Khu Vườn Bí Mật

Chương 6 - "Ai đó đang than khóc, ai đó..."

Ngày hôm sau, mưa lại tuôn như thác đổ. Lúc Mary nhìn qua cửa sổ buồng nó, cả cánh đồng hoang hầu như chìm trong màn sương và bầu trời đầy mây xám xịt. Vậy là không thể ra ngoài hôm nay.

- Chị làm gì trong túp nhà gianh của chị vào những ngày mưa như thế này? – Nó hỏi Martha.

- Hầu như phải giữ chân hết đứa nọ đến đứa kia, cô ạ. – Martha đáp. - Ầy, bọn nhóc đông thế cơ mà. Mẹ tôi là người đôn hậu, và cũng rất công bằng. Những đứa lớn sẽ ra bãi chăn và chơi ngoài đó. Thằng Dickon thì chẳng bao giờ sợ mưa ướt. Nó vẫn chạy nhởn nhơ như thể trời đang nắng. Nó bảo nó thích ngắm nhìn cảnh vật vào những ngày mưa, nhìn những gì không thể thấy được khi thời tiết tốt.

- Có hôm, nó phát hiện ra một con cáo non sắp chết đuối trong hang, nó bèn ủ con vật trong ngực áo sơ mi cho ấm rồi mang về nhà. Mẹ của nó bị chết ngay gần đấy, cái hố thì ngập nước, mấy con sinh cùng lứa thì chết sạch. Nó đã mang con cáo ấy về nhà nuôi. Vào dịp khác, nó còn tìm được một chú quạ non ướt sũng nước mưa và cũng rước về nhà, dạy dỗ nó. Tên nó là Bồ hóng. Con vật đen như than cứ nhảy nhót, bay liệng theo thằng bé khắp nơi.

Thời gian trôi đi, Mary cũng quên cả bực mình trước lối ăn nói quê mùa của Martha. Thậm chí nó bắt đầu nhận thấy lối nói đó thú vị, lại còn lấy làm tiếc khi chị ngưng kể hoặc ra ngoài. Mấy chuyện ngắn ngủi nó được nghe từ Ayah hồi ở Ấn Độ hoàn toàn không giống những gì Martha đã kể về nếp nhà gianh trên cánh đồng hoang, với mười bốn con người chen chúc trong bốn gian phòng bé xíu và chẳng bao giờ đủ ăn. Bọn trẻ dường như chỉ biết có chạy nhảy và tự nô đùa, như một bầy chó con vừa thân thiện, vừa hoang dã.

Mary hầu như bị cuốn hút bởi câu chuyện về người mẹ và Dickon. Chuyện Martha kể về những gì mẹ chị nói hoặc làm luôn mang lại cảm giác dễ chịu.

- Nếu tôi có một con quạ, hoặc một con cáo non, tôi cũng chơi với nó, - Mary bảo. – Nhưng tôi chẳng có gì hết.

Martha tỏ ra bối rối.

- Cô có biết đan lát không?

- Không. – Mary đáp.

- Cô biết khâu vá chứ?

- Không.

- Cô biết đọc.

- Có. - Vậy tại sao cô không đọc một cái gì đó, hoặc học viết chính tả? Cô cũng đến tuổi có thể đọc sách trôi chảy rồi còn gì.

- Tôi chẳng có cuốn sách nào cả, - Mary đáp. – Sách vở tôi để lại Ấn Độ cả rồi.

- Tiếc quá, - Martha bảo. – Nếu bà Medlock chịu để cô vào thư viện, thì trong ấy cơ man là sách.

Mary không hỏi thư viện ở đâu, nó chợt thấy hứng thú bởi một ý nghĩ mới lạ. Nó quyết định tự đi tìm. Nó không mảy may bận tâm về bà Medlock. Hình như bà ta luôn yên vị trong căn phòng dành cho quản gia đầy tiện nghi của mình ở tầng dưới.

Trong cái nơi kỳ dị này, người này khó lòng nhìn thấy người khác. Thực tế, cũng chẳng có ai để gặp ngoài đám gia nhân mà cứ hễ chủ đi vắng lại thoải mái tung tẩy ở tầng dưới, nơi có cả một nhà bếp khổng lồ treo đầy những đồ đồng và hợp kim thiếc bóng, cùng một gian sảnh dành cho gia nhân rộng thênh thang, và hàng ngày dễ có đến bốn năm bữa ăn với các món ngon ê hề được dọn cho bọn họ, với vô vàn trận đùa náo nhiệt diễn ra mỗi khi bà Medlock đi vắng.

