(Matt. V, 28)
Hôm ấy là ngày đầu xuân, cuộc hành trình của chúng tôi buốc sang ngày thứ hai. Những hành khách đi những nơi gần, lên lên xuống xuống, chỉ có ba người và tôi là đi suốt chuyến xe lửa. Một người đàn bà không còn trẻ, miệng ngậm điếu thuốc, nét mặt băn khoăn, mặc chiếc áo choàng kiểu đàn ông, đầu đội nón. Một ông tuổi trạc tứ tuần, bạn của bà này, nói năng luôn miệng, mặc bộ đồ mới trông thật chỉnh tề. Người thứ ba là một người đàn ông hơi lùn, sống vẻ biệt lập. Ông ta chưa già, nhưng mái tóc quăn đã sớm bạc màu. Cử chỉ đường đột. Đôi mắt sáng có những tia nhìn thật nhanh. Ông ta mặc một chiếc áo choàng cũ, cổ lông cừu may rất khéo, và đội một chiếc nón cao cũng bằng lông. Khi cởi cúc áo choàng, người ta mới thấy ông mặc chiếc "vét" kiểu Nga không tay và áo Sơ mi thêu. Một đặc điểm nữa là ông ta hay hắng giọng, phát ra tiếng kêu cụt ngủn như tiếng cười bị tắt ngấm trong cổ họng.
Suốt cuộc hành trình ông ta giữ thái độ tránh né, không muốn làm quen hoặc tiếp xúc với các hành khách khác. Mỗi khi có ai ngồi bên gợi chuyện, ông ta chỉ trả lời vắn tắt. Ngoài ra, ông thường đọc sách, hút thuốc, mắt nhìn về phía cửa sổ, hoặc uống trà hoặc móc trong bị ra một món gì để ăn.
Tôi thấy dường như con người này đang âm thầm chịu đựng một nếp sống cô độc ghê gớm. Nhiều lần tôi cố gắng bắt chuyện với ông. Nhưng mỗi khi cặp mắt chúng tôi đụng nhau - điều này rất hay xảy ra vì tôi ngồi đối diện với ông ta - thì ông ta lại quay đi, nhìn ra cửa sổ hoặc nâng cuốn sách lên đọc.
Đến tối ngày thứ hai, khi xe lửa ngừng lại ở một ga lớn, ông ta đi kiếm nước sôi pha trà. Người đàn ông ăn vận chỉnh tề - về sau tôi mới biết là luật sư - và người đàn bà hút thuốc mặc chiếc áo choàng kiểu đàn ông cùng xuống phòng giải khát uống trà.
Trong lúc họ vắng mặt, nhiều hành khách mới lên xe, trong số đó có một cụ già, không để râu, người cao ráo đúng là một thương gia. Ông ta mặc chiếc áo lông chồn và đội chiếc nón vải rộng lòng. Lão thương gia ngồi xuống một chiếc ghế đối diện với chỗ người đàn bà và ông luật sư, rồi bắt đầu chuyện trò ngay với người thanh niên đi theo. Vẻ bên ngoài cho đoán thấy người thanh niên này là thư ký của một thương gia nào đó.
Tôi ngồi ở dẫy ghế phía bên kia. Đang khi xe lửa còn đậu, không một ai qua lại giữa chúng tôi, tôi đã nghe được những mẩu chuyện của họ trao đổi nhau. Lão thương gia nói mình về thăm một cơ sở chỉ cách đây có một ga. Rồi, như thường lệ, câu chuyện xoay qua công việc buôn bán, giá cả hàng hóa. Họ bán đến tình trạng kinh tế ở Mốt Cu (Moscou), đến buổi hội chợ Nizhni Novgorog. Người thư ký kể chuyện một thương gia giầu có, cả hai đều quen biết, đã tổ chức cuộc vui chơi tại hội chợ. Cụ già liền gạt đi, thuật lại cho hắn nghe về những buổi chè chén say sưa mình đã tham dự hồi xưa tại hội chợ Kunavin. lão tỏ vẻ hãnh diện rõ rệt về đoạn đời thác loạn lão đã sống. Lão thích thú kể lại lão và mấy người bạn, trong số đó có cả người thương gia họ vừa nói tới, đã tổ chức ăn uống nhậu nhẹt tại Kanuvin và đã chơi những trò bí mật đến nỗi lão phải nói nhỏ vào tai cậu thanh niên. cậu này thích thú cười rộ lên, khiến lão già cũng cười theo, để lộ hai chiếc răng vàng kê(ch. tiếng cười của họ vang dội cả toa xe.
Tôi bực bội đứng dậy định xuống sân ga đi đi lại lại chờ xe lửa khởi hành. Ra tới cửa, tôi gặp vị luật sư và người đàn bà đi tới, đang chuyện trò với nhau.
Thấy tôi, người luật sư vui vẻ lên tiếng:
- Không còn giờ đâu. Xe lửa đi bây giờ!
