Kim Cương Bất Hoại

Chương 1: Cuộc khảo võ dị thường

Mặt trời đỏ chiếu tia nắng qua làn sương mỏng vắt ngang các ngọn cây.

Chim chóc bắt đầu rời tổ đi kiếm mồi, tiếng kêu ríu rít.

Người sẹo mặt cùng chàng thanh niên bước ra một khoảng sân nhỏ rộng để cùng nhau đấu kiếm.

Người đàn bà tỏ vẻ ngại ngùng nói rằng :

- Mọi lần giao đấu bằng kiếm gỗ, như thế không nguy hiểm. Sao lần này
dùng đồ binh khí thật ngộ lỡ tay xảy ra thương tích thì sao?

- Thôi lần này không phải bà đóng vai trọng tài nữa, nếu tập bằng kiếm
gỗ như mọi lần thì con ta không chịu cố gắng chuyên tâm vào việc giao
đấu. Muốn chóng giỏi thực sự thì phải đánh đỡ bằng kiếm thép thực sự,
lần này tạm lấy chút máu để phân định sự hơn thua!

- Ủa! Đối với con mà ông cũng nói tới chuyện đổ máu sao?

- Sao lại không được! Nếu không luyện tập cho quen từ bây giờ mai sau
giao đấu với kẻ khác, dễ thường địch thủ nhẹ tay dung mạng cho mình
chắc? Đã chơi dao phải quen đứt tay chứ.

Thiếu phụ van nài :

- Vẫn biết thế, nhưng ông phải tuyệt đối cẩn thận, đừng để xảy ra sự gì ân hận!

Chàng thiếu niên muốn mẹ được an lòng, nói rằng :

- Xin mẹ cứ yên tâm, không có gì đáng lo ngại cả. Con luyện tập võ nghệ
cũng hơn mười năm nay, tay kiếm đã thuần, dù là kiếm gỗ hay kiếm thiệt,
cũng không có nguy hiểm gì hết.

Nói rồi chàng cầm thanh trường kiếm tuốt trần lưỡi tỏa sáng lung linh, hiên ngang bước vào vòng đấu.

Người sẹo mặt cười ha hả và nói to lên :

- Có thế chứ, mới đáng là mặt anh hùng! Đã sẵn sàng chưa, ta ra tay đấy.

Nói chưa dứt lời, một ánh thép vung lên nhanh như chớp nhắm thẳng vào
đầu chàng thanh niên chém bổ xuống. Người con hoàn kiếm đỡ. Một tiếng
“choang” vang dội làm người thiếu niên chùn tay lùi lại phía sau hai
bước!

Cậu ta biến sắc vì thấy cha mình ra tay sử dụng thế võ vô cùng ác và
mạnh mẽ lạ thường làm hổ khẩu và cánh tay gần như bị tê bại.

Không để cho thiếu niên được nghĩ ngợi, người sẹo mặt chém liên tiếp dồn dập những nhát kiếm cực mạnh làm thiếu niên lúng túng, vừa chống đỡ vừa thoái bộ hoài, chẳng dám nói năng nửa lời.

Người sẹo mặt tấn công liên tiếp. Chưa trọn mười hiệp, một tiếng
“choang” vang dội, thiếu niên lảo đảo suýt ngã, thanh trường kiếm đã gãy làm hai đoạn.

Người đàn bà thấy vậy sợ run lên kêu lớn :

- Úi chao! Gãy kiếm rồi. Xin dừng tay, đừng đấu nữa.

Người sẹo mặt tỏ vẻ không bằng lòng :


- Chưa xong! Chưa xong! Còn phải đấu tiếp, đây ta cho con thanh bảo kiếm của ta. Kiếm này không gãy dễ dàng như thế được.

Nói rồi ông đã trở vào trong nhà mở bọc hành trang, lấy một thanh cổ
kiếm, chuôi bằng đồng xanh, vỏ thau có chạm trổ rất đẹp, mới thoạt nhìn, ai cũng biết là một thanh kiếm quý.

Người con nghĩ bụng cha ta đã sử dụng bảo kiếm, cuộc đấu hôm nay trở nên rất ác liệt, ta phải cẩn thận mới được.