Các bữa ăn của Mary vẫn được phục vụ đều đặn, Martha vẫn hầu hạ nó, nhưng không ai mảy may bận tâm tới nó. Cứ một hoặc hai ngày, bà Medlock lại ghé thăm nó, nhưng chẳng ai buồn hỏi xem nó đã làm được những gì hay bảo nó cần làm việc gì. Con bé cho rằng có lẽ đây là cung cách người Anh dạy con trẻ. Ở Ấn Độ, nó luôn được Ahay của nó để mắt tới, họ thường bám theo từng bước chân để phục dịch nó. Nó từng chán ngấy những kẻ bám gót ấy. Giờ đây, nó chẳng bị ai lẵng nhẵng theo sau, được tự mình mặc lấy quần áo, bởi vì chỉ nhìn Martha là đủ biết chị sẽ cho rằng nó lười biếng và ngốc nghếch nếu nó cứ muốn mọi thứ phải được đưa tận tay hoặc đặt ngay trước mặt.

- Cô cảm thấy thế nào?

– Có lần chị lên tiếng lúc Mary đang đứng đợi chị xỏ găng cho nó.

– Con bé Sunsan Ann nhà chúng tôi còn lanh lẹ gấp đôi cô mặc dù nó mới lên bốn. Trông cô nhiều khi ẻo lả quá đấy.

Mary lại xị mặt cau có hàng giờ đồng hồ, nhưng chính chuyện đó khiến con bé nghĩ đến một vài điều hoàn toàn mới mẻ.

Sáng hôm đó, Mary đứng lì bên cửa sổ chừng mươi phút, sau khi Martha quét dọn chỗ lò sưởi lần cuối cùng và đi xuống dưới gác. Nó đang nhớ lại cảm giác mới lạ mà nó từng có khi ở trong thư viện. Nó không quan tâm nhiều đến thư viện bởi nó vốn đọc rất ít sách, nhưng hễ nhắc tới thư viện thì hàng trăm căn phòng với những cánh cửa khép chặt lại lởn vởn trong không khí.

Nó tự hỏi nếu tất cả đều khóa chặt thì nó sẽ tìm thấy gì bên trong khi bước vào căn phòng bất kỳ trong số đó. Có tới cả trăm phòng thật không? Tại sao nó không được phép đi lại để đếm xem có bao nhiêu cửa ra vào? Và thế là có việc để làm sáng nay, khi nó không thể ra khỏi nhà. Nó chưa bao giờ được dạy là phải xin phép trước khi làm việc gì, mà nó cũng chẳng biết gì về mọi thứ phép tắc, bởi thế nó không nghĩ nhất thiết phải hỏi bà Medlock nếu muốn lai vãng chỗ này chỗ nọ trong nhà, kể cả nếu bà ta có bắt gặp nó đi chăng nữa.

Nó bèn mở cửa phòng, đi ra hành lang, tha thẩn. Đó là một hành lang dài dằng dặc, từ đây có các nhánh rẽ sang các hành lang khác, đưa con bé lên mấy đoạn cầu thang ngắn và những cầu thang này lại đưa tới các cầu thang khác. Hết cánh cửa này đến cánh cửa khác, và cơ man là tranh trên các bức tường. Đôi khi là những bức phong cảnh u ám, nhưng phần lớn là chân dung các quý ông, quý bà trong những bộ y phục trang trọng, lạ lẫm bằng sa tanh hay nhung.

Nó chợt nhận ra mình đang đứng trong một phòng tranh sâu hun hút, trên tường đều phủ kín những bức chân dung kiểu đó. Nó quả không thể tưởng tượng nổi sao lại có nhiều tranh đến thế, dù ở bất cứ ngôi nhà nào. Đến đây nó chầm chậm bước, đăm đắm nhìn các khuôn mặt, và họ dường như cũng đăm đắm nhìn lại nó. Nó cảm thấy như thể họ vô cùng ngạc nhiên trước những gì một đứa bé gái từ Ấn Độ trở về đang làm trong nhà họ.

Một số là tranh trẻ con, chỗ này túm tụm mấy đứa bé gái mặc những chiếc áo sa tanh dày dài chấm gót, chỗ kia là dăm ba cậu bé tóc dài, tay áo phồng lên, cổ cồn thêu đăng ten, có đứa còn đeo những chiếc cổ áo xếp nếp.

