Khúc quanh của dòng sông

Chương 3

Zabeth, vì là thầy  bói hoặc phù thuỷ, luôn giữ khoảng cách với đàn ông. Nhưng không hẳn lúc nào cũng như thế, Zabeth không phải luôn là thầy bói. Cô có một đứa con trai. Thỉnh thoảng cô nói với tôi về nó, như thể nói về một phần cuộc đời cô đã để lại phía sau lưng. Cô nói về nó xa xôi đến nỗi tôi tưởng là nó đã chết. Thế rồi một hôm cô dẫn nó tới cửa hiệu.

Nó khoảng chừng mười lăm mười sáu tuổi, đã khá to lớn, cao và nặng hơn đàn ông ở vùng chúng tôi, những người có chiều cao trung bình khoảng năm feet. Da nó đen hoàn toàn, không có chút gì nước da màu đồng của mẹ nó, khuôn mặt nó dài và có đường nét rõ ràng hơn, và từ những gì Zabeth nói tôi đoán rằng cha đứa trẻ là người của một bộ tộc phương Nam.

Cha thằng bé là một thương gia. Là thương gia, ông ta đi khắp đất nước trong khoảng thời gian  hoà bình diệu kỳ, hồi còn thực dân, khi mà người ta có thể, nếu muốn, không phải quan tâm nhiều lắm đến rang giới giữa cac bộ lạc. Thế là trong những chuyến đi của mình, ông ta đã gặp Zabeth; chính nhờ ông ta mà Zabeth có được những kỹ năng buôn bán. Thời độc lập, ranh giới giữa các bộ lạc lại một lần nữa trở nên rất quan trọng, và việc đi lại không còn an toàn như trước nữ. Người đàn ông phương Nam đã quay trở về bộ lạc của mình, mang theo đứa con trai do Zabeth sinh ra. Một người cha luôn có thể đòi được đứa con, những câu thành ngữ dân gian phổ biến ở châu Phi đều nói thế. Và Ferdinand, tên thằng bé, đã sống xa mẹ mấy năm vừa qua. Nó đã đi học ở phương Nam, tại một thành phố mỏ, và đã ở đó qua tất cả những cơn biến động xảy đến sau khi độc lập, đặc biệt là cuộc chiến tranh ly khai dài dặc.

Giờ đây vì một lý do nào đó – có thể là người cha dã chết, hoặc đã cưới vợ và muốn rũ bỏ khỏi Ferdinand, hoặc chỉ đơn giản là vì Zabeth muốn – Ferdinand đã được gửi trả lại cho mẹ nó. Nó là một người lạ trong vùng. Nhưng ở đây không ai có thể sống mà không thuộc về một bộ lạc nào đó, và Ferdinand, vẫn theo tục lệ bộ lạc, đã được nhận vào bộ lạc của mẹ nó.

Zabeth đã quyết định gửi Ferdinand tới trường trung học thị trấn chúng tôi. Ngôi trường đã được sửa sang  và hoạt động trở lại. Đó là toà nhà bằng đá hai tầng vững chãi, hai sân xây theo phong cách thuộc địa, với những hàng hiên rộng ở tầng trên và tầng dưới. những người chiếm dụng ngôi nhà đã chiếm lấy tầng dưới, nấu ăn trên những viên đá tại hàng hiên và ném rác rưởi xuống sân và sàn nhà. Những thứ rác lạ lùng, không phải các lon, giấy và đồ hộp và những thứ chứa đồ khác mà bạn có thể tìm thấy trong thị trấn, mà là một thứ rác khác trang nhã hơn, vỏ sò, xương và tro, những thứ  bao tải đã bi.đốt cháy, khiến cho những đống rác trông chẳng khác những ụ đất đã được sàng kỹ.

Dãy hàng rào và những mảnh vườn đã đổ nát. Nhưng hoa giấy đã mọc lên như rừng quấn quanh những cây cọ cao, trùm lên tường bao trường học, và bò lên những cái cột vuông của cổng chính để quấn hai vòng quanh cái bảng trang trí bằng kim loại, nơi có khắc những dòng chữ bằng kim loại, vẫn là tiêu chí của trường: Semper Aliquid Novi. Những người chiêm dụng ngôi nhà, rụt rè và dở sống dở chết, đã chuyển đi ngay khi được yêu cầu. Một vài cánh cửa, cửa sổ và ô chắn sáng được thay, nền nhà được sửa, cả trường được sơn lại, rác rưởi trên sàn được quét sạch đi, sàn được láng toàn bộ, và trong ngôi nhà mà tôi từng nghĩ là đã thành một đống đổ nát lại bắt đầu xuất hiện những khuôn mặt trắng của các thầy giáo.

Ferdinand đến cửa hiệu với tư cách một học sinh trung học. Nó mặc đồng phục của trường, áo sơ mi trắng và quần sọoc cũng màu trắng. Đó là một bộ  trang phục đơn giản nhưng nổi bật; và – mặc dù cái quần soọc có vẻ gì đó phi lý với một thân hình cao lớn đến thế - bộ quần áo vẫn rất quan trọng vbcả Ferdinand lẫn Zabeth. Zabeth sống một cuộc sống thuần tuý châu Phi, với cô chỉ châu Phi là hiện hữu. Nhưng với Ferdinand cô muốn khác đi. Tôi chẳng thấy có gì mâu thuẫn ở đây cả; tôi thấy thật tự nhiên khi ai đó giống như Zabeth, đã sống một cuộc sống khó nhọc đến thế, muốn con trai mình có được cái gì đó tốt đẹp hơn. Cuộc đời tốt đẹp hơn đó nằm bên ngoài những con đường vô tận của ngôi làng và dòng sông. Nó nằm ở sự giáo dục và sự đòi hỏi những kỹ năng mới; và với Zabeth, cũng như nhiều người châu Phi khác cùng thế hệ với cô, giáo dục là cái gì đó mà chỉ người nước ngoài mới có thể cung cấp được.

Ferdinand là học sinh nội trú của trường trung học. Zabeth mang nó tới cửa hiệu để giới thiệu nó với tôi. Cô muốn tôi để mắt đến thằng bé khi nó sống ở thị trấn xa lạ này và muốn tôi bảo vệ nó. Nếu Zabeth lựa chọn tôi cho việc đó, thì không phải là vì tôi là một đối tác kinh doanh mà cô đặt niềm tin. Đó còn là bởi vì tôi là một người nước ngoài và còn là người nói tiếng Anh, người mà Ferdinand có thể học được những thái độ và cách sống của thế giới bên ngoài. Tôi là ai đó mà Ferdinand có thể lấy làm gương để học tập.

Thằng bé cao lớn trầm tính và tỏ vẻ kính trọng. Nhưng tôi có cảm giác điều này chỉ kéo dài khi có mẹ nó ở đó. Có một sự chế giễu xa xôi và nhẹ nhàng trong mắt nó. Thằng bé có vẻ đùa giỡn người mẹ mà nó mới biết. Cô là một người đàn bà ở làng; còn nó, dù sao, đã sống ở thành phố mỏ miền Nam, nơi chắc hẳn nó đã thấy những người nước ngoài sành điệu hơn tôi. Tôi không cho rằng nó kính trọng cửa hiệu của tôi như mẹ nó. Cửa hiệu là một căn nhà bằng bê tông, với những thứ hàng hoá tầm tầm xếp đầy trên sàn (nhưng tôi biết mọi thứ ở đâu). Không ai có thể nghĩ đây là một nơi hiện đại, và nó không được sơn màu sáng sủa như một số cửa hiệu của người Hy Lạp.

Tôi nói, vì lợi ích của Ferdinand cũng như của Zabeth, "Ferdinand là một cậu bé khá đấy, Beth ạ. Cậu ấy có thể tự chăm lo cho mình mà không cần đến tôi đâu."

"Không, không. Mis Salim. Ferdinand sẽ đến chỗ ông. Ông cứ đánh nó khi nào ông muốn".

Thật chẳng ra sao. Nhưng đó cũng chỉ là một cách nói. Tôi mỉm cười với Ferdinand và nó mỉm cười với tôi, kéo nhệch khoé miệng ra. Nụ cười khiến tôi nhận ra cái miệng rất nhỏ và những nét thật gọn gàng. Trên khuôn mặt thằng bé tôi cảm thấy mình có thể nhìn thấy nét gì đó của một số loại mặt nạ châu Phi, trên đó những đường nét được đơn giản hoá và nhấn mạnh, và, với ký ức về những mặt nạ đó, tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy một sự khác biệt rất lạ trong những đường nét của nó. Tôi cứ có cảm giác đang nhìn Ferdinand với con mắt một người châu Phi, và đó là điều tôi luôn cảm thấy khi nhìn nó. Đó là hiệu ứng mà khuôn mặt nó gây lên trong tôi, mà tôi thấy, sau này, là một khuôn mặt với quyền lực lớn lao.

Tôi không sung sướng  gì  về yêu cầu của Zabeth, nhưng cần phải làm theo thôi. Và khi tôi chầm chậm lắc đầu sang hai bên, để cả hai biết rằng Ferdinand cứ coi tôi là bạn, Ferdinand bắt đầu cúi người xuống trong động tác quỳ gối. Nhưng một lúc thì nó thôi. Nó không thể hoàn thành động tác bỉêu lộ sự thành kính; nó giả  vờ có cái gì đó đâm vào chân nó, và nó cào xước cái đầu gối mà nó quỳ lên. Ngược với chiếc quần sọoc trắng, nước da của nó thật đen và khỏe khoắn, với một vẻ hồng hào nhẹ nhàng.

