Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 8 - Chương 30 - Phần 2

4. Khương Duy lại ra Kỳ Sơn.

Nhân cơ hội nội bộ quân Tào Ngụy rối loạn, Khương Duy lại chiếm đánh Địch Đạo, rồi đánh ra vùng Hà Gian, Lâm Thao. Tướng Ngụy là Từ Chất dẫn quân Quan Trung đến chi viện, hai bên giao chiến ở Hà Gian, quân Thục đại bại, Đãng Khấu tướng quân Trương Nghi bị tử trận, Khương Duy lại vứt bỏ Địch Đạo, rút về Vũ Đô ở phía nam.

Đại thống lĩnh quân Quan Trung là Quách Hoài tử trận, Thứ sử Ung Châu là Trần Thái kế nhiệm.

Trấn đông tướng quân của Tào Ngụy là Vô Khâu Kiệm, liên hợp với Thứ sử Dương Châu Văn Khâm nắm binh biến, muốn trả thù cho Hạ Hầu Huyền. Tư Mã Sư dẫn quân thảo phạt. Vô Khâu Kiệm bị bắt, chu di tam tộc. Văn Khâm dẫn quân đầu hàng Đông Ngô. Cũng tháng ấy Tư Mã Sư đột nhiên ngã bệnh từ trần, được Thị lang Chung Hội giúp đỡ, em Tư Mã Sư là Tư Mã Chiêu nắm được đại quyền chính, đảm nhiệm chức đại tướng quân, Lục thượng thư.

Tháng 7 đầu mùa thu, Khương Duy lại chuẩn bị xuất chính bắc phạt, Chinh tây tướng quân Trương Dực ra sức khuyên can hãy nghĩ đến nước nhỏ dân nghèo không nên chinh chiến mãi. Khương Duy không nghe, lại cùng với Quân kỵ tướng quân Hạ Hầu Bá mới đầu hàng và Trương Dực dẫn mấy vạn quân ra Kỳ Sơn. Tháng 8 đánh chiếm Phu Hãn, chuẩn bị lại đánh Địch Đạo.

Tướng quân Trần Thái tổng chỉ huy quân Quan trung tự mình dẫn đại quân ngăn chặn. Thứ sử Ung Châu là Vương Kinh giao chiến với Khương Duy ở Thao Tây; bị Khương Duy đánh cho đại bại, Trần Thái thấy tình thế bất lợi, rút về giữ thành Địch Đạo, mặt khác vội xin Lạc Dương chi viện.

Trương Dực thấy lương thảo bổ sung ngày mỗi khó khăn, ra sức đề nghị rút quân: “Hãy mau dừng lại, không nên tiến nữa, có thể sẽ hỏng mất việc lớn, lại vẽ rắn thêm chân”. Khương Duy không nghe vẫn dẫn đạo quân bao vây thành Địch Đạo.

Chiến bại ở Thao Tây, lại thêm lời hiệu triệu chính trị của Hạ Hầu Bá gửi cho quân Tào Ngụy khiến tình hình Lạc Dương lay động. Tư Mã Chiêu hạ lệnh cho Trưởng thủy Đặng Ngải làm An tây tướng quân, từ Tràng An, xuất phát đến giúp Trần Thái ngăn chặn Khương Duy, lại lệnh cho Thái uý Tư Mã Phu dẫn hai mươi vạn tinh binh đóng giữ Tràng An để làm hậu thuẫn. Kể từ mấy lần Khương Duy bắc phạt đến nay, lần này đạt thành tích cao nhất.

Sau thất bại của Vương Kinh, Trần Thái lập túc dẫn quân chủ lực chạy đến Lũng Tây này, các tướng lĩnh đều cho rằng Khương Duy thế càng lớn, nên tạm tránh đi, đợi quân tiếp viện của Đặng Ngải và Tư Mã Phu đến kịp sẽ lại đối đầu, song Trần Thái gạt đi. Ông ta cho rằng Khương Duy đơn độc thâm nhập, rất muốn đánh mau thắng mau, Vương Kinh lẽ ra nếu kiên trì cố thủ với tường cao hào sâu, lại cậy dũng mãnh tiến hành giao chiến, cuối cùng thất bại; Khương Duy thừa thắng tiến sang Ung Châu đánh chiếm kho lương Nhạc Dương, nếu như để ông ta giành được lương thực ở đấy, ắt sẽ liên hệ với bộ lạc Khương, Hồ, tiến hành chiến thuật trường kỳ, thì Lũng Tây, Nam An, Thiên Thủy, Quảng Ngụy cả bốn quận sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng, đối với quân ta là rất không thuận lợi; đạo lý của binh pháp là phải nắm được chỗ mong muốn và chỗ lo sợ của kẻ địch, nay nên tận lực ngăn cản họ sang phía đông, cắt đứt đường rút, ắt sẽ bức quân viễn chinh Khương Duy phải rút lui về.