Thật vậy, tôi chưa đi hết một vòng sân ga thì nghe chuông rung báo hiệu giờ khởi hành.
Khi tôi trở lại, người đàn bà và vị luật sư vẫn còn đang mải mê nói chuyện. Lão thương gia ngồi đối diện, lặng lẽ nhìn thẳng trước mặt, thỉnh thoảng lẩm bẩm trong miệng tỏ vẻ khó chịu.
Khi đi ngang qua vị luật sư, tôi nghe ông ta nói:
- Rồi bà ta bảo thẳng vào mặt chồng mình không thể và cũng không muốn sống với hắn ta nữa vì...
Vị luật sư còn tiếp tục nói nhưng tôi không nghe rõ. Nhiều hành khách khác lên xe. Người soát vé đi qua. Một bác khuân vác vội vã lên theo. Tiếng ồn ào khiến tôi không còn nghe được câu chuyện của họ nữa. Một lúc sau, bầu không khí trở lại yên tịnh, câu chuyện của họ dça4 quay sang những nhận xét chung quanh, không còn đề cập tới những trường hợp riêng lẻ nữa.
Vị luật sư nói bên Âu Châu dân chúng đang bàn tán sôi nổi về vấn đề "ly dị", và ở Nga, những trường hợp ly dị xảy ra mỗi ngày một nhiều. Thấy chỉ có mình mình nói, người luật sư ngừng ngang rồi tươi cười quay sang cụ già:
- Ngày xưa, đâu có những chuyện như vậy phải không cụ?
Cụ già toan trả lời thì xe lửa chuyển bánh. Cụ liền bỏ nón xuống, làm dầu thánh giá và thì thầm đọc kinh. Vị luật sư lễ phép quay đi, chờ đợi. Đọc kinh xong, cụ già làm dấu thánh giá ba lần, đội nón lại ngay ngắn, sửa lại cách ngồi rồi lên tiếng:
- Ngày xưa cũng có chứ, nhưng ít hơn thôi. Ngày nay những chuyện như thế bắt buộc phải xảy ra. Dân chúng bây giờ được giáo dục nhiều quá mà.
Xe lửa chạy mỗi lúc một nhanh hơn, lắc lư trên đường rầy khiến tôi nghe không được phải ngồi xích lại gần hơn.
Người đàn ông đặc biệt có đôi mắt sáng, ngồi đối diện tôi cũng chăm chú theo dõi cuộc đối thoại.
Người đàn bà mỉm cười hỏi lại:
- Giáo dục có hại gì? Ngày xưa cô dâu chú rể đến ngày cưới mới thấy mặt nhau. Lấy nhau như thế thì làm sao hay hơn bây giờ được!
Bà ta nói tiếp, theo dòng tư tưởng của riêng mình, không cần trả lời đúng câu hỏi người đối thoại như thói quen của phần đông các bà.
- Họ cười bất cứ ai, chẳng cần biết mình có yêu được hay không để rồi phải khốn khổ suốt đời. Như thế mà cụ cho là hay được sao?
Rõ ràng là bà ta muốn nói với tôi và nhất là với vị luật sư, chứ không phải với cụ già, kẻ đối thoại với mình.
Lão thương gia khinh khỉnh nhìn người đàn bà, không trả lời gì thêm, chỉ lặp lại câu nói:
- Họ được giáo dục nhiều quá mà!
Vị luật sư mỉm cười góp ý:
- Xin cụ giải thích cho biết giáo dục có liên quan gì với mối bất hòa giữa vợ chồng?
Lão thương gia định nói, nhưng người đàn bà ngắt ngang:
- Không, cái thời đó đã qua rồi!
Vị luật sư can:
- Phải, nhưng xin bà để cho cụ phát biểu ý kiến đã!
Lão thương gia lên tiếng giọng cương quyết:
- Bao nhiêu chuyện điên rồ đều do giáo dục mà ra cả.
Người đàn bà quay nhìn vị luật sư, nhìn tôi, nhìn cả chàng thư ký đã đứng dậy, đang tựa lưng ghế chăm chú theo dõi cuộc đối thoại, rồi bà vội nói:
- Họ bắt những người không yêu nhau phải cưới nhau rồi ngạc nhiên khi thấy chúng nó sống lủng củng với nhau. Chỉ có loài vật mới để cho chủ ghép đôi như thế. Con người không thế! Con người còn những xu hướng, những quyến luyến riêng của mình.
Giọng người đàn bà gay gắt như muốn trêu tức lão thương gia.
Ông này phản ứng:
- Bà không nên nói như vậy. Loài vật là loài vật, nhưng loài người có luật lệ riêng.
Người đàn bà vội đưa ra lý lẽ mà bà ta cho là mới mẻ:
- Phải, nhưng làm thế nào sống được với một người mình không yêu?
