Không Có Ngày Mai

Chương 39

TÔI KHÔNG CÓ MẶT Ở
KHÁCH SẠN Sheraton trước khi Sansom ăn xong bữa trưa, phần vì vỉa hè đầy chật những người bước đi chậm chạp trong cái nóng, phần vì đó là bữa
trưa ngắn ngủi. Tôi nghĩ điều này có thể hiểu được. Đám khán giả phố
Wall của Sansom muốn dành tối đa thời gian để kiếm tiền và tối thiểu để
cho tiền. Tôi cũng không kịp lên cùng chuyến tàu liên bang với ông ta.
Tôi chậm mất chuyến tàu đi Washington chỉ năm phút, nghĩa là tôi đến thủ đô sau ông ta tới một tiếng rưỡi.

Cũng chính tay gác hôm trước
đang trực ở cửa tòa nhà Cannon. Anh ta không nhận ra tôi. Nhưng anh ta
vẫn cho tôi vào, chủ yếu nhờ Hiến pháp. Nhờ Tu chính án đầu tiên của
Tuyên ngôn Nhân quyền. Quốc hội sẽ không ban hành đạo luật nào tước đi
quyền của người dân được đưa đơn thỉnh nguyện lên Chính phủ. Những thứ
đồ linh tinh trong túi tôi chầm chậm lướt qua máy chiếu X-quang, rồi tôi bước qua máy phát hiện kim loại và được vỗ kiểm tra từ trên xuống dưới
dù tôi biết rằng thiết bị dò đã nháy xanh. Một đám nhân viên lao xao
phục vụ Quốc hội đang dùng loa gọi người từ trong sảnh, một trong số đó
gọi rồi đưa tôi vào khu của Sansom. Các hành lang rộng, thoáng và ngóc
ngách lung tung. Các văn phòng cá nhân có vẻ nhỏ nhưng đẹp. Có thể một
thời chúng to và đẹp, song bây giờ đã được chia nhỏ thành phòng chờ dùng làm nơi tiếp tân và nhiều khoảng nhỏ bên trong mà tôi nghĩ là một phần
cho các nhân viên cao cấp dùng, còn một phần để sao cho rốt cuộc được
đặt chân vào nơi của kẻ tai to mặt lớn có vẻ như là một đặc ân hơn là
thực chất.

Chỗ làm việc của Sansom trông hệt như mọi chỗ khác.
Một cửa dẫn từ hành lang, rất nhiều cờ, rất nhiều đại bàng, vài bức sơn
dầu vẽ những lão già đeo tóc giả, một bàn tiếp tân có một cô gái trẻ
ngồi sau. Có thể là nhân viên, có thể là một cô tập sự. Springfield đang tựa vào góc bàn cô ta. Anh ta trông thấy tôi, gật đầu không thèm nở một nụ cười, ẩy người rời khỏi bàn, bước ra cửa đón tôi và trỏ ngón cái
xuôi theo hành lang.

“Căng tin,” anh ta nói.

Chúng tôi đi
qua vài bậc cầu thang tới chỗ đó. Đó là một căn phòng thấp và rộng chứa
đầy bàn ghế. Sansom chẳng ngồi chỗ nào trong này. Springfield cằn nhằn
như thể anh ta chẳng hề ngạc nhiên và kết luận rằng Sansom đã trở lại
văn phòng mình trong lúc chúng tôi tìm ông ta, theo một lối khác, có thể qua văn phòng của một đồng nghiệp. Anh ta bảo rằng nơi này lắm hang
cùng ngõ hẻm, khi nào cũng có các cuộc nói chuyện cần được trao đổi, các ơn huệ cần được tìm kiếm, các thỏa thuận cần được ngã giá và các đầu
phiếu cần được bán buôn. Chúng tôi trở lại theo đúng đường đã đi,
Springfield thò đầu vào một cửa rồi lùi lại ra hiệu cho tôi bước vào.

