Khúc Nhạc Mê Ly

Chương 16

Docsach24.com

HÂN TIỆN ÔNG NHẮC TỚI CON TÔI, tôi xin thưa ông hay: còn biết bao nhiêu quan niệm giả dối về vấn đề con cái. Con cái là một ân phúc của Trời, là niềm vui. Toàn giả dối! Ngày xưa có như vậy thật nhưng bây giờ thì không. Con cái là một nỗi dằn vặt, không hơn không kém. Phần đông các bà mẹ đều cảm thấy rõ rệt như vậy. Thử hỏi các bà mẹ trong giới giàu sang chúng ta xem, họ sẽ cho bạn hay họ không muốn có con vì sợ chúng đau yếu, sợ chúng chết. Họ không muốn tự tay nuôi dưỡng con mình, vì sợ làm như vậy họ sẽ quyến luyến với chúng nó quá mà thêm khổ. Niềm vui người mẹ nhận được ở nơi đứa nhỏ, nơi bàn chân bàn tay mũm mĩm của nó, nơi ánh mắt trong ngần, nơi nụ cười tươi xinh, nơi dáng dấp dễ thương của nó, không nhiều bằng nỗi đau khổ đứa nhỏ gây ra vì người mẹ sợ nó đau yếu hoặc có thể chết, chứ đừng nói tới việc nó đau yếu hoặc chết thật. Sau khi đã cân nhắc những điều lợi hại, người mẹ thấy thà đừng có con vẫn hơn. Các bà thẳng thắn xưng ra như vậy. Họ tưởng rằng nghĩ như vậy là vì thương con. Và họ hãnh diện khi nghĩ như vậy. Họ không thấy rằng thái độ đó là chối bỏ tình yêu, là củng cố thêm tính ích kỷ của mình. Nỗi sợ phải có con đã lấn át niềm vui do một đứa con kháu khỉnh đem lại. Vì vậy họ không muốn có một đứa con kháu khỉnh mà họ sẽ yêu thương. Họ không bằng lòng tự hy sinh để có một đứa con dễ thương, nhưng lại đi hy sinh đứa con mà họ có thể thương chỉ vì tính ích kỷ của mình.

Rõ ràng đó không phải tình thương nhưng là ích kỷ. Nhưng người ta không dám phiền trách họ - những bà mẹ trong gia đình giàu sang ấy - về tính ích kỷ đó, khi người ta nhớ lại họ đã chịu khổ biết bao lo cho sức khỏe con cái họ. Lại mấy ông thầy thuốc đó nữa đã gây ảnh hưởng vào xã hội giàu sang chúng ta. Ngay cả bây giờ, nhớ lại những năm đầu, lúc chúng tôi mới có ba bốn đứa con, nhà tôi đã phải cực nhọc lo cho chúng như thế nào, tôi còn hãi sợ. Thật không đáng gọi được là sống! Chúng tôi luôn luôn ở trong tình trạng báo động nguy ngập, hết mối lo này đến mối lo khác - giống như đang trên con tàu sắp chìm. Đôi khi tôi thấy hình như nhà tôi cố ý làm ra vẻ lo lắng về các con như vậy để khuất phục tôi. Nhưng không! Thực tình nhà tôi đã bị khổ cực ghê gớm về các con. Khổ cực đối với nàng, và đối với cả tôi nữa. Không khổ sao được, vì ngoài cái tính quyến luyến con cái tự nhiên thấy cần nuôi dưỡng, vuốt ve, bảo bọc chúng, con người - còn có óc tưởng tượng và lý trí, khác với loài vật. Một con gà mẹ đâu có sợ những gì xảy tới cho đàn gà con, đâu có biết những bệnh tật của chúng, đâu có biết chạy chữa thuốc thang mỗi khi có con nào đau yếu như loài người chúng ta. Vì vậy đàn gà con không phải là một nguồn đau khổ cho gà mẹ. Thấy điều gì tự nhiên thích thú muốn làm cho đàn con thì gà mẹ làm. Đàn gà con là một niềm vui cho gà mẹ. Mỗi khi có con nào đau yếu, gà mẹ thấy bổn phận mình một cách rõ rệt ngay. Nó lấy cánh ủ con cho ấm và mớm cho con. Nó thấy rõ làm như vậy là đủ rồi. Chẳng may con nó chết, nó không băn khoăn tự hỏi tại sao chết. Nó kêu lên mấy tiếng rồi bỏ đi, coi như không có chuyện gì quan trọng xảy ra. Nhưng đối với các bà mẹ loài người chúng ta, trong số đó có nhà tôi, câu chuyện không phải đơn giản như vậy. Không kể các chứng bệnh con nít, và phương pháp chữa trị mà nàng phải biết, nàng còn luôn luôn nghe người ta nói tới hoặc đọc được trên sách vở báo chí, hết luật nay đến luật khác dạy cách nuôi nấng, giáo dục con cái: phải cho bú cách này, phải nuôi sữa cách nọ, không được thế này, nhưng phải thế kia. Nào quần áo, nào đồ ăn thức uống, nào tắm rửa lau lọt, nào đặt trên giường, nào cho đi ngủ, nào tập đi, nào ra gió máy vân vân... thôi thì không còn thiếu một điều gì mà nàng không nghe người ta nhắc tới bên tai, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, làm như thể trên thế gian này mới có một đứa con nít sinh ra hôm qua! Và nếu đứa con nít không được nuôi dưỡng hoặc tắm rửa đúng cách, đúng lúc mà chẳng may bị đau yếu, nàng liều bị phiền trách dường như đã không làm đầy đủ bổn phận.

