GƯỜI SOÁT VÉ ĐI VÀO. THẤY NGỌN đèn cầy cháy gần hết, hắn tắt luôn, không cho chúng tôi cây khác. Ngày đang rạng sáng. Trong suốt thời gian người soát vé còn trong toa, ông Phổ không nói, chỉ thở dài thườn thượt. Đợi người soát vé đi, ông ta mới kể tiếp. Trong bóng tối mờ mờ, chỉ nghe tiếng các cửa sổ kêu lách cách theo nhịp xe chạy và tiếng ngáy đều đều của chàng thơ ký. Tôi không thấy rõ bộ mặt ông Phổ, chỉ nghe tiếng ông ta mỗi lúc một đượm vẻ bứt rứt, đau xót:
- Tôi phải đi xe ngựa trên quãng đường khoảng ba chục cây số và tám giờ xe lửa. Đi xe ngựa thú vị thật! Tiết thu lành lạnh. Trời thu trong vắt, chan hòa ánh nắng. Bánh xe in rõ trên mặt đường thành những vệt dài đen đậm. Mặt trời càng lên, tôi càng cảm thấy dễ chịu hơn. Ngắm những ngôi nhà, những cánh đồng, những người qua lại, tôi quên hết, không còn nhớ mình đi đâu. Đôi khi tôi có cảm giác mình đang đánh xe dạo chơi miền quê và chẳng có chuyện gì xảy ra ở nhà. Sống trong quên lãng như vậy tôi thấy thú vị đặc biệt. Nhưng khi chợt nhớ lại mình đang trên đường về, tôi tự nhủ: “Đừng nghĩ gì cả. Đến bấy giờ hãy hay! “Đi được nửa đường, một tai nạn xảy ra làm tôi chậm trễ, nhưng cũng làm tôi khuây khỏa. Xe ngựa gẫy bánh và phải sửa chữa. Tai nạn bất ngờ này tuy thế mà lại hóa ra quan trọng, vì đáng lẽ về tới Mốt-cu vào khoảng bảy giờ tối như chương trình đã định, tôi phải đợi tới quá nửa đêm mới về đến nhà. Bởi vì tôi lỡ mất chuyến Xe lửa tốc hành và phải di chuyển thường. Chờ cho người ta sửa xe, vào quán uống trà, truyện trò lai rai với người chủ quán... Những việc ấy khiến tôi quên hết. Mãi xẫm tối xe mới sửa xong. Cuộc hành trình lại bắt đầu. Đi xe ngựa ban đêm còn thú vị hơn ban ngày nữa. Mảnh trăng non tỏ hiện. Sương lơi nhè nhẹ. Đường tốt. Ngựa dẻo dai. Người lái xe vui tính. Bằng ấy thứ khiến cho cuộc hành trình thật dễ chịu. Tôi cảm thấy thích thú vì quên đi được những chuyện đang chờ mình ở nhà, hay có lẽ chỉ vì thấy mình sắp phải từ giã những lạc thú ở đời. Nhưng khi đoạn đường xe ngựa chấm dứt thì sự bình an của tâm hồn cũng chấm dứt theo. Vừa lên xe lửa, tôi cảm thấy khác hẳn. Cuộc hành trình kéo dài tám tiếng trên xe lửa là một cực hình tôi còn nhớ mãi suốt đời. Không biết là tại ngồi vào toa xe, tôi tưởng tượng mình sắp tới nơi, hay chuyến xe lửa đêm đó có tác dụng đặc biệt như vậy. Tôi chỉ biết rằng vừa ngồi xuống ghế xong, tôi không kềm hãm trí tưởng tượng mình được nữa. Đầu óc tôi phác vẽ liên tiếp những hình ảnh thật rõ rệt diễn tả những cảnh đang xảy ra ở nhà lúc tôi vắng mặt, cảnh nàng phản bội tôi, làm máu ghen tôi nổi lên. Người tôi nóng ran vì tức giận, vì nhục nhã. Những hình ảnh đó ám ảnh tôi, mỗi lúc một hiện rõ thêm trong đầu óc tôi, không thể nào xóa bỏ hoặc quên đi hoặc nhắm mắt lại không nhìn được.