Bởi thế tự mình dẫn binh mã, dốc hết lực lượng đến chi viện cho thành Địch Đạo đang bị bao vây. Khương Duy thấy Trần Thái dẫn quân đến, có ý muốn đánh ngay, song quân Tào Ngụy có ưu thế nhân hòa và địa lợi, Khương Duy không thuận lợi bằng, lại sợ Trần Thái chia quân cắt đứt đường rút, lại phối hợp với quân trong thành Địch Đạo ba mặt cùng giáp kích, như vậy quân Thục sẽ rất bất lợi; lại thêm được tin đại quân Tào Ngụy sẽ đến tăng viện, bèn hạ lệnh rút về Chung Đề ở giữa Lương Châu và Hán Trung.

Năm sau, tức là năm 256 sau Công Nguyên, vào mùa xuân, Khương Duy chính thức đảm nhiệm chức Đại tướng quân nắm đại quyền quân chính Thục Hán. Thực ra chính sự trong triều đình, cơ hồ đã hoàn toàn rơi vao tay Trần Chi và Hoàng Hạo, Khương Duy nói chung chẳng thể vượt qua, thậm chí vẫn đề hậu cần của quân viễn chinh ở tiền tuyến cũng không đủ sức giải quyết.

Các tướng Quan Trung tuy cho rằng Khương Duy lực lượng đã yếu, không có thể lại dẫn quân ra Kỳ Sơn. Chỉ có Đặng Ngải một mình một ý, ông ta phán đóan Khương Duy động binh nhiều năm song chưa gặp phải thất bại lớn, tuy lương thực bổ sung còn khó khăn, song binh lực khá đầy đủ, lại có bộ tộc Khương, Hồ giúp đỡ, trừ khi sự phòng vệ ở tuyến Ung, Lương có cải thiện về thực chất, nếu không ông ta nhất định sẽ lại mạo hiểm, để tiếp tục chiến lược đánh chiếm Lương Châu của Gia Cát Lượng.

Quả nhiên, đến mùa thu, Khương Duy dẫn quân lại ra Kỳ Sơn, song Đặng Ngải đã hoàn chỉnh được việc phòng vệ ở cửa ải Kỳ Sơn. Khương Duy dự tính không đủ sức đột phá, bèn quyết định từ Đông Đình tập kích quận Nam An, chẳng ngờ Đặng Ngải sớm đã tiến vào đường Vũ Thành Sơn xây dựng thành lũy, Khương Duy bị ngăn cản không khỏi cả giận, bèn nhân đêm tối vượt qua sông Vị Thủy sang phía đông, theo đường núi đến Thượng Nhai, Đặng Ngải dẫn chủ lực đuổi theo, hai bên giao chiến lớn ở Đoàn Cốc.

Do đội quân của tướng quân Hồ Tế lạc đường, chưa thể kịp thời đến được chiến trường, quân chủ lực của Khương Duy bị đánh bại, tử vong rất lớn, kể từ chiến dịch núi Ngưu Đầu đến nay, đây là thất bại lớn nhất của Khương Duy khiến lòng người Thục Trung rất dao động. Khương Duy học theo hành vi chiến lược của Gia Cát Lượng sau chiến dịch Nhai Đình, tự xin hạ chức, Lưu Thiện hạ lệnh giáng xuống làm Vệ tướng quân, song chỉ trên danh nghĩa mà thôi.

Trái lại, Đặng Ngải bởi có chiến công lớn được thăng làm Trấn tây tướng quân, đôn đốc việc quân sự ở Lũng Hữu.

Tư Mã Chiêu đảm nhiệm Đại đô đốc, lấy Tư Mã Phu làm Thái phó. Cao Nhu làm Thái úy, phe Tư Mã hoàn toàn nắm đại quyền quân chính Tào Ngụy, họ Tào ở triều đình xem ra không còn vai trò gì.

Ở Đông Ngô, Tôn Tuấn chết đột ngột, người em là Tôn Lâm kế tục nắm đại quyền, tháng 11 được thăng làm Đại tướng quân.

