Khúc Nam Ai

Chương 3

Khi những bông hoa lựu đỏ nở toang những cánh dày mọng. Khi cây phượng trong nhà của Vân bắt đầu nhô những nụ màu huyết dụ, và tiếng ve kêu vang từ lòng đất, trên cành cây, trong bụi dâm bụt xanh um lá, thì cuộc đời học sinh của tôi cũng chấm dứt từ đó. Toàn quận không có lấy một trường học nào bậc cao hơn. Mẹ tôi muốn gởi tôi lên tỉnh để học tiếp, nhưng mùa lúa thất thâu vừa qua vì những trận bão lụt liên tiếp đã làm đa số dân chúng trong quận khánh kiệt. Nhà tôi may mắn còn được ăn uống vừa phải kể cũng có phước lắm rồi. Vả lại, dù sao tôi cũng chỉ là con nuôi. Sự đối đãi của cha mẹ nuôi tôi đối với tôi quá trọng hậu. Những năm sống với ba má nuôi, tôi không có điều gì buồn lòng, thì lý đâu giờ đây lại muốn làm nhọc lòng người. Tôi nhất định không học tiếp nữa, ở nhà trông coi mảnh vườn thửa ruộng, và chờ cơ hội nộp đơn xin làm một chân thư ký hoặc là một cậu giáo dạy trẻ. Trong thời gian này, tôi dậy sớm về tối, suốt ngày lo việc ruộng nương. Cây cỏ, lúa vườn gắn liền tôi vào cuộc sống khác. Tôi ít còn thì giờ lêu lổng, ít còn thì giờ ngồi nhớ về những ngày lang bạt khi xưa, hoặc mơ tưởng đến tiếng đờn tiếng hát. Nhưng thỉnh thoảng, Vân đem tặng tôi một cuốn ca cải lương, hoặc một cuốn tiểu thuyết thuộc loại xã hội xây dựng, và nội dung của những vật đó đã ru tâm hồn tôi mơ màng một phút, hoặc ước ao bâng quơ. Thế rồi sau khi đóng sách lại và các công việc khác chờ đón, tôi lại quên đi. Hơn thế nữa, bây giờ tôi có công việc khác phải nghĩ đến, nghĩ nhiều gấp ngàn lần trước. Đó là Vân. Vân không còn là cô nữ sinh bé bỏng nhờ tôi giảng bài toán khó như ngày xưa. Cũng như tôi không còn là cậu bé của đoàn hát cải lương Hưng Liên ngày nào. Mộ phần của ba mẹ tôi đã mấy lần xanh cỏ... Chúng tôi cũng trưởng thành theo thời gian.

Từ ngày nhìn thấy Vân đã là con gái, ngày Vân khóc nức nở, tiếng khóc của Vân và cú đấm thôi sơn của thằng Võ đã nhắc nhở tôi và Vân đã lớn. Từ đây, tôi ý tứ hơn, lối đối xử của tôi đối với Vân cũng khác đi, không còn bừa bãi tự do như trước. Đối lại, hình như Vân cũng đã ý thức được như tôi. Mỗi lần gặp gỡ nhau, Vân thường đỏ hồng cả má, chỉ khi nào chúng tôi nói chuyện được mười, mười lăm phút Vân mới trở lại bình thường. Tiếng nói của Vân ngọt ngào hơn, duyên dáng hơn. Cử chỉ của Vân gọn gàng nề nếp hơn. Tuy vậy, cả hai chúng tôi không vì vậy mà lạt lẽo với nhau. Trái lại nữa là khác. Mặc dù không thường xuyên gặp gỡ, nhưng lòng tôi luôn luôn gờn gợn hình bóng của Vân. Tôi thấy mến Vân, không phải cái tình mến bạn bè thân thiết ngày xưa nữa, mà trong cái mến đó, tôi thấy lòng mình là lạ.

Lẽ tất nhiên, con gái thường tế nhị và kín đáo hơn con trai. Sự suy diễn này tôi đọc được ở trong một bài báo. Nhưng có lẽ Vân cũng khó giữ được sự kín đáo của mình lâu. Vân cũng mến tôi, những hành động săn sóc của nàng làm tôi sung sướng. Một miếng kẹo đậu phọng gói trong lá chuối vào buổi trưa ở ruộng nắng. Một trái mãng cầu chín cây giấu lén đưa cho tôi vào buổi chiều xế. Một cuốn ca cải lương Vân mua ở tiệm chú Ba đầu chợ. Một cuốn tiểu thuyết xã hội xây dựng cho tôi khi nghe tôi than là buồn quá không có gì xem. Và nhiều điều khác nữa. Hai chúng tôi mặc nhiên chấp nhận những hành động săn sóc nhau, cũng như chấp nhận sự thương mến nhau.

Buổi chiều hôm nay cũng như những buổi chiều thứ tư thường lệ khác, tôi từ ruộng không về thẳng nhà mà ghé lại nhà Vân. Những bóng cây đã chập choạng tối. Tiếng sáo diều vi vu trên những ngọn cây cao nghe buồn lạ. Đám mây màu hồng gạch đằng chân trời ánh lên. Tự trên cao đối đỉnh đầu tôi, ngôi sao đêm rực rỡ chớp chớp như lời nói động thầm thì. Những bụi cây gần nhau thêm. Con đường nhoè nhoẹt và đèn nhà ai đã sáng lên chút đóm hồng. Khói thổi cơm chiều loáng thoáng một lớp trắng đục sáng đậm giữa màu hoàng hôn của ngày sắp hết. Đột nhiên, lòng tôi chợt xao động không đâu. Từ khi nghỉ học đến bây giờ, lòng tôi tuy không vui hớn hở nhưng bình lặng và hiền hòa. Cớ sao hôm nay, lòng đổi khác. Nhìn ngôi sao đêm óng ánh, tôi chợt nhớ đến những đêm xa nằm trên bờ cỏ ướt giữa bầu trời đầy sao. Loáng thoáng trong màu trời chiều tôi nghe có tiếng đờn của bác Bảy Viễn, tiếng hát, tiếng ca, tiếng vỗ tay dập dồn. Tôi ôn lại những công việc, những cảnh vật đã xảy ra suốt ngày hôm nay để xem những gì đã gợi lại cho tôi những ước mơ, những hình ảnh cũ. Buổi trưa hôm nay, sau khi đã dùng cơm trưa ở ruộng, tôi ngã mình một chút trên bờ cỏ dưới bóng bụi tre già. Nhưng vừa lúc thiu thiu bỗng tiếng còi xe, tiếng máy nổ to làm tôi giựt mình thức giấc. Một chiếc xe lam cũ kỹ. Tôi giật mình, tim đập mạnh. Một chiếc xe lam mang bảng hiệu một gánh hát cải lương. Trên xe, có đến bốn năm người. Tất cả đều nằm bẹp xuống lòng xe, ý chừng ngủ nên tôi không thấy mặt trừ người lái xe ốm tong, và những tấm phông cảnh mắc lủng lẳng hai bên thành xe, trên trần, cột ở hông.

Bỗng chốc những hình ảnh ngày xưa trở về trong tâm trí, rõ mồn một. Tôi nhớ đến từ cái rương quần áo cũ, từ gương mặt mẹ lộng lẫy trong chiếc áo công chúa đầy kim tuyến lóng lánh, những tư thức múa kiếm oai hùng của cha, tiếng hét xé trời của bác Tư Tình, tiếng đờn ngọt lịm của bác Bảy Viễn. Tất cả xoay tròn trong ý nghĩ, đánh thức phần dĩ vãng tưởng chừng như đã chết trong tôi. Suốt cả buổi chiều, tôi chỉ cày được có mấy luống đất. Công việc cày bừa trở nên nặng nề khó chịu. Nhưng đến khi sắp sửa trở về thì mọi việc dịu trở lại. Tất cả chỉ còn là nỗi trống rỗng ghê gớm. Tôi đến nhà Vân để tìm chút vui, yên ổn cho tâm hồn.