Chưa hết. Càng nhìn những hình ảnh tưởng tượng ra đó, tôi càng tin là chúng có thực. Càng tin là chúng có thực, chúng càng hiện rõ trước mắt tôi. Hình như có một con quỉ hoành hành trong tôi. Nó khêu gợi những cảnh tượng ma quái, nó phác vẽ những hình ảnh đáng sợ ấy ngoài sự kiểm soát của tôi. Tôi nhớ lại câu chuyện người anh ruột của Trúc đã nói với tôi. Tôi đem so với hoàn cảnh của Trúc và nhà tôi mà đau nhói trong tim.
Chuyện xảy ra đã lâu. Người anh ruột của Trúc kể rằng: một hôm có người hỏi anh ta tại sao không lui tới xóm binh khang, anh ta trả lời là một khi đã tìm ra người đàn bà nào tử tế thì đến những nơi nhơ bẩn thiếu vệ sinh đó làm gì cho mắc bệnh. Bây giờ người em ruột của anh ta đã tìm ra nhà tôi rồi đó! Tôi tưởng tượng như hắn nghĩ trong bụng: “Nàng chẳng còn là gái tơ, đã mất một chiếc răng hàm, thân hình đã bắt đầu mập phì. Nhưng chưa sao. Mình phải biết lợi dụng thời cơ chứ!” Tôi nghĩ thêm: “Phải, hắn nể lắm mới nhận nàng làm nhân tình! Hơn nữa, nàng bảo đảm mà! Khỏi lo mắc bệnh!” Nhưng, tôi hoảng hồn phản ứng ngay: “Không, không thể được! Không thể nào xảy ra như thế được. Nàng đã chẳng nói với mình là nguyên cái việc mình ghen với hắn cũng đủ hạ nhục nàng sao?” Rồi tôi la lên: “Nhưng nàng đã nói dối! Nàng chuyên môn nói dối mà!” Cứ như vậy, tôi tự hỏi rồi tự trả lời lấy, rồi mâu thuẫn lung tung. Nội tâm tôi là một mớ bòng bong không thể nào gỡ rối được...
Trên xe, chỉ còn hai hành khách nữa. Đó là đôi vợ chồng già ít nói. Đến ga kế, họ cũng xuống nốt, còn lại một mình tôi. Như một con thú bị nhốt trong chuồng, tôi đứng bật dậy, chạy ra phía cửa sổ, đi qua đi lại như muốn đẩy cho toa xe chạy nhanh hơn, nhưng toa xe còn đầy đủ cả ghế ngồi và cửa sổ, chỉ rung chuyển lách cách như toa xe chúng ta đang ngồi đây thôi...