Ở chiến tuyến phía đông của Tào Ngụy, tổng chỉ huy là Đại tướng quân Gia Cát Đản, ông ta là bạn thân của Hạ Hầu Huyền. Sau khi Hạ Hầu Huyền chết, Gia Cát Đản rất không yên tâm, lại thêm người con của Giả Quì là Giả Sung, người con của Nhạc Tiến là Nhạc Lâm ra nhập trận tuyến họ Tư Mã, thường vẫn gây áp lực với Gia Cát Đản. Gia Cát Đản bất mãn với Giả Sung và Nhạc Lâm đã a dua, cuối cùng đã trách mắng Giả Sung tại chỗ, lại trừ diệt Nhạc Lâm, mang mười vạn quân Hoài Nam và Hoài Bắc làm phản, lại đưa con trai là Gia Cát Tịnh sang Đông Ngô làm con tin, yêu cầu Đông Ngô cử binh tiếp viện.

Tư Mã Chiêu dẫn quân thảo phạt Gia Cát Đản. Đông Ngô phái các tướng Toàn Dịch, Toàn Đoan, Đường Tư, Vương Tộ phối hợp với hàng tướng Tào Ngụy là Văn Khâm đến giúp Gia Cát Đản.

Khương Duy được tin Tư Mã Chiêu lệnh cho quân Quan Trung chia ra cứu viện cho Hoài Nam, lập tức nhân cơ hội tiến quân ra Tần Xuyên. Ông ta dẫn mấy vạn đại quân qua Lạc Cốc đến Trầm Lĩnh, dự định đoạt lấy kho lương ở vùng Quan Đông, song Đặng Ngải phối hợp với Tư Mã Vọng lấy số ít binh lực cậy hiểm cố thủ. Khương Duy đóng quân ở Mang Thủy mấy lần khiêu chiến Tư Mã Vọng và Đặng Ngải đều làm ngơ, Khương Duy chẳng tìm được cách gì.

Tôn Lâm dẫn đại quân tiếp viện giúp đỡ cho Gia Cát Đản và Văn Khâm lại bị Tư Mã Chiêu đánh bại, quân Gia Cát Đản và Văn Khâm cuối cùng bị quân Tào Ngụy bao vây trùng điệp.

Do thiếu thốn lương thực, Gia Cát Đản và Văn Khâm mâu thuẫn với nhau, Văn Khâm bị giết, người con là Văn Ương dẫn quân đầu hàng Tư Mã Chiêu. Tư Mã Chiêu chẳng những xá tội cho tàn quân của Văn Khâm, còn cho Văn Ương và người em là Văn Hổ làm tướng quân. Tàn quân trong thành nghe tin cơ hồ đều đứng lên làm phản, Gia Cát Đản bị thuộc hạ giết chết.

Khương Duy nghe nói Tôn Lâm và Gia Cát Đản đều bị Tư Mã Chiêu đánh bại, lại sợ quân Tào Ngụy thừa thắng đến đánh Thục Hán, lập tức rút quân về Thành Đô, bố trí lại phòng ngự.

Tư Mã Chiêu lần này giành được toàn thắng là nhờ được Chung Hội vạch kế hoạch. Chung Hội bởi thế mà được trọng dụng. Người bấy giờ xem như là đại quân sư Trương Lương đời Hán ngày xưa.

Tư Mã Chiêu lấy quân công mà tấn phong Tướng quốc, được hưởng lộc Cửu Tích, quyền quý có thế ví với Tào Tháo đời Hán Hiến đế.

Tôn Lâm phế bỏ Ngô chủ Tôn Lượng, đón Lang nha vương Tôn Hưu đưa lên làm Ngô Vương.

Tháng 12 Tôn Hưu được sự giúp đỡ của người con Trương Chiêu là Trương Bố, đánh giết được Tôn Lâm, nắm lại được đại quyền Đông Ngô.

Năm sau Thượng thư lệnh Trần Chi kết bè cánh với Hoàng Hạo làm suy bại không khí chính trị triều đình Thục Hán đã từ trần, được sự tiến cử tích cực của Khương Duy, Lưu Thiện lấy Đổng Quyết làm Thượng thư lệnh, người con của Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm làm phụ tá, tăng cường cách tân và chỉnh đốn chính trị song cũng đã muộn, thành tích không được rõ ràng. Năm đó để chỉnh đốn nội bộ, Khương Duy tự mình ở lại trấn giữ Thành Đô, không động binh với bên ngoài.