Thiếu phụ can ngăn không được, cuộc giao đấu đã gãy kiếm mà không thôi
thì tỏ vẻ tức giận quay mình trở lui vô nhà và không ra nữa.

Hai người trở vào vòng đấu. Thanh cổ kiếm tuốt ra khỏi vỏ, lưỡi bén sáng ngời xanh biếc, trông rất ghê rợn.

Thoạt tiên, thiếu niên nâng bảo kiếm dùng thế “Phiêu Tử Giao Thâu” sáp
chiến. Thế kiếm trong bài Mai Hoa lẹ làng linh động, lấy sự xoay chuyển
nhanh chóng để khống chế thế công của người sẹo mặt.

Nhưng người cha cũng đã thay đổi kiếm pháp, dùng Xuyên Tâm thập cửu thức có uy lực xoắn lấy lưỡi kiếm của đối phương, mục đích vừa đoạt kiếm vừa chém gãy bàn tay địch thủ.

Thiếu niên kinh sợ toát mồ hôi, nhảy lùi lại phía sau, không dám tấn
công nữa. Nhưng bóng kiếm của người sẹo mặt vẫn vùn vụt chém tới, cậu ta phải gắng sức chuyển hết thần lực ra tay mới gạt nổi.

Đỡ chưa xong nhát kiếm chém sát vai tả đã phải nhảy lui để tránh nhát
kiếm thứ hai chém tới vai trái. Mồ hôi chàng toát ra đầm đìa sau ba mươi hiệp chống đỡ, đồng thời thấy mắt hoa đầu choáng, tay chân rã rời cơ hồ thanh kiếm muốn vuột khỏi tay.

Người sẹo mặt chế riễu :

- Kém quá! Không chịu luyện tập, chẳng có tấn tới gì cả... Làm sao xuất hiện giang hồ đảm đương việc lớn?

Thiếu niên bị nhiếc mắng, mặt đỏ bừng, mím miệng cắn môi, tỏ vẻ uất ức vô cùng.

Cậu ta tự nghĩ nếu lấy sức mạnh và tài năng thì chẳng thể nào chống đỡ
nổi các thế kiếm hiểm độc của cha cậu, vậy ta hãy nghĩ mẹo xem có cách
gì thủ thắng được không?

Cậu ta có biết cách đó vài bước, mấy hôm trước đây, cậu có đào một cái
lỗ định ươm cây tuyết lê, song mẹ cậu ta không ưng cho trồng cây tại sân cỏ gần nhà, nên hố đó đã bị cỏ mọc che lấp nhưng chưa đổ đất cho đầy.
Người nào vô ý bước tới chỗ đó sẽ bị hụt chân xuống hố và vấp ngã.

Bây giờ cần phải nhử cha cậu tới chỗ đó dùng mẹo đánh ngã. Nhưng chỉ có ý nghĩ đó thôi, thiếu niên lơ là chia trí một chút, bị lưỡi kiếm rạch làm toạc một miếng vạt áo ở phía trước ngực, may chưa chạm đến da thịt.
Liên tiếp cha chàng đã phát huy Thiếu Sơn Bát Thức Kiếm để mong vạch
trên người chàng những vết chém dài.

Thiếu niên liền lùi đến bên hố trũng, cố tình nhảy nhót né tránh, chạy
quanh miệng hố làm như di chuyển trên mặt phẳng. Tuy nhiên, cánh tay áo
chàng lại bị rách thêm hai chỗ nữa. Sự cầm cự miễn cưỡng khó có thể kéo
dài thêm!

Đối với cha chàng - một tay lão luyện giang hồ - mỗi bước tiến, mỗi bước thoái đều rập theo nguyên tắc, đâu có thể dễ dàng làm ông hụt chân sa
hố được.

Cuộc đấu đã được trên năm chục hiệp. Thấy thiếu niên võ công quá sút kém nên người sẹo mặt đã nới tay tỏ ý khinh thường, không áp bách ráo riết
như trước nữa.