Ông Phổ đứng bật dậy, đi thêm mấy bước, rồi lại trở về chỗ ngồi kể tiếp:
- Ồ! Tôi sợ những toa xe, sợ những toa xe lửa quá. Thật là khủng khiếp! Tôi tự nhủ: “Mình cố nghĩ đến chuyện khác. Chẳng hạn mình nghĩ đến người chủ quán nơi mình đã uống trả hồi nãy.” Thế là trong trí tôi hiện ra người chủ quán với bộ râu dài, có đứa cháu trai bằng tuổi thằng Văn nhà tôi. “Thằng Văn à! Trời ơi, nó sẽ thấy chàng nhạc sĩ hôn má nó. Cảnh tượng ấy ảnh hưởng tới tâm hồn thơ dại nó như thế nào? Nhưng mà nó bất cần. Má nó đang yêu mà!” Lại chuyện đó nữa! “Thôi, bỏ đi! Mình nghĩ đến cảnh bệnh viện trên quận. Ồ, phải rồi hôm qua có bệnh nhân phàn nàn về ông bác sĩ. Ông bác sĩ đó có bộ râu giống hệt như Trúc. Cái thằng trơ trẽn thiệt. Chúng nó đã phỉnh gạt ta. Hắn bảo hắn đi Mốt-Cu.” Lại chuyện đó nữa rồi! Nghĩ đi đâu thì nghĩ, cuối cùng lại trở về chuyện đó. Tôi đau khổ tột bực. Lý do chính là vì tôi ngu dốt, tôi nghi ngờ, tôi mâu thuẫn lung tung, tôi không biết mình nên yêu hay nên ghét nàng. Nỗi đau khổ của tôi mang tính cách kỳ lạ. Tôi cảm thấy mình bị nhục nhã trước thắng lợi của hắn, cảm thấy ghét nàng kinh khủng. “Kết liễu cuộc đời mình và bỏ nó lại? Ồ, đâu có được, ít nhất nó cũng phải khổ và biết đã làm mình khổ.” Tôi tự nói thầm như vậy. Tới ga nào tôi cũng xuống cho khuây khỏa. Đến một ga, thấy mấy người đang nhậu nhẹt. Tôi nhập bọn liền. Bên cạnh tôi là một người Do-Thái. Hắn cũng đang uống rượu. Hắn gợi chuyện với tôi. Không muốn ngồi một mình, tôi theo hắn vào toa hạng ba nhơ bẩn, khói khắm, đầy rác rưỡi. Tôi ngồi đấu chuyện với hắn. Hắn ba hoa kể đủ thứ chuyện vui. Tuy nghe hắn nói, mà hồn tôi để đâu đâu. Tôi không sao quên được những chuyện của riêng tôi. Hắn thấy như vậy và bắt tôi phải chú ý nghe. Tôi đứng dậy trở về toa của tôi. Tôi nói thầm: “Mình phải nghĩ kỹ lại. Điều mình nghi ngờ có đúng không? Có lý do gì để phải khổ như thế này không?” Tôi ngồi xuống, muốn suy nghĩ lại một cách bình tĩnh. Nhưng thay vì bình tĩnh suy nghĩ, những hình ảnh, những tưởng tượng lại ào ào kéo tới. Nhớ lại những cơn ghen tuông từ mấy lần trước, tôi tự nhủ: “Đã biết bao lần mình khổ như thế này, rốt cuộc cũng chẳng đi tới đâu. Lần này có lẽ rồi cũng vậy. Phải, chắc chắn rồi cũng vậy. Mình sẽ gặp nàng đang ngon giấc. Nàng sẽ thức dậy vui vẻ đón mình về. Căn cứ vào lời nói, điệu bộ của nàng, mình sẽ rõ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Toàn là tưởng tượng! Ô, sung sướng biết bao!” Nhưng thâm tâm tôi hình như cãi lại: “Không, lần trước khác, lần này khác.” Thế là tấn thảm kịch nội tâm lại bắt đầu. Cái khó là ở chỗ đỏ. Một điều khổ tâm nữa là tôi tự coi mình có toàn quyền trên thân xác nàng, coi thân xác nàng như thân xác tôi. Đồng thời tôi lại cảm thấy mình không kiểm soát được thân xác ấy, vì thân xác ấy đâu phải là của mình. Tôi cũng biết thân xác nàng thì nàng sử dụng theo ý nàng chứ đâu có theo ý tôi. Như thế có nghĩa là tôi hoàn toàn bất lực đối với nàng cũng như đối với hắn. Hắn giống như anh chàng Văn Ca trước khi lên đoạn đầu đài còn hãnh diện ca tụng đôi môi mềm của bà chủ. Hắn cũng sẽ thắng như vậy. Nếu nàng chưa làm chuyện đó, nhưng mới ao ước làm - và tôi biết nàng có ao ước thiệt - thì càng tệ hơn nữa. Tốt hơn là nàng đã làm, và tôi cũng biết như vậy để không còn nghi ngờ thắc mắc gì nữa. Tôi chưa thể nói được là mình muốn gì. Tôi muốn nhà tôi đừng ao ước những gì nàng bắt buộc phải ao ước. Thật là điên rồ!