Lão thương gia trả lời:
- Ngày xưa người ta đâu có nêu vấn đề đó ra! Bây giờ con người mới thắc mắc đủ thứ. Hơi một chút là họ nói: "Tôi không thèm sống với anh nữa!" Cái mốt đó lan tới cả đám dân quê. Cô nàng bảo chồng:
" Đây, quần áo anh đây! Tôi nhất định đi theo người đàn ông đó. Đầu hắn có mái tóc quăn đẹp hơn anh." Như vậy, theo ý tôi, việc đầu tiên đòi hỏi nơi người đàn bà là phải biết sợ. Ý kiến bà thế nào?
Chàng thư ký liếc nhìn vị luật sư, nhìn người đàn bà, rồi nhìn tôi. Dường như hắn muốn chờ phản ứng của chúng tôi để có thái độ thuận theo hoặc phản đối ý kiến lão thương gia.
Người đàn bà hỏi vặn lại:
- Sợ cái gì mới được chứ?
- Sợ chồng!
Người đàn bà bĩu môi:
- Thưa cụ, thời đó hết rồi!
- Chưa đâu, bà ơi! Người vợ là E và đã được tạo nên do khúc xương sườn người đàn ông. Sự kiện đó sẽ còn đúng mãi.
Vừa nói, ông ta vừa lúc lắc cái đầu ra vẻ đắc thắng khiến chàng thư ký cười lớn tiếng như về phe với ông ta.
Người đàn bà không chịu thua, quay về phía chúng tôi:
- À thì ra, đàn ông các anh đều cùng một giọng cả. Các anh lý luận như nhau. Các anh tự cho mình có quyền tự do, nhưng các anh muốn người đàn bà phải ở trong phòng kín. Các anh tự cho mình đủ thứ quyền.
Lão thương gia tiếp luôn:
- Đây không phải vấn đề quyền hạn. Người đàn ông không sinh con đẻ cái nên được rộng cẳng hơn các bà. Hơn nữa, người đàn bà, một người vợ sống như một chiếc bình mỏng dòn phải được cất giữ ở nhà. Thế thôi.
Giọng ông ta rắn chắc có sức áp đảo tinh thần người nghe. Tuy vậy người đàn bà vẫn chưa chịu khuất phục.
- Vâng, nhưng tôi nghĩ cụ cũng phải đồng ý với tôi rằng dẫu sao đàn bà cũng là một con người, có tình cảm như đàn ông. Vậy người đàn bà sẽ phải làm gì nếu nàng không yêu chồng?
Lão thương gia chau mày lộ vẻ nghiêm khắc:
- Không yêu! Khỏi lo đi, nàng sẽ yêu!
Lối lý luận đột ngột này khiến chàng thư ký hài lòng ra mặt.
Người đàn bà phản đối:
- Không! Nàng không yêu, một khi đã không thì chẳng ai bắt được.
Vị luật sư lên tiếng:
- Giả dụ người vợ thất tín. Trong trường hợp đó thì sao?
Lão thương gia trả lời:
- Chuyện đó không thể chấp nhận được.
- Nhưng nếu có thì sao? Cụ biết chuyện đó có xảy ra mà.
Cụ già chống chế:
- Xảy ra với ai chứ với chúng tôi thì không.
Mọi người đều im lặng. Chàng thư ký tiến lại gần chỗ chúng tôi hơn. Và để tỏ ra mình là người cũng thạo đời như ai, chàng mỉm cười rồi bắt đầu kể:
- Tôi có một người bạn đàng hoàng học thức, nhưng cười phải một con vợ trắc nết. Thật là một trường hợp khó xử. Cô vợ sống thác loạn quá! Lúc đầu nàng lén lút với một anh chàng thư ký ở sở. Người chồng cố khuyên bảo. Nàng chẳng chịu nghe mà còn lăng loàn thêm. Nàng ăn cắp tiền chồng, bị chồng đánh, nàng đâm tệ hơn đến nỗi, tôi xin lỗi phải nói ra đây, đến nỗi đi dan díu với một tên Do thái ngoại đạo. Không biết làm sao hơn, người chồng bắt buộc phải tống cổ vợ ra khỏi nhà để sống một cuộc đời độc thân.
Cụ già góp ý:
- Vì hắn là một thằng ngu. Nếu hắn biết dạy vợ ngay từ đầu, đâu đến nỗi thế. Bước đầu là đáng kể. Đừng thả lỏng ngựa ngoài đồng, cũng như đừng buông tay vợ trong nhà.
Bấy giờ người soát vé vào thu vé những người sắp xuống ga tới. Lão thương gia trao vé xong, nói tiếp:
- Đúng vậy, người đàn bà phải được kềm chế kịp thời. Không thì hỏng cả!
Tôi buột miệng:
- Phải, nhưng chính cụ cũng vừa nói đến cái lối những người đàn ông đã có vợ tự do vui chơi ở hội chợ Kunavin mà!
Lão thương gia trả lời gọn:
- Đó lại là chuyện khác.
Khi tiếng còi xe nổi lên, lão đứng dậy, moi chiếc bị dưới ghế ngồi ra, cài cúc áo ngoài lại, ngả nón chào mọi người rồi xuống xe.