Năm sau tức là năm 260 sau Công Nguyên, vào mùa hạ, tướng quốc Tào Ngụy là Tư Mã Chiêu tự phong là Tấn Công. Ngụy chủ Tào Mao có âm mưu bãi truất quyền hành của Tư Mã Chiêu, lại bị một viên tướng bên phe Tư Mã Chiêu ám sát, Tư Mã Chiêu hạ lệnh trừng phạt bè đảng Tào Mao, đón Hương công Tào Hóan làm Ngụy chủ, gọi là Nguyên đế.

Tháng 10 đầu mùa đông, Lưu Thiện lấy Đổng Quyết làm phụ quốc đại tướng quân, Gia Cát Chiêm làm Vệ tướng quân, cùng lĩnh chức Lục thượng thư, lại lấy Thị trung Phàn Kiến làm Thượng thư lệnh. Ba người tuy một lòng vì đại sự, song bè đảng của Trung thường thị Hoàng Hạo đã mạnh, có nhiều sĩ đại phu hùa theo. Đổng Quyết với Gia Cát Chiêm, Phàn Kiến tâm có dư mà lực không đủ, nên việc cách tân không đạt hiệu quả tốt đẹp.

Qua hai năm chuẩn bị, tháng 8 năm 262 sau Công Nguyên, đại tướng quân Khương Duy lại chuẩn bị bắc chinh lần nữa. Tướng quân Liêu Hóa cho rằng Thục Hán đã không còn thực lực, chỉ nên tăng cường bố phòng, không nên xuất chinh.

Khương Duy bởi xung đột với Hoàng Hạo ngày càng lớn không muốn ở lại Thành Đô, nên vẫn kiên quyết xuất quân. Đương nhiên Khương Duy biết rõ việc hậu cần của quân Thục Hán kém, sức tác chiến đã thóai hóa, bởi thế đã lựa chọn vùng Thao Dương phòng thủ yếu kém làm mục tiêu tấn công. Chẳng ngò Đặng Ngải lại dùng chiến thuật phòng thủ không sơ hở, Khương Duy bất đắc dĩ phải giao chiến với quân chủ lực của Đặng Ngải ở Hầu Hòa , tình hình lúc đầu không thuận lợi, Khương Duy phải rút quân về Đạp Trung.

Hữu tướng quân Dương Vũ với Hoàng Hạo có âm mưu muốn phế truất chức của Khương Duy. Khương Duy thì đề nghị giết Hoàng Hạo, hậu chủ Lưu Thiện vẫn mơ hồ một mực làm ngơ. Khương Duy sợ bị Hoàng Hạo hãm hại bèn lập đồn điền ở Đạp Trung không dám trở về Thành Đô.

Tư Mã Chiêu tiếp thu đề nghị của Chung Hội quyết định chủ động tấn công Thục Hán, lấy Chung Hội làm Chinh tây đại tướng quân. Đô đốc quân đoàn Quan Trung. Đặng Ngải tuy không tán thành, song triều đình đã hạ lệnh cũng đành phải nghe theo. Khương Duy được tin mật báo Tào Ngụy cử đại binh thâm nhập, lập tức đề nghị với Lưu Thiện cho Trương Dực giữ cửa ải Dương An, Liêu Hóa giữ đầu cầu Âm Bình, còn mình thì ở tiền tuyến Đạp Trung chống đỡ. Song kế hoạch phòng bị này vẫn bị Hoàng Hạo ngăn cản, Lưu Thiện và Đổng Quyết đều không được biết rõ.

5. Chung Hội đưa kế hoạch chung, Tư Mã Chiêu đánh Thục Hán.

Năm 263 sau Công Nguyên, kể từ lúc Gia Cát Lượng mất đến giờ là hai mươi chín năm 9 tháng, theo sự trù viện kế hoạch chung của Chung Hội, Tư Mã Chiêu hoàn thành việc sắp xếp ở Lạc Dương, bắt đầu phát lệnh triệu tập các quân đoàn, triển khai hành động tổng công kích vào Thục Hán.

Kế hoạch của Chung Hội như sau:

Quân đoàn tiên phong do Chinh tây tướng quân Đặng Ngải từ Địch Đạo đánh vào Cam Tùng và Đạp Trung, đấy là đại bản doanh đóng quân của Khương Duy, cũng là vùng mà Thục Hán có lực lượng phòng vệ rất lớn, cho nên tuyến này ắt sẽ là cuộc chiến cứng chọi cứng dữ dội.

