Kỹ nghệ lấy Tây

Chương 9. Tư tưởng độc quyền

Ngót bốn hôm lang thang ở đây, những tài liệu thu thập kể cũng gần đủ, nên tôi muốn quay về Hà thành, để rồi đi Chùa Thông.

Tôi đã được trông thấy hẳn hoi một cuộc “ly dị” chồng với một buổi cưới chồng của bà Kiểm lâm, đã được rõ cái tâm sự phân vân của Suzanne, đã được nghe một đoạn đời lấy chín người vợ của Đi-mi-tốp. Tôi đã được mục kích bà Đội Tứ, người chôn các me, con sư tử mất ngôi, dạy dỗ con em ấy cái “tuých” cho khỏi bị chạy làng… Tôi chỉ còn ao ước được bà Ách Nhoáng tiếp nữa là đã có thể lượm lặt đủ những “mẫu hàng" trong cái kỹ nghệ lấy Tây.

Chẳng may lúc bà hàng nước, người đã cho tôi được dịp kết bạn với Đi-mi-tốp chỉ cho tôi rõ bà Ách Nhoáng thì bà này đương có điều gì bực mình với chị hàng rau nên mặt bà hầm hầm y như quan Khâm sai Lê Hoan muốn triệt hạ cả một làng vì tuần đinh làng ấy không cấm được ếch nhái kêu ở dưới ao để đến nỗi làm khó chịu hai cái lỗ tai quý hoá của ngài vậy. Giữa chợ, không tiện lúc, tôi chỉ đành thở dài mà quay về làng Cổ Mễ chào bạn rồi lại ra ga. Thôi thì dù sao cũng ghi được ít nhiều cảm giác về “bà hoàng hậu mất ngôi ấy”, xưa kia đã hét ra lửa ở Việt Trì thì nay, theo luật thừa trừ, chỉ còn là một người đàn bà nghèo kiết, mới bõ những thời oanh liệt thuở xưa…

Ấy thế mà…

Có lẽ được “quỷ thần phù hộ” chăng, nên khi đã ra tới trước cửa rạp chớp bóng A-lăm-ba, đương phân vân không rõ còn chuyến xe ca nào đi Hà Nội không thì tôi gặp Hiếc-Tôn, nghĩa là Thuỷ Tinh, người lính lê dương mà độc giả hẳn chưa quên một đoạn đời tình… thảm đạm. Anh ta hớn hở vặn sái tay tôi rồi khoe đã… dạm hỏi một nơi khác thú vị hơn nữa, vì rằng “vị hôn thê” của anh ta là một người đầm lai, đẹp hơn cái bà Kiểm lâm rất đáng ghét kia nhiều.

Hiếc-Tôn lại nói: Nếu tôi muốn xem mặt thì cứ việc đi theo anh ta.

Cố nhiên, tôi chẳng chối từ.

Thế là nhờ có “quỷ thần phù hộ” cho mà tôi đã phải trông thấy một cảnh ghê gớm vô cùng, một cảnh tượng khiến cho tôi phải rùng mình hồi hộp lo như đương sống vào một thời đại nghìn xưa, thời đại mà mạng người ta cũng như mạng một con giun, mà một ông quan cũng tàn bạo như ông vua Ngoạ Triều!

Cảnh tượng ấy, đến bây giờ ngồi trước đèn, chỉ có việc thuật lại, mà tôi vẫn thấy sự bất bình làm sôi nổi máu trong tim.

° ° °

Khi đến nhà “vị hôn thê” của Hiếc-Tôn thì trời đã tối hẳn, mà cách dăm bước nữa mới tới cái cánh cửa thì chúng tôi đã thấy hình như trong nhà có tiếng khóc lóc rền rĩ. Tiếng khóc lóc lại chẳng phải tiếng của trẻ con nên chúng tôi ngạc nhiên quá chừng. Chen lẫn vào tiếng khóc có tiếng vun vút của một cái roi mây.