Phòng làm việc bên trong của Sansom là một khoảng không gian hình chữ nhật
chỉ lớn hơn một chiếc tủ và nhỏ hơn một phòng nhà nghỉ có giá ba mươi đô la một đêm. Phòng có cửa sổ, tường ốp gỗ treo những ảnh đóng khung, tít báo đóng khung, trên giá có đồ lưu niệm. Sansom ngồi sau bàn, trên một
ghế da màu đỏ, trong tay là một cây bút máy, rải đầy trước mặt là cả lô
giấy tờ. Ông ta đã bỏ áo khoác ra. Sansom có dáng vẻ mệt mỏi, thiếu
dưỡng khí của một người đã ngồi yên suốt thời gian dài. Ông ta đã không
ra ngoài. Trò đi vòng qua căng tin là trò câu giờ, chủ yếu được sắp đặt
để cho phép người nào đó đi ra mà không bị tôi nhìn thấy. Ai, tôi không
biết. Tại sao, tôi cũng không biết. Nhưng tôi ngồi xuống ghế dành cho
khách và thấy nó vẫn còn ấm hơi của người khác. Phía sau đầu Sansom
chính là bức ảnh lớn mà tôi đã thấy trong cuốn sách của ông ta được đóng khung. Donald Rumsfeld và Saddam Hussein, ở Baghdad. Đôi khi bạn bè của chúng ta trở thành kẻ thù, và đôi khi kẻ thù trở thành bạn bè của chúng ta. Bên cạnh là một chuỗi ảnh nhỏ hơn chụp Sansom đứng với nhóm này
nhóm nọ, vài tấm chỉ chụp ông ta bắt tay và cười với một người khác. Vài tấm ảnh chụp nhóm đầy trang trọng, vài tấm chụp những cái cười rộng mở
và sân khấu đầy hoa giấy sau những đợt thắng cử. Trong hầu hết số đó tôi đều thấy mặt Elspeth. Trong những năm qua tóc bà ta đã đổi kiểu rất
nhiều. Tôi thấy Springfield trong vài bức khác, dáng người nhỏ và cảnh
giác của anh ta rất dễ nhận ra dù các bức ảnh bé xíu. Những bức ảnh chụp đôi là thứ cánh phóng viên ảnh thời sự gọi là ảnh nghiến-chặt-nhe-răng. Tôi nhận ra một số nhân vật trong đó, một số thì không. Một số đã ký
tên vào ảnh với những lời lẽ quá mức cần thiết, một số thì không.

Sansom nói, “Thế nào đây?”

Tôi nói, “Tôi biết về DSM vào tháng Ba năm 1983.”

“Bằng cách nào?”


“Nhờ súng bắn tỉa không tiếng động VAL. Cựu chiến binh mà tôi đã nói cho ông nghe là vợ góa của người mà ông đã tước khẩu súng. Đó là lý do ông phản ứng trước cái tên ấy. Có thể ông chưa bao giờ nghe thấy cái tên Lila
Hoth hay Svetlana Hoth, nhưng hồi ấy ông đã gặp một người khác có tên
Hoth. Điều đó thì quá chắc rồi. Rõ ràng rồi. Có thể ông đã lấy thẻ tên
của ông ta và cho dịch ra. Có lẽ ông vẫn còn giữ nó, để làm kỷ niệm.”

Chẳng thấy sự ngạc nhiên. Chẳng có sự phủ nhận. Sansom chỉ nói, “Không, thực
ra cái thẻ tên đã bị khóa kỹ cùng với các báo cáo sau khi hành động, và
mọi thứ khác cũng thế.”

Tôi không nói gì.

Sansom nói, “Tên ông ta là Grigori Hoth. Hồi ấy ông ta trạc tuổi tôi. Có vẻ ông ta giỏi. Tay phát hiện mục tiêu không giỏi lắm. Lẽ ra hắn đã phải nghe thấy
tiếng chúng tôi đang tiếp cận mới phải.”

Tôi không đáp lại. Im
lặng một lúc lâu. Rồi tình huống ấy dường như tác động đến cảm xúc khiến hai vai Sansom sụm xuống, ông ta thở dài mà nói: “Đúng là cách bị lần
ra thật lạ, phải không? Huy chương được dùng để thưởng chứ không phải
phạt. Lẽ ra chúng không phải là để chơi anh. Lẽ ra chúng không phải là
để theo anh đến hết đời như một trở ngại khốn nạn.”