Đạo quân phía tây thuộc cánh phải do Thứ sử Ung Châu là Gia Cát Tự dẫn hơn ba vạn quân, từ Kỳ Sơn đánh vào đầu cầu Vũ Nhai, mục đích cắt đứt đường về của Khương Duy, để phối hợp với quân Đặng Ngải trước sau cùng giáp kích. Ví như lực lượng quân sự rất mạnh của Thục Hán ở đây trong tổng công kích đầu tiên bị tan vỡ thì có thể với tốc độ rất mau chóng bức được Thục Hán phải đầu hàng.

Chung Hội thì dẫn quân chủ lực tây chinh hơn mười vạn người, chia ba đường từ Tà Cốc, Lạc Cốc, Tý Ngọ tấn công vào Hán Trung.

Tư Mã Chiêu tự mình trấn giữ Lạc Dương, chỉ phái Bình úy Vệ Hoàn giữ tiết chế, làm Trấn tây quân ty, để giám sát các hành động quân sự của Đặng Ngải và Chung Hội.

Đến lúc đó, Lưu Thiện mới biết được tính nghiêm trọng của vấn đề, không ngừng phái sứ giả đến hỏi han ý kiến của Khương Duy. Khương Duy trước tiên lệnh cho Liêu Hóa dẫn viện quân đến Đạp Trung để phòng vệ phía sau, ngăn chặn sự uy hiếp của Gia Cát Tự. Trương Dực và Đổng Quyết bố phòng ở cửa ải Dương An, làm hậu thuẫn cho các vị trí quan trọng ở biên giới. Lại hạ lệnh cho các trại quân đều phải kiên trì phòng thủ không được giao chiến, lại đem quân chủ lực tập trung về Hán Thành và Lạc Thành còn các nơi khác đều có năm nghìn quân tinh nhuệ thu giữ, để ngăn cản cuộc tấn công của Đại tướng quân Chung Hội.

Trương Dực, Đổng Quyết đem quân sĩ đóng giữ Âm Bình, biết đại quân của Gia Cát Tự đã từ Kiến Ung kéo xuống, lo lắng họ vượt qua Âm Bình sẽ đột nhập vào Thục Trung, bèn ở lại Âm Bình phòng thủ suốt hơn một tháng.

Tháng 9, Chung Hội phái tướng quân Lý Phụ dẫn hơn một vạn quân bao vây quân sĩ của Vương Hàn đang bảo vệ Lạc Thành của Thục Hán. Hộ quân Tuân Khải cũng lấy hơn một vạn quân tấn công vào Hán Thành do quân sĩ của Tưởng Bân bảo vệ, song Thục Hán đã có chuẩn bị chu đáo tạm thời chưa thể vượt qua được.

Khi Chung Hội dẫn đội quân từ Tây Lộ vượt qua cửa ải Dương An, đặc biệt phái sứ giả đến tế lễ tại ngôi mộ của Gia Cát Lượng.

Chung Hội phái hộ quân Hồ Diệp đánh vào cửa ải, song tướng trấn giữ ở đấy là Phó Thiện kiên trì cố thủ, không thể qua được. Đô đốc Vũ Hưng là Tưởng Thư bởi bất mãn với triều đình đã thay đổi chức vụ của ông ta, cố ý thúc giục Phó Thiêm ra giao chiến, lại ngầm đầu hàng Hồ Diệp, Phó Thiêm trúng kế, quay về thành không kịp, liều đánh mà chết. Sau khi cửa ải thất thủ, đại quân Chung Hội ruổi dài mà xuống, giành được Hán Trung với kho tàng tích chứa rất nhiều lương thực.

Đặng Ngải phái Thái thú Thiên Thủy là Vương Kỳ đánh vào doanh trại chính của Khương Duy, Khương Duy bất đắc dĩ phải rút quân về giao chiến ở cửa ải Cường Xuyên, song ý chí tác chiến của quân Thục không mạnh, Khương Duy sau khi giao chiến qua loa, bèn hạ lệnh lại rút quân.

