• Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi này và phải vào bằng cách “quá giang” một bà mẹ thăm nuôi con. Chúng tôi đến đây từ một giờ rưỡi trưa, thông qua hai trạm gác. Trạm đầu là nơi làm thủ tục thăm nuôi. Đã có sẵn hàng trăm người tới trước, túc trực ở phòng đợi, đứng ngồi lũ lượt. Nắng gay gắt. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt những người đang sốt ruột vì đợi chờ, và trên mặt người công an mặc sắc phục đang ra sức hét vào loa gọi tên từng người tới lượt, với một giọng nhã nhặn lạ lùng. Bà mẹ ra sức chen vào đám đông. Nộp giấy theo thứ tự, mua đơn, làm đơn, chờ đợi... Tất cả những việc ấy được bà thực hiện hết sức thành thạo. Cũng phải thôi, bởi động tác đó bà đã làm đều đặn suốt tám năm qua kể từ ngày con bà bị bắt giam.
Trước khi bắt đầu vào trạm gác thứ hai, là khu vực gặp mặt, gởi đồ, bà mẹ ngồi xổm xuống nền nhà. Bà bắt đầu lôi từ trong chiếc giỏ ni-lông cũ kỹ ra mấy gói kẹo rẻ tiền rồi, trước con mắt ngỡ ngàng của tôi, bà giở áo nhét gói kẹo vào lưng quần, ngượng nghịu giải thích: “Như vầy mới qua được trạm gác!”.
• Nơi dành để tù nhân gặp mặt người thân được thiết kế như một chiếc hộp dài mà một đầu được đặt nối với cửa khu nhà giam. Hai bên “chiếc hộp” là những ô cửa nho nhỏ để người tù đứng bên trong có thể tiếp xúc với người bên ngoài. Đã có nhiều đứa bé được mẹ đưa chui tọt vào trong qua ô cửa nhỏ này để rồi sau đó, người cha tù ôm hôn, nựng nịu con không thể nào rời.
Lúc chúng tôi vào tới khu vực này, ở các cửa hàng bán lương thực, thuốc men và ở bàn gởi tiền cho tù nhân, người ta vẫn đang chen chúc. Bà mẹ đi cùng với tôi đang lôi từ trong bụng ra những món đồ cất giấu lúc nãy, hớn hở vì đã qua mặt được trạm gác. Những món đồ của bà trông thật nao lòng: hai bịch con ruốc khô - loại 200 đồng một bịch, được ngụy trang cẩn thận dưới hai miếng giấy các-tông, hai bịch bột gạo lứt, hai gói kẹo, một miếng sườn ram mỏng dính, một nhúm thịt chà bông. Còn trái hồng và trái mãng cầu được giấu trong ca đựng nước. Ngoài ra, còn có một bịch nước rau má mà bà xuýt xoa là hồi nãy đi vô vội quá, quên pha đường. Nhưng đâu đã hết! Bà còn chạy lại cửa hàng mua thêm năm gói mì ăn liền, vội vội vàng vàng đi gởi đồ, rồi lại chạy qua sắp hàng để chờ gởi tiền. Bà nói: “Tội nghiệp, nó ở trỏng ăn không có chất mà lại ăn chay nữa. Lần thăm trước, đang nói chuyện thì nó bị xỉu, mấy ông cán bộ phải khiêng nó vô giùm!”
• Tôi đi một vòng nơi những tù nhân đang gặp gỡ người thân. Nơi đây hẳn nhiên nước mắt có nhiều, của người bên trong lẫn người bên ngoài song sắt. Đây lại là một bà mẹ, cũng dáng người tất tả như bà mẹ trước. Hai mẹ con đang cùng khóc. Cô con gái chỉ mới 24 tuổi, mắt sưng húp. Chưa nói được bao nhiêu, bà đã vội đi gởi tiền cho con vì sợ hết giờ. “Cô ấy bị tội gì vậy bác?” Bà buông một tiếng gọn lỏn: “Hụi!”. Rồi giải thích thêm: “Bể hụi, người ta thưa, công an bắt!”. “Chắc số tiền phải lớn lắm?”. Bà vừa tất tả đi, vừa nói: “Hơn hai trăm triệu. Nó ăn xài một mình, không đem về được một cắc. Bây giờ nó tù tội, mình không lo cho nó thì ai vô đây?”
Lại một bà mẹ nữa, lưng còng xuống, có vẻ mỏi mệt lắm. Cao lớn, mặt chữ điền, mang kính cận. trông vững chãi, bình tĩnh, lạ lùng thay, người con trai ở trong song sắt vẫn như là chỗ dựa của mẹ. Anh đang nắm tay mẹ, an ủi: “U về lo việc bán nhà đi. Cứ như con đã bàn ấy. Đừng lo lắng cả, rồi con sẽ về mà!”
• Bà mẹ cho tôi “quá giang” đã gởi xong đồ thăm nuôi, giờ đang ngóng mắt về cửa nhà giam. Đây là đợt thăm cuối cùng. Thăm cuối cùng có khi được cho thêm mấy phút - “bí quyết” đó bà rút ra được từ những chuyến thăm nuôi triền miên từ tám năm qua. Hai mẹ con nói chuyện gì với nhau nhỉ? Người tù 32 tuổi, da xanh rớt, mấy cái răng hư xệu xạo, cười khi nghe mẹ dặn muốn ăn mì gói phải lấy nước sôi, đừng ăn nước lạnh. Anh nói: “Cái gì cũng xài nước lạnh không hà mẹ ơi. Ở tù làm gì có nước sôi!”. Bà mẹ kể với nụ cười sung sướng, hồn nhiên như trẻ thơ rằng bà mới “sắm” được một sạp hàng nhỏ bán bánh kẹo cho trẻ con trong xóm. Cứ hễ bán được mười lăm, hai chục ngàn là bà lập tức mua hàng mới về, không dám để lâu sợ xài hết tiền. Bà còn kể chuyện từ khi bán hàng tới giờ, thật lạ là không thấy con H. đưa hai đứa nhỏ về chơi, nhớ muốn chết. Hỏi, nó nói sợ đưa tụi nhỏ về, tụi nó ăn hết bánh làm bà ngoại cụt vốn...
• Đợt thăm nuôi cuối cùng đã hết. Trời đã hoàng hôn. Anh cán bộ đẩy nhẹ vào lưng người con: “Thôi, về trại thôi C., trễ rồi!”. Đám đông chia thành hai, những tù nhân lũ lượt quay về trại, còn người nhà của họ cũng tất tả trở về với những mối lo toan của gia đình. Mỗi một người trong số những tù nhân can một cái tội nào đó: giựt hụi, giết người, chiếm đoạt tài sản... Họ đã hoặc sẽ ra tòa, bị kết án, bị cách ly xã hội. Phạm tội thì phải bị trừng phạt, đó là luật, là lẽ công bằng; nhưng lẽ công bằng cũng cho họ được quyền còn có những người thân, còn có những cuộc gặp gỡ đàng sau song sắt. Sẽ ra sao nếu như họ không có ai để mà gặp, không có nơi để mà về??? Gia đình đừng bỏ họ! Bởi bản thân sự thiếu tình thương và thiếu sự cảm thông cũng sẽ là một sự đọa đày khủng khiếp.
Tôi nhận ra điều ấy khi đến hết đợt thăm nuôi cuối cùng, tôi vẫn còn trông thấy một người tù còn trẻ lắm, đứng bất động trước cửa vào khu trại giam. Không có ai thăm. Đôi mắt buồn bã khôn xiết.
Tháng 10/1994