Tôi chẳng nói gì.

Sansom hỏi, “Anh sẽ làm gì?”

Tôi đáp, “Chẳng làm gì cả.”

“Thật sao?”

“Tôi chẳng quan tâm chuyện gì xảy ra năm 1983. Và họ đã nói dối tôi. Trước
tiên là chuyện về Berlin, và giờ họ vẫn đang dối tôi. Họ tự nhận là mẹ
và con gái. Nhưng tôi không tin. Kẻ được nhận là con gái là con bé xinh
nhất ông từng thấy. Kẻ tự nhận là mẹ là một mụ già xấu đau xấu đớn. Đầu
tiên tôi gặp họ cùng một cảnh sát NYPD. Cô ta bảo rằng sau ba mươi năm
nữa đứa con gái sẽ trông giống hệt mẹ cô ta bây giờ. Nhưng cô ta lầm.
Con bé sẽ không bao giờ trông giống bà già. Cả triệu năm sau cũng
không.”

“Vậy họ là ai?”

“Tôi đã sẵn sàng chấp nhận rằng bà già là người thật việc thật. Bà ta là chính trị viên Hồng quân đã mất
chồng và em trai ở Afghanistan.”

“Em trai bà ta?”

“Tay phát hiện mục tiêu đó.”

“Nhưng người phụ nữ trẻ thì đang đóng kịch hả?”

Tôi gật đầu. “Trong vai vợ góa tha hương của một tỷ phú, từ London tới. Cô ta nói chồng cô ta là doanh nhân không thành công.”

“Và cô ta không có sức thuyết phục à?”

“Cô ta bịa đặt. Cô ta diễn giỏi. Có lẽ cô ta đã mất chồng vào thời điểm nào đó trong thời gian ấy.”

“Nhưng sao? Thực sự cô ta là gì?”

“Tôi nghĩ cô ta là nhà báo.”

“Tại sao?”

“Cô ta biết nhiều. Cô ta có đầu óc điều tra đúng đắn. Cô này giỏi phân
tích. Cô ta theo dõi tờ Herald Tribune. Đây là tay kể chuyện tài khủng
khiếp. Nhưng cô ta nói quá nhiều. Cô ta say mê với ngôn từ và thêu dệt
các tình tiết. Cô ta không kiềm chế nổi mình.”

“Chẳng hạn như?”

“Cô ta làm ra thống thiết thái quá. Cô ta bảo rằng các chính trị viên ở
cùng chiến hào với cánh lính trơn. Lại còn tự nhận rằng mình được thụ
thai trên một nền đá, dưới một chiếc áo dã chiến của Hồng quân. Đó là
điều vớ vẩn. Chính trị viên là bọn hèn nhát có cỡ với cấp bậc dưới.
Chúng đóng cách nơi chiến đấu rất xa. Đám ấy toàn tụ lại với nhau phía
sau chiến tuyến ở sở chỉ huy để viết sách, tờ rơi. Thi thoảng chúng có
đi thăm chiến tuyến, nhưng có dính tí nguy hiểm nào chăng thì không hề.”

“Mà làm thế nào anh lại biết chuyện này?”

“Ông biết tôi biết bằng cách nào mà. Chúng ta đã trông đợi một cuộc chiến
trên bộ với họ ở châu Âu. Chúng ta hy vọng mình sẽ thắng. Chúng ta cho
rằng sẽ bắt nhiều triệu người bên đó làm tù binh. Quân cảnh được đào tạo để xử lý tất cả số đó. Đơn vị 110 sẽ thực hiện chỉ huy hành động. Ảo
tưởng, có lẽ thế thật, nhưng Lầu Năm Góc coi trọng điều này. Chúng ta
được dạy về Hồng quân nhiều hơn về quân đội Mỹ. Chắc chắn chúng ta đã
được chỉ chính xác nơi cần tìm ra các chính trị viên. Chúng ta được lệnh trừ khử toàn bộ số đó ngay lập tức.”

