Là Bóng hay Là Hình

Chương 13

Docsach24.com
hời tiết có vẻ dễ chịu. Tuyết rơi mỏng dần rồi dứt hẳn. Bầu trời xuất hiện với những vì sao nằm rải rác đó đây. Tuy vậy vẫn còn ẩm thấp lầy lội, nhất là với Golyadkin khi chàng đang thấy khó thở. Áo choàng của chàng ướt đẫm, nặng chịch, như bó cả người chàng vào trong một cái bọc ẩm, làm cho đôi chân đã yếu sẵn của chàng càng nặng thêm. Chàng rùng mình như bị cả bầy kiến cắn, cái mệt mỏi làm một thứ mồ hôi lành lạnh, nhớp nháp chảy ra từ trong người chàng khiến Golyadkin quên cả việc lặp lại câu nói ưng ý của chàng về - ai biết? - về sự tốt đẹp vào phút chót của mọi việc. Tuy vậy, người hùng vững vàng của chúng ta tự trấn an: “Nói cho cùng thì cũng không đến nỗi nào” khi vuốt nước trên mặt, những giọt nước đang chảy thành vòng quanh vành nón đã ướt đẫm. Tự trấn an rồi, người hùng ngồi xuống trên khúc gỗ khá lớn bên cạnh đống củi trong sân nhà Olsufy Ivanovich.

Những bản dạ khúc Tây Ban Nha, những nấc lụa thang nhung dĩ nhiên không được chàng nghĩ đến rồi. Chàng đang nghĩ đến một xó xỉnh nào đó, không cần phải ấm áp lắm, miễn sao kín đáo và an toàn. Chàng cũng đang mơ ước đến cái xó ở lối vào phía sau nhà Olsufy Ivanovich, nơi chàng đã đứng suốt hai tiếng đồng hồ giữa tủ chén và những tấm sáo cũ mèm, giữa những thứ rơm rác thừa thãi. Điều này không đáng ngạc nhiên bởi lần này Golyadkin cũng đã chờ trong sân nhà Olsufy Ivanovich hơn hai tiếng rồi. Nhưng cái xó đó bây giờ hẳn đã nhiều trở ngại hơn hồi đó. Trở ngại trước nhất là một khi đã khám phá ra chỗ ẩn núp này người ta thế nào cũng tìm cách để chàng khỏi lại chui vào đó. Thứ nhì, chàng phải ở đây đợi ước hiệu của Klara. Vì nàng cho là cần phải có ước hiệu “Như vẫn thường phải làm... Trước chúng ta người ta đã làm thế và sau chúng ta người ta cũng sẽ làm thế”.

Golyadkin nhớ lại một vài tác phẩm chàng đọc đã khá lâu trong đó vai nữ chính, cũng trong một hoàn cảnh tương tự, làm dấu hiệu cho chàng Alfred của nàng bằng cách cột một giải khăn hồng nơi cửa sổ. Nhưng dĩ nhiên với cái khí hậu ấm ướt của Petersburg và nhất là trời đang tối như mực thế này thì giải màu hồng không thể xài được.

Người hùng nghĩ thầm: “Ta nên lặng thinh và thận trọng chờ ở đây, không nên lên đó” và tìm cách ngồi đối diện với cửa sổ, bên đống củi.

Có nhiều người không biết là ai đang bước qua sân, ngoài những người đánh xe. Lại còn có tiếng ồn ào của xe ngựa, tiếng ngựa thở phì phì. Dầu vậy đây cũng là chỗ đợi thuận tiện.

Chàng không biết đã có bị ai theo dõi chưa nhưng cái xó tối của chàng coi bộ yên ổn lắm. Không ai thấy, trong khi chàng có thể quan sát hết. Các cửa sổ nhà Olsufy Ivanovich sáng choang như cũng đang có khách bên trong. Nhưng Golyadkin không nghe thấy tiếng nhạc. Chàng nhún vai, nghĩ thầm: “Vậy ra không phải dạ vũ. Chỉ đãi khách thôi. Nhưng có phải đêm nay không. Hay nàng lộn ngày? Chuyện gì cũng có thể xảy ra... Bức thư đó... có lẽ viết ngày hôm qua mà mình không nhận được đúng lúc vì thằng ngu ngốc Petrushka còn la cà đâu đó... Trừ phi được viết ngày hôm sau... không, ta muốn nói là, trừ khi ta theo chuyện này, đợi với chiếc xe và tất cả, thì chỉ có thể là ngày hôm sau thôi”.

