Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 52: Vịnh San Francisco (2)

Dọc theo phố Beach chậm rãi chạy về hướng Đông, đợi đến khi Hoài Chân đã lấy lại hơi ấm thì cô trông thấy đèn đuốc sáng choang ở bến Ngư Phủ.

Lúc thấy xe cả cảnh sát liên bang thì cô đã đoán được có lẽ phải đến đồn cảnh sát nào đó, cho tới khi xe dừng ở bến tàu, cô thấp giọng hỏi: “Phải đến đảo Thiên Thần à?”

Ceasar ừ đáp.

Đây không phải là nơi làm người Hoa thích đến.

Một chiếc phà đá bị bỏ lại một mình ở phía Tây bến tàu, ngoại trừ một vài phương tiện đang quay trở lại vùng ngoại ô của thành phố Sausalito, thì thời gian này rất ít có người đi phà đến vịnh San Francisco, nên trông nó có vẻ đã đợi rất lâu.

McCle đậu xe sát bến tàu, xuống xe nói mấy câu với thủy thủ đợi trên boong. Ceasar ngồi vào ghế lái, dưới sự chỉ huy của các thủy thủ lái xe lên phà.

Đây là chiếc phà siêu tốc, chỉ cần đi bảy tám phút là đến nơi, hành khách trên xe không cần phải xuống xe.

Xe gần như vừa dừng hẳn trên boong thì chiếc phà đã nhanh chóng khởi hành.

Trời rất tối, dần dần cách xa thành phố. Hải đăng trên đảo Alcatraz tỏa sáng trong đêm, chiếu sáng ngục giam nghiêm ngặt trên đảo cùng với vùng biển xung quanh. Nên dù đang chạy trên biển, thì cô cũng chỉ có thể nhìn thấy màn trời đen nhánh.

Cho đến khi nhác thấy đèn đường trên Đảo Thiên thần từ phía sau khu rừng ở nơi xa, lúc này ngẩng đầu lên Hoài Chân mới có thể trông được những vì sao lấp lánh.

Thuyền sắp đi vào vịnh Arayana, McCle trò chuyện với thủy thủ xong thì mở cửa ở bên ghế phụ ra ngồi vào xe, thở ra một làn khói, nói, “Lạnh quá đi mất.”

Vậy nhưng bầu không khí trong xe khép kín lại làm cho người ta lấy lạnh lẽo.

McCle cũng chẳng lạ gì, ngoái đầu hỏi Hoài Chân, “Cô đã từng đến đảo Thiên Thần chưa, hay nhập cảnh từ đảo Alice?”

Hoài Chân đáp, “Là từ đảo Thiên Thần.”

McCle trêu, “Vậy chắc không phải là trải nghiệm vui vẻ lắm nhỉ.”

Hoài Chân nhún vai, cũng còn may, trước mặt đạo luật Page Ceasar coi như đã khá dịu dàng với cô rồi, trải nghiệm nhập cảnh không đến nỗi quá tệ.

Xe chậm rãi đậu ở vịnh Arayana. Bởi vì từ phà cập bờ ở đầu khác thì vẫn cần phải đợi mấy chiếc xe đằng trước lên bờ đã.

Rõ ràng Ceasar không phải là một tài xế kiên nhẫn. Vừa thấy trên boong có đủ chỗ trống để vượt thì anh lập tức chen xe lên đó, khiến đôi trai gái trong chiếc xe Buick mui trần màu xanh sợ hãi ré lên.

Lúc chạy xuống phà thì rung lắc rất mạnh, McCle vịn vai Ceasar cười to, “Lần cuối cậu tự mình lái xe là khi nào hả? Tôi đoán chắc là vừa tròn 16 tuổi —— vội vã lái đến dưới nhà bạn gái, muốn thị uy với anh em cô ấy đúng không, gần như cậu chàng nào ở Mỹ cũng như vậy cả.”

Hoài Chân hạ cửa sổ xuống, thấy người đàn ông trong chiếc mui trần đằng sau tức giận đuổi theo, muốn lấy lại thể diện trước mặt bạn gái.

