Lạc Lối

Chương 6

Xấu hổ

Ngày 16 tháng Mười một 2006

Đứng trước văn phòng Crous, tôi lưỡng lự. Tôi không còn quá chắc chắn là mình muốn đến đây. Tôi lùi lại, đứng lấp ló trước cửa ra vào.

Bây giờ là tháng Mười một và trời lạnh buốt. Những tháng vừa qua tôi ngày càng sút cân rõ rệt. Tôi có cảm giác thấy cái lạnh xuyên qua mình như chưa bao giờ xảy ra trước đây. Tuy nhiên sáng nay tôi đã mặc nhiều quần áo. Kể từ khi trở nên quá gầy, lúc nào tôi cũng lạnh. Tôi run lập cập khắp mọi nơi, ngay cả ở trong phòng: trong lớp, ở chỗ làm, và ở nhà.

Mùa đông đến nhanh và chúng tôi vẫn không bật hệ thống sưởi trong căn hộ. Ít ra là tôi không muốn. Ngay khi về nhà Manu bật lò sưởi lên ngay trước khi ngồi vào tràng kỷ như một ông hoàng. Tôi đợi anh đi khỏi và vội vã tắt đi. Tôi đã làm thế kể từ khi tôi phải trả một phần các hóa đơn. Điện, nước và hệ thống sưởi, tất cả tốn khá nhiều! Manu chẳng thèm quan tâm, bởi không phải anh trả những chi phí này. Thế là anh cứ bật lò sưởi trong khi tôi vụng trộm tắt đi, vì không thể yêu cầu anh đặc ân này.

Ban đầu, tôi ăn mặc bình thường khi ngồi học, nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra rằng cứ ngồi yên trên ghế trong nhiều giờ không cử động sẽ khiến tôi thấy lạnh chẳng khác gì đang ở ngoài đường. Thế là bây giờ, để ngồi học, tôi khoác lên người một bộ đồ ra trò: một chiếc khăn to do mẹ tôi đan cho, một cái áo khoác thể thao dùng đi Bắc cực và đôi tất dày cao đến tận đầu gối. Lần đầu tiên nhìn thấy tôi như thế Manu đã cười, và tôi cũng cười vài giây khi ngắm mình trong gương. Bởi vì suy cho cùng, sự việc chẳng có gì đáng cười. Cuối cùng tôi dần quen với đống đồ nặng nề này trên đôi vai mảnh khảnh của mình, lý do tiết kiệm tiền thúc đẩy tôi. Tôi thích trông mình giống một nhà thám hiểm các đỉnh núi cao hơn là phải trả năm mươi euro cho một cái hóa đơn hoàn toàn có thể tránh được.

Tôi tiết kiệm mọi khoản tiền có thể. Không một khoản chi hoang. Không cần nói rõ rằng từ lâu nay tôi đã không đi mua sắm nữa. Thứ nhất, tôi không có thời gian. Sau nữa, nói đến cùng, nhìn ngắm thèm muốn trước những thứ tôi chẳng bao giờ có được thì ích gì? Vì thế tôi không thử thách quỷ sứ và cẩn trọng tránh lượn phố xem đồ. Cuối cùng tôi cũng nhồi được vào đầu mình ý nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ mặc những bộ đồ hợp mốt. Đương nhiên, thỉnh thoảng, tôi cũng phát ghen trước những chiếc quần bò thô mới, những chiếc áo khoác bó sát, những đôi giày mới đắt tiền của các bạn cùng học. Tôi chỉ có thể nhìn ngắm chúng đến mức điều đó khiến tôi lúng túng, thở dài, rồi quay lại với việc của mình. Tôi muốn mình đủ mạnh mẽ để nói rằng tôi không chịu đựng nổi cái xã hội tiêu dùng này và rằng nó làm tôi chán ngấy, nhưng hãy thành thực: ai mà chẳng có ham muốn và ai mà chẳng để cho nó cám dỗ mình? Tôi còn trẻ và quảng cáo khắp mọi nơi: tôi sẽ là một con mồi hoàn hảo nếu tôi có tiền.

Tôi đố kỵ với các bạn nữ trong lớp. Tươi tắn và nhàn hạ, một số bạn chẳng bao giờ phải làm việc để kiếm tiền. Bố mẹ họ kiếm đủ để chu cấp cho con. Đôi khi, họ phải đi mua sắm với mẹ mình và thể hiện mong muốn của mình bằng một cái bĩu môi giả tạo trước một bộ quần áo trong cửa hàng, các bà mẹ đáp lại bằng cách rút thể tín dụng ra. Tôi không trách họ, chắc chắn tôi cũng sẽ làm như họ. Tôi chỉ ganh tị với tâm hồn thanh thản của các bạn trong khi, về phần mình, tôi run rẩy khi nhìn thấy nhân viên soát vé trên tàu điện, và tôi không ngừng tự hỏi làm thế nào để sống đến hết tháng. Tôi run rẩy khi Manu làm ra vẻ chẳng có chuyện gì, yêu cầu tôi đóng tiền thuê nhà. Liệu có phải chỉ mình tôi sống như thế? Tất cả những chuyện này thật đáng xấu hổ, tôi không thể nói với các bạn học cùng. Làm sao họ có thể hiểu nổi? Thế là tôi từ chối lời mời cùng đi ăn trưa với họ và khép mình trong thứ miễn phí duy nhất còn lại với tôi: học.