Đèn nhà Vân đã loáng thoáng qua vườn cây. Cây phượng trước cửa nhà sà xuống những chùm hoa đỏ đã ngả màu sẫm trong chiều tối. Tôi với cây đòn gánh khèo một nhánh hoa, bẻ một ít cho Vân. Con Vàng nghe tiếng người sục sạo sủa ồn lên chạy ra. Đến bên tôi nó nhận được người quen vẫy đuôi chào quấn quít. Một bóng người chạy ra, giọng Trung êm:

- Cái chi đó hả Vàng? Ai đó?

Tôi nói nhỏ, vừa đủ:

- Hiệp đây, Vân phải không?

Vân chạy vội ra mừng quýnh:

- Anh Hiệp hả?! Răng mà anh qua trễ rứa, em tưởng anh không qua chớ! Anh ăn cơm chưa?!

- Chưa, làm xong anh qua đây liền, chưa ghé nhà.

Vân kêu lên:

- Chết, hai bác rầy chết!...

Mái tóc của Vân mới gội thơm thơm mùi bồ kết và mùi chanh tươi. Tôi hít vào một hơi dài.

Vân hỏi:

- Cái chi rứa?

Tôi dừng lại dưới bóng cây ổi lớn. Đôi mắt Vân long lanh. Mùi chanh thơm thoang thoảng.

Tôi nói nhẹ như gió:

- Vân thơm quá.

Vân cười e lệ. Tôi lại ngửi thấy mùi lá ổi chua.

Tôi trêu Vân:

- Thôi Vân tha cho cây ổi đi. Làm chi mà cứ bứt cả lá cả bông ra vậy.

Vân thẹn quá tung cả một nắm lá ổi vò nát về phía tôi:

- Cái anh ni chi lạ.

Trong nhà có bóng người đi ra.

- Ba em ra tề.

Tiếng ồm ồm nặng chịch của ba Vân vọng ra:

- Thằng Hiệp hả. Vô đây chơi chớ đứng làm chi ngoài ngõ. Vân mời anh Hiệp vô nhà đi.

Từ khi thấy tôi và Vân lưu luyến nhau, ba Vân có vẻ giữ gìn hơn. Ông chú ý đến chỗ ngồi, đến cái đi cái đứng của Vân, của tôi. Thỉnh thoảng ông than thở với tôi là có con gái ở trong nhà mệt lắm. Mà cái mệt đó đã chứng tỏ trên thực tế bởi một trận gây gổ suýt biến thành ấu đả lớn. Ông Năm Trắc, một người hàng xóm định gắm ghé Vân cho đứa con trai của mình đi lính trên tỉnh. Anh này lâu lâu mới về, thấy Vân đem lòng yêu mến. Nhân một bữa ngà ngà ở quán chú Ba, ông Năm Trắc ngỏ lời với ba Vân. Ba Vân từ chối. Nhưng rượu biến câu từ chối thành một câu khinh khi ở tai ông Năm Trắc, do đó, ông Năm gây chuyện. Nếu không có ba nuôi tôi đứng ra can gián thì hai bên sinh chuyện đánh nhau to.

- Vô nhà đi anh Hiệp.

- Anh qua thăm Vân một chút thôi, rồi còn về nhà ăn cơm.

Vân nói giọng dỗi:

- Rứa thì anh về đi. Vân đi vô nhà chớ thôi ba rầy.

Tôi kéo tay Vân. Bàn tay con gái êm mát như cánh hoa bưởi. Vân dùng dằng kéo tay lại.

- Thì anh về để Vân vô chớ.

- Chưa chi mà đã giận anh. Anh chưa ăn cơm thiệt tình. Nhưng hồi chiều, tự nhiên thấy buồn buồn nên muốn gặp Vân một chút.

Vân nhìn tôi dịu giọng:

- Răng anh buồn. Vân có làm chi mô.

- Không, không phải tại Vân. Bị hồi chiều...

Mắt tôi hiển hiện rõ ràng hình ảnh chiếc xe lam cũ kỹ. Tiếng hát, tiếng đờn và con đường xa chạy dài ngút mắt. Cuộc sống cũ khơi dậy trong tôi bao mơ ước. Bước chân tôi như bị trói buộc trong vòng dây hạn hẹp của quận Dĩ Trung nhỏ bé. Cuộc đời êm đềm trong mấy lũy tre không thích hợp với tôi chút nào. Những đồng ruộng cằn khô. Những giọt mồ hôi nhọc nhằn đổ xuống liên miên mới kiếm được cái ăn. Ngày qua ngày, sáng lại chiều, vẫn cái cuốc, cái cày, con trâu. Tôi nhớ đến những cánh đồng xanh lúa màu mỡ, những con rạch đầy cá chằng chịt ở miền Nam. Những tàu dừa lá bóng ướt dưới trăng. Tất cả vẽ ra thơ mộng và thần tiên. Tôi nhớ lại những chuỗi ngày đẹp đẽ xa mờ. Những tràng vỗ tay dậy ròn, tiếng hát trong, ánh mắt thán phục.

Tôi nói với Vân những cảm nghĩ của mình. Vân nghe xong bíu chặt lấy tay tôi, hoảng hốt:

- Bộ anh định bỏ đi, anh Hiệp...

- Bỏ đi...

Tôi lẩm nhẩm hai chữ ngắn ngủi mà mạnh mẽ đó. Bỏ đi, thật tình tôi chưa hề nghĩ đến kể từ ngày tôi nguôi ngoai thương nhớ ba mẹ. Bỏ đi, tôi chỉ mơ ước chưa bao giờ mong muốn. Bỏ đi. Tiếng nói đập mạnh vào óc như câu chào mời mới lạ...

- Anh Hiệp, đừng bỏ quận Dĩ Trung nghe anh Hiệp...

- Không đâu...

- Anh nói thiệt?

Tôi thẫn thờ gật đầu. Máy phát thanh từ đầu quận vang lại giọng ca của một nam kịch sĩ cải lương. Bản vọng cổ buồn da diết. Tôi lắng tai nghe. Vân nói:

- Không phải ra-đi-ô đằng quận đâu. Chắc là của chú Ba.

Tôi chợt muốn nhìn lại quang cảnh của một sân khấu cải lương, muốn sống lại thật tình không khí của một gánh hát nhỏ. Trong nỗi nôn nao bất chợt đó, tôi rủ Vân:

- Mai, tối mai, Vân đi coi cải lương với anh nghe! Cho bé Ba đi luôn!...

Vân ngẩn nhìn tôi dò xét:

- Cải lương ở mô mà coi?

- Có cái gánh nhỏ đó, chắc mấy chục một chỗ chớ bao nhiêu.

Vân nhìn tôi hồi lâu, gục đầu nói:

- Vân không đi đâu! Vân hy vọng anh cũng không đi.

Tôi ngạc nhiên:

- Tại sao vậy?

Vân nói như khóc:

- Anh thích cải lương, thích đi cùng khắp nơi hơn là ở lại cày cấy ở cái quận Dĩ Trung nhỏ bé ni.

- Không, không phải vậy đâu Vân...

