Ký sự pháp đình 2

Những người không tỉnh

Docsach24.com
ột

Thưa ông, xin ông cho biết ý kiến của tòa về đơn khiếu nại của anh Thành [1]?

Ông Nguyễn Đức Sáu, phó chánh tòa Hình sự, TAND Thành phố Hồ Chí Minh:

- Mọi tài liệu, kết luận, chúng tôi đã chuyển hết cho ông Lê Thúc Anh. Muốn tìm hiểu gì, xin mời cô gặp ông Chánh án.

- Chúng tôi sẽ gặp ông Lê Thúc Anh. Nhưng cũng xin ông cho biết ý kiến riêng của cá nhân ông.

- Sau khi nhận đơn, chúng tôi đã gặp những người có liên quan để làm rõ sự việc. Trong đơn anh Thành có những ngộ nhận. Anh Thành tố cáo luật sư L. kẹp tiền trong hồ sơ chuyển cho thẩm phán. Nhưng vụ án chiều mới xử không bao giờ lúc đó hồ sơ vụ án lại nằm trong tay luật sư. Luật sư L. đã yêu cầu làm rõ chuyện này, cho đây là một sự vu khống.

- Như vậy nghĩa là...?

- Nhận định của tôi là không có tiền, không có chuyện đưa tiền. Ngay cả chuyện anh Thành tố cáo là bị cáo Nam [1] chiếu phim sex cũng không có. Tôi đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ...

Ông Lê Thúc Anh, chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh:

- Chưa có cơ sở để kết luận về những lời tố cáo của ông Thành.

Nguyễn văn Thành gởi đơn đi khắp các nơi: Tòa án, Viện kiểm sát, báo Công An, báo Pháp Luật, báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ, Đài Truyền hình... Lá đơn tôi nhận được là hai tờ giây ca-rô, chữ viết lớn, rõ ràng, dù có nhiều chỗ sai chính tả. Khi tôi gặp Thành lần đầu tiên, anh không có vẻ gì là điên điên hay tưng tửng như có người đã nói với tôi. Đó là một người đàn ông gương mặt hằn sâu dấu ấn của sự khốn khó, không học hành được bao nhiêu; nhưng nói năng rất chừng mực, đặc biệt, tỏ ra sắc sảo khi nhận định, phân tích sự việc.

Tháng 12/1994, TAND Quân 10 xét xử vụ án Lê Hữu Nam can tội cố ý gây thương tích. Nguyễn văn Thành là nạn nhân trong vụ án, bị vết thương thấu ngực, tràn máu màng phổi trái. Luật sư L. bào chữa cho bị cáo Nam. Tòa Quận 10 xử phạt Nam mức án 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thành kháng cáo, cho rằng mức án như vậy là không thỏa đáng. Ngày 25/7/1995, TAND Thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. Thành tố cáo luật sư L. đã hối lộ cho tòa án. Đơn anh viết: “... Tôi đến Tòa án thành phố vào lúc 01 giờ 10 phúp. Tôi ngồi ngoài băng ghế chờ. Khoảng 10 phúp sao đó, tôi vô tình trông thấy luật sư L., biện hộ án sơ thẩm cho bị cáo nhét một xấp tiền khoảng năm trăm ngàn đồng (500.000$) vào trồng hồ sơ vụ án. Ngay lúc ấy, tôi bước vào chụp lấy trồng hồ sơ, tôi la lên luật sư L. hối lộ vụ án. Luật sư hoảng sợ, nói tôi xử cho vợ anh mà, tay chụp lấy trồng hồ sơ, mở ra, chụp lấy xấp tiền nhét vào túi quần trái của luật sư. Lúc ấy, tất cả nhân viên tòa án, đều chứng kiến, có cô thư ký L. và anh H...”

Thông tin về một vụ hối lộ, đối với người làm báo quả là hấp dẫn. Dù kinh nghiệm cho tôi thấy một lời tố cáo kiểu như của Nguyễn văn Thành rất khó xác minh. Đó là chưa kể cứ cho là tất cả những điều anh ta trình bày là có thật, thì cũng không nói lên dược điều gì. Kẹp tiền trong hồ sơ đâu có phải là hối lộ? Mặc dù vậy, tôi vẫn bướng bỉnh tìm hiểu. Tôi xin gặp hết người này đến người khác, chúi đầu vào đọc hồ sơ. Vụ “hối lộ” coi như tắc, nhưng câu chuyện của Nguyễn văn Thành rất đáng chú ý. Thành và vợ là chị Lý Thu Mai [1] đã ly hôn năm 1986, sau đó sống chung trở lại nhưng không đăng ký kết hôn. Hai bên tranh chấp căn nhà. Thành cho rằng anh có hùn vào đó ba cây vàng. TAND Quận 10 xử dân sự sơ thẩm, cho chị Mai được sở hữu căn nhà, nhưng chị phải giao lại cho Thành ba cây vàng. Trong thời gian chờ xử phúc thẩm, tối 8/8/1994, anh Thành về nhà thăm con. Theo lời Thành, anh gặp Lê Hữu Nam và hai người phụ nữ nữa đang chiếu phim sex trong nhà. Thành phản ứng, hai bên gây gổ, ẩu đả. Nam dùng dao đâm Thành, nên bị kết án 12 tháng tù, cho hương án treo như đã nói trên. Sau đó, tòa Dân sự, TAND Thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm, đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu đòi chia nhà của anh Thành, tuyên chị Mai không phải trả ba cây vàng cho anh Thành vì cho rằng không có gì chứng minh là anh Thành có hùn vàng mua nhà.

