Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận. Vì thế, khi nghe nói ở huyện có khuyết chân thơ lại là hắn vội bán ruộng cố đi lo lót cho được. Sau mấy phen chạy vạy không xong, hắn sực nhớ đến một người bạn học cũ có người thân quen biết với cụ Thượng, bèn tìm đến nhờ vả.
Người bạn của Hồ Sinh khi nghe hắn bày tỏ ý mình vội bảo:
- Người ra có câu "Con trong lừ rưng rưng nước mắt, con ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô". Sao bác không giữ ruộng lại để cày cấy làm ăn, có hơn là phải quỵ lụy để mua mấy cái lo vào người cho khổ?
Nhưng sau mấy lần khuyên dỗ, vẫn thấy nét mặt bạn quả quyết quá, mới giới thiệu hắn với một người bạn khác của mình, và nói:
- Người quen của tôi chả có thế lực gì đâu. Sẵn có quen một nhà đạo sĩ trên núi Ba Vì, ông ấy quen biết rất nhiều vị quyền cao chức trọng có thể hơn cả cụ Thượng nữa. Ông ấy có cách làm cho bác nên công danh. Để tôi viết mấy chữ, ông ấy sẽ vì tôi mà giúp bác hết sức.
Hồ Sinh cầm thư của bạn tìm đường lên núi Ba Vì. Hắn hỏi thăm mãi, quả đến một cái hang có một phiến đá lớn lấp kín. Theo lời dặn, hắn kêu to: - "Có phải đây là hang đạo sĩ không? Nếu phải xin mở cửa cho vào". Tự nhiên hòn đã xoay ra mở một lối cho hắn vào. Phía trong rất im lặng nhưng sáng sủa. Hắn bước quá chừng chục bước đã thấy vị đạo sĩ đang nằm trên một cái chõng, miệng nhai rầu, mắt lim dim nghỉ ngơi. Bên cạnh đó có một cái chõng khác, trên có một cơi trầu chỉ còn hai miếng Tuy có khách mà đạo sĩ cũng không ngồi dậy, chỉ với tay cầm lấy thư đọc, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Một lát, nhìn trừng trừng vào mặt khách, nói:
- Ta sẽ cho anh được làm quan. Nào anh muốn làm quan to hay nhỏ, như thế nào?
Đáp:
- Tôi học hành cũng ít ỏi, chỉ muốn làm một chân thơ lại cũng đã mãn nguyện.
- Được! Anh hãy ngồi nghỉ, ăn một miếng trầu, ta sẽ liệu.
Hồ Sinh rón rén lại ngồi ở giường lấy một miếng trầu trong cơi ra ăn. Miếng trầu rất ngon. Nhưng vừa nhai giập thì hắn đã thiu thiu ngủ.
*
Sau khi trở về nhà mấy ngày, bỗng một hôm có một người lính lệ mang trát đến đòi. Hắn sợ quá tưởng có việc gì xảy ra. Nhưng khi vào dinh cụ Thượng, hắn được đón tiếp rất niềm nở. Người ta để dành cho hắn không phải là chân thơ lại ở huyện mà là một chân thông biện ở dinh quan Bố tại tỉnh nhà. Công việc chẳng có gì là khó khăn và tốn kém vì có "tay trong" của nhà đạo sĩ, làm cho hắn hết sức sung sướng. Thế là từ đó, Hồ Sinh hàng ngày ra vào công đường, dạ dạ, bẩm bẩm khúm núm trước mặt các quan. Ban đầu hắn thấy nhục, nhưng mỗi lần đứng trước mặt bọn tổng lý và những người dân có việc đến cửa quan thì hắn lại cho là một sự vinh hiển. Ban đầu hắn ngần ngại chối từ cả lễ bạt của những người có việc đưa lên lo lót, nhưng dần dần hắn bạo dạn và khôn ngoan hơn. Chẳng những hắn thành thạo trong nghề bóp nặn mà còn học được nhiều mánh khóe làm tiền kỳ lạ là tạo ra những vụ án bất ngờ mà kết quả cả nguyên cáo lẫn bị cáo tiền bạc xủng xoẻng dắt nhau đến công đường đút cho hắn và quan trên của hắn.
