Khởi Nghiệp Thông Minh - Smart Up

Chương 6: Chiến Lược "thoát" Công Ty (Exit Strategy)

Nếu bận tâm suy đoán điều gì sẽ xảy ra thì bạn không nên dấn thân vào kinh doanh. Đây là thời điểm bạn phải nhận ra tầm quan trọng của những chiến lược rời bỏ công ty và bạn sẽ cần chúng để đạt hiệu quả cao nhất.

Nếu bạn thành lập công ty để bán những sản phẩm/dịch vụ mình tạo ra, thì đã đến lúc bạn phải suy nghĩ về cách “đóng gói” công ty của mình như một sản phẩm. Và lúc này đây, bạn phải chuẩn bị cho tương lai: Một ngày nào đó bạn không còn hoạt động cùng với công ty của mình nữa, nó sẽ ra sao và bạn muốn nó như thế nào sau khi bạn rời khỏi công ty?

Có một câu nói rất hay của một doanh nhân thành công là: “Hãy kết thúc ngay từ lúc bắt đầu”. Nói cách khác, dù làm bất cứ điều gì bạn cũng phải có tầm nhìn về điểm kết thúc. Đó chính là đặc tính quan trọng làm nên một nhà lãnh đạo. Nếu bạn mở công ty, thì đằng nào bạn cũng là nhà lãnh đạo, mà đặc điểm quan trọng nhất của nhà lãnh đạo chính là biết mình đang đi đâu và sẽ đi về đâu.

Bạn muốn có một khoản tiền đều đặn sau khi xây dựng công ty thành công?

Bạn muốn có một khoản tiền lớn sau khi xây dựng công ty thành công?

Bạn muốn bán công ty cho một ai đó?

Bạn muốn xây dựng doanh nghiệp theo yêu cầu của những công ty lớn để được mua lại rồi nhận số tiền thật lớn, sau đó du lịch thế giới?

Hay bạn muốn đưa công ty lên sàn chứng khoán?

...

Tất cả những điều trên cần phải được định hình ngay cả trước khi bạn sáng lập công ty. Bởi điều quan trọng nhất là: Bạn phải biết được điểm cuối cùng trước khi bắt tay làm bất cứ điều gì. Đó chính là đặc điểm nổi bật nhất của người thành công.

Bạn là người tạo dựng doanh nghiệp nên bạn chính là người phải theo suốt doanh nghiệp trong một thời gian nhất định. Nhưng có một điều bạn cần quan tâm: các quyết định quan trọng phải dựa trên giả thuyết là một ngày nào đó bạn sẽ thoát công ty với phương thức nào? Đó là lý do đảm bảo rằng bạn phải có một chiến lược rời bỏ công ty khôn ngoan ngay từ khi bắt đầu khởi sự doanh nghiệp. “Thoát công ty” nghĩa là bạn không tham gia vào các hoạt động của công ty nữa mà công ty vẫn mang lại lợi ích về tiền bạc và tài sản cho bạn. Đó chính là chiến lược thoát công ty khôn ngoan.

Có một sự thật bất ngờ khi bạn phải trả lời câu hỏi ngược lại: Chẳng lẽ phải gắn bó với công ty của mình suốt cả đời, trong khi thực tế một công ty sẽ không thể mang lại nguồn tài sản đủ lớn như bạn mong muốn hay sao? Đáng tiếc, chuyện này không phải hiếm. Cũng chính vì thế nên một doanh nhân thường sở hữu nhiều công ty cùng lúc. Hiển nhiên, bạn sẽ phải xây dựng một công ty thành công và sau đó rời bỏ công ty hiệu quả thì mới có thể triển khai công ty thứ hai, công ty thứ ba... Đây chính là sự lựa chọn khôn ngoan: Đóng gói công ty bạn xây dựng như một sản phẩm và sau đó “rời bỏ công ty”, mà công ty vẫn là “cái máy in tiền” đều đặn mang về cho bạn thu nhập lớn về sau.