Golyadkin thấy lạnh, thọc tay vào túi tìm lá thư xem lại. Nhưng chàng rất đỗi ngạc nhiên vì không có thư từ gì trong túi cả.

Chàng kêu lên:

- Sao vậy kìa? Ta để đâu rồi? Mất rồi sao? Bậy quá... nếu nó lọt vào tay kẻ thù thì sao? Có lẽ như vậy rồi. Trời ơi, chuyện gì sẽ xảy ra đây? Sao cuộc đời chó má thế?

Golvadkin chợt nghĩ có thể tên Golyadkin đáng ghét kia đã ném áo choàng lên người chàng để nhân cơ hội đoạt bức thư mà có lẽ hắn đã nghe ngóng đâu đó. Chàng nghĩ: “Có lẽ hắn sẽ... Còn bằng cớ... Ai cần gì bằng cớ?”

Sau cơn chấn động làm chàng như tê cóng vì khủng khiếp, máu đồn lên mặt, chàng gầm lên như con thú bị thương, hai tay ôm lấy đầu, ngồi phịch xuống miếng ván lớn và nghiến răng, nghĩ ngợi. Nhưng ý tưởng không thể thành hình. Thay vào đó, trong đầu chàng lại hiện lên những khuôn mặt, những biến cố khi mơ hồ, khi rõ rệt, tất cả lẫn vào một điệu nhạc ngu ngốc... Chàng khổ sở vô cùng. Trong một lúc dịu xuống, chàng nghĩ: “Chúa ơi, xin hãy cho con sức mạnh để chịu đựng cơn xoáy vô cùng này. Con chắc chắn đã thất bại, đã bị hất ra rồi, không nói gì khác được. Trước hết, con mất việc, chắc chắn là thế. Phải chi mọi việc êm xuôi... chắc mình có tiền tẩm bổ, có một căn phòng khác đâu đó, mua ít đồ đạc... Dĩ nhiên sẽ không có Petrushka nữa, nhưng mình vẫn có thể sắp xếp đâu cần thằng ngốc đó. Chẳng hạn đi ở trọ. Có thể đi về bất cứ lúc nào, khỏi phải nghe Petrushka cằn nhằn. Ở trọ khỏe điểm đó. Nhưng dầu có tốt đẹp gì cũng đừng để bận tâm. Lúc nào mình cũng nghĩ sang chuyện khác...”

Chàng lại nhớ lại tình trạng hiện tại, lại ôm đầu.

Một giọng nói vang lên phía trên Golyadkin:

- Thưa ông, ông muốn chờ bao lâu nữa?

Golyadkin giựt mình nhìn lên, thấy người đánh xe cũng ướt đẫm, run lập cập. Hắn nóng ruột vì không có việc gì làm nên tìm tới đống củi nơi ông khách thuê xe đang ẩn nấp.

- Không lâu đâu bạn. Một tí nữa thôi.

Người đánh xe càu nhàu bỏ đi.

Golyadkin nghĩ thầm, đôi mắt đã nhòa lệ:

“Hắn cằn nhằn cái gì? Không phải ta thuê hắn cả buổi tối sao? Ta có quyền mà. Hắn được trả tiền công cho cả buổi tối, vậy hắn không thể nói gì được dầu ta có bắt hắn đứng đây suốt buổi. Mọi việc là do nơi ta, lúc nào muốn đi thì đi, vậy thôi. Còn chuyện ta ở sau đống củi này đâu có gì là lạ, đâu có gì đáng nói. Nếu ta muốn đứng sau đống củi thì ta đứng. Đâu có phải phạm pháp! Cô bé ơi! Đúng như vậy nếu cô muốn biết sự thực! Tôi cũng cho cô hay là trong thời đại chúng ta không ai lại đi sống trong túp lều cả. Cô bé ơi, cũng xin nhắc cô rõ là dù sống trong thời đại kỹ nghệ cô cũng không thể bỏ qua vấn đề nết hạnh được, như cô đã chứng minh một cách tai hại... cô muốn tôi thành một thư ký tòa án và sống trong một túp lều trên bãi biển? Cho cô hay, không có ông ký tòa án nào trên bãi biển hết, và họ sẽ không nhận tôi dù chỉ làm một thư ký quèn. Thí dụ tôi cô xin làm thư ký đi nữa, và xin được che chở thì cô bé ơi, ở đó họ đã có quá nhiều thư ký rồi, và cô hãy nhớ là không phải cô đang ở trong cái trường của bà đầm di cư Falbalas, nơi cô hấp thụ một nền giáo dục có cái hậu quả mà cô đang chứng minh một cách tai hại hôm nay đây đâu nhá! Nết hạnh, thưa cô, là ở nhà, kính nể cha mẹ, và chưa phải lúc thì đừng có nghĩ đến những cậu trai đến tuổi lấy vợ. Những cậu trai đó sẽ đến khi thuận tiện. Mọi việc là như vậy đó. Dĩ nhiên cô phải có đôi chút tài riêng, chẳng hạn biết chơi dương cầm, biết nói tiếng Pháp, biết qua lịch sử, địa lý, thánh kinh, toán học. Và cả chuyện nấu nướng, vì mọi cô gái tự trọng đều phải biết phải làm thế nào trong nhà bếp. Nhưng cô sẽ ra sao? Đầu tiên, cô bé xinh đẹp ơi, họ không để cho cô đi đâu. Họ theo bắt cô lại, nhốt cô vào nhà tu kín. Rồi cô muốn tôi làm gì nữa? Muốn tôi làm như trong mấy quyển tiểu thuyết ngu ngốc, ngó sững vào vách đá ngăn cô và tôi, để rồi cuối cùng chết cả lũ như trong mấy quyển sách, mấy bài thơ dở ẹt kia chăng? Tôi thân ái mà thưa với cô là trước hết câu chuyện không phải như vậy. Chính cô mới đáng bị đòn, cả cha mẹ cô nữa, vì đã để cho cô đọc mấy quyển sách Pháp, bởi vì không bao giờ có gì hay ho trong mấy quyển sách Pháp cả. Chỉ là thuốc độc, cô bé ơi, chết người đó! Trừ trường hợp có thể cô cho là chúng ta sẽ trốn được và sống trong mái lều ngoài biển, thủ thỉ thương yêu nhau, hạnh phúc và thỏa nguyện, rồi có con nối dõi, rồi cô trở về với cha cô và nói đại khái là: “Cha ơi, tụi con đã có con, cha làm ơn xét lại và tha thứ”. Không đâu cô bé ơi! Lần nữa tôi đoan chắc với cô là câu chuyện không như thế đâu. Trước hết không có chuyện thủ thỉ yêu đương, vậy đừng tính chuyện đó nữa! Hỡi cô bé, ngày nay một bà vợ phải biết làm vừa lòng chồng về mọi mặt. Về chuyện âu yếm, thì chúng ta sẽ không chú ý đến nhiều trong thời đại kỹ nghệ này... Đúng, cái thời của Jean Jacques Rousseau đã qua rồi. Ngày nay, lấy ví dụ, một người chồng vừa đi làm về, đói bụng hỏi “Có cơm chưa cưng? Có rượu không hay một miếng chả cá không?” Tức thì cô phải có rượu, có chả cả sẵn sàng, tôi cho biết trước vậy đó. Trong khi ăn anh ta cũng sẽ chẳng thèm liếc cô, nhiều khi còn nói thế này: “Mèo con, sao không xuống bếp lo bữa chiều đi”. Có thể một tuần anh ta hôn cô một lần, mà có hôn cũng chẳng thích thú gì... Đúng đó, chuyện chúng ta sẽ như thế, cô bé thân mến ơi! Và như tôi đã nói, khi chồng cô hôn cô, có thể đầu óc anh ta để đâu đâu, và với chúng ta nếu tiếp tục thì có thể như vậy, và cô phải biết ngay từ bây giờ... Mà sao tôi lại nói đến những chuyện này? Tại sao cô lại kéo tôi vào những ý nghĩ viển vông như vậy? Thật lố bịch khi ta phải là “Khổ vì cô ta, luôn luôn yêu dấu của cô ta” và gì gì đó nữa. Trước hết, cho cô rõ, tôi không phải là người đeo đuổi cô, vì tôi không giỏi nịnh đầm, không giỏi nói năng hoa mỹ với các cô các bà về mọi cái nhảm nhí và cũng phải nhận là tôi chẳng có nét gì đặc biệt lắm. Nhưng cô sẽ không tìm thấy nơi tôi sư giả dối hay khoác lác, tôi muốn nói với cô như vậy, thành thật mà nói. Tôi chỉ có một bản chất thẳng thắn và bình dân. Tôi cũng không có mưu mẹo này kia, tôi rất hân hạnh về điều đó. Phải, tôi kiêu hãnh được ở trong số những người tốt, không mang mặt nạ mà chỉ để mặt thật, tôi cũng cho cô biết là...”.

