Một lần, tôi nhìn thấy trên lịch xét xử của tòa án ghi như sau: “Tòa hành chánh: Vụ án Nguyễn văn A., cưỡng đoạt tài sản công dân, ngày thụ lý..., ngày xét xử...; Nguyễn văn B., cố ý gây thương tích...; Nguyễn thị C. và Nguyễn thị D. tranh châp thừa kế...”.
Thời gian đó, tòa hành chánh chưa xử một vụ nào. Tôi lật đi lật lại tờ lịch không thể hiểu nổi. Chẳng lẽ tất cả những vụ này đều là do những sai phạm hành chánh gây ra? Chẳng lẽ tháng này tòa hành chánh xử đến mười mấy vụ? Vô lý lắm, ấy là chưa kể nội dung những vụ án nói trên không thể thuộc lĩnh vực hành chánh. Nhưng chữ “tòa hành chánh” rành rành ra đó. Tờ lịch đánh bằng máy chữ, nếu không tôi đã cho là máy vi tính bị virút. Đem thắc mắc này đi hỏi, tôi được giải thích đó là số vụ án hình sự lẫn dân sự chia cho các thẩm phán của tòa hành chánh làm giúp. Tính đến thời điểm đó, tòa hành chánh đã xử tất cả hàng trăm vụ án dân sự và hình sự, và không có vụ án hành chánh nào! Lần nào xin gặp để phỏng vấn, ông chánh tòa - một người có phong thái dễ chịu, nét mặt lúc nào cũng như tươi cười, đều bảo “Có làm gì đâu mà phỏng vấn!”, tôi cũng nói lại, hơi đùa “Chính vì không làm gì nên mới phỏng vấn!”. Theo pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chánh, tòa hành chánh chỉ thụ lý một vụ kiện khi người đi kiện đã được cơ quan bị kiện trả lời cho đơn khiếu nại của mình. Mà các cơ quan bị kiện thì ít khi chịu trả lời. Ngay trong tháng đầu thành lập, đơn thư gởi về tòa hành chánh tới tấp, có đến hàng trăm vụ nhưng tòa hành chánh không thụ lý được vụ nào. Cho đến nay, đã một năm rưỡi, tòa hành chánh cũng chỉ mới xử vỏn vẹn hai vụ (?).
Tôi thường hay rơi vào tâm trạng có chuyện nặng lòng mà không thể chia sẻ cùng ai. Bạn bè cũng có người chịu khó nghe mình, nhưng cùng lắm chỉ nói được lời thương cảm chứ đâu làm gì hơn được? Ngay như những người bạn có liên quan ít nhiều đến công việc như người làm việc trong ngành tòa án, luật sư... cũng không thể làm gì hơn, ai cũng có những mối lo của riêng mình. Những lúc như thế, tôi còn biết phải làm gì, nếu không ngồi độc thoại? Vụ án người phạm tội ra đầu thú sau gần 17 năm là một trong những vụ mà tôi không thể chia sẻ. Anh ta phạm tội lúc 18 tuổi, cái tuổi mới bước vào đời trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, mặc cảm. Gần 17 năm trời sống tốt, có nghề nghiệp ổn định, có gia đình hạnh phúc, anh ta đã quyết định ra đầu thú để không cắn rứt lương tâm, và cũng mong được khoan hồng. Vậy mà tòa xử anh ta tù chung thân. Người tù bị sụp đổ. Anh ta không làm đơn kháng cáo. Mẹ anh - người đã tích cực khuyên anh ra đầu thú - như muốn điên. Khi tôi buông một câu cam chịu: “Thế là hết! Không còn làm gì được nữa!”, bà mẹ nhìn tôi đầy vẻ khẩn khoản, mong đợi: “Còn chớ cô? Còn có thể xin viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao kháng nghị để xử giám đốc thẩm...”. Tôi giả vờ như không nghe thấy câu nói của bà mẹ. Các ông đó ở quá xa, chuyện đó quá xa so với tầm tay của tôi. Không giúp được bà mẹ, tôi thấy mình như người có lỗi. Suốt đời tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt đó!
Hồ sơ vụ án - đối với tôi - là một vùng cấm. Tôi chưa bao giờ mượn được một hồ sơ nào. Đã có đôi lần tôi cố thử nhưng không kết quả. Không ai nói “không” với mình nhưng mình không mượn được, thế thôi! Người này chỉ người kia, người kia bảo phải hỏi người nọ, và người nọ thì không gặp được. Trên nguyên tắc, hồ sơ vụ án không phải là “tài liệu mật”, người nào có trách nhiệm, hoặc công việc có liên quan đều được phép đọc. Luật sư cũng là người được đọc hồ sơ, nhưng cách đọc cũng năm, bảy đường. Có người ôm về nhà cả chồng hồ sơ phôtô, có người chỉ được phép ngồi chép rã cả tay mà còn phải bị ngồi canh. Người ta làm cho tôi có cảm giác rằng tôi đọc hồ sơ chỉ với mục đích soi mói, phê phán vậy. Nhưng giải thích đâu có ai chịu nghe. Ai ngồi phiên tòa nhiều sẽ nhận ra “câu nói này nghe quen lắm”, đó là câu các thẩm phán thường hay dùng mỗi khi có bị cáo nào phản cung, phủ nhận hoặc khai không đúng với những lời khai trước đây: “Tất cả chứng cứ đều đã có trong hồ sơ, bị cáo nên nhớ thái độ khai báo của bị cáo như thế nào tòa sẽ xem xét khi lượng hình...”.
Trong khuôn khổ ngắn ngủi của một phiên tòa, dĩ nhiên không thể công bố hết những “chứng cứ có trong hồ sơ” được (mặc dù rất cần như thế trong trường hợp bị cáo phản cung), như vậy tôi chỉ nghe được một phía bị cáo, mà không cách gì “xem” phía ngược lại. Vì thế, rất nhiều vụ án đối với tôi không có sự đối thoại. Liệu rồi sẽ có những vụ án tôi viết như người mù sờ voi trong câu chuyện ngụ ngôn của người xưa, sờ được tai thì bảo voi giống cái quạt, sờ được chân thì bảo voi giống cột đình? Mà lỗi này có phải tại tôi đâu!
Tôi thường hay ngước nhìn các bức tượng thần đẹp đẽ, uy nghi đật trong tòa án thành phố. Nhìn, và suy nghĩ. Một lần, tôi đã đứng lặng hồi lâu khi nhìn thấy ba bông huệ trắng ai đó đặt trước tượng thần công lý. Một bà mẹ có con bị tuyên án tử hình, một người vợ có chồng bị tù oan, hay một người con cầu nguyện cho cha? Chỉ e bức tượng lạnh lẽo kia không cảm nhận được nỗi lòng người muốn gởi gấm vào trong đó, và cũng không thể truyền đi được. Điều mà con người có thể làm nhiều khi còn không làm được, huống gì một bức tượng, cho dù là bức tượng thần...
Tháng 1/1998