một người giao tiếp giỏi. Điều duy nhất kiềm hãm tôi chính là việc tôi không có những phương pháp đúng đắn để theo đó mà hành động.

Thật tuyệt vời khi biết rằng ai cũng có thể trở thành một nhà diễn thuyết tài ba, và tôi cũng có thể làm được. Tôi chỉ cần mô phỏng và cài đặt những “chương trình khả năng diễn thuyết” vào chính mình. Phong thái của họ như thế nào? Cái gì đã giúp họ thoải mái và tự tin như vậy? Họ sử dụng ngôn từ và giọng điệu như thế nào để thu phục được cử tọa?

Kể từ khi đó, tôi dành thời gian rảnh để mô phỏng những người có khả năng giao tiếp xuất chúng xung quanh tôi. Sử dụng các phương pháp của Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy, tôi cảm thấy mình hoàn toàn có thể điều khiển trạng thái cảm xúc bản thân. Tôi đã dẹp bỏ được nỗi sợ hãi, lo lắng và hồi hộp bằng những phương pháp điều khiển tư duy mà bạn sẽ được học trong những chương kế tiếp.

Cuối cùng, tôi lấy lại được sự tự tin và tinh thần để bước lên bục diễn thuyết lần nữa. Tôi bắt đầu cuộc thử thách bằng cách tìm mọi cơ hội để được lên sân khấu và diễn thuyết. Tôi cũng tự đặt mình vào tình huống phải thuyết phục và lãnh đạo mọi người. Tôi quyết tâm tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và vượt trội ngay trong chính bản thân mình. Tôi thật sự cố gắng hết mức có thể.

Và kết quả mà tôi nhận được rất khả quan, những tràng vỗ tay tán thưởng chính là sự đền đáp cho nỗ lực của tôi. Việc liên tục cài đặt và áp dụng những phương pháp hiệu quả giúp tôi trở nên cực kỳ tự tin khi diễn thuyết trên sân khấu hay giao tiếp trong đời thường.

Sau đó, tôi có cơ hội đảm nhiệm một chương trình đào tạo kéo dài suốt một ngày về kỹ năng ghi nhớ cho một lớp 115 học sinh. Tôi đã sử dụng tất cả khả năng của mình để truyền đạt kiến thức một cách chính xác và hấp dẫn. Khi buổi học kết thúc, mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Tôi cảm thấy mình như một ngôi sao ca nhạc và hiểu được, thế nào là cảm giác tuyệt vời khi có sức thu hút đối với người khác.

Nhờ vào những kinh nghiệm đó, tôi càng có nhiều niềm tin vào khả năng của bản thân. Tôi tin rằng tôi có tiềm năng đạt được bất cứ việc gì bằng cách sử dụng những phương pháp đúng đắn. Thế rồi tôi lấy được bằng cử nhân về Tâm Lý Học và Ngôn ngữ, bằng cao học Quản Trị Kinh Doanh (MBA) của Đại Học Western Michigan, trong khi đó kỹ năng đào tạo về Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy của tôi cũng đạt được đỉnh cao khi tôi nhận được giấy chứng nhận về đào tạo Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy từ tiến sĩ Richard Bandler (đồng phát minh ra Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy). Ở tuổi 23, tôi trở thành diễn giả về Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy trẻ nhất ở Singapore.

Tôi cảm thấy mình vô địch và bắt đầu đặt ra những mục tiêu vĩ đại hơn: giành được chức vô địch trong phong trào diễn thuyết trước công chúng Toastmaster, không chỉ ở tầm quốc gia mà là tầm khu vực. Điều đầu tiên tôi làm là mô phỏng những nhà diễn thuyết tài ba nhất. Trong cuộc thi đầu tiên, tôi đạt được hạng ba. Rồi sau đó tôi đạt được hạng nhì toàn quốc trong mục thi Diễn văn tự chọn. Năm sau đó, tôi vô cùng mong muốn chiến thắng, nhưng cũng chỉ được hạng nhì trong mục thi Diễn văn ứng xử. Sau khi chỉ về nhì hai năm liên tiếp, tôi quyết tâm phải thắng trong lần tiếp theo. Chiến thắng trở thành một điều bắt buộc đối với tôi. Thế là, tôi chuyển tất cả những bài học kinh nghiệm thành động lực mạnh mẽ để hành động với mục tiêu đạt được thành tích cao nhất. Cuối cùng tôi cũng cầm được chiếc cúp vô địch.