Quỳ xuống trên một đầu gối là một hành động tôn kính truyền thống. Đó là cách mà những đứa trẻ của vùng cây bụi biểu lộ sự kính trọng đối với một người lớn tuổi hơn. Nó giống như một phản xạ, được thực hiện mà không hề có lẽ nghi đặc biệt nào. Bên ngoài thị trấn bạn có thể những đứa trẻ đột ngột bỏ việc đang làm, như thể khiếp sợ khi gặp một con rắn, quỳ gối trước mặt những người lớn lần đầu tiên chúng gặp, hơi cúi gằm đầu xuống, và rồi như thể chưa có gì xảy ra, chúng lại quay trở lại việc đang làm. Đó là một tập quán trải dài từ những vương quốc trong rừng ra đến phía Đông. Nhưng nó là một tập quán của vùng cây bụi. Nó không thể được đem vào thị trấn, và với một người như Ferdinand, đặc biệt sau khoảng thời gian nó ở thành phố mỏ miền Nam, cái cử chỉ trẻ con biểu lộ lòng tôn kính đó có vẻ như là quá lạc hậu và quỵ luỵ.

Tôi đã bị khuấy động vì khuôn mặt của nó. Giờ thì tôi nghĩ sẽ còn có nhiều biến động ở đây nữa.

 

Trường trung học không xa cửa hiệu là bao, đi bộ rất đơn giản nếu mặt tr`i không thiêu đốt quá hoặc trời không mưa – mưa sẽ làm đường phố ngập lụt suốt. Ferdinand mỗi tuần đến cửa hiệu một lần để gặp tôi. Nó đến vào khoảng ba giờ rưỡi chiều thứ sáu, hoặc vào sáng thứ bảy. Nó luôn mặc màu trắng để chứng tỏ mình là học sinh trung học, và đôi khi, dù trời nóng, nó vẫn mặc áo đồng phục với dòng chữ Semper Aliquid Novi in trên túi áo ngực.

Chúng tôi chào nhau, và theo cách châu Phi chúng tôi có thể làm điều đó rất lâu. Thật khó để tiếp tục sau khi chúng tôi đã kết thúc màn chào hỏi đó. Nó không nói tin tức gì cả, nó để tôi phải hỏi. Và khi tôi hỏi – để mà hỏi – một số câu như "Hôm nay cháu làm gì ở trường?" hoặc "Cha Hoiishama có dạy lớp cháu không?" nó sẽ trả lời ngắn và chính xác khiến tôi phải nghĩ xem nên hỏi gì tiếp.

Trò chuyện với nó thật rắc rối khiến tôi không hề thích thú như trò chuyện với một người châu Phi khác. Tôi cảm thấy với nó tôi phải cố gắng một cách đặc biệt, và không biết mình có thể làm gì. Nó la một thằng bé đến từ những bụi cây, khi những ngày nghỉ đến nó quay về ngôi làng của mẹ nó. Nhưng ở trưỡng trung học nó học được những thứ mà tôi hoàn toàn mù tịt. Tôi không thể nói chuyện với nó về bài tập ở trường, lợi thế thuộc về nó. Và lại còn khuôn mặt của nó nữa chứ. Tôi nghĩ có rất nhiều thứ diễn ra đàng sau khuôn mặt đó mà tôi cũng mù tịt. Tôi cảm thấy ở đó có một sự vững chắc và tự sở hữu, và với tư cách một người bảo trợ và người dạy dỗ tôi bị nó nhìn qua đó.

Có thể, nếu không có gì bắt buộc, những cuộc gặp của chúng tôi sẽ phải chấm dứt. Nhưng tại cửa hiệu lại có một sự hấp dẫn, đó là Metty. Metty chơi tốt với tất cả mọi người. Nó không vấp phải vấn đề tôi có với Ferdinand, và chính vì Metty mà Ferdinand đến cửa hiệu, rồi sau đó là căn hộ. Sau cuộc trò chuyện khó nhọ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp với tôi, Ferdinand có thể, cùng với Metty, đi thăm dò các nơi xung quanh. Khi đó nó sẽ có một tính cách khác, nói liến láu với cái giọng cao vống, tiếng cười lúc nào cũng vang lên như là một phần những gì nó nói. Và Metty có thể đi cùng nó, Metty đã hấp thụ nhiều những trọng âm của tiếng nói địa phương, và những cung cách để nói thứ tiếng đó.

Theo quan điểm của Ferdinand thì Metty là người dẫn đường trong thị trấn tốt hơn tôi. Và với hai thằng bé dính chặt vào nhau đó những thú vui của thị trấn là những cái mà bạn có thể đoán ra – bia, quán bar, đàn bà.

Bia là một phần thực phẩm ở đây, trẻ con uống bia, người ta bắt đầu uống từ khi còn sáng sớm. Chúng tôi không có nhà máy bia nào trong vùng, và rất nhiều kiện hàng được tàu thuỷ mang tới là thứ bia nhẹ hều mà người ở đây rất khoái. Tại rất nhiều điểm dọc theo dòng sông, những chiếc xuồng độc mộc của làng lấy những can bia từ con tàu đang chạy, và con tàu, trên đường trở về thủ đô, sẽ nhận về những can không.

Còn với đàn bà thì thật đơn giản. Không lâu sau khi tôi đến, Mahesh bạn tôi nx với tôi rằng đàn bà ngủ với đàn ông bất cứ khi nào được yêu cầu, một người dàn ông có thể gõ cửa phòng bất cứ người đàn bà nào và ngủ với cô ta. Mahesh không nói với tôi điều đó với sự phấn khích hay đồng tình nào – anh đã dính quá chặt vào Shoba xinh đẹp của mình. Với Mahesh, sự dễ dãi về tình dục là một phần của sự hỗn loạn và đi xuống của nơi này.

Đó chính là điều – sau lần thoả mãn đầu tiên – tôi tự cảm thấy. Nhưng tôi không thể nói chống những lạc thú mà tôi cũng hưởng. Tôi không thể ngăn Metty và Ferdinand tới những chỗ mà tôi cũng tới. Trên thực tế, sự hạn chế nằm ở mặt khác. Mặc dù đã có những thay đổi đối với Metty, tôi vẫn coi nó là một thành viên của gia đình lớn, và tôi phải cẩn thận không làm gì khiến nó tổn thương hoặc làm những người khác trong gia đình tổn thương nếu biết. đặc biệt, tôi làm sao để mình không bi.phát hiện khi ở cùng với một người đàn bà châu Phi. Và tôi tự hào rằng dù khó khăn, tôi chưa bao giờ bị phản đối hết cả.

Ferdinand và Metty có thể uống rượu ở những quán bar và công khai ôm ấp dàn bà hoặc đến nhà những người đàn bà mà chúng biết. Còn tôi thì – với tư cách chủ của một đứa và người giám hộ của đứa kia – phải giấu giếm.

 

Ferdinand có thể học gì ở tôi cơ chứ? Tôi đã nghe khi còn ở bờ biển – và những người nước ngoài tôi thường gặp cũng nói vậy – rằng người châu Phi không biết phải "sống" như thế nào. Điều này có nghĩa là người châu Phi không biết tiêu tiền sao cho hợp lý hoặc làm sao để giữ được một ngôi nhà. Tốt thôi! Những hoàn cảnh của tôi là không thông thường, nhưng Ferdinand có thể thấy gì khi nó nhìn thấy nhà của tôi?

Cửa hiệu của tôi là cả một sự hỗn loạn. Tôi có hàng cuộn vải và giấy dầu trên giá, nhưng phần lớn kho hàng được bầy la liệt trên nền nhà bê tông. Tôi ngồi sau cái bàn ở giữa kho bằng bê tông của mình, đối diện với cửa ra vào, với một cái cột bê tông gần bàn cho tôi cảm giác đang được bỏ neo trong bỉên cả của sự hỗn độn này – những cái chậu tráng men to dùng, viền màu trắng và xanh, hoặc viền xanh với nền hoa, hàng đống đĩa men với những vuông vải thô, mảnh giấy màu đậm giữa những cái đĩa, những chiếc cốc men và bình sắt cùng những lò than, khung giường sắt và xô kẽm hoặc nhựa, những chiếc lốp xe đạp cùng đèn pin, cùng những cây đèn dầu bằng thuỷ tinh màu xanh lá cây, hồng hoặc mã não.

Đó là cái đống hổ lốn mà tôi đang quản lý. Tôi quản lý chúng một cách kính cẩn bởi vì chúng là nguồn sống của tôi, là những phương tiện của tôi để nâng lên được mức hai hoặc bốn. Nhưng nó là một đống hổ lốn đã quá lỗi thời, được sản xuất riêng cho những cửa hiệu như của tôi, và tôi ngờ rằng những người công nhân làm ra chúng, ở châu Âu, Mỹ, và ngày nay có thể ở Nhật nữa – chẳng hề có ý niệm nào về việc sản phẩm của mình được dùng để làm gì. Những cái chậu nhỏ hơn, chẳng hạn, được đặt hàng là bởi vì chúng rất thích hợp để nuôi giòi, được bỏ vào cùng đất ẩm. Những cái chậu to hơn – một món hàng lớn: một ngôi làng mua không quá hai hoặc ba cái trong suốt một thế hệ - được dùng để ngâm sắn khử độc tố.