Tôi biết làm sao để giải thích cho Vân hiểu những nỗi niềm thầm kín trong tôi. Ước mơ kia đã mọc mầm trong tôi ngay từ khi thơ ấu, ngay từ lúc tôi còn trong bụng mẹ. Những chuyến đi, những câu hát, tiếng đàn, vo tròn, ôm ấp cuộc sống tôi cho đến ngày tai họa đổ xuống gánh hát Hưng Liên. Cuộc sống mới là lớp vỏ ngoài, lớp vỏ dày vì thời gian che lấp cả quá khứ, phủ rêu lên bản tính, lên ước muốn. Bây giờ thì gió đã dậy, bão đã lên. Tôi nghe mình ham thích một bầu trời mới, một không khí mới. Tôi không quên Dĩ Trung, tuổi lớn lên của tôi ở đây, bao êm đềm, bao thương mến cũng ở đây. Tôi làm sao quên được. Tôi làm sao dứt bỏ dễ dàng cho được. Chỉ vì cuộc sống quá bình thản và lặng lờ, nên giờ đây, viên sỏi khuấy mặt hồ mới làm xôn xao được cánh rong xanh.

- Anh tệ quá...

Những giọt nước mắt rơi thầm trên má Vân làm tim tôi nhói đau. Tôi chợt thương Vân vô cùng. Tôi không nỡ nói thẳng ra những ý nghĩ, ý muốn trong đầu óc mình với Vân. Lòng tôi mềm ra như tấm lụa tơ vàng.

- Không phải vậy đâu Vân. Làm sao mà anh bỏ quận Dĩ Trung được.

Tôi pha trò:

- Vân chỉ đoán bậy.

Vân không cười, ngước mắt nhìn tôi. Bóng tối của khu vườn rậm không giúp tôi nhìn rõ nét mặt Vân. Chỉ mơ hồ đôi mắt ướt và giọng nói ỉu như không khí tháng chạp:

- Bộ anh tưởng Vân không biết anh đang muốn chi hả? Vân biết cả rồi, Dĩ Trung quê mùa, nghèo khó thì làm sao giữ được chân ai mà.

- Thôi mà Vân! Vân không hiểu anh chi hết!

- Phải, Vân làm răng mà hiểu được anh. Anh có tài. Anh lại không phải là người dân quê sống chết với cái cày, cái cuốc, anh làm răng mà ở được nhà quê?... Trước sau chi rồi anh cũng đi... Anh cũng đi...

Tôi bối rối quá chừng. Trời đã tối, tôi chưa về nhà. Chắc ba má nuôi tôi đang băn khoăn lo ngại. Bóng trăng hạ tuần soi sáng những phần tối của khu vườn nhà Vân. Tất cả khung cảnh chợt sáng lên trong khoảnh khắc. Thật tình tâm hồn tôi lúc này phức tạp quá không giải thích được. Xót xa một chút thật sâu cho Vân, cho những luyến lưu vướng mắc ở quận Dĩ Trung nghèo nàn này. Còn lại là nỗi man man tràn ngập không lời. Niềm ước mơ bây giờ cũng phải mất tên, nỗi buồn cũng không có ngọn nguồn. Tất cả chơi vơi lơ lửng, nhưng không phải cái lơ lửng thú vị, mà cái lơ lửng làm cho lòng mình chùn xuống, đột khởi cô đơn, cho hai bàn tay không muốn đưa và đôi chân không muốn bước. Tôi nhìn sững Vân mà không nói một lời.

- Anh về nhà đi…

Vân cúi đầu. Dưới bóng trăng, hai giọt nước mắt long lanh. Tôi bỗng nhớ đến hai giọt nước mắt chảy trên má mẹ của một đêm trăng nào xa xưa, với ba, để mong ước một tổ ấm gia đình, để cầm bớt chân của con chim sung sức.

- Vân!... Ngày mai anh đưa Vân đi xem hát nghe!

- Không...

Vân trả lời giận dữ, thật bất ngờ, rồi chạy vụt vào nhà.

- Vân! Vân!...

Cánh cửa giấu mất ánh đèn dầu. Tiếng con chó Vàng sủa bâng quơ đáp lời. Vườn cây im lặng giải đầy bóng trăng. Tôi hối hận vì thấy mình vụng về. Thôi để mai sang xin lỗi Vân vậy. Tôi quay ra về. Sương mờ mịt trên bờ cỏ ướt.

Trên con đường thanh vắng, chỉ có bóng tôi hoạt động. Tôi ngước nhìn bầu trời trắng đục. Ngôi sao hôm đã phai mất từ lúc nào. Bầu trời xanh trắng mờ như một váng sữa trong thau nước xanh thẫm.

Những khuôn vườn rậm màu liên tiếp với những thửa ruộng thấp khô cằn. Đất đang xới và tưới nước để chờ cấy mạ. Sáng mai, tôi lại thức dậy lúc trời mờ sáng. Ăn vội một bát cơm với tí nước ruốc cay xè. Vác cuốc ra đồng làm việc đến trưa. Nắm cơm với con cá nục chiên hoặc kho, một tô nước chè tươi. Ngủ một giấc dưới bóng cụm tre ven bờ ruộng. Mặt trời xế vai lại bắt đầu cày cuốc tát nước dẫn mương, vun vồng trồng khoai trồng mì. Rồi chiều, rồi tối, rồi sáng. Từ ruộng từ vườn, về nhà, từ nhà, ra vườn ra ruộng. Cuộc sống vòng vo trói buộc. Tự nhiên tôi nghe chán nản thật nhiều. Giá như buổi sáng sớm được ngủ đến khi mặt trời ấm áp đánh thức dậy. Buổi trưa nằm nghe tiếng hát ru hồn vào giấc ngủ. Không lo, không sợ, không phiền. Thoái mái hoàn toàn. Chả cần biết mùa này trời có gió, chiều kia trời sẽ giông, đám mây này đem cơn bão, mặt trời nọ gieo hạn hán. Lúa có đầy đồng, rau có khô đọt, trái có sai quả. Mùa đói, mùa no, mùa để dành, mùa lo nghĩ. Ôi điên cả đầu. Ngày xưa, từ sự so sánh đó, trở nên là khoảng đời thoải mái thật sự, dễ dàng thật sự, thích thú thật sự.

Con đường tắt đưa tôi về nhà dẫn qua khu vườn rau trái nhà Vân. Đôi chân bỗng chợt nhức mỏi lạ lùng. Tôi vấp phải cái đòn gánh của chính tôi. Cái ngã thật nặng làm trật chân, nhói đau tận ruột. Tôi ngồi bệt xuống giữa hai vồng mì đã lớn. Dựa nhẹ vào vồng đất vun cao, tôi nắn bóp cái chân đau.

- Mì với khoai không, lấy gì đào?

Có tiếng nói của ai loáng thoáng từ trong đám khoai mì rậm lá. Tôi dừng tay, nghe ngóng. Chỉ có tiếng gió rì rào êm ru và bóng trăng giải im lìm. Có lẽ tôi nghe lầm. Mà không có lý. Tôi xách cây đòn gánh men lần tới hướng có tiếng nói.

- Hự...

- Bẻ mẹ cả cây rồi giựt trốc gốc chớ mày làm gì như rùa bò dậy?

- Để tui bà. Lại đẳng đào khoai đi. Lẹ lên hông người ta biết được thì chết.

- Sức mấy!…

Tôi giận run người. Lại một bọn ăn trộm đây mà. Khoai, mì mới trổ mà dám đào lên ăn ngang, lại còn phá bẻ cây nữa. Tôi đứng lên. Cái chân đau suýt làm tôi kêu lên thành tiếng. Tôi cố nắn bóp lẹ, vuốt ngược hai bắp chuối ở hai chân, nôn nóng. Tiếng cây mì bị bẻ răng rắc, tiếng rễ củ bị giựt bừng bực làm cho tôi giận đến điên người.

- Cha, củ bự tổ nái...