Sau 5 năm tham dự, tôi đã trở thành diễn giả vô địch của Toastmasters quốc tế, khu vực Đông Nam Á cho mục thi Diễn văn tự chọn vào năm 2002. Đây thật sự là một khích lệ lớn, bởi vì lần đầu tiên tôi được chính thức công nhận là nhà diễn thuyết tài ba nhất trước toàn thể đám đông khán giả. Nó đã củng cố rất nhiều cho niềm tin của tôi vào tài diễn thuyết của chính mình.

Bây giờ, ở vị trí có thể giúp nhiều người thay đổi cuộc sống của họ một cách tích cực, tôi cảm thấy đó là một hạnh phúc hết sức lớn lao. Sau khi có bằng chuyên viên tư vấn tâm lý, tôi sử dụng thời gian rảnh của mình để tư vấn cho đủ loại người, từ những thanh thiếu niên hư hỏng cho tới bệnh nhân tâm thần. Tôi đã giúp được rất nhiều người lạc lối thuộc đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh tìm lại lẽ sống.

Những kỷ niệm đau khổ đầu đời cộng với những thành công sau này đã củng cố niềm tin trong tôi rằng: nếu một người như tôi có thể đạt được trình độ giao tiếp như vậy thì ai cũng có thể làm được, chỉ cần người đó được trang bị những công cụ và phương pháp đúng đắn.

Bây giờ đến lượt bạn. Hãy bắt đầu khám phá tài năng trong chính bạn!

Chúng tôi mở đầu quyển sách bằng những câu chuyện về đời mình không phải để khoe khoang mà chỉ để bạn hiểu rằng: chúng tôi cũng có xuất phát như những người bình thường khác.

Chúng tôi không may mắn sở hữu những năng khiếu thiên bẩm trong bất cứ lĩnh vực gì như khả năng học tập, giao tiếp hay lãnh đạo người khác. Điều khác biệt là chúng tôi dám đảm nhận trách nhiệm tự tạo ra tài năng và sự thành công của chính mình.

Mọi thứ bạn học từ quyển sách này không phải là kết quả của sự góp nhặt lý thuyết suông. Những hiểu biết có thể thay đổi vận mệnh được trình bày trong các chương tiếp theo của quyển sách này đã trở thành cách thức chúng tôi sống và hành động. Và đó cũng là cách hàng chục ngàn người do chúng tôi huấn luyện hoặc làm việc với chúng tôi đã và đang sống.

Một khi bạn tiếp cận được với những phương pháp này, chúng sẽ là chìa khóa giúp bạn khai phá năng lực tiềm tàng của bản thân để sống một cuộc sống mà bạn hằng mơ ước.

Quyển sách này được viết ra với một mục đích duy nhất: trở thành quyển cẩm nang giúp bạn tận dụng tất cả tiềm năng sẵn có trong gia tài đồ sộ nhất của mình – não bộ và khả năng tư duy của bạn.

SỐNG HẾT MÌNH VÀ BẠN SẼ THÀNH CÔNG

Tôi học được những nguyên lý cơ bản để thành công trong cuộc sống từ nhiều quyển sách, nhiều khóa đào tạo và nhiều chuyên gia khác nhau. Theo một nghĩa nào đó, tôi đã đạt được những thành công nhất định. Ngạc nhiên thay, có rất nhiều người cũng đọc những quyển sách đó, cũng tham gia cùng những khóa đào tạo đó,... nhưng chưa bao giờ đạt được những thay đổi hay thành công gì đáng kể trong cuộc đời họ.