Tôi đến công an phường 14, tôi gặp ông chánh án TAND Quận 10 và tôi còn định qua VKS, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. Ai cũng nhận định Thành có lỗi: Trên nguyên tắc, khi đã ly hôn, Thành không có quyền can thiệp vào đời tư của chị Mai, không được ban đêm xông vào nhà riêng của công dân. Chính vì bị Thành xúc phạm, nên Nam mới đâm anh ta. Nam có nhân thân tốt, mới phạm tội lần đầu... Thành quay quắt với ý nghĩ mình là nạn nhân, còn kẻ “tình địch” thì nhởn nhơ. Anh có thể kêu gào mức án như vậy là quá nhẹ, rằng đàng sau bản án còn có cái gì khác. Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩ của anh ta. Về phương diện pháp lý, không có chứng cứ gì để chứng minh điều anh ta nghĩ.

Sau này, tôi còn gặp lại Thành một lần nữa. Vẫn sắc sảo, bình tĩnh khi nói về việc khiếu nại, tố cáo của anh, về “công bằng, công lý”. Chỉ khi anh đưa tôi xem quyển nhật ký - trong đó có nhiều lời lẽ hằn học, thóa mạ tục tĩu chị Mai, và những tấm ảnh vợ anh chụp chung với những người đàn ông khác được anh lưu giữ cẩn thận, tôi mới nhận ra tính cách của một người bị lệch lạc tâm thần. Tôi nhận ra người đàn ông này đã đau khổ quá mức: mất vợ, không nhà, xa con, bị thương tật. Anh ta không phát điên sao được khi người mà anh ta xem là tình địch, lại được thong dong, hạnh phúc.

Tôi chợt nhớ câu chuyện của người xưa: Một người ngắm con cá kiểng bơi trong bể, kêu rằng cuộc sống của con cá mới buồn tẻ làm sao! Người kia hỏi: “Người không phải là cá, sao biết là cá buồn?”. Câu chuyện có lẽ muốn nói sự áp đặt suy nghĩ, tình cảm lên mọi vật, nhưng tôi muốn hiểu theo cách khác. Không phải là người trong cuộc, tôi không thể biết và không cách gì biết được việc gì đã xảy ra giữa ba người. Có thể Thành có một phần lỗi trong việc xô xát ngày 8/8/1994, có thể anh ta đã suy diễn ra hành vi của luật sư L. là hối lộ. có thể chị Mai và anh Nam không hề có lỗi... Nhưng đã gọi là người không tỉnh trí thì đâu có tâm trí đâu để chú ý đến điều gì khác? Sau lưng họ chỉ có sự đau khổ dồn đuổi.

Hai

Chiều 21/12/1995, tôi đang ngồi đợi người quen ở phòng tiếp dân của tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh thì một ông già bước vào. Không cố ý, nhưng câu chuyện của ông già cứ lọt vào tai tôi. Hình như đó là một vụ tranh chấp nhà cửa, kéo dài đã hơn 13 năm nay. Ông đã gởi đơn khiếu nại khắp nơi, đã lên Tòa thành phố, qua Phòng thi hành án nhiều lần, và cũng đã đôi lần ra Hà Nội. Ông kể vanh vách tên một số quan chức mà ông đã gặp, và những câu trả lời của họ... Ông được cô nhân viên mềm mỏng và kiên nhẫn hướng dẫn cho cách làm đơn. Sau đó, tôi gặp ông ở cổng tòa án và được biêt đôi điều về ông: Tên ông là Trần Thanh Hùng [1], cán bộ hưu trí. Người chị ruột của ông - sống một mình trong căn nhà bà đứng tên chủ quyền - có cho một người bạn tạm trú. Khi bà chết, lẽ ra người thừa kế duy nhất là ông Hùng thì ngôi nhà lại bị ông bạn kia chiếm giữ. Sau đám tang, một số người trong gia đình ông Hùng ở lại, định chiếm giữ căn nhà, nhưng đã bị tòa án quận trục xuất. Trong thời gian ở đó, họ có chở đi một số đồ gỗ, bị phía bên kia phản ứng, trở thành một cuộc ẩu đả. Vì hôm ấy, ông Hùng không đem theo những giấy tờ cần thiết, nên tôi hẹn gặp ông vào lúc khác. Ông khẳng định ông vẫn còn giữ tờ di chúc của chị ông, và ông có đủ bằng chứng để chứng minh tờ di chúc mà “tên đểu cáng” kia trưng ra cho tòa án là giả mạo. Nghe như vậy, tôi rất mừng, dặn ông phải giữ cẩn thận những tài liệu đó.