Câu nói kèm theo tiếng cười thích thú làm tôi quên mất cơn đau, xách cái đòn gánh xông tới. Dưới ánh trăng lổ chổ, một dáng người nhỏ, không, một thằng bé đang cắm cúi với chùm khoai mì sai củ. Tôi giơ đòn gánh lên, nhưng kịp nghĩ vội để đòn gánh xuống, vươn tay chụp lấy cổ áo của nó, tay kia khóa chặt một tay. Trong phút bất ngờ, thằng nhỏ rú lên một tiếng kinh hoàng, những củ khoai rớt lả tả. Nó líu lưỡi kêu tên một người nào không thành tiếng. Tôi gay gắt hỏi:

- Ai cho mày tới đây ăn trộm khoai hả. Mới nhỏ mà đã học thói ăn trộm của người ta hả. Tao đưa lên quận cho nó bắt nhốt mày.

Không lắng được cơn giận, tôi dang tay tát mạnh vào má thằng bé. Nó bật khóc van lạy rối rít.

- Ai sai mày tới đây ăn trộm, nói mau. Nhà mày ở đâu. Nói mau không tao cho vài cái tát ngay. Nói.

Thằng bé không nói mà chỉ xin thả ra và khóc. Giọng Nam quen thuộc của nó làm tôi hơi nguôi nguôi. Tôi trầm giọng bảo:

- Người ta làm lụng cực khổ, vậy mà khoai mới bây lớn mày đã bới lên, còn bẻ phá cây nữa. Tưởng không ai biết hết hả… Tao… Ối…

Một vật cứng phạng đúng vai tôi. Mắt tôi như tỏa hào quang, tôi buông thằng bé ôm lấy cái vai đau. Tiếng gió thứ hai rít lên đằng sau báo hiệu một vật sắp sửa phang xuống đầu. Phản xạ tự nhiên, tôi chao mình lăn một vòng dưới đất. Cái đòn gánh của tôi. Phải, cái đòn gánh của tôi đang nằm trong tay một người con gái, dưới ánh trăng, mái tóc cô ta bời bời trong gió. Cái đánh hụt khiến cô gái mất thăng bằng ngã nhào lên mình tôi. Quả thật cô ta là một tay không vừa. Chỉ một thoáng bối rối, chân tay cô hoạt động trở lại ngay. Cô ta cào cấu đấm vào bất cứ chỗ nào trên tôi. Miệng cô dùng đủ mọi danh từ kể cả những tiếng lóng giang hồ để chửi tôi. Cơn đau trên vai chưa dứt thì những vết cào kế tiếp trên mặt buốt xót. Tôi nổi nóng co chân dùng đầu gối kê mạnh vào bụng cô ta. Hai tay khóa chặt hai bàn tay đầy móng nhọn. Tôi ngồi dậy và bẻ quặt tay cô ta ra sau. Đau quá, cô gái kêu lên một tiếng:

- Đồ, đồ vũ phu... Á... Ái... Bỏ tay tao ra... Đồ hèn...

Thằng bé đứng trước mặt cúi xuống thò tay định nắm lấy cái đòn gánh, nhưng một chân tôi đã dăng ra đạp mạnh lên tay nó. Thằng nhỏ chịu không nổi khóc lên nức nở.

- Mày có ngồi yên không tao chà nát cả hai bàn tay ngay. Còn cô nữa. Con gái lớn rồi không biết làm ăn gì sao mà còn đi ăn trộm, lại tập cho thằng nhỏ này nữa.

Cô gái quay lại, hất đầu, mớ tóc rũ che mặt vẹt sang một bên lộ ra một gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt. Cô gái nghiến răng nói:

- Đồ tồi... đồ... đồ

Tôi ấn mạnh tay. Cô gái la lên. Tôi dọa:

- Nếu còn chửi bẩn nữa, tôi bẻ gãy tay luôn. Còn thằng nhỏ nữa, biết điều ngồi im, nếu láng cháng tao la lên bắt lên quận là biết. Đi tù em ạ.

Ý chừng sợ, cô gái làm thinh. Tôi hỏi:

- Cô và thằng nhỏ kia ở đâu tới đây? Ăn cắp mấy lần rồi, ăn cắp ở đâu?

Cô gái không chịu nói. Mặt gườm gườm. Cái đầu hất qua hất lại ra dáng khinh bỉ.

- À, không nói phải không? Được rồi, lên quận trả lời với mấy bức tường.

Cô gái la lên, giọng bực tức:

- Mày thả tay tao ra, tao mới nói. Tao không thèm chạy đâu. Đồ tồi…

Tôi ngần ngừ một giây rồi thả tay ra. Cô gái kêu lên một tiếng nhỏ. Hai bàn tay bóp vào nhau nắn nắn chỗ đau. Thằng nhỏ chạy đến ngồi sát bên. Tôi vớ lấy cây đòn gánh dứ dứ:

- Chạy là lọi giò... Nói trước...

- Tại sao mày bắt tao, vườn này của mày hả?

- Không phải vườn của tôi nhưng tôi là dân trong làng này, tôi có quyền bắt những ai ăn trộm tài sản của dân làng.

Cô gái ngẩng mặt lên, giọng cứng:

- Mày đâu phải dân làng. Giọng nói của mày...

Tôi sực nhớ đến giọng Nam chưa phai của mình.

Tôi gật đầu:

- Ừa, tôi không phải là dân làng này, nhưng là người lương thiện, gặp kẻ trộm là phải đuổi bắt… Nhưng cô chưa trả lời câu hỏi của tôi. Hai người có phải là chị em không? Tại sao lại ra vườn người ta trộm cắp tùm lum vậy?

Cô gái dịu giọng:

- Đói thì ăn trộm chớ làm sao. Cả vườn khoai rộng vậy, tụi tao chỉ lấy một vài củ thì hề gì.

Tôi chỉ hai cái bao tải để dưới đất đầy khoai mì:

- Vài củ, cả gia tài của dân ở đây chớ vài củ. Vậy mà vài củ đó hả.

Cô gái cúi mặt làm thinh. Chiếc áo bị rách một mảng vì cuộc đập lộn cấu xé vừa rồi. Gương mặt lem luốc. Thằng bé ngồi nhìn cô gái rồi lại nhìn tôi. Tay nó khều khều:

- Xin dìa đi chị, chớ má chờ...

Cô gái thúc hông thằng bé, không nói.

- Dìa, lên quận đã rồi dìa sau. Đi.

Cô gái hốt hoảng ngước mắt nhìn tôi cầu khẩn:

- Anh làm ơn tha cho chị em tui. Bị bà già bả đau mà hổng có tiền nên làm càn. Trên đời ai cũng lỡ một lần chớ muốn chi ăn cắp…

Trên đời này ai cũng lỡ một lần. Lòng tôi chợt dịu lại. Tôi nhớ đến những chuyến đi chợ đêm của ba tôi, của bác Tư, bác Bảy ngày xưa. Cũng những lần đói kém, những lần đi chợ bất khả kháng. Những đêm trăng yên lặng. Tiếng đập của trái tim trong lồng ngực. Bóng tối đồng lõa. Và cơn lo sợ bị bắt gặp. Mùi đất bới, những củ khoai, những củ mì thơm ngọt tươi nguyên. Tôi buột miệng:

- Hai người ở trong gánh hát hồi chiều mới tới đó hả?

Cô gái nói nhanh:

- Hổng phải...

Cái nhanh nhẩu khẳng định một ý nghĩa trái ngược. Tôi hỏi tiếp:

- Bao giờ thì hát? Ra được tới đây mà đói sao?

Cô gái cúi đầu:

- Bị kẹt...

Tôi dịu giọng:

- Thôi, đi dìa đi, lỡ lần này, lần sau gặp lại tui là không xong đâu nhen.

Cô gái và thằng nhỏ chỉ chờ có thế. Cả hai đứng bật dậy, bối rối nhìn bao tải khoai mì.

