Không Theo Lối Mòn

Quy Tắc 30 Giây

Arthur đang đứng ở đầu hàng xe limousine xếp dài trong sân bay để đón ông Jonathan Patient trở về. Khi thấy ông chủ, anh vội vàng rời khỏi vị trí và đi nhanh đến đỡ lấy hành lý của Patient.

- Mừng ông về nhà! Mọi chuyện đều suôn sẻ chứ? Ông thấy người Argentina thế nào? – Arthur vồn vã hỏi.

- Chào anh, Arthur. Mọi chuyện cũng khá tốt.

Khi chiếc xe đã êm ái lăn bánh trên những đại lộ thẳng tắp, Jonathan mới trầm ngâm cất tiếng:

- Argentina là một đất nước đầy tiềm năng nhưng họ vừa trải qua một thời kỳ rất khó khăn.

- Tôi cũng có nghe ti-vi và báo chí nói, nhưng chưa tận tường lắm.

- Ừm, Argentina là một trong những quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản nhất thế giới. Trước đây họ đã từng là nền kinh tế lớn thứ tám trên thế giới. Còn hiện nay, họ đang ở trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

- Tại sao lại thế, hả ông Patient?

- Đó là một vấn đề phức tạp. Có rất nhiều lý do giải thích cho việc này. Chính phủ tham nhũng là một; tầm nhìn hạn hẹp và con người không năng nổ là hai mối lo lớn tiếp theo. Nhưng quan trọng nhất, đó là do họ tiêu xài nhiều hơn sản xuất, một ví dụ điển hình của việc ăn “viên kẹo ngọt” quá sớm đấy Arthur ạ.

Anh hãy nhìn Nhật Bản, Singapore, Malaysia hay Hàn Quốc xem. Nền kinh tế của họ phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều so với các quốc gia Mỹ Latinh.

- Tại sao vậy, ông Patient?

- Bởi vì họ không ăn tất cả những viên kẹo họ có như một số nước Mỹ Latinh, mà họ biết cách tiết kiệm. Là một người Mỹ gốc Cuba nên tôi rất quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến châu Mỹ Latinh. Nói về tiềm lực kinh tế thì đây là một châu lục rất giàu có, họ nắm giữ trong tay gần ba mươi lăm phần trăm nguồn tài nguyên của thế giới nhưng hiện tại chỉ đóng góp được chín phần trăm sản lượng hàng hóa trên toàn cầu. Chúng ta cần phải thay đổi điều đó, Arthur ạ. Và một trong những mục tiêu của đời tôi là trong khả năng của mình, tôi muốn góp phần giúp đỡ họ phát triển và thành công hơn. Tôi nghĩ Internet sẽ là công cụ quan trọng để đưa nền kinh tế Mỹ Latinh ra khỏi thời kỳ khó khăn.

- Ông quả là thiên tài! - Arthur thốt lên.

- Không đâu Arthur, tôi chẳng có gì gọi là thiên tài. Đó chỉ là một phân tích bình thường dựa trên những gì tôi tận mắt chứng kiến.

- Tôi có một câu hỏi, thưa ông Patient. Có phải người châu Á thành công vì họ thông minh hơn người Mỹ Latinh không?

- Tôi không nghĩ vậy. Châu lục nào hay bất kỳ quốc gia nào cũng có những con người xuất chúng. Có lẽ vấn đề nằm ở sự khác biệt về văn hóa và nhận thức.

- Vậy rốt cuộc vấn đề cũng vẫn là chúng ta đang so sánh giữa những người ăn ngay viên kẹo ngọt khi nó đang ở trước mắt với những người biết từ chối để sử dụng nó sau.

- Thông minh lắm, Arthur. Anh tiếp thu rất nhanh.

- Cảm ơn ông Patient. Nhân đây tôi có điều muốn hỏi lại ông. Cách đây một thời gian ông có nói cho tôi mượn dùng máy tính của ông phải không ạ?

- Ồ có chứ, có chuyện gì sao?

- Hy vọng ông không phiền vì tôi đã dùng nó khi ông đi vắng. Tôi không chắc là ông có còn cho tôi sử dụng nữa không, nếu không thì tôi thành thật xin lỗi.