Golyadkin bỗng giật mình. Bộ râu đỏ của người đánh xe lại xuất hiện sau đống củi.

Golyadkin rên rỉ, run lên:

- Tôi tới ngay, bạn.

Gã đánh xe gãi cổ, sờ râu, bước tới nhìn chàng nghi ngờ.

- Tôi tới ngay, một phút thôi... Bạn thấy đó, tôi phải... Một giây thôi bạn à, như thế này...

Gã đánh xe tới bên chàng, giọng quả quyết:

- Coi bộ ông không đi nữa.

- Có chứ, đi ngay. Tôi chỉ đang đợi...

- Thưa, tôi biết, nhưng mà...

- Bạn cũng thấy đó... Ờ, bạn ở làng nào đến?

- Tôi làm thuê cho một điền chủ.

- Họ có tử tế không, những điền chủ đó?

- Cũng được, thưa ông.

- Ở lại đây chút. Bạn ở Petersburg đã lâu phải không?

- Thưa ông, tôi đánh xe đã được một năm.

- Bạn có thấy thích không?

- Thưa, có.

- Chắc rồi. Tôi khuyên bạn nên cám ơn Chúa. Bạn nên làm cho một người tử tế. Lúc này người tử tể thật cũng hiếm, một người tử tế sẽ cho bạn áo quần đàng hoàng, cho bạn ăn uống, vì người tử tế là như vậy. Đôi lúc bạn còn thấy những giọt lệ có thể làm mòn vàng, và ngay bây giờ bạn cũng có thể thấy một ví dụ đau khổ về điều đó...

Gã đánh xe áy náy nhìn Golyadkin. Gã quyết định:

- Thôi được, tôi sẽ chờ một chút nữa. Nhưng bao lâu đây?

- Thôi, tôi không chờ nữa. Bạn nghĩ sao? Tôi tin ở bạn. Tôi không chờ nữa đâu.

- Vậy ông tới ngay?

- Không, tôi trả tiền bạn. Bao nhiêu đây?

- Thưa, ông cứ trả theo số tiền đã thỏa thuận. Tôi chờ cũng lâu rồi, và chắc ông cũng không muốn thành ra không đẹp.

- Được rồi, của bạn đây, người anh em!

Golyadkin trả người đánh xe sáu roubles bạc. Chàng nhứt định bỏ đi ngay vì mọi sự đã xong rồi. Chàng cho xe đi, và chẳng còn gì luyến lưu nữa. Chàng rời khỏi sân bước ra đường quẹo phía trái rồi bắt đầu cắm cổ chạy.

“Biết đâu rồi đây mọi sự sẽ tốt đẹp”. Chàng nghĩ “Đồng thời có vẻ như ta đã tránh được rắc rối” và một niềm an ủi lớn lao đến với Gotyadkin “Nếu mọi việc đã được sắp đặt” chàng lặp lại tuy không mấy tin tưởng “Có lẽ ta đã cố gắng... Mà thôi, ta nên tìm cách khác... Trừ phi tốt hơn hết là...”

Cứ thế, vừa do dự, vừa nghi ngờ, băn khoăn không biết phải làm gì với chuyện này, Golyadkin đến cầu Semyonovsky, tới đây bỗng chàng nảy ra quyết định thích hợp tối hậu là quay trở lại.

“Như vậy là tốt nhứt. Nên tìm cách khác. Sẽ làm như kẻ đứng ngoài, một người bàng quan, không hơn gì, dẫu chuyện gì xảy ra cũng không phải lỗi ở ta. Như vậy là hơn!”

Quyết định như vậy, người hùng lại trở lui, tự phục mình đã nảy ra ý làm một kẻ ngoại cuộc, hay ít nhứt cũng không dính dáng đến câu chuyện này.

“Đó là cách tốt nhất - mầy có thể biết hết mà không ai quy trách nhiệm gì cho mầy được. Quá hay!”

Nói cách khác, đó là một việc chắc chắn không hề liều lĩnh. Có câu trả lời rồi, chàng yên tâm ẩn bên đống củi và nhìn lên những cửa sổ sáng choang. Nhưng lần này chàng không phải đợi lâu.

Hình như trong nhà có gì lộn xộn. Mấy khuôn mặt hiện ra, màn vén lên, mọi người xúm xít bên cửa sổ nhìn ra sân tìm tòi gì đó. An tâm nấp sau đống củi, Golyadkin tò mò nhìn cảnh nhốn nháo đó, ngóng cổ lên mà vẫn ẩn vào cái bóng của đống củi. Nhưng một việc làm chàng giựt mình, suýt nữa té xuống vì khủng khiếp. Họ không tìm ai khác hơn là chàng, Golyadkin. Vâng, họ đang nhìn về phía chàng. Chạy ra ngoài là không ổn rồi, thế nào họ cũng thấy.

