Kỹ nghệ lấy Tây

Chương 3. Mày không muốn nhận tao là chồng?

Trời thì tối mà đường thì bẩn, đó là… phong cảnh sau Nhà Ngựa lúc 10 giờ đêm. Tôi đi như một người phiêu lưu, mạo hiểm, mắt nhiều khi chỉ thấy tối mịt, giày cứ thỉnh thoảng lại “hụp” xuống một vũng nước đánh bõm một cái, tai nghe thấy tiếng ngựa hí với đập móng xuống thềm lộp cộp mà thèm thuồng, mà cảm thấy có cái tư tưởng phi thường là mình cũng được yên nghỉ như một con vật nào bên trong bức tường ấy thì cuộc đời há lại chẳng tốt đẹp lắm sao!

Đây rồi, một ngọn đèn. Một ngọn đèn điện như vươn cổ soi hộ đường cho mình mà sáng cũng chẳng được mấy. Mà mắt thấy ánh sáng thì đôi giày vô tội lại sắp chịu một cái khổ hình khác, quãng đường sáng lại lầy nhầy những bùn mới đọng nước hơn những quãng tối tăm. Trước mắt tôi, những vết bánh xe đã hiện thành hình những con rắn bạc nằm ngổn ngang khắp mặt đất. Người ta giàu trí tưởng tượng cũng nguy hiểm thật, vì tôi rùng mình nghĩ đến con đường nhỏ ở giữa cánh đồng có nhiều bãi tha ma mộ địa nhờ nó tôi sẽ về nhà bạn ở làng Cổ Mễ. Rõ khổ!

Nhớ đến câu: “Đã khuya, ông cứ nghỉ tạm đây với tôi” của bác “chủ tiệm”, tôi bỗng hối hận vô cùng. Song không lẽ lại khóc để hòng với ai? Rồi thì… những bức hàng rào với tường đắp bằng đất đỏ nó là đặc tính của những nhà ở Cổ Mễ, mới ban ngày khiến tôi ca tụng mãi là có vẻ thần bí như nhà ở Tây Tạng, thì bây giờ đã khiến tôi rùng mình phát sợ, sợ vì đã hiểu nghĩa chữ thần bí.

Chợt thấy từ cách chỗ ấy vài mươi thước đưa ra những tiếng gào thét và gắt gỏng với nhau.

- Toa ba mỏ nhá cút xê ăng co xê moa! Toi kích tê moi săng bảy dề, a lò phi nì phăm, phi nì ma ghi! A lò, kích! (Mày không có quyền về ngủ nhà này nữa. Mày bỏ tao đi mà không trả tiền, thế là hết vợ, hết chồng. Thế thì… đi, đi!).

Một vài phút thấy im. Sau lại có tiếng gắt, mà vẫn tiếng người đàn bà:

- No, se phi ni! Vắt tăng. (Không! Thế là hết! Đi, đi)

Tôi định thần nhìn… Hai mươi thước trước mặt tôi, trong một gian nhà gỗ lợp lá kia, dưới ánh sáng yếu ớt một ngọn đèn dầu, tôi thấy bóng dáng một người lính hai tay gãi sườn, chân giang rộng, đứng nghênh ngang lấp cả cái cửa mà nhìn vào để cho một người đàn bà áo trắng quần trắng cũng to lớn chẳng kém, tóc đã sổ, sừng sộ xỉa xói vào mặt rồi ân ái tặng mình những câu văn chương kia.

Người lính – chồng hay khách hàng? – vẫn cứ đứng im. Hình như hãy sử dụng cái im xem bên kia có sợ không đã… Người đàn bà nóng tiết, chỉ tay ra đường:

- Va tăng! Ê tút-suýt! (Bước ngay tức khắc!).

Bây giờ ông chồng bị đuổi mới hỏi, mà giọng vẫn bình tĩnh:

- Rê pét tơ cơ tuy viêng đờ đia (Mày thử nói lại những lời vừa nói tao nghe!)

Tức thì, rõ rẹo vào mặt chồng, người đàn bà lại:

- Moa ba bơ toa! Sí toa phe két sốt, moi điếc com măng đăng phe toa xếp linh ê toa pát sê công sây đờ ghe! (Tao không sợ mày. Nếu mày làm gì, tao trình quan tư bỏ nhà pha mày và lôi mày ra toà án binh).