Đang khi chúng khỏe mạnh mà còn như vậy rồi. Đến khi chẳng may chúng ngã bệnh, thì ôi thôi! Cả một cảnh náo loạn! Người ta cho rằng bệnh có thể chữa được, có cả một khoa để chữa. Đó là nghề của các ông bác sĩ. Nhưng không phải ông nào cũng giỏi như nhau. Khi đứa bé bị đau phải kiếm cho ra ông giỏi nhất, đúng cái ông có đủ khả năng ấy thì đứa bé được cứu sống. Bằng không, đứa bé sẽ chết. Không phải mình nhà tôi tin như vậy. Tất cả các phụ nữ ở xã hội chúng ta đều tin như vậy. Chung quanh nàng, khắp phía, người ta đều nói như vậy. Bà Cần mất hai đứa con vì đã không kịp mời bác sĩ Văn. Bác sĩ Văn đã cứu sống đứa con gái lớn bà Mai. Ông bà Phi đã kịp thời đem mỗi đứa con đi biệt cư ở một khách sạn khác nhau theo lời khuyên của bác sĩ, nên các đứa con của họ đều sống cả. Nếu họ không nhanh chân nhanh tay như vậy, các con họ sẽ chết hết. Một bà khác có đứa con èo ọt, liền dọn nhà xuống miền Nam ở theo lời khuyên của bác sĩ và đã cứu sống nó. Làm thế nào nàng khỏi bị dằn vặt, nôn nao được khi mà sự sống những đứa con nàng quyến luyến, tùy thuộc hoàn toàn vào việc tìm đến bác sĩ Văn cho kịp thời, xem bác sĩ Văn bảo gì? Nhưng bác sĩ Văn sẽ bảo gì, chẳng ai biết. Chính bác sĩ Văn chưa chắc đã biết rõ, vì ông ta thừa hiểu rằng mình chẳng biết gì thì giúp làm sao được, nhưng cũng phải lăng xăng làm ra vẻ ta đây thành thạo. Ông thấy không, nếu chỉ là một con vật, nàng đâu có đau khổ đến như vậy, và nếu là một con người hẳn hoi, nàng đã tin ở Chúa và đã nói như một tín hữu đạo hạnh: “Chúa cho thì Chúa lại cất về. Ta đâu có thoát khỏi tay Chúa.”

Suốt đời sống với con cái, chúng tôi có lúc nào vui đâu? Mà vui làm sao được khi tâm hồn bị dằn vặt, lo lắng liên miên? Đôi khi vừa kịp làm hòa với nhau sau một trận ghen, hay sau một cuộc cãi lộn chúng tôi tưởng có thể thong thả được một chút để suy nghĩ, đọc sách, thì vừa bắt tay vào công việc gì đó đã nghe tin thằng Văn đau, hoặc con Mai sinh chứng kiết lỵ, hoặc bé Anh lên sởi. Thế là hết! Sống như vậy chẳng đáng gọi là sống nữa. Đi đâu bây giờ? Tìm đến bác sĩ nào đây? Làm sao biệt cư được đứa nhỏ? Còn những trường hợp, nào rửa ruột, nào lấy nhiệt độ, nào thuốc men, nào bác sĩ. Cứ loạn cả lên. Việc này chưa xong đã đến việc khác. Gia đình chúng tôi không có lấy được một phút yên ổn. Vì như tôi đã nói, chúng tôi thường bị những tai nạn tưởng tượng cũng như có thực tấn công dồn dập, tới tấp. Tôi biết, ngày nay hầu hết các gia đình đều thế, nhưng riêng gia đình tôi là bị nặng hơn cả. Nhà tôi là một người đàn bà thương con và cả tin.

Vì vậy con cái chỉ làm cuộc sống gia đình tôi mất hạnh phúc thêm. Hơn nữa, chúng nó còn là cái cớ gây tranh chấp chia rẽ, bất hòa. Chúng tôi dùng con cái như một thứ khí cụ để choảng nhau. Mỗi người chúng tôi đều có những đứa về phe mình. Tôi thường đem thằng Văn, đứa con trai lớn nhất ra để tấn công nhà tôi. Còn nhà tôi lại dùng con Lý tấn công tôi. Ngoài ra, khi lớn hơn, cá tính của mỗi đứa càng rõ rệt. Vì vậy chúng lập thành liên minh để ủng hộ hoặc đả đảo mỗi bên.