Vì thế, trong vài ba năm, tiền của của hắn bộn bề, hắn làm nhà tậu ruộng và sống cuộc đời xa xỉ hơn trước. Hắn lại được một phú trưởng giả trong hạt gả con gái cho. Mười năm sau, vợ hắn đã sinh được hai trai hai gái và được cất nhắc làm một chức quan nhỏ. Một nhà phấn vua trang điểm, cuộc đời cứ thế lên như diều, không có ai theo kịp.
Nhưng một ngày kia, giữa lúc Hồ Sinh đang ngồi cho vợ chải đầu thì bỗng có lính lệ cầm trát đến đòi. Hắn không nghi ngờ gì cả. Nhưng khi đến dinh cụ Thượng hắn liền bị bỏ ngục. Một viên khâm sai đặc phái cải trang đi thanh tra đã tìm ra được rất nhiều chứng cớ về những vụ tham tang hối lộ của bọn quan tỉnh, mà tất cả đều có liên quan đến hắn. Thế rồi, trong khi chờ đợi xử án thì những người dân bị vu oan giá họa ngày trước đều đổ xô tới quan khâm sai kiện hắn. Đơn kiện cao kể hàng chồng. Ngày xử án hắn là một ngày đông hơn hội. Hắn bị tử hình không đợi tâu về triều vì quan khâm sai có quyền "tiền trảm hậu tấu". Trước khi ra pháp trường chịu tôi, hắn hồi tưởng lại chuyện cũ và ăn năn rằng phải chi mình đừng có lên hang đạo sĩ để nhờ lão ấy chạy chọt cho thì đâu đến nỗi này.
Hồ Sinh bỗng choàng dậy vì có một tiếng động rất dữ dội. Hắn mở mắt thì té ra mình vẫn còn nằm trên chiếc giường thứ hai của nhà đạo sĩ, chân đạp phải cơi trầu lăn xuống đá đánh choảng một tiếng, miếng trầu còn lại lăn lóc giữa đường. Còn đạo sĩ miệng vẫn còn nhai trầu, mắt lim dim, chợt ngồi dậy hỏi hắn:
- Bây giờ chúng ta sẽ bàn một chút. Anh sẽ cầm thư của tôi đến cụ Thượng..."
Nhưng lúc này Hồ Sinh không còn đủ can đảm để tính chuyện danh phận nữa. Hắn vội nhả miếng trầu đang ngậm ở miệng và cáo từ ra về. Từ đó, hắn trở nên một tay làm ăn chí thú trên ruộng đất của mình[1].
KHẢO DỊ
Tương tự với truyện của ta, trong kho tàng điển cổ của Trung-quốc có truyện Giấc mộng Nam-kha (hay Giấc mộng kê vàng) cũng rất phổ biến ở Việt-nam.
Lư Sinh đời Đường, một hôm mặc áo cừu ngắn cưỡi ngựa câu sắp đi săn, gặp đạo sĩ Lã Đồng Tân ở quán Hàm-đan. Chàng kêu khổ. - "Sao mà khổ?", đạo sĩ hỏi. - "Tài trai lập công to làm quan lớn, ăn ngon mặc tốt, nghe hát hay, họ hàng vẻ vang. Tôi tuổi đứng bóng vẫn còn chân lấm tay bùn". Đạo sĩ bèn rút cái gối trong đãy ra trao cho anh chàng và bảo: - "Gối vào gối này sẽ được vinh hiển như nguyện". Bấy giờ chủ quán đang quấy một nồi cháo kê. Lư Sinh kê gối nằm ngủ thấy mình lấy vợ họ Thôi đẹp và giàu. Rồi đỗ tiến sĩ làm quan đến tiết độ sứ, cầm quân phá được giặc, trải mười năm làm tướng. Cả triều đình ghen ghét, gièm pha rằng việc thông biên giới của Lư là có ý định làm phản. Lập tức anh bị bỏ ngục. Sợ quá, Lư Sinh khóc lóc bảo vợ: - "Ta vốn làm ruộng ở Sơn Đông, cấy dăm ba mẫu không đến nỗi đói rách, quan quý chi đến nỗi này. Bây giờ dầu muốn áo ngắn ngựa câu rong chơi săn bắn sao được?". Toan tự tử, vợ con không cho. Dần dần vua biết oan, phục chức cũ. Về sau Lư Sinh có năm con trai, đều đỗ cao làm quan to. Con sinh đẻ được hơn mười cháu, kết hôn với con nhà vọng tộc, Lư Sinh sống ngoài tám mười tuổi thì chết.