Bốp một cái, cái tát đã vội chấm câu cho những câu mắng nhiếc với đe doạ “lăng loàn”. Người vợ lùi lại đằng sau hai bước, hai tay bưng giữ lấy mặt và cúi đầu đứng im. Nhưng, than ôi! Anh chồng bây giờ lại muốn cho vợ nói nữa, nói nhiều hơn trước, nói tệ hơn trước. Vì rằng lúc ấy nó mới xông vào, hai bàn tay nắm lại mà tặng vợ những cái “quai hàm” hình như trên sân đánh bốc nó muốn cho kẻ địch bị một miếng “nốc ao” để mình chiếm giải vậy! Tức thì tiếng mấy đứa trẻ con oà khóc lên như ri. Nhanh như chớp, một thằng bé độ 10 tuổi từ trong nhà chạy vụt ra. Nó sang nhà bên cạnh đấm cửa. Rồi thì, từ hai nhà bên cạnh đều thấy tiếng cửa mở và có hai bác lính lê dương khác, quần áo ngủ, đi guốc ta, vừa chạy sang cái nhà “khổ chủ” ở giữa, vừa lầu nhầu… Sau ba phút, phố Nhà Ngựa hết vắng vẻ, vì đã đầy những đàn bà con trẻ chạy ra xem.

Mải nhìn người đổ ra xem, tôi quay lại nhìn đến cặp vợ chồng kia thì không hiểu bởi duyên cớ vì đâu, cuộc chiến tranh đã bày ra một cục diện khác hẳn. Ông hàng xóm đang bị cái “ông chồng bị vợ đuổi” đấm đá cho một trận không tiếc tay. Một phút sau, ông hàng xóm khác nhảy vào đấm đá anh chồng bạo ngược. Sau cùng thì bị một người giữ hai tay, bị một người bóp cổ, bác lê dương khiêu khích trước nhất lả oằn người đi như một sợi tóc hơ trên một ngọn lửa rồi ngã xuống thềm nhà.

Bấy giờ tôi đã dám chạy đến tận nơi.

Lạ chưa! Phái phụ nữ với bọn trẻ con tò mò nhìn tôi mà những ngài lê dương lúc ấy không ai để ý đến tôi cả. Vậy cứ bảo họ đa nghi thì hiểu sao được!

Người vợ lúc này ngồi thở hồng hộc, xoa mặt, xoa lưng rồi nói một cách tự nhiên như chung quanh đấy ai cũng là đầy tớ mình vậy:

- Phe vơ nia ba tui! (Đi gọi lính tuần phòng!).

Chợt một bác lê dương khác vỗ vai sừng sộ hỏi tôi những câu bất nhã thế này:

- Thằng này! Mày đứng làm gì ở đây?

Tôi nghiêm mặt nhưng vẫn giữ lễ độ:

- Không phải chuyện mày tao! Tôi là một người viết báo đến lấy tin! Tôi là một người viết báo đến lấy tin.

Anh ta dịu giọng:

- Lấy tin về nỗi gì? Đó chỉ là chuyện vợ chồng người ta đánh nhau!

- Thế ngộ đã xảy ra một vụ án mạng?

Chợt lại một người thứ hai, mặt mũi sáng sủa, trông có vẻ học thức hơn, mỉm cười hỏi tôi rất nhã nhặn:

- Đấy, một việc như thế, ông sẽ bình phẩm người lính lê dương hay người vợ người lính lê dương như thế nào, tôi có thể biết trước không?

Nguy rồi. Một anh lễ phép bao giờ cũng đáng sợ hơn một kẻ thô tục. Người thô tục thực thà nên sự nóng nảy ấy không đáng lo. Điều này họ lịch sự tươi cười với mình, nếu họ trị mình là họ trị cho rõ đâu ra đấy. Tôi phải nghĩ rồi mới đáp:

- Một chuyện vợ chồng đánh nhau thì ở nước tôi là sự thường, có gì mà bình phẩm? Có lẽ tôi cũng chả viết nổi một cái tin vặt nữa. Tôi chỉ lấy làm kính phục các ông mà thôi. Các ông đã dám gác tình anh em đồng ngũ ra để che chở một người đàn bà. Đã chắc đâu người đàn bà ấy không có lỗi.

Thế là người lính lê dương lịch sự ấy được vui lòng. Vi chỉ so vai khẽ nói với tôi:

- Chính thế. Chúng tôi dân Tây phương không ai nỡ dùng đến một cành hoa để đánh một người đàn bà. Anh chàng kia đã đánh một người đàn bà, thế là không tốt, là làm một việc tổn danh dự cho chúng tôi. Chúng ta là phái khoẻ thì dù người đàn bà không ra gì nữa chúng ta cũng chỉ nên chịu nhường nhịn.