Đó chính là công việc buôn bán của tôi. Cũng tương tự như thế về tính chất thô kệch là căn hộ của tôi. Bà già người Bỉ không chồng sống ở đây trước tôi là một người khá nghệ sĩ. Tôi thêm vào bầu không khí "phòng tranh" của bà một sự bừa bãi nhẹ nhàng – dường như nó nằm ngoài sự kiểm sóat của tôi. Metty cai quản cái bếp và biến nó thành một nơi thật kinh khủng. Tôi không tin nó từng bao giờ lau bếp dầu. Metty chẳng hề xấu hổ, cái bếp đã bắt đầu toả khói trở lại và bốc mùi với đủ loại nhiên liệu trên đó. Toàn bộ cái bếp bốc mùi, dù nó chỉ được dùng chủ yếu để đun cà phê sáng. Tôi hiếm khi chịu đựng nổi khi bước chân vào bếp. Nhưng Metty chẳng để ý gì hết cả, dù phòng ngủ của nó ở ngay đối diện với bếp.

Bạn đi thẳng vào lối đi đó từ tầng đệm của cầu thang lộ thiên dính vào mặt sau của toà nhà. Ngay khi mở cánh cửa tầng đệm bạn sẽ bắt gặp cái mùi nồng nặc, nặng nề của rác, dầu ăn và dầu hoả, những thứ quần áo dơ bẩn cùng với mùi sơn và gỗ cũ. Và cả nhà bốc mùi như thế bởi vì bạn không thể mở được dù chỉ một cửa sổ. Thị trấn, đang trong thời suy thoái, đầy rẫy trộm cướp, và dường như là không thể để mở bất cứ gì. Bên phải là phòng ngủ của Metty, chỉ cần liếc mắt bạn cũng thấy Metty đã  biến nthành một căn phòng nhỏ đích thị của người hầu, với cái giường cũi, những cái bánh xe và hàng đống túi, rồi thì hộp giây, quần áo nó thì treo lên mắc và mấu cửa sổ. Đi tiếp xuống theo lối vào, một chút nữa sau cái bếp, ở bên trái, là phòng khách.

Đó là một căn phòng rộng, và người đàn bà Bỉ đã sơn toàn màu trắng, cả trần nhà, tường, cửa sổ, thậm chí cả rầm cửa sổ. Trong căn phòng trắng với những ván sàn trần trụi đó có một cái đi văng bọc vải thô màu xanh đậm, và, để hoàn chỉnh hiệu ứng của phòng tranh, có một cái bàn chân niễng không sơn gì cả, rộng như một bàn bóng bàn. Trên nó là đủ thứ đồ linh tinh của tôi – những cuốn tạp chí cũ, sách bìa giấy, thư từ, giầy, vợt đánh bóng và mỏ lết, hộp giầy và hộp áo phông trong đó tôi đã nhét đủ thứ bà rằn. Một góc bàn được giữ sạch, và nó luôn luôn được phủ lên một tấm vải trắng cháy sém, đó chính là nơi Metty ủi quần áo, đôi khi với bàn là điện (luôn nằm trên bàn), đôi khi (khi bàn ủi điện bị hỏng) bằng bàn ủi than rất cứng, một thứ hàng mà cửa hiệu có bán.

Trên bức tường trắng ở cuối phòng là một bức tranh sơn dầu lớn vẽ một bến cảng châu Âu, được vễ bằng màu đỏ, vàng và xanh da trời. Nó được vẽ theo phóng cách hiện đại cẩu thả, người đàn bà đã vẽ nó và ký tên trên đó. Bà đặt nó một cách kiêu hãnh trong căn phòng chính của mình. Nhưng bà ta cũng nghĩ nó không đủ giá trị để mà liều lĩnh mang theo thời biến động. Trên sàn nhà, dựa vào những bức tường, là những bức vẽ khác mà tôi thừa hưởng từ người đàn  bà. Cứ như thể bà ta dã mất lòng tin vào những thứ đồ lặt vặt của mình, và khi cơn khủng hoảng thời độc lập xảy đến, bà bèn vui sướng bỏ ra đi.

Phòng ngủ nằm cuối lối vào. Với tôi đây là nơi của một sự tan hoang đặc biệt, với những giá đựng cốc chén to tướng và cái giường nhồi cỏ to khủng khiếp. Điều gì từng diễn ra trên cái giường chắc hẳn thuộc về người đàn bà! Những ước đoán đó, như là một bảo đảm cho sự tự do của tôi, những sự buông thả đó, cái cảm giác ngượng ngùng đó, biết bao nhiêu người đàn bà châu Phi đã bị tống khỏi đó vào những giờ thật khó khăn – trước khi Metty về đến nơi, hoặc trước khi Metty thức dậy! Nhiều lần trên cái giường đó tôi đợi đến sáng để quét sạch ký ức mình, và thường thì, nhớ đến người con gái của Nazruddin và lòng thin của ông vào sự tin tưởng của chính tôi, tôi tự hứa sẽ trở nên tốt đẹp. Khi ấy tôi thấy cần thay đổi và cái giường trong căn phòng chợt có những liên quan khác với tôi. Nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi.

Quý bà người Bỉ đã cố tình đưa một mẩu châu Âu và quê nhà vào nghệ thuật, một lối sống khác, vào cái vùng đất của mưa, nóng và cây cối lá rộng này – luôn hiện hữu, nền trời tranh tối tranh sáng, qua những khe cửa sổ sơn màu trắng. Bà ta hẳn có ý thức rất cao về bản thân mình, nhưng xem ra điều bà ta cố làm chẳng mấy giá trị gì. Và tôi cảm thấy khi Ferdinand nhìn vào cửa hiệu và căn hộ của tôi, nó cũng sẽ có cùng kết luận đó về tôi. Sẽ là khó khăn cho nó để tìm thấy bất cứ sự khác biệt nào giữa cuộc sống của tôi và cuộc sống nó từng quen biết. Điều này lại thêm vào những u uất ban đêm của tôi. Tôi tự hỏi về bản chất của những hơi thở của mình, những gì chèo chống thực sự cho sự tồn tại của tôi, và tôi bắt đầu cảm thấy rằng mọi cuộc đời mà tôi có thể có ở bất kỳ đâu – dù giàu có, thành công và hào nhoáng đến chừng nào – thì cũng chỉ là một phiên bản của cuộc đời tôi hiện đang sống mà thôi.

Những suy nghĩ đó có thể đưa tôi đến những chỗ tôi không hề muốn. Nó là một phần hiệu ứng của sự cô độc của tôi, tôi biết điều đó. Tôi biết có điều gì đó ngăn cách tôi với Ferdinand và cuộc sống vùng cây bụi. Và điều đó là vì tôi không có phương tiện nào trong cuộc độ nhật định hình ra sự khác biệt đó, hoặc để bày ra bản chất thực sự của tôi, rằng tôi cảm thấy ngu ngốc khi bày ra những thứ của mình.

Tôi chỉ cho Ferdinand những thứ của tôi. Tôi nát óc nghĩ sẽ phải cho nó xem gì tiếp theo. Nó rất lạnh nhạt, như thể nó đã nhìn thấy tất cả những cái đó từ trước rồi. Đó chỉ là cung cách của nó thôi, cái giọng nói đều đều nó dùng để nói với tôi. Nhưng điều này làm tôi điên tiết.

Tôi muốn nói với nó "Hãy nhìn những tạp chí này đi. Không có ai trả tiền để tao đọc chúng đâu. Tao đọc nó bởi vì tao là kiểu người như thế đó, bởi vì tao quan tâm đến các sự việc, bởi vì tao muốn biết về thế giới. Hãy nhìn vào những bức tranh này đi. Người đàn bà đó đã đưa vào chúng biết bao nhiêu là rối loạn. Bà ta muốn làm ra cái gì đó thật đẹp để treo trong nhà mình. Bà ta không treo nó lên vì nó thuộc cái gì đó ma quái đâu".

Cuối cùng thì tôi cũng nói những điều đó với nó, nhưng không hoàn toàn với lời lẽ như thế. Ferdinand không trả lời. Và những bức tranh chỉ là những thứ lộn xộn – người đàn bà không biết phải bôi kín những bức toan như thế nào và hy vọng thoát ra được với những mảng màu thật dữ dội. Và những quyển sách và tạp chí cũng chỉ là mấy thứ lộn xộn – đặc biệt những sách báo khiêu dâm, những cái chỉ làm tôi trầm uất và bối rối, nhưng tôi không vứt đi vì cũng có những lúc tôi cần đến chúng.

Ferdinand không hiểu được sự kích động của tôi.

Một hôm nó nói "Chú không cần phải đưa cháu xem cái gì đâu, Salim ạ."

Bắt chước Metty nó không gọi tôi là ngài nữa, Metty gọi tôi là patron, và khi có mặt người thứ ba, nó cố tình nói sao cho từ đó vang lên mang màu sắc thật mỉa mai. Metty có mặt ở đây ngày hôm đó, nhưng khi Ferdinand nói với tôi là tôi không cần phải cho nó xem thêm gì nữa, nó không nói mỉa. Nó không bao giờ mỉa mai.

Một buổi chiều, tôi đang đọc báo thì Ferdinand tới cửa hiệu. Tôi chào nó và tiếp tục đọc. Đó là một tạp chí về khoa học thường thức, kiểu báo mà tôi đã đâm ra nghiện. Tôi thích thu nhận những mẩu kiến thức theo lối như thế, và khi đọc tôi thường nghĩ rằng môn khoa học hoặc lĩnh vực tôi đang đọc là cái tôi nên dành toàn bộ ngày và đêm để trau dồi kiến thức, khám phá, tự mình tạo ra cái gì đó, sử dụng toàn bộ khả năng của mình. Đó là một cảm giác thật hay, theo quan điểm của tôi, nó cũng hay ngang với chính bản thân cuộc đời của người có tri thức.