Golyadkin như tê cóng, nép sát vào đống củi và lúc đó mới thấy cái bóng phản phúc kia không che hết chàng.

Chàng chỉ muốn lủi như chuột vào khe hở giữa hai khúc gỗ, thu mình trong đó, yên lặng và nhẫn nại. Nhưng không được. Chàng đành khổ sở trố mắt nhìn lên. Chàng chỉ có thể làm như thế thôi.

Cảm giác xấu hổ châm chích chàng. Họ đã thấy, nhận ra chàng, họ đang chỉ trỏ, gật gù, ra dấu bảo chàng lên. Chàng nghe tiếng cửa sổ mở ra và nhiều giọng cùng gọi mình.

“Tại sao không đánh đòn mấy cô gái đó khi các cô hãy còn nhỏ?” Golyadkin lảm nhảm mà không biết mình đang nói gì.

Rồi HẮN (rõ là ai rồi), không nón, không áo choàng, bước ra khỏi nhà, nhảy nhót, lả lướt, rất là khả ố tỏ sự hài lòng đã tìm ra Golyadkin. Hắn líu lo:

- Yakov Petrovich, bạn đang làm gì ở đây? Coi chừng bị cảm đấy. Mời bạn vào nhà.

Người hùng đáp, giọng nhẫn nhục:

- Thôi, cám ơn, tôi không sao đâu.

- Không, Yakov Petrovich, bạn không ở đây được đâu. Họ đang mong bạn đấy. Họ đang đợi chúng ta. Họ bảo tôi: “Làm ơn đem giúp Yakov Petrovich vào trong”. Bạn thấy chưa?

- Không, Yakov Petrovich, tốt hơn để tôi đi về nhà. Tôi muốn vậy.

Người hùng trả lời mà cảm thấy vừa như ngồi trên lửa vừa lạnh tê vì hoảng sợ và xấu hổ.

Con người khó ưa kia lại ríu rít:

- Không, không có được đâu. Đi nào!

Và hắn chụp tay Golyadkin, đẩy chàng qua sân hướng vào nhà. Golyadkin không muốn theo, nhưng nếu phản kháng và đẩy sang hướng khác thì trông kỳ quá, nên chàng đành đi. Nói là chàng đi cũng hơi sai, bởi chàng không biết rõ chuyện gì đang xảy ra cho mình. Nhưng điều này có ăn thua gì đâu.

Trước khi có thì giờ tỉnh người và sửa lại quần áo, chàng đã thấy mình đứng giữa phòng khách rồi. Mặt tái nhợt, tóc rối bù, thần trí hoang mang, chàng ngơ ngác nhìn quanh và hoảng hốt thấy phòng đầy khách. Mọi người, có cả các bà các cô, đang vây quanh chàng, lấn ép chàng rồi vác chàng lên vai. Chàng thấy đang được đưa đến hướng nào đó.

“Chắc không bị tống ra cửa đâu” Golyadkin nghĩ thầm. Chàng nghĩ đúng. Không phải ra cửa mà đến ghế của Olsufy Ivanovich, ngồi gần đó là Klara, mặt xanh xao tiều tụy, rầu rĩ trong bộ đồ sặc sỡ. Golyadkin thấy ngay những bông hoa màu nhạt trên mái tóc huyền của nàng. Có vẻ hợp lắm. Vladimir Semyonovich đứng bên cạnh, mặc áo choàng đen với ve áo may theo kiểu thật mới. Golyadkin được đưa đến ghế của Olsufy Ivanovich. Một bên là Golyadkin thứ nhì mà chàng vui mừng nhận thấy y có vẻ tử tế đàng hoàng, bên kia là Andrei Filipovich với bộ mặt nghiêm nghị.

Golvadkin tự hỏi: “Chuyện gì vậy kìa?” Nhưng lúc thấy mình được đưa đến trước Olsufy Ivanovich, một ý nghĩ thoáng qua đầu chàng: Nếu họ bắt được lá thư đó? Và chàng khổ sở đứng lại trước Olsufy Ivanovich. “Làm gì đây?” Chàng tự hỏi “Tốt nhất là gan lỳ, nghĩa là thẳng thắn, không để mất vẻ đàng hoàng. Sẽ nói cho ông ta rõ chuyện như thế này, thế nọ...”