Bỗng nhiên chàng bừng mắt tỉnh dậy, thấy mình còn nằm mà nồi kê vẫn chưa chín. Lấy làm quái lạ, nói: - "Ô hay, đây là chuyện chiêm bao ư?". Lã Đồng Tân cười: - "Ấy, trò đời cũng thế cả".
Trong Liêu trai chí dị có truyện Giấc mộng kê vàng thứ hai (Tục hoàng lương):
Hiếu Liêm họ Tăng đi chơi với các bạn dòng sang, vào chùa Tỳ-lư nhờ một nhà sư chiêm tinh bói số vận. Sư bảo chàng sẽ làm tể tướng trong hai mươi năm. Mọi người chúc tụng. Tăng đùa phong chức cho các bạn. Nhân mưa, nghỉ lại, mộng thấy có hai trung sứ đến triệu vào cung, được vua phong làm tể tướng. Vinh hiển rồi, Tăng đền ơn trả oán. Dần dần ăn của đút, hiếp gái đẹp, không việc gì không làm. Sau có người làm sớ vạch tội, các quan cũng tố cáo. Tăng bị trích làm quan Vân Nam. Trên đường đi bị quỷ bắt xuống âm phủ chịu hình phạt vạc dầu núi dao, nuốt sắt nóng. Sau đó chuyển kiếp làm con gái một người hành khất chịu đói rét. Mười bốn tuổi gả làm thiếp cho một tiến sĩ họ Cồ, bị vợ cả hành hạ. Một hôm có hai tên giặc giết mất chồng, bị vợ cả vu là đưa trai về giết, việc lên quan, chịu tra tấn kêu khóc ầm ĩ. Bỗng nghe tiếng bạn gọi, Tăng tỉnh dậy. Sư bảo: - "Quẻ bói nghiệm chăng?". Đáp: - "Xin cám ơn chỉ giáo". - "Nếu theo đường nhân đức thì trong lò lửa có sen tươi". Lúc về, lòng công danh nguội lạnh. Tăng về sau bỏ đi, không rõ đi đâu.
Tương tự với các truyện trên, người In-đô-nê-xi-a (Indonesia) có truyện Chiếc chiếu đạo sĩ:
Một gã tham lam độc ác, một hôm mượn bạn năm mươi nén bạc đi buôn. Dọc đường, hắn làm quen rồi giết chết một lái khác để chiếm lấy bị vàng. Với số vàng đó, hắn lần lượt đút lót để được bổ quan huyện, rồi quan tỉnh, rồi tổng đốc, v.v... Lần cuối cùng, được lệnh trên, hắn cưỡi ngựa cùng mười người thân tín về kinh nhậm chức. Vào nghỉ ở một ngôi chùa, hắn bắt đạo sĩ phải dọn chỗ nằm. Đạo sĩ nói: "Bần đạo có một chiếc chiếu đan bằng tre chẻ mỏng, nó có phép ai ước gì trong mộng đều thấy cả". Nằm lên, hắn mơ thấy mình chém chết đạo sĩ cướp lấy chiếc chiếu. Trên đường về kinh có tin vua vi hành, hắn mưu với tể tướng - là người cất nhắc hắn - giết vua. Khi tể tướng lên ngôi vua thì phong hắn làm tể tướng, nhưng hắn lại muốn làm vua, nên nhân lúc đi săn, hắn bắn chết vua mới, nhưng bị quân đội của thái tử đánh cho đại bại. Hắn chạy bán sống bán chết đến ngôi chùa hắn đã giết đạo sĩ cướp chiếu. Trốn vào chùa hắn bị vấp ngã, giật mình tỉnh dậy, vừa nghe có tiếng: - "Bắt lấy nó". Có mấy người chạy vào, hắn hốt hoảng chạy vào rừng nhưng cuối cùng bị tóm lôi về chùa.