- Anh có thể dùng máy vi tính bất kỳ lúc nào nếu không có ai đang cần nó và miễn là anh sử dụng với mục đích đúng đắn. Đúng không nhỉ?

- Đúng, thưa ông.

- Anh có dùng nó để vào những trang web đen trên Internet không?

- Không, thưa ông.

- Chơi cá cược?

- Không.

- Đặt mua những thứ mà anh không có khả năng chi trả trên eBay?

- Không, thưa ông Patient.

- Vậy thì tôi cho là anh đã dùng nó một cách đúng đắn và anh có thể tiếp tục bất cứ khi nào anh muốn.

- Cảm ơn, ông Patient. Ông không hỏi tôi đã dùng nó để làm gì sao? - Arthur do dự hỏi.

- Không, Arthur ạ. Vì tôi tin khi đã sẵn sàng, nếu muốn, anh sẽ nói cho tôi biết thôi. Và tôi rất mừng vì anh thấy hứng thú với máy tính. Đó là nguồn thông tin, tri thức vô giá.

- Tôi đang tìm hiểu về nó đấy, ông Patient ạ!

- Đó là một tín hiệu tốt đấy. Tri thức luôn là cánh cửa quan trọng bậc nhất đi đến mọi thành công. Trước đây tôi đã kể với anh về cha tôi chưa nhỉ? Chính nhờ cha theo học ở Stanford mà tôi mới có cơ hội được tham gia vào nghiên cứu “kẹo ngọt”. Nhưng tôi chưa bao giờ cho anh biết vì sao cha tôi lại học ở đó và việc lấy được bằng thạc sĩ tại Đại học Stanford có ý nghĩa như thế nào đối với ông.

Khi rời khỏi Cuba, gia đình tôi rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, lúc đó mẹ lại đang mang thai tôi. Cha tôi làm bất cứ công việc nào tìm được và luôn tiết kiệm một khoản nhỏ từ đồng lương ít ỏi. Ở Cuba cha tôi từng là một nhà báo, nhưng khi không thể xin vào làm ở bất kỳ tòa soạn nào tại Mỹ, cha lựa chọn thay đổi nghề nghiệp. Ông bắt đầu nộp đơn xin học đại học và cuối cùng đạt được học bổng của một trong những trường tốt nhất ở Mỹ, Đại học Stanford.

Cha đã truyền lại các nguyên tắc và kinh nghiệm sống quý báu của cha cho tôi, thuyết phục tôi mở một tài khoản tiết kiệm khi có được công việc đầu tiên là đi phát báo năm 13 tuổi. Sau đó, tôi tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ở Đại học Columbia.

Chẳng khó khăn gì để có một công việc tốt với bằng thạc sĩ của Đại học Columbia. Xerox tuyển tôi về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp và tôi bắt đầu kiếm được một khoản kha khá. Nhớ đến cách mà cha vẫn tiết kiệm một phần lương ngay cả khi không đủ tiền để mua thực phẩm, tôi cũng học cách làm như cha từng làm. Tôi còn tham gia vào các dự án của Xerox. Giống như những công ty khác, Xerox ghi nhận các đóng góp của tôi đối với họ và tôi đã có được niềm vui, sự thăng tiến cũng như có một mức sống tương đối cao.

Sau đó, tôi nghe thông tin về một công ty quản trị mạng đang trong tình trạng khó khăn, đứng trước cơ hội cũng như thách thức này tôi buộc phải quyết định quan trọng: ở lại với Xerox và tiếp tục con đường thăng tiến trong công ty hay chấp nhận rủi ro để có được thành công lớn hơn – hoặc thất bại khi tách ra làm riêng. May mắn là lúc đó có vài người bạn ở Xerox đã chọn ra đi cùng với tôi. Chúng tôi mua E-xpert Publishing và xây dựng một công ty nhằm đáp ứng các nhu cầu về thiết kế web và marketing điện tử. Tiếp theo, nhờ những kinh nghiệm tích lũy được về quản trị và bán hàng tại Xerox, chúng tôi mới thực sự mở rộng kinh doanh với những khóa học qua mạng. Chúng tôi tập trung vào việc ký kết với các khách hàng lớn thay vì theo đuổi nhiều khách hàng nhỏ, điều đó giúp đem lại hàng triệu đô-la lợi nhuận và xây dựng nên thương hiệu cho công ty như ngày nay.