“Loại nhà báo nào?”

“Có lẽ là truyền hình. Nhóm người địa phương mà cô ta thuê có quan hệ với
ngành truyền hình. Mà ông đã bao giờ xem truyền hình của Đông Âu chưa?
Tất cả người dẫn chương trình đều là phụ nữ, tất cả đều trông rất bốc
lửa.”

“Nước nào?”

“Ukraine.”

“Mảng nào?”

“Điều tra, lịch sử, đan xen chút tình cảm con người. Có lẽ cô ta đã nghe câu
chuyện của bà già và quyết định làm chương trình về câu chuyện đó.”

“Như kênh Lịch sử bằng tiếng Nga à?”

“Bằng tiếng Ukraine,” tôi đáp.

“Tại sao? Thông điệp là gì? Giờ họ muốn làm mất mặt chúng ta à? Sau hơn hai mươi lăm năm à?”

“Không, tôi nghĩ là họ muốn làm mất mặt người Nga. Hiện có nhiều vấn đề căng
thẳng giữa Nga và Ukraine. Tôi nghĩ họ coi sự xấu xa của Mỹ là điều tất
yếu, và nói rằng lẽ ra anh bạn lớn Nga tệ bạc không nên đưa thằng em
Ukraine tội nghiệp không đủ khả năng tự bảo vệ vào con đường khốn khổ.”

“Vậy tại sao chúng ta vẫn chưa được xem câu chuyện đó?”

“Bởi họ thực hiện sau khi các giai đoạn lịch sử kia đã kết thúc từ lâu rồi,” tôi nói. “Họ đang tìm sự khẳng định. Dường như ở bên đó họ vẫn còn chút gì đạo đức nghề báo đấy.”

“Họ sẽ có sự khẳng định chứ?”

“Chắc không phải từ ông. Và không ai khác biết điều gì một cách chắc chắn.
Susan Mark sống không đủ lâu để nói có hoặc không. Thế nên nắp lại đậy
vào. Tôi đã khuyên họ quên hết mọi chuyện đi và trở về nhà.”

“Tại sao họ đóng vai mẹ và con gái?”

“Vì đó là một trò bịp tài tình,” tôi nói. “Có sức hút lớn. Giống như truyền hình thực tế. Hoặc các loại tạp chí họ bán trong siêu thị. Rõ ràng họ
đã nghiên cứu kỹ nền văn hóa của ta.”

“Tại sao lại đợi lâu đến vậy?”

“Cần nhiều thời gian để xây dựng ngành truyền hình trưởng thành. Có lẽ họ đã lãng phí nhiều năm cho những vấn đề quan trọng.”

Sansom khẽ gật đầu, rồi nói, “Nói không ai biết gì một cách chắc chắn thì không đúng. Anh có vẻ biết rất nhiều.”

“Nhưng tôi sẽ không nói gì cả.”

“Tôi có thể tin anh chuyện đó không?”

“Tôi đã phục vụ quân đội mười ba năm. Tôi biết tất cả mọi chuyện. Tôi không nói về chúng.”

“Tôi không vui về chuyện họ lại tiếp cận được Susan Mark dễ đến thế. Tôi
cũng không vui vì chúng ta đã không biết về cô ấy ngay từ đầu. Trước
buổi sáng xảy ra sự kiện, chúng tôi thậm chí còn chưa bao giờ nghe nói
về cô ấy. Toàn bộ chuyện này cứ như một vụ phục kích. Chúng tôi luôn
đằng sau khúc quanh.”

Tôi đang nhìn các bức ảnh trên tường phía
sau Sansom. Nhìn các hình người nhỏ xíu. Hình dáng, điệu bộ, bóng hình
của họ. Tôi nói, “Thật sao?”

“Lẽ ra chúng tôi phải được thông báo rồi.”

Tôi bảo, “Hãy có ý kiến với Lầu Năm Góc ấy. Và với đám người từ Watergate nữa.”