Con bé luôn dừng chân ngắm bọn trẻ con trong tranh, thầm hỏi không rõ tên chúng là gì, chúng đã đi đâu và tại sao chúng lại ăn vận thứ quần áo cổ lỗ như thế. Có chân dung một con bé trông không được ưa nhìn cho lắm, cứng nhắc, nom khá giống nó. Con bé mặc cái áo gấm thêu kim tuyến xanh, đang nâng một con vẹt màu xanh trên ngón tay của nó. Đôi mắt nó ánh lên cái nhìn tò mò, sắc sảo.

- Giờ này cậu sống nơi đâu? – Mary nói khá to với con bé nọ. – Tớ ước gì có cậu ở đây.

Từ trước tới giờ, chắc hẳn chưa đứa bé gái nào trải qua một buổi sáng lạ lùng đến vậy. Tưởng chừng chẳng một bóng người nào trong ngôi nhà khổng lồ ngoài hình hài bé nhỏ của nó, lang thang hết lên gác lại xuống nhà, qua các hành lang rộng rồi hẹp, những chỗ xưa nay có lẽ chưa hề có ai lui tới, ngoài nó.

Kể từ ngày dựng lên từng ấy căn phòng, hẳn đã có nhiều người sống nơi đây, nhưng tất cả trống trải đến nỗi con bé không thể nào tin đó là sự thực.

Chỉ tới khi leo lên tầng hai, nó mới nghĩ tới việc mở một cánh cửa nào đó. Tất cả các cánh cửa đều khóa chặt, đúng như lời bà Medlock nói. Nhưng cuối cùng, nó đặt tay lên tay nắm một trong các cánh cửa ấy và xoay.

Nó chợt thoáng cảm giác kinh sợ trong giây lát khi thấy tay nắm cửa xoay thật trơn tru, và cánh cửa nặng từ từ mở ra. Đó là một cánh cửa đồ sộ, mở thông vào một phòng ngủ lớn. Mầy bức rèm thêu trên tường, đồ nội thất chạm khảm như nó đã thấy ở Ấn Độ bày la liệt trong phòng.

Một cửa sổ rộng với những ô kính trong khung chỉ trông ra cánh đồng hoang; và trên mặt lò sưởi lại là bức chân dung khác của con bé khó ưa và cứng nhắc nọ đang đăm đắm nhìn nó với vẻ tò mò hết sức.

"Có một dạo cô ấy đã sống ở đây – Mary thầm thì, - Cô ấy cứ nhìn mình chòng chọc đến nỗi chính mình cũng cảm thấy kỳ quặc."

Từ lúc đó nó mở thêm được nhiều cánh cửa nữa. Nó nhìn thấy nhiều phòng đến nỗi mệt lử và bắt đầu tin rằng đúng là phải có tới cả trăm căn phòng, dù nó không hề đếm. Hầu như căn phòng nào cũng treo tranh cổ, thảm cổ với những cảnh trí lạ lẫm. Và hầu như tất cả các phòng đều bày biện những món đồ tranh trí và nội thất đáng ngạc nhiên.

Có một căn phòng nom tựa phòng khách của một quý bà nào đó; tất cả rèm cửa đều bằng nhung thêu; trong một chiếc tủ kính bày la liệt hàng trăm con voi nhỏ xinh được làm bằng ngà voi, một số con còn có quản tượng cưỡi hay đỡ kiệu trên lưng. Con to, con nhỏ, có con bé tí hin như vừa lọt lòng. Mary đã được xem nhiều đồ chạm ngà voi ở Ấn Độ và nó biết khá nhiều về voi.

Nó mở cửa tủ và đứng trên một chiếc ghế đẩu chơi đùa với đàn voi hồi lâu. Đến lúc cảm thấy mệt, nó bèn sắp xếp lũ voi theo thứ tự rồi đóng cửa tủ lại. Trong lúc lang thang dọc các hành lang dài dằng dặc hoặc giữa các căn phòng trống trải, nó không gặp một sinh vật nào, nhưng nó nhận thấy có cái gì đó ở chính giữa phòng này.

Ngay khi đóng cửa tủ lại nó nghe tiếng sột soạt khe khẽ. Âm thanh ấy khiến nó giật nảy mình và ngó quanh bộ sofa bên lò sưởi: dường như tiếng động phát ra từ đó. Ở góc bộ sofa có một tấm đệm, và trên tấm nhung phủ ngoài mặt đệm thấy có một lỗ nhỏ, từ bên trong ló ra một cái đầu bé xíu với cặp mắt hoảng hốt. Mary rón rén đi ngang qua căn phòng để nhìn cho rõ, thì ra đôi mắt sợ sệt kia là của một chú chuột xám be bé, và chuột mẹ đã cắn thành cái hốc trên tấm đệm để tạo nên một cái tổ êm ái. Sáu con chuột con đang cuộn tròn ngủ bên nó. Nếu không còn ai trong hàng trăm căn phòng này thì bảy con chuột trông cũng chẳng cô đơn.