Hiếc-Tôn cùng tôi kiễng chân rón rén đến để mũi sát vào khe cửa… Trên chiếc giường Tây mà lại giải chiếu ngũ sắc, có cái… có cái thân thể đẹp đẽ, trắng nõn và hoàn toàn trần truồng của một người đàn bà nằm sấp mặt vào gối, đôi gò bồng đảo quằn quại dưới những “giọt thuỳ châu” của một cái phất trần do chính bà Ách Nhoáng cầm để thỉnh thoảng giơ cao tay vụt xuống một cái cũng khá tàn ác nhưng mà thong thả, từ tốn như một viên quan già tờ mờ điểm những tiếng trống chầu xinh.

Thì ra đó là bà Ách Nhoáng giáo huấn cô con gái một của bà!

Vì rằng sau khi thấy cái thân thể ngà ngọc kia quằn quại tới ba lần rồi thì Hiếc-Tôn giơ chân đạp cửa đánh thình một cái. Anh ta đút hai tay vào túi quần lừ mắt nhìn vào phía trong…

- Giời ơi! Hỏng rồi! Người ta đến!

Không biết trong cái phút ấy, Hiếc-Tôn đau khổ hay chán đời ra làm sao ma anh ta cứ mím môi, đăm đăm nhìn vào. Còn về phần trong nhà thì… hết tiếng vụt, tiếng khóc, mà có tiếng guốc khua rộn lên một lúc.

Hiếc-Tôn hất hàm ra hiệu cho tôi bước vào.

Trước cái ngả mũ chào của tôi, bà Ách chỉ thản nhiên dặn cô con gái:

- Không biết biến báo ra mà bảo là bà có máu điên, có điều gì thì đừng có bán sới!

Nói thế xong, bà ta vứt cái phất trần vào một góc nhà và ra một cái trõng ngồi, chẳng buồn chào hỏi gì tới tôi và Hiếc-Tôn. Chỉ ngồi thừ người ra mà nghĩ ngợi.

Thế thì ra bà này là một người khôn-điên hay là một người điên-khôn? Và những cử chỉ ấy khiến riêng tôi phải nghĩ phân vân: hay sự đánh đập tàn nhẫn kia chẳng qua là một cuộc bày trò. Biết đâu bà Ách chẳng muốn con gái bà được thương hoặc có một dịp… phô trương những bộ phận kín đáo rất đáng ngắm trông của cái thân thể ngọc ngà?

Đương mải nghĩ thế thì cô con gái bà Ách từ gian phòng bên cạnh bước ra. Cái “toà thiên nhiên dày dày sẵn đúc” đã bị những mảnh lượt là phủ kín. Cặp mắt quầng đen cũng đã ráo hẳn lệ rồi. Khi cô còn ngượng nghịu nhìn tôi, Hiếc-Tôn đã vội nói:

- Đây, một người tôi mới quen, làm nghề viết báo đấy. Tôi dám chắc rằng sự nhẫn tâm của mẹ cô vừa rồi thì, chẳng cứ là nhà báo, ai cũng phải bảo là dã man!

Đoạn, quay lại với tôi:

- Tôi thật không ngờ rằng lại có người đồng chủng với ông còn độc ác như giống mọi ở Phi Châu được.

Nhanh nhẹn, nàng (sao lại không nên gọi là nàng?) kéo ghế cho tôi và tình quân ngồi và nói:

- Thưa ông, xin ông đừng cười. Nguyên má tôi có máu điên nên mới đánh đập tôi một cách lạ lùng như thế. Nếu tôi không chịu thì má tôi sẽ đập phá đồ đạc. Ông bảo tiền đâu sẵn có để cứ sắm rồi chờ lúc nào điên thì lại đập đi?

Đoạn nàng dùng tiếng Pháp cắt nghĩa cho “vị hôn phu” đại khái thế, và nói cũng không đến nỗi quá ngập ngừng. Còn chàng?... Lòng trắc ẩn của chàng đã rung động, chàng cảm thấy đời chàng chỉ có nghĩa lý nếu chàng có thể là người bạn suốt đời che chở cho tấm thân bồ liễu bị dưới quyền sự điên rồ của bà mẹ đáng sợ kia. Và Hiếc-Tôn kéo tay người yêu về lòng âu yếm:

- Ôi! Tôi yêu mình và thương mình bao nhiêu!