Trong lúc rút quân, Khương Duy biết đại quân của Gia Cát Tự đã đánh vào đầu cầu quan trọng để chặn đường về bèn táo bạo đổi phòng thủ làm tấn công, từ đường Khổng Hàn tiến lên phía bắc, đánh vào sau lưng của quân Gia Cát Tự. Gia Cát Tự thất kinh, lập tức bỏ vị trí đầu cầu, rút về ba mươi dặm. Khương Duy biết Gia Cát Tự đã rút lại dẫn quân trở về qua vị trí đầu cầu an toàn tiến vào Âm Bình. Bởi Quan Khẩu đã mất, bèn rút về Bạch Thủy, tập hợp các đạo quân của Liêu Hóa, Đổng Quyết, Trương Dực đóng cả ở Kiếm Các đế ngăn cản đại quân của Chung Hội ruổi dài thâm nhập hơn nữa.

6. Thục Hán mất bởi A Đẩu.

Tháng 10, do chiến cục xấu đi, Lưu Thiện phái sứ giả sang Đông Ngô cầu cứu, Ngô vương Tôn Hưu phái Đại tướng quân Đinh Phục đem quân đánh vào Thọ Xuân, tướng quân Lưu Bình tập kết đại quân ở Nam Quận, chuẩn bị tiến công Tương Phàn, phân tán binh lực Tào Ngụy để giảm bớt áp lực cho Thục Hán. Ngoài ra lại phái tướng quân Định Phong, Tôn Dị từ Miện Trung tiến vào để cứu viện cho Thục Hán.

Đặng Ngải dẫn quân truy kích Khương Duy đến Âm Bình, tuyển lựa kĩ lưỡng một đội quân cảm tử, dự tính từ Giang Do đánh thẳng vào Thành Đô. Đang lúc Gia Cát Tự cũng đến Âm Bình, Đặng Ngải yêu cầu cùng phối hợp tấn công. Gia Cát Tự cho rằng như thế là rất mạo hiểm, không thể làm được, cự tuyệt không đi, dẫn quân trở về Bạch Thủy, Chung Hội nghe tin, viết thư trách cứ Gia Cát Tự nhu nhược, bãi cả binh quyền, sát nhập đội quân của ông ta vào đội quân chủ lực của Chung Hội.

Đại quân Chung Hội tấn công mạnh mẽ vào Kiếm Các, Khương Duy dựa vào địa thế hiểm trở mà cương quyết cố thủ, hai bên ở vào thế giằng co đông cứng. Quân Tào Ngụy ngày một thêm khó khăn về vận tải lương thực, thậm chí Chung Hội bởi thế mà có dự định rút quân.

Đặng Ngải đề nghị với Chung Hội: “Quân giặc tinh thần đã bị bẻ gãy, nên nhân cơ hội này mà bẻ gãy triệt để. Nếu như từ Âm Bình theo đường nhỏ Dương Đình, Hán Đức, tập kích Phù Thành, sẽ có thể vượt qua vùng Kiếm Các hiểm trở hơn trăm dặm, mà vào được Thành Đô phía trong; lúc đó quân giữ Kiếm Các không thể không rút về Thành Đô, Chung tướng quân có thể vừa thế mà tiến công. Nếu như Khương Duy không rút quân về, quân giữ Phù Thành ắt rất yếu, việc đoạt được Thành Đô cũng sẽ chẳng có gì khó”.

Chung Hội tán thành kế hoạch này, Đặng Ngải bèn dẫn ba vạn quân bản bộ đi trước, từ Âm Bình theo đường nhỏ mà tiến, bởi núi non rất hiểm trở nên chẳng khác vào xứ không có bóng người. Đặng Ngải dẫn quân vội vã vượt qua đoạn đường núi dài hơn bảy trăm dặm, phá đá mở đường, làm cầu bắc sàn, lại thêm vấn đề lương thực, rất đỗi gian khổ, rất nhiều tướng lĩnh đều khuyên Đặng Ngải vứt bỏ kế hoạch này.

Đặng Ngải tự mình ở phía trước chỉ huy việc mở đường, khi gặp vách núi chẳng thể nhảy xuống từ độ cao chất ngất, Đặng Ngải dùng thảm lông quấn vào người, từ trên dốc núi lăn mình xuống. Các tướng sĩ cũng theo nhau bám vào những cây bên vách núi dần dần qua được vùng núi hiểm trở khó khắc phục này.

Không lâu quân tiên phong của Đặng Ngải đã đến được Giang Do, Tướng Thục Hán trấn giữ ở đấy là Mã Mạc phải xin đầu hàng. Bởi việc xảy ra bất ngờ, Lưu Thiện lệnh cho con cả Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm dẫn quân đối phó.