Thì ra, một người lái đò ngày xưa vẫn còn sống, làm nhân chứng cho vụ án giết người lấy bị vàng mà hắn là thủ phạm. Nhân có thái tử đi tuần tra, người lái đò tố cáo, thái tử ra lệnh lùng bắt, đúng vào lúc hắn đang ngủ ở ngôi chùa cổ. Nhưng hắn thì cứ tưởng thái tử đến bắt về tội giết vua trong giấc mộng. Bị tra khảo, hắn thú tội giết người lái lấy bị vàng, đồng thời thú cả tội giết vua.
Thái tử sai giải hắn về kinh xử tử[2].
Loại truyện có đề tài giấc mộng kê vàng cũng khá phổ biến ở một số dân tộc.
Truyện của Ấn-độ đại khái như sau: Có một ông vua nghe tin một bà phù thủy có tài bèn mời đến bảo trổ tài cho mình xem. Bà ta đến nhìn thẳng vào mắt vua. Bỗng vua mê man thấy mình cưỡi một con ngựa đen, ngựa phi rất nhanh đưa mình đến một nơi xa xăm và hoang vụ thì dừng lại. Vua thơ thẩn đi tìm cái ăn vì quá đói. Sau đó gặp một cô gái mang cơm, vua xin ăn. Cô gái nói: - "Tôi thuộc đẳng cấp thấp hèn, bàn tay "dơ bẩn" không thể dâng cơm hầu ngài được". Nhưng vì đói quá vua vẫn phải ăn cơm của cô, và vì tình thế bắt buộc vua đành phải lấy cô là vợ. Hai người ăn ở với nhau trong hoàn cảnh hết sức gian khổ lần lượt sinh được 4 con. Ngày lại ngày nối nhau qua, gia đình trải bao lần đói kém. Một lần hạn hán, đứa bé đói lâu ngày chết, vua già lụ khụ hy sinh cho vợ con sống sót thì vừa tỉnh dậy. - "Ôi! 70 năm trời một giấc ngủ ra!". Bà phù thủy nói: - "Vâng ngài mới nằm được một tẹo thôi."
Truyện của Mông-cổ cũng tương tự truyện Ấn-độ, một bà phù thủy cho một ông vua chung sống trong giấc mộng với một người đàn bà nghèo hèn, trải qua nhiều lần đói khổ chật vật sinh được hai đứa con, cho đến lúc cực kỳ nheo nhóc mới tỉnh dậy thì chén trà do vua sai người hầu rót vẫn chưa nguội.
Truyện của Tây-ban-nha (Espana): Có một mục sư nghe tiếng một bà phù thủy giỏi nên tìm đến nhờ giúp cho mình trở thành một người có địa vị cao tột. Thấy bà từ chối, mục sư cố ép. "Nếu tôi làm theo yêu cầu thì phải cho tôi cái gì mà tôi muốn". "Đồng ý". Mụ bèn bảo người nhà đầy tớ gái bắt con gà rừng vặt lông. Mục sư bỗng thiếp đi và trong giấc mơ quả đạt được ý muốn thay chân vị Giáo hoàng đương kim mới chết. Nhưng khi bà phù thủy đến xin đứa con trai thì ông không thuận. "Con trai tôi để làm Hồng y giáo chủ". Bỗng chợt tỉnh dậy thấy mình vẫn là mục sư mà thịt gà vẫn chưa chín.
[1]. Theo Sê-ông (Chéon). Sưu tầm mười một truyện An-nam (bản gốc).
[2]. Theo Đinh Tú. Truyện cổ tích Nam-dương.