- Trút bớt khoai mì ra, cho một phần bao thôi, còn bao nhiêu để lại cho người ta. Phá nát cả vồng khoai. Thiệt là…

Cô gái đổ bớt một ít khoai trên đất, dáng vẻ tiếc. Cả hai chị em, mỗi người vác một bao, quay nhìn tôi rồi bươn bả bước nhanh đi. Mái tóc của cô gái phất phơ trong gió, đen tuyền dưới ánh trăng.

Còn lại một mình, tôi ngồi nắn lại cái vai đau. Vết xước trên má nhói buốt. Mặt lá khoai ướt nước. Trời cũng đã muộn lắm rồi. Tôi phải giải thích với ba má nuôi tôi như thế nào về trường hợp về muộn này. Kể lại sự thật. Tôi bỗng dưng muốn giữ lại cho riêng tôi bí mật tối nay, kể cả với Vân nữa... Hai chiếc bóng của hai chị em kia mất hút sau khúc quanh. Tôi uể oải đứng dậy. Lòng bâng khuâng một chút hương mới lạ.

Về đến nhà thì ba tôi đã đi vắng, má nuôi tôi nóng ruột nhấp nhổm ở trên cái chõng tre đặt ở hiên nhà. Cũng may giàn mướp xanh che bớt ánh trăng, giấu giúp tôi trong lúc nhất thời những vết bẩn trên quần áo, vết xước trên mặt. Chưa kịp để má nuôi tôi hỏi chuyện, tôi vội phân trần.

- Con qua nhà Vân có chút chuyện nên về trễ.

Má nuôi tôi thở hắt ra một hơi dài:

- Trời ơi, tao tưởng có chuyện chi chớ. Bữa sau nhớ về cho má biết rồi mới đi chơi nghe. Ổng đi suốt hồi chiều đến giờ chừ cũng chưa về. Mày cũng đi mất đất. Tao lo chi là lo.

- Ba chưa về hả má.

- Ừa, cơm trên bàn, vô ăn trước đi. Sớt làm hai để phần. May là con trai chớ con gái cứ điệu này tao đứt tim luôn.

Tôi cười cười, dạ dạ cho má nuôi yên lòng, rồi đi thẳng ra sau nhà rửa ráy.

Đêm hôm đó tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Hình ảnh hai chị em của gánh cải lương, ăn cắp khoai mì, đã tô đậm trong tôi những kỷ niệm cũ. Tôi mường tượng được một nỗi nôn nao khó tả ẩn giấu trong tim. Gánh hát này ngó bộ đông người, chắc vững hơn gánh hát của ba mẹ tôi hồi xưa. Nhiều người chắc vui hơn nữa. Tôi lại tưởng tượng ra những đêm hát. Cái quang cảnh mơ hồ của những đêm hát cũ được tô son dát vàng, phong phú thêm lên. Hồn tôi lâng lâng. Trong bất chợt tôi lẩm nhẩm ca một bản Nam Ai.

- Chưa ngủ hả Hiệp. Coi chừng mai dậy sớm nghe. Dãy đậu phụng mới phát chưa kỹ đó.

Tôi lăn mình, dạ một tiếng nhỏ. Mai này tôi phải làm những công việc nhàm chán đó ư? Thiệt là buồn. Giá như tôi kiếm được một chân thư ký trong quận còn đỡ. Đằng này, khó xin quá. Mà ba má nuôi tôi muốn tôi trông nom nhà cửa ruộng vườn hơn. Ba nuôi tôi thường nói: "Không có gì quý bằng nghề làm nương ruộng rẫy. Tự do, không làm đầy tớ ai cả." Tôi công nhận, nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ đến một chân trời bay nhảy khác, một chân trời quyến rũ, có ánh đèn sáng rỡ sân khấu, có tiếng vỗ tay, có niềm đam mê thích thú. Tôi lan man nghĩ ngợi đủ cách. Ánh trăng đã rời khỏi khung cửa nhỏ. Gian nhà tịch mịch. Tôi thiếp đi trong tiếng mõ cầm canh rời rạc buồn thiu.

Dĩ Trung, ngày... tháng... năm...

Anh Hiệp.

Chiều nay, Vân lấy làm tiếc là không đi xem hát với anh được. Anh thích đi xem hát, Vân đâu dám cản. Mấy câu vọng cổ chắc sẽ đem lại cho anh thoải mái và sung sướng. Còn Vân, Vân chỉ đem lại cho anh những sự buồn phiền hằn học. Anh là người của thành thị, Vân quê mùa làm sao giữ được anh. Anh ví như con chim đang đập cánh muốn bay. Vân tựa như cái chuồng im lặng nhìn. Cửa đã mở...

Thôi, Vân viết ít, anh hiểu nhiều, anh hiểu lòng Vân nghe. Chúc anh chiều nay được vui trọn vẹn và những mơ ước mau đạt thành.

Em,

Trần Thị Vân

Tôi nhét bức thơ của Vân vào túi áo, chống cán cuốc hỏi bé Ba.

- Chị Vân đưa cái thơ ni cho em hồi mô?

- Chỉ mới đưa cái em chạy ra liền.

- Ngó bộ chị Vân giận anh hả?

Bé Ba lắc đầu dợm chạy:

- Em không biết. Hình như chỉ khóc. Chỉ biểu là anh dừng qua nhà chiều ni, chỉ không có ở nhà mô. Chỉ qua bên thím Năm đó.

Bé Ba bỏ chạy về phía mấy đứa nhỏ đang thả diều. Tôi rút lá thư của Vân viết đọc lại một lần nữa. Như thế này là Vân giận tôi lắm đấy. Tôi đang định cày xong vồng khoai này thì nghỉ, ghé qua Vân nói lại chuyện hôm qua để Vân bớt buồn. Ai dè. Tôi buồn bã đẩy cán cuốc nhè nhẹ trên những vồng đất vun mới. Nắng vàng la đà trên mấy ngọn rau non mướt. Gió hiu hiu. Tiếng sáo diều đằng xa, tự trên cao véo von. Tất cả không mang một niềm vui nào mà lại có vẻ rầu rầu. Tôi xếp cuốc, mấy cái gióng và một ít khoai củ đào được bỏ vào thúng. Không buồn rửa đôi chân lấm lem đất, tôi lủi thủi trở về. Không ai hiểu được tôi hết, kể cả Vân. Vân đâu có là tôi để bị chìm ngập trong vũng lầy mơ ước. Niềm ước ao phát xuất từ cuộc sống thật, trót tan biến vì tai nạn chiến tranh, trót rời xa một cách khả dĩ, và bây giờ âm ỉ sống lại, sống lại trong tâm hồn, trong sức sống mạnh của một thanh niên cường tráng.

- Ê… ê… ê…

Tiếng reo của lũ trẻ, hòa lẫn tiếng trống, tiếng chạy, tiếng xe lam nổ rộn ràng. Tôi nép sang một bên bờ đường đứng nhìn. Đoàn cải lương hôm qua bắt đầu chiến dịch quảng cáo đây. Vẫn người đàn ông gầy gò lái xe. Hai con mắt trắng dã lồ lộ. Chiếc xe qua mặt hất bụi mờ. Lũ trẻ chạy la khan cổ. Tôi nhìn vào thùng xe. Thằng nhỏ trộm khoai đang dùng hai tay đánh trên mặt da trống kẹp ở hai bàn chân. Cô gái nghếch mắt nhìn tụi nhỏ lẩm bẩm cái gì không rõ. Chợt thấy tôi, cô mỉm cười. Cặp mắt tinh nhanh. Hai tay vẫy vẫy. Tôi mỉm cười bâng quơ đáp lại. Trong tiếng la hét chập chùng tôi nghe có tiếng cô gái cố hét to:

- Chiều nay coi hát nghe, tuồng hay lắm.