"Nếu tụi mày không sợ, tao sẽ đem tụi mày về ở với tao," – Mary thì thào bảo.

Con bé còn lang thang thêm một lúc nữa cho tới khi mệt rã rời và không muốn đi xa hơn, nó liền quay về. Nó lạc lối vài lần bởi nhầm hành lang, và bắt buộc leo lên leo xuống cho tới khi tìm ra lối cũ; nhưng cuối cùng khi về đến chính tầng cũ của mình, dù chỉ còn cách phòng riêng có một quãng, nó lại không biết chính xác chỗ mình đang đứng.

"Chắc mình lại nhầm lối rồi" – nó nói và đứng sững tại một điểm dường như là cuối một hành lang ngắn, nơi cũng có những tấm thảm thêu trên tường.

– "Mình không hiểu lối này dẫn đi đâu. Sao tất cả im lìm thế!" Giữa lúc nó đang đứng đó, và ngay khi nói thế xong, một âm thanh bỗng vang lên phá tan cảnh tĩnh lặng. Một tiếng khóc nào đó, không hẳn đã giống tiếng khóc nó nghe thấy đêm qua, một âm thanh ngắn ngủi, cáu kỉnh, tiếng rên rỉ của một đứa trẻ con, nghèn nghẹt xuyên qua mấy bức tường.

"Nghe còn gần hơn trước," – Mary bảo, tim con bé mỗi lúc một dập dồn. "Nó đang khóc kìa."

Con bé vô tình đặt tay lên một tấm thảm thêu gần đó, bỗng nó nhảy lùi ngay lại, cảm thấy vô cùng hoảng hốt. Tấm thảm thêu vừa rớt xuống lại chính là vật che chắn như một cánh cửa ra vào để ngỏ và cho thấy một phần của hành lang khác đằng sau nó. Vừa lúc đó bà Medlock bước vào, tay cầm chùm chìa khóa to tướng với vẻ mặt vô cùng giận dữ.

- Cô làm gì ở đây? – Bà vừa nói vừa tóm lấy Mary, lôi nó đi xềnh xệch. – Tôi đã bảo cô những gì?

- Tôi đã nhầm lối rẽ, - Mary giải thích. – Tôi không biết đường, đang lúc đó thì nghe thấy tiếng ai khóc.

Nó vốn đã ghét bà Medlock lắm rồi, nhưng sau đấy nó còn thấy căm ghét bà ta.

- Cô chẳng nghe thấy gì như thế sất, - bà quản gia nói. – Hãy đi theo dọc lối này mà về phòng trẻ của cô đi, hoặc là tôi sẽ cho cô một bạt tai.

Nói đoạn, bà lại đưa tay tóm lấy con bé, nửa kéo nửa đẩy hết lên lối này lại xuống lối khác cho tới khi tống được nó vào phòng trẻ.

- Bây giờ, cô phải ở đúng nơi cô được phép ở hoặc cô sẽ bị khóa trái ở trong phòng. Ông chủ nên kiếm cho cô một nữ gia sư, đúng như ông đã định. Cô là cái thứ cần phải có ai đó để mắt sát sao. Tôi đã có đủ chuyện phải lo rồi.

Dứt lời bà bước ra khỏi phòng, đóng sầm cánh cửa lại sau lưng lại, còn Mary bước lại ngồi bên thềm lò sưởi, tái mặt vì giận dữ. Nó không khóc mà chỉ nghiến răng.

"Có ai đó đang kêu khóc... có ai đang kêu khóc... có ai đang...!" Mary thì thầm với chính nó.

Nó đã nghe thấy âm thanh đó hai lần, rồi có lúc nó sẽ khám phá ra. Riêng sáng nay nó biết được nhiều chuyện nhất. Nó có cảm giác như vừa trải qua một cuộc hành trình dài, và dù gì đi chăng nữa thì có một điều làm nó thấy vô cùng dễ chịu, đó là được chơi với bọn voi bằng ngà, được thấy chuột xám cùng bầy con của nó trong cái tổ giữa tấm đệm nhung.