Bốn ông lính lê dương đi tuần đã rầm rộ kéo đến. Mãi đến bấy giờ, hai ông hàng xóm quý hoá mới thôi đè và bóp cổ giúi dưới thềm nhà ông bạn cô thế kia.

Người lính bị giải đi rồi thì lân bang cũng kéo về ngủ cả. Tôi ngạc nhiên ở chỗ lân bang coi một chuyện to như vậy chỉ là sự thường.

Rồi không bao giờ tôi có thể quên được cái cười gằn, cái cười nhạt, cái cười nghiến rít hai hàm răng lại, của người chồng bị hắt hủi, một cái cười có hứa một cuộc đổ máu, của người chồng tặng lại cho vợ khi bị bốn ông “ba tui” giải đi.

Trước khi bước vào gian nhà ấy, vẳng từ xa thấy còn đưa đến tai tôi một câu:

- Đã bị “công sây đờ ghe” rồi mà lần này lại thế, bà cho gọi là đi đứt!

° ° °

Bà này tên ở khai sinh là gì không rõ: cái xã hội các me ở Thị Cầu cứ gọi là bà Kiểm lâm thì tôi cũng đành cứ gọi là bà Kiểm lâm.

Bà ta đã sẵn lòng kéo ghế mời tôi, mặc dầu lúc ấy đã quá 11 giờ.

Tại sao người làm báo xưa nay vẫn bị người ta ghê là kẻ đi bới móc để tống tiền, mà khi nghe xong chức nghiệp với mục đích của tôi, bà Kiểm lâm đã không nghi ngại gì cả?

Ngồi ở giường, hai tay thấm bông vào một bát dấm rồi đập vào cổ, má, trán, mũi, bà cứ kể lể các chuyện của bà một cách dễ dàng và thực thà khiến tôi cảm động rồi kính phục một người có can đảm nói những cái cũng chẳng sang trọng gì mà chẳng sợ ai khinh.

- Hạng người chúng tôi là hạng bỏ đi, ông ạ. Dù xã hội không khinh chăng nữa, chúng tôi cũng đã tự biết phận mình. Bây giờ nghèo hèn, tôi cũng chẳng còn sợ ai cười, chỉ cố chí làm giầu để sau này có thể ở ác được lại với những kẻ đã khinh tôi mà thôi. Nhưng mà cứ phú quý giật lùi ông ạ. Xuất thân lấy chồng xi-vin hẳn hoi. Sau chồng về Tây, phải giang hồ lưu lạc, lâm đến cảnh đi lấy chồng cô-lô-nhần. Bây giờ thì đến với các anh lính lê dương cũng không xong. Xưa kia, giữa lúc đương xuân, nào có phải đâu tôi không lấy nổi một tấm chồng ta danh giá!

Hỡi bạn độc giả! Con đường “công danh” của những thợ đàn bà trong kỹ nghệ lấy Tây này thật là gập ghềnh, khuất khúc lầy lội và quanh co. Phái đàn ông ta, không ai lại có thể đỗ cử nhân trước, rồi đỗ thành chung sau, rồi đỗ sơ học sau cùng. Nhưng cái công danh của một người đàn bà đi lấy Tây có thể ví như thế được đấy. Vì mỗi một người chồng – nói đúng ra, mỗi một đời chồng – cũng có giá trị như một cái giấy chứng chỉ để tiện việc kiếm chồng, nghĩa là sinh nhai.

Bà Kiểm lâm đã lâu không dám về thăm bố mẹ giàu ở làng. Phải, cứ thế, trước kia làm gì chẳng lấy được người chồng hẳn hoi. Con gái một nhà quyền thế vì lắm của, lại đẹp, như thế ai dám bảo ế chồng. Ngay bây giờ, cái mặt phong trần của bà cũng vẫn còn phảng phất những nét đẹp hồi xuân xưa. Bà ta có thể hưởng một cuộc đời bình tĩnh.

Khốn nỗi sự đau khổ của loài người đã muốn rằng bà ta lại đa tình, đã có một quả tim đáng quý vì biết thổn thức trước một sự đáng yêu. Trong lúc đương xuân và còn hưởng mọi sự giàu sang, cô gái trẻ đã yêu một người. Gia cảnh đôi bên không cân nhau, việc dạm hỏi không thành, người đàn bà đã đau khổ. Thế rồi… một buổi chiều…

Một bức thư tuyệt mệnh!