Chiều hôm đó Metty đến hải quan để nhận một số hàng hoá tới trên chuyến tàu thuỷ hai hôm trước – đó là tốc độ di chuỷên của những thứ ở đây. Ferdinand nhìn ngó cửa hiệu một lúc. Tôi thấy gợn lại chuyện nó bảo đừng có cho nó xem cái gì nữa cả, và tôi không muốn là người bắt đầu câu chuyện. Cuối cùng nó đi tới bàn và nói "Chú đang đọc gì đó, Salim?"

Tôi không thể chịu được nữa, người thầy giáo và người giám hộ trong tôi biến mất. Tôi nói "Cháu xem này, họ đang chế tạo một kiểu điện thoại mới. Nó chạy bằng năng lượng ánh sáng chứ không phải điện như trước nữa".

Tôi không bao giờ thực sự tin vào những thứ mới mẻ kỳ diệu mà tôi đọc được. Tôi không bao giờ nghĩ tôi lại có thể nhìn thấy chúng trong đời. Nhưng đó chính là khía cạnh hấp dẫn để mà đọc chúng, bạn có thể đọc hết bài báo này đến bài báo khác về những thứ bạn chưa từng bao giờ được sử dụng cả.

Ferdinand nói "Họ là ai?"

"Cháu muốn nói gì?"

"Những người đang làm điện thoại mới là ai?"

tôi nghĩ, đã đến thế rồi, chỉ sau vài tháng ở trường trung học. Nó chỉ mới ra khỏi vùng cây bụi, tôi biết mẹ nó, tôi coi nó như một người bạn, và chúng tôi đã đạt đến sự vô nghĩa mang tính chính trị này rồi. Tôi không trả lời thoe cách nó trông chờ. Tôi không nói "Người da trắng". Dù nửa người tôi đã nghĩ thế rồi, để đặt nó trở lại vị trí của nó.

Tôi lại nói "Các nhà khoa học".

Nó không nói gì nữa. Tôi không nói gì nữa, và cố tình quay trở lại việc đọc. Đó là kết cục của đoạn nói chuyện ngắn ngủi giữa chúng tôi. Đó cũng là kết cục của những cố gắng làm thầy của tôi, để tự thể hiện mình và những thứ của tôi cho Ferdinand.

Bởi tôi nghĩ nhiều về việc tôi không chịu nói từ "Người da trắng" khi Ferdinand hỏi tôi định nghĩa "họ" – những người đang làm loại điện thoại mới. Và tôi thấy rằng trong mong muốn không làm nó thoả mãn, thực tế tôi đã nói điều tôi muốn nói. Tôi không đả động đến người da trắng. Tôi không muốn nói thế, tôi  chỉ không thể nói thế được, những người giống thế tôi biết trong thị trấn của chúng tôi, những người đã ở lại đây sau khi độc lập. Tôi thật sự muốn nói các nhà khoa học, tôi muốn nói những người ở xa chúng tôi theo mọi nghĩa.

Họ! Khi chúng tôi muốn nói về chính trị, khi chúng tôi muốn lạm dụng hoặc đề cao về mặt chính trị, chúng tôi nói "người Mỹ", "người châu Âu", "người da trắng". Khi chúng tôi muốn nói về những người sản xuất hay chế tạo, tất cả chúng tôi – dù giòng giống nào đi nữa – đều nói "họ". Chúng tôi chia cách những người đó từ các nhóm của đất nước nọ và theo cách đó gắn họ vào với chúng tôi. "Họ làm ra xe hơi chạy trên mặt nước."Họ làm ra vô tuyến nhỏ như bao diêm." Từ "họ" mà chúng tôi nói theo nghĩa đó là rất xa xôi, xa đến nỗi hiếm khi là người da trắng. Họ không thiên vị, họ ở mãi trên mây cao, giống như những vị chúa nhân từ. Chúng tôi chờ đợi sự ban phước của họ, và trương ra những phước lành đó – như chính tôi mang cặp kính rẻ tiền và cái máy ảnh cũ rích mua của Nazruddin cho Ferdinand xem – cứ như thể chúng tôi chịu trách nhiệm về họ vậy.

Tôi cho Ferdinand xem những thứ của tôi như thể tôi để nó đi vào những bí mật sâu xa hơn thuộc số kiếp của tôi, bản chất thực sự cuộc đời tôi nằm dưới sự tầm thường vô vị của những ngày những đêm của tôi. Trên thực tế, tôi và tất cả những người khác giống như tôi trong thị trấn, người châu Á, người Bỉ, người Hy Lạp – tất cả đều ở xa "họ" lắm.

Đó là nỗ lực cuối cùng của tôi để trở thành thầy giáo cho Ferdinand. Giờ đây tôi quyết định đơn giản là cứ để nó thoải mái, như trước kia. Tôi cảm thấy để nó tiếp tục đến cửa hiệu và căn hộ là đã giữ được lời hứa với mẹ nó rồi.

Trường học tạm nghỉ với lý do mùa mưa đã tới,và Zabeth đến thị trấn để mua hàng và mang Ferdinand về cùng. Cô dường như hài lòng với sự tiến bộ của nó. Và không hề tỏ vẻ gì muốn tráo đổi ngôi trường trung học và những quán bar của thị trấn với ngôi làng của Zabeth. Thế là nó về nhà trong kỳ nghỉ. Tôi nghĩ về chuyến đi xuôi dòng sông bằng tàu thuỷ và thuyền độc mộc. Tôi nghĩ về mưa trên dòng sông, về đoàn phụ nữ của Zabeth đi xuyên qua những chặng đường sông về đến ngôi làng bị che giấu, về những đêm đen và những ngày trống rỗng.

Giờ đây bầu trời hiếm khi sáng sủa. Nó đã chuyển từ màu ghi hay xám sang màu bạc gắt. Thời gian này thì chớp loé lên và sấm nổ, thường thì ì ùng ngoài rừng, nhưng cũng có lúc ngay trên đầu. Từ cửa hiệu tôi có thể nhìn thấy mưa bắt đầu xối xả xuống những cây phượng ở chợ. Mưa kiểu này rất tai hại với công việc buôn bán của các chủ cửa hiệu, nó thổi bay mọi thứ quanh những sạp hàng bằng gỗ và đẩy mọi người đến trú mưa dưới mái hiên bạt của các cửa hiệu quanh quảng trường. Tất cả đều biến thành người nhìn mưa, họ uống rất nhiều bia. Những con phố không được trải nhựa đỏ ứa lên vì bùn, đỏ là màu loại đất ưa thích của cây  bụi.

Nhưng đôi khi một ngày mưa kết thúc bằng một hoàng hôn mây vần vũ đầy huy hoàng. Tôi thích nhìn cảnh chiều tà đó từ một chỗ gần ghềnh nước. Một thời nơi đó từng là công viên nhỏ với nhiều trò tiêu khiển, nhưng những gì còn lại của công viên chỉ là một đoạn tường bê tông quay lưng ra sông và một khoảng đất trống trơn trở nên lầy lội trong cơn mưa. Những tấm lưới ngư phủ treo trên những gốc cây đổ khổng lồ giữa những tảng đá ở của dòng sông (chính các tảng đá đó trên sông đã tạo ra cái ghềnh). Tại một điểm nút của khu đất trống có những túp lều rơm, nơi đó đã trở thành một làng chài. Mặt trời lên chiếu ánh sáng qua những khay mây màu ghi, nước chuyển từ màu nâu sang vàng, rồi đỏ và tím. Và luôn luôn có tiếng động không thay đổi của ghềnh nước với vô số những nếp gấp nhỏ của nước vượt qua đá. Đêm tối buông xuống, và đôi khi mưa cũng tới, và tiếng nước tuôn lại thêm vào âm thanh của ghềnh.

Từ trên khúc quanh của dòng sông luôn lao xuống những khóm lan dạ hương nước, những hòn đảo nổi màu nâu trên dòng sông thẫm màu, bập bềnh trên ghềnh. Như thể mưa và dòng sông đã thổi bay cây bụi từ giữa lục địa và ném nó nổi lềnh bềnh trên nước để trôi ra đại dương, cách đó hàng bao dặm. Nhưng lan dạ hương là thành quả của riêng dòng sông. Loại hoa thân cao màu tử đinh hương chỉ mới xuất hiện cách đây vài năm, và trong ngôn ngữ địa phương chưa có từ để chỉ nó. Người ở đây vẫn gọi nó là "vật mới" hoặc "vật mới trên sông", và với họ nó là một kẻ thù. Thân cây và những chiếc lá dai ngoách tạo nên những đám thực vật dầy dính chặt vào hai bên bờ sông và bít dòng nước lại. Nó lớn nhanh, nhanh hơn tốc độ tiêu diệt của con người với các loại dụng cụ có trong tay. Những con kênh nối vào các ngôi làng cần phải phong quang. Đêm ngày loại cây lan dạ hương nước này trôi nổi đến từ phía Nam, tự gieo mầm trên dặm đường chu du của mình.

 

Tôi đã quyết định để mặc Ferdinand làm gì thì làm. Nhưng tôi chợt nhận ra nó có một thái độ khác đối với tôi. Nó không còn xa cách với tôi, và khi nó đến cửa hiệu nó không chăm chăm bỏ tôi lại để đi tìm Metty nữa. Tôi nghĩ hẳn là mẹ nó đã nói với nó về chuyện này. Tôi cũng nghĩ rằng dù vui vẻ khi về ngôi làng của mẹ nó trong kỳ nghỉ, có thể nó bị sốc vì thời gian ở đó – tôi tự hỏi nó trải qua những ngày đó như thế nào – và không còn nhìn thị trấn và cuộc sống ở thị trấn, như trước nữa.