Chiến lược thoát khỏi công ty thực chất là tinh thần “bắt đầu làm việc từ điểm kết thúc”. Tinh thần làm việc này vô cùng quan trọng, quan trọng đến nỗi nó trở thành một triết lý sống dành cho các nhà lãnh đạo.

Có một câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của Steve Jobs, người sáng lập và làm nên danh tiếng của Apple – hãng công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay. Vào thời thanh niên, năm 17 tuổi, ông đã đọc được một câu chuyện và nó đã thay đổi cuộc đời ông. Câu chuyện viết: Vào mỗi buổi sáng, bạn đứng trước gương và nói với mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi có làm những điều tôi đang làm nữa hay không? Đến một ngày nào đó, bạn sẽ đúng...” Steve Jobs chia sẻ: “Kể từ năm 17 tuổi, ngày nào tôi cũng đứng trước gương và nói với mình rằng: ‘Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi có làm những điều tôi đang làm không?’ Nếu câu trả lời là không trong nhiều ngày, tôi biết mình phải thay đổi... Và sự thật từ trước đến giờ tôi chưa hề hối hận về những gì mình đã làm”. Câu nói nổi tiếng mà Steve Jobs để lại cho hậu thế là: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời bạn, bạn có tiếp tục những điều bạn từng làm không?” Và trong toàn bộ chương này của quyển sách, có một câu hỏi cũng dành cho bạn: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bạn có tiếp tục xây dựng công ty như bạn đang bắt đầu xây dựng không?” Nếu câu trả lời là có, thì bạn nên bắt đầu; nếu câu trả lời là không, thì bạn cần phải xem lại.

Bây giờ có một câu hỏi còn hóc búa hơn nữa: “Bạn sẽ phải ‘kết thúc’ công ty mình đã xây dựng như thế nào? Khi bạn không còn làm ở công ty mình xây dựng nữa thì sẽ như thế nào?”

Nếu bạn không thể trả lời cho câu hỏi này thì có một câu nói rất hay cũng của Steve Jobs tặng bạn, đó là: “Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ”, hay nói theo kiểu của Richard Branson là: “Mặc kệ nó! Làm tới đi!” Hãy làm đi rồi cuối cùng sẽ có đường đi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm hiểu giải pháp cuối cùng về “chiến lược thoát khỏi công ty” thì sau đây có thể là câu trả lời.

Có ba chiến lược thoát công ty được áp dụng bởi hầu hết những doanh nhân thành công mà bạn cũng có thể áp dụng cho chính mình. Nói cách khác, ba cách thoát công ty phổ biến sau đây sẽ cho bạn biết bức tranh cuối cùng mà bạn sẽ phải thực hiện khi doanh nghiệp hoàn tất.

Bạn muốn có một khoản tiền kha khá và đều đặn sau khi rời khỏi “thương trường”? Bạn muốn cùng với tổ chức/cá nhân khác xây dựng công ty hùng mạnh hơn? Tất cả đều phụ thuộc vào cách thoát công ty của bạn.

Nếu bạn muốn xây dựng công ty ngày càng phát triển và bạn là một phần trong đó, thì bán một phần công ty là chiến lược dành cho bạn.

Nếu bạn muốn “kết thúc” những mệt mỏi khi điều hành một doanh nghiệp thì thoát công ty bằng cách thông báo phá sản là chiến lược dành cho bạn. Sau đó, hãy quay về con đường làm thuê chuyên nghiệp.

Nếu bạn muốn có một số tiền lớn để được tự do và làm những điều mình yêu thích thì việc bán toàn bộ công ty sau khi hoàn tất là chiến lược thoát công ty dành cho bạn.

Bây giờ chúng ta bàn đến chi tiết từng chiến lược thoát công ty.

Chiến lược thoát công ty thứ nhất: Bán một phần công ty

Bạn có thể bán công ty cho những tổ chức/cá nhân có nhu cầu mua lại trên thị trường. Bán một phần công ty có thể là một trong những chiến lược thoát khỏi công ty khéo léo nhất.