Đội quân của Gia Cát Chiêm đến được Phù Thành, bởi chẳng thể phán đóan được quân địch tấn công theo đường tắt, bèn tạm thời dừng quân quan sát. Thượng thư Hoàng Sùng (con của Hoàng Quyền) ra sức khuyên Gia Cát Chiêm hãy mau chóng tiến vào vùng núi hiểm trở chiếm lấy các nơi địa lợi, chẳng để quân địch đánh vào được vùng bình địa. Gia Cát Chiêm không đủ kinh nghiệm, do dự không quyết. Hoàng Sùng nhiều lần đề nghị, thậm chí quỳ xuống van nài, Gia Cát Chiêm cuối cùng vẫn không nghe theo đề nghị của ông ta.

Quân Đặng Ngải tiến vào vùng bình địa, tinh thần binh sĩ rất phấn chấn, quân Thục chẳng thể địch nổi, Gia Cát Chiêm hạ lệnh rút về giữ Miên Trúc.

Đặng Ngải gửi thư khuyên Gia Cát Chiêm đầu hàng, Gia Cát Chiêm cả giận, sai chém sứ giả; Đặng Ngải sai con là Đặng Trung cùng Tư Mã SưTỏan, từ hai phía trái phải cùng giáp kích vào Miên Trúc, lại bị Gia Cát Chiêm đánh bại, Đặng Ngải đành tự mình dẫn quân tấn công. Quân Thục tuy dũng mãnh kháng cự, song ít không địch nổi nhiều, cuối cùng Gia Cát Chiêm, Hoàng Sùng đều bị chết tại trận. Con cả của Gia Cát Chiêm là Gia Cát Thượng, mới mười bảy tuổi phụng mệnh giữ thành, thấy quân Thục đại bại biết rằng đại thế đã mất, nói với những ngươi xung quanh rằng: “Cha con ta gánh vác đại sự, lại không có thể sớm chém được Hoàng Hạo, mới đến nỗi mắc tội vong quốc hại dân như thế này! Đâu còn có mặt mũi mà sống nữa”, rồi đơn thương độc mã xông thẳng vào quân địch, không lâu chết giữa đám loạn quân.

Miên Trúc thất thủ, lại thêm quân chủ lực bên cạnh là quân đoàn Gia Cát Chiêm bị tan vỡ, Lưu Thiện bởi muốn giảm nhẹ sự thương tổn của trăm họ đã nghe theo lời khuyên của Quang lộc đại phụ Tiến Chu, đầu hàng Đặng Ngải, lại phái sứ giả yêu cầu Khương Duy đang giữ Kiếm Các cũng phải đầu hàng Chung Hội.

Đặng Ngải chiếu theo lễ nghi phong Lưu Thiện làm Hán Vương, kiêm chức Kiêu kỵ tướng quân. Các cựu thần Thục Hán vẫn thuộc Hán Vương lãnh đạo, chỉ có một số ít có thực lực là do Đặng Ngải tự thống lĩnh.

Lại lấy Tư Mã Sư Tỏan làm Thứ sử Ích Châu với Thái thú Lũng Tây là Khiên Hoằng, cùng lo xử lý việc đầu hàng ở các quận huyện trong nước Thục.

Đặng Ngải giận Hoàng Hạo gian hiểm làm hỏng việc nước, cho bắt giam, có ý muốn xử đại hình, Hoàng Hạo phái người hối lộ kẻ thân tín của Đặng Ngải trong bộ tham mưu, lấy lý do sự việc chưa xác minh rõ chỉ tạm thời giam giữ đợi xét xử sau.

Khương Duy biết Gia Cát Chiêm đã thất bại, muốn rút quân về chi viện, dẫn quân từ Kiếm Các rút về vùng Ba Trung. Đại bản doanh của Chung Hội đến đóng ở Phù Thành, lại phái Hồ Liệt đuổi đánh Khương Duy. Khương Duy rút đến huyện Kiết, tiếp nhận được chiếu mệnh đầu hàng của Lưu Thiện, bèn hạ lệnh giải trừ vũ trang, cùng với Liêu Hóa, Trương Dực, Đổng Quyết đến đầu hàng Chung Hội, khi nghe công bố sắc lệnh đầu hàng, các tướng sĩ Thục Hán thảy đều vô cùng bực tức, theo nhau dùng đao kiếm chém xuống đá đến quằn cả lên mới thôi, để cho hả giận giữ.

Chung Hội hậu đãi bọn Khương Duy, lại trả lại ấn quyền, sát nhập vào quân đoàn. Thục Hán truyền được hai đời, được cả thảy bốn mươi ba năm thì mất, tính ra Gia Cát Lượng mất đã được hai mươi chín năm.

