Nước sông Tần Hoài vẫn lặng lẽ trôi, ánh tà dương tham lam phủ kín cả
mặt nước rồi hóa thân thành hàng vạn cánh tay nhỏ bé màu đỏ cam và sáng
lấp lánh, dường như chúng muốn níu kéo biết bao kỷ niệm đang không ngừng trôi qua tại dòng sông này.
Giờ Thân [1] đã qua, số lượng thuyền ở trên sông lúc này vẫn chưa nhiều
lắm, chỉ có vài chiếc thuyền hoa bơi qua bơi lại, tiếng mái chèo quạt
nước bì bõm như muốn báo trước ban đêm nhiệt náo của Tần Hoài đã sắp
đến. Hai bên bờ sông là những chiếc hoa thuyền lộng lẫy đang đợi sẵn,
những căn phòng ở trên đó được gọi là hà phòng trên sông Tần Hoài [2].
Những hà phòng trên sông này đa số đều được xây giống như thủy lâu vậy,
bên ngoài là sân chơi, đứng thì có thể ngắm thưởng cảnh sông, ngồi thì
xem hoa thuyền, và nằm thì nghe đàn ca hát xướng.
Vào lúc này, tại sân thượng của một hà phòng đang có một nữ tử mặc bạch y uể oải dựa vào lan can thuyền. Nàng dùng một tấm chăn mỏng quấn quanh
người, khuôn mặt hầu như là không có chút trang điểm nào, còn ánh mắt
thì lãnh đạm nhìn xuống nước, nhưng lại tựa như đang lắng nghe tiếng sắt thép va chạm nhau ở trên mái thuyền vậy. Mặc dù lúc này đang đắm mình
trong ánh tà dương, nhưng do có gió tây thổi đến nên nàng không tránh
được cơn lạnh, buộc phải bật lên mấy tiếng ho, rồi dùng tay kéo lại tấm
chăn, nhưng vẫn không muốn rời khỏi chỗ đứng.
Nữ tử này độ chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi. Nàng đã lăn lóc kiếm ăn tại con sông Tần Hoài này những năm năm, tuổi nghề khá vững vàng,
song ẩn ước tại giữa đôi mày ngài lại là một nỗi tịch mịch, chua cay và
tang thương bất như ý; trông nàng không giống như cánh hoa nở rộ giữa
tháng Hai chút nào, mà lại có vẻ như một cụm mây cô độc trôi bồng bềnh ở nơi xa xa. Phóng mắt tìm khắp những chiếc họa thuyền trên con sông này, không có nàng ca kỹ nào là lại không có cái phong vận như thế này cả.
Ánh mắt của nữ tử ấy đang dõi nhìn mặt nước, bỗng nhiên lại trông thấy
một thân ảnh gầy ốm đứng trên một chiếc bè đang bơi đến gần. Do ngược
hướng với mặt trời nên khuôn mặt của y bị khuất trong bóng tối, còn bóng của y thì hắt xuống mặt bè và trải dài ra sau, nhưng bản thân người đó
lại giống hệt như một bức tượng vậy.
Trong lòng nàng thầm kêu lên một tiếng kinh ngạc. Chiếc bè đó tiến dần
vào bờ, và người kia cũng tiến lại căn phòng trên sông này hỏi qua vài
câu. Chỉ trong chốc lát, từ phía sau bức rèm chợt có tiếng động vang
lên, nữ tử quay đầu lại...thật không ngờ, năm năm không gặp, bây giờ
nàng lại giáp mặt với Ngô Qua.
* * * * *
Chàng vẫn không có gì thay đổi, vẫn gầy ốm, vẫn dáng đứng thẳng, vẫn mặc những bộ y phục cũ kỹ như trước kia. Toàn thân vẫn là nhuốm đầy phong
trần, thậm chí còn dính cả vài vết máu. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì cũng
thấy được đôi chút thay đổi ở chàng. Trên mặt chàng đã có thêm không ít
nếp nhăn, đã không còn cái thần thái nhiệt tình thích xung động như của
một thiếu niên thuở nào. Chàng bây giờ cũng giống mình vậy, chỉ có cô
đơn và tịch mịch. Trên thân và mặt của chàng vẫn mang theo những vết
thương giống như năm xưa, như cái lần đầu gặp mặt nhau vậy.
Ngu Uyển Lan kêu “a” một tiếng rồi đứng lên, hỏi :
- Làm sao ngươi tìm ra được ta thế?
Thanh âm của nàng không che giấu được sự vui mừng và ngạc nhiên.
Ngô Qua vừa trông thấy nàng thì trong lòng rất cao hứng, nhưng ở trước
mặt nàng, tay chân của chàng tỏ ra rất lúng túng. Sau khi chàng được
Uyển Lan kéo vào trong phòng rồi thoáng suy nghĩ một chút, sau đó mới
nói :
- Ta vốn là muốn đi tìm Ngọc Sanh. Nàng đã biết chuyện của nàng ấy?
Ngu Uyển Lan nhìn Ngô Qua chăm chú, nàng thả lỏng tay ra, bao nhiêu sự vui mừng lúc nãy đều tan biến cả. Uyển Lan lãnh đạm nói :
- Thì ra ngươi chỉ đến tìm Ngọc Sanh. Hơn ba năm nay ta cũng không gặp
được nàng, nàng có khỏe không? Còn ngươi nữa, vẫn làm tổng bộ đầu đó
chứ? Hay là lần này được thăng quan nên mới đến Nam Kinh?