Sự thật rất đơn giản. Ferdinand đã bắt đầu lớn lên và nó đã tự coi mình là một cái gì đó giữa biển cả. Nó có dòng máu pha trộn nhiều bộ lạc, và với nơi này nó là một người xa lạ. Nó không hoàn toàn thuộc về nhóm người nào, và nó không hề tìm được mẫu người nào giống nó cả. Nó không biết phải nghĩ về mình thế nào. Nó muốn tìm cho ra, và nó muốn tôi làm việc đó cùng nó.

Tôi có thể thấy giờ đây nó thử vào nhiều vai, hướng đến nhiều cách hành xử khác nhau. Danh mục đó của nó có hạn chế. Vài ngày sau khi Zabeth tới thị trấn để mua hàng, nó có thể là con trai của mẹ nó, một marchande. Nó có thể vờ trở thành người liên danh để buôn bán với tôi, ngang hàng với tôi, tuyên bố nhiều điều về doanh thu và giá cả. rồi nó có thể biến thành một thanh niên châu Phi đang trưởng thành, học sinh trường trung học, hiện đại, tiên phong. Trong vai trò đó nó muốn mặc bộ đồng phục có in dòng chữ Semper Aliquid Novi, không nghi ngờ gì nữa, nó cảm thấy có thể học được một số cung cách từ các thầy giáo người Âu của mình. Bắt chước một thầy giáo, nó có thể, trong căn hộ, đứng bắt chéo chân dựa vào bức tường trắng của phòng tranh và, đứng bất động ở vị trí đó trong suốt cuộc trò chuyện. Hoặc, bắt chước một thầy giáo khác, nó có thể vừa nói vừa đi vòng quanh chiếc bàn bằng gỗ thô, kéo một vài vật ra, nhìn chúng, rồi lại vứt xuống.

Giờ thì nó lại cố nói chuyện với tôi. Không phải theo cách nó nói với Metty, với tôi nó thử nghiệm một kiểu trò chuyện nghiêm túc rất đặc biệt. Trước nó luôn chờ tôi đặt câu hỏi trước, bây giờ thì nó tự mình trình bày các ý tưởng, các luận đỉêm tranh luận nhỏ bé, vì nó muốn tiếp tục cuộc tranh luận. Trong cuộc chơi này nó vào vai học sinh trung học mới và coi tôi như một thầy giáo dạy ngôn ngữ. Tôi rất thích trò này. Tôi bắt đầu nghĩ đến những gì nên nói khi ở trường trung học – và tôi muốn biết về điều đó.

Một hôm nó nói với tôi "Salim, chú nghĩ gì về tương lai của châu Phi?"

Tôi không nói gì, tôi muốn biết nó nghĩ gì. Tôi tự hỏi liệu rằng nó, dù có sự pha tạp về dòng máu và đã ở nhiều nơi, thực sự có trong đầu một ý tưởng về châu Phi không, hoặc liệu ý tưởng về châu Phi đã đến với nó, cũng như bạn cũ của nó ở trường, từ những cuốn altas. Chẳng phải Ferdinand vẫn là – cũng giống Metty, trong chuyến đi từ bờ biển – kiểu người mà khi ở giữa các bộ lạc xa lạ, thà chết đói còn hơn ăn thức ăn lạ? Liệu Ferdinand có ý tưởng về châu Phi lớn hơn nhiều so với châu Phi của Zabeth, người đi lại rất an toàn từ ngôi làng của cô tới thị trấn chỉ vì cô biết mình được bảo vệ một cách đặc biệt?

Ferdinand chỉ có thể nói với tôi rằng thế giới bên ngoài châu Phi đang lụi tàn, còn châu Phi thì đang đi lên. Khi tôi hỏi nó thế giới bên ngoài lụi tàn thế nào, nó không nói được. Và khi thúc nó vượt qua những gì nó biết được ở trường trung học, tôi thấy những ý tưởng của cuộc tranh luận ở trường học có trong óc nó đã trở nên xáo trộn và bị đơn giản hoá. Những ý tưởng về quá khứ bị lẫn lộn với  hiện tại. Trong bộ đồng phục học sinh của mình, Ferdinand tự thấy nó có tầm quan trọng, như trong những ngày còn thuộc địa. Cùng lúc nó tự thấy mình là con người mới của châu Phi, và trở nên quan trọng bởi lý do này. Ngoài cái lý tưởng về tầm quan trọng của bản thân, nó đã đồng nhất châu Phi vào con người nó, và tương lai của châu Phi không gì khác hơn là nghề nghiệp mà nó sẽ làm sau này.

Những cuộc tranh luận mà Ferdinand, trong vai trò của nó, cố thực hiện với tôi bao giờ cũng kéo dài, bởi vì không phải lúc nào nó cũng biết cách rút ngắn. Nó tranh luận về một vấn đề nào đó, rồi sau lại vứt đi không chút ngần ngại, như thể đó là một bài tập ngôn ngữ mà nó có thể làm tốt hơn vào lần sau. Rồi, mọi chuyện lại quay lại như xưa, nó bỏ tôi lại để đi tìm Metty.

Dù đã biết thêm vè những gì diễn ra ở trường trung học (rất nhanh chóng lại trở về thói thời thượng kiểu thực dân), và những gì diễn ra trong tâm hồn Ferdinand, tôi vẫn không cảm thấy gần gũi với nó hơn. Khi coi nó là một sự huyền bí, xa lạ và nhạo báng đàng sau khuôn mặt đeo mặt nạ, tôi nghĩ nó là một người vững vàng. Giờ đây tôi cảm thấy rằng những trìu mến của nó lớn hơn những trìu mến thông thường, rằng tính cách nó đã trở nên trơn tuột. Tôi bắt đầu cảm thấy sự vô nghĩa ở đó, và ý nghĩ về một trường trung học đầy những Ferdinand làm tôi chán ngán.

 Rồi còn ý tưởng về tầm quan trọng của nó nữa. Điều này làm tôi lo lắng – làm gì có an toàn cho bất kỳ ai tại đất nước này – điều cũng làm Metty lo lắng. Khi bạn ở xa những thủ lĩnh và các chính trị gia thì chỉ còn duy nhất thật sự dân chủ kiểu châu Phi: mọi người đều là dân làng. Metty là một trợ lý bán hàng ở cửa hiệu và là một dạng gia nhân, Ferdinand là học sinh trung học có tương lai; thế mà tình bạn giữa hai đứa lại giống như tình bạn giữa hai người ngang bằng. Tình bạn đó tiếp tục tồn tại. Nhưng Metty, là gia nhân ở nhà tôi, đã tìm thấy hình mẫu để vươn lên làm ông chủ, và nó hẳn tự cảm thấy – với ý nghĩ mới mẻ về giá trị của mình – lại bị bỏ rơi phía sau.

Một hôm đang ở căn hộ thì tôi nghe thấy tiếng bước chân chúng đi vào. Metty đang giải thích về mối quan hệ của nó với tôi và cửa hiệu, giải thích về chuyến đi từ bờ biển.

Metty nói "Gia đình tớ đã quen với gia đình của chú ấy. Họ thường gọi tớ là Billy. Tớ sẽ học kế toán. Tớ sẽ không ở lại đây, cậu biết đấy. Tớ sẽ đi Canada. Tớ sẽ có giấy tờ và mọi thứ. Tớ chỉ còn chờ khám bệnh thôi".

Billy! Tốt thôi, cái tên này gần với Ali. Canada – đó là nơi những người anh rể của tôi đã tới, trong một bức thư tôi nhận được không lâu sau khi Metty tới tôi đã nghe nói về mối lo ngại của gia đình về chuyến "khám bệnh" của người anh rể này. Rõ ràng Metty đã biết được về Canada theo cách đó.

 Tôi gây tiếng động để chúng biết tôi đang ở nhà, và khi chúng vào phòng khách tôi làm ra vẻ không nghe thấy gì cả.

Ít lâu sau, vào một buổi chiều mưa dầm dề, Ferdinand tới cửa hiệu và đột ngột, vẫn  còn ướt như chuột lột, nó nói "Salim, chú phải gửi cháu sang Mỹ học".

Nó nói như thể nó là một người đã tuyệt vọng. Ý tưởng đó bùng cháy trong nó, và rõ ràng nó cảm thấy nếu nó không thoát đi, nó sẽ không bao giờ làm được nữa cả. Nó đến trong cơn mưa nặng hạt, đi qua những đường ngập nước, quần áo nó ướt sũng. Tôi kinh ngạc vài sự đường đột và tuyệt vọng của Ferdinand, và ở lời yêu cầu lớn lao của nó. Với tôi, ra nước ngoài để học tập là điều gì đó thật hiếm hoi và đắt đỏ, cái gì đó ngoài khả năng của gia đình tôi.

Tôi nói "Thế tại sao chú phải gửi cháu đi Mỹ? Tại sao chú phải chi tiền cho cháu?"

Nó không nói gì cả. Sau cơn tuyệt vọng và chuyến đi giữa trời mưa, toàn bộ sự việc hẳn là phải dẫn tới một ý định khác trong cuộc nói chuyện.

Liệu đó chỉ đơn thuần là tính đơn giản của nó? Tôi cảm thấy cơn tức dâng lên – trời mưa, chớp và bóng tối không thật của buổi chiều hẳn là có tác dụng nào đó.

Tôi nói "Tại sao cháu nghĩ chú phải có trách nhiệm với cháu? Thế cháu đã làm gì cho chú?"

