NG TA BẮT ĐẦU KỀ TIỂP:
- Tôi cứ nói lang bang mãi. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Nhiều chuyện đến bây giờ tôi mới thấy khác và muốn nói ra đề ông hay.
Phải, chúng tôi đưa nhau lên tỉnh ở. Ở tỉnh, có sống tới trăm năm, người ta cũng không thấy là mình đã chết, đã mục nát từ lâu. Lúc nào người ta cũng bận rộn, làm gì có thì giờ nghĩ đến mình. Công việc buôn bán, xã giao, sức khỏe, nghệ thuật, con cái học hành... Nào là phải tiếp ông nọ bà kia, nào là phải đi thăm nơi này nơi khác. Nay có nhân vật nổi tiếng nói chuyện phải đi nghe, mai có ông lớn đến, phải đi xem mặt. Dịp may hiếm có không thể nào bỏ qua. Rồi có những lúc mình đau yếu, phải chạy chữa thuốc thang hết ông thầy này đến ông thấy khác. Chưa hết, còn phải tìm cô giáo kèm trẻ tư gia, còn phải kiếm cho ra đứa giữ nhà... Riêng cuộc sống mình thì hoàn toàn trống rỗng.
Khi lên tỉnh, chúng tôi sống như vậy đó. Nếp sống chung vì thế cũng bớt nặng nhọc. Hơn nữa, lúc đầu, chúng tôi còn nhiều việc phải làm: tìm một nơi ở mới, khu xóm mới, dọn dẹp căn nhà mới, mua sắm đồ đạc mới. Rồi còn đi đi về về, từ tỉnh về quê, từ quê lên tỉnh.
Chúng tôi sống như vậy hết một mùa đông. Đến mùa đông năm sau, bất ngờ xảy ra một việc, tuy bề ngoài xem ra chẳng có gì quan trọng, nhưng thực sự đã ảnh hưởng nhiều tới những chuyện xảy tới về sau.
Nhà tôi không được khỏe. Mấy ông bác sĩ khuyên nàng cai đẻ, và dạy nàng cách thức ngừa thai. Tôi thấy việc đó thật tởm.
Tôi phản đối. Nhưng nàng cứ nhất định sống theo đường lối mình. Tôi đành chịu thua. Cái cớ cuối cùng - là con cái - chúng tôi vịn vào để ăn nằm với nhau, đã không còn nữa. Cuộc sống đã tệ, càng thêm tệ.
Đối với một người nhà quê, một người lam lũ, con cái là cần thiết. Mặc dù vấn đề nuôi dưỡng có khó khăn, người nhà quê vẫn cần con cái, và vì thế, cuộc sống hôn nhân của họ còn có lý do. Nhưng đối với chúng tôi, con nhiều không cần thiết. Thêm con là thêm lo lắng, thêm tổn phí, thêm gánh nặng, thêm sự phân chia gia sản. Như vậy, đời sống vợ chồng không còn lý do tồn tại. Hoặc là chúng tôi phải dùng biện pháp giả tạo để không có con, hoặc là nếu có, phải miễn cưỡng coi đó là một nỗi bất hạnh, do tội cẩu thả mà ra. Và như vậy, tình trạng càng đi tới chỗ tồi tệ hơn.
Cuộc sống chúng tôi không có lý do. Nhưng tinh thần chúng tôi đã xuống thấp đến độ không cảm thấy cần phải lý do nào cả.
Đa số những người có học ngày nay đều ngụp lặn trong vũng lầy thối tha trụy lạc mà lương tâm khống cảm thấy một chút hối hận.
Không có gì phải hối hận cả, vì trong xã hội chúng ta, lương tâm con người không còn nữa, trừ phi người ta gọi công luận và hình luật là “lương tâm”. Cả hai cái trên, không có gì bó buộc cả. Không lý do gì phải sợ công luận vì ai cũng hành động như nhau. Cũng không lý do gì phải sự hình luật. Những con mẹ vô liêm sĩ kia, những bà vô tình vứt con mình xuống ao, xuống giếng đó. Dĩ nhiên là chúng nó bị bỏ tù, nhưng chúng ta đều làm được như vậy một cách êm xuôi, chẳng sao cả.
Chúng tôi sống như vậy thêm hai năm nữa. Phương pháp của bọn thầy thuốc vô lương tâm đó bắt đầu thấy hiệu nghiệm rõ rệt. Nhà tôi bắt đầu mập ra, đẹp ra hơn. Nàng thấy như vậy và bắt đầu chú ý tới vẻ bên ngoài của mình, vẻ đẹp của nàng mỗi ngày một khêu gợi hơn, hấp dẫn đàn ông hơn. Một người đàn bà vừa tuổi ba mươi, được ăn ngon mặc sướng, đương lúc dồi dào sinh lực, lại không phải sinh đẻ. Người đàn ông thấy là muốn liền. Nàng như một con ngựa nuôi béo vừa được cởi bỏ yên cương. Không còn yên cương, không còn gì trói buộc như phần đông các phụ nữ ngày nay! Nghĩ tới đó mà tôi đâm sợ.