Không Có Ngày Mai

Chương 7

VIÊN THÁM TỬ XUẤT HIỆN LÀ NỮ, tới một mình. Cô mặc quần và áo sơ mi ngắn tay màu xám. Có
thể bằng lụa, có thể là chất liệu nhân tạo. Nhưng dù là chất liệu nào
thì cũng là chất vải bóng. Áo không bỏ trong quần, tôi đoán là đuôi áo
đang che súng, còng số tám và bất cứ thứ gì khác cô mang theo. Sau lớp
áo, cô nhỏ bé và mảnh mai. Phía trên áo sơ mi là mái tóc sẫm màu buộc
túm về phía sau và khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn. Không mang đồ trang
sức. Thậm chí không nhẫn cưới. Tuổi cô chừng gần bốn mươi. Có lẽ là bốn
mươi. Một phụ nữ hấp dẫn. Tôi thấy thích cô ngay lập tức. Nữ thám tử
trông thoải mái và thân thiện. Cô trưng phù hiệu thanh tra ra và đưa
danh thiếp cho tôi. Trên đó ghi số điện thoại văn phòng và điện thoại di động của cô. Cả một địa chỉ thư điện tử do NYPD quản lý. Cô đọc to tên
trên danh thiếp cho tôi nghe. Tên là Theresa Lee, chữ T và h phát âm một lượt, như theme hay therapy. Theresa. Cô không phải người châu Á. Có lẽ Lee là kết quả của một cuộc hôn nhân trước đây hoặc là phiên bản vùng
đảo Ellis của tên Leigh, hoặc một cái tên khác dài hơn và phức tạp hơn.
Hay có lẽ cô là hậu duệ của Robert E[8].

Cô lên tiếng, “Ông có thể cho tôi biết chính xác điều gì đã xảy ra chứ?”

Cô nói nhẹ nhàng, đôi lông mày nhướn cùng giọng nói nghe rõ cả tiếng thở
chứa đầy sự quan tâm chú ý, như thể mối lo chính của cô là sự căng thẳng hậu chấn động của chính tôi. Ông có thể nói cho tôi không? Ông có thể
không? Như là, ông có thể chịu nổi việc tái hiện nó không? Tôi mỉm cười, thoáng thôi. Mỗi năm số vụ án mạng ở Midtown South sụt xuống chỉ nằm ở
mức một chữ số, và giả sử cô đã thụ lý toàn bộ số vụ đó kể từ ngày bắt
đầu làm việc đi nữa thì tôi vẫn từng thấy nhiều xác chết hơn cô đã thấy. Gấp rất nhiều lần. Người phụ nữ trên tàu vừa rồi không phải trường hợp
dễ nhìn nhất trong số đó, song còn khá hơn rất nhiều so với trường hợp
khủng khiếp nhất.

Thế nên tôi nói cho cô nghe chính xác những gì
đã diễn ra, toàn bộ từ phố Bleecker, hết toàn bộ bản danh sách mười một
điểm, phương pháp thăm dò của tôi, đoạn hội thoại đứt quãng, khẩu súng,
hành động tự sát.

Theresa Lee muốn nói về bản danh sách.

“Chúng tôi có một bản sao,” cô nói. “Đáng ra nó phải là tài liệu mật.”


“Nó đã tồn tại trên thế giới này hai mươi năm,” tôi nói. “Mọi người đều có một bản sao. Khó mà còn là bí mật nữa.”

“Ông đã xem nó ở đâu?”

“Ở Israel,” tôi nói. “Ngay sau khi nó được viết ra.”

“Xem như thế nào?”

Thế nên tôi điểm qua sơ yếu lý lịch của mình cho cô. Bản tóm lược. Bộ binh
Hoa Kỳ, mười ba năm làm quân cảnh, đơn vị điều tra tinh nhuệ 110, hoạt
động trên khắp thế giới, cộng thêm các nhiệm vụ riêng lẻ nơi này nơi
kia, theo lệnh và khi có lệnh. Rồi đến sự sụp đổ của Liên Xô, phần cổ
tức trả bằng hòa bình, ngân sách quốc phòng giảm đi, đột ngột bị cho
giải ngũ.

“Sĩ quan hay lính nghĩa vụ?”

“Cấp bậc cuối cùng là thiếu tá,” tôi nói.

“Còn bây giờ?”

“Tôi đã nghỉ hưu.”

“Ông còn trẻ so với tuổi nghỉ hưu.”

“Tôi nghĩ là tôi nên tận hưởng sự về hưu khi còn có thể.”

“Và ông đang tận hưởng chứ?”

“Chưa bao giờ tuyệt hơn.”

“Lúc đêm nay ông đang làm gì? Khi ở dưới khu Village ấy?”

“Âm nhạc,” tôi nói. “Các câu lạc bộ nhạc blues ở Bleecker.”

“Và ông lên chuyến tàu tuyến 6 đi đâu?”

“Tôi đang kiếm một phòng ở đâu đó hoặc đến Port Authority để bắt xe buýt.”

“Đến đâu?”

“Bất kỳ đâu.”

“Một chuyến đi ngắn à?”

“Loại phù hợp nhất.”

“Ông sống ở đâu?”

“Chẳng đâu cả. Năm tháng của tôi là một chuyến đi ngắn tiếp sau một chuyến khác.”

“Hành lý của ông đâu?”

“Tôi không có hành lý.”