Cuối cùng, tôi đã nghiệm ra rằng: không có bất kỳ một quyển sách, một khóa đào tạo hay một diễn giả nào có thể “hô biến” bạn thành người thành công trong cuộc sống, trừ phi chính bản thân bạn thật sự nỗ lực hành động một cách có phương pháp. Những quyển sách, những khóa học hoặc thậm chí cả những diễn giả tài năng nhất cũng chỉ giúp bạn có được những kiến thức, kinh nghiệm quý báu và những phương pháp được kiểm chứng,... Thông qua đó, họ giúp bạn vươn tới thành công một cách nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn nhất nhưng họ không thể nào... sống cuộc sống này thay cho bạn. Đó là một chân lý đơn giản mà chúng ta ai cũng hiểu.

Vậy mà hầu hết mọi người đều trông đợi vào những yếu tố bên ngoài thay đổi cuộc đời họ. Dường như họ quên rằng đó là cuộc sống của riêng họ, và nếu muốn thay đổi để thành công, họ phải là người tự thay đổi thông qua những điều học được.

Tôi nhớ trong bộ phim Bruce – Đấng Toàn Năng (Bruce Almighty), Bruce là người luôn nghĩ mình là nạn nhân của Thượng Đế vì những “xui xẻo” trong  cuộc sống của anh  ta. Thế rồi Thượng Đế xuất hiện và ban cho Bruce quyền năng tối cao. Vậy mà ngay cả khi có tất cả những quyền năng đó, cuộc sống của Bruce cũng chẳng hề hạnh phúc như anh ta nghĩ, thậm chí còn nhiều vấn đề rắc rối hơn. Vô cùng chán nản, Bruce quyết định trả lại tất cả những quyền năng tối cao ấy cho Thượng Đế. Và chỉ đến khi đó, Thượng Đế mới nói với Bruce rằng: “Nếu con muốn thấy điều kỳ diệu trong cuộc sống của mình, hãy trở thành điều kỳ diệu đó.”

Giờ đây, bạn đã chọn quyển sách này, cho dù tôi không thể “hô biến” bạn thành người thành công, nhưng tôi tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm giúp bạn thành công. Chính vì thế, tôi đề nghị bạn: hãy đọc quyển sách này như một quyển sách đặc biệt nhất mà bạn từng đọc. Hãy xem quyển sách này như một cuộc trò chuyện thân mật và thoải mái giữa hai chúng ta.

Một lần nữa, quyển sách này, cũng như những kiến thức nó mang lại cho bạn, không thể nào thay đổi cuộc sống của bạn. Bạn là người duy nhất có được quyền năng thay đổi chính bản thân mình, thông qua việc sử dụng những kiến thức tôi sẽ chia sẻ với bạn. Tôi đề nghị bạn thực hiện đầy đủ 100% bài tập trong sách để việc đọc đạt được hiệu quả cao nhất. Bởi vì quyển sách này được viết trên nguyên tắc chú trọng vào thực hành hơn là lý thuyết suông, bạn sẽ tận dụng được hết giá trị của quyển sách bằng cách đơn giản nhất là thực hành. Cũng bằng cách thực hành những bài tập nho nhỏ trong sách, bạn sẽ nhanh chóng áp dụng được những kiến thức học được vào cuộc sống và sẽ trở nên thành công hơn.

BỐN LOẠI TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI KHI ĐỌC SÁCH

Loại tư tưởng đầu tiên là của mẫu người luôn có thái độ thích chống đối: “Chắc chắn sẽ không hiệu quả”. “Trước đây, tôi đã đọc quá nhiều sách về phát triển bản thân mà chúng có tác dụng gì với tôi đâu”. (Có lẽ bạn sẽ hiểu ngay lập tức tại sao sách vở không hề có tác dụng với những người có cách nghĩ này.)