Chiều nay coi hát nghe. Trống vỗ dập dồn như bước chân tôi hối hả. Tại sao tôi lại bỏ lỡ một dịp vui như thế này nhỉ? Nhưng còn Vân, nếu Vân biết được tôi vẫn ham thích đi xem hát thì thật là… Ý tưởng mới đến làm tôi cụt hứng. Tôi mau chân hướng về nhà.

Buổi chiều, tắm rửa sạch sẽ, thay bộ quần áo hồi còn đi học. Cái quần tây xanh không chật, chỉ hơi ngắn. Chiếc áo sơ mi trước rộng rinh nay bó tròn cả lồng ngực khỏe. Chà, tôi cũng lớn bộn. Nhất định tối nay, tôi sẽ không đi xem hát, và tôi sẽ đến xin phép ba má Vân đưa Vân ra vườn chơi. Đêm sáng trăng. Tôi sẽ tìm cách giải thích những khúc mắc trong lòng tôi để Vân hiểu, để Vân hết giận. Để Vân biết rằng tôi cũng thương Vân, cũng yêu mến đất Dĩ Trung nghèo mà nồng nàn kỷ niệm này. Bây giờ, thì tôi ghé lại chỗ gánh cải lương một chút. Cùng nghề với nhau, chắc tôi biết được một vài tin tức ở xứ trong, nghe được vài mẩu chuyện hay hay của những người giang hồ kỳ bạc.

Gánh hát cũng lại đóng đô ở nhà họp là nơi mà năm xưa, gánh Hưng Liên đã hát ở đây, và gặp tai nạn cũng ở đấy. Khi tôi tới nơi thì cô gái hồi hôm đang phơi những chiếc chiếu ướt. Thằng nhỏ đang gặm củ khoai ở cạnh chiếc xe lam, chợt thấy tôi kêu lên:

- Chị Dung, ông hồi hôm kìa…

Dung, tên cô gái, quay lại. Thấy tôi, nàng cười cười.

- Anh đi coi hát hả. Còn sớm, chắc khoảng giờ nữa mới bắt đầu. Mới ăn cơm hà.

Tôi đâm ra lúng túng:

- Lại thăm thử đoàn hát ra sao. Ủa, chiều tối mà còn giặt đồ lấy gì ngủ.

Dung chỉ thằng nhỏ chanh chua:

- Cái thằng mắc dịch này nè, nó đổ khoai làm dơ hết…

Nói xong câu đó, có lẽ Dung nhớ lại câu chuyện đêm rồi, e thẹn nói nhỏ:

- Khoai hồi hôm đó, may gặp anh...

Tôi khỏa lấp cho Dung đỡ ngượng:

- Thôi... bỏ qua đi... À cả đoàn ở đâu hết?...

Dung chỉ vào trong:

- Đang ôn tuồng ở trỏng. Anh vô chơi.

Tôi theo Dung bước vào. Trên sân khấu làm tạm, những tấm phông treo ngay ngắn. Những bức màn vẽ cảnh thẳng rõ. Ngọn măng sông duy nhất treo gần sân khấu chao động. Tôi rùng mình nhè nhẹ. Cảnh cũ, bầu không khí có vẻ quen thuộc đến lạ lùng. Tôi bước như bước về cơn mộng huyền của dĩ vãng.

- Giới thiệu với anh đây là ba má Dung, bác Sáu Vĩ, cây đờn của gánh hát. Anh Thuận Thành, kép độc của gánh, anh Năm Giỏi, hề đắc giá nhứt của gánh. Còn đây là anh... anh...

Tôi đỡ lời:

- Tôi tên Hiệp...

Dung cười:

- Cái anh hồi hôm, vụ khoai mì đó má.

Má Dung cười cười với tôi. Bà nói:

- Có nghe con nhỏ về nói. Cám ơn cháu quá.

Ba Dung cũng nói:

- Cháu ở lại xem hát. Mới tới hổng biết có người coi không. Chớ sợ ăn cháo cầm hơi quá.

Tôi kiếm lời trấn an:

- Chắc có bác à. Dân ở đây cũng thích cải lương lắm...

- Bây giờ sợ thời buổi khó khăn đó cháu...

Những người kia im lặng lẩm nhẩm lại vai mình. Bác Sáu Vĩ, người mà Dung giới thiệu là cây đờn của gánh đang sửa lại dây đàn.

- Cháu ngồi chơi...

Tôi ngồi xuống bục gạch, trong khi Dung chải lại những sợi tóc rối.

- Tối nay em có vai, anh ở lại coi nghe.

Dung xưng anh em với tôi tự nhiên ngọt xớt làm tôi đâm ngượng, tôi liếc nhìn mọi người xem có ai để ý không. Ngoại trừ hề Năm Giỏi thỉnh thoảng liếc nhìn tôi, còn ai nấy đều thản nhiên làm điệu bộ tập tuồng.

Quang cảnh trước mặt quen thuộc quá. Tôi ngồi thu mình lại để nhìn để cảm. Trong khoảnh khắc tôi thấy như mình đang sống, đang hòa hợp trong bầu không khí này thật sự. Tôi muốn hát to lên, tôi muốn múa may theo tiếng đờn của bác Sáu Vĩ đang trơn tru, trau chuốt.

- Dung, tập lại bản hồi chiều coi. Không thôi chút nữa mày quên hát sai nhịp cho coi.

Dung liếc tôi một cái rồi nói:

- Bác đờn sai thì có, người ta hát mà...

- Ừa, thì mày làm ơn tập lại lần nữa đi. Đờn cho mày hát khó như ăn ớt... Tao muốn đập cái đờn cho luôn...

Dung háy bác Sáu Vĩ một hơi dài, bước tới quỳ một chân bên cạnh bác. Chân bác Sáu Vĩ gõ nhịp đầu. Dung vẫn chưa bắt kịp. Bác la lên.

- Hễ gõ là bắt đầu chớ. Nè... một hai ba... Cụp...

Dung hát:

- Trăng lên cao...

- Lại sai rồi... Tôi buột miệng cùng lúc với bác Sáu Vĩ…

- Mày quên bản hả Dung? Hát gì kỳ vậy?... Thằng Thuận Thành đưa tập tuồng cho nó học thử coi nà. Đi chơi, làm biếng...

- Kệ tui chớ bộ. Tại bác đờn dở...

- Bắt đầu nè... Vô…

- Trăng lên cao, ánh sáng chan hòa.

Bác Sáu Vĩ ngưng ngang, tay kia vuốt đầu, giọng chán nản:

- Cái đầu con này nó đặc...

Tôi bỗng dưng thấy ngứa ngáy miệng. Chỉ cần một người hát để Dung theo là được liền. Tôi sẽ làm công việc đó. Xưa tôi tập bản này luôn mà... Tôi nói:

- Dung bỏ nhịp đầu, bắt nhịp hai, khi tiếng đờn vừa đến chỗ ngắt. Bác Sáu lên đờn đi, Dung hát theo tôi nè…

Bác Sáu dạo dạo rồi bắt đầu. Chân bác gõ nhịp song lang vừa khít với câu hát. Dung không hát theo mà há hốc miệng nhìn tôi kinh ngạc. Bác Sáu Vĩ cao hứng đờn luôn cả bản, và tôi say sưa ca đến hết. Từ hề Năm Giỏi, đến kép Thuận Thành và ba má Dung, không ai là không trố mắt nhìn tôi. Thằng nhỏ la lên:

- Xời ơi, anh ca hay ác.

Bác Sáu Vĩ cũng khen lấy khen để:

- Học hát hồi nào vậy cà, sao cháu ca đúng nhịp vậy không biết...

Dung hỏi dồn:

- Giọng anh ca cũng ngọt lắm chớ chơi sao. Anh này coi bộ nhà nghề quá.

Tôi lấy giọng thản nhiên:

- Thì tôi cũng nhà nghề chớ bộ chơi sao.