Nhưng mọi việc hình như xảy ra theo cái lối người hùng vẫn sợ nó xảy ra. Olsufy Ivanovich ân cần tiếp Golvadkin, và dầu không đưa tay cho chàng bắt, ông ta cũng liếc chàng, gật cái đầu bạc với điệu bộ tuy buồn bã nhưng cũng khá tử tế. Hay ít ra là như vậy theo Golyadkin. Golvadkin còn nghĩ là chàng thấy giọt lệ trong đôi mắt đã mờ của ông. Lúc ngẩng lên chàng cũng nghĩ là đã thấy khóe mắt Klara ướt lệ, cả mắt của Vladimir Semyonovich nữa. Golyadkin thật tình thấy cái im lìm, nghiêm nghị của Andrei Filipovich cũng giá trị bằng những tình cảm ướt át của mọi người, chẳng hạn như của một thanh niên trông giống một nghị viên đang thổn thức kia.

Dĩ nhiên có thể là tất cả những cái đó chỉ như vậy với Golyadkin thôi bởi chính chàng đang khóc và thấy những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên má.

Cảm thấy hòa hợp với mọi người, lòng rạt rào thương cảm không chỉ Olsufy Ivanovich và các khách khứa mà còn cả cái tên giống như song sinh nguy hiểm của chàng, mà lúc đó không còn nguy hiểm hay song sinh gì nữa, nhưng là một người dễ thương vô cùng, Golyadkin đã định phủ phục trước Olsufy Ivanovich. Nhưng vì quá xúc cảm chàng không thể bày tỏ gì được, và thay vì nói nên lời chàng chỉ biết đặt tay lên quả tim.

Andrei Filipovich muốn tránh cho ông cụ khỏi xúc động thái quá, kéo Golyadkin sang một bên, đứng biệt lập. Tươi cười ấp úng vài tiếng, hơi bối rối nhưng rất dịu dàng, người hùng tiến về các khách khứa. Họ để chàng đi qua, nhìn theo chàng với sự tò mò lẫn một cảm tình kín đáo. Chàng mơ hồ nghe tiếng họ theo chàng từng bước, nghe họ xì xào mỗi cử chỉ của chàng, nghe họ thầm thì, có vài người lắc đầu. Golyadkin muốn biết họ đang thầm thì nhìn ngó cái gì. Chàng nhìn lui và thấy Golvadkin thứ nhì bên cạnh. Chàng cầm tay hắn kéo hắn đến một góc, xin hắn hãy buông tha chàng trong những lúc quan trọng từ nay. Golyadkin thứ nhì nghiêm trang gật đầu, siết chặt tay Golyadkin thứ nhất. Lòng người hùng rộn lên những cảm xúc, dầu đang muốn ngạt thở trước bao cặp mắt đổ dồn về mình. Thấy một nghị viên mang tóc giả đang nhìn chàng với cái nhìn xoi mói không chút cảm tình, Golvadkin định đến trước ông ta tươi cười giải thích... nhưng việc đó không xảy ra. Chàng bỗng thấy yếu hẳn đi.

Khi đã tỉnh, chàng thấy mình đang quay cuồng giữa vòng người. Thình lình có tiếng gọi chàng từ phòng khác rồi khắp nơi vang lên tiếng la gọi. Một sự hỗn độn. Mọi người đổ xô về phía cửa phòng khách. Người hùng bị lôi kéo đi và bỗng thấy đứng gần người mang tóc giả với cặp mắt dữ tợn. Người đó chụp lấy tay Golyadkin, đặt chàng ngồi xuống ghế trước ghế của Olsufy Ivanovich, còn cách cũng khá xa.

Người trong phòng ngồi thành vòng tròn quanh Golyadkin và Olsufy Ivanovich. Tất cả im lặng, trang nghiêm theo dõi Olsufy Ivanovich. Họ chờ một chuyện gì đây. Chàng thấy Golyadkin thứ nhì và Andrei Filipovich ngồi gần ghế ông cụ, chăm chú nhìn người mang tóc giả. Im lặng kéo dài. Hạ đang chờ gì đó.

Người hùng của chúng ta ngẫm nghĩ: “Giống như cảnh một gia đình có người sắp đi xa. Họ sẽ đứng dậy đọc kinh chúc lành cho người đi”.

Thình lình giữa cử tọa xảy ra một việc lạ lùng làm tư tưởng Golyadkin bị cắt đứt. Chuyện chàng đang muốn biết đã xảy ra.