Loại tư tưởng thứ hai là của mẫu người đọc sách với thái độ: “Để xem thử coi sao”. Đây là những người chỉ đọc sách một cách thụ động, bỏ qua mọi bài tập và theo lập trường “để xem thử coi có gì hay không”. Mặc dù những độc giả này có thể sẽ rất thích thú khi đọc sách vì học được nhiều điều hay và mới lạ. Nhưng họ chỉ dừng ở “sự biết“ chứ tuyệt đối không làm bất cứ việc gì khác cho bản thân mình.

Loại tư tưởng thứ ba là của mẫu người đọc sách với thái độ: “Hãy làm thử xem thế nào”. Mẫu người này sẽ đọc sách, học được nhiều điều mới lạ và cũng thử làm một vài bài tập mà họ cảm thấy thích. Nhưng đó là tất cả những gì họ sẽ làm và những thành công của họ cũng chỉ dừng lại ở chỗ đọc xong quyển sách và làm một vài bài tập chiếu lệ.

Và loại tư tưởng cuối cùng là của mẫu người đọc sách với thái độ: “Tôi sẽ dốc toàn lực đọc và thực hành quyển sách này”. Họ đọc sách, gạch dưới những ý quan trọng và thậm chí ghi chú vào sách. Trong quá trình đọc, họ cũng liên tục suy nghĩ về những gì học được. Họ làm mọi bài tập một cách nghiêm túc nhất có thể. Quan trọng hơn cả, họ áp dụng những ý tưởng học được vào cuộc sống. Những người này sẽ dần dần nhận thấy những thay đổi đáng kể trong công việc và cuộc sống.

Dĩ nhiên, bạn luôn có quyền lựa chọn. Bạn có thể chọn là bất kỳ mẫu người nào bạn thích. Vì thế, trước khi bắt đầu chương mới, tôi thật tình hy vọng rằng bạn sẽ có một lựa chọn sáng suốt: chọn lựa hành động và thành công.

Trong những chương tiếp theo, tôi mong bạn có thể dành thời gian để kiểm nghiệm và thực hành những bài tập được đưa ra. Những bài tập này được soạn với mục đích giúp bạn chuyển những kiến thức học được thành hành động tức thời, và từ đó gặt hái những thành quả mà bạn xứng đáng đạt được.

Còn bây giờ, tôi muốn bạn vui lòng lấy giấy bút để thực hiện bài tập dưới đây (bạn cũng có thể viết ngay vào sách để tiện xem lại khi cần). Sau khi bạn làm xong, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Chương 2.

 

 

BÀI TẬP CUỐI CHƯƠNG

Hãy viết ra ít nhất 5 kết quả mà bạn muốn đạt được từ việc đọc quyển sách này.

1...................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

2...................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

3...................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

4...................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

5................................................................................................................................... .....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

Hãy viết ra ít nhất 3 mục tiêu lớn (càng cụ thể càng tốt) mà bạn muốn đạt được trong vòng hai năm tới.

1...................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

2...................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

3...................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

Hãy kể ra những suy nghĩ hạn hẹp và những thói quen xấu đang ngăn cản bạn thực hiện mục tiêu của mình.

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

 

 

Tổng kết chương

1. Tất cả chúng ta đều có sẵn những tiềm năng trí tuệ để đạt được bất kỳ thành công nào trong cuộc sống. Chúng  ta chỉ thiếu  kỹ  năng và phương pháp cần thiết để phát huy, điều khiển và sử dụng các tiềm năng đó.

2. Với những tiềm năng trí tuệ được tận dụng đúng cách, bạn sẽ thu hút được nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết khác để thành công.

3. Tất cả chúng ta đều có hệ thần kinh như nhau với khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh (“phần cứng”). Điều khiến cho mọi người trở nên khác nhau về trí thông minh, suy nghĩ, thói quen và hành động chính là những liên kết thần kinh được tạo ra từ những kích thích khác nhau.

4. Nếu chúng ta có thể sao chép và cài đặt được các “chương trình” ưu việt của những người thành đạt lên “phần cứng” của mình, chúng ta cũng có thể đạt được những thành công như họ.