Sau cùng, Hiếc-Tôn phải cái ngu dại là ôm hẳn người yêu vào lòng mà cứ công nhiên hôn chùn chụt mãi.

Tôi dám bảo anh ta ngu dại chẳng phải vì không biết giữ lễ độ trước mặt một khách lạ, nhưng bởi lẽ tôi cũng như Hiếc-Tôn, tôi, tôi đã là khán giả, khi người yêu anh ta đóng một vai trò khoả thân… Nhất là khi hình ảnh tấu kịch ấy vẫn chưa nhạt trong óc tôi thì, các độc giả dám bảo sự ân ái, sự vỗ về kia lại không ngang giá trị với một cái ảnh khiêu dâm à? Nếu, trong một phút, tôi đã có những tư tưởng bất chính, độc giả chắc cũng thể tất rằng đó chẳng phải lỗi tự tôi…

Song le đời nào tôi dại gì lại để cho thiên hạ công nhiên trao tặng nhau ái tình trước mặt tôi, giữa khi tôi, không biết đêm nay, tôi sẽ ngủ lại đâu, và ngủ với ai, như thế…

Bà Ách Nhoáng đã lủi đi đâu mất rồi, nhưng con gái bà hẳn là phải biết rõ tại sao mẹ mình thỉnh thoảng lại phát điên.

- Thưa ông, mẹ tôi xấu số lắm. Thuở trẻ khá giả bao nhiêu, về già lại càng nghèo túng bấy nhiêu. Mẹ tôi điên chính bởi cái nghèo. Mà mẹ tôi, sở dĩ ác nghiệt với tôi cũng chỉ tại trông thấy một số đông con lai ăn ở không ra làm sao với mẹ. Họ không ra gì mà đến nỗi tôi bị chết lây!

- Tôi muốn rõ tại sao bà cụ xưa kia hồi còn ở Việt Trì lại có cái tư tưởng kỳ lạ như giữ độc quyền vậy. Theo lời nhiều người kể lại thì không một me nào ở nơi khác lên đây mà lại kiếm được chồng.

Nàng sốt sắng cắt nghĩa:

- Chính đó là cái ý kiến hay đấy ông ạ. Không phải mẹ tôi hợm mình và rởm đời như họ tưởng đâu. Nguyên do về cái nghề lấy Tây (than ôi, lại cái nghề) này có lắm điều khả bỉ lắm. Có một số đông không có nhân cách gì cả, không biết giữ danh giá cho người đã xuất thân đi lấy Tây. Thế nào họ cũng lấy, cho bao nhiêu tiền họ cũng không suy bì cao hạ. Rồi chị nọ dèm pha chị kia. Phỗng tay trên nhau, phá giá nhau. Thí dụ ở một nơi này, một người đang giữ một cái giá cao như thế này, bỗng tự nhiên có một người lạ không biết từ đâu đến nhảy vào giữa mà treo cái bảng đại giảm giá chẳng hạn thì ông bảo có tức không?

Tôi chỉ mỉm cười. Khoái chí nàng nói thêm:

- Ấy thế mà người đời họ tồi lạ! Hiện bây giờ còn có nhiều kẻ cho mẹ tôi xưa kia ác nên bây giờ nghèo thì mai mỉa cho bõ đấy. Nghĩ thật chán đời.

Nàng ôi! Nàng đã nói dối tôi nhé! Trong khi phục nàng là có hiếu với mẹ, tôi chẳng dám quên rằng bà Ách Nhoáng vì muốn “chấn hưng kỹ nghệ” chỉ có một phần nhưng mà vì muốn “hối lộ” những mười phần kia.

Cách đây 8 năm me nào lên Việt Trì kiếm chồng mà không có chút chè lá cho bà thì đố ở được. Cả đến những me theo chồng lên đây rồi, không vào chịu lệnh bà thì cũng đố có đậu được lâu.

