Kiếm Khách Liệt Truyện

HITOKIRI IZOU

Nước Nhật vào cuối thời Edo bỗng xuất hiện từ “Hitokiri”, chỉ hạng võ sĩ làm thích khách cho các phong trào chính trị đương thời tập trung ở các phiên phía nam như Tosa, Satsuma, Choushu. Đương thời chỉ có bốn nhân vật được gán cho danh hiệu này là Kawagami Gensai người thành Kumamoto phiên Higo, Tanaka Shinbei và Nakajima Hanjirou, võ sĩ phiên Satsuma và Okada Izou thuộc phiên Tosa. Bối cảnh câu chuyện này là vào lúc quyền lực của Mạc phủ đã suy yếu, người Tây phương gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương. Tình hình trong nước hỗn loạn, có nhiều đảng phái chính trị được khai sinh như Đảng Cần Vương với chủ trương khôi phục quyền lực của Triều đình, phong trào Đảo Mạc, đánh đuổi người Tây phương....

1

Trời đã sinh ra một kẻ bất hạnh.

Hắn đứng cách cánh cửa lùa Shouji[1] năm chiếu, thóp bụng, phồng ngực bắn một hơi mạnh. Đờm từ cổ họng hắn bắn ra như viên đạn xuyên thủng cánh cửa giấy. Cơ lực thật dễ sợ.

- Thế mà mãi chỉ là một thằng lính trơn.

Năm mười lăm tuổi Izou thường tự cười nhạo mình. Nếu sinh ra trong thời Chiến Quốc loạn lạc thì hẳn tài năng dị thường của hắn đã chẳng phải chôn vùi uổng phí như thế này.

Nhưng nói gì thì nói, lính trơn cũng là một hạng “sĩ” trong phiên, cũng vẫn là thân phận được mang tên họ mang đao kiếm[2]. Về hình thức thì cũng là võ sĩ Samurai. Nhưng ở phiên Tosa này, về mặt pháp lý thì lính trơn không được quyền mang họ. Ở đất Tosa này tồn tại ba cấp bậc giữa các hạng “sĩ” trong phiên, đó là Thượng sĩ, Hào sĩ và lính trơn. Lính trơn thì cho dù trời mưa to cũng không được đi guốc mà chạy chân trần, bọn Hào sĩ thì trời nắng như đổ lửa cũng không được mang dù. Nhưng hạng Thượng sĩ thì lại có được đặc quyền đặc lợi đối với hai hạng Hào sĩ và lính trơn là chém chết nếu vô lễ với mình mà không bị bắt tội, một điều chỉ có ở Tosa mà không thấy ở đâu khác. Vì tầng lớp Thượng sĩ và khai tổ của phiên là Yamauchi Kazutoyo là người vùng khác di trú đến Tosa sau trận chiến phân tranh thiên hạ Sekiga Hara, nếu không có những đặc quyền đặc lợi đối với bọn Hào sĩ vốn là dân bản địa và những cấp thấp hơn thì khó lòng cai trị nổi chúng. Và cũng vì vậy mà trong phiên xuất hiện một dạng đấu tranh giai cấp không thấy ở bất cứ phiên nào khác. Đó là việc bọn Hào sĩ và lính trơn kết thành “Đảng Cần Vương” chống lại phiên và Mạc Phủ.

Hắn chỉ là một thằng lính trơn Izou, vốn chẳng phải là thân phận có thể học kiếm thuật được. Nếu học kiếm thì hạng Thượng sĩ thường lui tới võ đường Ishiyama Magoroku và Asada Kanshichi, bọn Hào sĩ thì có võ đường Hineno Benji, nhưng hạng lính trơn thì chẳng biết học ở đâu. Chẳng võ đường nào chịu nhận. “Là lính trơn thì học kiếm thuật làm gì”. Đó là lối suy nghĩ tồn tại ba trăm năm trong phiên Tosa này. Trên chiến trường thì chúng chỉ là hạng bộ tốt thuộc các nhóm vác giáo, bắn cung hay hỏa mai. Còn việc ngồi ngựa một chọi một với đại tướng chỉ dành cho Thượng sĩ và Hào sĩ cao cấp mà thôi. Izou sinh ra với thể chất và khí lực hơn người cũng lấy làm lạ cho cuộc đời của mình.