Hầu hết thám tử đều đặt thêm câu hỏi làm rõ vấn đề, nhưng Theresa Lee thì
không. Thay vào đó hai mắt cô một lần nữa thay đổi điểm chú ý và cô lên
tiếng: “Tôi không vui vì bản danh sách đã sai. Tôi nghĩ rằng nó phải có
tính chuẩn mực kia.” Cô nói gọn lỏn, giữa hai cảnh sát với nhau, như thể nghề cũ của tôi tạo sự khác biệt gì đó với cô vậy.

“Nó chỉ sai một nửa,” tôi nói. “Phần về tự sát vẫn đúng.”

“Tôi cho là thế,” nữ thám tử nói. “Những dấu hiệu sẽ như nhau, tôi cho là thế. Nhưng nó vẫn là sự khẳng định không chuẩn.”

“Vẫn tốt hơn phủ định không chuẩn.”

“Tôi cho là thế,” cô lại nói.

Tôi hỏi, “Chúng ta có biết cô ta là ai không?”

“Vẫn chưa. Nhưng chúng tôi sẽ tìm ra. Họ nói với tôi rằng tại hiện trường họ tìm thấy một số chìa khóa và một chiếc ví. Có thể chúng sẽ giúp xác
định được. Nhưng có chuyện gì với cái áo khoác đông thế?”

Tôi nói: “Tôi không biết.”

Nữ thám tử im bặt, như thể cô hết sức thất vọng. Tôi nói, “Những chuyện
này luôn là thứ liên tục phát triển, luôn luôn cần bổ sung cập nhật. Cá
nhân tôi cho rằng chúng ta cũng nên bổ sung điểm thứ mười hai vào bản
danh sách đối với nữ. Nếu một phụ nữ mang bom bỏ khăn choàng đầu thì sẽ
có dấu hiệu là nước da rám nắng, giống như ở nam giới.”

“Ý kiến hay đấy,” nữ thám tử nói.

“Mà tôi có đọc một cuốn sách cho rằng phần về các trinh nữ là phần bị dịch
sai. Từ không rõ nghĩa[9]. Nó xuất hiện trong một đoạn đầy những hình
tượng thức ăn. Sữa và mật. Có lẽ nghĩa là nho khô. Căng mọng, có thể
được tẩm mật hay đường.”

“Họ tự sát vì nho khô sao?”

“Tôi rất muốn trông thấy cái mặt họ.”

“Ông là nhà ngôn ngữ học à?”

“Tôi nói tiếng Anh,” tôi đáp. “Và tiếng Pháp. Và tại sao một phụ nữ đánh bom lại muốn giết các trinh nữ chứ? Có rất nhiều đoạn văn bản thánh tích bị dịch sai. Đặc biệt những chỗ nói tới các trinh nữ. Thậm chí ngay cả
Kinh Tân ước, có lẽ thế. Một số người nói rằng Đức mẹ Mary là người sinh con lần đầu, thế thôi. Theo như tiếng Hebrew[10]. Không phải trinh nữ.
Các tác giả ban đầu chắc sẽ bật cười khi thấy chúng ta diễn giải từ đó

thành những gì.”

Theresa Lee không bình luận gì về chuyện đó. Thay vào đó cô hỏi, “Ông có ổn không?”

Tôi hiểu câu đó là có ý tìm hiểu xem tôi có bị sốc không. Để xem liệu có
nên cho tôi đến chỗ tư vấn tâm lý không. Có thể nữ thám tử nghĩ tôi là
một người lầm lì lại đang nói quá nhiều. Nhưng tôi lầm. Tôi nói. “Tôi
ổn,” khiến cô trông hơi ngạc nhiên mà bảo, “Bản thân tôi sẽ thấy tiếc về phương pháp tiếp cận. Ở trên tàu ấy. Tôi nghĩ ông đã đẩy cô ta qua
miệng vực. Qua thêm vài chặng dừng nữa thì có thể cô ta đã vượt qua được bất kì điều gì lúc ấy đang khiến cô ta đau khổ rồi.”

Sau đó
chúng tôi ngồi im lặng chừng một phút rồi viên trung úy to lớn thò đầu
vào gật đầu làm hiệu cho Lee ra hành lang. Tôi nghe tiếng nói chuyện
ngắn thầm thì rồi Lee trở vào bảo tôi đi lên phố 35 Tây với cô. Vào đồn
cảnh sát khu vực.

Tôi hỏi, “Vì sao?”

Lee ngần ngừ.

“Quy định thủ tục thôi,” cô nói. “Để đánh máy lời khai của ông, để khép hồ sơ lại.”

“Tôi có quyền lựa chọn trong chuyện này không?”

“Đừng đòi hỏi tới mức ấy,” nữ thám tử nói. “Bản danh sách của Israel có liên
quan đấy. Chúng tôi có thể gọi toàn bộ chuyện này là một vấn đề liên
quan tới an ninh quốc gia. Ông là nhân chứng quan trọng, chúng tôi có
thể quản thúc ông cho tới khi ông già và chết. Tốt hơn là nên thực hiện
vai trò của một công dân tốt đi.”

Vậy nên tôi nhún vai và theo cô ra khỏi mê cung của Ga Trung tâm tới đại lộ Vanderbilt nơi cô đỗ xe. Đó là một chiếc Crown Victoria của Ford không sơn phù hiệu cảnh sát, méo
mó bám đầy bụi nhưng vẫn chạy tốt. Xe đưa chúng tôi tới phố 35 Tây ngon
ơ. Chúng tôi đi vào qua cánh cổng cũ to đùng rồi cô dẫn tôi lên gác vào
một phòng thẩm vấn. Cô lùi lại đợi ở hành lang và để cho tôi vào trước.
Rồi cô vẫn ở ngoài hành lang, khép cửa lại sau lưng tôi và khóa cửa từ
bên ngoài.