- Không, tôi đã nghĩ: chẳng tội gì mà quyên sinh! Chỉ cốt để bố mẹ tưởng là mình chết rồi thì thôi, có muốn thương cũng không thương được nữa. Thế rồi thì là cái đời giang hồ.

Bà Kiểm lâm gục đầu xuống bàn một lúc lâu. Tôi tưởng bà ta khóc. Nhưng khi bà ta ngẩng lên, nét mặt chỉ thoáng mấy nét bơ thờ… Một người đáng thương làm sao! Cái quả tim đã già cằn rồi, bây giờ không còn thổn thức được nữa. Cô thiếu nữ đa cảm khi xưa nay đã đến nỗi hoá ra một “con quái vật” trên đời!

Vì rằng một người đàn bà hết nước mắt có thể gọi là một con quái vật được.

- Thế câu chuyện xảy ra vừa rồi thì nguyên do bởi đâu?

- À, tại nó chứ không phải tại tôi chút nào cả. Vẫn hay chúng tôi lấy họ là vì tiền chứ không bao giờ vì tình. Nhưng họ cũng nhiều khi quá lắm. Có khi sẵn tiền, họ tìm đến bọn trẻ hơn mình mà chơi kia. Hết tiền lại đòi quay về, làm thế nào mình có thể ừ được?

- Không có lẽ người lính lê dương nào cũng lại thế cả?

- Phải, cũng có nhiều anh trung hậu lắm chứ. Nhưng cái số tôi nó thế, chỉ gặp những đồ không ra gì mà thôi. Làm thế nào? Anh chàng vừa rồi là một người Đức đấy. Mà ở nước anh ta, anh ta là quân giết người rồi bỏ xứ sở ra đi. Chao ôi! Ông bảo chúng tôi có gan không? Ngủ với cả những quân đã giết người! Mặt nó đẹp đẽ thế mà linh hồn nó rất xấu.

Giọng nói của bà Kiểm lâm khẽ dần… Bà hầu như châu đầu vào tôi.

Một đêm kia, bác lính lê dương đã khêu to ngọn đèn cúi xuống nhìn kỹ vợ và hỏi:

- Tao đẹp lắm phải không?

- Đẹp thật.

- Thế mà tao xưa kia đã giết một người!

- Đừng nói dối!

- Nói dối à? Mày có muốn biết rõ cái độc ác của tao không?

Thế là bác lính lê dương nghiến răng, cau mặt lại nhìn vợ trừng trừng. Cái mặt đẹp trai bỗng chốc hoá ra mặt một kẻ đầu trâu mặt ngựa, trông rất ghê gớm. Bà Kiểm lâm đã sợ hãi, rú lên một tiếng rồi quay đi.

- Ông có đời nào tin được rằng một người đẹp đẽ, có thể khiến mình say mê mà bỗng chốc làm mình sợ hãi được không? Tôi, tôi đã thấy một cái mặt… một cái mặt… hai cái mặt như thế đấy!

Đến đây, bà trỏ ba đứa con ngồi ở giường ngây ra nghe chuyện từ nãy mà rằng:

- Từ lần ấy, tôi cứ nơm nớp sợ rằng có một ngày, nổi ghen lên, anh ta sẽ giết chết ba đứa con của ba chồng cũ của tôi. Tội gì bây giờ sẵn có cớ bỏ, tôi lại không cự tuyệt!

12 giờ. Gió thổi mạnh nhưng mà may không mưa. Tôi đứng lên, xin một lần sau sẽ đến. Tiễn tôi ra khỏi cửa, bà Kiểm lâm lại thêm rằng:

- Ông chớ tưởng tôi cạn tàu ráo máng với người ta quá. Dẫu rằng để cho mình bị đánh đập, tôi cũng là người khôn. Nếu cứ nhận, có phen họ giết mình. Vì rằng lấy chồng là vì tiền, như thế họ tha thứ mình được. Nếu tôi nhận, họ có thể cho tôi là đĩ, mà vợ đã đĩ thì có thể họ vắng nhà, vợ ngủ với những thằng đẹp hơn. Lúc nãy ấy à? Nếu tôi ừ thì biết đâu họ chẳng giết tôi chứ không phải chỉ có đánh!

Mới hay có thể có những kẻ nghĩ sâu xa khác thường!