Mắt thấy hai chiếc xe cùng đồng hành chạy trên quốc lộ ven biển trong đêm, chàng công tử tóc nâu bóng bẩy trong xe mui trần còn chưa kịp mở miệng chửi rủa, thì Ceasar đã đánh nửa vô lăng, chiếc xe cảnh sát Dodge bất ngờ chạy xa đến mấy dặm…

Chàng trai tóc nâu không kịp phản ứng, lập tức nghiêng mạnh về bên phải, nửa bánh xe gần như lao qua vách núi.

Chiếc xe mui trần tức khắc thắng gấp, cô gái phương Tây ngồi cạnh mặt cắt không còn giọt máu.

Xe cảnh sát Dodge không nhanh không chậm lái đi, Hoài Chân hạ cửa kính xuống, thấy đôi nam thanh nữ tú đằng sau xuống xe, đứng bên ven đường kiểm tra bánh xe của mình. Người đàn ông lái xe từ đằng xa nhìn đến, tức giận kéo cà vạt ném phịch xuống đất.

“Cậu ghét đôi tình nhân này.”

“Không. Tôi không quen bọn họ.”

“Vì đuổi theo cậu mà bọn họ đã bỏ lỡ chuyến phà cuối cùng về thành phố Sausalito, đuổi theo cậu đến đảo Thiên Thần. Thế mà cậu nói không biết bọn họ.”

“Tôi ghét xe mui trần.”

“Được rồi,” Rốt cuộc McCle cũng hoàn hồn, “Bây giờ tôi tin năm nào cậu cũng lái xe rồi.”

Không kịp để Ceasar đắc ý một giây, Hoài Chân bất thình lình hỏi, “Trước khi tôi đến nước Mỹ, nghe nói…”

Anh nhìn thẳng mặt đường, hơi nghiêng đầu đi, “Nghe nói gì?”

“Nghe nói tính khí người Mỹ rất tệ, nhất là lúc lái xe. Nên hầu như mọi án mạng đấu súng đều xảy ra trên đường.”

“Ai nói?” Anh đột nhiên quay đầu lại.

“Mẹ tôi.”

Người đàn ông Mỹ ngồi trước lập tức phá lên cười.

Đây là sự thật, mẹ Hoài Chân chưa từng đến Mỹ bao giờ, ngày nào cũng nghe tin tức trong đài radio đe dọa, bao giờ cũng cảm thấy người dân đế quốc Mỹ luôn phải sống trong bóng tối của những vụ án nổ súng kinh hoàng.

Hoài Chân nhìn Ceasar đăm đăm, sau đó lại bổ sung, “Bây giờ tôi rất tin lời bà ấy.”

McCle cười to, “Bây giờ mẹ cô ở đâu? Bà ấy thú vị lắm.”

Ceasar nghiêng đầu nhìn cô.

Hoài Chân không trả lời.

Cô đưa mắt nhìn bầu trời và vùng biển đen ngoài kia, rừng rậm gió bụi đất cát thổi qua, đột nhiên linh hồn bay xa.

Xe nhanh chóng chạy vào giữa khoảng sân của hai tòa nhà ở trạm di trú.

Ceasar vừa dừng xe thì đã có cảnh sát trong trạm di trú đi ra. Anh ta sải bước lại gần, một đám người nói chuyện với nhau, từ dáng vẻ lẫn động tác đều lộ vẻ sốt ruột.

McCle nhìn quanh một lúc rồi nói, “Quý cô à, có lẽ phải ở lại đây khá lâu đấy.”

Hoài Chân gật đầu. Ngoài việc sáng thứ hai có bài kiểm tra thì cô không lo lắng gì hết, may mà hồi trưa cô không về nhà mà đi thẳng tới đây, sách vở đều nằm trong ba lô, dù ở đâu lúc nào cũng có thể ôn bài.

Nhưng cô chỉ nói với Vân Hà là bảy giờ ra ngoài, chứ không báo cho cô ấy biết có lẽ tối nay sẽ không về nhà…

Thấy Ceasar đi theo mấy người cảnh sát vào tòa nhà trạm di trú, bên người chỉ có mỗi McCle không quá thân thuộc, Hoài Chân thoáng bất an.