Nhưng anh thấy đấy, không chỉ riêng gì chúng tôi mới biết cách để vực dậy và phát triển công ty ngày một thịnh đạt hơn. Có rất nhiều nhà quản lý của các công ty khác cũng có cái đầu kinh doanh hết sức lanh lợi trong việc nắm bắt tình hình và đưa ra những giải pháp. Họ thừa kiến thức về chuyên môn và thừa hiểu rằng việc kiên nhẫn thuyết phục những khách hàng lớn và quan trọng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn vội vàng chộp lấy những khách hàng nhỏ.

- Nhưng chẳng có ai làm điều đó.

- Chúng tôi là những người đầu tiên, nhưng từ lúc đó, không ít người đã cố gắng làm theo và bây giờ xuất hiện bên cạnh chúng tôi khá nhiều đối thủ cạnh tranh muốn giành lấy miếng bánh ngọt này.

- Vậy ông đã tiến về phía trước như thế nào, ông Patient?

- Tôi sẽ cho anh xem thứ cha đã tặng cho tôi lúc còn bé.

Jonathan mở ví và lấy ra một mảnh giấy nhỏ. Trong đó viết:

Mỗi buổi sáng ở châu Phi, con linh dương nhỏ thức dậy

Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất hoặc nó sẽ bị giết.

Mỗi sáng ở châu Phi con sư tử thức dậy

Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ chết đói.

Vấn đề không phải bạn là con sư tử hay con linh dương

KHI MẶT TRỜI LÊN, TỐT NHẤT LÀ HÃY CHẠY ĐI.

- Chà! Một châm ngôn sống đầy ý nghĩa.

- Đúng vậy, Arthur. Và đó là lý do tôi luôn giữ nó bên người hơn hai mươi năm nay.

- Ngoài điều đó ra tôi nghĩ chắc còn phải có một bí quyết nữa để ông thành công như hôm nay phải không, ông Patient?

- Sự phán đoán của anh hoàn toàn chính xác. Anh đã từng nghe nói đến quy tắc 30 giây chưa? Bất kỳ ai nắm vững quy tắc này cũng sẽ sớm đạt được điều mình mong muốn hơn những người không có được nó, cho dù những người kia có thể thông minh, tài giỏi hay xinh đẹp hơn.

- Quy tắc đó ra sao?

- Việc anh là ai, anh làm gì, anh sống ra sao đều không quan trọng, chỉ cần anh có khả năng giữ được mối dây liên kết với mọi người. Trong vòng ba mươi giây đầu tiên gặp anh, liệu người đối diện có cảm tình để quyết định có nên tiếp tục đặt mối quan hệ hay hợp tác với anh hay không.

- Vậy là hoặc tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu hoặc không bao giờ?

- Đại loại như thế. Nếu người nào đó có cảm tình với anh, thì mọi hành động cũng như lời nói của anh sẽ được nhìn nhận theo hướng tích cực. Một người phỏng vấn thích anh sẽ hiểu những cử chỉ lịch sự của anh là sự ân cần, chân thật, trong khi người không thích anh sẽ dán cho anh cái nhãn nhạt nhẽo, khách sáo. Nếu người quản lý thích anh, sự tự tin của anh có thể được xem là một điểm mạnh. Còn người không thích sẽ chỉ thấy đó là sự kiêu ngạo.

- Tất cả chỉ dựa trên cảm giác thôi sao?

- Đúng vậy. Thần tượng của một người cũng có thể là kẻ ngốc đối với người khác. Tất cả phụ thuộc vào cách họ vẽ anh như thế nào trong trí tưởng tượng của họ. Quy luật ba mươi giây là điều tối quan trọng trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Tôi nhận thấy ở anh khả năng giao tiếp với mọi người rất tốt, nói chuyện tự nhiên và có thể làm họ vui bất cứ lúc nào. Hãy cứ phát huy thế mạnh của mình Arthur ạ.

- Cảm ơn, ông Patient!