Lần này thì tất cả mọi người đều trố mắt nhìn tôi. Dung hỏi:

- Anh nói thiệt hả?

Tôi không trả lời mà ca ngay một câu vọng cổ. Hai tay bác Sáu Vĩ phản xạ lướt trên giây đờn. Tôi ca xong. Ba Dung chồm người lại hỏi:

- Quả thiệt cháu nhà nghề rồi. Ủa mà sao ở đây. Bộ gánh hát của cháu ở gần đây hả.

Tôi lắc đầu:

- Ngày xưa kìa bác...

Nỗi nhớ thương từ phần sâu nhất của lòng chợt dâng trào cuồn cuộn. Tôi rưng rưng kể lại cho mọi người nghe dĩ vãng gánh hát Hưng Liên với những thăng trầm của nó. Và cho đến ngày, gánh hát gặp tai nạn ngay tại nơi tôi đang ngồi. Một mình tôi sống sót, cố quên mất quá khứ, cố từ bỏ những thói quen cũ, cố đè nén tính lãng mạn mông lung của mình, ép mình thành một thanh niên, một nông phu của cái quận nhỏ bé miền Trung này. Khi kể xong, lòng tôi bỗng nhẹ man man. Ba Dung trầm ngâm một chút rồi bảo tôi:

- Nếu cháu còn yêu nghề, thì gia nhập gánh hát của bác đi. Gánh hát thì nghèo, nhưng những tâm hồn nghệ sĩ đâu có kể chi giàu nghèo. Có cháu đóng chung với con Dung, chắc gánh này có cơ phát triển.

Bác Sáu Vĩ cũng nói theo:

- Gánh này định lên tỉnh đó cháu.

Tôi ngạc nhiên:

- Lên tỉnh làm sao cạnh tranh nổi với các đại ban bác?

Kép Thuận Thành cũng nói:

- Trung ban cũng chưa cạnh tranh được chớ đại ban…

Mẹ Dung lắc đầu:

- Thiệt tình biết cạnh tranh không nổi, nhưng mình lên tỉnh để tìm cơ hội. Sau chuyến Trung du này, nhứt định tụi tui lên Sài Gòn. Hát cốt để giới thiệu đào kép của gánh mình đó, biết đâu có đại ban gì đó chú ý đến con Dung, đến cháu, đến Thuận Thành thì đỡ biết mấy. Tiền ký công tra cũng đủ đắp đổi sửa soạn cho cái gánh của mình.

Mắt Dung sáng lên:

- Má dìa Sài Gòn hả má? Sướng quá...

- Ừa, có ngày mày cũng nổi tiếng như Thanh Nga, Bạch Tuyết.

Bác Sáu Vĩ nói kháy Dung, nhưng tự dưng từ đó, tôi lờ mờ được tương lai của mình. Có thể tôi cũng nổi tiếng nếu có đất dụng võ. Tưởng tượng ra một ngày nào đó tên mình được khen tặng, được đăng trên báo, được hát qua ra dô, qua truyền hình, lòng tôi nôn nao háo hức thật tình. Sợi dây hát xướng bỗng chốc cột chặt tôi. Con đường nào thênh thang mở rộng trước tầm mắt. Tôi mong muốn vô cùng.

- Cháu gia nhập đoàn hát này đi... Con trai phải tự lập, phải đi đây đi đó để biết người biết ta, nhứt là để nối lại cái chí của ba má cháu ngày trước. Có ở đây cũng ở đậu ăn nhờ.

Tôi chợt nhớ đến ba má nuôi tôi. Nếu ông bà biết chuyện này thì rầy tôi chết, và ông bà cũng buồn lắm. Cả Vân nữa. Tôi nhớ đến bức thư của Vân hồi chiều. Lòng tôi chùng lại. Kép Thuận Thành đã soạn đồ trang điểm ra. Hề Năm Giỏi đang thoa phấn đen lên khuôn mặt đầy mụn trứng cá. Thỏi son, hộp phấn, viết chì than, v.v… tất tất ẩn hiện xen lẫn với khuôn mặt Vân hiền dịu, với dáng dấp ba má nuôi tôi buồn rầu, với khuôn mặt Dung vui tươi, với bộ quần áo kim tuyến lóng lánh của mẹ tôi, ánh kiếm uy nghiêm của ba tôi, tiếng đờn của bác Bảy Viễn, giọng cười của bác Tư Tình. Hình như những y quang sân khấu lôi kéo tôi dữ dội, tôi háo hức.

- Gia nhập gánh đi anh Hiệp, anh sẽ dìa quê anh ở nè. Biết đâu anh thành kép sáng giá nhất Sài Gòn đó...

Tôi lơ lửng:

- Dạ bác để cháu coi lại đã...

Môi ba Dung nở một nụ cười thúc giục:

- Ừa, đoàn hát ở đây ba bữa nữa. Cháu cứ lo liệu. Nếu đi qua tin cho bác biết. Chớ thường đoàn đi từ sáng sớm lắm. Cháu vậy là có duyên với bác đó, chớ có nhiều đứa muốn gia nhập gánh hát mà bác hổng chịu đó...

Mọi người đã xong phần trang điểm, đứng lên thay đổi y phục. Một phút sau, tất cả đều đổi khác. Tất cả đều đẹp đẽ, hoặc uy nghi, hoặc dữ tợn tùy theo vai trò của mình. Tôi đứng dậy định trở về qua nhà Vân. Nhưng Dung đã chạy đến ngăn lại:

- Anh Hiệp ở lại coi Dung ra tuồng đi. Màn gần mở rồi mà.

Tôi nhìn Dung trong lốt một tiểu thư. Dưới ánh đèn Dung trông lộng lẫy khác thường. Đôi má hồng, chiếc miệng đỏ mộng chúm chím. Mái tóc búi gọn cài trâm trông sang cả. Tà áo lụa vờn tha thướt với những dải thắt hồng đào. Tôi ngẩn người trước cái nhan sắc bất chợt đó. Lòng tôi chợt dâng lên một nỗi thích thú mơ hồ. Dung nhìn tôi mỉm cười. Bàn tay nàng dịu dàng lay lay tay tôi. Như cơn mơ, tôi có cảm tưởng mình là một hoàng tử thần thoại. Tôi nhè nhẹ gật đầu ngồi xuống ở cánh gà. Mắt tôi vẫn nhìn Dung không chớp. Tôi từ khi lớn lên, chưa bao giờ được trông thấy một người dàn bà con gái nào trang điểm đẹp đẽ như vậy, sang cả như vậy. Dung thu hút tia nhìn của tôi như nam châm hút sắt. Tôi cố nghĩ chuyện khác, tôi cố chăm chú theo dõi vở tuồng, nhưng thật sự mắt tôi chỉ nhìn theo Dung. Tôi quên mất Vân, quên mất bức thư còn nằm trong túi áo. Quên đôi mắt ngập nước dỗi hờn.

Dung lượn lờ ngoài sân khấu, kép Thuận Thành vướng vít chung quanh. Dáng oai hùng, kiêu dũng. Tôi mơ ước được thế chỗ của Thuận Thành, bước sóng đôi với nàng tiểu thư khuê các Dung trên sân khấu, giữa đám khán giả thán phục, trong tiếng đờn trầm bổng, trong bầu không khí mê hoặc lôi cuốn của sân khấu. Tiếng vỗ tay ròn rã của đám khán giả bên dưới càng lúc càng du tôi, thôi thúc tôi mau bước vào cái thế giới quyến rũ của sân khấu. Những ước mơ trước kia lờ mờ, ẩn hiện, bây giờ đậm nét và đêm nay nó trở thành mục tiêu chính, hy vọng chính cho tương lai tôi. Nhiều giây phút tôi muốn vùng đứng lên tìm ba má Dung xin gia nhập gánh hát, xin được ra tuồng ngay. Nhưng cảm thấy sự quá đáng của mình tôi lại thôi.