Chính lúc này, thiếu phụ thấy cuộc đấu kiếm dữ dội, quá lâu, sự nguy
hiểm rõ rệt y như một cuộc giao đấu quyết tâm ăn thua đủ không có tính
cách gì luyện tập nương tay cả. Không thể chịu đựng được nổi sự lo âu đè nén, bà la lớn :

- Khoan tay đã... dừng...

Chính lúc này, thiếu niên đã nhận thấy cha chàng đứng ở vào tư thế xoay
lưng vô lỗ trũng, gót chân cách hố đó đúng một bộ. Chàng liền nghiến
răng, hai tay cầm chặt chuôi kiếm, chém theo thế “Giao Long Xuất Hải”
vung kiếm như cầu vồng áp đảo cha chàng phải thoái bộ.

Và khi thấy gót chân ông ta đã lọt vào hố trũng thì chàng vận toàn lực
chém nhầu một nhát sức mạnh như Thái Sơn từ trên trời đổ xuống. Buộc
lòng cha chàng phải huơ kiếm ra đỡ. Vì đã có dụng ý, thiếu niên nhanh
như chớp chuyển mình xuống thật thấp lia chân quét một ngọn tảo đường.
Trong lúc bất kỳ xuất ý, ở vào thế hạ phong, người sẹo mặt thu chân
trước để khỏi bị quẹt ngang thì chân sau đã bị rớt tụt xuống hố sâu. Ông ta bị té ngửa!

Thiếu niên lúc này chỉ cần với tay một nhát là có thể chém cụt một chân
người sẹo mặt, nhưng chàng đâu dám làm thế, chàng hoàn bộ, thòng kiếm
đứng nhìn...

Bỗng nhiên chàng thấy đau nhói một cái ở vai tả, thiếu niên lảo đảo lùi
về phía sau và ngã gục. Người sẹo mặt chân còn bị tụt hố, chưa đứng dậy
chỉ vẫy tay nhẹ một cái, mũi nhọn thanh cổ kiếm đã ghim sâu vào vai
thiếu niên rồi.

Người mẹ thấy vậy vô cùng hoảng sợ chạy vội tới kêu lớn lên rằng :

- Ông điên rồi! Làm công tử thọ thương rồi!

Người sẹo mặt đứng dậy, điềm đạm nói :

- Đã đánh ngã sao không chém ngay? Ở nhà bị thương thế là nhẹ, chứ còn
ra ngoài đời ắt lưỡi kiếm đã xuyên qua cổ họng rồi! Có bị đau, có chảy
máu thì mới nhớ lâu được! Mai sau đánh nhau với ai phải nhớ kỹ rằng:
“Đừng có lơ là khinh thường địch thủ mà chết! Mình không chém địch thì
tất địch... nó sẽ chém mình”.

Người sẹo mặt bình tĩnh như thế, trái lại người đàn bà thì sợ cuống quít lo rút mũi kiếm ra khỏi vai, săn sóc vết thương và quay lại mắng người
đàn ông :

- Không vào lấy kim sang mang ra đây, còn đứng nói lảm nhảm gì thế?

Người sẹo mặt đáp :

- Một vết thương tầm thường nhỏ mọn, bà này làm gì mà rối rít lên như
vậy? Ta đã có lần mang trên mình cả chục vết đâm chém máu chảy ròng ròng mà chẳng cần ai chăm sóc, lại còn phải cố chiến đấu với hàng chục địch
thủ để giành lấy mạng sống...

Nhưng nói rồi ông ta cũng đi vô nhà lấy thuốc. Thiếu phụ dùng khăn tay
bịt lấy vết thương, nhưng bà không thấy có máu chảy ra. Mặt tái mét, đầy vẻ kinh hãi, cầm lấy thanh cổ kiếm đưa lên mắt ngắm nhìn.

Cái chốt ở nơi đốc kiếm xoay ngang, bà lấy tay vặn chỗ nắp đốc kiếm cho
rời hẳn ra khỏi chuôi, thấy có ống nhỏ chạy dài theo sống kiếm. Mỗi lần
con chốt ở đốc kiếm bị xoay ngang thì chất độc ở bầu nhỏ trong chuôi
kiếm lại chảy dọc theo sống kiếm và thấm ra ngoài.