- Ông ta đến kia, ông ta đến kia.

Đám khách khứa la lên.

“Ai đến?” Câu hỏi thoáng qua trong đầu, Golyadkin rùng mình, thấy một cảm giác kỳ lạ. Người nghị viên tóc giả nhìn Andrei Filipovich nói: “Đã đến lúc rồi”. Andrei Filipovich nhìn Olsufy Ivanovich và Olsufy Ivanovich nghiêm nghị gật đầu.

Vị nghị viên đội tóc giả kéo Golyadkin lên; “Đứng dậy”. Tất cả đều đứng lên. Vị nghị viên giữ tay Golyadkin thứ nhất và Andrei Filipovich giữ tay Golyadkin thứ nhì, đẩy họ lại gần nhau, trong khi mọi người chăm chú theo dõi. Người hùng của chúng ta bối rối nhìn quanh, những người quanh chàng lập tức nhắc chàng bằng cách chỉ về Golyadkin thứ nhì. Golyadkin thứ nhì đang đưa tay ra.

“Họ muốn giảng hòa chúng ta”. Golyadkin thứ nhất cảm động và ân cần chìa tay ra cho Golyadkin thứ nhì. Chàng lại đưa má ra, Golyadkin kia cũng làm như vậy.

Bỗng Golyadkin thứ nhất chợt thấy tên hạn phản phúc kia nhe răng một cách đều cáng. Hình như hắn đang nhìn những người chứng kiến một cách ngụ ý. Có một vẻ gì nham hiểm đe dọa qua cách biểu lộ của hắn. Vâng, đó là cách biểu lộ của tên phản Chúa Judas khi hắn hôn chàng. Chuông bắt đầu đổ vào tai Golyadkin thứ nhất, tấm màn đã rơi xuống, chàng có cảm tưởng một bầy Golyadkin giống nhau y hệt đang nhảy vào từ mọi cửa... Nhưng quá trễ - chiếc hôn giả dối đã vang lên và...

Một việc bất ngờ xảy ra, cửa chính dẫn đến phòng khách bật mở và một người xuất hiện. Golyadkin như bị gáo nước lạnh tạt vào mặt, dầu đã biết điều này sẽ xảy ra y như bây giờ. Người lạ rất nghiêm nghị tiến đến bên Golyadkin. Gương mặt này Golyadkin biết quá rõ. Chàng vẫn gặp luôn, ngay cả bữa đó nữa. Người lạ cao và bự con, mặc áo choàng đen có điểm xuyết, gương mặt đóng khung giữa hàm râu rậm. Chỉ thiếu điếu xì-gà là đủ bộ. Nhưng chính đôi mắt ông ta, như chúng ta đã nói, là làm cho Golyadkin tê người đi vì sợ hãi.

Cái kẻ khủng khiếp đó đàng hoàng và nghiêm nghị bước đến bên người hùng đáng thương của chúng ta đang đưa tay về phía ông ta. Người lạ nắm lấy bàn tay đó bước ra khỏi phòng, kéo Golyadkin theo sau.

Golyadkin nhìn quanh, cuống cuồng và khổ sở. Chàng nghe một giọng đáng ghét cất lên:

- Thưa bác sĩ, đây là Yakov Petrovich Golyadkin, một người quen biết đã lâu của ông.

Golyadkin quay lại, thấy cái tên tồi bại, tên đáng khinh giống chàng. Mặt hắn có vẻ khoái trá, tàn độc, sỗ sàng. Hắn xoa tay đắc chí, lăng xăng làm đủ trò. Giống như nhảy vũ điệu chiến thắng. Rồi hắn chồm tới trước, bợ chiếc đèn từ tay một gia nhân, dẫn đường cho Christian Ivanovich và Golyadkin. Người hùng của chúng ta nghe rõ mọi người đang kéo theo, chen lấn ra cửa, xô đẩy nhau, chàng lại nghe một điệp khúc rất rõ tất cả lặp đi lặp lại “Không có gì cả đâu” để trấn an chàng: “Đừng lo, Yakov Petrovich, bạn đang ở bên cạnh một người bạn xưa của bạn, bác sĩ Rutenspitz. Bạn chắc còn nhớ ông ta, Christian Ivanovich đấy”.

Rồi họ đi ra khỏi phòng, đến thang lầu sáng choang, nơi đó có một đám đông tụ tập. Đi xuống lầu, cửa ra sân mở rộng, Golyadkin thấy mình ở đó, trơ trọi với bác sĩ.