7. Trận quyết chiến cuối cùng của Thục Hán.

Đông Ngô nhận được tin Thục Hán mất nước hạ lệnh cho Đinh Phụng rút quân, lại tăng cường phòng thủ ở biên giới.

Bởi Đặng Ngải có công rất lớn, triều đình phong tặng Đặng Ngải làm Thái úy, tặng ấp trại hai vạn hộ dân, Chung Hội làm Tư đồ, tặng ấp trại một vạn hộ dân. Đặng Ngải từ đó trở nên rất kiêu căng, lấy quyền hành thống sóai mà điều hành, với Thống sóai quân viễn chinh cũ là Chung Hội nảy sinh mâu thuẫn nghiêm trọng.

Khương Duy biết Chung Hội trong lòng chất chứa óan hận, bèn tác động việc diệt trừ Đặng Ngải; Chung Hội bèn mật báo với Tư Mã Chiêu rằng, Đặng Ngải chiếm cứ đất Thục đế xưng vương, thúc đẩy quân sĩ tạo phản. Từ những tin tình báo tại chỗ cho thấy đích xác Đặng Ngải có ý đồ như thế, Tư Mã Chiêu hạ lệnh cho Chung Hội từ Kiếm Các tập kích vào Thành Đô bắt lấy Đặng Ngải.

Tư Mã Chiêu lại sợ hai viên tướng đầu ngành quan viễn chinh tranh giành mãnh liệt, dẫn đến tình hình xấu, lại hạ lệnh cho Giả Sung từ Tà Cốc xuất binh, tự mình với Ngụy chủ đều đóng ở Tràng An để ứng biến.

Đại quân Chung Hội đánh vào Thành Đô định bắt Đặng Ngải, song quân đoàn Đặng Ngải không phục, tình hình đối đầu giữa hai bên rất căng thẳng. Chung Hội lại nghe nói Giả Sung đã từ đường Tà Cốc đánh vào, Tư Mã Chiêu thân chinh đến Tràng An, biết rằng đã không được triều đình tín nhiệm nữa, bèn cùng với Khương Duy bàn bạc, muốn lợi dụng quân Thục và đại quân trực thuộc của mình để làm binh chiến, sẽ kiên trì giữ Thục Trung, chiếm đất xưng vương.

Khương Duy ra sức khuyên Chung Hội nhân cơ hội này giết hết các tướng phương bắc cùng đi để tự giữ mình, lại phái người ám sát Chung Hội để mong khôi phục nhà Hán. Ông ta tự mình viết một bức mật thư cho Lưu Thiện nói rằng: “Xin bệ hạ chịu nhục mấy ngày nữa, hạ thần muốn xã tắc đang nguy sẽ lại yên, nhật nguyệt đang tối mà lại sáng”.

Bởi Thành Đô tình thế xấu dần đi, đồn đại nhiều về chuyện sẽ có binh biến, Hồ Liệt là thống lĩnh đại quân trực thuộc của Chung Hội, biết được Khương Duy có âm mưu khôi phục nhà Hán, bèn phát động binh biến trước, đánh vào doanh trại Khương Duy. Quân Đặng Ngải cũng nhân lỗi loạn mà tiến đánh Chung Hội để trả thù, Thành Đô rơi vào cuộc chiến hỗn loạn. Cuối cùng Khương Duy, Trương Dực, Chung Hội đều bị chết trong đám loạn quân.

Viên thống lĩnh Tiền quân của Chung Hội dẫn quân dẹp loạn, khôi phục trị an ở Thành Đô, lại phái hộ quân Điền Tục đánh vào doanh trại của Đặng Ngải ở Miên Trúc, giết chết cha con Đặng Ngải ở đấy.

Tư Mã Chiêu ở Tràng An được biết cuộc nổi loạn ở Thành Đô đã được dẹp yên, bèn phái Giả Sung thu thập tàn cục, vỗ về trăm họ, còn tự mình với Ngụy chủ trở về Lạc Dương. Không lâu Lưu Thiện cũng đưa gia nhân đến Lạc Dương, cuộc quyết chiến sau cùng của Thục Hán đến đây hoàn toàn kết thúc. Đó là năm Hàn Hy thứ nhất đời Nguyên đế Tào Ngụy, tức là tháng 3 năm 264 sau Công Nguyên.

TRẦN VĂN ĐỨC