Sansom bảo, “Tôi sẽ nói.” Rồi ông ta im lặng, như thể ông ta đang nghĩ lại,
đánh giá lại, một cách bình tĩnh hơn và chậm rãi hơn so với kiểu nhanh
chóng thường thấy như sĩ quan chiến trường. Nắp lại đậy vào. Dường như
ông ta nghiên cứu tuyên bố ấy một lúc, từ mọi góc độ khác nhau. Rồi ông
ta nhún vai, mặt hiện vẻ hơi ngượng ngùng, và hỏi, “Vậy bây giờ anh nghĩ về tôi thế nào?”

“Điều đó có quan trọng không?”

“Tôi là chính trị gia. Tìm hiểu theo phản xạ thôi.”

“Tôi nghĩ hồi ấy ông nên bắn vào đầu họ.”

Sansom im một chút rồi nói, “Chúng tôi không có súng giảm thanh.”

“Có chứ. Khi ấy các ông vừa tước được một khẩu từ họ.”

“Nguyên tắc can dự.”

“Lẽ ra ông nên lờ chúng đi. Hồng quân không hành quân mang theo phòng thí nghiệm pháp y đâu. Họ sẽ không biết ai bắn ai.”

“Vậy anh nghĩ thế nào về tôi?”

“Tôi nghĩ hồi ấy ông không nên trao họ đi. Làm vậy không đúng. Quả thực, đấy sẽ là tâm điểm của câu chuyện, trên truyền hình Ukraine. Ý tưởng là đưa bà già đến bên ông và để cho bà ta hỏi ông vì sao ông làm thế.”

Sansom lại nhún vai. “Tôi ước là bà ta có thể làm thế. Bởi sự thật là chúng
tôi đã không trao họ cho bên khác. Thay vào đó chúng tôi thả họ đi. Đó
là mạo hiểm có tính toán. Một kiểu đánh lừa bằng chính sự thật. Họ đã
mất khẩu súng. Mọi người sẽ đều nhận định rằng đám du kích Hồi giáo đã
lấy nó. Đó là hậu quả đáng tiếc và rất nhục nhã. Khi ấy tôi thấy rõ ràng là hai người đó rất sợ các sĩ quan chỉ huy và chính trị viên của mình.
Thế nên họ sẽ hạ mình để nói sự thật rằng thủ phạm là người Mỹ, không
phải người Afghanistan. Đó sẽ là một kiểu chứng minh mình vô tội. Nhưng
đám sĩ quan chỉ huy và chính trị viên của họ vốn biết rằng hai người sợ
họ đến mức nào, nên sự thật ấy sẽ nghe có vẻ như một câu chuyện nhảm
nhí. Như một lời bào chữa thảm hại. Nó sẽ bị loại trừ ngay lập tức, như
một câu chuyện hoang đường. Thế nên tôi cảm thấy đủ an toàn khi thả họ
ra. Sự thật sẽ được kể ra sờ sờ như thế, nhưng sẽ không được nhìn nhận.”


Tôi nói, “Vậy đã xảy ra chuyện gì?”

Sansom nói, “Tôi nghĩ họ đã sợ hơn cả tôi tưởng. Quá sợ nên chẳng hề dám quay
lại. Tôi nghĩ là họ chỉ lang thang, cho tới khi bị đám dân bộ tộc bắt
được. Grigori Hoth là chồng một chính trị viên. Ông ta sợ bà ta. Đó là
điều đã xảy ra. Và đó là điều đã giết chết ông ta.”

Tôi không nói gì.

Sansom nói, “Tôi không trông đợi bất kỳ ai tin tôi điều ấy.”

Tôi không đáp.

Ông ta nói, “Anh nói đúng về sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nhưng cũng
có sự căng thẳng giữa Nga và chính chúng ta. Hiện giờ có rất nhiều
chuyện căng thẳng. Nếu phần về đồi Korengal của câu chuyện lộ ra, mọi
thứ có thể bùng nổ lớn. Như Chiến tranh Lạnh nổ ra lần nữa. Trừ một điều là khác đi. Ít nhất thì Liên Xô cũng còn tỉnh táo, theo cách của riêng
họ. Còn đám này à, không tỉnh táo lắm đâu.”