Không ai rõ bà Ách đã có những cái “tuých” như thế nào…

Nhưng mà… còn có luật thừa trừ.

Lần ấy, bà Nhoáng gặp me cai Phăng Xoa theo chồng lên.

- Này, là bà cai thôi chứ giá là bà đội, bà ách, hay bà quản nữa cũng mặc! Lên đến đây là phải biết gái này…

Bà Ách vừa đỏng đảnh xong, me cai Phăng Xoa thưa ngay:

- Em vẫn biết tiếng bà chị lắm đấy chứ. Nghĩa là em mới lên, chưa thuê xong cửa nhà nên chưa lại lạy chào bà chị được, bà chị cũng đánh chữ đại xá cho.

Bà Ách cũng hơi hơi hài lòng. Nhưng chỉ hơi hơi thôi, vì me cai lại tay không, mà hai tay lại chắp sau đít một cách vô lễ. Không thấy cái “vi thiềng”, bà Ách quát:

- Ừ lại lạy chào thì cứ lại, ai bảo đừng? Nhưng mà cũng biết cái lẽ thường là thế nào chứ? Cũng phải biết con này là con nào mới được chứ? Muốn ở hay đi?

- Này! Bà bảo thật: bà chỉ muốn đi thôi!

Tức thì me cai Phăng Xoa xông vào, giơ cao một cái búa đanh khá lớn…

Ngai vàng, vì nhát búa ấy, đổ sụp.

Mà từ đó bà Ách Nhoáng đã hoá ra bà hoàng hậu mất ngôi.

Tôi chợt nhớ tới một bà to lớn, mặt to như cái nắp tráp, ngồi bên một cái tráp trầu đầy hoa thơm nức, đã ra lệnh cho các me ở Việt Trì.

Bây giờ tôi chỉ còn thấy một bà, giấu cái cây thịt trong chiếc áo cánh bông tàng chỉ còn hùng hổ ở những lúc lột trần truồng con ra đánh đòn.

° ° °

- Anh đã sung sướng chưa?

Hiếc-Tôn ngẩn mặt nhìn tôi hỏi lại:

- Sung sướng nghĩa là thế nào?

- Thương được người khác nghĩa là sung sướng. Nhất là cái thương ấy lại đẻ ra cái yêu. Khi anh yêu ai mà lại được người ấy yêu lại, thế là sung sướng chứ gì.

Hiếc-Tôn đứng lên bắt tay tôi rồi nghiêm trang:

- Nếu hạnh phúc là thế thôi thì tôi sung sướng lắm. Tôi lại xin báo anh biết rằng vị hôn thê tôi bây giờ đã là vợ tôi. Mà đêm nay lại là đêm giăng mật của chúng tôi nữa.

Tôi sửng sốt hỏi:

- Chóng thế kia à? Sao lại tài thế?

- Vì rằng từ khi thấy nó có một người mẹ ác như thế thì tôi đem lòng thương nó ngay. Tôi nhất định cưới nó làm vợ.

Tôi đã gần cảm động. Tôi sung sướng hộ người đàn bà khốn khổ có một mảnh hồn u uất và một trái tim đau thương kia, nay đã có bạn tri âm. Tôi kính phục một người lính mà có một quả tim biết thồn thức trước một cảnh thương tâm.

Tôi đang mơ màng… Người đàn bà kia không phải vì tiền, mà Hiếc-Tôn cũng chẳng phải chỉ đã bỏ tiền ra hòng mua nhục dục. Vào trường hợp này, trong cuộc điều tra này, dễ thường chỉ có một cặp này lấy nhau vì hai chữ yêu thương.

- Vả lại, hôm nay là ngày lĩnh lương của tôi

Đó là một câu nói cuối cùng của Hiếc-Tôn.

Than ôi! Hiếc-Tôn đã “đập vỡ” ảo tưởng của tôi.

Hiếc-Tôn quả thật đã là đồ ngu dại, một nghìn lần ngu dại!