McCle biết chỗ này ngột ngạt với người Hoa đến đâu, bèn nói với cô rằng đừng lo lắng quá, do nhận được tố cáo có thuyền bè phạm pháp đến vịnh San Francisco, nhưng trên thuyền có không ít người nói tiếng Quảng và tiếng Hán ngữ bất đồng, nên chỉ mời cô đến hỗ trợ thôi, không liên quan gì tới cô và người nhà cả; lúc dẫn cô tới phòng nghỉ thì kể chuyện cười cho cô vui, có điều Hoài Chân không nhập tâm để ý mấy.

Lên đến tầng hai, có người đuổi theo cô.

Nghe thấy âm thanh quen thuộc, hai người ngoái đầu lại.

Ceasar chạy đến, dừng lại ở mấy bậc thang bên dưới, ngẩng đầu hỏi, “Số điện thoại nhà?”

Cô suy nghĩ rồi đọc số điện thoại của cục điện báo Pacific: “412-345-1234, làm phiền bác Trần gửi lời đến Quý Phúc.” Sau đó cô lại bổ sung, “Hàng xóm đều nghèo nên rất ít gia đình lắp điện thoại, xin lỗi…”

“Không sao.” Anh suy nghĩ, “Thế tôi bảo là, ‘mời cô lên thuyền làm phiên dịch viên’ có được không?”

Cô gật đầu.

Anh xoay người bước xuống bậc cầu thang.

Bóng lưng mặc cảnh phục ấy không đi vào hành lang, không biết vì sao mà hôm nay Hoài Chân cảm thấy hình tượng của anh cực kỳ hùng vĩ.

Ừ, đúng là gia tăng hình ảnh mạnh thật.

McCle dẫn Hoài Chân đến phòng nghỉ mà nhân viên ở trạm di trú dùng để gác đêm – một căn phòng nhỏ bé lại khá yên tĩnh, có hai cửa sổ lớn đều đối diện với vịnh Arayana, bên trong có một chiếc bàn rộng cùng hai chiếc ghế, ở trong góc có giường xếp và ghế sofa bằng da màu đen.

Lúc đi vào thì cửa sổ đang để mở, hai mặt lộng gió mang theo vị mặn của biển.

McCle khép cửa sổ lại, rồi lấy hai thanh củi trong góc ném vào lò sưởi âm tường.

“Sẽ ấm lên nhanh thôi. Ở đây có thể trông ra bến tàu —— nếu như đến bờ thì thuyền bè sẽ dừng hẳn ở ngoài lối đi, khoảng nửa tiếng nữa sẽ có người đến gõ cửa. Theo lý mà nói thì tám giờ sẽ đến, nhưng tối qua thời tiết xấu nên đến chậm. Có điều cũng không lâu quá đâu.”

Hoài Chân gật đầu.

“Có nhu cầu thì có thể quay số gọi điện thoại ở dưới lầu —— đường dây nội bộ.”

“Được.”

Sau khi McCle rời đi, Hoài Chân nằm nhoài trên khung cửa, ngắm nhìn ngọn hải đăng ở nơi xa. Cũng không biết hôm đó khi Santa Maria cập bến, có phải cũng có người từ căn phòng này nhìn bọn họ như vậy không.

Cho đến khi lửa trong lò sưởi bốc lên, nhiệt độ trong phòng cũng dần ấm áp.

Lúc này Hoài Chân mới lưu luyến rời cửa sổ, ngồi xuống trước bàn vuông, lấy từng cuốn sách ra, quyết định tối nay bắt đầu gặm nhấm từ phần chiến tranh Anh – Pháp.

Là một thanh niên xã hội chủ nghĩa lớn lên dưới lá cờ tổ quốc, hát vang bài ca chống Phát xít, lúc học thuộc lòng, Hoài Chân nhân tiện mắng luôn mấy người châu Âu xuất hiện trong đề cương một lượt. Đám cẩu tặc da trắng này, một bên thì khoe khoang chiến hạm vững chắc, đại pháo mãnh liệt ở trong sách vở, nhưng vừa đặt chân lên mảnh đất này đã gian dâm bắt cóc không sót vùng nào. Không chỉ làm hại thổ dân Bắc Mỹ mà còn lấy cái dân chủ và tự do ra để tẩy não di dân. Chủ nghĩa đế quốc dối trá! Lũ tư bản sơ hở đầy rẫy! Không biết xấu hổ là gì!

