ẤT CẢ NHƯNG THỨ KỂ TRÊN - điều kiện sinh hoạt của tôi, cách ăn vận của nàng và cuộc bơi thuyền dưới ánh trăng - tất cả đều xảy ra cùng một lúc. Tất cả đều vào hùa với nhau. Sau hàng chục lần thất bại, bây giờ mới thành công. Đúng như một cái bẫy. Thật vậy, tôi không nói đùa đâu, ngày nay những cuộc hôn nhân được xếp đặt giống như một cái bẫy. Hôn nhân lả phải theo đường lối tự nhiên. Đường lối tự nhiên như thế nào? Con gái đến tuổi thì phải gả chồng, nếu nàng coi được và nếu có đàn ông muốn cưới. Chuyện đơn giản chỉ có vậy.
Ngày xưa người ta thường làm như vậy. Con gái lớn lên thì cha mẹ lo tìm đám gả. Ngày nay cũng thế. Người Tàu, người Ấn Độ, người Hồi Giáo, cả giới lao động của xã hội chúng ta, đến 99 phần trăm nhân loại đều theo đường lối đó. Chỉ có một phần trăm hoặc ít hơn trong giới chúng ta, những con người phóng đãng, lại cho đó là không đúng nên mới bày đặt ra một đường lối mới. Đường lối mới như thế nào? Các cô ngồi chờ cho đàn ông qua lại chọn lựa giống như người ta lựa một món hàng ở ngoài chợ. Ngồi chờ mà nghĩ thầm trong bụng: “Em đây nè! Chọn em đi! Cô đó không được đâu! Em mới đúng. Coi vai em này! ngực em này!” Những người đàn ông chúng ta đi đi lại lại, đưa mắt nhìn cô này, liếc cô kia, tỏ vẻ hài lòng lắm: “Tôi biết cả rồi, các cô ơi. Tôi không bị mắc bẫy đâu!” Thế rồi, trong một phút bất ngờ, rụp một cái, có người bị mắc bẫy!
Tôi hỏi:
- Làm thế nào hơn được? Người đàn bà phải tỏ tình trước sao?
- Ồ, tôi không biết thế nào. Nếu chủ trương nam nữ bình quyền, thì cứ việc thi hành đi! Người ta cho những cuộc hôn nhân có xếp đặt trước là nhục nhã. Nhưng cái lối mời này còn nhục nhã gấp trăm ngàn lần hơn. Tuy có xếp đặt nhưng quyền lợi và hoàn cảnh may rủi còn đồng đều. Đàng này người đàn bà giống như một tên nộ lệ bày bán ngoài chợ hoặc như một miếng mồi để đánh bẫy đàn ông. Hãy nói với bất cứ bà mẹ hoặc cô gái nào là họ chỉ lo câu chồng. Trời ơi! họ sẽ cho là mình bị sỉ nhục. Tuy nhiên, tất cả họ đều làm thế, không có cách nào khác hơn. Đáng thương hơn nữa, cả những cô gái ngây thơ trong trắng đôi khi cũng đi vào con đường đó. Giá họ làm công khai đi cho cam! Nhưng trước sau cũng vẫn chỉ là lường gạt: “Ô, Lily cháu nó ham hội họa lắm. Ông có đi xem triển lãm không? Hữu ích lắm! Còn những buổi trình diễn, những cuộc hòa tấu nữa. Hay lắm! Lyly cháu nó mê âm nhạc như điên. Ông đồng quan điểm với chúng tôi chứ? Lại còn những cuộc bơi thuyền nữa...” Nhưng trong thâm tâm họ chỉ có mỗi một mục đích: “Lấy tôi đi! Lấy con Lyly của tôi đi!” Ô, tởm quá! Giả dối quá!
Ông ta kết luận xong, uống nốt ly trà rồi dọn dẹp đồ đạc lại.