Khoảng một tuần sau, ông Hùng tới tòa soạn tìm tôi, ôm theo một đống giấy tờ, gói cẩn thận trong bịch ni-lông. Tìm nát trong đó, không thấy những tài liệu quý giá như ông đã nói, chỉ có vô vàn đơn khiếu nại cùng những tờ phiếu chuyển. Hỏi, thế là ông bắt đầu kể chuyện liên tu bất tận rằng “thằng đểu cáng” kia đã đối xử ngang ngược với ông như thế nào, nó đã làm giả giấy tờ để qua mặt tòa án ra sao, chuyện ông đã đi khiếu nại bao nhiêu lần trong ngần ấy năm trời để đòi lại quyền thừa kế đã bị cướp mất. Những câu chuyện không đầu đuôi, lộn xộn. Mấy lần tôi cố lái câu chuyện vào, nhưng không được. Cuối cùng, hỏi miết, ông mới nói tất cả chuyện đi hầu tòa, ra tòa đều do con trai ông làm, chứ ông đã quá già, không còn nhớ được mọi chuyện. Ông đi đến tòa soạn cũng là đi bộ, không dám đi xe! May mắn là ông cho tôi số điện thoại của con ông. Tôi gọi cho anh. Anh đến rất nhanh. Mọi việc ông già anh kể được anh xác nhận là đúng hết. Có điều.... như anh cho biết, ngôi nhà mà cha anh khiếu nại đó đã được bán mất từ lâu, và đã sang tên qua hai, ba đời chủ, còn người tranh chấp thì đã đi xa, không rõ ở phương nào, cho nên chuyện kiện để lấy lại nhà, là chuyện hầu như không còn có thể. Anh cũng nói đã từ lâu, anh chẳng còn nghĩ gì đến chuyện tranh chấp nữa, vả lại bản thân anh bận bịu suốt ngày với công việc. Tuy nhiên, mới đây, anh lại nhận được một giấy báo yêu cầu thi hành án. Anh lo lắng, không biết có chuyện gì, có lẽ là chuyện “cướp đồ gỗ” năm nào. Còn ông già anh bao nhiêu năm nay cứ xách đơn đi kiện như thế, dù ông đã vướng phải căn bệnh lẫn của người già, khi nhớ khi quên. Tôi dặn anh có thông tin gì mới xin báo cho tôi biết. Ông già không chịu về. Tôi đã phải nói rất nhiều để thuyết phục ông đừng đi kiện nữa, mọi việc nên để cho con trai lo. Trước khi ra về, ông còn tiếp tục kể cho tôi nghe về “thằng đểu”.

Ba

Tôi vừa được chuyển cho một tập hồ sơ khiếu nại dày cộp cũng gói trong bịch ni-lông. Người đứng đơn là một phụ nữ trẻ, mà mới gặp lần đầu, không ai dám nói chị bị bệnh tâm thần vì chị nói năng hết sức lịch sự, thái độ ân cần, dịu dàng. Nhưng những điều chị tố cáo thì lại vượt quá mức độ bình thường, khiến tôi phải băn khoăn: Một gia đình hàng xóm đã đánh chị gây thương tích trầm trọng, đã làm cho chị bị bắt giam, đã cho xe ủi sập nhà chị, và hình như đang có ý đồ thủ tiêu chị v.v... Chị tới tòa soạn tìm tôi rất nhiều lần, thái độ của chị ngày càng bộc lộ sự bất bình thường, câu chuyện chị kể ngày càng khó tin, và những cơ quan mà chị đã từng liên hệ để gởi đơn đều xác định với tôi là chị bị tâm thần. Lại một hồ sơ được xếp qua. Công việc tất bật, hồ sơ này chồng lên hồ sơ khác, cùng với nhịp trôi của thời gian, lẽ ra nó phải được quên đi. Nhưng câu chuyện của những con người không tỉnh trí ấy vẫn còn ở lại trong tôi như một mảng tối. Bởi vì tuy không có cơ sở để tin những câu chuyện kể của họ là có thật, nhưng cảm nhận đau lòng mà những câu chuyện ấy đem đến cho tôi lại là thật, rất thật.

Tháng 1/1997

Chú thích:

[1] Vì lý do tôn trọng chuyên riêng tư, xin phép được đổi tên các nhân vật trong bài viết. Mọi sự trùng hợp tên tuổi trong bài này là ngoài ý muốn của tác giả.