Vở hát kết thúc, tôi theo đoàn người lũ lượt ra về vì sợ giờ giới nghiêm. Đám đào kép tíu tít lau rửa mặt phấn, cười nói vui vẻ. Tôi bước đi, nhưng hồn như đã gởi lại gánh hát cải lương. Tôi không còn nghĩ ngợi gì nữa ngoài câu nói mời mọc của ba Dung "cháu về thu xếp rồi gia nhập gánh với bác. Nghệ sĩ, phải có chỗ đứng của nghệ sĩ, cho xứng đáng chớ". Nghệ sĩ, dòng máu của tôi là dòng máu nghệ sĩ, thì đâu ai phiền trách được tôi khi tôi làm nghề mà ba mẹ tôi đã làm và tôi đã sống trong môi trường đó suốt hơn mười năm trời. Tôi ngước nhìn bầu trời trắng đục. Một đám mây mỏng đã che ánh sáng của mặt trăng. Trời thẫm lại, vài ngôi sao sáng rõ hình chớp chớp trên cao.

"Tôi sẽ là một ngôi sao sáng trên vòm trời kịch nghệ". Ngôi sao sáng với hào quang danh vọng, với hàng ngàn khán giả ngưỡng mộ. Tương lai như gần gũi vô cùng. Tôi mỉm cười một mình trong đêm.

*

Sáng hôm sau tôi dậy muộn. Má nuôi tôi đã nấu xong cơm và đã cho gia súc ăn uống xong xuôi cả. Tia nắng đầu tiên đã nhuộm hồng đọt tre đầu xa. Má nuôi tôi càu nhàu khi thấy tôi còn ngồi thẫn thờ bên lu nước mà chưa chịu súc miệng.

- Trưa rồi đó nghe Hiệp. Nhà nông ngủ nướng là hư việc hết. Ba mày ra đồng trước rồi. Chặp nữa có đi vác cái cuốc thôi.

Câu trách nhẹ đó, ngày thường đối với tôi chả có chút bực dọc nào, thế nhưng hôm nay lại khác, tôi khó chịu bởi những câu nói của má nuôi tôi. Thứ nhất, tôi cảm thấy rõ ràng sự tù túng của đời sống nhạt nhẽo này. Giờ giấc cũng chẳng phải của riêng tôi. Lỡ ngủ muộn là bị mắng ngay. Thứ hai, cái lý do làm tôi bực mình nhất là má nuôi tôi đã làm tan giấc mộng đẹp. Tôi mơ thấy mình đang sửa soạn để ra sân khấu, sân khấu lớn rộng to đẹp với những tấm phông cảnh như thật, và đám khán giả thì đông nghẹt. Họ la to tên tôi để đòi tôi ra sân khấu. Sự vinh quang đến khi tôi xuất hiện. Dung đã sửa soạn xong và vẫy tôi đến gần để cùng ra sân khấu một lượt. Thế nhưng khi tôi mới dợm bước chân đi thì bị đánh thức bởi tiếng kêu lớn bên tai. Tỉnh dậy, tôi vẫn còn bàng hoàng, vẫn cố nhắm mắt lại lần nữa để giấc mộng kia tiếp nối. Nhưng dở dang rồi, mộng tàn và thực tế, công việc đồng áng thúc giục tôi nhanh chân. Cho đến khi cơn tức bực bởi bị mắng tràn lên cổ tôi mới tỉnh mộng hẳn. Không ăn sáng tôi vùng vằng ra khỏi nhà giữa tiếng kêu giật ngược và câu phàn nàn của má nuôi tôi:

- Hiệp… ăn sớm đã rồi hãy đi... Hiệp… cái thằng tự nhiên trở chứng chi lạ...

Những đêm tiếp đó, không đêm nào tôi vắng mặt ở đoàn hát Sen Vàng, tên của gánh cải lương của ba má Dung. Đêm, từng đêm, trước khi hát, sau khi vãn, ba má Dung, bác Sáu Vĩ luôn luôn tìm lời rủ tôi bỏ nhà đi theo gánh hát. Bác Sáu Vĩ bắt tôi hát thử một vài bản, rồi mọi người xúm vào khen nức khen nở. Họ khen vóc người tôi giống Thanh Tú, giọng hát tôi giống Thành Được. Ca tân nhạc hơi giống Hùng Cường. Tóm lại, tôi là một tập hợp của nhiều tài danh tên tuổi, do đó, nhất định tôi sẽ nổi tiếng. Họ khơi trong tôi dĩ vãng của đoàn hát Hưng Liên, vẽ vời những thành phố xa lạ, những miền đất phì nhiêu, những con đường trăm ngả, sự tự do, nghệ sĩ tính. Họ đốt chết trong tôi những tình cảm níu kéo tôi với quận Dĩ Trung. Tiếng cười của Dung, vẻ mặt rực rỡ của nàng hằng đêm làm phai trong tôi hình ảnh Vân, người con gái thùy mị dịu dàng. Tôi chìm người như mê vào tiếng hát câu đàn và tương lai sáng giá của những ngày sắp đến. Và tôi quyết định: Ra đi.

Đêm cuối cùng ở nhà, tôi thao thức mãi không chợp mắt được phút nào. Sáng sớm mai, như thường lệ, tôi sẽ ra đồng, nhưng ra thật sớm. Chuyến xe lam chở đoàn hát đi ngang qua ruộng sẽ mang tôi tiếp tục chuyến đi kỳ thú mà tôi đã tưởng không bao giờ còn gặp lại. Tôi mở to mắt trong bóng đêm để nhìn lại toàn diện căn nhà của ba má nuôi tôi lần cuối. Chỉ còn đêm nay nữa thôi. Chiếc ghế, cái bàn, lu nước, khạp gạo, cái bàn thờ, cái chân đèn gảy sứt một góc, cái cửa sơn lỗ chỗ, mọi vật như di động gần vào mắt tôi, như níu kéo tôi ở lại, sợi dây nào trìu mến vô hình vương vấn quanh tôi. Đôi lúc, tôi tưởng mình sẽ bỏ cuộc. Tôi tưởng tôi sẽ không có can đảm rời xa ngôi nhà thân mến này. Tiếng ngáy của ba tôi, tiếng thở nhịp nhàng của ba má tôi, tiếng côn trùng hòa lẫn vào cái thinh lặng của ban đêm. Tiếng ru con à ơi ngái ngủ trong đêm vắng, quen thuộc quá. Tôi thấy lòng mình buồn buồn. Cái buồn tê dại, không lời bày tỏ, miên man khắp. Hồi chiều, tôi đi ngang qua nhà Vân, nhưng không vào vì Vân còn giận tôi ghê lắm. Nếu Vân biết tôi ra đi, nàng còn giận còn buồn đến mực nào. Nhưng tôi nhất định rồi. Sau này, một hai năm, khi làm ăn khá, tôi trở lại Dĩ Trung thăm Vân, thăm ba má nuôi tôi, và như vậy chắc Vân và mọi người sẽ không còn trách gì tôi nữa. Chớ sống mãi ở đây, tài tôi bị mai một, chí tôi bị trói buộc bởi lũy tre, bởi cánh đồng nắng khô, cỏ cháy. Tôi cố xua đuổi mọi ý nghĩ bi quan bằng cách tưởng tượng đến những ngày sắp đến…, những vai trò sắp nhận. Nhưng lạ thay, trong hy vọng, trong nỗi vui vì sắp được toại nguyện tôi vẫn nghe cơn buồn nào đến bao trùm thân thể.

Tôi nằm vậy để chờ tiếng gà thứ nhất.