Bà kêu to lên :

- Lưỡi kiếm có tẩm độc! Nguy tai rồi!

Người sẹo mặt nghe vậy hoảng sợ chạy ra, nhặt lấy thanh cổ kiếm lên và nói rằng :

- Thực nguy to rồi! Ta đã dùng nhầm phải thanh độc kiếm. Biết làm sao đây?

Người sẹo mặt cúi xuống vực thiếu niên đem vào nhà để tìm phương cứu chữa. Người đàn bà hỏi :

- Thần dược của Lão Thần Y cho ông đâu? Thuốc đó có chữa được vết độc này không?

Người sẹo mặt thấy vọng lắc đầu :

- Không thể được. Lúc ta xin Lão Thần Y cho thuốc ta đâu có nghĩ và biết tới thanh độc kiếm này!

Thiếu niên mặt xanh như tàu lá nói rằng :

- Mẹ đi rừng có hái lá thuốc trừ nọc rắn, nên tạm dùng để nọc độc không nhập vào cơ thể. Mẹ cho con một ít rịt tạm xem sao?

Nhờ có thiếu niên nhắc nhở, bà ta chợt nhớ, chạy vội vô trong bếp, lấy
ra một than hồng dí vào đốt cháy thịt chỗ vết đâm. Lửa kêu xèo xèo, thịt cháy khét lẹt, tuy không trị được chất độc nhưng cũng tạm thời ngăn
không cho chất độc thấm nhanh vào máu.

Thiếu niên đau quá, nằm ngất lịm đi. Lúc này người sẹo mặt ngồi lặng lẽ, buồn bã xịu mặt không thốt được câu nào.

Hắn cầm thanh cổ kiếm tháo hẳn chuôi kiếm lấy ra một ít chất độc màu xanh xem xét kỹ càng. Hai vợ chồng bảo nhau :

- Thực là một chất cực độc, nhưng ta không biết loại gì? Nếu cứ để tình trạng y nguyên như thế này... thì công tử sẽ nguy mất!

Người sẹo mặt tự đấm ngực, vò đầu bứt tóc, la lối om sòm :

- Ta ngu thực! Tưởng rằng giúp đỡ được công tử, ai ngờ hóa ra hại người! Ta đã không hoàn thành được di ngôn của chủ soái, chỉ còn cách chết đi
cho rồi! Ta mà tìm được cái tên chế tạo thanh kiếm này, thì ta phải chém chết, băm vằm nó ra mới hả giận! Trời ơi! Mã Hóa Long này đã già nửa
đời người mà sao lại ngu thế?

Người vợ an ủi :

- Lúc này ta phải bình tĩnh mới được. Ông nói Lão Thần Y cho ông thần
dược chữa các vết thương của ông. Mau đưa cho tôi coi xem có dùng được
không? Nếu không dùng được thì tôi đi kiếm một vài thứ là rừng làm thuốc đấu rịt tạm chứ biết sao?

Mã Hóa Long lục lại hành lý, lấy ra một cái lọ nhỏ dốc ra, bỗng thấy ba
viên thuốc màu đỏ. Người đàn bà cầm lấy xem rồi nói rằng :

- Loại thuốc trị thương này thiệt lá quý, hiếm có. Nhưng chắc rằng không giải được chết độc đang ngấm vào trong cơ thể. Ta đắp lên vết thương
rồi sẽ tính sau.

Mã Hóa Long nói :

- Tôi nghĩ rằng chúng ta mang Kỳ nhi đến thánh thủ Lão Thần Y nhờ ông ta cứu chữa thì mới thoát được.

- Nhưng ông ta ở đâu?

- Ở tại vùng Vạn Diệu sơn trang, đi ngựa nhanh cũng mất vài ngày đường
mới tới. Bà đi theo với tôi vì bà biết ít nhiều về y lý, bà có thể giúp
tôi săn sóc Kỳ nhi ở dọc đường.

Nói rồi Mã Hóa Long mài thuốc đổ vào vết thương trong khi người vợ chạy ra sơn cốc tìm là cây rừng để dùng uống giải độc.