Tất cả những chuyện này sẽ chẳng thành vấn đề nếu tôi có đồ ăn. Ngăn tủ đựng đồ ăn của tôi luôn trong tình trạng ảm đạm và đồ ăn mẹ tôi cho cũng không tồn tại được lâu. Mì, mì và lúc nào cũng mì. Tôi nhìn chúng trong lúc nấu ăn, và tôi có cảm giác chúng coi khinh tôi, như thể để nhắc nhở với tôi rằng tối nay, một lần nữa, tôi cũng sẽ không khá hơn. Ban đầu, tôi nấu mì với xốt cà chua đóng hộp, nhưng chúng khó tiêu ban đêm đã khiến tôi chán ngấy món đó, và chỉ nghĩ đến việc nhìn thấy mì thấm đẫm nước xốt rẻ tiền đã làm tôi buồn nôn. "Mì trộn bơ, nói tóm lại cũng không quá tồi."

Cũng có một lọ Nutella 1, mẩu hạnh phúc nho nhỏ của tôi. Mỗi lần tôi ăn không quá một thìa, để giữ nó càng lâu càng tốt. Cái lọ ấy làm tôi vững dạ mỗi lần mở tủ.

Lúc cái đói càng kêu gào, tôi bèn ngừng ăn. Vậy nên tôi nhận ra rằng sau một lúc, cái đói tan đi và chu trình vận hành của con người tự lấy lại nhịp điệu bình thường của nó. Sau vài ngày trải qua chế độ này, tôi không còn thực sự cảm thấy phiền toái nữa. Tôi quen với việc không ăn trưa và trải qua chuỗi ngày bụng rỗng đi học. Đôi khi, trong giờ học, bụng tôi phát ra những âm thanh kỳ cục, nhưng tôi quen với sự có mặt của chúng đến nỗi tôi chẳng còn nghe thấy chúng nữa.

Một cô bạn trong lớp quay lại bàn tôi và vừa cho tôi một thanh sô cô la vừa đùa vui một cách dễ thương:

- Này, ăn đi, ở đây người ta nghe thấy tiếng bụng cậu òng ọc rồi đấy!

Xấu hổ, tôi khẽ cảm ơn cô, cố làm ra vẻ mình vui với trò đùa của cô. Nhưng điều đó chẳng khiến tôi cười được. Chầm chậm, tôi nhấm nháp thanh sô cô la. Nếu ở ngoài, có lẽ tôi đã ngấu nghiến nó chỉ trong vài giây vì tôi quá thèm. Tôi dằn lòng được, đúng mực, nhưng tôi thậm chí đã dùng ngón tay nhặt những mẩu vụng cuối cùng rơi trên vở. Tôi còn muốn ăn thêm một thanh nữa.

Buổi tối, khi có thời gian hoặc thấy muốn ăn trên đường từ trường hay từ chỗ làm về nhà, tôi ăn một bát gạo rang trộn sữa. Và nếu có muốn thêm can đảm, một thìa Nutella vào cuối "bữa ăn". Điều đó chắc chắn có vẻ thật đáng buồn, nhưng thứ sô cô la này hoạt động như một loại thuốc an thần. Tôi liếm thật kỹ cái thìa, để tận hưởng tối đa hương vị của nó, đến tận cùng. Tôi có cảm giác sau đó tôi làm việc tốt hơn.

Rồi, một buổi trưa, điều gì phải đến đã đến. Tôi bị ngất giữa buổi học. Già néo đứt dây, tôi không tính đến chuyện rằng tôi đã vượt qua mọi giới hạn mà cơ thể có thể chịu đựng. Mọi người có vẻ hơi hốt hoảng, nhưng tôi nhanh chóng tỉnh lại và bắt đầu làm việc lại được. Một số bạn thử nài tôi đến bệnh xá của trường, nhưng tôi nhẹ nhàng từ chối. Không cần phải bác sĩ mới biết được vì sao tôi ốm. Tôi ốm vì không có tiền.

Đó chính là ngày tôi quyết định đến Crous để tìm một giải pháp, một khoản trợ cấp tài chính. Thiếu tiền khiến tôi đùa giỡn với sức khỏe của mình và tôi thấy mình không sẵn sàng chấp nhận thực tế này. Tôi phẫn nộ vì đã phải khổ sở đến mức ấy để có cái ăn, ăn để có thể học. Nhưng khi đứng trước tòa nhà, tôi lại không đủ mạnh mẽ để bước vào. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng mình lại đến Crous vì một lý do như vậy. Tôi biết rằng nhiều sinh viên cũng đến đây để yêu cầu trợ giúp, nhưng đó không phải tính cách của tôi. Với tôi, đến đây đồng nghĩa với thất bại: tôi không thể tự mình xoay sở. Nhưng phải chấp nhận điều đã rõ ràng. Tôi không tự thoát ra được, tôi cần người ta giúp tôi chút ít. Tình trạng thiếu ăn liên miên này không thể tiếp tục xảy ra nữa.