Nàng thấy Ngô Qua chỉ cúi đầu không nói gì nên biết được lời của mình
hơi có chút khắt khe và đã làm tổn thương cho chàng, chỉ tiếc là mỗi lần nhịn không được thì nàng lại có cách ăn nói như thế. Giờ đây nàng
thoáng cau mày lại một chút, rồi nói :
- Bây giờ Ngọc Sanh được gã bằng hữu của ngươi là Hạng Bùi nuôi dưỡng ấy, ngươi có biết chăng?
Nghe xong những lời khắc bạc của Ngu Uyển Lan, Ngô Qua từ từ lấy lại thần sắc thường ngày của mình, chậm rãi nói :
- Đã có chuyện xảy ra với Ngọc Sanh rồi. Nàng đã chết.
Ngu Uyển Lan vừa nghe xong lời đó thì kêu lên thất thanh, trong lòng
nàng vừa cảm thấy khó chấp nhận lại vừa cảm thấy hối hận vì lời nói lúc
nãy của mình. Từ lúc năm, sáu tuổi, nàng và Ngọc Sanh đều được dưỡng phụ của họ là “Sấu Mã” mua về.
Người ở Dương Châu thường bỏ tiền ra mua các nữ hài nhi của những gia
đình nghèo khó, rồi đem về dạy cho cầm kỳ thư họa, đàn ca múa hát, đợi
đến lúc lớn khôn thì lại mang họ đi bán cho những người giàu có làm tỳ
thiếp để kiếm lời. Hơn mười năm trời, hai người bọn họ vẫn sống nương
tựa lẫn nhau, rất khắng khít. Nghĩ tới những năm tháng cũ, Ngu Uyển Lan
rốt cuộc cũng không nhịn được mà phải bật khóc, nhưng lại không thể thốt thành tiếng.
Ngô Qua không biết làm cách nào để an ủi nàng, sau khi kể sơ qua mọi việc, đợi nàng bình tĩnh lại rồi mới nói tiếp :
- Ta không biết việc này tốt xấu thế nào, nhưng để cho an toàn, ta nghĩ
nàng và Hạng Bùi nên tìm nơi nào đó để trốn tránh một thời gian. Ta đã
bàn qua với Hạng Bùi rồi, vài ngày nữa hắn sẽ xin nghỉ phép mấy hôm để
trở về Sơn Dương.
Ngu Uyển Lan đưa tay lau nước mắt, nàng thoáng suy nghĩ một lát rồi lắc đầu nói :
- Ba năm trước, Ngọc Sanh nói với ta rằng nàng sẽ không làm nghề ca hát
nữa, mà nàng sẽ theo Hạng Bùi. Gia thế của hắn chẳng những được đầy đủ
sung túc, con người anh tuấn, mà lại còn có phần phong nhã nữa, nên đối
với Ngọc Sanh rất xứng đôi. Tuy nhiên, nàng cũng biết Hạng gia tuyệt sẽ
không dễ dàng để cho nàng qua cửa, nhưng dù là thế nào thì đó cũng là
một nơi chốn tốt để nương thân. Lúc ấy, ta từng nghĩ, mình đã lớn tuổi
và không còn được ai để mắt tới nữa, chi bằng cứ dứt khoát rút lui đi
thôi. Ba năm qua, ta ở chốn này tuy không thiếu tiền, nhưng ta nghĩ mình cũng giống như Ngọc Sanh vậy, thật khó có thể tìm được một người yêu
thương đùm bọc cho mình. Đối với sự việc của giang hồ, ta chẳng hề có
chút liên quan nào, và cũng chẳng còn chỗ nào khác để lẫn trốn. Hơn nữa, ta là một người không nhà không cửa, ngươi bảo ta đi trốn, nhưng có chỗ nào cho ta trốn đâu chứ?
Ngô Qua hơi do dự một chút rồi nói :
- Ta có một người bằng hữu ở tại Sơn Dương huyện, tên là Cảnh Chiêu.
Nàng có thể tạm lánh ở nhà hắn một thời gian, hoặc là ở nhà của Hạng Bùi cũng được.
Ngu Uyển Lan cười lạnh một tiếng :
- Ta không quen biết bọn họ, tại sao lại đến đó trốn được?
Thái độ của nàng lạnh tựa băng sương, khuôn mặt không lộ một nét nhường nhịn nào, chỉ lạnh lùng thốt :
- Ngươi cũng không nên nhọc lòng nhiều. Ngọc Sanh đã chết, ta nguyện ý cùng đi với nàng.
Ngô Qua thở dài nói :
- Hay là thế này vậy, ta có thể lưu lại đây được không? Ta sẽ bảo vệ cho ngươi.
Ngu Uyển Lan khẽ nhướng mày :
- Ta không cần ngươi bảo vệ. Nếu số ta phải chết thì ngươi có thể cứu được hay sao?
Vừa nói, nàng vừa ngoảnh mặt đi, đôi dòng lệ cũng theo đó mà lăn dài trên má.
-----------
[1] Giờ thân tức là 3-5 giờ chiều.
[2] Nguyên văn là “Tần Hoài hà phòng”.