Khi bán một phần công ty, bạn có quyền chọn tổ chức/cá nhân thâu tóm công ty. Làm thế nào để bạn chọn đúng tổ chức/cá nhân mua lại công ty của mình? Họ có thể mua công ty của bạn để mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường mới từ công ty, đưa ra sản phẩm mới cho khách hàng của công ty, hoặc đơn giản là bạn bán một phần công ty để tìm kiếm người cùng đi đoạn đường dài phía trước với những năng lực mà bạn không có; bạn thoát công ty ở những chức năng, bộ phận không phải sở trường của bạn.

Một trong những lợi ích quan trọng của việc bán một phần công ty là tổ chức/cá nhân mua lại sẽ phát triển thêm lượng khách hàng với sản phẩm cũ hoặc sản phẩm mới, góp phần mở rộng thêm thị trường, đồng thời có thể lấy sản phẩm/dịch vụ của bạn bán trong thị trường của tổ chức/cá nhân đã mua lại công ty của bạn. Đồng thời, có thể bạn sẽ có một ban lãnh đạo tuyệt vời hơn để điều hành, đưa doanh nghiệp phát triển vượt bậc.

Nhưng việc bán một phần công ty cũng có mặt trái của nó. Nếu không có sự thống nhất, hòa hợp giữa bạn và tổ chức/cá nhân mua một phần công ty của bạn thì chiến lược công ty sẽ thay đổi: công ty sẽ không còn đi theo định hướng ban đầu của bạn nữa. Đội ngũ của tổ chức/cá nhân mua lại có thể sẽ phá hủy tất cả những hệ thống, quy trình, đội ngũ mà bạn đã từng xây dựng và kết thúc luôn sự nghiệp của bạn.

Nếu bạn muốn đưa công ty lên sàn chứng khoán thì nên làm như thế nào? Giải pháp IPO (viết tắt theo tiếng Anh “initial public offering”: Phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên) cũng là một lựa chọn dành cho bạn.

Điểm lưu ý trong chiến lược “thoát” này là hãy tìm cho doanh nghiệp của mình một tổ chức/cá nhân phù hợp về tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược để giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Bạn được quyền lựa chọn.

Ưu điểm:

  • Nếu doanh nghiệp của bạn có sự khác biệt đặc trưng, bạn sẽ tìm được những tổ chức/cá nhân cùng đồng hành và giúp doanh nghiệp của bạn phát triển vượt bậc;

  • Bạn nhận được một khoản tiền lớn sau khi bán một phần công ty.

Nhược điểm:

  • Bán một phần công ty thường dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó khăn khi các giá trị văn hóa và các hệ thống cũ - mới xung đột;

  • Bán một phần công ty nhưng không thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu sẽ làm bạn khó chịu trong suốt thời gian cùng điều hành doanh nghiệp.

Chiến lược thoát công ty thứ hai: Phá sản

Có người sẽ đặt câu hỏi: Đây là cũng là một chiến lược “thoát” công ty sao? Vâng, đây cũng là một cách có vẻ như không được tốt lắm và hẳn là rất ít người muốn sử dụng tới nó. Tuy nhiên, bạn vẫn nên dành thời gian để tham khảo qua.

Ngay cả khi đã là chủ một doanh nghiệp, bạn vẫn có quyền lựa chọn một cuộc sống như thế nào là đủ. Nếu bạn nói đủ thì nó là đủ. Nếu bạn thông báo công ty phá sản, tất nhiên mọi khoản tiền từ tài sản của công ty phải được dùng để trả nợ. Phần còn lại được chia cho các cổ đông (nếu bạn có các cổ đông khác) và chắc chắn rằng họ xứng đáng được nhận phần của mình vì những gì họ đóng góp cho công ty trong thời gian hợp tác.

Điểm lưu ý trong chiến lược “thoát công ty” này là hãy phá sản một cách khôn ngoan và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Hãy tìm hiểu kỹ những vấn đề liên quan khi bạn quyết định… phá sản.

Ưu điểm:

  • Dễ dàng;

  • Không còn phải bận tâm về bất kỳ điều gì liên quan đến công ty;

  • Dành thời gian cho cuộc sống cá nhân nhiều hơn.