Nhờ có sự chăm sóc chu đáo, nên sau khi uống bát thuốc nóng hổi, thiếu
niên đã tỉnh trở lại, chàng thấy ngoài sân ba con ngựa sẵn sàng hành lý. Cha chàng và mẹ chàng đã y phục sẵn, sắp sửa đi xa, liền nhỏm dậy hỏi :


- Cha và mẹ định đi đâu?

Người mẹ đáp :

- Ta phải đưa con đi chữa bệnh. Con yên tâm, thế nào cũng khỏi.

Thiếu niên định đứng dậy, song khí lực trong người cơ hồ đã tiêu tan mất cả, cánh tay tê dại không thể nhấc lên được, chàng đành để cho người
sẹo mặt bồng đặt nằm phục trên ngựa rồi cả ba người rời bỏ xóm nhà tranh ra đi.

Thiếu niên rất mến yêu khu rừng nhỏ đó. Đấy là nơi chàng đã sinh ra và
cha mẹ nuôi đến lớn, nay phải rời bỏ ra đi không biết có ngày nào trở
lại không? Chàng xiết bao bùi ngùi thương cảm.

Người vợ hỏi chồng rằng :

- Ông bảo không rõ xuất xứ của thanh kiếm kỳ quái này?

Mã Hóa Long trả lời :

- Thật là một sự ngẫu nhiên, ta có gặp một vị Phiên tăng hình dung cổ
quái, vai đeo thanh kiếm này. Ta biết y là người có võ nghệ cao cường
nên thách thức y giao đấu để tranh tài cao thấp. Hắn cố tình không nhận
lời thách thức. Hắn hỏi ta lý do tại sao đòi so kiếm. Ta thoái cớ rằng
muốn đoạt thanh kiếm của hắn, nếu không chịu giao đấu thì phải nạp thanh kiếm cho ta. Tưởng hắn không ưng, ai ngờ hắn tươi cười cởi kiếm dâng
cho ta, không tỏ vẻ tiếc rẻ chi hết. Ta thấy thanh kiếm tốt thì dùng chứ có biết đâu là một thanh độc kiếm, có thể gây vết thương nguy hại như
vậy.

- Thế ông có hỏi tên vị Phiên tăng đó là gì không?

- Ta quên không hỏi ví y cũng chẳng hỏi gì tên ta...

Ba con ngựa vẫn băng băng trèo đồi, vượt núi. Mã Hóa Long quay lại hỏi thiếu niên :

- Con thấy trong người có sao không? Bình sinh tính nết ta rất ngay
thẳng, ta sẽ tìm giết Phiên tăng chủ nhân thanh độc kiếm! Sáng nay, con
đỡ nổi cho trên năm mươi hiệp lại còn dùng mẹo làm cha té ngã như vậy
chứng tỏ võ công con đã có thể đem dùng với đời. Sau khi khỏi bệnh, giải trừ hết chất độc trong người, cha đi đâu sẽ mang con theo đó, không bắt con phải ẩn trong cốc nữa.

Người đàn bà nói :

- Ông có thù hận với những người đã chém làm hư mặt ông không?

Mã Hóa Long âm thầm đáp :

- Nghĩ người ta chém vào mặt mình cũng tức thiệt... Nhưng lỗi không riêng gì người ta.

Thiếu niên nói khẽ :

- Cha cho con biết những kẻ nào đã cả gan chém vào mặt cha, con sẽ rạch mặt chúng trả thù...

Mã Hóa Long đáp :

- Ta chẳng biết tên họ. Những kẻ đã lưu lại dấu kiếm trên mặt ta đều là
tay cao thủ danh gia tuyệt nghệ, tài giỏi gấp mười ta. Họ không giết ta
là may, làm sao mà trả thù họ được? Và lại lỗi cũng ta gây sự trước. Một bài học, một thế võ mua bằng một vết sẹo đâu có phải là mắc!

Người đàn bà nói tiếp :

- Nhưng bài học hôm nay, thế võ của ông hôm nay, mẹ con chúng tôi đã phải mua bằng một giá quá đắt...

Mã Hóa Long cắn môi, quất ngựa phi nhanh...

Bụi tung mù mịt sau vó ngựa.