Một cỗ xe với bốn con ngựa thở phì phò giận dữ đợi sẵn đó. Golyadkin thứ nhì nhảy ba bậc một xuống lầu, mặt tươi cười. Hắn tự ra mở cửa xe.

Vị bác sĩ lạnh lùng mời Golyadkin thứ nhất lên xe, dầu thái độ đó thật sự không cần lắm vì lúc đó cũng có nhiều người tình nguyện giúp người hùng lên xe rồi.

Trái tim Golyadkin như chùng xuống, chàng nhìn đằng sau, thấy thang lầu sáng choang đông nghẹt người, những cặp mắt tò mò nhìn chàng. Có cả Olsufy Ivanovich ngồi trên ghế vừa được mang xuống, theo dõi kỹ càng mọi diễn tiến với vẻ hài lòng. Mọi người chờ đợi. Khi Golyadkin quay đầu về phía họ, có tiếng xầm xì nóng nảy nổi lên.

- Mong là không có gì tai hại trong tiệc này, không hại gì đến địa vị của tôi.

Người hùng bấn loạn của chúng ta cố nói nhưng những lời của chàng khiến cho bao nhiêu người đang theo dõi ngẩng đầu lên tỏ vẻ phản đối. Nhưng chàng không sợ gì cả.

Nước mắt Golyadkin trào ra.

- Trong trường hợp đó, tôi sẵn sàng. Tôi hoàn toàn giao phó tôi cho... Christian Ivanovich.

Chàng vừa nói đến đó, có tiếng la khoan khoái từ những người bên cạnh chàng rồi những người đứng đàng xa kia cũng hưởng ứng. Christian Ivanovich và Andrei Filipovich cầm tay Golyadkin, đẩy chàng vào xe, trong khi cái tên giống chàng, vẫn với cái bộ phản phúc của hắn, đi phía sau. Golyadkin nhìn mọi người lần chót, và như chú mèo con bị liệng vào thùng nước đá, nếu quý vị cho phép một sự so sánh, leo lên xe. Christian Ivanovich theo sau, ngồi cạnh chàng, cửa xe đóng sầm, ngọn roi trên tay người đánh xe veo véo rít lên, bầy ngựa lồng lộn và kéo cỗ xe chạy đi. Mọi người như thụt lùi lại sau Golyadkin, tiếng la hét của những kẻ thù đuổi theo chàng như một điệp khúc từ biệt. Lúc đầu chàng còn thấy những khuôn mặt mờ ảo sau cửa xe, dần dần những khuôn mặt đó biến mất. Chẳng bao lâu họ đã bỏ xa tất cả, trừ cái tên song sinh đáng ghét kia của Golvadkin, một tay thọc vào túi quần, đang phi ngựa theo, hết đập vào sườn xe bên phải lại đập sang bên trái, có lúc chộp lấy cửa xe, chồm người lên hôn từ biệt Golyadkin. Rồi hắn cùng thấm mệt, thưa dần trò đập vào xe, và biến mất như những người khác.

Golyadkin thấy trái tim đau nhứt vô cùng. Máu dồn lên đầu làm tim đập mạnh. Chàng thấy khó thở, tìm cách mở nút cổ áo để ngực trần, cho tuyết, giá lạnh lùa vào, rồi chàng lại thiếp đi...

Tỉnh dậy, chàng thấy đang được đưa đi trên một con đường xa lạ ngang qua một khu rừng tăm tối. Khung cảnh thật hoang vu trơ trọi. Bỗng chàng sợ đến tê người. Hai đốm tóe lửa, hai con mắt đang nhìn chàng trong bóng tối, đôi mắt nham hiểm của quỷ Satan. Không phải Christian Ivanovich. Ai vậy? Chính là Christian Ivanovich, nhưng không cùng một Christian Ivanovich. Đó là Christian Ivanovich khác, một Christian Ivanovich dễ sợ.

- Bác sĩ, Christian Ivanovich, tôi... Tôi chả có sao cả.

Chàng lúng túng run rẩy, mong cái mềm mỏng phục tòng của mình sẽ làm dịu bớt con người Christian Ivanovich đáng sợ kia đi.

Christian Ivanovich nghiêm khắc trả lời, ghê rợn như một ông tòa tuyên án:

- Anh sẽ được cấp một chỗ ở, với lửa, củi đốt, và việc làm xứng đáng hơn với anh.

Người hùng của chúng ta kêu lên, ôm lấy đầu. Trời ơi, chàng đã cảm thấy việc này đến từ lâu lắm.

HẾT