Nhược điểm:

  • Bạn có muốn thành lập công ty chỉ để thanh lý hay không? Chắc chắn là không. Vì công ty giống như một đứa con tinh thần của bạn. Bạn dồn hết tất cả tâm huyết, thời gian, sức lực để gây dựng nó. Chiến lược này chỉ khiến bạn mất đi khoảng thời gian và sức lực quý báu mà thôi;

  • Bạn không còn được sự tin tưởng của cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp và nhân viên. Sau này, khi bạn thành lập một doanh nghiệp khác, họ sẽ e dè và có một sự ái ngại nhất định khi làm việc với bạn.

Chiến lược thoát công ty thứ ba: Bán toàn bộ công ty

Thường thì công ty của bạn được bán cho một tổ chức/cá nhân nào đó bên ngoài công ty. Tuy nhiên, cũng có khi người mua không đến từ bên ngoài. Bạn cũng có thể bán doanh nghiệp của mình cho nhân viên hoặc người quản lý hiện tại.

Có ba trạng thái trong chiến lược “thoát” này:

Thứ nhất: Công ty bạn đang “ăn nên làm ra” và trên thị thường có những tổ chức/cá nhân đang có ý định mua lại toàn bộ công ty bạn. Bạn sẽ có hai sự lựa chọn: một là giữ công ty lại và điều hành theo ý mình; hai là bán lại công ty để tổ chức/cá nhân đó điều hành hoàn toàn và bạn có khoản tiền tương xứng và thời gian để thành lập một doanh nghiệp khác với một lĩnh vực/sản phẩm khác mà bạn yêu thích.

Thứ hai: Nếu bạn cảm thấy đã “đủ”, đã đến lúc nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân và gia đình của mình, thì chiến lược thoát này là một chiến lược đáng để bạn nghĩ tới. Khi bán toàn bộ công ty, bạn sẽ có một khoản tiền và thời gian để làm những điều yêu thích thay vì mải mê “chinh chiến”.

Thứ ba: Công ty bạn không phát triển theo ý muốn vì một số lý do đến từ cách quản lý nguồn tài chính của bạn… Nhưng có những tổ chức/cá nhân thấy được tiềm năng phát triển của công ty bạn. Họ sẽ đề xuất mua lại. Nếu bạn muốn “đứa con tinh thần” của mình được “nuôi dưỡng” bởi một người tốt hơn, nó vẫn sẽ tồn tại nhưng chỉ là thay đổi chủ, thì đây là chiến lược “thoát công ty” mà bạn nên nghĩ tới vì nhân viên, khách hàng, cổ đông cùng sáng lập của bạn… chứ đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà đưa doanh nghiệp của mình đi đến lụi tàn.

Điểm lưu ý đối với chiến lược thoát này là:

– Nếu bạn đang nắm quyền quyết định thì hãy tìm kiếm một tổ chức/cá nhân có thể trả cho bạn cái giá cao nhất khi bán toàn bộ công ty và họ cam kết sẽ đi đúng định hướng phát triển của bạn (nếu có thể).

– Nếu bạn ở trong “thế” cần phải bán, thì hãy gửi cho tổ chức/cá nhân mua lại một bản mô tả chi tiết, hoàn chỉnh nhất về doanh nghiệp của bạn (sản phẩm, khách hàng, nhà cung cấp, đặc điểm nhân viên, hệ thống vận hành…) để họ thay bạn vận hành doanh nghiệp ngày càng phát triển. Hãy nghĩ rằng: Doanh nghiệp của bạn vẫn còn tồn tại.

Ưu điểm:

  • Bạn sẽ có một khoản tiền từ việc bán công ty;

  • Bạn có thời gian rảnh rỗi nhiều hơn;

  • Doanh nghiệp – đứa con tinh thần của bạn vẫn tồn tại trên thị trường (nếu người mua doanh nghiệp của bạn làm tốt).

Nhược điểm:

  • Doanh nghiệp của bạn sẽ không còn được điều hành theo đúng mong muốn của bạn;

  • Nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp của bạn sẽ phải thích ứng với một nền văn hóa - hệ thống mới.