Điều này đúng. Thái độ của nó, kể từ khi nó bắt đầu cảm thấy đang hướng tới một nhân vật nào đó, cho rằng tôi đang nợ nó một cái gì đó, chỉ đơn giản là tôi có vẻ luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Nó câm lặng. Nó đứng trân giữa bóng tối của cửa hiệu và nhìn vào tôi không hề tức tối, như thể nó đã dự tính trước tôi sẽ xử sự như thế này, và phải bỏ qua. Trong một lúc mắt tôi và mắt nó giao nhau. Rồi sự nhiệt tình của nó bị xẹp xuống, tôi biết nó sắp chuỷên chủ đề.

Nó lấy tay kéo chiếc áo trắng ướt đẫm ra khỏi da – chiếc áo với dòng chữ của trường trung học trên túi – và nói "Áo cháu ướt mất rồi". Khi tôi không trả lời, nó lại tiếp tục kéo ở một vài chỗ khác rồi nói "Cháu đã đi giữa lúc trời mưa".

Tôi vẫn không trả lời. Nó bỏ mặc cái áo và ngó lơ ra ngoài đường phố ngập nước. Đó là cái cách nó chuẩn bị sau khi đã có một sự khởi đầu sai lầm, những ý đinh về cuộc trò chuyện của nó có thể kết thúc với những câu ngắn như thế, những nhận xét gây tức tối về những gì nó hoặc tôi đang làm. Thế là giờ đây nó nhìn ra ngoài trời mưa và nói những câu đứt quãng về những gì nó nhìn thấy. Có vẻ như nó đã lùi bước.

Tôi nói "Metty ở trong kho ấy. Nó sẽ đưa cháu khăn tắm. Và bảo nó cho cháu một tách trà".

Dù sao đó chưa phải là kết thúc của một chuyện. Với Ferdinand giờ đây không có gì dễ dàng kết thúc hết cả.

Hai lần một tuần tôi ăn trưa với những người bạn Shoba và Mahesh tại căn hộ của họ. Căn hộ này khá loè loẹt và về mặt nào đó rất giống họ. Hai người là một cặp vợ chồng đẹp, rõ ràng đẹp nhất thị trấn. Họ không có đối thủ, cho nên họ luôn tỏ ra kiêu hãnh ngầm. Trong căn hộ của họ, thêm vào những vẻ đẹp thật sự của những tấm thảm Ba Tư và Kashmir và những đồ cổ họ lại thêm vào những đồ vật dởm đời, hào nhoáng – đồ đồng Moradabad giả cổ, những bức tranh sơn mài về các vị thần Hindu sản xuất hàng loạt, những ngọn đèn tường chùm ba sáng chói. Còn có một bức tượng người đàn bà khoả thân bằng thuỷ tinh. Nó cũng có chút nghệ thuật, đồng thời là những gì còn lưu giữ được về vẻ đẹp của một người đàn bà, vẻ đẹp của Shoba – vẻ đẹp cá nhân là nỗi ám ảnh và chủ đề của cặp vợ chồng này, cũng như tiền bạc đối với người giầu.

Một ngày tại bữa trưa Mahesh nói "Thằng bé ở cùng anh sao vậy? Nó đã trở nên malin (láu cá) như tất cả những người khác rồi".

"Metty hả?"

"Hôm trước nó đến chỗ tôi. Nó làm như quen tôi từ lâu rồi ấy. Nó muốn chứng tỏ với thằng bé châu Phi đi cùng nó. Nó bảo nó mang đến cho tôi một khách hàng. Nó nói đứa bé châu Phi là con trai của Zabeth và là bạn thân của anh".

"Tôi không biết thế nào là bạn thân cả. Thế nó muốn gì?"

"Metty bỏ chạy khi tôi bắt đầu nổi cáu, bỏ lại thằng bé. Thằng bé nói nó muốn có một cái máy ảnh, nhưng tôi không nghĩ nó muốn gì hết cả. Nó chi muốn nói thôi."

Tôi nói "Tôi hy vọng nó cho anh nhìn thấy tiền của nó."

"Tôi làm gì có máy ảnh nào cho nó xem. Đó là món hàng không chạy mà, Salim. Lúc nào cũng phải trả hoa hồng, mọi nơi. Hiếm khi hoàn được vốn lắm."

Máy ảnh là một trong số các ý tưởng xôi hỏng bỏng không của Mahesh. Mahesh là như vậy, luôn tìm các ý tưởng nhỏ mà anh nhanh chóng từ bỏ. Anh từng nghĩ du lịch đã bắt đầu sống lại, cùng với những công viên giải trí ở phía Đông thị trấn chúng tôi. Nhưng du lịch thực ra chỉ tồn tại trong những bức ảnh lớn in ở châu Âu cho chính phủ ở thủ đô. Các công viên giải trí đã quay về với thiên nhiên, theo một cách chẳng có ý nghĩa gì cả. Những con đường và các ngôi nhà nghỉ, luôn rất xập xệ, đã biến đi; khách du lịch (người nước ngoài có thể quan tâm đến những thiết bị chụp ảnh rẻ tiền) đã không tới. Mahesh đã phải gửi những chiếc máy ảnh của mình sang phía Đông bằng các trạm chuyên chở mà những người như chúng tôi quen dùng (dù sao cũng là hợp pháp) để gửi hàng hoá đi mọi hướng.

Mahesh nói "Thằng bé nói anh sẽ gửi nó đi Mỹ hoặc Canada để học."

"Tôi sẽ gửi nó đi học gì cơ?"

"Học quản trị kinh doanh. Để nó điều hành công việc kinh doanh của mẹ nó. Phát triển công việc đó."

"Phát triển công việc đó! Mua bán lưỡi dao cạo và bán lại từng cái cho những người ở làng chài!"

"Tôi biết nó chỉ cố ngoằng anh vào với những người bạn của anh".

Một trò ảo thuật đơn giản, nếu bạn nói gì đó về một người với các bạn của anh ta, bạn có thể bắt người đó làm những gì anh ta sẽ làm.

Tôi nói "Ferdinand là người châu Phi đấy".

Khi gặp lại Ferdinand sau đó tôi bảo nó "Bạn chú là Mahesh đã nói với chú là cháu sẽ đi Mỹ để học quản trị kinh doanh. Cháu đã nói với mẹ chưa?"

Nó không hiểu sự mỉa mai ở đây. Kiểu nói chuyện này làm nó không kịp chuẩn bị, nó chẳng biết nói gì cả.

Tôi nói "Ferdinand, cháu không được đi khắp nơi nói với mọi người những điều không đúng như thế. Cháu muốn nói gì về quản trị kinh doanh thế?"

Nó nói "Kế toán, đánh máy, tốc ký. Những gì chú làm ấy"

"Chú không tốc ký. Và đó không phải là quản trị kinh doanh. Đó chỉ là việc của một thư ký quèn. Cháu không đi Mỹ và Canada để học những cái đó đâu. Cháu có thể làm được việc đó ngay tại đây. Chú nghĩ có những chỗ ở thủ đô dạy các môn đó. Và rồi đến lúc cháu sẽ tìm ra việc cháu muốn làm hơn thế."

Nó không thích điều tôi nói với nó. Mắt nó bắt đầu long lanh vì cảm thấy bị nhục mạ và tức giận. Nhưng tôi không để sự việc kéo dài. Nó phải tính toán với Metty, chứ không phải với tôi, nếu thực sự nó có cái để mà tính.

Nó tìm thấy tôi khi tôi sắp đi chơi squash ở Câu lạc bộ Hellenic. Giầy vải, áo phông, vợt, khăn tắm quanh cổ, cũng giống như hồi trước ở khu bờ biển. Tôi rời khỏi phòng khách và đứng ở lối vào để lấy chỗ cho nó đi, để tôi có thể khoá cửa. Nhưng nó vẫn ở lại trong phòng khách, không phải để chờ Metty.

Tôi ra đến tầng đệm của cầu thang. Hôm đó mất điện. Khói từ những cái lò than và những đốm lửa xanh hồng xuất hiện giữa những cái cây rậm rạp – cây bánh mì, cây hoa đại, cây phượng – tạo ra hình ảnh ngôi làng trong vùng với một nơi ở, mà tôi từng nghe nói, vào những ngày xa xưa khi cả người châu Phi lẫn người châu Á đều chưa được phép sống. Tôi biết những cái cây này từ hồi còn ở bờ biển. Tôi cho là chúng cũng được nhập khẩu đến đó; nhưng tôi gắn chúng với bờ biển và nhà tôi, một cuộc sống khác. Vẫn những cái cây đó, nhưng ở đây chúng có vẻ thật nhân tạo, giống như bản thân thị trấn. Chúng quen thuộc, nhưng chúng nhắc tôi nhớ mình là ai.

 

Tôi không nghe gì về chuyện Ferdinand đi học nước ngoài nữa, và nó cũng nhanh chóng trút  bỏ lốt một học sinh trung học sáng chói. Nó bắt đầu thử một thứ khác mới mẻ. Không còn cái dáng đứng dựa vào tường với hai chân bắt chéo nhau, không còn lối đi lại quanh cái bàn gỗ thô,  cầm lên và ném xuống các vật nữa, cũng không còn cuộc tranh luận nghiêm túc nào nữa.

Giờ đây nó có khuôn mặt nghiêm nghị, cách diễn đạt úp mở và khép kín. Nó luôn ngẩng cao đầu và đi lại chậm chạp. khi ngồi lên đi văng trong phòng khách, nó ngồi vào sâu đến nỗi đôi khi lưng nó chạm đến tận chỗ dựa. Nó tỏ ra chán nản, buồn bã. Nó nhìn mà như không thấy gì, nó luôn sẵn sàng nghe, nhưng không buồn nói gì cả - đó là ấn tượng nó cố gây ra. Tôi không biết Ferdinand đóng vai này của ai, và phải qua miệng Metty tôi mới hiểu Ferdinand muốn hướng tới điều gì.