- Một số chuyên gia đánh giá rằng 20 % thành công của một người đến từ năng lực và kiến thức, trong khi 80 % còn lại đến từ các kỹ năng đối nhân xử thế, khả năng liên kết với người khác và tạo dựng lòng tin, sự tôn trọng nơi họ. Cho dù anh đang phỏng vấn tìm việc làm, thuyết phục sếp tăng lương hay chào bán một sản phẩm hoặc cung cấp một dịch vụ, khi tạo dựng được mối quan hệ tốt với mọi người, anh càng có nhiều cơ hội đạt được điều mình muốn.

- Không phi lý chút nào. Tôi đã từng gặp rất nhiều người tự cho rằng mình thông minh. Cũng có thể là đúng như thế thật, nhưng nhìn vào cách họ cư xử quả thật tôi không thể nào đặt được niềm tin của mình vào những gì họ nói. Tuy vậy cũng có người dù chỉ gặp một lần và chưa biết rõ về người đó như thế nào nhưng tôi cảm thấy có ấn tượng tốt đẹp ngay.

- Bởi vì anh cảm thấy ở họ có nhiều điều phẩm chất quý giá?

- Đúng, có lẽ là vậy. Đôi khi chúng ta quyết định nhiều việc chỉ bằng cảm tính thôi và vẫn tin vào điều đó, mặc dù luôn nhắc nhở mình đừng để ấn tượng ban đầu chi phối.

- Đúng thế! Nếu anh đủ tin tưởng vào phán đoán của mình. Nhưng đó là một chuyện khác đấy Arthur.

- Vâng.

- Chúng ta đến nhà rồi. Chào anh nhé Arthur! Hẹn gặp lại anh vào sáng mai.

***

Arthur đưa Jonathan Patient về nhà rồi đi tới ngân hàng để mở một tài khoản tiết kiệm và gửi vào đó khoản tiền anh đã dành dụm được gần đây. Sau đó, anh lái xe đến thư viện tìm đọc những cuốn sách về các vấn đề mà anh quan tâm. Arthur đã học được từ ông Patient rằng muốn tiến lên phía trước, anh phải không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, đó chính là chìa khóa mở cánh cửa đi đến thành công trong tương lai. Do đó, anh đã sắp xếp lịch trình cho mình một cách cẩn thận rồi, bây giờ đọc sách và khi về nhà nếu không có ai dùng máy tính của ông Patient thì anh sẽ lên mạng tìm kiếm thêm thông tin về các trường đại học và ngành nghề phù hợp với anh.

***

Khi Arthur đi khuất, Jonathan Patient ngẫm nghĩ và nhận thấy có nhiều biến chuyển lớn đang diễn ra trong cuộc sống cũng như tư tưởng của người tài xế trẻ. Ông quyết định sẽ tặng anh ấy một chiếc laptop. Điều đó sẽ rất có ý nghĩa. Cả dinh thự đều được kết nối mạng không dây tốc độ cao, vì vậy Arthur có thể sử dụng máy tính bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu anh muốn. Quá hưng phấn với ý nghĩ này, Jonathan muốn tự mình đem chiếc laptop đến chỗ Arthur và tạo cho người tài xế của ông một sự ngạc nhiên thú vị.

Nhưng chính Jonathan mới là người phải ngạc nhiên khi ông bước vào căn nhà nhỏ của Arthur và khám phá ra những điều bất ngờ: một chiếc bảng trắng lớn viết kín những điều gần đây ông đã chia sẻ với Arthur, trên bàn có bảy nhúm kẹo, số lượng kẹo trong mỗi nhúm ước chừng gấp đôi nhúm bên cạnh. Jonathan nhanh chóng tính nhẩm trong đầu. Có vẻ như Arthur đã nhân đôi số kẹo trong bảy ngày. Nếu anh ấy cứ tiếp tục như vậy, Jonathan trầm ngâm, căn nhà của Arthur sẽ sớm chìm ngập trong kẹo.

Jonathan nở một nụ cười rạng rỡ và rời khỏi đó mà không đụng vào bất cứ thứ gì. “Không nên tạo sự bất ngờ nữa trong trường hợp này” – ông nghĩ thế. Ông không muốn Arthur cảm thấy bối rối khi biết ông đã nhìn thấy những bí mật mà anh chưa sẵn sàng nói ra. Lát nữa hoặc ngày mai, ông sẽ nhờ một nhân viên mang chiếc máy tính đến cho anh sau.