- Nghe đâu ngài Niten cũng tự học mà hội đắc kiếm pháp.

Năm mười lăm tuổi hắn nghe được chuyện này. Niten là hiệu của kiếm thánh vô song Miyamoto Musashi sống đầu thời Edo. Năm trước có kiếm khách Oishi Susumu người vùng Yanagi Kawa xứ Chikugo được tham chánh trong phiên là Yoshida Touyou mời đến đàm đạo, Izou tình cờ nghe trộm được chuyện về ngài Niten. Hắn biết đến cổ nhân là như vậy.

Rồi hắn gọt một thanh mộc kiếm từ gỗ sồi, cứ hai ngày một lần, khi không có phiên trực thì vác mộc kiếm mà tập vụt từ sáng đến tối cho đến khi gân cốt rã rời mới thôi. Đòn vụt là đòn đánh bổ từ trên xuống, là cơ bản trong mọi cơ bản của kiếm thuật. Người học kiếm vẫn bảo nhau rằng tập vụt ba năm chỉ mới là sơ khởi của kiếm đạo. Dĩ nhiên nó là một kỹ thuật cơ bản, nhưng đương thời ở các võ đường thì người ta không cho môn sinh tập trung vào kỹ thuật vụt không. Vì kỹ thuật đơn điệu, lặp đi lặp lại sẽ khiến người tập nhàm chán mà không tìm đến võ đường nữa thì hỏng, cho nên các vị sư phụ thường cho môn sinh tập các đòn đánh khác nhau ở mặt và tay để gây hứng thú cho họ. Nhưng chẳng qua cũng chỉ là múa gậy trúc mà thôi chứ đừng nói là hội đắc được cực ý của kiếm đạo.

Izou cũng không sử dụng kiếm tre như bao người học kiếm khác mà dùng mộc kiếm, cho nên lực tay và tốc độ cũng có nhiều sai biệt. Từ thời xa xưa đến nay, mỗi khi đấu tập người ta vẫn hay dùng mộc kiếm. Nhưng nó khá nặng và nguy hiểm nên Kamiizumi Isenokami Nobutsuna thời Chiến Quốc nghĩ ra kiếm tre, sau được Ono Tadaaki công phu thêm thành ra nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn.

Izou cũng không lơ là việc luyện tập hạ bàn. Hắn bay, hắn nhảy, hắn chạy ngang dọc khắp nơi, gân cốt chân cẳng hắn đã lên đến cực độ.

- Kiếm thuật cũng không phải chỉ là thứ dùng nơi rộng rãi.

Vì thế mà hắn bắt đầu nghĩ tới những thế kiếm thực chiến trong nhà chật hẹp. Rồi hắn gọt một thanh mộc kiếm nhỏ. Khi chiến đấu trong nhà, nếu sử dụng trường kiếm như ngoài chiến trường thì khi vung lên thế thượng đoạn sẽ vướng trần nhà, khi chém ngang sẽ đụng tường, rồi còn nếu đánh nhau trong phòng tắm, nhà xí, trong hành lang chật hẹp thì sẽ như thế nào? Trong những trường hợp này thì ngay cả những tay cự phách cũng chỉ dùng được một số kỹ thuật lặt vặt như chém hạ đoạn, nhấp chân bước nhỏ mà thôi.