Trong học kỳ này tại trường trung học có một số thằng bé đến từ các bộ lạc hiếu chiến phía Đông. Chúng rất cao lớn, và Metty sợ hãi nói với tôi rằng những đứa này được đưa đi trên những cái kiệu do nô lệ của chúng khiêng, họ là những người thuộc chủng tộc hèn kém hơn. Những con người cao lớn của rừng rú này luôn ngưỡng mộ châu Âu. Khi đó tôi nhớ ra có những bài báo về họ trên các tờ tạp chí – những người châu Phi không quan tâm gì tới trồng trọt hoặc buôn bán mà chỉ trông vào, một đặc điểm rất giống người châu Âu, những người châu Phi khác. Sự ngưỡng mộ châu Âu này vẫn còn tồn tại, các bài báo và bức ảnh tiếp tục xuất hiện trên các tờ tạp chí, dù cho có những thay đổi ở châu Phi. Trên thực tế, giờ đây có những người châu Phi cảm thấy như người châu Âu, và coi các bộ lạc hiếu chiến là tộc người cao đẳng nhất ở châu Phi.

Tại trường trung học, dù thế nào chăng nữa vẫn còn tính chất thực dân, những thằng bé mới đã tạo ra một sự xáo động. Ferdinand, cả bố mẹ đều làm về thương mại, đã quyết định thử vai một  chiến bịnh cô độc của rừng rậm. Nó không thể làm trò đó ở trường trung học và ra cái vẻ đã quen được các nô lệ  chờ đợi. Nhưng nó nghĩ nó có thể đóng vai đó trước mặt tôi.

Tôi biết những điều khác về vương quốc rừng rậm. Tôi biết rằng các tộc người nô lệ đã vùng lên và đã bị thảm sát và phải tiếp tục phục tùng. Nhưng châu Phi rộng lớn lắm. Cây bụi tiếp tục làm biến mất đi âm thanh của vụ giết người với những dòng sông con hồ đầy bùn rửa sạch những vết máu.

Metty nói "Chúng cháu phải đến đó, patron. Cháu nghe nói đó là nơi tốt đẹp duy nhất còn lại ở châu Phi. Vẫn còn nhiều người da trắng ở đó lắm. Cháu nghe nói Bujumbura chẳng khác gì Paris đâu."

Nếu tôi tin rằng Metty hiểu một phần tư những gì nó nói, nếu tôi tin, chẳng hạn, rằng nó thực sự ngóng trông những người da trắng ở Bujumbura, hoặc biết Canada ở đâu và như thế nào, thì hẳn tôi sẽ lo lắng vì nó lắm. Nhưng tôi biết nó rõ hơn thế nhiều, tôi biết nó nói chuyện chỉ để mà nói. Vẫn thế thôi, nói không ngừng! Những người da trắng đã bị đẩy bật đi khỏi thị trấn chúng tôi và những công trình của họ bị phá huỷ. Nhưng vẫn còn nhiều người da trắng ở đó, tại một thị trấn khác, và các chiến binh cũng như nô lệ. Và đó là hào quang của những thằng bé dòng dõi chiến binh, hào quang đối với Metty và hào quang đối với Ferdinand.

Tôi bắt đầu hiểu thế giới đơn giản và chẳng có gì phức tạp hết cả. Với những người như tôi và Mahesh, và những người Hy Lạp và Italia vô giáo dục ở thị trấn chúng tôi, thế giới là một nơi khá là đơn giản. chúng tôi có thể hiểu nó, và nếu không có quá nhiều trở ngại chúng tôi  còn có thể làm chủ nó. Không có gì quan trọng khi chúng tôi ở xa nền văn minh của chúng tôi, xa khỏi những người chế tạo và sản xuất. Không quan trọng gì  việc chúng tôi không thể làm được những gì chúng tôi muốn sử dụng, bởi vì mọi người thậm chí không hề có kỹ năng kỹ thuật của những người tiền sử. Trên thực tế, càng ít học thì chúng tôi lại càng được đến trong thanh bình, chúng tôi càng dễ tiếp nối nền văn minh của chúng tôi hoặc các nền văn minh khác.

Với Ferdinand thì không có khả năng đó. Nó không bao giờ có thể đơn giản. Nó càng cố càng trở nên lẫn lộn. Trí óc nó rỗng tuếch, tôi bắt đầu nghĩ thế. Đó là một mớ hổ lốn, đầy những thứ vớ vẩn.

Cùng với việc những thằng bé các bộ lạc chiến binh xuất hiện, ở trường trung học bắt đầu có những lời khoác lác và tôi bắt đầu cảm thấy Ferdinand – hoặc ai đó – cũng đã khoác lác về tôi. Hoặc là cái gì đó không đúng về tôi. Cả thế giới dường như chỉ quay xung quanh cái ý nghĩ rằng tôi quan tâm đến giáo dục và các lợi ích cho giới trẻ châu Phi.

Các chàng thanh niên, không phải tất cả đều là học sinh trường trung học, lũ lượt kéo đến cửa hiệu, có khi cầm sách trên tay, có khi với bộ đồng phục Semper Aliquid Novi rõ ràng là đi mượn. Chúng muốn tiền. Chúng nói chúng nghèo và muốn tiền để có thể tiếp tục học tập. Một số kẻ ăn mày đó rất táo tợn, đi thẳng đến chỗ tôi và nói ra những yêu cầu, những đứa nhút nhát lượn quanh quẩn cho đến khi thấy không có ai trong cửa hiệu. Chỉ một số mới nghĩ đến việc phải bịa ra các câu chuyện, và những câu chuyện đó thì giống hệt chuyện của Ferdinand, một người cha bị chết hoặc ở xa, mẹ ở làng, một đứa trẻ không được bảo vệ và đầy tham vọng.

Tôi kinh ngạc trước sự ngu ngốc này, rồi tôi bực mình, tôi phát điên lên. Không một đứa nào trong số đó để ý đến việc bị Metty tống khứ khỏi cửa hiệu, một số còn vác mặt quay lại nữa. Cứ như thể chẳng đứa nào thèm quan tâm đến những phản ứng của tôi, cứ như thể ở nơi nào đó tại thị trấn tôi đã được gán cho một "tính cách" đặc biệt, và điều tôi nghĩ về chính bản thân mình chẳng có tầm quan trọng nào hết. Rằng cái đó chẳng gây ngán ngẩm tí nào. Tính vô tội, ngây thơ chẳng ra ngây thơ này -  tôi nghĩ chỉ có thể do Ferdinand chỉ lối, do cái cách nó suy diễn từ mối quan hệ của chúng tôi và ý tiếng của nó về điều mà tôi có thể có ích.

Tôi đã nói với Mahesh, rất nhẹ nhàng, về những vấn đề đã được giản lược hoá vì lợi ích của một người đầy thiện chí "Ferdinand là một người châu Phi". Ferdinand có lẽ làm điều nó làm với tôi với lũ bạn của nó, khi giải thích mối quan hệ với tôi. Và giờ đâyh tôi cảm thấy hết những lời dối trá và tráo trở của nó, cảm thấy cái nhân vật nó gán cho tôi, một cái mạng dã được tung ra trùm lên tôi. Tôi trở nên hết sức khổ sở.

Có lẽ điều này là đúng với tất cả chúng tôi, những người nước ngoài ở đất nước này. Những sự kiện mới đã chỉ ra sự vô vọng của chúng tôi. Giờ đã có hoà bình theo cách nào đó, nhưng toàn bộ chúng tôi – người châu Á, Hy lạp và những người châu Âu nữa – vẫn rất khổ sở, vì bị đối xử theo những cách khác. Một số sợ hãi, cư xử hết sức cẩn trọng, cần phải tỏ ra tận tuỵ với ai đó, những người khác làm giống tô. Điều đó đã có trong lịch sử của vùng này, tại đây con người thường xuyên là con mồi. Bạn không cảm thấy tàn độc đối với con mồi của mình. Bạn tạo ra một cái bẫy cho nó. Cái bẫy có thể hụt mười lần, nhưng nó vẫn luôn là cái bẫy mà bạn dựng lên.

Không lâu sau khi tôi đến Mahesh nói với tôi về những người châu Phi bản địa "Anh không bao giờ được quên, Salim ạ, rằng họ malin lắm", Anh nói tiếng Pháp, vì những tữ tiếng Anh mà anh có thể dùng – "tinh quái", "láu lỉnh", "xấu tính" – đều không đúng. Những người ở đây malin theo kiểu malin của một con chó đuổi theo một con thằn lằn, hoặc giống như cách một con mèo đi bắt chim. Những người ở đây malin bởi vì họ biết rằng con người chỉ là những con mồi.

Họ không phải là những người ngu ngốc. Họ rất nhỏ và nhẹ cân. Như thể để trừng phạt sự mênh mông của sông và rừng ở đây, họ thích chính mình làm người khác bị thương tổn. Họ không sử dụng nắm đấm. Họ sử dụng lòng bàn tay, họ thích đẩy, xô lấn, vỗ tay. Buổi đêm, hơn một lần, bên ngoài một quán bar hoặc một tiệm nhảy nhỏ, tôi nhìn thấy một kẻ như thể đã say xỉn đẩy và xô, một tràng vỗ tay, trở thành một tên giết người có hệ thống, như thể vết thương thứ nhất và chỗ chảy máu thứ nhất làm cho nạn nhân biến thành cái gì đó kém một con người,và thúc đẩy tên sát nhân hoàn thành sự tàn phá của mình.