Thế là tôi bước vào tòa nhà và tự tế kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Nửa giờ sau một phụ nữ tiếp tôi, sau khi đã gặp liên tiếp một đám sinh viên. Trong văn phòng của cô này, tôi cứ loanh quanh.

- Vậy đấy, tôi đến gặp cô vì tôi gặp khó khăn tài chính lớn và tôi muốn biết liệu tôi có thể được tổ chức của cô trợ giúp hay không.

Rất nhanh chóng, tôi kể lại cho cô ta cuộc sống không tiền bạc của tôi, Manu và tiền thuê nhà, những khốn khổ của tôi, sự thiếu thốn hàng ngày của tôi. Nhân cơ hội đó, tôi quan sát cô. Cô ta chăm chú nghe tôi và có vẻ quan tâm đến câu chuyện của tôi. Cô này còn trẻ, khoảng ngoài ba mươi, chắc hẳn cô ta phải nhớ lại những năm tháng học đại học không xu dính túi của mình.

Sau khoảng mười lăm phút giải thích, cuối cùng tôi không nói nữa, nhưng sự yên lặng của tôi để chờ đợi câu trả lời từ phía cô ta làm cô ta húng hắng ho.

- Tất cả những gì tôi có thể đề xuất với bạn lúc này là những phiếu ăn để bạn có thể ăn tại căng tin của Crous. Chúng không đắt lắm, một bữa chưa đến ba euro!

Tôi làm một phép tính nhanh trong đầu. Tôi không thể chi gần mười lăm euro một tuần chỉ vì một bữa trong ngày. Tôi đến đây hy vọng người ta dành cho tôi những khoản miễn giảm đáng kể để tôi có thể ăn bữa trưa VÀ bữa tối.

- Tức là việc này chiếm của tôi một khoản nhỏ mỗi tuần. Tôi muốn biết liệu cô có giải pháp nào khác không.

- Trong trường hợp của bạn, tôi chỉ thấy một giải pháp để không mất tiền ăn: Nhà ăn Từ thiện.

Cô ta nói câu này một cách chậm rãi, rất nhẹ nhàng, vì ý thức được tác động về mặt tâm lý mà câu nói đấy có thể gây ra cho tôi. Điều này không sai. Tôi mở to mắt nhìn cô. Thế đấy, chỉ bằng một câu nói, tôi được đặt vào bậc thang xã hội Pháp, ở tận nấc cuối. Thấp đến nỗi tôi không thể tự nuôi mình, thấp đến mức người ta gợi ý với tôi đồ ăn dành cho người vô gia cư. Tôi tưởng mình đang mơ, tôi không tin cô ta nghiêm túc. Nhưng cô ta tiếp tục nhìn tôi, với đôi mắt to đầy cảm thông.

Tôi lắp bắp một lời cảm ơn không rõ ràng và hỏi tôi phải tìm những Nhà ăn Từ thiện ở đâu. Cô ta viết vội cho tôi dòng địa chỉ trên một tờ giấy, nét chữ rất đẹp. Cô ta cố gắng như vậy, có lẽ để chứng tỏ cho tôi thấy rằng cô xúc động bởi câu chuyện Cosette 2 của tôi. Tôi vội vàng chào cô, muốn nhanh chóng kết thúc chuyện này. Cô nồng nhiệt bắt tay tôi trong hành lang trước khi gọi lớn "người tiếp theo" bằng một giọng chói tai.

Một lần nữa tôi lại đối mặt với cái lạnh tháng Mười một khi ra khỏi tòa nhà. Với mẩu giấy nhỏ trên tay, tôi bước nhanh để làm nóng người. Tôi sẽ không đến, không có gì phải suy nghĩ. Tôi không thể quyết định đến đó; tôi tự nhủ, rốt cuộc tôi không quá cần nó đến thế. Tôi sẽ có cảm giác gần như là "ăn cắp" những đồ ăn đó của người nghèo, những người thực sự chẳng có gì. Và trên hết, tôi không thể so sánh mình với họ, những người vô gia cư. Tôi thì đang có một mái nhà, một công việc, và tôi đi học. Không, đã quyết rồi, cuối cùng với tôi mì cũng là được, tôi bằng lòng với nó. Suy cho cùng, tôi không phải người đứng đầu cũng như chẳng phải người dưới đáy.

--- ------ ------ ------ -------

1

Một loại bột sô cô la trộn hồ đào nhuyễn, thường dùng để phết lên bánh mì.

2

Nhân vật trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Victor Hugo. Mẹ Cosette, Fantine, đã gửi cô bé lại nhà Thénadier để đi làm kiếm tiền. Tại đây Cosette đã phải sống những ngày đói rách khốn khổ.