Thế rồi Izou tự công phu ra lối đánh trong nhà với thanh đoản mộc kiếm của mình. Hắn bay nhảy đâm gãy cột cửa, chém đổ cửa nhà xí, có khi rơi vào thùng rồi lồm ngồm bò dậy, có khi lùi lũi tiến lại múa kiếm chém kẻ địch tưởng tượng bên kia rầm cửa rồi ngã xuống chiếu gạt đỡ một kiếm của đối phương. Thật là điên cuồng dị dạng không sao kể xiết. Nhưng cũng thật không ngờ là lối đánh đoản kiếm Izou công phu được lại tình cờ trùng khớp với lối đánh bí truyền sử dụng ở nơi chật hẹp của phái kiếm Ittou Ryu. Hắn biết được điều này là vào năm sau.

- Mày là con của lính trơn thì học đòi kiếm thuật làm gì.

Phụ thân hắn là Gihei vẫn thường bất bình. Chẳng bao lâu thì ông Gihei mất, Izou lên thế vị trí cha. Hắn thuộc nhóm lính trơn của Tổng quản Kirima Shougen, trưởng nhóm lính là Morita Jiemon. Bổng lộc của hắn một năm chỉ đủ nuôi bốn người. Izou thường phải ăn hạt kê, ăn lúa mạch, ăn gạo đen, trong một năm chẳng có dịp nào được ăn gạo trắng. So với bọn bách tính có ruộng đất trong phiên thì hắn còn khổ sở hơn cả thân trâu ngựa. Đối với con em kẻ sĩ nghèo hèn thì cách duy nhất để thoát khỏi cảnh bần hàn chỉ là dựa vào con đường học vấn xuất chúng hay dựa vào kiếm pháp tuyệt luân mà mở võ đường mà thôi. Nhưng Izou không có học vấn. Tuy phụ thân hắn có dạy viết chữ nhưng Izou chẳng đọc nổi một quyển sách chữ Hán. Nhà nghèo nên cũng không thể đến trường, mà hắn cũng chẳng có đầu óc tương xứng để đến trường.

- Chà nếu ta được sinh cùng thời với ngài Niten thì sẽ ra sao nhỉ.

Hắn vẫn thường mơ tưởng đến cảnh một mình một kiếm làm mưa làm gió trong làng kiếm. “Phải chém vật sống xem sao”. Nghĩ rồi Izou bắt đầu chém mèo. Con mèo hoảng hốt nhảy lên, Izou rút kiếm đánh xoẹt chém đứt đôi trên không. Đến chuột cũng không tha. Kẻ xấu số vừa thò đầu ra khỏi cái lỗ nơi góc tường đã bị hắn huơ mộc kiếm như luồng điện giáng xuống vỡ đầu. Trong nhà Izou luôn lấm bẩn vì máu của những loại súc sinh này.

Nguyên lai, kiếm chỉ là công cụ giết người nhưng vào thời Tokugawa thì nó đã trở thành một thứ triết học. Izou cũng tự học được thứ kiếm pháp giết người như giới kiếm khách đầu thời Chiến Quốc. Đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo, hẳn chẳng hay biết.

Rồi hắn cũng chém được mấy trăm con mèo, là lúc hắn nghĩ đến chuyện lập phái riêng.

Lúc đó một tin sáng sủa bất ngờ lọt vào tai Izou. Khu phố Tabuchi dưới thành là nơi tập trung nhiều dinh thự của bọn Hào sĩ, có Takechi Hanpeita mở võ đường. Takechi vốn là một Hào sĩ cấp cao nên không màng đến thân phận của bọn môn sinh, thiên hạ đồn rằng là lính trơn cũng có thể đến học được.

- Như vậy cũng không phải là hoàn toàn vô duyên với nhà Takechi.

Nghĩ rồi Izou quyết định tìm đến Takechi cầu học.

Chú thích:

[1] Một loại cửa đặc trưng trong lối kiến trúc Nhật Bản, khung gỗ nhẹ dán giấy để ánh sáng chiếu qua.

[2] Thời phong kiến ở Nhật, tầng lớp bình dân không được quyền mang họ