Tôi không được bảo vệ. Tôi không có gia đình, không cờ, không vật tổ. Ferdinand đã nói gì với lũ bạn của nó về điều đó? Tôi cảm thấy đã đến lúc tôi phải chấn chỉnh mọi việc với Ferdinand, và cho nó biết một điều khác về tôi.

Tôi sớm tìm thấy cơ hội. Một buổi sáng có thằng nhóc ăn vận bảnh bao bước vào cửa hiệu với một quyển sổ cái cầm tay. Nó thuộc loại người rụt rè. Nó nhìn quanh, tìm người và khi nó đi đến chỗ tôi, tôi nhìn thấy cuốn sổ không có vẻ gì là sổ kinh doanh như thoạt nhìn. Gáy của cuốn sổ màu đen và nham nhở vì bị cầm nhiều. Tôi cũng nhìn thấy cái áo của nó, rõ ràng là cái áo đẹp nhất nó có, không sạch sẽ như tôi nghĩ. Đó là một cái áo đẹp nó chỉ mặc vào những dịp đặc biệt, rồi cởi ra và treo lên một cái mắc áo, rồi mặc lại khi có một dịp đặc biệt khác. Cổ áo vàng ệch ra ở bên trong.

Nó nói "Mis Salim".

Tôi cầm lấy cuốn sổ, còn nó ngó lơ, mi mắt sụp xuống.

 Cuốn sổ thuộc về trường trung học và nó đã cũ lắm rồi. Nó là một vật thuộc về giai đoạn cuối của chế độ thực dân: cả một danh sách đăng ký cho một phòng tập thể dục mà trường trung học từng có kế hoạch xây dựng. Bên trong bìa là nhãn của trường, với những cánh tay và khẩu hiệu. Đối diện với đó là cái nổi bật hơn cả, bằng lối viết tng Anh bằng tay thuôn và đều đã bị người châu Phi ở đây quên đi. Người đóng góp đầu tiên là thống đốc tỉnh, và ông ta ký thật rõ ràng, trên cả một trang giấy. Tôi mở các trang, nhìn vào những chữ ký riêng của các quan chức và thương gia. Tất cả còn mới, nhưng dường như đã thuộc về một thế kỷ nào trước đây.

Tôi nhìn thấy, với sự quan tâm đặc biệt, chữ ký của một người thuộc cộng đồng chúng tôi mà Nazruddin từng nói đến. Người này có những ý tưởng rất cổ về tiền bạc và sự an toàn, ông ta dùng sự giàu có của mình để xây lên một cung điện, mà ông ta đã phải rời bỏ sau độc lập. Các lái buôn, những người đã thiết lập quyền lực cho chính phủ trung ương, đã đến đóng ở đó, giờ đây cung điện là một trại lính. Ông ta đóng góp một khoản tiền lớn. Tôi thấy chữ ký của Nazruddin – tôi ngạc nhiên, tôi đã quên rằng ông đã từng ở đây, ở giữa những cái tên của thời thực dân đã chết này.

Phòng tập thể dục vẫn chưa được xây. Tất cả những phô trương về lòng trung thành và lòng tin vào tương lai và niềm tự hào công dân này đã đi tong.  Nhưng cuốn sổ vẫn còn lại. Giờ đây nó đã bị đánh cắp, những tài sản bằng tiền được công nhận. Ngày thágn đã bị viết đè lên, rất rõ, và tên của cha Huisman đã được viết đè lên chữ ký của người đứng đầu giáo xứ trước ông.

Tôi nói với thằng bé đứng trước mặt "Tôi sẽ giữ cuốn sổ này. Tôi sẽ đưa nó cho những người sở hữu nó. Ai đưa cho anh cuốn sổ này? Ferdinand phải không?"

Trông nó thật thê thảm. Mồ hôi bắt đầu rịn ra từ cái trán thấp của anh ta, và anh ta lau vội nó đi. Anh ta nói "Mis Salim".

"Anh đã làm việc của anh rồi. Anh đưa cho tôi cuốn sổ. Bây giờ thì đi đi".

Anh ta vâng lời.

Ferdinand đến vào buổi chiều hôm đó. Tôi biết nó – nó muốn nhìn vào mặt tôi, và tìm ra dấu hiệu về cuốn sổ. Nó nói "Chú Salim?" tôi không thèm nói. Tôi để nó đứng đấy. Nhưng nó không phải đứng đó lâu.

Metty đang ở trong nhà kho,và Metty hẳn là phải nghe thấy tiếng nó. Metty gọi "Oo-ông!" Ferdinand trả lời, và đi vào nhà kho. Nó và Metty bắt đầu chuyện trò trong đó. Cơn nóng giận của tôi trào lên khi nghe những âm thanh thoả mãn rì rào, nhiều ngữ điệu đó. Tôi lấy cuốn sổ về phòng tập thể dục từ ngăn kéo bàn và đi vào nhà kho.

Căn phòng, với một cửa sổ nhỏ có chấn song ở trên cao, một nửa đang ở trong bóng tối. Metty đang ở trên thang, đang kiểm lại hàng ở những giá tường. Ferdinand đang cúi xuống những cái giá ở bức tường khác, chỉ ngay dưới cửa sổ. Thật khó để nhìn thấy mặt nó.

Tôi đứng ở cửa ra vào. Tôi phác một cử chỉ về phía Ferdinand với cuốn sổ và nói "Cháu đang gặp rắc rối đấy"

Nó nói "Rắc rối gì cơ?"

Nó nói theo cái lối thẳng băng, không âm sắc của nó. Nó không hề muốn tỏ ra châm biếm, nó thực sự hỏi tôi đang nói về chuyện gì. Nhưng tôi thật khó nhìn thấy mặt nó. Tôi nhìn thấy lòng trắng mắt nó, và tôi nghĩ tôi nhìn thấy khoé miệng nó đang nhăn ra thành một nụ cười. Khuôn mặt này gợi đến những cái mặt nạ đầy ghê sợ! Và tôi nghĩ: phải – rắc rối gì cơ?

Nói về rắc rối là tự coi như là có luật lệ và điều chỉnh mà ai cũng phải công nhận. Ở đây chẳng có gì hết cả. Cũng đã từng có trật tự ở đây, nhưng trật tự đó cũng có những vô lý và tàn ác – điều đó giải thích tại sao thị trấn đã bị bốc sạch. Chúng tôi sống trong sự đổ nát đó. Thay vì những quy định thì giờ đây chỉ các quan chức mới có thể phán định bạn đúng, sau khi bạn đã trả tiền. tất cả những gì tôi có thể nói với Ferdinand là "Đừng có làm hại ta, cậu bé, bởi vì ta có thể làm hại cháu nhiều hơn thế".

Tôi  bắt đầu nhìn thấy gương mặt nó rõ ràng hơn.

Tôi nói "Cháu hãy mang cuốn sổ này trả về cho cha Huismans. Nếu cháu không làm, thì chính chú sẽ làm. Và chú sẽ thấy ông ta đuổi thẳng cháu về nhà".

Trông nó tái nhợt, như thể bị tấn công. Rồi tôi nhận ra Metty đứng trên cầu thang. Metty căng thẳng, hồi hộp; mắt nó đã phản bội lại nó. Và tôi biết là tôi đã sai lầm, đã dồn hết sự tức giận lên đầu Ferdinand.

Đôi mắt Ferdinand sáng  bừng lên, và lòng trắng càng lộ rõ ràng hơn. Đến lúc này, vào cái thời điểm khủng khiếp này, trông nó giống như một nhân vật hoạt hình trong một bộ phim cổ lỗ. Nó dường như đang cúi về trước, suýt mất thăng bằng. Nó thở thật sâu. Mắt nó rời khỏi mặt tôi. Nó đang điên lên vì tức, cảm giác bị xúc phạm đã làm nó trở nên điên rồ. Hai tay nó để thẳng và rộng ở hai bên sườn nên trông như dài hơn thường lệ. Đôi bàn tay nó co cứng lại. Miệng nó mở rộng. Nhưng điều tôi nghĩ là một nụ cười lại hoàn toàn không phải nụ cười. Nếu ánh sáng rõ hơn tôi có thể thấy cái đó từ đầu.

Trông nó thật đáng sợ, và tôi chợt nghĩ: đó là cách xử sự của nó khi nhìn thấy máu nạn nhân của mình, khi nó thấy kẻ thù bị giết. Và tiếp theo ý nghĩ đó là một ý nghĩ khác "Sự điên giận đang bao trùm lên cả thị trấn".

Tôi có thể đẩy sự việc lên cao hơn, và biến sự giận dữ đó thành những giọt nước mắt. Nhưng tôi đã không đẩy lên. Tôi nghĩ tôi đã cho cả hai đứa một ý tưởng mới về việc tôi là người như thế nào, và tôi để chúng lại trong nhà kho để bình tâm lại. Một lúc sau tôi nghe chúng nói với nhau, nhưng rất nhỏ.

Vào lúc bốn giờ, giờ đóng cửa, tôi gọi to Metty. Và nó, sung sướng  vì có cơ hội để đi ra ngoài và được hoạt động nói, "Patron", và nhăn nhó mặt mày để chứng tỏ nó làm công việc đóng cửa hàng nghiêm túc đến mức nào.

Ferdinand đi ra, khá bình tĩnh, bước di với bước chân nhẹ nhàng. Nó nói "Salim?" tôi nói "Chú sẽ mang trả cuốn sổ". Và tôi nhìn thấy nó bước đi trên đường phố đỏ quạch, cao lớn, buồn bã và chậm chạp dưới những cây phượng không lá, đi ngang qua những quầy hàng chợ của thị trấn.