Sau câu này chúng tôi ngồi im lặng một lúc mà cảm giác như một khoảng thời gian dài, rồi thì
điện thoại bàn của Sansom đổ chuông. Nhân viên tiếp tân gọi. Tôi nghe
thấy giọng cô ta qua tai nghe và qua cả cửa nữa. Cô ta điểm một danh
sách những việc cần được chú ý ngay. Sansom gác máy và nói, “Tôi phải đi đây. Tôi sẽ gọi một nhân viên phục vụ Quốc hội tiễn anh ra.” Ông ta
đứng dậy, vòng qua bàn đi ra khỏi phòng. Hệt như một người vô tội chẳng
có gì để che giấu. Ông ta bỏ tôi lại một mình, vẫn ngồi trên ghế, cửa
vẫn mở. Springfield cũng đã đi khỏi. Tôi có thể thấy là chẳng có ai ở
văn phòng bên ngoài trừ người phụ nữ ở bàn tiếp tân. Cô ta mỉm cười với
tôi. Tôi mỉm cười đáp lại. Chẳng có nhân viên phục vụ Quốc hội nào xuất
hiện.

Chúng tôi luôn nằm đằng sau khúc quanh, Sansom đã nói thế.
Tôi đợi cả một phút rồi bắt đầu vặn vẹo ngó quanh như thể đang sốt ruột. Rồi sau một khoảng thời gian hợp lý tôi rời ghế ngồi. Tôi bước quanh,
hai tay đan vào nhau sau lưng, hệt như một người đàn ông vô tội chẳng có gì để che giấu, chỉ đang chờ đợi trong lãnh địa không phải của anh ta.
Tôi hướng về bức tường sau chiếc bàn, như thể đó là một đích đến hoàn
toàn ngẫu nhiên. Tôi xem kỹ các bức ảnh. Tôi đếm những gương mặt mình
biết. Con số tổng cộng ban đầu là hai mươi tư. Bốn tổng thống, chín
chính trị gia khác, năm vận động viên điền kinh, hai nam diễn viên,
Donald Rumsfeld, Saddam Hussein, Elspeth, và Springfield.

Cộng thêm một người khác.

Tôi biết hai mươi lăm gương mặt.

Trong tất cả những ảnh mừng chiến thắng vào đêm bầu cử, ngay cạnh chính
Sansom, là một tay cũng nở nụ cười toe toét, như thể ông ta đang hài
lòng trong ánh hào quang của công việc đã được hoàn thành tốt, như thể
ông ta đang tuyên bố phần đóng góp của mình mà chẳng hề khiêm tốn tí
nào. Một chiến lược gia. Một nhà chiến thuật. Một tay dàn xếp chính trị
đứng ở hậu trường.

Có lẽ là tay chỉ huy bộ tham mưu của Sansom.

Người này trạc tuổi tôi. Trong tất cả các ảnh, ông ta đều bị phủ hoa giấy hay mắc đầy những băng giấy màu hay ngập trong bong bóng tới tận gối, ông
ta cười nhe răng như tên thộn, song hai mắt lại lạnh lẽo. Trong đôi mắt
ấy chứa sự hiểu biết, khôn ngoan đầy tính toán.

Chúng khiến tôi nhớ tới đôi mắt của một cầu thủ.

Giờ tôi biết vì sao họ dàn dựng trò câu giờ đi qua căng tin. Giờ tôi biết
rằng trước tôi kẻ nào đã ngồi ở chiếc ghế dành cho khách của Sansom.

Chúng tôi luôn nằm đằng sau khúc quanh.

Kẻ dối trá.

Tôi biết tay chỉ huy bộ tham mưu của Sansom.

Trước đây tôi từng trông thấy hắn.

Tôi đã thấy hắn mặc quần cô tông chéo, áo sơ mi đánh gôn, đi chuyến tàu khuya tuyến 6 ở thành phố New York.