Cho đến khi trong phòng vang lên tiếng giễu cợt.

Một người điển hình đại diện cho đám cẩu tặc da trắng đang dựa vào cửa phòng nhìn cô làm trò một lúc lâu.

Người này chẳng hề mở miệng, Hoài Chân đành ho khẽ, hỏi anh, “Thuyền đến rồi à?”

“Sắp rồi.”

“Đi mất bao lâu?”

“Mười phút.”

“… Anh rảnh lắm hả?”

“Cũng không hẳn. Chỉ là đang không có chuyện gì nên lên xem cô, thuận tiện có một câu cứ muốn hỏi…”

“Cái gì?” Hoài Chân ngẩng đầu.

“Vậy cô đã từng xem thứ gì mà không thấy chán?” Ceasar cười hỏi.

Tay trái anh cầm một thứ kim loại nào đó, từ từ gõ vào lòng bàn tay.

Tiếng kim loại cùng giọng điệu tra hỏi lơ đãng, làm cho cô cảm thấy như thể cảnh sát đang chất vấn một người vị thành niên vì sao lại phạm pháp vậy.

Lúc này, cô mới đột nhiên ý thức được đây là câu hỏi nối tiếp cuộc đối thoại ở trên đường phố ven biển hai tiếng trước.

Ở hải cảng bên ngoài vọng đến tiếng còi xa xăm, cả hai cùng nhìn ra ngoài cửa sổ.

“Vẫn chưa, nhưng rất mong đợi.” Cô thẳng thắn đáp.

Mặc dù trước đây có xem qua thật, nhưng ở thang thời gian của không gian bốn chiều thì chuyện đó vẫn chưa xảy ra.

Cô mong đợi mình có thể sống đến ngày đó.

Anh ừ một tiếng rồi không nói gì thêm.

Trong phòng chìm vào yên lặng ngắn ngủi.

Hoài Chân hơi bất an.

Sau khi phát hiện anh nhìn lén mình ở khách sạn Trung Hoa, bầu không khí khi hai người chỉ ở riêng trở nên vô cùng vi diệu. Nhưng có lẽ cảm giác đó cũng chỉ là xuất phát từ một phía mà thôi.

Có lẽ cô nên dành thời gian hỏi anh rốt cuộc vì sao lại quan sát lúc cô ngủ, sau đó lấy được câu trả lời đại loại như “tò mò với người Hoa” hoặc “đang viết báo cáo quan sát người Hoa” gì gì đó, thế là mọi vấn đề có thể giải quyết.

Từ đấy anh vẫn là phần tử trí thức bài trừ người Hoa, cô vẫn là một người vượt biên trong mắt anh, không khác gì trước kia.

Nhưng nếu không có một thời cơ thích hợp thì rất khó mở miệng về vấn đề này được.

Ceasar vẫn cứ im lặng.

Mau nói gì chế giễu tôi đi! Hoài Chân nghĩ trong đầu.

Nhưng Ceasar không trêu cô cũng không châm chọc cô.

Đột nhiên cô thấy rất nhớ cái người miệng lưỡi độc ác này.

Hoài Chân không phải người giỏi giao tiếp, cũng không giỏi tìm đề tài, lúc này không biết có thể nói chuyện được gì với thanh niên âm trầm lớn lên trong bối cảnh bất đồng văn hóa đây.

Không…. Ngay cả gương mặt âm trầm cũng bị sự yên tĩnh và dịu dàng khó nói che giấu.

Mắt thấy bầu không khí trong phòng càng lúc càng kỳ quái, ngay đến dũng khí mở miệng của Hoài Chân cũng sắp biến mất.

Cũng không biết có phải sắp một ngàn năm trăm trôi qua rồi hay không.

Dưới lầu có người hô to: “Ceasar ——”

Hoài Chân thở phào.

Anh đáp một tiếng, ra cửa vịn lan can cúi người nhìn.

Sau đó vòng lại gõ cửa, nói với Hoài Chân, “Đến rồi, có hai cô gái người Hoa.”